Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Tình Đầu hay Tình Cuối - Nguyễn Thị Minh Ngọc

GALLERY | Nguyễn Sơn Gallery Artists 

tranh nguyễn sơn


  1. 1. NHÌN CƠN MỘNG TRÔI – Hiếm ai kết hôn ngay mối tình đầu của mình để tình đầu cũng là tình cuối. Khi Kim kết hôn với Sỹ, cô có biết về Hiền, mối tình đầu sống chết của chồng. Sỹ không kể nhiều về “người xưa”. Kim biết qua bạn bè, ở tuổi đôi mươi, Sỹ và Hiền vượt biên qua hai ngã khác nhau, có hẹn ước nếu lỡ như đường đời trôi giạt, đúng ba mươi năm sau cũng buông hết đời riêng mà tìm cách sống với nhau. Kim nghe qua, cười cái khì, coi như đó là ước hẹn của hai anh chị “trẻ người, non dạ”. Cả Sỹ và Hiền cùng bước lên đất Mỹ ở hai thời điểm và hai thành phố khác nhau. Khả năng gặp lại nhau rất khó ở giai đoạn đó. Hiền phải buông tay trước, vì sinh kế cho cả gia đình đè nặng lên người trưởng nữ. Ngày nhận được thiệp cưới của người yêu cũ, Sỹ đã bấu víu vào lời hẹn ba mươi năm sau để vượt qua nỗi đau. Anh vẫn tin là, “không phải tại anh, không phải tại em” mà “tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau.” (1)

 <!>

 

Rồi Sỹ gặp Kim. Ai cũng khen “đôi lứa, xứng đôi”. Những bạn trai trước của Kim, nhiều người có tài và gia cảnh khá hơn nhưng không ai đẹp trai như Sỹ. Kim nghe bạn bè kể về Hiền, cũng cho Kim là chọn lựa tốt hơn cho Sỹ khi cần người làm mẹ của con mình. Qua lời họ kể, Hiền không hiền như trong ký ức thơ mộng của Sỹ. Họ cho Hiền chọn chồng vì chính cô chớ không phải vì chữ hiếu. Thôi vì chữ gì cũng được, Sỹ đã về cùng nhà với cô, đã cùng cô tạo ra hai đứa con cũng thông minh, xinh đẹp không kém cha mẹ. Họ rước mẹ của Sỹ từ Việt Nam sang. Sỹ làm trong ngành điện, lương chỉ có ngày càng tăng nên Kim nghỉ làm và cô tiểu thư con nhà giàu ở miền Tây năm nào đã hoàn thành xuất sắc vai trò làm dâu với bà mẹ chồng người Huế. Nhiều bậc cha mẹ được con lãnh sang Mỹ, ở xong giai đoạn phụ con trông cháu là ngán ngẫm đòi về. Nhưng mẹ của Sỹ thì thấy an tâm sống với con cháu trên xứ người. Ai cũng nói có công của “dâu thảo” Kim góp vào khá lớn.

Rồi mùa hè năm đó, Kim được biết cái hẹn ba mươi năm ấy của chồng mình vừa đến. Tin nhắn tới là Hiền đã sớm ly dị chồng. Sau bữa tiệc với nhóm bạn cũ mà cả hai vợ chồng cùng nhận tin đó, Hiền thấy Sỹ luôn ở trạng thái bứt rứt không yên. Ban đầu khi về thăm nhà, Rosa, con gái của họ cho là mẹ tưởng tượng nhưng rồi khi trở lại trường, Rosa nói, để ba đi tìm cô “mối tình đầu” đó đi má. Kim chẳng thể mở miệng nói với chồng, vì biết vừa mở miệng ra, nước mắt cô sẽ chảy. Nếu đề nghị chồng rời bỏ mình ra đi với tình cũ mà không biết diễn ngược, cố bày ra vẻ mặt tươi cười, thì có khác nào tự vạch áo cho chồng thấy vết thương tươm máu, lời tuôn ra chỉ để đẹp dạ chồng, lại mất khả năng kìm lệ thì có khác nào cất tiếng rên cho ai đó nghe vợ đang xé gan xé ruột đây nè. Tánh Kim lâu nay vậy, không nói vòng vo ngoắc ngoéo được, buồn vui sao cứ lộ ra ngoài. Vậy rồi đâm thành ra nhà như có đám tang, hết chồng rầu rĩ phân vân khó xử, tới vợ ngậm miệng, kiếm chỗ vắng, một mình nghe bài “Tình đầu hay tình cuối”, tự hỏi chẳng lẽ đời mình từ đây đành như “nhìn cơn mộng trôi”(2) rồi lén chùi nước mắt.

Người gỡ rối rốt lại là bà mẹ chồng. Bà kêu con trai ra rỉ rả: Vợ con nó không nói, đâu có nghĩa nó không biết, và không cảm nhận nỗi đau. Hồi xưa, ông bà mình nói “Trồng trầu thì phải khai mương, Làm trai hai vợ phải thương cho đều”. Con không phải hai vợ, mà chỉ có một vợ do má đứng ra cưới hỏi. Xử sao cho công bằng thì thôi, chẳng ai ép con chọn bên nào, nhưng có đi thì đi nhanh cho dứt, đừng nhùng nhằng để thắt gan, thắt ruột người đờn bà vô tội kia là quá sức vô nhơn.

Bà chỉ nói chừng đó thôi. Vậy mà êm. Cuộc nổi loạn “đào ngũ” bất thành, Sỹ chuyển thái độ sống bình thường trở lại, như chưa hề có âm mưu đào thoát, chia ly. Nhiều khi Kim ngẫm lại cứ tự hỏi, nếu bà già không ra miệng, không biết gia đình mình sẽ trôi về đâu. Chỉ là tự vấn thầm thôi, không dám thốt ra câu. Tội chi tạo cơ hội để sóng lòng từ mối tình đầu của chồng mình lại lăn tăn xoay hướng đổi chiều.

 

  1. ĐÁM CƯỚI LẼ RA ĐẦU XUÂN – Phụng không có bà mẹ chồng tinh ý như Kim khi “cô ấy” của chồng mình “…ngỡ đã xa xưa, nhưng người bỗng lại về” (3). May mà Phụng có hai cô con gái, mà xoay chuyển tình thế hay “dẹp loạn” được chỉ trông mong vào cô út là Vân. Đám cưới của Vân lẽ ra đã diễn ra mùa xuân năm rồi. Nhưng một chuyện xảy ra ngoài ý muốn khiến Vân xin Nguyễn dời lại. Lý do Vân đưa ra khá là… phi lý, trái tai cha mẹ Nguyễn nhưng vì quá yêu Vân, Nguyễn phải cố thuyết phục cả nhà mình chiều theo. Vân nói gọn, chưa cưới được vì vướng… “mối tình đầu” của cha. Khi còn trai trẻ, cậu thanh niên Anh Tú và Thủy Thanh, cô sinh viên Văn Khoa yêu nhau sống chết. Tú đi lính, bị gãy lìa chân, Thanh vào Quân Y Viện sống ở đó với Tú, chăm sóc mọi thứ còn hơn cả vợ chồng. Tưởng như tình yêu của họ sẽ vượt qua mọi trở ngại. Nhưng chỉ vì sự lo âu lộ rõ của cha Thủy Thanh về tương lai bấp bênh của con gái mình khi trụ cột của gia đình bị gẫy cúp, không tạo niềm tin cho ông là sẽ vững chắc sau này. Thái độ và cách nói phũ phàng của ông nhạc tương lai đã nhen nhóm trong lòng người thương binh ít nhiều mặc cảm.

Rồi dâu bể nổi trôi, Tú xuống tàu vào ngày 30 tháng 4 -1975, Thanh tới điểm hẹn chỉ trễ mươi phút. Rời nước trên chuyến tàu vô định lúc đó với Tú có Phụng, cô con gái của chủ nhà mà Tú đang ở trọ. Họ thành duyên khi cả hai cùng đến Mỹ. Nhờ vậy mới có chị em Vân ra đời. Phụng lựa tên hai làn điệu trong bài bản cải lương là Lưu Thủy và Hành Vân để đỡ nhớ cha cô là một danh cầm trong giới đờn ca tài tử.

Ở lại Việt Nam, Thủy Thanh kết hôn với người khác. Khi tìm gặp người xưa trên đất khách, Thanh đã có đến bốn mặt con. Thanh và Tú chẳng cần hẹn nhau ba mươi năm. Nhưng khi gặp lại mối tình đầu, cả hai đều cảm thấy “cả một trời yêu, Bây giờ trở lại” (4). Không biết trên đời có bao nhiêu người “chơi đẹp” như mẹ Phụng của Vân. Phụng mời Thủy Thanh về ở chung nhà, coi như để trả ơn những ngày Thanh đã chẳng ngại dư luận, thành kiến của gia đình lẫn xã hội để chăm sóc tận tình người giờ là chồng của Phụng. Bạn bè rầy Phụng dại. Phụng nói thà rước về nhà trong tầm kiểm soát, còn hơn để kéo nhau ra hotel thì hậu quả khôn lường. Thủy Thanh làm khách ở nhà của “người yêu cũ” khoảng hai tuần. Lúc đó, Lưu Thủy đã ra trường, đi làm xa, có gọi về hỏi Vân, thấy cha mình sống trong cảnh đó có vui không. Vân nói giờ cổ tin cha nhớ nhung cổ nên cố lấy chữ Thủy lót trong tên cổ để đặt tên chị đó.

Chuyện gì xảy ra trong thời gian đó, Vân chẳng biết nhưng vì thương mẹ cứ nghiến răng im lặng, coi như không cần tính. Lẽ ra mọi tình cũ, nghĩa xưa dừng ở đó là đẹp. Sau đó Thủy Thanh về lại Việt Nam. Có vẻ như Thanh tin rằng Phụng đã nhường Anh Tú hai tuần được, thì cũng có khả năng Phụng thừa sức… tặng luôn. Thanh gọi sang cho Tú liên tục. Ờ, thì tạm coi là cô ấy tự tin tình đầu sâu đậm của mình có thể thắng cái gia đình đang êm ấm của nhà Vân, nếu cần sẽ thẳng tay xóa nhòa luôn hơn hai mươi năm hương lửa nhen bởi mối tình cuối cùng của Anh Tú và Phụng, nhưng còn cái gia đình gồm người chồng và bốn mặt con của Thủy Thanh, lẽ nào cô ấy cũng thả bay cho nước trôi, gió cuốn?

 

Không biết rủi hay may, Tú vướng bệnh ngặt, lần này cả Phụng và Út Vân khăn gói vào nhà thương sống cùng để chăm Tú. Trải qua những ngày tháng đó, Vân dễ thấy cảm thông với người yêu cũ của cha hơn. Đồng thời, Vân cũng thấy càng phải bảo vệ gia đình mình, nhất là người cha ruột thịt đang nằm kia. Cô nguyện bằng bất cứ giá nào cũng không thể chia lìa cha mẹ được.

Vân được Nguyễn cầu hôn, ngày cưới đã được ấn hành ngay sau khi cha vừa khỏi bệnh. Tú nói con cứ mặc cha mẹ tự tính đời mình. Đời nào! Vân quyết thay mẹ, không muốn đời mẹ bị buồn thảm như bài Nam Ai lớp Mái hay khúc Phụng Hoàng. Vân nhỏ nhẹ xin ba má Nguyễn cho dời ngày, thậm chí hủy luôn đám cưới của hai con, nếu lành bệnh rồi mà Tú vẫn còn lửng lơ giữa hai luồng nước, xé tướt những trái tim đang cần người chủ gia đình có một chọn lựa rõ ràng. Nguyễn khá bất ngờ trước quyết định của Vân. “Vậy là em thương Mẹ hơn thương anh sao?” Vân không trả lời. Nhưng rồi Nguyễn hiểu, có chút máu điên nào đó trong Vân. Anh yêu phải một cô gái sẵn sàng chọn một chú rể khác, nếu chuyện mẹ cha của Vân vỡ tan, khởi từ sự cảm thông chân tình của mẹ. Cuối cùng, Tú chọn Phụng, và để tránh Thủy Thanh, Tú bỏ luôn mọi địa chỉ email, điện thoại, thậm chí còn tính chuyện dời nhà.

Đám cưới của Vân, sau đó, lại thêm ba má Nguyễn giận dỗi, bắt chờ em gái Nguyễn kết hôn trước, nên lẽ ra diễn ra từ mùa Xuân, lại được trôi tới cuối  Thu, chớm Đông năm nay.

 

  1. MỘT NỬA CỦA TÔI ĐÂU? – Anh Tú là bạn của chồng tôi. Chuyện tình đầu, tình cuối của Anh Tú tưởng không liên quan tới chúng tôi, hóa ra cũng có “văng miểng” chút đỉnh. Năm mươi mốt tuổi, tôi mới “cậy dôn” (lấy chồng – nói theo người Huế) lần đầu, nhưng lại là đời vợ thứ ba của chồng tôi. Lần về Việt Nam, tôi hồn nhiên mời vợ chồng chị Thủy Thanh xem một vở kịch do tôi làm tác giả, không dè chị Thanh lấy cớ đó phân bì: Anh H. (tên chồng tôi) có thể ly dị tới hai lần, anh Tú không thể làm “chuyện đó” một lần trong đời sao? Cũng phải nói rõ là khi tôi gặp anh H., anh đang ở trong tình trạng độc thân nên đem so như vậy khá là khập khiểng.

Cách đây hơn hai mươi năm, tôi có viết vở kịch mang tên “Một Nửa Của Tôi Đâu?” Người phương Tây còn lịch sự kêu người phối ngẫu của mình là my better half – một nửa tốt hơn. Kịch lấy cảm hứng từ một truyền thuyết cho rằng những cặp đôi thật sự vốn là một vật thể thống nhất. Thượng Đế cắt đôi vật thể đó ra rồi quẳng về hai hướng khác nhau để họ tự tìm, tìm mãi, có khi ráp lộn một nửa… của người khác, rồi tìm cách ráp lại. Có người lộn tới mấy lần, mãi cho đến khi ráp trúng mới thôi. Cũng có người biết là lộn, những lỡ rồi, để vậy mà chịu, mà chịu không nổi, đôi khi lại dẫn tới tình trạng hủy hoại nhau, thê thảm hơn cả thỏa thuận chia tay.

Gần đây, một người bạn của chúng tôi dự định soạn một cốt chuyện ly kỳ hơn. Anh cho là có cặp tình nhân thiên thần ở trển, lỡ tay làm rơi mớ đậu yêu tinh xuống thế, họ phải xuống nhặt hết lại rồi mới được đoàn tụ. Đám đậu mê cõi nhân gian, tìm cách trốn trời nên đã giả hình thật giống cặp tiên tình nhân. Nếu họ không yêu nhau đậm sâu sống chết, sẽ lầm lẫn ngay giữa tinh ma và người thương. Có lẽ soạn giả muốn, sau khi xem tác phẩm của anh, từng người hãy nhìn kỹ người tình hay người hôn phối cận kề bên cạnh, coi chừng chỉ là đậu tinh biến hình chọc ghẹo ta thôi.

Một ngẫu nhiên nữa, đám cưới của Nguyễn và Hành Vân, chúng tôi không được mời, nhưng Nguyễn lại mời một cô học trò cũ của tôi là Ngọc Nữ đến giúp vui trong chương trình văn nghệ. Lý do ba má Nguyễn chọn hai vợ chồng Tiên Đồng – Ngọc Nữ vì thấy họ là biểu tượng của hạnh phúc viên mãn theo như những gì khán giả vẫn theo dõi trên các phương tiện truyền thông và các chương trình có cặp này biểu diễn. Ngọc Nữ cười to, kể cho tôi: “Nghe họ nói mà đắng cả lòng”. (Đắng lòng là từ thông dụng của năm ngoái. Nó bị cho vào quên lãng sau khi một người ngồi trong quán nhậu cứ luôn miệng dùng hai chữ này, một bạn nhậu nghe xốn tai sao đó mà rút dao Thái Lan đâm anh huyên thuyên mớ “lòng đắng” kia tới chết).

Ngọc Nữ chỉ báo Tiên Đồng bận tham gia game-show ở Việt Nam để rút lui. Nhà trai lại chấp nhận để Ngọc Nữ diễn với Trần Ai cho đám cưới mà cũng không chất vấn sao Trần Ai không còn diễn với cô vợ hai là Đỗ Lệ như trước đây. Nữ thấy không cần thiết phải báo cho họ biết Nữ và Đồng đang tiến hành thủ tục ly dị dù trong giới đã biết khá nhiều. Trường hợp của Nữ phải cần tới hai nguồn áp lực, từ phụ huynh của Nữ (như má chồng của Kim) và thiếu nhi (như con gái út của Phụng). Biết được ngọn ngành hóa ra hai mươi sáu năm nay con gái mình sống cạnh một hột đậu tinh chớ không phải thần tiên yêu dấu, mẹ của Nữ điên tiết, bắn ngay tiếng Anh mới hả dạ: “Too late rồi con ạ!”

Con gái của Nữ thì nhẹ nhàng hơn: “Nếu má không thương thân má thì hãy nghĩ tới tụi con, please!”

Càng ngày chuyện ly dị không còn là chuyện khó khăn như trước đây. Từ tỉ lệ 5/5, nghĩa là trong chục cái đám cưới, thường sau đó có khoảng năm cặp chia tay sau một thời gian sống. Tin mới nhận được là tỉ lệ ly dị nay đã tăng thành 6/4. Mong là các bạn, khi đọc những dòng này xong, đừng quay sang bạn tình hay bạn đời mình, rồi lại dùng đôi mắt như kính chiếu yêu soi ra Chàng – hay Nàng – hóa ra cũng là hạt đậu lừa dối.

Đậu thì nhiều. Tiên thì hiếm. Có lỡ chụp trúng hạt đậu thì cũng đổ công sức vào biến đậu thành thiên thần đi. Mùa Xuân, chúc các bạn đủ sức khỏe và kiên trì để thành công trong việc để giữ người sống cạnh là mối tình cuối cùng của mình. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc, tác giả truyện Mối Tình Cuối Cùng, thì đó là mối tình đẹp nhất của đời ta. Nghe đó, chớ không phải đẹp nhất là tình đầu đâu, hỡi những lời hẹn ước vài chục năm sau gặp lại, của những cô cậu thanh xuân chỉ vừa mười tám, đôi mươi. Mà cãi nhau chi. Xem lại một truyện viết thời mới lớn, tôi đã nhắc lời của Bove “Mối tình đầu và cuối cùng của chúng ta, suy cho cùng, đều là yêu chính ta thôi”.

 

Nguyễn Thị Minh Ngọc

_________________________________________________________________________

(1)- “Không phải tại anh, không phải tại em” mà “tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau”- trích bài hát “Không Phải Tại Chúng Mình” của Ngọc Văn và Thương Linh.

(2)- “Tình đầu hay tình cuối”, “nhìn cơn mộng trôi”- ca từ trích trong bài “Tình Đầu, Tình Cuối” của Trần Thiện Thanh.

(3)- Trích Tình Nhớ của Trịnh Công Sơn.

(4)- “Cả một trời yêu, BÂY giờ trở lại”- nhái bài hát “Mười Năm Tình Cũ” của Trần Quảng Nam- nguyên văn là “cả một trời yêu, bao giờ trở lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...