tranh nguyễn trung
Chưa tới ngày giỗ đầu của cha tôi mà bốn chị em tôi đều có bốn người đàn ông chân thành muốn tiến tới hôn nhân...
Chẳng
ai mai, ai mối mà tự nhiên thành... Ai cũng nghi là do vong linh cha
tôi phù hộ... Qua giọng điệu trao đổi, tôi có cảm giác là họ nội thoáng
một chút gì không vui lắm. Dĩ nhiên, nếu do chính tay họ se được bốn mối
duyên lành này thì họ sẽ thích hơn nhiều.
Cứ như là trúng số, một người bạn cũ của chị Sáu ở Na Uy viết thư giới thiệu anh Lễ đến nhà tôi để nhờ chị tôi đưa đi tham quan một số cảnh đẹp của thành phố... Vẫn xe đạp cọc cạch như tự bao giờ, chị Sáu mượn thêm một chiếc xe đạp nữa của thằng Cu Nhí trong xóm để hai anh chị dong chơi qua các phố phường. Khi đã hơi thân, anh Lễ ngỏ ý nhờ chị Sáu tôi kiếm vợ giúp... Chị Sáu đưa anh đi gặp một số các cô gái trẻ trung hơn, bạo dạn hơn, xinh xắn hơn nhưng không ngờ cái vẻ ni cô của chị Sáu lại thu hút anh. Trước khi về nước, anh xin phép được tặng chị một chiếc xe Dream nhưng chị cương quyết từ chối. Chị vốn sợ tốc độ. Anh đề nghị làm lễ đính hôn và hẹn lượt qua sau làm đám cưới, chị cũng không cần. Chị muốn mai mốt cưới hỏi luôn một lượt. Lý do hết sức đơn giản là để bảo vệ tuổi thọ cho má tôi, rút kinh nghiệm từ cái chết của cha tôi sau lượt bốn chàng rể không thành.
Cũng với lý do đó, chị Năm nói với anh Khiết, út Mười nói với Minh và, tôi nói với Quân rằng ít ra cũng đợi mãn tang cha tôi và tổ chức sống chung trong tương lai hết sức đàng hoàng rồi mới cho má biết.
Anh Khiết là giám đốc một nông trường ở cao nguyên. Má thằng Cu Nhí có chồng cưỡng bách lao động trên đó. Tới kỳ thăm nuôi, mấy đứa con đều bị bệnh, bản thân chị cũng bị ho lao nên chị nhờ chị Năm tôi đi thăm giùm. Ba thằng Nhí là người nổi tiếng quậy phá, gặp chị Năm, biết tình cảnh ở nhà, anh ngồi khóc thảm thiết tới độ anh Khiết và chị Năm tôi phải xúm lại dỗ dành. Và như thế, họ quen nhau rồi yêu nhau. Chỉ có một trục trặc là anh Khiết muốn chị cứ ở dưới thành phố làm việc rồi một tháng anh về nhà một lần hoặc chị lên. Chị thì sẵn sàng bỏ hết để lên non sống với người chồng tương lai. Anh lại càng không muốn đưa vợ về làm cùng cơ quan. Nông trường anh đang rất rối ren. Rất nhiều nhân viên của anh rước vợ lên sống, đã làm rối thêm. Anh lại là người đứng đầu, nên làm gương, ngừa trước hay hơn...
Còn út Mười quen Minh trong một kỳ thi lên lớp Anh văn, hai người được xếp ngồi cạnh nhau. Minh liếc bài nó, ngó thấy chỗ sai, kêu sửa, út Mười lì lợm nói kệ, cho nhớ... Hôm đi lấy bằng, lại gặp nhau, Minh đọc một thôi "lý lịch trích ngang" của út Mười, nó trợn mắt hỏi: "ủa, sao anh biết?". Minh nhún vai: "Nhờ thám tử điều tra. Tôi còn biết cô còn ba người chị cũng lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình y như cô. Ðọc cái truyện ngắn của chị Tám cô viết về bốn chị em lớn tuổi không chồng, không có người yêu, tôi nảy ra ý phải kiểm tra coi câu chuyện đó có thật bao nhiêu phần trăm. Chúng tôi cá nhau và tôi thắng cuộc vì đánh cá với tỷ lệ cao nhất".
Tôi biết Minh, Minh là người có tài. Sự thành công của Minh trong những bài viết về tình hình kinh tế trong nước hiện nay có được là do sự tự học và sự độc lập của Minh. nhưng trên tất cả là do một tấm lòng nhân ái... út Mười và Minh gặp nhau rồi yêu nhau do chỗ hai người đều tự tin nơi mình, không quỵ luỵ ai. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc nhưng không phải vì vậy mà những người không được họ chiều lòng không giao việc cho họ.
Quan hệ giữa hai người này làm chị Năm, chị Sáu và tôi đều vui. Chúng tôi đã quá lớn rồi, không có người yêu còn chấp nhận được, chớ bề gì út Mười cũng sáng sủa nhất mà, tính tình cũng chín chắn đàng hoàng, thậm chí khó khăn khi tiếp xúc với người khác phái.
Phần tôi thì muộn nhất trong bốn người nhưng rốt rồi cũng được yêu và yêu được. Rảnh, thấy có lớp học quay video tôi ghi tên đi học. Thấy tôi không có máy nhưng sáng dạ, chuyên cần, Quân thường cho mượn máy rồi giúp tôi tăng thu nhập bằng cách rủ đi quay những show thư, đám cưới, đám ma. Quân quay, tôi cầm đèn. Một vài phim tài liệu hay phóng sự ngắn của Quân, tôi cũng được Quân cho đi theo phụ, nếu rảnh. Hết đám ma này, đám cưới kia tới phim tài liệu nọ. Cho đến một ngày. Quân nói rất chân tình:
- Tại sao hai đứa mình không làm đám cưới?
° ° °
Ðể chuẩn bị cho bốn cái tổ ấm tương lai, điều làm
chúng tôi băn khoăn nhất là vấn đề nhà cửa. Anh Lễ về đây ở Hotel, anh
Khiết ở nông trường, Minh chung phòng với mấy người bạn trai trong khu
tập thể cơ quan, còn Quân ở tạm tại nhà một người bà con xa...
Và
không trông mong được gì nơi căn nhà chúng tôi. Ðó là một căn nhà vẹo
xiêu, mục nát với tất cả ý nghĩa đầy đủ nhất của hình dung từ này. Chỗ
ngủ của út Mười là miếng ván mục 2mx0.8m kê làm balcony, đụng sát
balcony nhà đối diện mà bất cứ ai đi ngang qua cũng sợ rớt trúng đầu...
Không phải chỉ khúc đó mà toàn căn nhà gỗ ván của chúng tôi đang báo
động cấp mười về mối, mọt mốc, mục và muỗi, rệp... Cho dù chúng tôi ra
tay chống đỡ hết sức những con "quái vật" này nhưng không thể nào ngăn
được chúng chuyển từ các nhà hàng xóm qua...
Căn nhà của chúng
tôi lại được nằm trong một xóm lao động phức tạp... Nghèo có, giàu ngầm
có, buôn lậu có, trí thức có, những người thất nghiềp về hưu có, gái bao
có. Cả năm trời này đường cống thoát nước trong xóm bị bể, tổ trưởng hô
hào đóng mỗi nhà vài ngàn để sửa nhưng nhà đóng nhà không... Với nhiều
nhà cơm kiếm được từng bữa thì vài ngàn là con số quá lớn với họ. Thế
nên lối đi của cả một xóm chỗ nào cũng ngập ngụa những nước làm cá, nước
giặt đồ, nước vo gạo, nước rửa chén, rửa rau. Vậy mà giữa những vũng
nước lấp xấp ấy lúc nào cũng có lúc nhúc trẻ con chơi và người lớn ngồi
tán gẫu quanh những hàng quà vặt... Về mặt trẻ con thì xóm tôi "giàu có"
vô cùng, đứa nào đứa nấy khôn lanh, già trước tuổi... Ngõ đối diện nhà
tôi có thằng nhóc sáng nào cũng ló đầu sang balcony nhà tôi gọi: "Các cô
ơi, dậy mà đi lấy... chồng!".
Một trong những người bà con bên nội chúng tôi la làng khi ghé thăm:
- Tụi bay ở xóm này ế chồng là đúng. Ai mà dám rước tụi bay khi bay ở trong xóm như vậy.
Nói
vậy cũng có phần oan cho cái xóm của tôi... Biết bao nhiêu cô gái trong
xóm này chỉ bằng phân nửa tuổi chúng tôi đã làm vợ, làm mẹ. Má tôi cũng
kịch liệt phản đối những ai cho là không ai dòm ngó tới chúng tôi vì
gia đình này nghèo. Còn đóng được tiền sửa cống là gia đình tôi vẫn còn
khá hơn năm mươi phần trăm dân trong xóm. Thế mà những cô gái trong năm
mươi phần trăm ấy có gia đình đàng hoàng và những gia đình ấy bao giờ
cũng sanh sôi nảy nở hơn mức nhà nước quy định nhiều. Họ thực hiện hết
sức triệt để câu: "Ðược hào con, mất hào của". Như má Cu Nhí, thua tôi
mười tuổi nhưng đã sinh tới bảy lần. Mỗi lần ba cu Nhí từ cái nơi cưỡng
bức lao động về là nó lại có thêm đứa em. Hồi nó năm tuổi, út Mười kéo
nó đi đóng vai một đứa trẻ Campuchia. Nó giao ước: "Ai hỏi phải nói con
là con cô Mười, chứ đừng nói con là con của ba con". Cu cậu thở dài thậm
thượt: "Ba gì mà kỳ quá, cứ chui vô ở tù hoài". Thậm chí trong xóm có
anh Thọ chuyên ngủ ngoài trời vì không có nhà - nếu mưa thì anh ta đứng -
cũng có được một đời vợ. Trước đây nhà Thọ cách nhà tôi một căn, có
người mai Thọ với một cô bị chồng bỏ, có một con riêng. Ráp với nhau
xong, cô xúi bán căn nhà về quê. Xài hết tiền, cô đã có nhân tình mới,
mời anh ra khỏi nhà. Thọ đi loanh quanh, rồi lại về xóm cũ. Ai có việc
gì kêu thì anh đi làm. Tối anh có manh chiếu xin được và một mảnh vải
trùm người. Thế "tương trợ" của xóm tôi. Những phần tử bất hảo đi gieo
sự bất an cho nơi khác chứ tuyệt đối không đụng tới xóm nhà. Ðiều này
không có nghĩa là xóm tôi luôn an toàn bởi thỉnh thoảng những băng của
xóm khác vẫn tới hành nghề hoặc gây hấn với băng chủ nhà.
Cùng
nỗi băn khoăn, bốn chàng rể tương lai cũng họp bàn cách rời nhà tôi đi
nơi khác hoặc ít ra cũng kiếm được chỗ cho từng tổ ấm tương lai. Tiền
bạc tương đối khá nhất là anh Lễ. Hướng của anh rất lý tưởng là kiếm một
miếng đất rộng rãi ở ngoại ô, xây cất mới. Anh Khiết thì cho biết, giám
đốc một nông trường được tiêu chuẩn xin nhà thành phố, anh sẽ xin, chắc
được thôi nhưng có lẽ hơi lâu. Minh lại hơi phân vân giữa chuyện xin và
xây nhà. Anh cũng thuộc diện xin nhà tập thể là có ngay, nhưng anh tâm
sự anh không muốn những đứa con tương lai của anh và út Mười ở trong các
khu chung cư hay tập thể. Phần tôi, chẳng hy vọng chút nào về khả năng
kiếm tiền của Quân. Quân không có thói quen sắm sửa cho đời riêng tư
những nhu cầu cần thiết. Tiền kiếm được đủ sống và giúp đỡ bạn bè, còn
chuyện xin nhà thì anh ấy tuyên bố vô cùng thù ghét, ”cứ như đi ăn cướp
của người“. Anh ấy cũng đồng ý với Minh là kẹt lắm mới chui vào chung
cư... Anh ấy không chịu nổi tiếng ồn ào và sự thiếu không khí là hai thứ
rất thừa thãi ở xóm tôi... Quân đã không muốn thì tôi đành đứng ra
xin... Cơ quan tôi có hứa, bao giờ chuẩn bị lập gia đình cứ báo, họ sẽ
lo cho chỗ ở.
Ðêm đêm, trước khi vào giấc ngủ, chúng tôi thường
vẽ vời với nhau về ngôi nhà trong tương lai. Ðứa thích ngôi nhà có gác
lửng, đứa mơ mỗi đứa được một phòng, đứa đề nghị bếp núc tráng men sạch
bóng, đứa thèm có một balcony chắc chắn, đứa khoái đường hẻm dẫn vô nhà
không bể cống lúp súp nước như chúng tôi đang chịu đựng hôm rày...
Má
tôi ngạc nhiên khi thấy chúng tôi như là trúng số chuẩn bị xây nhà.
Vâng, cho đến giờ này, má tôi vẫn chưa biết gì rõ ràng về bốn chàng rể
quý trong tương lai. Chúng tôi vẫn cương quyết bao giờ có nhà rồi mới
báo tin cho má tôi biết.
Một điều tôi có thể chắc chắn là đêm đêm
trong khi chúng tôi ngủ thì má tôi vẫn thức. Một phần do cái khoảng hẻm
trước nhà tôi như một ”ngã tư quốc tế“, có những băng đến đó vui chơi,
ăn uống trò chuyện, đánh lộn, cãi lộn với nhau suốt đêm... Một phần do
thời gian bị tra tấn, cắm điện vào tai, vào đầu... thần kinh của má tôi
rất yếu và hiện tại má tôi đang bị bệnh mất ngủ kinh niên.
° ° °
Có lẽ nên nói rõ đôi điều về má tôi. Sức khỏe của
má tôi hiện nay rất mong manh. Nhiều người cứ tưởng má tôi sẽ ra đi
trước ba. Chẳng gì má tôi cũng là người tù mấy năm ròng rã chuyển từ
Khám Lớn qua căng Bà Rá... Những đòn tra tấn độc hiểm rồi vùng nước độc
rừng thiêng đã lưu hậu quả đến giờ. Cha tôi là người cứu má tôi ra khỏi
tù. Ðám cưới, sanh con xong má tôi hoạt động lại. Lại bị bắt, lại được
chồng bảo lãnh ra, rồi lại vào, bảy lượt, năm lần tới độ anh kế của tôi
cũng được sanh ra trong tù.
Cha tôi là một công chức từ thời Tây,
ở ngành thú y chuyên chữa bệnh cho trâu bò, mèo, chó lại không khuyên
được vợ nên phải lãnh một quyết định của nhà nước là không được ở tỉnh
nào quá hai năm. Họ sợ má tôi lại tìm cách gây phong trào chống đối. Nhờ
vậy chín anh em tôi mỗi người sanh một tỉnh, Bà Rá, Tân Uyên, Bà Rịa,
Long Xuyên, Rạch Giá, Pleiku, Phan Thiết, Bình Tuy, Biên Hoà... Cũng nhờ
vậy chuyện không an cư là điều mà chúng tôi đã được chuẩn bị từ lâu...
Chúng tôi đã từng ở những căn nhà khang trang nhưng cũng rất tồi tàn. Và
chúng tôi sớm ý thức được rằng đó vẫn là nhà của người ta, những người
ta trước và sau khi chúng tôi dọn đến...
Hơn nửa cuộc đời, mỗi
đứa có được một chút tình yêu, được gặp những người đàn ông đàng hoàng,
được mơ hẳn một căn nhà riêng như ý mình để ở. Và điều quan trọng nhất,
chúng tôi muốn lập gia đình để má chúng tôi vui. Gần hết cuộc đời, má có
được thư thái chút nào đâu. Bao nhiêu năm tù tội, lang thang hết tỉnh
này đến tỉnh khác, sống trong những căn nhà tạm bợ và bây giờ hàng đêm,
vẫn chập chờn giấc ngủ không yên trong tiếng lao xao của những băng nhóm
sau khi đi ”quậy“ về, tụ tập trước nhà tôi tán dóc...
Khi giải
phóng xong, vì phải đi nhiều tỉnh, hoạt động nhiều nơi nên má tôi không
liên lạc được bạn xưa. Cái tỉnh má tôi ở lúc đó không cấp giấy chứng
nhận gia đình liệt sĩ cho má tôi với lý do cha tôi là công chức và anh
tôi bị trưng dụng vào quân y khi vừa tốt nghiệp bác sĩ. Vào thành phố
này, má tôi cứ phân vân không biết nên tới gặp lại bạn cũ hay không. Má
nói: ”Tụi nó ngon rồi thì phải tới thăm mình, minh đi thăm ngược e không
phải“. Tụi tôi nói: ”Có ai biết má ở cái hóc này đâu mà tới“ để động
viên má đi, má lại e ngại không biết bạn xưa có còn nhớ.
Có lần
đọc báo, thấy cáo phó một người quen, má tôi ngậm ngùi: ”Tội nghiệp cái
chị Năm Lê này hết sức. Chị giỏi lắm. ở trong tù, chị soạn nhiều tuồng
hay, soạn cả tuồng Tàu rồi nhảy ra đóng luôn. Trong mấy trăm nữ tù, chỉ
chọn má đóng vai Bàng Quý Phi. Lớp xử án, má vừa khóc vừa ca, chỉ đóng
vai Tống Nhân Tôn, ngồi ngó quên cả đập bàn doạ nạt... ”. Nhờ tôi chở
đến đám tang dì Năm Lê đó, má tôi mới gặp lại bạn quen... Mấy bà già
chìa ra cuốn ”Những năm tháng ngục tù“, trách móc má tôi: ”Sao bây giờ
mầy mới ló mặt ra...? ở mấy trang cuối này, coi tụi tao ghi về mày nè:
”Năm Nhỏ: không liên lạc được“.
Mấy bà già dặn tôi thỉnh thoảng
phải đưa má tôi đến nhà các bà chơi. Bà nào cũng ở trong những ngôi nhà
tuyệt đẹp. Tôi về tả lại cho ba người kia. Thế là bốn đứa cãi nhau nên
xây nhà giống như mẫu nhà bà Lựu hay nhà của bà Huệ, bà Mai. Má tôi cứ
la, tụi bây đừng như những người hùn mua vé số, chưa trúng độc đắc đã
đánh nhau vì tranh cãi nếu trúng rồi mua xe hơi ai ngồi trước, ai ngồi
sau. Hay như cái con nhỏ đội sữa trên đầu mơ đổi sữa lấy trứng, trứng nở
ra gà, đổi gà lấy heo, đổi heo lấy bò, bò đẻ ra bê, rồi tưởng tượng bê
con tung tăng nhảy múa đến độ sữa đổ lênh láng, tan rụi ước mơ. Những
câu chuyện đó má tôi được nghe kể khi còn ở trong tù. Hồi còn nhỏ, má
tôi chỉ được ông ngoại dạy chữ Nho. Còn vốn chữ Pháp và rất nhiều kiến
thức má tôi học được do thời gian ở tù, được nhốt chung với nhiều người
con nhà giàu, học trường Tây nhưng bỏ hết đi làm cách mạng...
° ° °
Có lẽ cũng nên nói thêm một chút về hai họ của
tôi. Họ ngoại tôi thì chết gần hết trừ một vài người đi tập kết về.
Trong số những người chết vì lính Nam Hàn ở một xã nhỏ thuộc tỉnh Quảng
Nam có đến hơn hai mươi người thuộc họ ngoại của tôi... Ông nội tôi gốc
làm quan triều Nguyễn. Ðến đời các chú bác tôi, một số người chuyển
hướng kinh doanh. Cuộc nổi loạn đầu tiên của cha tôi là bỏ nhà ra Vinh,
rồi sang Lào sống tự lập. Cuộc nổi loạn thứ hai là đám cưới má tôi, một
"con tù Bà Rá" - nói theo cách gọi khinh khi của gia đình bên nội.
Hình
ảnh gây ấn tượng nhất cho tôi về họ nội qua những mẩu chuyện kể của má
tôi là khi cha tôi đưa má tôi về ra mắt với nước da vàng ệch của người
bị bệnh sốt rét rừng, má vừa chạm môi váo tách trà của ông nội rót cho
bà o đã nhanh tay chụp lấy chiếc tách đem tráng nước sôi cất đi. Má nói,
bả dốt ghê, ai lại tin là vi trùng sốt rét lại truyền đi bằng đường
miệng.
Họ nội không thích cả gia đình chúng tôi, có lẽ vì ở
chúng tôi toát ra sự thanh thản, phong lưu theo kiểu những người nghèo,
còn ở họ lại tràn ngập một nỗi bất an khốn cùng của những người giàu có.
Một bà o ruột, giàu hàng mấy trăm lượng, khi gia đình chuẩn bị đi xuất
cảnh, vào thành phố này khám sức khoẻ và đợi chuyến bay, sợ tốn tiền
khách sạn, gắng gỏi tới ở một tháng ròng trong cái ổ chuột xóm tôi.. Má
tôi vì lịch sự nấu nướng cho họ ăn nhưng nói thẳng với bà - Không phải
vì mong cô gởi quà về mà tôi lo cho cô đâu. Chỉ mong cô đừng quên cái
tình của cô với một người anh bệnh hoạn là chồng tôi.
Ngày lên
máy bay, bà bỏ lại nhà tôi chiếc áo túi rách và tặng cha tôi năm mươi
đồng. Năm mười đồng lúc đó ăn được hai bát phở loại trung bình. Ai cũng
trách cha tôi sao nhận làm gì. Ông chỉ cười:
- Nó là em tôi, hồi nhỏ nó hào phóng lắm. Từ lúc làm dâu nhà giàu nó đã biến thành một con người khác.
Sự
đam mê đồng tiền của bà khiến chúng tôi hãi sợ chuyện làm dâu nhà giàu.
Chúng tôi càng không hào hứng lắm với những người đàn ông do họ nội làm
mai như một cách ban phước của họ. Và họ càng phẫn nộ hơn khi bốn cô
gái ế chồng nhà tôi tự nhiên lại được bốn người đàn ông đẹp từ hình thức
đến tâm hồn như ở trong những giấc mơ tuyệt vời, bước ra ngỏ lời xin
cưới.
° ° °
Bốn người đàn ông quá lý tưởng khiến chúng tôi cứ
e sợ không biết có phải là một trò đùa của số mệnh như những lượt trước
kia. Nỗi nghi ngờ ấy, dần dân bỗng hoá thành sự thật.
Người ra
đi đầu tiên là Minh. Minh chết do một tai nạn giao thông. Ðôi mắt mở
trừng trừng như trối lại một điều gì. Trước đó mấy ngày, tên của Minh
đang được mọi người nhắc tới vì một loạt bài báo nói lên một số bí mật
mà nhiều người muốn giấu. út Mười đang hoá trang trên sân khấu lầu ba
thì điện thoại ở tầng trệt gọi báo tin... Sau đó nó vẫn phải lết lên mấy
tầng lầu để độn một mớ gòn vải trong người, đóng vai một bà mập béo đi
tìm lại vòng eo của mình trong một vở hài kịch vì không ai thay kịp.
Chất hài đêm đó của nó có pha một chút khùng điên. Khán giả cảm được một
điều gì đó khi vai mụ béo đột nhiên khóc cười lồng lộn...
Người
chào vĩnh biệt chúng tôi kế đó là anh Khiết... Anh để lại một bức thư
dài nói rõ lý do phải ra đi. Lòng tự trọng khiến anh không thể sống khi
đã không quản lý nổi những người phụ tá của anh. Họ đã tàn sát những khu
rừng. Ngoài việc thất thoát hàng tỷ đồng của Nhà nước và các cơ quan
bạn, còn thêm những hậu quả nặng nề, làm tan nát thêm những làng dân tộc
quanh đó, sau những trận bão rừng... Những dòng cuối anh dành riêng để
xin lỗi chị Năm, anh đã không đem được hạnh phúc tới cho chị và cũng là
cho anh như anh hằng mong ước... Anh cũng xin được chôn xác trên cao
nguyên. Chị Năm đi một mình vì sợ má tôi nghi. Thằng Cu Nhí xin đi theo
chị Năm lên cao nguyên để thăm cha nó. Nó nói với tôi như một người lớn:
- Bề nào ổng cũng là ba của con.
Quân
cười vào mặt tôi khi thấy tôi lo sợ quá đáng mỗi lần anh phóng xe
nhanh. Anh nói chắc chắn anh không dễ bị xe đứt thắng như Minh, nếu có
phải chết, chắc anh sẽ chọn cho mình một tư thế khác.
Sau hai đám tang đó, tôi và chị Sáu nằm im trong lúc chị Năm và út Mười vẫn tiếp tục trao đổi về cái nhà:
-
Anh Minh nói em đi diễn về khuya, ráng kiếm một khu an toàn hơn mà ở.
Enh cho ảnh biết xóm mình đi giựt xe nơi khác thì có nhưng không bao giờ
giựt của người trong xóm mà ảnh không tin. ảnh còn dặn em khi xây nhà
nhớ kiếm một khoảng trống trồng hoa hay lá gì cũng được. ảnh thích loại
cỏ tóc tơ, thích dây tơ hồng, thích dây cát đằng rủ hoa làm rèm che
nắng...
- Anh Khiết thì dặn, nếu có điều kiện nên làm nhà cây. ở nhà cây mát hơn nhà gạch. Chị nói sợ rệp, ảnh mới dẹp mộng làm nhà cây.
Má tôi cứ hỏi:
-
Sao lâu quá không thấy thằng Khiết với thằng Minh ghé chơi. Thôi thì
cho là thằng Khiết kẹt trên rừng còn thằng Minh biết đâu đang chuẩn bị
đám cưới với cô nào. Bây coi chừng chớ tao thấy lúc này có nhiều đứa con
gái tốc chiến tốc thắng lắm chớ đâu rề rề như tụi bây. Ngó nội quanh
xóm này thì đủ thấy. Con Năm Chằn mới ngày nào còn ngồi trước nhà mình
chơi đánh bài ăn dây thun, giờ đã đi bán bia ôm, nói tiếng Anh lốp bốp..
Những
tấm bưu thiếp của anh Lễ gởi từ nhiều nước cứ thưa dần. Anh đang làm
việc cho Liên Hiệp Quốc nên đi liên tục. Chúng tôi có báo cho anh hay về
cái chết của anh Khiết và Minh. Suýt nữa má tôi đã đọc được lời chia
buồn của anh Lễ gởi về. Trong lúc má tôi đi kiếm kính thì tôi đã nhanh
tay xoá đi những dòng chữ chia buồn. Nhưng khi điện tín của mẹ anh Lễ
đột ngột báo tin anh ấy đã cưới vợ bởi một sự ràng buộc nào đó thì chúng
tôi không có nhà để giấu má tôi. Chính má tôi lại họp chị Năm, tôi và
út Mười lại bàn chuyện dấu chị Sáu. Chúng tôi tin ở thần kinh vững vàng
của chị nên vẫn báo cho chị hay. Chị Sáu lặng lẽ xin miếng ván về lập
trang bàn thờ anh Lễ ở một góc nhà, chị coi như anh Lễ đã chết. Chiều
chiều đều đặn thắp nhang và thì thào trò chuyện với anh. Có bữa chạng
vạng, cúp điện, tôi nghe chị đứng vái mà rợn cả người:
- Anh cứ
yên tâm, thế nào rồi tụi em cũng kiếm một xóm yên tịnh hơn để an giấc
hằng đêm. Nhưng gánh nặng xin nhà bây giờ chỉ còn đè lên vai con Tám.
Út
Mười vẫn chọc khán giả cười nôn ruột với những vai hài có nhiệm vụ làm
tươi tắn vở. Chị Sáu lặng lẽ ban ngày ngồi may, lặng lẽ ban đêm vác mấy
cuốn sách tiếng Pháp, tiếng Anh của cha tôi với mấy cuốn tự điển dày
cui, vừa dịch, vừa đọc. Chị Năm cũng ghi tên vào lớp tiếng Anh do cơ
quan chị tổ chức. Ông giám đốc thoáng thấy mặt chị cười ha hả: ”Nó đã bỏ
rồi, còn đi học làm chi?“. Ông muốn nhắc tới anh chàng H.O dạo nào suýt
dắt chị tôi đi. Cho tới giờ này anh ta vẫn chưa trả hết số tiền đã hứa
cho chị tôi trước Toà án quận Ba.
Còn tôi, sống với tâm trạng nơm
nớp chờ án tử của Quân rơi xuống đầu tôi. Chúng tôi vẫn đi quay show
thư, đám cưới, đám ma... dành dụm tiền để chờ có nhà rồi làm đám cưới.
Tôi vẫn chẳng biết cách thức làm sao để có được nhà nhanh như nhiều
người, chỉ biết đưa đơn rồi ngồi đợi như người ta mua vé số rồi chờ lượt
trúng tới mình...
Một hôm, Quân hớn hở tới rủ tôi, khoe show này
trả cao lắm, hy vọng vào số tiền đã có để kiếm một chỗ ở tương đối mà
làm đám cưới cho rồi. Người đặt hàng cầu kỳ đề nghị quay cảnh sinh nhật
của cha anh ở Ðà Lạt với những thắng cảnh nổi tiếng nơi đây. Ðằng sau
cuốn băng là những lời chửi rủa nhau hết sức tồi tệ của những người con,
cháu muốn độc quyền việc phụng dưỡng ông già với hy vọng sẽ được lượng
đô-la rót về nhiều hơn...
Gần cuối chuyến đi quay ở một thác nước
cao. Nén không nổi nữa, các phe đã làm rớt bộ mặt thương yêu nhau khi
thâu vào máy mà hậm hực ném ra những lời chửi xiên, chửi xéo nhau...
Trong lúc mọi người đi ăn cơm, tôi và Quân ngồi nói chuyện với ông già
bên bờ suối vì quay xong rồi, họ quên bẵng ông. Tôi phải đi lấy bánh mì
mang đến cho ông nhưng ông chỉ ăn được phần ruột bánh mềm bên trong. Ông
già vừa kêu chỉ thèm được liệng cuốn băng xuống dòng thác đang cuồn
cuộn dưới kia thì người con trai trưởng của ông tới yêu cầu Quân xóa
đoạn cô cháu gái phát biểu lên án anh ta. Cô cháu có mặt liền bảo vệ lời
phát biểu của cô, đồng thời yêu cầu xóa đoạn cô chú Bảy nói xấu cô...
Thế rồi các phe rầm rập kéo tới giành giựt chiếc máy của Quân. Quân nghe
lời ông già không đưa cho một ai. Và anh lùi bước, hụt chân. Tôi hét
lên một tiếng thấu trời khi người yêu của tôi, người chồng sắp cưới của
tôi, người rể tương lai còn sót lại của gia đình tôi rơi xuống thác!
Quân
không chết mà nằm liệt một chỗ vì bị gãy cột sống. Có một vấn đề gì đó
trong não anh nên anh quên sạch chữ. Mỗi khi có nhu cầu người phụ giúp,
anh chỉ sử dụng được hai chữ ”Ðám cưới, Ðám cưới" Tôi đã chứng kiến một
người đàn bà bị tai biến mạch máu não, cần ăn cơm, bà nói: ”Ði chợ! Ði
chợ“. Hình như suốt quãng đời trước kia của bà, đi chợ là điều bà quan
tâm nhất. Còn đám cưới, tưởng đâu chỉ là khát vọng của bốn chị em tôi
thôi, không ngờ lại truyền đọng cho Quân trong hai chữ cuối cùng.
Từ
nhà thương ra, tôi xin phép má tôi và thân nhân Quân cho tôi được mang
anh về nhà. Anh sống với chúng tôi một tháng thì mẹ anh ở quê ra đón anh
về quê vì sợ anh không chịu nổi tiếng ồn và sự ô nhiễm của xóm tôi.
Chuyến đưa anh về quê có mẹ anh và tôi. Chuyến về thành phố lại chỉ có
một mình tôi và những người buôn than, củi trên một toa xe lửa buồn
thảm. Vọng bên tai tôi hai chữ ”Ðám cưới! Ðám cưới!“ của Quân khi tạm
biệt, như một điệp khúc tóc tang...
° ° °
Một người rể hụt trước đây của nhà tôi là Ngọc. Sau những ngày sống chung không yên ổn với cô gái đã một thời xin phép làm em gái tôi, nay Ngọc đề nghị được tổ chức đám cưới với tôi. Khi tôi bảo đã có chồng, Ngọc tưởng tôi đùa nên rước mẹ từ miền Trung vào và cả hai mẹ con đều hốt hoảng trước cảnh tượng năm người phụ nữ nhà tôi kẻ khóc, người cười.
Chị Sáu hỏi anh biết chuyện ông thần ve chai chưa? Một trăm năm đầu tiên bị nhốt trong vỏ chai, ông hứa sẽ cho ai giải thoát ông được hưởng tất cả vàng ngọc trên thế gian. Một trăm năm kế ông hứa trao toàn bộ quyền lực lớn nhất nhưng vẫn không một ai nhận lời. Sau đó, ông nguyền giết chết ai dám giải thoát cho ông...
Má tôi xin lỗi hai mẹ con Ngọc về thái độ bỡn cợt của chúng tôi, rồi xin phép đưa hai người ra đường lớn, tránh ngả có cống sụp.
Bây giờ, ban đêm, sau một ngày làm việc mệt nhoài, chúng tôi lặng lẽ nằm cạnh nhau, nghe những tiếng lao xao suốt đêm của những băng nhóm nhậu nhoẹt bàn cãi chuyện đời, cảm được bước đi những con rệp từ các hàng xóm bò qua chuyển động trên thân thể mình, thỉnh thoảng có tiếng rơi lõm bõm của những thanh xà mục xuống hồ nước phía sau... Tôi nhớ tiếng thở dài của thằng Cu Nhí: “Bề nào ổng cũng là ba của con“. Bề nào nơi đây cũng là xóm của chúng tôi. Chúng tôi không còn nghĩ tới căn nhà đẹp đẽ nào đó không tương lai nữa. Chúng tôi như những dòng suối cạn nguồn, không chờ đợi một ai.
Hôm giáp năm ba tôi ngồi soạn những hộp giấy chất đầy trên căn gác mục nhà tôi, tôi tìm thấy một cái ví của ba tôi, trong đó có tờ giấy cho phép nghỉ hưu của chính quyền cách mạng sau một thời gian lưu dung, có tờ 50 đồng của o tôi cho trước giờ lên máy bay đi Mỹ và tấm hình má tôi hồi còn trẻ, đẹp xuất sắc hơn bốn đứa bây giờ. Má tôi vẫn chưa hay biết gì về cái chết của Khiết và Minh. Bà xuống tóc để cầu duyên cho bốn đứa tôi. Bà không hề biết rằng hạnh phúc đối với chúng tôi bây giờ không còn là mơ được gặp một người đàn ông nào đó thương, hiểu và cưới mình nữa, mà là sức khoẻ và niềm an ủi của má chúng tôi.
Ngày tiếp ngày, đêm tiếp đêm, chị Năm vẫn hị hụi đi làm, chị Sáu vẫn lặng lẽ may, út Mười duyên dáng trong những vai chọc ghẹo cho người ta cười. Tôi vẫn đi dạy và thỉnh thoảng viết những câu chuyện mong sẽ có người vui khi đọc. Chúng tôi sống an phận mình trong một khoảng đời riêng đã cùng kiệt duyên phận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét