Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Chuyện Tình - Võ Công Liêm

 Tranh Đinh Trường Chinh- THÀ NHƯ GIỌT MƯA - Hội Họa - Hội Ái Hữu Cựu Học  Sinh Ngô Quyền Biên Hòa

1.

Tuyết Cầm đứng bên cạnh mẹ ở ga Hàng Cỏ vào một sáng mờ sương. Hà Nội còn đang ngủ. Tuyết Cầm lặng đứng chờ tàu đưa vô Nam; giữa không gian đó hình ảnh tháp Rùa vẫn là dấu tích kỷ niệm của những ngày thơ ấu với những đêm ngồi ăn kem bên cạnh bố mẹ ở hồ Hoàn Kiếm…Hành khách kẻ đứng, người ngồi nhốn nháo mong con tàu hú còi để lao vào một dặm trường dài. Đây là ước mơ mấy chục năm qua, bởi; Sài Gòn là mộng là cái gì ngoài trí tưởng và cũng là biểu tượng lạ lùng. Tuyết Cầm đọc được sự hạnh phúc trên gương mặt của từng người mà ngay cả mẹ nàng cũng có ao ước đó.

<!>

 

Hai mẹ con ngồi trong lòng tàu đầy ấp người và vật, thở phào nhẹ nhõm đã lấy được chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Không lâu tàu chuyển bánh, chuyến tàu xuyên Việt nhả khói giữa trời mù sương vào tiết thu đông, hơi gió lành lạnh, xông lên mùi đất mốc ở hai bên vệ đường. Mẹ quấn khăn len, ôm vai Tuyết Cầm mỉm nụ cười âu yếm. Riêng Tuyết Cầm vẫn mang mang buồn, phần xa quê, nhớ những tháng năm khép kín, nhớ những buổi nắng mưa cùng bè bạn, phần sợ đất phương Nam lắm điều phức tạp nhiễu nhương. – Bây giờ thì sạch sẻ lắm rồi! Trâm mẹ Tuyết Cầm nói. Nàng bình tâm và nhìn ra trời xa với những toan tính tương lai. Tuyết Cầm hai mươi tuổi nhưng trông chừng mười sáu. Vóc hạc nhưng được nước da trắng bột lọc và mái tóc đậm huyền đổ xuống vai làm cho nàng có nét đẹp liêu trai đúng nhân dáng người Hà thành của những năm xa xưa còn sót lại. Tuyết Cầm ngủ trên vai mẹ. Xuống ga Bình Triệu trời chợp tối, ánh sáng miền Nam đập vào thị giác mọi người như một bở ngỡ hay cái mới lạ trước mắt mà làm cho người vừa nhẹ nhàng vừa choáng ngợp? Nhìn Sài Gòn đêm và ngày vô tư, chất phát, ăn ngay nói thật đó là ‘đặc sản’ dễ thu hút khách thập phương. Nhưng trong Sài Gòn có cái bừng dậy không ai ngờ. Tuyết Cầm nhận ra được điều đó chớ không bức xúc, nhiễu nhương như nàng đã nghe qua từ lâu. Hành lý hai mẹ con không đầy tay, mỗi người mỗi túi xách nhỏ. Nhốn nháo giữa tiếng cười nói, đôi khi nghe lạ tai nhưng vui. Họ nếm hương vị của ngôn ngữ như món ăn mới nơi xứ lạ. Tuyết Cầm tự nhiên phấn khởi lạ thường. Mong một ngày mai huy hoàng hơn. Sáu tháng sau; không khí Sài Gòn trở nên thân quen, không còn xa lạ. Tuyết Cầm nhận ra cái nhân tính giữa hai miền; một đằng cổ kính bảo thủ, một đằng cổ kim hòa điệu. Hai tư duy là hai chính kiến. Chính điều đó đôi khi làm cho nàng suy nghĩ miên man giữa thực và ảo, bởi; ngay mẹ nàng là nạn nhân của tình yêu, một thứ hạnh phúc không bao giờ có thực…Tuyết Cầm hiểu thực trạng đó, một thực trạng tuyệt vọng: mười năm vắng mặt của người cha. Mười năm đi ‘B’ là một chuyển đổi ngoài qui ước. Hai mẹ con nuôi hy vọng thì giờ đây tuyệt vọng. Không biết người thân yêu mình giờ ở đâu. Trước hoàn cảnh đó họ hướng tới cái mới hơn, một đổi mới tư duy và một đổi mới thời đại để làm sống cuộc đời. Tuyết Cầm gặp Nguyên vào đầu năm khoa ngữ văn đại học Tổng Hợp thành phố. Chỉ một thoáng bất ngờ họ đã sa vào tình yêu, một thứ tình yêu không phân chia, họ yêu nhau đậm đà. Lê Tuyết Cầm trong một âm vang Hà Nội quyến rũ, Nguyễn Nguyên trong tư thế của con người mới, việc mới, kết hợp bằng một tư chất kẻ cả đầy vị tha và giàu lòng nhân ái. Họ tìm thấy một tình yêu lý tưởng – em có thuận cho anh cưới em sau ngày ra trường ? Nguyên nói. Tuyết Cầm mỉm nụ cười với đôi mắt đầy hứa hẹn. Đôi tình nhân lý tưởng, một chọn lựa thức thời và hợp lý giữa thời buổi này.

Chưa hưởng tuần trăng mật thì Nguyên nhận nhiệm vụ mới: đặc trách văn hóa vụ ở tòa lãnh sự quán nơi xứ người. Để rồi Tuyết Cầm giẫm chân trên con đường cũ như mẹ nàng. Và; cho tới bây giờ Tuyết Cầm mang trong lòng nỗi buồn cô phụ. –Biết đến bao giờ thì hết kiếp này ? Nàng nghĩ.

2.

Huế vào cuối tháng tám trời thường hay lũ lụt, hết lụt lại mưa dầm, khí trời ủ dột. ẩm thấp, chợ đò vắng teo, ít người qua lại. Nhưng bù vào; trong cái xấu có cái đẹp tự nhiên của nó. Dù mưa hay không mưa Hoàng thường hay đứng chờ người yêu tan trường về. Họ gặp nhau mừng lắm, cười nói không ngớt và đưa nhau vào quán cà phê trong một con hẻm kín đáo, ở đây đông bạn bè sinh viên học sinh cụm đầu nhau kể chuyện hoặc để nghe mưa; cũng là cái thú nhàn nhã của đám trai thanh gái lịch xứ Huế. ‘Tuổi đá buồn’, có lẽ; không nơi nào giàu tình như ở xứ này. Một thứ tình lạ đời như mưa nắng bất thường hay xẩy ra; chính cái mạch đó du nhập vào hồn người để trở nên bản tính cố cựu của dân đất thần kinh văn vật. Lệ Chi và Hoàng yêu nhau hơn ba năm trong nhà ngoài ngõ ai cũng biết –Ôi! lạ gì bọn chúng; Con Lệ Chi gái cưng của cụ Cả Đoan. Thằng Khắc Hoàng con Tư Vạy. Đám sinh viên đàm tiếu. Sau Mậu Thân cả hai ra trường sư phạm, dạy gần nhau và thường chờ đón nhau về một lúc, cứ thế mà nhiều người tưởng là tình nhân hơn vợ chồng. Sống với nhau hơn hai năm chưa có một mặt con. Cha mẹ Hoàng nôn nao chờ đợi đứa cháu đích tôn; không giống lông cũng giống cánh, ngược lại ông bà Cả Đoan chả hoài mong. Họ còn ậm ực. Vì lẽ; Hoàng đã đi trước một bước cho nên mẹ Lệ Chi ngậm đắng may mà không vỡ lở, không gây tai tiếng cho ông bà Cả Đoan. Không biết nhu cầu đó của gia đình hay của Khắc Hoàng. Đột nhiên mấy tháng qua tính tình Hoàng thay đổi hẳn, không còn mặn nồng như xưa. Bà con xa gần, bè bạn nghĩ Hoàng có tình ý khác mà biến chất đối với Lệ Chi so với trước đây. Đi đâu; dù ngày hay đêm đều cặp tay nhau thì ai mà nghĩ bỏ nhau. Cuối xuân năm bảy lăm đổi đời không biết giao du ở đâu, gặp gở ở đâu Lệ Chi đâm ra yêu một thanh niên miền Bắc. Y tên Cừ có điạ vị cao trong xã hội con nhà bần cố nông, một thứ dân đang được trọng vọng và đề cao. Thầm kín với nhau đâu chừng một năm thì họ tuyên bố kết hôn. Từ trường học cho tới thị dân bàng hoàng cho một cuộc tình lạ lùng và ít có. Nhưng cũng đành. Suy ra; cả hai gia đình có nợ tiền kiếp nên mới gặp nhau…Hôm Lệ Chi lên xe hoa người ta đi xem đông, nhất là đám học trò cũ của thầy Ngô Khắc Hoàng và cô Đoàn Lệ Chi. Khoảng xa Khắc Hoàng tay cầm dù đen đứng dưới tàn cây mù u giữa trời se lạnh, gương mặt sắt lại. Hoàng lặng bước qua cầu, gió từ sông thổi lên tợ như réo gọi hồn ai.

Nghe đâu về sau Khắc Hoàng bỏ xứ lên cao nguyên trồng trà. Vợ cũ Lệ Chi có tới ba mụn con với Cừ.

3.

Đồng bằng sông Cửu long là vựa lúa nuôi cả nước. Sau thời kỳ bao cấp cho tới thời đổi mới những vùng ruộng, nước làm ăn nên. Từ chổ tá điền lên chủ vựa đều thay đổi bởi kinh tế thị trường như cuộc cách mạng kinh tế; mua một bán mười nhu cầu lúa gạo khẩn trương thu mua, xuất khẩu, tiếp cận thị trường quốc tế. Lúa gạo Việt Nam đứng hạng nhứt nhì thế gìới, từ mặt phẳng lên mặt dày. Khởi từ chỗ ruộng nước, lây qua biển lưới đem lại kỹ nghệ nặng nhẹ khắp cả nước, bộ mặt đô thị hóa được điểm trang, đồng tiền đi trước mực thước đi sau. Tánh dân cũng thay đổi bởi nhu cầu đời sống, khắp nơi nở rộ không phân biệt đâu quê, đâu thành. Khó phân biệt thằng hay ông mà trở thành vô giai cấp. Mén trước làm công cho vựa lúa Sáu Lợi. Một mình Mén nuôi mẹ và em nhỏ. Sau khi cha hy sinh ở chiến trường Cam-Pu-Chia. Tính ra cha Mén mất đã gần ba mươi năm; lúc đó Mén đâu chừng tám tuổi. Mẹ Mén giờ đây cũng ngoài sáu mươi. Bà Thôi mẹ Mén khô như con mắm, cọng thêm thằng em trai chạy xe lôi vẫn không đưa đẩy gia đình hội nhập vào đời sống mới. Mén nghèo nhưng nhan sắc Mén không nghèo rất nhiều mối lái dòm ngó. Đổi đời; đổi tất cả, đổi tư duy, đổi cuộc sống, đổi nghèo sang giàu, đổi dốt sang dát, rồi từ đó mới có từ ‘đại gia’ ra đời. Đã mang tiếng kếch sù thời hay sinh chứng đòi hỏi. Mén lọt mắt xanh con cú vọ và về sau sa bẫy mà không hay. Mén nuôi hận bởi bè nhóm lưu manh, lường gạt, phỉnh phờ đưa Mén đến tuyệt vọng hết lối thoát. Tình cảnh đó đâu giấu mắt làng xã, chòm xóm. Nếu Mén muốn có một tấm chồng đàng hoàng. E khó cho Mén. Mà thiệt! Mén vô tình trong thời gian làm cho chủ vựa Lợi; trong đám nô tỳ có Xu thường hay lén nhìn Mén. Nhưng chưa bao giờ tỏ ý. Xu con mồ côi ở với bà dì. Xu lùn, xấu xí lại có tật cà-lăm. Xu nuôi mộng tình yêu như thằng gù thành Đức Bà. Bỗng nhiên nghe Mén sắp đi nước ngoài; lấy chồng Hàn quốc. Mén đổi đời không phải đổi nghèo sang giàu mà đổi cuộc đời phủ phàng sang hạnh phúc. Mén quyết ra đi !

Chẳng hay Mén trở về quê cũ sau hai năm sống bên nước Hàn. Mén về sống bên cạnh mẹ già, mù lòa, tật nguyền. Cả hai cùng đau khổ không nói nên lời. Xu thường khi đứng ngoài bụi hoa râm bụt nhìn trộm qua nhà Mén và cũng thường khi để lại những tặng phẩm thu nhặt được đặc trước sân nhà Mén. Nàng chẳng hiểu những phẩm vật này của ai để lại. Cứ thế! Hai năm sau không thấy quà tặng vô hình để lại trước sân nhà. Mén chỉ biết Xu nhặt lúa rơi chết cách đây hai năm. Mộ chôn không xa nhà Mén. 

Võ Công Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét