nhà văn Lâm Chương
1.
Sơn Ca
và mèo ngủ chung, mèo nằm trong lòng nó như một đứa em cưng. Nó thường
vuốt ve, nhiều lúc còn hôn lên cái mũi hồng hồng của mèo nữa.
Ông Lâm nói: “Con không nên hôn mèo.”
“Why?” Nó hỏi.
Ông Lâm không thích lối hỏi cộc lốc theo kiểu người Mỹ. Ông dặn các con, ngoài thì giờ ở trường, về nhà phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Tập cái lễ độ của người Á Đông. Ông sợ con ông quên nguồn gốc giống nòi, và kể với nó về chuyện Lạc Long - Âu Cơ trăm trứng trăm con.
Nó hỏi lại: “Chuyện ấy có thật không?”
“Đã bảo rằng truyền thuyết thì đừng hỏi thật hay giả.”
“Nhưng con hỏi để tìm hiểu.”
Trong gia đình, ông Lâm cảm thấy có điều gì không ổn đối với các con. Chẳng hạn, khi ông nhắc về một xứ sở xa xôi, có một nền văn hiến bốn ngàn năm đầy tự hào của ông. Nghe xong, đứa con gái lớn ngồi trầm ngâm. Tưởng nó đã thấm nhuần tư tưởng do ông truyền đạt, ông đặt câu hỏi để rà lại sự hiểu biết của nó.
“Con nghĩ thế nào?”
“Con nghĩ, Mỹ chỉ có hơn hai trăm năm lập quốc, mà tiến bộ văn minh kinh khủng. Còn bốn ngàn năm văn hiến, sao quá èo uột.”
“So sánh thế là bất công với tổ tiên mình. Nhìn tới nhưng phải biết ngó lui, con ạ!”
Và ông nêu những sự kiện hào hùng trong quá khứ dân tộc để con ông ngó lui.
Nó nhận xét: “Cả một pho lịch sử thấm đầy máu và nước mắt.”
“Chỉ có thế thôi sao?”
“Thế thôi!”
“Con không thấy tiền nhân của mình rất anh hùng sao?”
Đứa con gái e dè hỏi lại: “Ba cho phép con nói thật không?”
“Nói đi. Thành thật là đức tính đáng quý.”
“Anh hùng, nhưng hiếu chiến quá.”
“Tổ cha bây! Chưa chi đã phản lại giống nòi. Tiền nhân ta chống lại thằng ăn cướp, đánh đuổi ngoại xâm là ý chí quật cường mà gọi rằng hiếu chiến à?”
Thấy ông Lâm nổi sùng, đưa con gái không dám mở miệng. Nó đã có kinh nghiệm, khi ba nó trừng mắt lớn tiếng, nó nên im lặng cút đi nơi khác.
Cũng vì nguồn gốc dân tộc và bảo tồn văn hoá, đôi khi ông Lâm làm người khác phải ngỡ ngàng. Có lần, ông đến thăm người bạn, gặp lúc nhà đang có khách.
Con của bạn và những bạn của nó, chào ông bằng cách đưa tay vẫy vẫy, miệng nói: “Hi! Hi!”
Ông Lâm khó chịu với kiểu chào có vẻ đồng đẵng này. Ông cho thế là trịch thượng.
Ông miễn cưỡng chào lại, và hỏi cho có chuyện để hỏi: “Các cháu còn đi học hay đã đi làm?”
Chúng cứ ngớ ra, không hiểu.
Vợ người bạn vội đỡ lời: “Tụi nó không biết tiếng Việt đâu. Tất cả đã ra trường, đã đi làm. Toàn là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư cả đấy.”
Cách giới thiệu của bà, ông Lâm thấy có hàm ý hãnh diện khoe khoang.
Ông nói: “Tụi nó là những con dơi.”
“What’s koan giơi?” Chúng trố mắt nhìn nhau.
Có đứa thông dịch: “The bats.”
“Why? Why?”
Lại cũng kiểu hỏi cộc lốc.
Ông Lâm cười khinh khỉnh: “Con dơi nhập bầy với chim. Chim nói, mày không phải chim, mày có mỏ chuột lông mao, hãy về chơi với chuột. Dơi về nhập bầy với chuột. Chuột nói, mày không phải chuột, mày có cánh biết bay như chim, hãy về chơi với chim. Cuối cùng, dơi chẳng nhập được với loài nào. Các cháu cũng thế. Mỹ không nhận mũi tẹt da vàng là người đồng chủng. Quay về với Việt, thì không biết nói tiếng Việt, làm sao hội nhập?
Sau khi nghe thông dịch, chúng kêu lên: “Koan giơi. Koan giơi.” Và nhún vai cười hô hố.
Bà vợ ông chủ nhà hơi ngượng, vì ông Lâm chẳng những đã không tâng bốc vị nễ các sĩ các sư, lại còn giở giọng châm biếm mỉa mai một cách kỳ quặc. Ngày ấy trở đi, hai bên ít khi lui tới.
Đối với Sơn Ca, ông đã dặn rồi nhưng một lúc bất chợt nào đó, nó vẫn “why” với ông. Lần này, ông chỉ thoáng nhíu mày.
“Lông mèo vào phổi sẽ bị ho lao.”
“Cô giáo của con không dạy như thế.”
“Nhưng ngày ba còn nhỏ, bà nội của con đã dạy ba như thế.”
Con bé có vẻ suy nghĩ: “Ho lao là do vi trùng. Lông mèo đâu phải vi trùng. Sao bà nội dạy ba kỳ vậy cà?”
“Không kỳ cà gì cả. Hít lông mèo vào mũi, nếu không ho lao thì cũng bị hen suyển.”
“Con phải hỏi lại cô giáo.”
Vì Sơn Ca sẽ hỏi lại cô giáo về tác hại của lông mèo nên ông Lâm điện thoại đến nhà cô giáo trước, kể chuyện Sơn Ca hôn mèo, và nhờ cô nói giúp là lông mèo làm ho lao hoặc hen suyển.
Cô giáo phản đối: “Tôi không thể nói điều trái y học.”
“Thế cô cũng tán đồng cho nó hôn mèo?”
“Không phải. Tôi chỉ nói không nên hôn mèo vì vấn đề vệ sinh.”
“Nếu đặt vấn đề vệ sinh thì mèo đâu phải con vật dơ bẩn?”
“Thưa ông, không nên đi quá xa mục đích yêu cầu của ông. Cứ hãy nhìn lên TV, người Mỹ họ ôm ẳm chó mèo trong lòng và hôn hít, đã có sao đâu?
Ông không muốn thế, tôi sẽ khuyên Sơn Ca đừng hôn mèo. Đơn giản chỉ có thế.”
“Cô cũng nên cho nó biết thêm, rằng chó mèo có thể gây ra dị ứng về đường hô hấp như một số người dị ứng với phấn hoa thảo mộc.”
“Lại nữa! Điều này có lẽ ông phải nhờ một bác sĩ giải thích cho con ông. Tôi là một cô giáo, không có khả năng ôm đồm nhiều thứ.”
“Nhưng con tôi nó tin cô.”
“Chính vì thế mà tôi không thể nói những gì ngoài lãnh vực hiểu biết chuyên môn. Đối với trẻ em, một lần nói sai hoặc thất hứa, những lần sau nó không tin nữa.”
Sơn Ca đặt tên con mèo là Snowball. Nó réo Snowball cả ngày, nhưng con mèo cứ trơ ra như không phải gọi nó.
Ông Lâm nói: “Nó đã có tên rồi. Nó không thích ai gọi nó là Snowball.”
“Tên gì?”
“Meo.”
“Meo. Tên xấu tệ.”
“Nhưng nó thích. Con thử gọi Meo đi.”
Sơn Ca giả giọng mèo kêu meo meo. Con mèo liền đến ngay.
“Còn tên của con, ai đặt vậy?”
“Má mày.”
“Tại sao đặt Sơn Ca?”
“Sơn Ca là tên của một loài chim hay hót. Nó bay rất cao, tiếng hót như vọng xuống từ thinh không nghe lảnh lót vui tai lắm. Con có thích tên của con không?”
“Thích. Nhưng người Mỹ gọi con là Sơn Khê.”
“Họ gọi là gì, kệ họ. Con cứ giữ tên con. Ba rất ghét những mũi tẹt da vàng mà gọi là Mai Cồ, là Biu, là Bóp, là Hé Lìn, là Xí Nì ...”
“Người Mỹ gọi tên ba thế nào?”
“Lâm, nhưng họ phát âm thành Lem.”
“Lamb là con cừu nhỏ, hiền lành dễ thương lắm. Nhưng ba dữ quá à!”
Ông Lâm cười, trìu mến ôm đứa con gái nhỏ vào lòng. Ông hi vọng rằng với đứa con này, ông sẽ dạy nó theo ý của ông. “Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về.” Châm ngôn của ông bà từ ngàn xưa bảo thế. Mấy đứa con lớn, ông coi như sắp vuột ra khỏi tầm tay rồi.
2.
Con Meo Snowball của Sơn Ca
gợi nhớ về một quãng đời cũ, có con Miêu Nữ là con nuôi của Biên Khuỳnh.
Trong trại tù cải tạo có hai Biên. Để phân biệt, Biên thuộc đội đi rừng
kéo gỗ, anh em đặt là Biên Xe Be. Còn Biên tay cán vá của đội Xây Dựng
là Biên Khuỳnh.
Miêu Nữ được Biên Khuỳnh đem về nuôi từ ngày còn tấm bé. Trưa, anh nằm nghỉ trên chiếc võng, Miêu Nữ nằm trên mình anh. Cũng có lúc, anh đặt Miêu Nữ một mình trên võng, ngồi một bên đưa qua đưa lại như người mẹ dỗ giấc con thơ. Tôm khô, lạp xưởng là loại thực phẩm cao cấp của tù, anh nhịn ăn, dành cho Miêu Nữ. Phải nhìn những lúc Biên Khuỳnh nằm nghiêng trên lán sạp, cầm từng con tôm khô đút cho Miêu Nữ ăn mới thấy hết cái tình của Biên Khuỳnh đối với Miêu Nữ. Cũng có khi anh vuốt ve Miêu Nữ mà đôi mắt buồn xa vắng như đang nhìn về một cõi đâu đâu. Anh em trong đội rất cảm thông giờ phút “sầu đứt ruột” ấy của Biên Khuỳnh.
Những năm tù cải tạo ngoài miền Bắc, Biên Khuỳnh không ai thăm nuôi. Lâu lâu, nhận được thư mẹ già, cũng chỉ những lời hỏi thăm và căn dặn yên tâm học tập tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình. Nếu không viết như thế, khi qua tay kiểm duyệt, bức thư sẽ đi thẳng vào sọt rác. Đó là những câu phải viết theo “thủ tục hiện hành”. Nhưng bà còn phải đáp ứng cho Biên Khuỳnh biết gia đình vợ con ra sao chứ? Không, bức thư không cho anh biết thêm điều gì, ngoài hai câu trích dẫn trong truyện Kiều:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (ND)
Xã hội nào mà không có những đau đớn lòng. Nhưng điều đau đớn lòng, mẹ anh trông thấy là điều gì? Biên Khuỳnh mù tịt!
Khi Biên Khuỳnh được chuyển từ miền Bắc về Long Khánh, ở trại Gia Rai - Xuân Lộc. Theo lời cán bộ, đưa đợt tù này về Nam, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục cải tạo tốt. Nghe tin, mẹ anh từ Nha Trang, đáp tàu đi Long Khánh, lên xe đò đi Xuân Lộc, ngồi xe Lam vào Gia Rai, lội bộ thêm một khoảng đường giữa hai hàng cây so đủa dẫn tới nhà khách thăm nuôi. Lần đầu tiên sau bao năm đi tù, Biên Khuỳnh được thăm nuôi. Gặp nhau, hai mẹ con đều rớt nước mắt vì thấy tình trạng sa sút đến thảm hại của người thân. Không biết mẹ già đã nói những gì, Biên Khuỳnh buồn hiu, tịnh khẩu mấy ngày. Dần dần rồi anh em đội Xây Dựng cũng hiểu ra nỗi niềm của anh. Người đàn bà hết dạ yêu anh một thuở, tưởng “sông có cạn, núi có mòn” tình vẫn không thay đổi, đã đành đoạn cuốn gói đi theo người khác. Mà người khác lại đang thời hãnh tiến, thuộc phía đối nghịch cùng anh. Hai đứa con anh như cụm lục bình trôi theo mẹ, bềnh bồng vất vưởng, bữa đói bữa no. “Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, mẹ Biên Khùynh viết trong thư là thế.
Trong trại, không chỉ Biên Khuỳnh bị vợ bỏ. Nhiều người cũng ở vào trường hợp tương tự như anh, nhưng mỗi người hành sử mỗi khác. Ở tù là một bất hạnh. Gia đình vợ con tan nát là thêm một bất hạnh nữa. Nỗi đau khổ chồng chất quá lớn, đã xô con người vào đường cùng. Có người cắt động mạch, hoặc thắt cổ tự vận. Có người lao đầu vào lò lửa đang cháy rực, tự nướng mình. Có người nhảy vô chảo nước sôi, tự luộc mình. Anh em bằng hữu sợ một lúc quẩn trí nào đó, Biên Khuỳnh liều mạng. Nhưng anh không làm thế.
Anh nói: “Đàn bà trắc nết bạc tình là chuyện thường. Chỉ tội cho con cái khổ lụy vì người mẹ lăng loàn hư đốn.”
Để khuây khoả nỗi buồn, Biên Khuỳnh xin một con mèo nhỏ đem về nuôi. Ngoài những giờ đi lao động, anh và mèo quấn quít bên nhau. Tình thương hai đứa con trôi giạt, anh phả hết vào con mèo. Anh em đội Xây Dựng đặt tên cho mèo là Miêu Nữ, con nuôi của Biên Khuỳnh.
Miêu Nữ dễ thương hết sức. Hai tròng mắt xanh lục màu ve chai. Bộ lông trắng mịn, vá thêm mảng lông màu vàng nhạt, như một thiếu nữ quàng tấm khăn san trên cổ. Nó đi nhẹ nhàng, ăn uống nhỏ nhẻ như cô gái dịu dàng đằm thắm.
Thời gian rồi cũng làm cho nỗi đau buồn của Biên Khuỳnh nguôi ngoai dần, vết thương thành sẹo. Miêu nữ lớn lên trong tình thương của anh. Đến kỳ Miêu Nữ “biết yêu”, anh em đội Xây Dựng có rất nhiều đề tài để nói.
Ở tù không biết ngày nào ra, hơi đâu mà buồn hoài. Yếu tố tinh thần rất quan trọng. Nếu cảm thấy ngột ngạt là nhà tù, thoải mái là nhà mình. Có khi mình đóng cửa nằm nhà cả ngày, đã có sao đâu. Nhưng nếu ở trong phòng giam, mình cảm thấy khó chịu. Tất cả đều do cảm ứng tinh thần mà ra. Hãy bỏ qua hết mọi thứ phiền não để mà sống, và cũng đừng tự hỏi sống như thế có ý nghĩa gì không. Ở tù, hãy lo mạng sống trước, còn sống thế nào cho ý nghĩa, dành cho những người đang ở ngoài vòng lao lý. Cứ coi như đây là nhà của mình thì thời gian năm năm, mười năm sẽ qua vèo như giấc ngủ trưa. Chàng Moritz trong “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” sống qua được hai mươi năm trong tù, nhờ cái đầu anh ta ít suy nghĩ. Triết gia Traian tự tử sau một thời gian ngắn bị giam cầm, chính vì cái đầu nhiều khúc mắc đã hại anh. Có người lý luận như thế, dù chỉ để an ủi mình. Nhưng nhiều đêm nằm trăn trở trên sạp gỗ, bị lũ rệp tấn công không ngủ được, nghĩ lại cái triết lý sống trong tù ấy, không phải là không đúng. Và Miêu Nữ là một yếu tố quan trọng, làm anh em đội Xây Dựng quên thời gian dài khủng khiếp của trại tù.
Thời kỳ cơ thể Miêu Nữ bắt đầu rạo rực. Một dấu mốc quan trọng đầu đời. Nhiều anh ý kiến phải tuyển cho Miêu Nữ một tấm chồng thật xứng đôi vừa lứa. Già hết xí quách, không được! Đen đủi xấu xí, không được! Ốm o gầy mòn hoặc béo phì, cũng không được! Tiêu chuẩn làm mẫu được đưa ra: mạnh khoẻ trẻ trung, nhất là bộ áo lông khoác bên ngoài phải đẹp là yếu tố hàng đầu. Con đực xấu hình, sẽ di truyền một đàn con xấu mã.
Cả trại chỉ có Miêu Nữ là con mèo duy nhất, nhưng khi tới tuổi động tình, không biết loài vật thông tin với nhau bằng cách nào, liền có ngay một chàng mèo mướp xa lạ, từ đâu đến ve vãn làm quen.
Một anh ra vẻ hiểu biết: “Loài vật rượn đực có mùa. Trong thời kỳ rượn đực, âm hộ của con cái nở lớn và tiết ra một mùi rất đặc biệt. Đó là dấu hiệu báo cho con đực.”
Anh khác thắc mắc: “Nhưng con Miêu Nữ nhà mình, âm hộ vẫn nhỏ xíu?”
“Nhỏ là vì nó còn trinh, cái hoa của nó đã ửng đỏ lên rồi đấy.”
“Còn cái mùi, có ai ngửi được mùi gì đặc biệt không?”
“Chỉ con vật nó đánh hơi được mùi của nhau thôi. Con người làm sao ngửi được mùi của con vật?”
Có anh lái vấn đề sang hướng khác: “Thế, đàn bà khi động tình, âm hộ có tiết ra mùi gì không?”
Nhiều tiếng cười hô hố sau câu hỏi.
Một anh trả lời: “Đàn bà, bốn mùa thời tiết nắng mưa, bất kể ngày đêm sáng tối, lúc nào cũng có thể làm tình được thì cần chi phải tiết ra mùi này mùi nọ!”
Biên Khuỳnh lên tiếng: “Tôi xin các ông. Đừng nhắc đến cái loài động vật có xương sống thẳng đứng, nhưng không có tình cảm ấy nữa.”
“Loài gì xương sống thẳng đứng, không tình cảm nhỉ?”
“Anh ta ám chỉ đàn bà đấy. Cay cú con vợ nhà phản trắc, rồi ghét lây những người đàn bà khác. Người ta gọi thế là quơ đủa cả nắm.”
“Thôi, bấy nhiêu đủ rồi. Đừng xé vết thương rách ra thêm.”
Sau lời can thiệp, mọi người trở lại đề tài mèo.
“Các anh đồng ý chọn chàng Mướp cho Miêu Nữ không?”
“Mướp là ứng phu duy nhất, không chọn nó thì chọn ai?”
Thế là chàng Mướp đương nhiên trúng tuyển. Nhiều người nói, mèo chỉ giao hợp ban đêm, chưa ai thấy được cái pha cụp lạc ấy bao giờ. Và kế hoạch chương trình được đề ra cho cái đêm động phòng của Miêu Nữ, làm sao để mọi người có thể quan sát rõ ràng.
Có người lên tiếng thẳng thừng: “Đừng tránh né sự thật. Cứ nói ngay là thị dâm đi.”
Buổi tối. Trong phòng giam của trại tù Z30B Gia Rai, Xuân Lộc, Miêu Nữ bị cột dưới sàn bằng sợi dây dài. Mục đích dụ chàng Mướp vào phòng. Miêu Nữ kêu meo meo, có vẻ xốn xang. Mướp lượn vòng bên ngoài, cũng kêu meo meo. Kêu hoài không thấy tình nhân, Mướp chồm lên cửa sổ nhìn vào. Cuối cùng, do tiếng gọi tình yêu thôi thúc, chàng phóng qua cửa sổ, vào với nàng.
Mọi người tránh gây tiếng động, sợ làm Mướp sợ. Một số nằm trên sạp gỗ, thòng đầu nhìn xuống sàn. Một số lót tấm nylon, nằm dưới nền nhìn cho rõ.
Lúc đầu, Mướp ta chưa dám xáp
gần. Chàng lượn quanh Miêu Nữ, nhìn tới nhìn lui, quan sát động tịnh.
Mướp lượn tới đâu, Miêu Nữ quay nhìn theo đó, chứng tỏ nàng cũng đang
thèm muốn lắm. Thấy tình hình có vẻ khả quan, Mướp khép vòng lượn, xáp
lại gần, cọ mình vào Miêu Nữ. Nàng ngước đầu, vươn cổ đợi chờ. Chàng âu
yếm vuốt ve cần cổ êm mướt như nhung của nàng bằng cái đầu của mình.
Miêu Nữ đê mê làm cái đuôi xù lông, dựng đứng lên. Mướp tưởng đã có thể
tiến thêm một bước nữa, bèn đặt chân trước lên lưng Miêu Nữ, đè xuống.
Bất ngờ nàng kêu “méo”, và cào vào mặt chàng.
Mướp giật mình phóng ra xa.
Mướp giật mình phóng ra xa.
Có người la lên: “Gái còn trinh mà bị tấn công sỗ sàng quá, nó mắc cỡ. Phải từ từ!”
“Mắc cỡ mẹ gì! Nàng muốn treo giá ngọc đấy. Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người, thơ của cụ Tiên Điền dạy thế.”
“Suỵt! Suỵt! Làm ơn câm bớt mấy cái mồm giùm tôi đi!”
Sau một phút ngỡ ngàng, Mướp lấy lại bình tĩnh, đến gần ve vãn nữa, làm lại cái màn mơn trớn từ đầu. Vài lần như thế, và lần nào khi tới giai đoạn đè Miêu Nữ xuống, Mướp cũng bị nàng cào cho rách mặt. Trên tình trường, Mướp đã từng nhiều lần xông pha trận mạc nên có thừa bản lảnh và kinh nghiệm. Gặp trường hợp quá khó, phải dùng biệp pháp mạnh: cưỡng dâm. Mướp cắn cổ, đè Miêu Nữ. Nàng la lớn, vùng vẫy dữ dội. Kẻ bạo dâm chưa làm ăn gì được, đã bị nàng cào cắn tơi bời. Chàng nhảy ra, đứng trơ tráo nhìn nàng và thở. Nàng gồng mình, xù lông, nhe nanh trong tư thế sẵn sàng xé xác con quỷ râu xanh.
“Hahaha. Miêu Nữ nhà mình gìn giữ tiết trinh quyết liệt hơn Kiều Nữ của Nguyễn Du.”
Biết gặp phải chằn tinh nữ quái, chàng thất vọng quay mình phóng qua cửa sổ, ra ngoài.
Mất dịp thị dâm, có anh chưởi thề: “Đù mạ, ép duyên cũng không xong.”
Một anh nói như vừa phát giác ra chân lý: “Thế mới biết, trên đời này làm gì có chuyện hiếp dâm. Nếu nó không chịu, cứ giãy giụa hoài, đố thằng nào đút vô cho lọt!”
Mọi người đi ngủ để lấy sức ngày mai lao động. Và Biên Khuỳnh tháo dây, thả Miêu Nữ.
Không biết Miêu Nữ lẻn ra hồi nào. Giữa khuya, nghe tiếng mèo tru tréo kêu la đau đớn ngoài hàng rào trại.
Vài anh choàng dậy.
“Xong rồi! Miêu Nữ đã bị phá trinh.”
“Mất trinh làm gì mà kêu la dữ dội thế. Đúng là con Miêu Nữ nhà mình bị bệnh khổ dâm.”
Miêu Nữ có mang. Chàng Mướp quất ngựa truy phong biến dạng. Trên cõi đời nhiều gian trá này, tên Sở Khanh nào cũng giống nhau. Nói năng đường mật. Chìu chuộng vuốt ve. Thề thốt đủ điều. Đời này không có em, anh sống không còn ý nghĩa, cho nên anh có thủ sẵn một chai thuốc rầy. Nếu em lắc đầu từ chối, anh sẽ nốc cạn chai thuốc này, tự tử trước mặt em. Nghe những lời chí tình, nàng xiêu lòng để cho chàng tháo sợi dây lưng quần. Thế là xong! Nhưng khi nàng bắt đầu đặt vấn đề trách nhiệm là lúc chàng tìm đường rút lui. Chàng Mướp thuộc loại cao thủ trong hàng cao thủ Sở Khanh. Cặp bồ với Miêu Nữ một thời gian rất ngắn, Mướp trốn đi không lời từ giả, để lại cho Miêu Nữ một bầu tâm sự.
Biên Khuỳnh trách nhiệm săn sóc “bà bầu”, theo dõi thai nhi. Anh em đội Xây Dựng tiếp tay trong vấn đề thực phẩm, có được món ngon cũng chia phần cho Miêu Nữ bồi dưỡng.
Một hôm, Biên Khuỳnh sờ bụng Miêu Nữ, kêu lên: “Tôi nghe nó máy rồi!”
Anh em bu lại, người nào cũng muốn thăm thai Miêu Nữ. Đặt bàn tay lên cái bụng bầu vuốt nhẹ, rồi để yên nghe ngóng.
“A ha... Nó chòi cộm cả tay tôi.”
“Nó đạp dữ quá!”
“Ấy! Đừng bóp mạnh, coi chừng sẩy thai.”
“Tôi nghe lúc nhúc cả một bụng. Lứa này dễ chừng cũng được mười con.”
“Làm gì có. Mèo chứ đâu phải heo mà đẻ nhiều thế?”
“Anh nghĩ bao nhiêu?”
“Từ ba đến năm là cùng.”
“Theo kinh nghiệm, tôi biết mèo cũng như cọp, chỉ đẻ tối đa hai con.”
“Bố khỉ! Chả có thằng nào kinh nghiệm hết. Chỉ nói phét!”
“Xin can các ngài. Miêu Nữ mang thai mệt mỏi, nó cần nghỉ ngơi. Các ngài cứ rờ mò, nắn bóp hoài. Sẩy thai mất!”
Đội Xây Dựng trông chờ ngày Miêu Nữ lâm bồn. Chưa chi mà nhiều anh đã đặt cọc trước. Anh nào cũng muốn có một con mèo nhỏ để nuôi.
Biên Khuỳnh kiếm đâu được cái thùng carton, bỏ vào đấy một manh bố, vài miếng giẻ rách lót ổ cho Miêu Nữ nằm cử. Và ngày ấy thật vô cùng đặc biệt. Miêu Nữ nằm trong thùng kêu meo meo, bức rức không yên. Biên Khuỳnh ngồi một bên, thỉnh thoảng đưa tay vuốt đầu Miêu Nữ để an ủi. Nhiều người đứng chung quanh, hai tay chống đầu gối, chổng khu nhìn vào. Đây mới là giờ phút “đàn bà đi biển một mình”. Miêu Nữ rướn mình. Rặn. Một cái đầu bé tí thò ra. Lại thụt vào. Rặn nữa. Lại thò ra. Rồi nguyên cái đầu lòi ra luôn, tới cổ bị mắc kẹt, khựng lại. Miêu Nữ hết hơi, ngưng rặn, và thở lấy sức.
“Phải giúp Miêu Nữ, lôi hài nhi ra.” Một bàn tay thò vào.
Biên Khuỳnh cầm chiếc đủa, gõ mạnh bàn tay: “Đừng! Để tự nó đẻ.”
Có anh sớn sát kêu lên kinh ngạc: “Sao nó đẻ bằng lỗ đít nhỉ?”
“Điên! Chỉ có chị của ông đẻ bằng lỗ đít. Chứ mèo phải đẻ bằng âm hộ.”
Hiệp thứ hai. Miêu Nữ lấy hết sức. Rặn nữa. Phọt ra nguyên một sinh vật bằng ngón chân cái và trơn nhớt có bọc nhờn bao quanh. Nhiều người thở phào. Hình như trong lúc Miêu Nữ rặn, nhiều người cũng rặn theo.
Có tiếng reo: “Mèo đẻ bọc điều. Con này đúng là quý tử.”
“Con nào mới ra cũng nằm trong bọc như nhau. Chả có gì lạ.”
Miêu Nữ quay lại liếm sạch chất nhờn cho con. Sinh vật hiện nguyên hình đỏ hỏn, hai mí mắt còn dính liền không mở được. Nếu không tận mắt nhìn thấy mèo đẻ, chưa chắc ai đã đoán được sinh vật đang ngo ngoe này là một con mèo con.
Miêu Nữ đẻ chưa xong. Tiếng kẻng từ ngoài cổng vang lên, báo hiệu giờ xuất trại lao động buổi chiều. Mọi người dãn ra, chuẩn bị đi làm. Mấy lần Biên Khuỳnh rời thùng carton, nhưng Miêu Nữ chồm lên, kêu meo meo réo gọi. Anh quay lại, ngồi kế bên. Miêu Nữ lại nằm xuống, chuẩn bị đẻ tiếp. Miêu Nữ cần sự có mặt của Biên Khuỳnh, và anh cũng không nỡ rời xa con vật trong cơn đau đẻ. Lần đầu tiên, anh em đội Xây Dựng thấy được chân tình thiết tha gắn bó giữa người và vật, ai cũng cảm động. Anh em đề nghị Biên Khuỳnh khai bệnh nghỉ lao động, ở lại lán để đỡ đẻ và săn sóc cho Miêu Nữ.
Trước khi rời trại, có anh dặn: “Nhớ giữ cái nhau mèo. Quý lắm đấy.”
“Giữ lại làm gì? Các ông định ăn sao? Nghe nói, ăn nhau người để tẩm bổ hay trị bệnh gì đó, nhưng phải là nhau của đàn bà con so mới tốt. Còn nhau mèo, chưa nghe nói có ai ăn. Các ông định tẩm bổ hay trị bệnh?”
“Không phải ăn. Ai làm chủ cái nhau mèo, sẽ gặp nhiều điều hên.”
“Nhảm! Thế mà cũng có người tin được.”
“Không tin thì để cho người khác tin. Việc gì phải phê bình chỉ trích?”
Một anh lên giọng dạy đời: “Trong cơn tuyệt vọng, đôi khi niềm tin là chiếc phao cứu mạng. Trên đường đời, lấy niềm tin để xoa dịu những bất trắc đớn đau, làm hành trang đi tới. Kẻ nào không có niềm tin, thấy tương lai chỉ là một hố huyệt bi thảm sau cùng.”
“Ha ha ha... Từ một cái nhau mèo, sinh ra lắm câu triết lý cải lương!”
Suốt khoảng đường từ trại đến hiện trường lao động, cái nhau mèo và niềm tin là đề tài bàn luận của anh em đội Xây Dựng.
Miêu Nữ sinh tư. Một thằng Cu, lông mướp giống bố như in. Ba cái Bướm, lông trắng vá vàng như mẹ. Miêu Nữ đúng là mẹ đảm, vừa lo bắt chuột nuôi thân, vừa cho con bú mớm chu đáo. Bầy con lớn nhanh như thổi. Sau một thời gian ngắn, thằng Cu Mướp vượt trội và bộc lộ cái tính hung hăng giành giật. Khổng Tử viết: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, e rằng không đúng với trường hợp Cu Mướp. Mỗi lần bú, nó đạp con này, hất con kia. Và khi cái vú nó đang bú hết sữa, nó sẵn sàng dùng đầu ủi văng những con khác để chiếm lấy cái vú nào còn mọng sữa. Nhìn bản chất mà đặt tên, anh em đội Xây Dựng đặt cho nó cái tên rất ư là phá hoại xã hội: Thằng Ăn Cướp.
Ban ngày là thời gian Miêu Nữ cho con bú và nghỉ ngơi. Đêm, nó ra ngoài, lẫn vào bóng tối, dầm trong sương đêm, rình rập săn mồi, tha chuột về cho con. Chuột lớn, nó xé ra từng mảnh cho con dễ ăn. Chuột nhỏ, nó không cắn chết, chỉ làm con vật mất đi sự lanh lẹ, để con nó tập vờn, chụp, bắt cho quen việc săn mồi. Lần nào, Thằng Ăn Cướp cũng giành lấy để tập, và ăn một mình. Anh em đội Xây Dựng thường gõ đầu, dạy cho nó biết thế nào là luật công bằng. Nhưng Thằng Ăn Cướp vẫn tính nào tật ấy, không thay đổi.
Chăm chỉ nuôi con được ba tháng, Miêu Nữ bắt đầu ruồng rẫy đàn con. Nó lại động đực, và đi tìm tình nhân mới. Khi nó nằm, đứa con nào còn quyến luyến mẹ, mon men tới gần cọ dựa, bị nó vả vào mặt, nhe nanh làm dữ rồi đứng dậy lạnh lùng bỏ đi.
Dù biết đấy là bản năng bản năng tự nhiên của loài vật, nhưng có anh cũng mượn cớ chửi xéo: “Đồ hư đốn mê trai, nhẫn tâm dứt tình mẫu tử.”
Anh khác thêm vào: “Thế cũng còn khá. Miêu Nữ nhà mình nuôi dạy con cho đến ngày biết tự lập. Nhiều bà vừa đẻ con ra, liền thả trôi sông, hoặc bóp mũi ném vào thùng rác như ném một món nợ đời. Hạng ấy còn thua xa Miêu Nữ.”
Biên Khuỳnh bực dọc: “Tại sao chuyện gì các ông cũng bắt quàng sang loài động vật có xương sống thẳng đứng?”
“Đừng cay cú bạn ạ! Trong đội Xây Dựng, bạn không phải là người duy nhất bị vợ bỏ. Và nếu tính cả trại, khối thằng khác còn đau hơn bạn nữa. Hãy chịu khó động não một chút đi. Ở tù, có vợ hay không, đều như nhau cả. Mai kia được thả ra ngoài. Thằng nào còn vợ thì cứ thế mà tiếp tục cuộc chơi. Thằng nào mất vợ thì bỏ thời gian đi quơ quào đâu đó, cũng kiếm được một con đàn bà điền vào khoảng trống. Trên quả đất lúc nhúc đầy người ta này, không thiếu giống cái.”
“Nói nghe dễ! Người chứ đâu phải vật mà bạ đâu xâu đó?”
“Hừm! Cứ suy tận cùng bằng số, mọi sự gán ghép giữa nam và nữ, đều vì cái ấy của nhau thôi!”
Một anh lên giọng mô phạm, phê bình: “Đúng là lý luận của bọn háo dâm, tôn thờ dục lạc!”
Một ngày, Biên Khuỳnh cùng nhiều người khác, được lệnh tha khỏi trại cải tạo. Trong thời gian chờ làm thủ tục phóng thích tù nhân, Biên Khuỳnh đan một cái lồng trúc, dự định sẽ đem Miêu Nữ về cùng anh. Bằng hữu nói, giới xe đò thường tin dị đoan, không chịu chở mèo, sợ bị điềm xui gây ra rũi ro dọc đường. Và khuyên anh nên để Miêu Nữ lại cho đội Xây Dựng nuôi, để chuyến đi về của anh khỏi gặp trắc trở.
Cuộc chia tay nào cũng buồn. Nhưng cuộc chia tay giữa Biên Khuỳnh và Miêu Nữ, có pha thêm nước mắt.
Anh ôm Miêu Nữ: “Con ơi, bố không muốn bỏ con, nhưng bố con mình đành phải xa nhau thôi. Một phần máu thịt của con, không biết có hên hay không, nhưng bố giữ nó và luôn mang theo mình như một kỷ vật.”
Biên Khuỳnh móc trong chiếc đãy nhỏ bằng vải, lấy ra một cái nhau mèo đã phơi khô, đưa cho Miêu Nữ ngửi như chứng minh lời nói của mình rồi cẩn thận cất vào trong đãy. Anh bắt tay từ giã anh em đội Xây Dựng, ôm Miêu Nữ lần chót. Hai mắt anh đỏ hoe, cúi mặt xuống sát Miêu Nữ như hôn từ biệt. Mang túi xách lên vai, anh đi thẳng ra cổng trại, không dám quay đầu nhìn lại.
Miêu Nữ không biết đó là lần chia tay cuối cùng với bố nuôi của nó. Nhưng đến tối, nơi chỗ nằm hằng đêm, không thấy Biên Khuỳnh, nó kêu meo meo, và quanh quẩn đi tìm đến tội nghiệp. Những ngày sau, nó vẫn còn thơ thẩn đi tìm. Gặp ai nó cũng ngước lên, kêu meo meo, như hỏi: “Bố tôi đâu rồi?”
Sau đợt thả tù, các trại thưa
người. Ban chỉ huy dồn tù nhân lại để dễ bề quản lý. Trại cũ bỏ trống.
Anh em đội Xây Dựng đem Miêu Nữ và đám con của nó theo. Nhưng chỉ một
đêm, Miêu Nữ bỏ đi đâu mất. Mãi sau này, có người ngang qua trại cũ, ghé
vào tìm vài thứ vật dụng còn sót, thấy Miêu Nữ đã về lại nơi đây, lảng
vảng nơi chỗ nằm có hơi hướm bố nuôi của nó. Lán trại chỉ còn những đồ
đạc phế thải vất ngổn ngang. Và trên sạp gỗ, vẫn còn cái thùng carton
lật nghiêng với manh bố rách. Thời gian phủ lên mọi vật một lớp bụi mờ
mờ. Biên Khuỳnh đi rồi, Miêu Nữ về lại với ai?
dòng đời trôi
Biên Khuỳnh phiêu bạt nơi đâu?
Miêu Nữ có còn quanh quẫn bên chiếc thùng carton,
giữa những điêu tàn hoang phế?
“Ông nói gì thế? Vợ ông Lâm hỏi.
Đang mơ màng hồi tưởng về con Miêu Nữ của những năm còn trong trại cải tạo, nghe vợ hỏi, ông Lâm giật mình: “Không! Chẳng nói gì.”
Quay qua các con, bà nói: “Má thấy nhiều khi ba của tụi bây ngồi lặng hàng giờ, thỉnh thoảng cười vu vơ, nói lảm nhảm một mình. Đó là dấu hiệu của tuổi già. Lú lẩn rồi đấy!”
Đứa con gái lớn: “Con nghe nói những người tù cải tạo ở Việt Nam, tinh thần bị chấn thương, tâm trí mất bình thường. Hay là con đưa ba đến bác sĩ tâm thần khám thử xem sao?”
Ông Lâm cười lớn: “Chỉ có mẹ con tụi bây điên thôi. Con có bao giờ nghe nói, tuổi trẻ nhìn tới tương lai, người già nhìn về quá khứ?”
Lâm Chương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét