Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Quán trọ - Nguyễn Thị Minh Ngọc

 Tranh thiếu nữ của Nguyễn Trung | Sầu Đông


Má kể hồi nhỏ, có lần má chở Hạ đi ngang một tiệm bánh Trung Thu, Hạ bỗng thở dài:
– Sao con muốn chết quá!
Má hết hồn:
– Sao vậy?
– Sao chẳng bao giờ con mơ ước cái gì mà được hết!
– Con mơ gì?
Hạ cười ngỏn nghoẻn chỉ vào tủ bánh dẻo và cái lồng đèn hình máy bay trực thăng. Lúc đó Hạ mới bốn tuổi.

 <!>

Ai cũng nói Hạ già trước tuổi. Không “già” sao được. Ði chơi với ba Huỳnh Minh, ngang tiệm bán áo, Hạ nghe má nói câu gì đó là ba mua áo ngay. Ði chơi với ba A Ngầu, ngang Chợ Cũ, má cũng nói mấy câu đó, là ba Ngầu mua cho má ký thịt heo quay liền.

Má kể ba ruột bỏ đi khi Hạ còn nằm trong bụng mẹ. Sanh được mấy ngày, má bị bà nội và mấy bà cô xô ra khỏi nhà giữa một đêm mưa gió. Sanh Hạ ra, má hận đời, định đặt tên con là Quế Hận. May là người ghi vào giấy khai sinh đã sửa lệch đi là Quế Hạ. Ông nói:
– Con gái gì mà đặt tên hận, sợ không ông nào dám lại gần!

Năm nay, Hạ mười sáu tuổi. Hạ ý thức được mười sáu năm qua, má đã làm cách gì để kiếm ra được những đồng tiền nuôi sống được cả mẹ lẫn con. Má chiều chuộng Hạ không thiếu một món gì. Muốn học thêm môn nào, má cho học ngay: học Anh văn, học vẽ, học bơi, học múa, học đàn… Hạ vẫn được xếp thứ hạng cao trong lớp, được bạn mến, thầy thương. Nhưng Hạ đã sớm biết một điều là có nhiều ba không tốt bằng chỉ có một ba. Và từ hồi học lớp một đến giờ, gần như chẳng bao giờ Hạ mời tụi bạn tới nhà. Ðể sòng phẳng, Hạ cũng không dám tới nhà tụi nó.

Có một lần má lặng người đi khi vừa sáu tuổi, Hạ đề nghị thẳng với má:
– Lấy ai thì lấy đại một người đi. Ai cũng có một ba, còn con thì một đống ba, mà không có ba nào con ngó được hết.

Thiệt ra, má cũng muốn nghe lời yêu cầu đó của Hạ. Nhưng đâu phải lúc nào mình muốn cũng được hết đâu. Phải tốn bốn năm sau, gặp dượng Bảy, má mới thực hiện được mơ ước một chồng.

Dượng Bảy đúng là người thương má thiệt tình. Dượng đã có một đời vợ. Bà vợ trước người Bắc, chết đi trong chiến tranh, để lại cho dượng hai đứa con trai là anh Minh và anh Mẫn. Vì yêu má của Hạ mà dượng Bảy bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Sau cùng, khi má của Hạ bị bắt quả tang, dượng làm liều, lấy quyền chỉ huy thả đại bà ra nên bị mất chức, ra dân luôn. Rồi má Hạ về ở luôn với dượng, mà hình như chỉ để đền ơn đáp nghĩa, chớ không yêu.

Những năm đầu sống chung năm người: má, Hạ, dượng Bảy, anh Minh và anh Mẫn. Cuộc sống tương đối thong thả. Anh Minh và anh Mẫn đều không học lên đại học mà đi làm sớm. Hạ thích anh Mẫn hơn là anh Minh. Anh Mẫn ít nói, thương người. Còn anh Minh, ngó ác từ cái mặt tới tướng đi, giọng nói. Thấy ai khóc, anh cười! Thấy chó mèo lảng vảng, anh ưa đá và đòi “thịt tất”. Dượng Bảy giải thích:
– Hồi mẹ nó chết, nó bị ngã theo, đập đầu vào đá cứng, nên sau đó nó không được bình thường. Có gì con đừng chấp nó.

Những năm sau, họ gặp khó khăn. Chính anh Minh bày ra cái trò chia nhà ra thành từng buồng nhỏ cho thuê. Nhà Hạ, mặt trước ngó ra quốc lộ 13, mặt sau là Xa cảng miền Ðông. Khu đó, thiệt ra lúc đầu cũng có lác đác nhà trọ để khách của bến xe lỡ đường ngủ trọ qua đêm. Càng năm, số nhà trọ cho thuê với nhiều mục đích khác nữa càng tăng lên. Anh Minh về bàn với má:
– Dì ạ, con đã đi dò xét tình hình quanh đây rồi. Nghề này “ăn” lắm. Một vốn bốn lời.

Trong nhà này, hình như hễ má và anh Minh nói gì thì ai cũng phải nghe theo. Hai người đó tuy có hai người nhưng lại là phe mạnh. Còn phe yếu gồm ba người còn lại: dượng Bảy, anh Mẫn và Hạ. Cái quán trọ lấy số nhà 96 làm tên được ra đời. Nhà bị chia năm, xẻ bảy phòng. Mỗi phòng có một cái giường với hai cái gối, một cái mền, một tấm “ra”, một cái máng áo, một cái quạt máy, một tấm vách ngăn lửng, có vòi nước và thùng chứa làm chỗ tắm. Và vì quá tận dụng diện tích để cho khách thuê, phần Hạ chỉ còn một lõm để ngủ và học bài. Ðó là khúc lan can đằng sau nhà, nhìn ra thấy bến xe… Lúc đầu, Hạ học bài khá khó khăn giữa bến xe náo nhiệt và những tiếng rì rầm của khách thuê phòng sát cạnh lưng cô. Nhưng riết rồi cô cũng luyện được cách học giữa tiếng vo ve với điều kiện những người mướn phòng đừng nói lớn quá. Mà có nhiều người sao cũng kỳ. Ði mướn phòng như vậy mà cứ la oang oang như là ở nhà mình, khiến Hạ không cố tình, vẫn trở thành người nghe hóng chuyện riêng tư của người khác.

Có khi là một giọng nam trầm và một giọng nữ cao:
– Anh đã dặn là đừng tới cơ quan kiếm anh. Cứ một tuần là anh sẽ ghé quán!
– Chắc mình phải đổi điểm hẹn quá. Thò đầu vô quán chi cho mụ Hạnh ăn tiền đầu!
– Ờ thì em chọn đi. Ðâu cũng được, miễn là đừng tới cơ quan anh.
– Gốc đa gần tòa án với Bảo tàng Cách mạng, Thư viện Quốc gia được không?
– Ðừng có điên, nơi đó gần chỗ làm của vợ anh.
– Quanh đó có thấy cơ quan nào nữa đâu?
– Bả bán sách kế cái sân bán bia hơi trong lòng tòa soạn một tờ báo mới vừa mướn một căn nhà dư của tòa án…

Có khi là một giọng nữ mùi và một giọng nam lão:
– Anh có ba vợ, làm sao thương đều hết được?
– Ðó là một nghệ thuật. Bà nào cũng tưởng anh thương bà đó nhất.
– Nhưng thiệt tình anh thương ai nhất?
– Thương em!
– Xạo!

– Hổng tin thì thôi… Tiền bán cặp trâu kỳ này anh sẽ giao hết cho em. Thấy em còn nhỏ mà phải vô ra nghề này sớm quá, anh sốt ruột ghê. Giờ anh chuộc em ra làm vợ thứ tư của anh, em chịu hôn?
– Em hổng ớn hai bà đầu mà chỉ ớn bà thứ ba. Bề nào bả cũng là chủ cũ của em. Hay thôi anh à, em thấy cứ đi mướn phòng vầy tiện hơn!

Cũng may là má với anh Minh không bắt Hạ dính líu vào các dịch vụ quanh việc mướn phòng. Một cô gái được trả công tháng để giặt chăn màn và đón khách vào, đưa khách đi. Anh Minh ghi sổ tính giờ rồi chỉ qua má thâu tiền. Thỉnh thoảng có công an xét giấy vào lúc nửa khuya. Hạ run muốn chết nà sao thấy má và anh Minh cứ tỉnh bơ. Má nói:
– Mình làm ăn có đóng thuế đàng hoàng mà, có gì phải sợ đâu. Chỉ sợ khách thích mấy nhà trọ kia hơn thì nhà trọ mình lại ế.

Nói thẳng ra bụng Hạ lúc công an xét nhà chắc má sẽ giận Hạ thôi. Thực lòng Hạ rất muốn anh công an ấy đừng cho má làm nghề mở nhà trọ kiểu này nữa, nhưng cũng đừng bỏ tù má. Ðược vậy thì Hạ hạnh phúc biết bao! Ít ra thì Hạ cũng được yên ổn hơn để học bài. Thiệt là rầu, mỗi lần phải thức khuya để chuẩn bị ôn thi mà những lời chuyện trò kia càng vang rõ hơn trong đêm thanh vắng:
– Vai nữ chính ngon như vậy mà sao anh hổng chịu phân cho em. Vậy mà cũng mang tiếng là bồ của…
– Kẹt quá, chuyện phân vai đâu phải do một mình anh… Phải đủ năm thành phần…
– Cái gì? Bộ có bộ tứ, bộ năm vô đây nữa hả?
– Năm thành phần là đạo diễn, tác giả, biên tập, chủ nhiệm, là người chịu trách nhiệm toàn bộ trước nhân dân và tùm lum hết trong Hội đồng Nghệ thuật.
– Vậy ai bác bỏ em, ai bỏ phiếu cho con Lưu Bích, anh nói đi!
– Bỏ phiếu kín, sao biết được? Nhưng mà thôi, em đóng vai cái bà hơi đứng tuổi đó được rồi. Vừa với tuổi em.

Những mẫu chuyện đời như vậy cứ lần lượt qua tai Hạ trong lúc cô phải ráng sức tập trung vào chuyện học hành. Có lần nghe một giọng nữ quen lắm, thút thít:
– Em chẳng ham gì cái chuyện xách va-li đi hết nước này tới nước kia. Chỉ cần anh bằng lòng cưới, em sẽ bỏ hết để làm một người vợ bình thường.
– Cô nói điêu!
– Căn cứ vào đâu mà anh nói nặng em như vậy?
– Cả cái thai cô báo là đã có với tôi cũng là điêu nốt. Thằng bác sĩ Liêu đã nói thật với tôi rồi. Cô không hề có thai để phá như cô đã làm vạ với tôi.
– Thằng Liêu nói vậy à? Chính nó đã… Ðàn ông các anh đều…
– Này, cấm chửi! Cô hèn lắm… Không dám thú nhận là cô mê cái hào nhoáng của những cuộc tiếp tân, những chuyến xuất ngoại khiến những “sô” móc riêng đầy đô-la rót vào cái tài sản vốn đã quá nhiều của cô. Cô lừa tôi, lừa cả mẹ tôi. Cô bảo cô yêu tài năng tôi? Cô hủy hoại tài năng của tôi thì có!
Tiếng cửa đóng sầm. Tiếng sột soạt áo quần. Rồi tiếng bước chân chạy gấp. Tiếng rú. Tiếng cười. Tiếng thở gấp. Tiếng nước chảy. Tiếng khóc tức tưởi tức ta… Hạ không biết rồi đây mình sẽ có thể yêu được ai không khi luôn bị bao vây bởi những tiếng động quỷ ma kia suốt đêm.

Trời ơi! Cô mới mười sáu tuổi.

*

Và cho tới giờ này, vẫn chưa có đứa bạn nào biết nhà cô. Bây giờ, có lẽ điều đau khổ nhất cho Hạ là luôn có những anh chàng đi sau lưng làm đuôi. Với một nỗ lực phi thường, Hạ thường tìm cách đi lạc hướng để bỏ rơi những anh chàng ngố ấy. Chẳng phải sao, những chàng trai nếu thông minh thì lựa Hạ làm chi, cho rắc rối thêm cuộc đời… Hạ chỉ dám ra khỏi nhà bằng cánh cửa sau trổ ra bến xe. Cô luôn vái trời sao cho đừng ai yêu cô, trước khi một biến cố nào đó làm nổ tung cái quán trọ này.

Trong những khách quen thường ghé quán trọ 96, cũng có những cặp hết sức dễ thương. Có một cô gái mắt rất đẹp và to, thường đến đây với một anh mù trên chiếc xe cúp do cô chở. Nghe những lời trao đổi, Hạ biết khi anh ta còn sáng mắt, gia đình cô gái ấy đã tổ chức lễ đính hôn cho hai người. Giờ thấy anh mù, họ lại cấm cản không cho họ quan hệ. Nên cặp tình nhân này phải lén tới đây, sống với nhau những giờ khắc ngắn ngủi. Anh Minh để ý rất kỹ là bao giờ cô gái kia cũng dành trả tiền phòng. Còn anh chàng khiếm thị thì cứ hăm he nếu không chịu lấy tiền của anh thì anh ta sẽ không thèm tới đây nữa. Cô gái nhõng nhẽo:
– Ðể tiền đó bao em đi ăn nha. Em đói lắm rồi đây…

Một cặp dễ thương nữa là hai vợ chồng có hôn thú đàng hoàng. Hình như cả hai đều là giáo viên. Họ đến đây vì đang phải ở chung với đại gia đình trong một căn nhà quá sức chật chội, khó thể âu yếm nhau. Má của Hạ hỏi:
– Mai mốt sanh con rồi, có chỗ để cái nôi không?
Họ cười:
– Chắc không dám xài nôi đâu. Sợ chật nhà. Cứ để nó nằm trên chiếu giữa ba và má, như các cháu khác trong nhà. Coi vậy chớ như cá trong xoong thôi, xốc xốc một hồi cũng vừa, không con nào văng ra khỏi nắp. Hồi mới cưới nhau, chúng tôi đã đưa đơn xin nhà, cách đây ba năm, nghe đâu chờ khoảng tám năm thì có, còn có năm năm nữa thôi.

Một cặp nữa, Hạ không thấy dễ thương mà thấy khá kỳ quái, là một cặp đã bốn mươi ngoài. Họ cho biết đã ra tòa ly dị một lần, rồi cưới lại, rồi xé giấy thêm một lần nữa. Bây giờ ai ở nhà nấy, lén lút hẹn hò nhau đi chơi như vậy họ thấy vui hơn. Chàng đang có một nàng theo đuổi, rất ghen ngược lại với nàng này. Nàng này cũng khoe người yêu đầu cứ đòi bảo lãnh nàng đi nhưng chàng phát ghen, không đồng ý, mặc dầu chẳng còn chút quyền nào với nhau cả.

*

Ðiều Hạ lo sợ rồi cũng phải đến. Cô bắt đầu cảm thấy rung động khi thầy dạy Văn ráo riết tấn công cô. Ngân đẹp trai, độc thân, trẻ, hát hay, giọng ấm trầm quyến rũ… là giấc mơ của bao cô gái trong trường. Hạ cân nhắc hết sức kỹ càng khi quyết định đến hay không đến cái hẹn của Ngân. Một bên là một mối tình hứa hẹn tuyệt vời. Một bên, dễ sợ quá, là cái quán trọ và những bí mật về cô, về quá khứ má cô, về những đồng tiền bẩn nhơ nuôi cô lớn, cô chỉ muốn ôm lấy cái bí mật này, một mình mình biết mà thôi. Trong khi yêu là phải chia xẻ, trải lòng. Liệu người của cô có thông cảm cho cô không, hay sẽ cố gắng gượng, cố quên, nhưng trong lòng lúc nào cũng nhớ rằng: Hạ, con gái của một nàng Kiều đã về già, đang cư ngụ trong căn nhà là một quán trọ, chứa chấp những người vợ tính từng giờ, những gái trốn chồng, trai trốn vợ…

Cô không có bạn gái thân để tỏ bày thắc mắc. Cô cũng không mong chi má cô sẽ gỡ rối giúp cô. Ðời bà vốn đã rối như tơ vò. Má kể má yêu hồi mới mười ba tuổi. Trước khi làm vợ của ba vào năm mười tám tuổi, má đã có năm mối tình. Nhưng có lẽ trong suốt cuộc đời, má chỉ thương có một mình ba. Từ lúc ba bỏ đi tới giờ, toàn là những người đàn ông mê má mà đeo đuổi chạy theo, kể cả dượng Bảy, chớ má đâu có yêu thêm ai được nữa.
– Nhưng sao ba lại bỏ đi?
– Ờ, thì tại ổng nhát gan! Chẳng qua chị của ổng là vợ bé của tướng Kiều. Nhưng ổng đi là sai. Ở lại ai thèm giết ổng.

Gần đây, má bỗng khám phá ra trong những bộ phim Hồng Kông có người lồng tiếng nghe rất giống tiếng ba. Má mướn đầu máy về, đặt trong một phòng trọ, ngồi coi hoài. Má kêu Hạ vô “nghe”:
– Ðó đó… Trong phim này, tiếng của Hoàng Nhật Hoa là tiếng của ba con. Phim hôm trước, tiếng của Châu Nhuận Phát cũng là tiếng của ba. Vậy là ba mày còn sống!

Nhưng Hạ không dám vô. Cô muốn ói trước cái không khí của các phòng cho thuê. Cô đã từng vô một lần và cô đã phải chạy tới vòi nước đằng sau tấm vách lửng ói thiệt.

*

Những lá thư của Ngân vẫn được chuyển tới tấp dù Hạ chưa trả lời, cũng chưa dám tới chỗ hẹn. Nhưng rốt rồi cô cũng phải tới. Thà tới còn hơn cứ để phải bối rối hoài suốt giờ Văn vì ánh mắt nồng nàn của ông thầy trẻ có tiếng nói như một điệu trầm ca.

Sau khi Ngân nói một thôi dài, câu đầu tiên cô hỏi là:
– Sao thầy thương em dữ vậy?
Ánh mắt chân thành, điệu trầm ca vang lên, và bây giờ điệu trầm ca ấy sắp là của riêng cô:
– Vì tôi yêu sự cô đơn của em. Vì tôi tin em sẽ làm cuộc sống tôi có ý nghĩa hơn.
Trong lúc tiếp tục đặt ra những câu hỏi của Ngân, Hạ vui vui khi nghĩ mới hôm nào Ngân còn truy bài cô, mà bây giờ cô được dịp truy lại “thầy”.
Nhưng khi Ngân hôn cô, tràn ngập trong lòng cô sự sợ hãi hơn là đê mê. Cô ý thức được cái hạnh phúc cô đang có trên môi chỉ là hạnh phúc ảo.

Rồi tình yêu của cô phát triển dần theo năm tháng. Mỗi lần đi chơi về, Ngân tỏ vẻ không vui khi cô vẫn cương quyết bắt anh cho cô xuống ở một ngã ra của bến xe. Và cô vẫn chưa chịu mời anh tới nhà chơi. Anh dọa:
– Anh muốn biết địa chỉ em, cứ lên phòng Giáo vụ hỏi là ra ngay chứ gì?
Cô kiếm cớ:
– Nhưng má em khó lắm anh ơi! Ðể từ từ đã!
Thoáng trong ý nghĩ cô, chẳng biết có chỗ nào để mướn, giả bộ làm nhà mình không? Cô còn táo bạo hơn khi nghĩ rằng phải chi mình mướn được người giả làm má. Rồi cô hối hận liền với ý tưởng đó của mình. Ðúng là con đã lớn lên bằng đồng tiền không sạch sẽ của má, nhưng má vẫn là má của con. Hơn nữa, bây giờ má đã hoàn lương, má đã có chồng đàng hoàng là dượng Bảy.

Nhưng chuyện giấu nhà và chuyện chậm đưa ra mắt má của Hạ không làm Ngân bực bằng điều này. Anh nói:
– Anh có cảm giác không có sự đồng cảm nơi em trong mỗi lần hôn. Em làm gì mà run rẩy như anh ăn thịt em không bằng. Hình như em có điều gì giấu anh? Em làm sao vậy? Coi chừng anh hết thấy thích hôn em nữa. Mà hôn, đối với anh, đó là cách bộc lộ tình yêu tuyệt vời nhất trên đời.

Cù nhầy cù nhưa như vậy mãi Hạ có cảm giác Ngân bắt đầu chán mình. Một lần Hạ muốn đứng tim khi Ngân đưa cô đi chơi ở một nhà hàng có nhiều khung cảnh đẹp của thiên nhiên. Ngân chỉ cho cô thấy những cái nhà lều có gắn máy lạnh thấp thoáng đằng xa:
– Ðó, em coi, những người yêu nhau hiện đại bây giờ còn bỏ tiền ra để được sống với nhau như vợ chồng trong vài giờ. Còn em, hôn em có một tí, em đã run như thằn lằn đứt đuôi. Ê nhỏ, hay em là pê-đê… Chà, bữa nào anh phải kiểm tra em mới được.

Một người đàn ông đứng tuổi, từ trong ngôi nhà lều ấy bước ra. Ra sau ông một chút, giữ khoảng cách khoảng năm mét, là một cô gái trẻ đẹp, mang kính đen trùm mất nửa mặt, áo dài màu thiên thanh thùy mị, đoan trang.
Ðến gần bàn uống nước của hai người, ông ta bắt tay Ngân bằng một tiếng nói rất quen với Hạ:
– Ba khỏe không Ngân? Tôi sắp ra tuồng mới, sẽ gởi thiệp mời ông cụ coi!
Ngân nói nhỏ với Hạ:
– Ông ấy là một giám đốc, mà cũng là một soạn giả nổi tiếng đó. Ông được nhiều cô mê lắm, bất chấp vợ ông. Chắc cô gái này là một trong số đó. Em thấy người ta sống hiện đại chưa? Ðúng ra ông ấy có thể làm ngơ như không thấy anh. Nhưng ông ấy đã không làm. Có lẽ ông ta nghĩ rằng mình cũng đang chờ phòng.
Cô gái đeo kính ghé qua chỗ thanh toán tiền phòng cạnh bàn nước hai người. Hạ tái mặt khi nghe cô hỏi bằng giọng Huế:
– Bao nhiêu vậy anh?
Thôi, Hạ nhớ ra rồi! Cặp này đã từng ghé qua quán trọ nhà Hạ. Có một lần, cô gái có giọng nói êm ái ấy đã cười khúc khích:
– Bữa trước biết anh đi tập tuồng, em chun vô rạp ngồi sau lưng anh mười hàng. Vợ anh ngồi cách mười lăm hàng. Ngó bộ anh run.
– Thôi, đừng giỡn kiểu đó nữa nghe. Cậu bảo vệ rạp tới hỏi đạo diễn là có người lạ vô, chú có quen không? Ðạo diễn định ra lịnh đuổi em, may mà anh ngăn lại, anh nói nó là cháu tôi. Chắc ông đạo diễn biết, vì sau đó ông ta tập tuồng lơi là, cứ ngó anh cười cười. Em thấy em phá buổi tập tuồng của người ta chưa?
Cô gái nói:
– Chưa! Chưa! Chưa! Chưa!
Sau mỗi tiếng chưa là một cái hôn!

Nói chung, ai đến quán trọ nhà cô cũng có vẻ rất yêu nhau và hạnh phúc. Hình như chỉ trừ có mỗi cô. Ờ thì họ đang yêu nhau lúc họ ở quán trọ nhà cô cũng như lúc ở cái khu du lịch này, mắc mớ gì tới cô mà cô tái xanh tái tử. Ngân nghĩ Hạ bị trúng gió nên đưa cô về. Cô càng run hơn. Giờ thì chắc má cô đang “tụng” phim vidéo xã hội đen của Hồng Kông ở nhà để được nghe tiếng ba. Hạ ngoắc đại một chiếc xích-lô, mặc Ngân nằng nặc đòi về đến tận nhà. Ngân rà sát xe theo xích-lô. Hạ chỉ đường cho xích-lô quẹo sang ngã khác. Cô chun đại vào một nhà lạ hoắc, giả bộ ú ớ hỏi lộn nhà. Chủ nhà nghi cô muốn dò xét để cho đồng bọn chôm đồ như chuyện cảnh giác báo Công An thường đăng. Lại thêm Ngân đứng thấp thoáng trước cổng, càng khiến họ nghi dữ. Hạ lật đật chạy ra:
– Anh về đi. Má đang la em ở trỏng.
Hôm sau, Ngân chờ lúc tan học chận cô lại ở cây phượng vĩ đỏ thắm giữa sân trường:
– Em chơi cái trò gì vậy Hạ? Sáng nay anh tới nhà đó đón em thì họ thiếu điều muốn kêu công an bắt anh. Họ nói không có cô Hạ, cô Hè nào ở đây! Thôi được, anh đành nhờ phòng Giáo vụ để biết nhà em thôi.
Hạ run cả người:
– Anh làm gì bắt buộc phải tới được nhà em như vậy? Anh coi trọng cái nhà hơn cả em à? Nếu vậy, em đề nghị mình tạm xa nhau một thời gian.

Thế là họ giận nhau. Ðúng hơn là Ngân giận cô. Càng hay! Cô tự nhiên thở phào nhẹ nhõm. Thôi, không yêu ai nữa hết. Hoặc chờ có một ngọn lửa trời nào đó hỏa thiêu cái quán trọ oan nghiệt nhà xong rồi cô mới dám yêu. Nhưng tình yêu đâu phải chuyện đùa, trái tim người con gái mới lớn không có chai lỳ được như ông Tỷ Cang, ngồi sành soạn mớ tim, hỏi vua Trụ chọn tim đen già cỗi hay tim vàng phản bội, tim hồng lãng mạn, tim tím mộng mơ…

Trường vừa nghỉ hè, cô bặt âm tín về người con trai tên Ngân. Cô đau âm thầm, nhưng thấy thương má mình hơn. Bà vẫn say sưa thuê đầu máy và những bộ phim có tiếng của người nói tiếng giống ba. Dượng Bảy thì cho là má điên. Anh Minh than phiền:
– Dì ham coi quá. Bỏ một mình con thâu tiền sao xuể.
Cơ ngơi nhà Hạ phất lên thấy rõ. Anh Minh đề nghị nâng thêm một tầng lầu. Hạ giơ tay:
– Cho em xin một phòng riêng nào, đừng ở gần mấy phòng cho mướn.
Anh Minh nói:
– Ðược thôi! Nhưng mày phải luân phiên ngồi đây thâu tiền với tao. Chớ bộ mày là bà nội tao sao, mà không làm gì hết lại muốn “dính máu ăn phần”.
Hạ tiu nghỉu:
– Thua! Thôi chắc em đành phải ở lại chỗ cũ, chớ ai dám chường mặt ra chỗ đó ngồi. Trước sau gì cũng gặp người quen. Dị chết!

Và ngày ấy tới.
Hạ không “gặp”, mà “nghe” được tiếng người quen:
– Sao, anh thấy thân hình em so với con nhỏ ấy thế nào?
– Anh chưa được thấy!
– Nói láo lỗ mũi vẹo ngoe kìa!
– Thề có trời, anh chưa mở được cái nút áo của nó ra nữa. Mới hôn mà nó đã run lập cập, làm mất hứng. Con nhỏ này, nếu không là thánh nữ đồng trinh thì chắc là đồ ái nam ái nữ.
Làm sao Hạ lầm lẫn được cái điệu trầm ca quyến rủ quen thuộc ấy…
Rồi tiếng thở dài, tiếng nước chảy, tiếng ngáy, tiếng ư ử hát một bài nhạc lãng mạn đâu một thời xa xưa, vỡ òa trên tâm hồn cô tan nát. Cô nhớ tới lời cô nói với mẹ khi vừa mới lên tư:
– Má ơi, sao con muốn chết quá! Sao chẳng bao giờ mình mơ ước cái gì mà được hết vậy má!
Ráng lết tới phòng má, cô thấy bà nằm sóng sượt như một xác chết. Má cô nói không ra hơi:
– Người ta mới chiếu thêm cảnh đang lồng tiếng phim để quảng cáo cách làm phim. Không phải ba con! Người nói giọng ấy không phải là ba con!
Phòng bên cạnh lại có tiếng thở, tiếng nước chảy, tiếng ngáy, tiếng ư ử hát một câu nhạc vu vơ. Nhưng không phải “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Ôi sao nghìn trùng mãi xa nhau…” như hồi nãy trong căn phòng có tiếng nói ấm trầm quen thuộc mà là “Nếu mai anh chết em có buồn không?”
Hạ ôm lấy má cô, ràn tụa khóc:
– Má ơi! Con tha thiết sống vô cùng!

 

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...