Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Ông Tướng Tỵ Nạn - Thanh Thương Hoàng

Ôn lại một số đặc điểm trong lịch sử tị nạn Việt Nam từ 1975

1

Ông Bảy giận run lên. Thế này thì chẳng còn trời đất gì nữa. Con với cái! Đúng là nó ném bùn vào mặt ông, bôi tro trát trấu vào mặt ông. Làm sao ông còn đủ can đảm để đến với đám đông nữa. Nhất là bọn nhà báo, nếu biết chuyện này họ sẽ làm ầm lên cho mà coi. Không kìm hãm được sự tức giận đang ào ào dâng, ông Bảy tiện tay cầm cái ly uống nước ném mạnh xuống sàn nhà vỡ tan. Nghe tiếng động bà Bảy trong phòng ngủ bước ra. Bà đã biết nguyên do cơn thịnh nộ của ông. Cách đây mươi phút bà đã chứng kiến trận đấu khẩu giữa chồng và cậu con trai. Bà đến bên chồng ngồi xuống cạnh ông, nhẹ nhàng nói: "Ông tức giận làm gì cho khổ vào thân. Coi chừng áp huyết lại tăng như hồi năm ngoái thì khốn đấy. May mà phúc nhà còn lớn nên ông chưa đến nỗi phải nằm liệt một chỗ". Nghe bà nói đến áp huyết ông chột dạ. Đúng, hồi năm ngoái chỉ vì một chuyện tức khí vớ vẩn ông nổi nóng tim đập mạnh, rối loạn hô hấp phải đi bệnh viện cấp cứu. 

 <!>

Thế là ông Bảy vội xua đuổi cái sự tức giận ngay. Ông nhớ tới một lần đi thăm ông bạn cựu Tổng trưởng bị tai biến mạch máu não toàn thân bất toại, phải nằm liệt một chỗ. Mất cả trí nhớ, đôi mắt thất thần của ông ta cứ trô trố nhìn ông Bảy mà rõ ràng là chẳng nhìn thấy gì cả. Ăn uống và tất cả công việc vệ sinh cá nhân đều phải trông cậy vào sự giúp đỡ của y công. Ông Bảy nghĩ thà rằng chết quách còn hơn trong cảnh sống dở chết dở như thế này. Đúng là trời hành. Ông Bảy rùng mình. Và bây giờ nghĩ tới ông vẫn còn rùng mình ghê sợ. Nhưng dù sao ông vẫn thấy ấm ức trong lòng về việc của thằng con. Ông nói: "Đấy bà coi nó làm như vậy có đúng không? Tôi nói như vậy có đúng không? Con nhà mất dạy! Có lẽ lần này tôi phải công khai đăng báo từ nó thôi". Bà cười nắm nhẹ bàn tay ông: "Với tôi thì ông bao giờ cũng đúng...". Ông sừng sộ: "Có phải là bà định nói với mọi người thì tôi sai? Ơ, bà hay nhỉ"! Bà cố tạo nụ cười và vẫn giữ giọng nói nhẹ nhàng ngọt ngào: "Ông ạ, con cái mình lớn rồi. Chúng nó có quyền làm theo ý muốn của chúng nó. Bây giờ đâu còn như ngày xưa ở trong nước ông đứng trước ba quân có quyền bắt mọi người phải nghĩ, phải làm theo ý mình, theo lệnh mình". 

Nghe bà nói thế ông lại nổi nóng nói như gắt: "Bà thì biết gì...". Ông nhắc điện thoại quay số: "A lô chú Tư hả! Tôi Bảy đây. Chú nghĩ coi có đáng giận không! Thằng út nhà tôi cứ nhất quyết chiều nay đi coi bằng được bọn ca sĩ trong nước qua trình diễn. Tôi ngăn cản thế nào nó cũng không chịu nghe theo. Chú nghĩ coi, cha thì không đi trời chung với cộng sản, còn "ông con" thì lại đi ngưỡng mộ cộng sản! Chú bảo tôi phải làm sao bây giờ?". Ông Tư ngày trước là sĩ quan dưới quyền ông Bảy. Sang đây ông vẫn giữ mối quan hệ thầy trò. Bất cứ chuyện lớn nhỏ ông Bảy đều "tham khảo ý kiến" ông Tư. Sở dĩ mối "quan hệ" của hai người lâu bền như vậy vì ông Tư xử sự trước sau như một: ông vẫn coi ông Bảy như ngày xưa khi còn tại chức. Một điều thưa tướng, hai điều thưa tướng. Chưa bao giờ ông có thái độ "chơi trèo" như một số người khác. Trong giao tiếp họ gọi ông tướng bằng anh, hoặc ông tôi. Tại một buổi hội thảo, một cựu sĩ quan cấp úy đã gọi ông Bảy bằng anh, ông nhăn mặt chỉnh liền. 

Lần khác, giữa đám đông một cựu sĩ quan cấp tá gọi ông là niên trưởng. Ông nói khẽ: "có phải chú trước ở văn phòng bộ tư lệnh của tôi? Vậy chú nên xưng hô như cũ tỏ cho mọi người biết là chú vẫn kính trọng sếp của mình". Có một lần, có lẽ trong suốt cuộc đời ông Bảy không bao giờ có thể quên được và "nó" cứ như vết thương nhức nhối, hễ nghĩ tới là đau nhức cả ruột gan. Hôm đó xe ông Bảy bị hư dọc đường, phải ghé vào bên lề tìm cách sửa. Tuy nói là tìm cách sửa nhưng suốt đời ông có biết gì về những bộ phận máy móc của chiếc xe hơi. Ông Bảy đang loay hoay xem cái bình điện thì may quá, có một chiếc xe hơi ngừng lại bên xe ông. Trên xe có hai người đàn ông Việt mở cửa bước xuống. Ông Bảy rất mừng, chưa kịp cất tiếng nhờ cậy thì người đàn ông thứ nhất kéo tay người đàn ông thứ hai nói: "Lên xe đi thôi. Lão này không xứng đáng để ta giúp". Cả ông Bảy và người kia đều ngạc nhiên sửng sốt. Khi họ ngồi vào trong xe rồi ông Bảy còn nghe rõ ràng tiếng nói của người đàn ông thứ nhất vọng lại: "Đó là một tên tướng gốc khố xanh khố đỏ. Xưa chuyên cầm gậy phạng vào đầu lính. 

Rồi ăn chặn tiền bạc, thực phẩm của lính, cướp công của sĩ quan dưới quyền. Dơ dáy bẩn thỉu không để đâu cho hết. Chúng ta mất nước và bây giờ tỵ nạn lưu vong khốn khổ như thế này là do bọn này cả!" Ông Bảy vừa đau vừa tức đến phát run. Ông cố lục tìm trong ký ức xem "tên vừa rồi" thuộc đơn vị nào, có ân oán gì với ông không. Và ông có nổi nóng cầm gậy đánh lính lần nào không. Đêm đó ông tức bực muốn tìm cớ gây sự với bà vợ cho cơn giận nguôi ngoai. Bà phải vất vả lắm mới kéo ông ra khỏi cơn giận dữ tức bực buồn phiền này. Trở lại câu chuyện cậu út Tony. Không biết ông Tư nói gì đó trong cuộc điện đàm làm ông Bảy càng tức giận thêm. Ông nói như quát: "Thế thì đành chịu thua chúng nó à! Hả, hả!". Ông Bảy đặt mạnh ống điện thoại xuống và đi thẳng vào phòng ngủ.

2

Ông Bảy nằm vật xuống giường. Ông cố xua đuổi cơn tức giận ra khỏi đầu. Ông nghĩ tới thiền. Ông nhỏm dậy ngồi theo thế bán kiết già và từ từ nhẹ nhàng hít vào thở ra thật sâu như mọi khi có chuyện làm ông điên đầu. Nhưng lần này hít thở mãi ông Bảy thấy tâm mình vẫn không định. Câu chuyện vừa xẩy ra giữa ông với thằng con trai út như nhảy múa trong đầu ông. Không phải cái sự mâu thuẫn, cái sự bất bình giữa hai cha con bây giờ mới bộc phát. Nó ngấm ngầm, nó âm ỉ nảy sinh ngay sau khi gia đinh ông đến Mỹ tái định cư. Năm nay thằng Tony được 13 tuổi nhưng vóc dáng cao to như người lớn. Ông có ba người con: hai trai một gái. Anh con trai lớn ông cho sang Mỹ du học từ năm 1970, đa thành tài, hiện là kỹ sư điện tử của một công ty lớn với số lương gần hai trăm ngàn đô một năm. Nhưng ông Bảy chẳng nhờ vả được gì ở người con này. "Nó theo đạo thờ bà" (bà đây có nghĩa là vợ), ông Bảy thường nói với bạn bè như thế và thêm: "đời này có lẽ không ai sợ vợ hơn ông con trưởng quý hóa của tôi". Khi ông Bảy còn bị tù đầy trong nước, anh con trai vẫn thường xuyên gửi tiền bạc về nuôi gia đinh và luôn tỏ là một người con hiếu thảo. 

Ông bà Bảy rất hãnh diện về người con này. Đi đâu, gặp ai, có cơ hội là bà khoe liền. Bà còn bí mật tìm hiểu các cô gái con của mấy người bạn làm lớn chế độ cũ để kén chọn làm dâu. Nhưng mọi sự xẩy ra không đúng như ý muốn của ông bà. Khi ông được tha ra khỏi trại tù, anh con trai lớn vội vã bay về nước thăm bố và gia đinh. Sau ra Hà Nội lo giấy tờ xuất cảnh cho gia đinh, tình cờ anh gặp một cô gái trẻ đẹp. Tiếng sét ái tình nổ. Anh nhất quyết cưới nàng bằng được. Nhưng sự đời thật oái oăm khi ông bà Bảy biết người đẹp Hà Nội là con một cán bộ trung cấp cộng sản. Tất nhiên ông Bảy không chịu. Ông không bao giờ chấp nhận cho con trai mình lấy con gái của kẻ thù không đội trời chung. Một buổi tối bà vợ đi vắng, ông Bảy và người con trai ngồi lại với nhau để "thẳng thắn đặt vấn đề". Anh con trai biết Bố mình muốn "đặt vấn đề" gì rồi nên anh im lặng thủ thế. 

Ông Bảy đi thẳng vào "vấn đề" liền. Ông là nhà binh cộng thêm với tính tình nóng nẩy như Trương Phi (vợ ông nhận xét về ông như vậy) nên nghĩ gì nói thế, không có vòng vo rào đón như mọi người. Ông nói: "Con ạ, cái việc hôn nhân của con ấy mà, Ba thấy không ổn. Ba không nói con cũng thừa biết cả gia đinh ta bị khốn khổ đói rách tang thương mười mấy năm trời tưởng hết đường sống. Các em con thì bị thất học, Ba thì bị hành hạ nhục nhã trong cảnh tù đầy nơi rừng thiêng nước độc, giữ được mạng sống cho tới ngày hôm nay về với gia đinh là cả một sự ngoài sức tưởng tượng. Biết bao người trở thành thân tàn ma dại hoặc chết tức tưởi oan uổng trong trại tù. Người cộng sản đối xử với chúng ta quá tàn tệ. Không thể nào và không có cách gì sống chung với họ. Mối thù càng ngày càng sâu không thể lấp. Ba tưởng con dư biết về những điều này, nó đa trở thành định đề trong cuộc sống: "có ta không có nó, có nó không có ta". Nói tới đây ông Bảy ngừng lại dò xét phản ứng của con. Dường như anh con trai đa chuẩn bị kỹ lưỡng để "đối phó tình thế" nên anh thản nhiên nói: "Xin Ba nói tiếp con nghe". Ông Bảy lấy chiếc điếu cầy (ông mang từ trại cải tạo về ) châm lửa hút. Ông nghiện thuốc lào từ lúc bị nhốt giam ở một trại tù nổi tiếng Miền Bắc, mùa đông lạnh quá nên phải "hun nóng" thân thể bằng khói thuốc. 

Hít một hơi thuốc thật dài và nhả khói xong, trong khi người con trai cố dấu sự khó chịu vì khói thuốc hôi và khét, ông Bảy nói tiếp: "Do đó Ba thật ngạc nhiên và lạ lùng khi thấy con ngỏ ý muốn lấy cô Hồng Tâm. Cô ấy là con một cán bộ cộng sản. Cô ấy được giáo dục đào tạo từ nhỏ tới lớn trong chế độ cộng sản. Quốc gia với cộng sản như nước với lửa làm sao hòa nhập. Vì hai nếp sống quá khác biệt bởi hai nền văn hóa giáo dục đối chọi như vậy thì khi về sống với gia đinh chúng ta chỉ là thảm kịch cho cả hai bên mà thôi. Con không thể nào có hạnh phúc và bình an trên ngọn núi lửa, dù nó đa ngưng phun lửa". Ông Bảy nói tới đây thì ngừng chờ phản ứng của con. Người con im lặng ít phút mới nói: "Con rất cám ơn Ba về sự quan tâm tới cuộc hôn nhân của con. Con biết ơn Ba đa tạo cho con có được cuộc sống như ngày hôm nay. Và trong những ngày tháng Ba bị tù đầy con cũng đa cố gắng làm phận sự của người con đối với gia đinh. Và ngày hôm nay về đây cũng trong bổn phận và mục đích làm cho đời sống của Ba và gia đinh ta tốt đẹp hơn. 

Con đã lo xong thủ tục bảo lãnh đoàn tụ, mấy tháng nữa, Ba và gia đinh sẽ rời khỏi đất nước này tới Mỹ định cư. Bổn phận của con đối với Ba Má coi như tạm chu tất. Còn việc hôn nhân của con, con không ngờ lại làm cho Ba phiền lòng như thế. Con nghĩ là cái sự tình cờ run rủi khiến cho con gặp Hồng Tâm cũng là duyên số Ba ạ. Cô ấy đâu có tội tình gì mà phải hứng chịu hậu quả những việc làm của cha mẹ cô ấy. Chúng con đến với nhau như hai con người tự do. Chẳng có chế độ chủ nghĩa nào nằm giữa cuộc tình này. Chỉ đơn giản là trai gái gặp nhau, yêu nhau, thấy cần thiết có nhau trong cuộc đời. Chúng con không phải là thủ phạm và cũng không muốn là nạn nhân sự đấu đá máu lửa của hai ý thức hệ. Chúng con không mắc nợ thế hệ trước. Chúng con chỉ biết khi lớn lên và biết làm người thì chiến tranh và mọi sự đa kết thúc. Chúng con không trách nhiệm về dĩ vãng. Đừng bắt gánh nặng dĩ vãng chùm mãi lên cuộc sống chúng con. Đừng bắt chúng con phải gánh nợ hay trả nợ cho thế hệ trước. Việc của con về đây là lo cho Ba Me và các em con đi Mỹ định cư. Còn việc hôn nhân là của riêng con và con trách nhiệm về việc này. Con không dám làm phiền lòng Ba chuyện riêng tư của con nữa. Ba khổ nhiều rồi, xin đừng gánh thêm những việc ngoài tầm tay mình." Thế là cuộc thảo luận về hôn nhân của hai cha con kết thúc ở đây. 

Ông Bảy phải đè nén, cố ngậm đắng nuốt cay mãi tới ngày đến đất Mỹ định cư xong xuôi mới công khai công bố việc từ anh con trai lớn, chặt đứt hết mọi liên hệ ruột thịt máu mủ. Còn gì đau đớn hơn sự phản bội từ trong gia đinh, từ cha con máu mủ ruột thịt. Đôi lúc (khi còn ở trong tù) ông tự ví mình như Nguyễn Phi Khanh và con mình sẽ như Nguyễn Trãi. Thù nước nợ nhà đời cha không trả được thì đời con phải nối tiếp gánh vác và phải trả bằng được. Nếu đời này không xong thì cứ thế tiếp nối các đời sau. 

Ông hy vọng và đặt hết tin tưởng vào người con trai trưởng mà ông đa dầy công xây dựng vun đắp từ nhỏ để mai này nối chí ông lập nên sự nghiệp to lớn làm rạng rỡ mặt mày ông cha dòng họ. Nước có loạn mới có anh hùng. Và người có tài mới có cơ hội ra tay để trở thành anh hùng. Giờ đây là cơ hội tốt nhất để lập nghiệp lớn. Chính nghĩa đa có sẵn, lòng dân đa có sẵn. Thế mà thằng con ông đa phản bội ông, phản bội lý tưởng của ông. Thà rằng nó sống cuộc đời giá áo túi cơm vinh thân phì da nơi nước người còn đỡ nhục hơn là đi lấy con gái kẻ thù của cha mình, của dân tộc mình làm vợ. Việc này khi bung ra ông còn mặt mũi nào nhìn mọi người, nhất là với các chiến hữu của ông đa đổ xương máu hy sinh nơi trận mạc để cổ áo ông có ngôi sao. 

Càng nghĩ ông Bảy càng thấm đau. Đôi lúc ông lẩn thẩn nghĩ là nếu mình chết trong trại tù có khi lại hay hơn. Ít ra ông cũng khỏi phải sống trong tấn bi kịch gia đinh mà ông giữ vai chính. Nhưng tấn bi kịch chưa ngừng ở đây. Bây giờ tới lượt thằng con trai út, nó đang tuột khỏi tầm tay chỉ huy, rèn đúc, giáo dục của ông. Ông tù về mới sinh nó. Khi rời khỏi nước nó mới đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ. Tới Mỹ một thời gian ngắn nó đa hội nhập đời sống của xã hội mới liền. Còn ông chẳng những không hội nhập (mặc dầu trước đây ông có một thời gian sống ở Mỹ theo khóa học tham mưu cao cấp) mà gánh nặng quá khứ ngày càng thêm chồng chất dằn vặt, hành hạ ông. Ông luôn đắm mình trong quá khứ huy hoàng quyền uy. Ông muốn và bắt vợ con ông phải sống theo tác phong, nề nếp uy quyền của địa vị cũ (tuy rằng đa mất) của ông, vì đó mới chính là cuộc sống, cuộc đời ông. Bây giờ chỉ là tạm trú, tạm lánh, tạm sống trong cái kiếp tị nạn. Ông vẫn nghĩ tới và tin tưởng một ngày mai không xa, ông lại có lại tất cả những cái đa mất. Nhưng bây giờ rõ ràng là ông đang mất thêm những cái ông đang có mà ông không biết, hay cố tình không muốn biết. 

Chưa sang Mỹ ông mất thằng con trai lớn. Sang Mỹ ông sắp mất thằng con thứ hai. Cuộc đấu khẩu giữa ông và thằng Tony mới rồi như còn hiển hiện trước mắt. "Ba không muốn con đi coi buổi ca nhạc tối nay. Con lỡ mua vé rồi". "Thì vứt nó đi". "Nhưng con trót mời mấy thằng bạn đi coi cùng". "Không thành vấn đề. Mặc kệ chúng nó". "Con nghĩ đi coi ca nhạc thì có tội tình gì đâu mà Ba cấm đoán!". "Vì đó là bọn văn công cộng sản, là kẻ thù của Ba. Lẽ nào con lại đi nghe chúng hát hỏng tuyên truyền như những mũi kim đâm vào lòng Ba!". "Con nghĩ họ chỉ làm công việc ca hát thuần túy mua vui thôi". "Con còn nhỏ đâu hiểu âm mưu thâm độc quỷ quyệt của cộng sản. Thôi, Ba không muốn con đi, Ba cấm đấy!". "Ba tha lỗi cho con, con không thể không đi. Ba đừng bắt con phải làm, phải nghĩ, phải sống theo Ba. Ba và con bây giờ đang sống trên đất nước Mỹ, mà đất nước Mỹ hiện nay là kinh đô của tự do. Con tôn trọng Ba nhưng con cũng có đời sống của con và con biết tự quyết định". "Ơ, thằng này giỏi nhỉ! Bây giờ mày cũng lý luận tự do với cả bố mày! Tao cấm mày đi đấy! Mày cứ bướng bỉnh trái lời sẽ nhận hậu quả nặng nề con ạ". Trước sự đe dọa của ông Bảy, thằng Tony vẫn không bỏ việc đi coi hát. Ông Bảy tức giận điên người. 

Khi thằng Tony rời khỏi nhà ông vẫn còn la hét ầm ĩ, mặc cho bà vợ can ngăn. Bà vào phòng mời ông ra dùng cơm tối, ông nại cớ mệt chưa muốn ăn. Vừa lúc đó chuông điện thoại reo. Ông nhấc máy. Người đàn em trung thành và luôn kính cẩn tôn trọng ông báo cho ông biết những người tham gia biểu tình chống đối văn công cộng sản biểu diễn được hơn trăm người. Còn phía đi coi biểu diễn đông hơn nhiều, đa số là bọn trẻ và "bọn Bắc kỳ mới". Đoàn biểu tình đa cố hết sức ngăn cản nhưng "cái bọn ù lì vô trách nhiệm, vô tổ quốc vẫn nhởn nhơ nhâng nháo kéo nhau vào trong rạp hát". Và người đàn em cũng không quên "báo cáo" là trong số này có cậu quý tử của sếp. Ông Bảy nói như hét: "Thằng khốn kiếp, nó làm nhục tôi. Nó làm hại tôi! Tôi sẽ từ nó! Tôi sẽ từ nó! Con ơi là con!".

3

Trong những ngày đầu đến nước Mỹ, ông Bảy đa trải qua biết bao cơ cực cay đắng. Từ trẻ tới khi đi tù ông không biết một nghề gì ngoài binh nghiệp. Thậm chí vào tù ông cũng vẫn là kẻ vô nghề nghiệp nên bị làm những công việc nặng nề vất vả như cuốc vỡ đất hoang, đào mương thủy lợi, đập đá, chặt cây, khuân vác vv... Mãi sau này về trại Nam Hà mới đỡ khốn khổ hơn một chút. Sang tới Mỹ ông cũng vẫn là kẻ vô nghề nghiệp. Lúc bấy giờ chưa có chương trình HO nên ông Bảy rất vất vả trong cuộc mưu sinh. 

Thằng con trai lớn nhiều lần xin ông nhận sự giúp đỡ của nó nhưng ông cương quyết từ chối. Còn gì đau đớn hơn tình nghĩa cha con ruột thịt mà ông phải nghiến răng cắt đứt, nhất là trong hoàn cảnh khốn khó nơi đất nước người, không nghề nghiệp chuyên môn lại ở vào cái tuổi 60 - cái tuổi thời gian đa trở thành kẻ thù của ông. Đôi lúc bà vợ ông năn nỉ rồi cằn nhằn ông hết lời để ông nhận sự giúp đỡ của người con, ông suýt xiêu lòng. Nhưng rồi vì tự ái, vì sĩ diện, cũng có thể vì e ngại "người ta trông vào" mà ông cố dằn lòng gạt đi. Ông chấp nhận làm những việc không hợp với tư cách vị thế của ông trước đây nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Xin làm hầu bàn ở tiệm ăn - một công việc tương đối dễ dàng nhất - nhưng ông ngại cái sự chường mặt ra cho thiên hạ biết tránh sao khỏi đàm tiếu. Còn ghi tên vào đại học cộng đồng, tốt đấy nhưng mất nhiều thời giờ quá mà số tiền trợ cấp ăn học không đủ cho mình ông sống. Bà vợ ông kiếm được một chân giữ trẻ tại tư gia, tháng vài trăm đồng vẫn không nuôi nổi hai con ăn học. Ông xin được chân rửa chén bát của một tiệm ăn đông khách, chủ người Việt. 

Công việc này vất vả thật nhưng nó diễn ra trong "hậu trường" nên mọi người khó mà biết. Ông yên tâm làm được ít ngày thì chủ nhà hàng khám phá ra thân thế ông nên ông ta "em xin thành thật cáo lỗi không dám thuê mướn ông nữa". Lý do: trước 75 ông ta chỉ là "một hạ sĩ quèn", dù bây giờ sang đây có đổi đời ông ta cũng vẫn không đủ can đảm thuê mướn một ông tướng làm những công việc thấp kém cho mình. Ông ta bảo "lương tâm không cho phép". Thế là ông Bảy lại thất nghiệp. Có người giới thiệu ông chân bỏ báo. Việc này rất vất vả cực nhọc nhưng không ai hay biết vì toàn "hành nghề" từ nửa đêm tới sáng sớm. Nhưng mới làm được vài tháng, trong một buổi sáng sớm trời mùa Đông mưa gió lạnh buốt, ông Bảy chịu không nổi bị ngất xỉu, suýt chết. Bà Bảy sợ quá bắt ông thôi việc. 

Giữa lúc này ông được tin một người chịu ơn ông khi xưa sang Mỹ làm ăn khá. Ông viết thư nói rõ tình cảnh mình. Thư đi không có thư lại. Ông Bảy cho là thư bị thất lạc, chứ với một người như ông Vạn Lợi - một nhà thầu lớn nổi tiếng giầu có ở Saigon - nhờ ông tận tình can thiệp trong một vụ buôn bán chợ đen lên tới bạc tỷ mà thoát cảnh tù đầy phá sản. Tốt hơn hết là tới gặp mặt người ta - vợ ông "ý kiến" - mấy chục năm trời xa cách và ở cái xứ Mỹ bận rộn này làm sao họ có thể nhớ cho hết những người quen cũ. Vậy ông nên trực tiếp đến gặp. Ông Bảy mua vé bay tới Bang T. Quả đúng như vợ ông nói. Ông Vạn Lợi đa không nhận ra ông. Chính ông thoạt nhìn cũng không nhận ra người ông muốn gặp. Ông Vạn Lợi phát tướng thấy rõ: béo tốt hồng hào bệ vệ, đúng là một nhà tư bản thực thụ. Ông ta tỏ ra không vui không buồn cũng không vồn vã khi gặp lại người ơn cũ. Có lẽ thói quen giao dịch trong thương trường khiến ông ta phải tỏ ra như vậy chăng! Ông Bảy thầm nhủ. Trong câu chuyện, ông Vạn Lợi nói nhiều về sự thành công của mình khi tới nước Mỹ với hai bàn tay trắng, giờ ông đa làm chủ những cơ sở thương mại khổng lồ có thể cạnh tranh với người Mỹ, người Trung Hoa. 

Nghe nhà tư bản nói, ông Bảy mừng thầm trong bụng. Ít ra, ông hy vọng, cũng sẽ có một việc làm với số lương kha khá. Ông Bảy chịu khó nghe và chờ mãi vẫn không thấy ông Vạn Lợi hỏi han gì về việc gia đinh ông định cư ở Mỹ và cuộc sống hiện tại của ông - nhất là công việc làm ăn. Khoe hết về mình xong ông Vạn Lợi quay sang khoe con cái học hành thành đạt, chiếm được những bằng cấp cao nhất nước Mỹ. Ông Bảy bắt đầu sốt ruột. Ông chờ cơ hội ông Vạn Lợi ngừng nói là ông lên tiếng liền. Ông than thở về sự khó khăn trong đời sống ở Mỹ, kiếm mãi chưa ra việc làm. Hôm nay ông đến đây với mục đích nhờ ông Vạn Lợi giúp cho một việc làm, không cần ghế ngồi cao, chỉ cốt có đủ tiền sống thôi. Trong khi nói ông Bảy đa nhắc khéo một cách tế nhị tới cái ơn ông cứu giúp ông Vạn Lợi trước kia. Nghe xong ông Vạn Lợi hỏi liền: "Thế bác có bằng cấp chuyên môn gì không?" Ông Bảy lắc đầu. "Cơ sở chúng tôi hiện cần rất nhiều người nhưng phải là những chuyên viên được đào tạo ở Mỹ. Hơn nữa bác lớn tuổi rồi dù có tay nghề chuyên môn cũng khó mà kiếm được việc làm như ý muốn. Tụi trẻ bây giờ giỏi lắm bác ạ, nhất là chúng còn cả một thời gian dài trước mặt. Bọn mình thì sắp hết rồi! Thật đáng tiếc tôi không thể giúp được gì cho bác. Bác ở đây chơi một vài ngày, tôi sẽ cho người hướng dẫn bác đi thăm một số thắng cảnh". Ông Bảy đau lắm. Đau đến quặn lòng. Đau chẳng kém gì việc từ thằng con trai lớn của ông. 

Những lời lẽ và thái độ lạnh nhạt của kẻ chịu ơn mình trước đây như những gáo nước lạnh buốt dội vào mặt ông. Ông thất vọng, ông kinh tởm con người đang chuyện trò với ông. Ông muốn nhổ vào mặt nó rồi bỏ ra về. Nhưng ông cố nén lòng nói vài lời chiếu lệ rồi xin cáo từ. Ông Vạn Lợi cũng không có ý giữ khách. Ông nói vài câu khách sáo rồi móc ví lấy mấy tờ giấy bạc đưa ông Bảy "gọi là có chút quà... bác vui lòng nhận cho". Ông Bảy đỏ mặt, ông muốn ném những tờ giấy bạc vào mặt nó cho bõ ghét nhưng không hiểu sao sau mấy phút chần chừ ông lại đút chúng vào túi rồi lẳng lặng bước ra khỏi phòng, không cả bắt tay và chào từ biệt người bạn cũ. Khi về tới nhà ông Bảy vẫn còn đau và uất về việc này và ông ân hận mãi là đa nông nổi nhận khoản tiền bố thí của kẻ vong ân.

4

Về tới nhà, - Appartment một phòng chật chội, cũ kỹ và bức bối- ông Bảy ngã bệnh liền, một phần vì thời tiết khác biệt giữa hai bang, một phần - có lẽ là phần chính - vì quá tức giận, quá phẫn uất tình đời đen bạc, phũ phàng trắng trợn. Sau những ngày đau ốm nằm liệt giường, ông Bảy mới có nhiều thời giờ để nhìn lại những việc xẩy ra khi ông vừa chân ướt chân ráo tới đất Mỹ. Nghe bà vợ "cố vấn", ông tức thì liên lạc với các chiến hữu của ông - những người cùng cấp cùng thời với ông - may mắn chạy thoát trước ngày 30 tháng tư năm 1975 để "may ra họ có thể giúp đỡ mình chút gì chăng!" Một số người khi biết tin ông tới vùng đất tự do đa sốt sắng gọi phôn chào mừng và liền đó là những lời than thở về cuộc sống khó khăn, gia đinh tan nát. Tất nhiên ông bà Bảy cũng thừa thông minh để biết rằng chẳng nên trông mong hy vọng gì vào những người này. 

Còn một số người khác mà theo dư luận đồn đai là đa "ôm trọn cả núi vàng và đô la" ra nước ngoài thì không hiểu vì lý do gì mà không thấy các ngài này phôn tới. Ông bà Bảy tự nhủ có lẽ vì họ chưa biết tin hoặc địa chỉ của mình nên ông phải tự báo tin cho họ vậy. Trước hết là ông tướng X. Ông này chẳng những là bạn cùng khóa mà còn là chỗ bạn hữu thâm giao bao phen sống chết có nhau. Khi đầu máy bên kia nhắc lên, nghe thấy tiếng nói oang oang đầy quyền uy và vui vẻ cởi mở thân tình của bạn hiền - vẫn chẳng khác gì xưa, ông Bảy mừng lắm. Sau những giây phút hàn huyên thăm hỏi, ông Tướng bạn hứa sẽ gửi tặng ông bà Bảy "chút quà tình nghĩa". Ông bà Bảy hồi hộp chờ đợi. Tuần sau "chút quà tình nghĩa" tới, đó là một cái thư trong có tờ money order trị giá 200 đô! Tiếp tới là ông tướng Y. Ông này ngày trước dư luận trong nước đồn là vua tham nhũng bạc tỷ chất đầy nhà. Sang Mỹ tậu luôn một lúc mấy tòa bin đinh cho thuê. Ông ta tỏ ra rất hân hoan vui mừng thấy "chiến hữu" thoát khỏi gông cùm cộng sản. 

Điều ông Bảy cần nghe thì không thấy "chiến hữu" đả động gì tới mà chỉ có sự hứa hẹn "khi gặp nhau ta sẽ tâm sự nhiều". Tới ông Tướng thứ ba. Ông này nghe nói sau khi sang Mỹ, bà vợ "chính thất" đa ôm tất cả tiền bạc của ông đi sống với một người tình trẻ tuổi. Nhưng số ông vẫn đỏ như gấc: ông có ngay một bà vợ khác không còn trẻ đẹp nữa nhưng giầu có, vợ một cựu sĩ quan cấp tá. Khi biết ông Bảy tay không sang đây, ông Tướng này đa có những lời an ủi chí tình vô cùng cảm động khiến bà Bảy suýt bật khóc. Mấy ngày sau ông bà Bảy nhận được một cái tivi (sản xuất khoảng trên 10 năm và một cái radio tương tự cùng một mớ quần áo cũ!). Ông bà Bảy nhìn tặng phẩm của chiến hữu mà thở dài ngao ngán. Rồi còn nhiều, rất nhiều tặng phẩm của bạn bè và thuộc cấp gửi tới. Mới đầu ông bà Bảy cũng rất lấy làm thích thú về những vật dụng này. Nhưng khi biết rõ giá trị (ở chợ trời người ta vứt đầy) và nhất là nhà không còn chỗ chứa nữa thì ông bà Bảy mới thực sự thất vọng về nhân tình thế thái. Ông quyết định không giao du tiếp xúc thân mật với bất cứ một ai nữa, tất nhiên trừ vài người đàn em thân tín trung thành.

5

Ông bà Bảy được một người cháu họ xa ở miền Đông mời dự tiệc cưới con trai họ. Anh này sang Mỹ từ năm 1975 mở tiệm phở rất thành công. Trước ở trong nước anh chỉ là một hạ sĩ quan không ai biết tới. Nhờ ông Bảy che chở nên được làm lính văn phòng. Sang Mỹ anh cũng trải qua bao phen ba đào sóng gió, vất vả tối tăm mặt mũi mãi mới tạo được sự nghiệp như ngày nay. Có tiền rồi anh muốn có tí danh để góp mặt với đời. Anh đa tung tiền bạc khá tốn kém để được bầu làm chủ tịch cộng đồng. Cộng đồng nhỏ, chỉ có vài trăm người Việt nhưng cũng nhiều chuyện lắm. Họ coi thường không kính trọng ông chủ tịch và hay dựng lên những chuyện không đâu để nói xấu. 

Nhất là có vài người khi trước là sĩ quan, lúc nào cũng tự cho mình hơn lon, là cấp trên nên bất phục ông chủ tịch và luôn tìm cách gièm pha hất ghế. Để chứng tỏ cho "bàn dân thiên hạ" biết là trước đây mình cũng có vai vế trong xã hội, có bà con họ hàng làm lớn nên nhân dịp cưới vợ cho con anh đa nhớ tới ông bà Bảy và mời ông bà. Nhận được thiếp mời ông bà Bảy muốn đi lắm vì từ ngày sang Mỹ tới giờ ông bà ao ước mãi dịp đi thăm Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nhất là với ông, ông muốn tới bức tường đá đen ghi tên những quân nhân Mỹ đa hy sinh ở chiến trường Việt Nam, trong số này có vài người bạn ông, để cúi đầu tưởng niệm và tri ân. Nhưng lấy tiền đâu ra mua vé máy bay đây? Ông bà bàn tính mãi vẫn không có cách chi để bay lên đó. Bà viết thư cáo lỗi. Nhưng người cháu không chịu bắt ông bà phải lên bằng được. Cuối cùng bà phải thú thật hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu người cháu không tin. 

Với địa vị trước đây của ông Bảy thì có ăn không ngồi rồi cũng phải ba đời mới hết của. Không chỉ riêng người cháu này mà tất cả dân Saigon và bọn cán bộ cộng sản cũng tin ông bà Bảy còn nhiều tiền của lắm, chẳng qua là đóng kịch nghèo khó che mắt thiên hạ... Tới lúc bà Bảy kể ra những việc ông Bảy phải làm ở đất Mỹ để kiếm ăn thì người cháu mới chịu tin. Anh ta book vé cho ông bà Bảy và còn gửi thêm một khoản tiền để "cô chú dằn túi tiêu vặt". Bà Bảy cảm động, ít ra cũng còn những người tử tế nghĩ tới mình. Bà đâu biết cái sự cầu cạnh mua danh của người cháu. Thủ đô Hoa Thịnh Đốn lúc ấy đang mùa thu, thời tiết ấm áp, phong cảnh đẹp đẽ, cây cỏ hoa lá bên đường phô sắc mầu rực rỡ tuyệt vời. Đám cưới được tổ chức trong một nhà hàng lớn sang trọng. Khi bước vào phòng ăn ông Bảy thoáng nhìn thấy một bộ mặt quen quen đang bước qua lại làm công việc hầu bàn. Nghĩ mãi, lục tìm trong trí nhớ mãi cũng ra, nếu ông không lầm thì đây là ông Năm. 

Dù thời gian có làm thay đổi nhiều nhưng với cái trán cao giờ đa thành hói và hai con mắt "ốc nhồi" thì không còn sai vào đâu nữa. Đợi người kia bung thức ăn tới bàn mình, ông Bảy gọi khẽ: "Anh Năm!". Người kia thản nhiên như không nghe thấy. Ông Bảy nhìn thẳng vào mặt người kia nói to hơn: "Anh Năm! Tôi là Bảy đây mà!". Người kia vừa quay đi vừa nói khẽ: "Xin lỗi ông lầm. Tôi không phải là Năm". Ông Bảy quay sang bà vợ: "Quái, giống anh Năm như đúc. Chẳng lẽ tôi lầm hở bà!". Tới phần MC giới thiệu quan khách. Ông bà Bảy được giới thiệu đầu tiên với đầy đủ tên tuổi chức vụ trước 1975. Và MC một điều thưa ông tướng, hai điều thưa ông tướng vô cùng trịnh trọng. Quan khách nhốn nháo hẳn lên khi nghe tên ông và rất nhiều người tới chào kính và bắt tay ông. Trong phút chốc ông Bảy quên hẳn hiện tại, ông tưởng mình đang sống trong những ngày tháng xa xưa, thủa quyền uy hét ra lửa, thiên hạ nườm nượp lui tới cúi đầu cầu cạnh, nịnh bợ. 

Thì ra ông vẫn chưa đến nỗi nào. Chưa đến nỗi "quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh" như thiên hạ độc mồm độc miệng chê bai, gọi bọn ông là bại tướng. Ông vẫn còn là nhân vật quan trọng giữa đám đông. Trong lúc đang hứng chí chợt ông giật mình khi nghĩ tới lúc làm công việc sơn nhà cửa và cắt cỏ mà một trong những người này là chủ nhà thì họ nghĩ sao nhỉ? Họ có còn vồ vập, cung kính như thế này không? Hay lại như lão Năm vừa rồi, nhìn sát tận mặt nhau mà vẫn làm mặt lạ? Nhưng dù sao đêm hôm nay cũng đa làm cho ông bà Bảy thỏa mãn. Ông bà được sống lại gần như những ngày tháng xưa cũ, lúc còn lên xe xuống ngựa, hét ra lửa mửa ra khói, kẻ hầu người hạ đầy nhà, chưa mắc...đa có đứa mang bô tới. Đêm hôm đó mãn tiệc cưới về nhà, ông Bảy thấy cuộc vui gần như trọn vẹn nếu ông không bắt gặp bộ mặt hắc ám lạnh lùng làm mặt lạ của lão Năm. Tuy thời gian đa làm mờ nhạt trí nhớ nhưng rồi ông cũng tìm ra, nhớ lại những việc xẩy ra mười mấy năm trước, khi ông còn bị nhốt giam trong một trại tù miền Bắc. Bọn tướng lãnh các ông chỉ có mấy chục người nên khi được chuyển về trại Nam Hà, cộng sản nhốt riêng một khu. Các ông không phải lao động nặng nhọc như các sĩ quan cấp tá cấp úy nữa nhưng sự ăn uống và các sinh hoạt khác cũng không hơn gì. 

 Trong những lúc nhàn rỗi, các ông thường ngồi lại từng nhóm ít nhiều tán dóc chuyện đời và cả ngỏ bầu tâm sự thầm kín, hoặc nói ra những dự tính tương lai khi được thả tù. Ông Bảy cũng vậy. Ông đa tâm sự rất nhiều với bạn bè về "chương trình hành động" của ông sau khi ra tù. Ông sẽ thành lập một mặt trận (ông tránh dùng tiếng lập đảng, vì theo ông người ta ớn đảng lắm rồi) chiến đấu lật đổ chính quyền cộng sản. Ông đa nhấn mạnh tới sự tất yếu phải thành công. Ông phân tích rành rẽ mạch lạc (nói có sách mách có chứng đàng hoàng) để trước hết chinh phục các bạn đồng cấp đang bị nhốt giam như ông hưởng ứng rồi sau đó lan rộng tới các phòng nhốt các sĩ quan cấp tá, cấp úy. Chính những người này sẽ là hạt nhân, sẽ là nòng cốt kiên cường nhất của Mặt trận sau này. Vì họ được nuôi dưỡng bằng hận thù, bằng khổ đau, bằng nhục nhã và nhất là bằng tấm lòng phục quốc. Có thể nói trừ vài người già yếu hoặc bạc nhược cầu an, còn tất cả đều hoan nghênh và nhiệt tình hưởng ứng. Có nhiều người còn nặng lời thề thốt. 

Từ đó hàng ngày các vị hàng tướng hăng say bàn thảo chương trình kế hoạch hành động cho mai này. Không hiểu sao việc này chỉ trong một thời gian ngắn đa bay tới tai bọn cán bộ an ninh trại. Nhiều người bị gọi lên "làm việc" (tức hỏi cung). Ông Bảy bị gọi trước tiên và "làm việc" liên miên bất kể ngày đêm. Mặc dầu ông Bảy nhanh trí chống đỡ biện bạch cũng vẫn bị nhốt nhà cùm một thời gian và bị cúp thăm nuôi cũng như viết thư mấy tháng. Ông Bảy gầy và xanh xao vàng vọt như người vừa trải qua cơn bệnh nặng. Việc ông Bảy bị nạn làm cho những người trong cùng buồng nghi kỵ lẫn nhau và tất cả bắt đầu thủ thế. Tuy nhiên họ cũng âm thầm bí mật điều tra xem kẻ nào làm "ăng ten". Người thì cả quyết là ông A. Kẻ thì nhất định ông B. Sau hết, đa số cho là ông Năm, vì người ta bắt gặp ông nhiều lần thậm thụt nhỏ to với viên cán bộ quản giáo. Thế là từ đó mọi người đều coi ông Năm như một con chó ghẻ cần xa lánh. Chẳng biết sự thật ra sao nhưng ông Năm từ đó sống trong cô đơn, cô lập và cả tủi nhục cho mãi tới khi được tha về. Còn ông Bảy sau khi bị "lãnh búa" về việc báo cáo hại người lập công của một kẻ nào đó khiến ông mất hết tin tưởng ở tình bạn bè, nhất là tình chiến hữu. Ông luôn đề cao cảnh giác. Ông "bế quan tỏa cảng", không nghe, không nói, không biết, kể cả với các bạn thân nhất. 

Và cũng chỉ sau khi tai họa giáng xuống đầu, ông mới để ý nhận xét và mới thấy kinh tởm một số bạn bè đa có những thái độ, những hành động hèn hạ khúm núm xun xoe nịnh bợ những tên cai tù non choẹt và ngu dốt. Họ thật không xứng đáng một chút nào với địa vị của người tướng uy vũ bất năng khuất. Sau khi được thả về nhà ông Bảy vẫn giữ thái độ "ba không" cho an toàn. Và khi qua Mỹ thì "căn bệnh" này đa trở thành mãn tính, ông vẫn cứ thủ thế và ít giao dịch với mọi người để tránh miệng lưỡi rắn độc. Trường hợp ông Năm cho tới bây giờ ông Bảy cũng không biết thực hư oan ưng ra sao. Trong một phút bất ngờ gặp lại bạn đồng khóa cũng như đồng tù nơi xứ người, ông đa không kìm hãm được xúc động. Không hiểu "nó" phớt lờ ông vì xấu hổ về việc làm khi xưa, hay mặc cảm hổ thẹn vì từ ông xuống thằng? Nhưng thôi, nó đa cố tình phớt lờ mình thì mình cũng chẳng nên "lý" tới nó làm gì nữa cho mệt óc. Ông Bảy khẽ thở dài và đi vào giấc ngủ lúc nào không biết. Những ngày tiếp theo đó người ta thi nhau mời ông bà Bảy tới nhà chơi để khoe của và lấy le với thiên hạ, hoặc mời đi nhà hàng sang trọng đai đằng tiệc tùng, mời đi coi đại nhạc hội với ghế ngồi danh dự mấy trăm đồng một vé. Lắm lúc bà Bảy thấy xót của ghé tai ông chồng nói nhỏ: "Giá họ giành những khoản tiền này đưa cho mình thì hay biết mấy!". 

Ông lừ mắt để bà im và tỏ ý ngầm cho biết là bà yên tâm, thế nào khi về họ chẳng tặng mình một khoản tiền. Trong chuyến đi chơi xa này, đây là lần đầu tiên từ khi đặt chân tới đất Mỹ ông bà Bảy mới có cơ hội đi chơi xa, ông Bảy mới biết được một số chuyện về đời sống của các bạn đồng khóa đồng cấp với mình trước đây, do những kẻ hiếu sự cho biết. Thì ra không phải chỉ riêng ông chịu số phận hẩm hiu - có thể nói là nhục nhã - theo vận nước đến thời mạt, mà các bạn ông, những người bén nhậy với thời cuộc đa nhanh chân nhanh cẳng sớm chạy ra nước ngoài cũng gặp trăm cay ngàn đắng. Ông X. đến Mỹ được hơn tháng thì người vợ trẻ của ông bỏ ông đi theo một người Mỹ giầu có, vốn là bạn thân của ông. Quá buồn phiền uất ức, ông X. lên máu bị tai biến mạch máu não phải vào bệnh viện cấp cứu, sau đó liệt nửa người. Không người chăm nom săn sóc ông phải vào Nursing Home ở, hiện không ai biết sống chết ra sao. Còn trường hợp ông N. cho vợ con đi Mỹ trước, ông ở lại theo đại tướng để nhận lãnh trọng trách lịch sử". Nhưng đại tướng thì an toàn trong dinh Hoa Lan, còn ông được cộng sản ban ân cho đi học tập cải tạo hơn 10 năm. Khi được thả, lúc ấy chưa có chương trình HO, vợ ông nhất định không chịu bảo lãnh đoàn tụ, vì bà căm thù ông khi xưa có chức có quyền đa bỏ bê bà để "sống với những con đĩ thối". 

Sau được Mỹ cho đi theo chương trình HO, gặp lại vợ con, ông đa hết lời bầy tỏ sự ăn năn hối lỗi xin bà tha thứ nhưng bà vẫn thẳng tay đuổi ông ra khỏi nhà. May được một nhân viên dưới quyền nhớ ơn sếp cũ rước về nhà cưu mang phụng dưỡng như thượng khách. Nhưng ông có lẽ vì giận đời đen bạc nên đa trả thù đời bằng cách lấy luôn vợ người thuộc cấp và cũng là ân nhân của mình. Còn nhiều nữa những thảm cảnh mà ông Bảy nghe xong thấy lòng quặn đau như chính ông đang sống trong cảnh đó. Nhất là trường hợp một ông tướng trước đây có thời là thượng cấp của ông. Ông này toàn nắm những chức vụ quan trọng đầy quyền uy và béo bở nên nổi tiếng giầu có chẳng thua gì những đại gia xì thẩu Chợ Lớn. Ai cũng cho ông có hàng trăm triệu đô la gửi các ngân hàng ngoại quốc. Ông lại nhanh chân chạy ra khỏi nước trước khi cộng sản chiếm Saigon. Thế mà khi đặt chân tới một nước phương Tây ông phải đi làm bồi cho một khách sạn. Mới đầu người ta đồn ông đóng kịch nghèo khó, sau đó lại có tin tiền bạc ông gửi ở ngân hàng Thụy Sỹ bị Mỹ lấy hết. 

Thực ra thì lúc còn tại chức ông cũng có dư dả tiền bạc thật, có đến bạc tỷ, và bà đa đem đầu tư vào đất đai nhà cửa hết. Khi chạy ra nước ngoài ông bà chỉ mang theo được khoảng mươi ngàn đô và đa tiêu hết ngay trong những tháng đầu. Sống sung sướng có kẻ hầu người hạ quen rồi nên bà đâu chịu đựng nổi cảnh túng thiếu nơi xứ người mà trước đây nhiều lần du lịch bà đa mua sắm tiêu tiền như nước. Vì vậy có tin đồn bà đã làm những việc tổn hại tới phẩm giá của bà và danh dự của ông cũng như của gia đinh để có tiền. Còn các con ông đều hư hỏng hết, người thì bỏ nhà đi hoang xì ke ma túy, kẻ thì phạm pháp tù tội. Khi đi làm về ông ở luôn trong nhà chẳng tiếp xúc giao dịch với ai vì mặc cảm cũng có nhưng cái chính vẫn là vì mọi người đồng hương coi thường và khinh khi, xa lánh ông. 

Ông Bảy thấy xót xa cho bạn mình và cũng là cho chính mình. Thân làm tướng khi lên voi oanh oanh liệt liệt, miệng có gang có thép, nhất hô bá ứng. Còn khi xuống chó thì nhục không để đâu cho hết. Nhục với kẻ thù đa đành, thua thì phải chịu, phải chấp nhận những sự tệ hại nhất, nhưng còn với "người của mình", tức dân của mình, quân của mình. Tại sao lại có sự đối xử tàn nhẫn vậy nhỉ? Chẳng lẽ tại bọn ông- những người trong lúc có quyền hành đa có nhiều sơ suất lầm lỗi? Lẽ ra như người xưa thành mất tướng phải chết theo thành, nước mất tướng phải tự sát để giữ trọn khí tiết. Các bạn ông những Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ đa tự sát để không bị kẻ thù làm nhục. Nhưng riêng trường hợp ông, tự ông cho phép mình không được quyền tìm cái chết. Ông cần phải sống, dù nhục nhã tới đâu ông cũng sẵn lòng. 

Ông nghĩ tới gương Ngô Phù Sai, Hàn Tín...dù phải nếm phân kẻ thù hay lòn háng tên hàng thịt. Nếu ai cũng muốn giữ tròn danh tiết bằng cái chết thì còn đâu người lo lắng cho sự phục quốc mai này. Nhưng quả là sức người chịu đựng có hạn. Đôi lúc nản long thối chí ông Bảy đa muốn tìm tới cái chết, nếu không nhờ có bà vợ ông - một người vợ hiền, một người bạn đời quý hiếm - luôn tìm cách vực ông dậy mỗi khi ông muốn gục ngã. Bất giác ông Bảy nghĩ tới một ông tướng bạn, tù về chứng kiến cảnh người vợ yêu quý của mình "sống chung" như vợ chồng với một gã công an phường chỉ bằng tuổi con mình. Với tấm lòng ộ lượng của người quân tử, ông bằng lòng tha thứ, bỏ qua tất cả cho người vợ để làm lại cuộc đời nhưng mọi sự không như ý ông muốn. Ông phải "tạm trú" trong cái phòng nhỏ của anh bếp nhà mình trước đây để ngày ngày chứng kiến cảnh vợ mình đú đởn với người tình trẻ và là kẻ thù đang có nhiệm vụ quản chế mình. 

Ông tướng ngày đêm đa dùng rượu mạnh để đốt cháy đời mình. Khi ông được Mỹ gọi đi phỏng vấn thì cũng là lúc ông từ giã cuộc đời. Ông Bảy càng nghĩ càng thấy đau cho thân phận người Tướng thua trận và cũng vì lý do này đa nung nấu thúc đẩy ông nuôi ngọn lửa phục hận, rèn luyện chí lớn. Ông tin mình phải thành công. Suốt đêm đó ông Bảy đa không nhắm mắt ngủ được lấy một phút. Bà vợ ông biết chồng mình thao thức nhưng lại hiểu lầm là ông đang mưu toan tính toán việc kiếm chút tiền trợ giúp ở những tấm lòng từ thiện. Tới ngày về ông bà Bảy đa phôn tới những người đa nồng nhiệt đón tiếp ông bà để cám ơn và chào tạm biệt. Ngoài sự lịch sự này, bà Bảy còn có dụng ý nhắc khéo họ đi tiễn ông bà với hy vọng kèm theo "chút quà tình cảm". Nhưng tất cả mọi người đều tỏ bầy sự lưu luyến và "rất tiếc không thể đưa tiễn được vì bận đi làm". Ông bà Bảy buồn rầu bước lên máy bay với một hộp giấy bọc rất đẹp, đó là quà của người cháu tặng: hai chiếc áo len dệt.

6

Người lái xe ra phi trường đón ông bà Bảy là cô con gái Angel chứ không phải cậu út Tony. Sau khi xe chuyển bánh, ông Bảy hỏi con gái: "Ba tưởng hôm nay con mắc học nên mới nhắn thằng Tony đón. Nó bận à?". Angel có vẻ không vui trả lời Bố: "Chút nữa tới nhà Ba sẽ biết". Bà Bảy vẫn thắc mắc: "Thế thằng Tony bệnh à?". "Không, nó không bệnh mà bận". Thấy Angel có vẻ miễn cưỡng trả lời, ông bà Bảy không hỏi nữa. Xe ngừng trước nhà, lúc ấy vào khoảng hơn 12 giờ đêm, trong nhà phát ra tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng nói cười đùa ồn ào ầm ĩ. Ông Bảy nhăn mặt: "Chúng nó đang làm trò gì vậy?". Lúc này Angel mới nói liền một hơi dài như để trút hết sự bực bội chứa chất trong lòng: "Từ hôm Ba Má đi tới giờ, cứ vài ba ngày thằng Tony lại kéo lũ bạn bè mười mấy đứa, đủ cả trai gái về nhà nhậu nhẹt rượu chè hát hỏng, nhẩy nhót đùa rỡn thâu đêm suốt sáng. Con phải nói khó mãi hàng xóm mới không kêu cảnh sát đó!". "Sao con không ngăn cản bọn nó?" Bà Bảy hỏi. "Có mà trời ngăn!". Còn ông Bảy có vẻ giận lắm. Ông không nói năng gì, bước nhanh tới cửa nhà nhấn chuông. Người mở cửa không phải Tony mà là một cô gái khoảng 14, 15 tuổi mặt non choẹt và sặc sụa mùi rượu. Nó trố mắt nhìn ông bà Bảy chứ không chào hỏi. 

Trong căn phòng khách nhỏ bé chật chội, ông Bảy thấy đông nghẹt đám choai choai, kẻ thì nằm dài trên sàn nhà ngủ, đứa thì ngồi ngả nghiêng trên ghế gẩy đàn Guitar mồm nghêu ngao hát nhạc Mỹ. Còn vài cặp nam nữ đang ôm nhau ngả ngớn nhảy nhót theo tiếng nhạc trong máy. Bàn ghế sàn nhà ngổn ngang vỏ chai rượu và ly tách. Khói thuốc lá khét lẹt, bốc mờ mịt khắp phòng. Thấy ông Bảy vào bọn này vẫn tỉnh khô như không nhìn thấy, vẫn tiếp tục công việc. Có lẽ chúng nó say quá rồi nên không quan tâm tới bất cứ sự gì nữa. Ông Bảy cất tiếng hỏi lớn: "Thằng Tony đâu rồi?". Không có tiếng trả lời. Ông Bảy hỏi lại. Lần này tiếng một cô gái: "Nó trong phòng tắm". Cố nén cơn tức giận, ông Bảy bước vào phòng tắm, có bà đi theo. Cậu út Tony áo quần nhầu nát đang nằm co quắp trong bồn tắm không nước, đầu gác lên thành bồn, mặt mũi đỏ gay, mồm há hốc và...ngáy rất to. Ông Bảy nói như rít: "Trời ơi là trời!". Ông định gọi cảnh sát tới hốt bọn này đi, bà can ngăn mãi ông mới chịu thôi. Và bà phải to tiếng xua đuổi bọn trẻ mới chịu rời khỏi nhà. Cả bọn lếch thếch kéo nhau ra xe nhưng còn mấy tên say vẫn nằm ngủ như chết, bà Bảy đành chịu thua để mặc chúng nó sáng mai sẽ tính. Ngày hôm sau tỉnh rượu Tony sợ quá, bỏ nhà đi luôn một tuần mới dám mò về. Bà Bảy và cô con gái phải mất nửa ngày dọn dẹp lau chùi nhà cửa. 

Ông bà Bảy có ba người con, hai trai một gái. Cậu con trai lớn như ta đa biết vì lấy vợ "Bắc kỳ con cộng sản" nên đa bị ông Bảy từ, không nhìn nhận nữa. Cậu út Tony tuy chưa tới tuổi thành niên nhưng đa là "Mỹ con" rồi, ông Bảy đành chịu thua bất lực trong việc rèn luyện nó theo chí hướng của mình. Ông gần như thả lỏng nó, coi như con người bỏ đi không lý tới. Thế là cả hai người con trai - những kẻ thừa kế dòng họ - mà ông Bảy đặt biết bao hy vọng sẽ làm vinh danh dòng họ sau này - ít ra thì cũng phải hơn ông một bậc, đa làm tiêu tan giấc mộng lớn của ông. Từ lúc còn trai trẻ ông Bảy đa ôm ấp giấc mộng lớn: gia đinh ông sẽ trở thành như gia đinh Kennedy. Tới đời con hoặc đời cháu là cùng phải có một người làm Tổng Thống. Từ nhỏ ông Bảy đa mất rất nhiều công sức dạy dỗ, hướng dẫn, giảng giải về các gương thành công và sự vinh quang của các danh nhân, các anh hùng trong lịch sử để cậu con trưởng nuôi chí lớn. Ông nhất quyết đào tạo các con mình thành những anh hùng, những vĩ nhân, những người lãnh đạo quốc gia. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Con ông chưa kịp trưởng thành, ông đa bị tù đầy mười mấy năm. 

Khi ông trở về thì cái cây đa cứng, uốn nắn không được nữa. Mất người con trưởng, ông đặt hy vọng vào người con út. Hấp thụ không khí tự do, đời sống tự do, với nền giáo dục văn minh tân tiến của Hoa Kỳ nhất định con ông sẽ lập được sự nghiệp lớn sau này. Nhưng rõ ràng là "cam trồng Bố Hạ thì ngọt, đem trồng nơi khác thì chua" như câu thành ngữ trong dân gian miền Bắc thường nói. Mất hết hy vọng ở hai người con trai, ông Bảy đành quay sang cô con gái. Cô Angel sau khi tốt nghiệp trung học có ý định theo học ngành Y để trở thành bác sĩ. Hầu như đa số người Việt tới đất Mỹ tái định cư đều muốn con cháu mình, dù trai hay gái, học hành trở thành bác sĩ. 

Người Á Đông xưa nay vốn quý trọng thầy thuốc, và ngày nay trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, nghề này vừa được trọng vọng lại có danh có tiền. Riêng Angel nghĩ khác. Sau khi tốt nghiệp Y khoa cô sẽ tình nguyện tới các nước còn nghèo nàn lạc hậu như Châu Phi chẳng hạn, để chữa trị bệnh giúp những người khốn khó. Nhưng ông Bảy lại muốn cô con gái quý của mình học về ngành truyền thông. Ông cho rằng bây giờ không còn có thể dùng vũ lực để đánh cộng sản được nữa mà phải đánh bằng thông tin tuyên truyền, tức đánh nhau bằng "lời",- nói nôm na là đánh nhau bằng mồm (bây giờ thiên hạ gọi một cách văn hoa là diễn biến hòa bình). 

Mấy thập niên qua người ta đa chứng kiến sức mạnh ghê gớm của truyền thông. Những lãnh tụ độc tài, những Tổng thống quyền uy trùm thiên hạ thế mà vẫn bị giới truyền thông đánh đổ. Rồi tới những chế độ độc tài đảng trị tưởng muôn năm trường trị, chỉ trong thời gian ngắn đa bị đập tan tành bởi những tờ báo, những đài phát thanh, truyền hình. Ông Bảy lúc còn trong nước đa thấy rõ tầm mức quan trọng của truyền thông sau khi nghe tin ông Gorbachev phá tan chế độ cộng sản Liên Sô. Trước sự giảng giải rồi đi tới đoi hỏi quyết liệt của ông Bảy, để hoãn binh chi kế, cô Angel xin cha cho một thời gian suy nghĩ. Đêm đó trong phòng riêng cô đa khóc thầm muốn hết nước mắt. Thế là cuộc đời cô, nếu làm theo lời "ông già" thì sẽ đi vào một con đường hoàn toàn không thích hợp với ý muốn của cô. 

Chương trình học và hành được ông Bảy hoạch định cho cô con gái như sau: (ông cứ làm như chuyện đa rồi) tốt nghiệp ngành truyền thông, Angel sẽ xin vào làm ở một tờ báo hay một đài truyền thanh hoặc truyền hình. Sau khi tay nghề vững chãi, Angel sẽ đứng ra lập một tờ báo hoặc một đài phát thanh hay một đài truyền hình tùy theo nhu cầu lúc đó. Những cơ sở này sẽ là cơ quan trung ương của trận tuyến đấu tranh với cộng sản trong nước của ông Bảy và các chiến hữu. Nhưng mọi sự chưa đi đến đâu thì cô Angel bất ngờ bị tiếng sét ái tình đánh trúng vào trái tim trong trắng của cô. Người bạn tình của Angel là một thanh niên Mỹ đẹp trai, John Carney, con một nhà triệu phú tên tuổi. Vì là con một được cha mẹ nuông chiều nên John chỉ thích ăn chơi nhảy nhót tiêu tiền phá của, không chịu học hành. Angel được một cô bạn người Mỹ rủ đi dự buổi tiếp tân của con trai nhà triệu phú. Trước sự sang trọng hào nhoáng xa hoa lộng lẫy của giới thượng lưu Mỹ lần đầu tiên Angel được tham dự khiến cô ngây ngất choáng váng như người đang bước trên chín từng mây. 

Ngày xưa gia đinh cô cũng có nhiều buổi tiếp tân tiệc tùng nhưng về sự sang trọng và xa hoa thì đúng là không bằng một góc của buổi hôm nay. Cô được người bạn gái dẫn tới giới thiệu với John. Trước sắc đẹp mặn mà quyến rũ của cô gái Việt Nam ngay từ phút đầu tiên John đa tỏ ra mê mẩn say đắm liền. Suốt buổi tiếp tân hai người không chịu rời nhau một bước khiến các cô tiểu thư Mỹ rất khó chịu về việc này. John rủ cô một chuyến chơi xa trên du thuyền của gia đinh. Cô Angel vui vẻ nhận lời ngay. Sự thèm khát hưởng thụ trong cuộc sống nhung lụa của những ngày tháng xa xưa bỗng được đánh thức dậy trong cô vô cùng mãnh liệt. Cô nói dối cha mẹ là nhà trường tổ chức du lịch. Thế là "chàng và nàng" thả sức vui vầy bên nhau trong những ngày đầy xa hoa sang trọng và phóng túng trên biển cả mênh mông. Sau đó cô bỏ học luôn. 

Ông bà Bảy khi biết chuyện thì mọi sự đa rồi. Ông im lặng ngấm ngầm chịu đựng đau khổ. Còn bà thì cứ rên rỉ kêu khổ suốt ngày. "Thế này thì hết đời rồi con ơi!". Thế là ông Bảy lại mất luôn cô con gái quý mà ông đặt biết bao hy vọng. Nhưng vẫn chưa hết. Tai họa vẫn tiếp tục giáng xuống đầu ông bà Bảy. Cậu út Tony vừa bị tống giam vào nhà tù về tội cướp của giết người. Ông Bảy như điên. Ông chẳng còn tâm trí nào để thiền nữa! Suốt ngày đêm ông cứ hầm hè tìm cách gây sự với bà để có cớ la hét mắng nhiếc chửi bới đời qua bà. Rồi ông tìm quên trong rượu. Mấy người bạn thân thiết chí cốt khi xưa phải hè nhau góp tiền bạc rồi "bắt cóc" ông đi tới một tiểu bang miền biển để ông nghỉ ngơi tỉnh dưỡng một thời gian. Mãi tới khi "hồi tỉnh" ông mới được họ đưa trở về nhà với bà vợ. Con người ông Bảy bắt đầu "đổi khác" từ đây. Trong đời ông đây là lần" đổi khác" thứ hai. Lần thứ nhất là ông mất hết danh vọng, quyền lực, tài sản, sự nghiệp để bước vào trại tù cải tạo cộng sản.

7

Đến bây giờ ông Bảy mới được hưởng trợ cấp tuổi già. Sau khi làm thủ tục xong ông thở dài nhẹ nhõm. Thế là từ nay ông khỏi vất vả trong cuộc "mưu sinh tạp nhạp kiếm ăn" (như ông thường nói với bạn bè). Hôm lên Sở Xã Hội làm thủ tục giấy tờ, ông vận bộ đồ nhà binh là ủi thẳng nếp gần như còn mới nguyên rất trịnh trọng (đây là bộ đồ của vị tướng khi xưa ông thường mặc trong những ngày đại lễ nhưng không mang sao). Ông nói với bà: "Mình giấy rách cũng phải giữ lấy lề bà ạ". Bà chưa tới tuổi hưởng trợ cấp người già nhưng cũng "tháp tùng" ông cho vui. Anh chàng nhân viên Sở Xã Hội người Mỹ hỏi ông nghề nghiệp trước 1975, ông trả lời: "Đi lính". "Cấp bậc?" Ông trả lời gọn lỏn: "Tướng!". Thực ra thì trong tập hồ sơ đặt trên bàn đã có đầy đủ lý lịch của ông rồi nhưng có lẽ người phỏng vấn muốn hỏi để có chuyện nói thôi. Người phỏng vấn bất thần nói tiếng Việt: "Lúc ở Việt Nam tôi thuộc lính của ông". Ông Bảy ngạc nhiên kêu lên: "Ơ!". "Phải, khi đó tôi làm cố vấn cho Tiểu đoàn 3. Thỉnh thoảng lên Sư đoàn họp tôi có gặp ông. 

Lúc ấy ông lớn quá mà, đâu biết tới tên đại úy quèn là tôi". Dứt lời người phỏng vấn và kẻ được phỏng vấn đều cười xòa vui vẻ. Khi đứng dậy ra về người phỏng vấn bắt tay ông Bảy và lắc mạnh: "Cuộc chiến Việt Nam thật tệ hại và bất công phi lý. Ông và tôi, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của bọn to đầu đầy tham vọng muốn làm vĩ nhân nên rất tàn nhẫn quỷ quyệt. Nhưng thôi ông ạ, sông có khúc người có lúc như người Việt các ông thường nói. Để tồn tại, các ông cứ nhìn gương người Do Thái, phải mất hàng trăm năm phục quốc và bây giờ là người Palestin". "Cám ơn ông, cám ơn ông. Tôi rất vui hôm nay được gặp ông". Ông Bảy ra về trong niềm hân hoan. Ông nói với bà vợ trước khi lên chiếc xe hơi cũ rích từ đầu thập niên 80 do một người "đệ tử" cho: "Đâu có phải tất cả người Mỹ đều đáng ghét và kỳ thị ngoan cố!". Đời sống vật chất của ông bà Bảy, từ khi ông được hưởng trợ cấp tiền già, từ đây bớt chật vật nhưng nỗi đau, nỗi nhức nhối về tinh thần chỉ có số nhân chứ không có số cộng.

8

Cô con gái cưng Angel của ông Bảy sau khi theo chàng trai du hí khắp bốn biển năm châu, trở về nhà xin phép ông bà Bảy cho cô được làm lễ cưới với người bạn trai Mỹ. John sau một thời gian sống chung với Angel lại càng si mê say đắm cô hơn, nhất quyết đoi bằng được cưới cô làm vợ. Nhưng cha mẹ chàng - nhà triệu phú và dòng dõi quý tộc Mỹ lâu đời - khi nào lại chịu cho con trai mình lấy "con mọi da vàng". Đó là về phía "đàng trai". Còn phía "đàng gái" sự kỳ thị cũng không kém. Bà Bảy nhất định không chịu cho con gái mình làm "me Mỹ". Mang tiếng chết. Bà sợ nhất là thiên hạ chê cười bêu riếu. Cái thành kiến kỳ thị ngót trăm năm nay của người Việt vẫn còn ăn sâu bén rễ trong bà. Trước đây đàn bà Việt lấy chồng người Pháp thì người ta xem thường khinh miệt gọi là "me Tây". Còn bây giờ lấy Mỹ người ta gọi là "me Mỹ", mặc dù họ đang sống nhờ trên đất Mỹ và vẫn chửi Mỹ kỳ thị. 

Ông Bảy, vốn là người thức thời, không kỳ thị, ông ưng gả con gái nhưng phải đợi khi Angel học hành tốt nghiệp. Có cái bằng đại học rồi làm lễ cưới cũng chưa muộn. Trong thâm tâm ông Bảy không khỏi mừng thầm. Có cậu con rể thuộc dòng họ giầu có thế lực ở Mỹ càng làm cho sự mong muốn và nguyện vọng của ông sớm trở thành hiện thực. Mâu thuẫn bắt đầu nẩy sinh giữa hai vợ chồng ông bà Bảy từ đây, ngày một thêm trầm trọng. Ông nhất định gả, bà nhất định không. Ông hết lời nài nỉ rồi tới to tiếng quát tháo nạt nộ, bà vẫn không xiêu lòng. Nhưng rồi chẳng bao lâu chính bà Bảy lại là người sốt sắng nhất trong việc mong muốn gả Angel cho John. Hôm đó cô Angel đi chơi xa về, nghe đâu ở Paris, tất nhiên là đi với người tình Mỹ. Cô mang về một va li đầy toàn những đồ mắc tiền làm quà tặng ông bà Bảy. Thoạt đầu bà còn mầu mè làm bộ làm tịch không chịu nhận. Nhưng khi thấy cái vòng cẩm thạch mầu tím biên biếc trị giá dăm bảy chục ngàn đô, bà yên lặng để cô con gái đeo vào cổ tay bà. Tiếp theo đó, sau một bữa ăn ở tiệm về nhà, có sự hiện diện của John, cô Angel trịnh trọng thưa với ông bà Bảy nếu ông bà bằng lòng cho hai người chính thức lấy nhau thì ngay sau lễ hỏi, John sẽ mua tặng ông bà căn nhà mới ở một khu sang trọng. Bà Bảy nghe nói tưởng như mình đang nằm mơ. Đôi mắt bà sáng hẳn lên và trống ngực bà đập mạnh. Bao nhiêu tức bực giận dỗi cô con gái giờ đây tan biến hết. Bà cất giọng run run hỏi lại Angel: "Con nói sao? Nói rõ lại cho mẹ nghe coi!". Cô Angel nhắc lại câu vừa nói. Còn ông Bảy cũng rất bất ngờ khi nghe cô con gái nói nhưng ông cố dằn lòng và giữ vẻ mặt thản nhiên. Phải nói là sự vui mừng của ông còn hơn bà vợ nhiều. Từ nay cuộc đời ông lại chuyển sang hướng khác và chỉ có đi lên mà thôi. Ôi những ngày tháng vàng son huy hoàng ngày xưa giờ đây lại hiện ra trước mắt ông. Ông đứng lên bắt tay anh chàng rể tương lai và siết thật chặt giữ thật lâu. Bất chợt ông hỏi John: "Nhưng còn gia đinh cậu?". John khẽ nhún vai: "Ông yên tâm, tôi sẽ có cách giải quyết tốt đẹp". Còn bà Bảy vì không nén được cảm xúc đã òa lên khóc khiến anh chàng thanh niên Mỹ trợn tròn mắt ngạc nhiên vì không hiểu chuyện gì. Tuy nói với ông Bảy là "sẽ có cách giải quyết tốt đẹp" với gia đinh anh về cuộc hôn nhân của mình nhưng sự việc thật không giản dị như John nghĩ. Cha mẹ anh trước sau như một nhất định không. Ông bà nói thẳng là họ không muốn dòng họ con cháu sau này mang huyết thống lai căng, nhất là phải pha trộn với một giống dân da màu mọi rợ. 

Ông bà ít có dịp tiếp xúc với người Việt, chỉ thỉnh thoảng coi truyền hình hay đọc báo thấy loan tin đám người Việt lưu vong này đa sự lắm, hơi một chút là biểu tình, là xuống đường tuần hành phản đối. Họ chẳng những phản đối chính quyền Mỹ, phản đối cộng sản Việt Nam trong nước mà còn phản đối cả với đồng hương lưu vong của họ. Trước sự chống đối dữ dội và quyết liệt đó, John phải đi cầu cứu vấn kế mấy ông nhà báo giữ mục "giải đáp tâm tình" cũng như các chuyên gia tâm lý. Và John đã tìm ra giải pháp: anh cầu cứu bà Nội. Sau khi nghe John tả oán, thuyết phục và cả dọa dẫm tự tử, bà Nội xiêu lòng đứng về phe John. Hình như các cụ bà dù Việt hay Mỹ thường thương và chiều cháu hơn con. Bà cụ "long trọng thông báo" cho cha mẹ John biết nếu không cho anh lấy cô gái Việt làm vợ thì cụ sẽ dành tất cả tài sản của cụ cho John. Cụ "lý luận" chẳng gì "con nhỏ" cũng là con nhà dòng dõi tướng lãnh của một nước. Thế là John đạt thắng lợi. Nhất là khi John đưa Angel về "ra mắt" bà cụ Nội. Trước sắc đẹp và sự khôn ngoan hiền dịu của một cô gái Đông phương như Angel, bà cụ bị chinh phục ngay.

9

Sau đám cưới John Angel - một đám cưới có thể nói là huy hoàng, xa hoa, vĩ đại nhất trong số những cô gái Việt lấy chồng Mỹ. Khách tham dự kể cả Việt Mỹ có cả ngàn. Báo chí - nhất là báo Việt - đã hết lời ca tụng mối tình lý tưởng Việt Mỹ và nhân dịp này họ cũng không tiếc lời bốc thơm ông bà Bảy. Có báo đã ca ngợi ông Bảy là một danh tướng bách chiến bách thắng! Có mật là ruồi bu đông. Bắt đầu từ đó nhà ông bà Bảy lúc nào cũng nhộn nhịp khách khứa bạn bè và cả những người trước giờ ông bà Bảy chưa hề quen biết. Nhất là bà Bảy, bây giờ bà đương nhiên trở lại bà phu nhân đầy quyền quý, kẻ đưa người rước, kẻ hầu người hạ như ngày xưa, lúc chồng bà còn làm lãnh chúa một vùng. 

Rồi các bà phu nhân chế độ cũ rủ rê bà vào con đường cờ bạc lúc nào không biết. Suốt ngày đêm bà mải mê đi chơi hết sòng bạc này tới sòng bạc khác, toàn những sòng lớn danh tiếng trong nước Mỹ. Tiền bạc thua bà không cảm thấy đau xót mấy vì đã có cô con gái cưng cung cấp - cũng như ngày xưa đã có bọn đàn em tay chân của ông chuyên áp phe mua quan bán chức dâng biếu. Ông Bảy thoạt đầu còn có ý khuyến khích ngầm bà vui chơi tí chút để quên đi những ngày tháng trống rỗng của người lớn tuổi nơi xứ người. Nhưng rồi bà không kìm hãm được sự đam mê, bà lún sâu vào trò đen đỏ suốt quanh năm ngày tháng, bỏ ngoài tai lời can ngăn rồi cấm cản của ông. Cô con gái Angel cung cấp mãi tiền bạc cũng buốt rột tìm cách chối từ. Như kẻ điên cuồng mất hết ý chí, nghị lực và cả tư cách nữa, bà Bảy khác gì con thiêu thân lao vào lửa. Không sẵn tiền đánh bạc bà đi vay mượn cầm cố tư trang (do con gái sắm cho). Chẳng bao lâu bà Bảy nợ nần ngập đầu ngập cổ. Vì giữ gìn danh dự và tên tuổi địa vị mà báo chí và nhất là các đàn em khi xưa đang thi nhau tâng bốc ông lên đến chín từng mây khiến ông Bảy phải ngậm bồ hòn làm ngọt, đành nhắm mắt làm ngơ để bà muốn làm gì thì làm cho "yên cửa yên nhà" như ông thường nói với bạn bè thân thiết. Khi đã thoát khỏi cảnh mưu sinh tạp nhạp và trong tay cũng có sẵn một số tiền do cô con gái và cậu rể quý cung cấp, đồng thời cậu con trai trưởng cũng nhiều lần xin ông bỏ qua cho việc lấy "con nhỏ Bắc kỳ cộng sản" làm vợ. Cậu đưa ra những lý luận về "diễn biến hòa bình" để đấu tranh dân chủ với cộng sản Việt Nam. Bây giờ không thể dùng vũ lực với kẻ thù được nữa và cô vợ cậu (cũng như bố mẹ họ hàng cô ở Hà Nội sẽ là những cánh tay đắc lực cho ông Bảy trong những hoạt động chính trị mai này. Ông Bảy nghe xuôi tai nên đồng ý cho "cậu trưởng" trở lại sinh hoạt với đại gia đinh. Tất nhiên vợ chồng "cậu trưởng" đã tặng ông Bảy những số tiền khá lớn để làm quỹ hoạt động đấu tranh chính trị. Một hôm ông Bảy cho mời ông Tư và một số cựu sĩ quan dưới quyền ông ngày xưa tới nhà họp bàn quốc sự. Trước đó ông đã họp riêng với ông Tư. Thật bất ngờ, chưa bao giờ ông Tư có ý kiến trái với ông Bảy, nhưng lần này... "Thưa tướng, có một điều tôi hết sức đau lòng nhưng phải thưa với tướng: chúng ta hết thời rồi. Chúng ta đa trở thành quá khứ. Thời gian không ủng hộ chúng ta nữa. Nếu còn có cơ hội thì chính cái tuổi già là kẻ thù của chúng ta, ngăn cản chống phá chúng ta. Còn việc tướng bảo trông cậy vào người Mỹ như ông Tổng thống Bush nói là sẵn sàng tiếp tay những người đấu tranh cho tự do dân chủ. Đó chỉ là câu nói của một người làm chính trị, khi xanh khi đỏ. Gió đã đổi chiều. Chúng ta đã vỡ mặt, đã tan nát cả cuộc đời, đã mất cả nước về cái sự hứa hẹn thề thốt của các nhà lãnh đạo Mỹ. Hơn nữa với địa vị và uy thế của bên thông gia nhà tướng, tôi thấy đó chỉ là ngọn gió nhỏ thôi không đủ sức lan bùng khắp nước Mỹ. Tốt hơn hết theo tôi, Tướng nên lập một hội đại khái như hội ái hữu hoặc hội cựu gì đó để mọi người thỉnh thoảng có cơ hội gặp nhau chuyện trò, nhất là than thở cho số phận mình và cho vận nước". Nghe ông Tư nói vậy ông Bảy nổi sùng: "Chú nói vậy thì chúng ta đành bó tay bỏ cuộc chịu thua? Rõ ràng chú mang nặng tư tưởng bi quan yếm thế. Tôi thật không ngờ bây giờ tinh thần của chú lại sa sút tồi tệ đến thế". "Đó là thực tế, mong Tướng suy nghĩ lại. Tương lai đất nước không ở trong tay chúng ta nữa mà ở các thế hệ sau". Ông Tư nói như kết thúc câu chuyện giữa hai người. Bữa tiệc tập trung khá đông đủ những vị tai to mặt lớn trong cộng đồng. Sau khi tiệc tùng no say và nghe ông Bảy trình bày về kế hoạch giúp dân cứu nước thoát khỏi bàn tay đàn áp của cộng sản Việt Nam, mọi người bừng bừng khí thế sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước. Ông Bảy hài lòng lắm, nhắt là khi họ đồng tâm nhất trí suy tôn ông làm lãnh tụ. Hôm sau ông Bảy dậy sớm. Ông vận bộ quân phục như còn mới nguyên là ủi nếp thẳng tắp. Nơi cổ áo ông gắn mấy ngôi sao bạc lấp lánh. Ông cầm cái gậy chỉ huy, cái gậy đã theo ông suốt cuộc đời binh nghiệp - tất nhiên trừ những ngày tháng lao tù ông dặn bà phải giữ gìn cẩn thận như một bảo vật. Ông đi đi lại lại trước gương ngắm nghía và tự lấy làm hài lòng về mình lắm. Ông cảm thấy mình chẳng khác gì ngày xưa bao nhiêu. Nghe tiếng động ngoài phòng khách, ông bước ra coi. 

Bất ngờ ông bắt gặp bà vợ đang nhỏ to gì đó với thằng Tony. Nó lẻn về nhà lúc nào ông không biết. Có lẽ nó vượt ngục chứ đâu đã hết hạn tù. Ông hét lớn: "Thằng khốn kiếp! Tao sẽ gọi cảnh sát lôi cổ mày trở lại nhà tù!". Bà Bảy cuống cuồng: "Tôi van ông, khẽ chứ. Nó về rồi lại đi ngay đấy mà!". Còn Tony cũng ngạc nhiên không kém khi thấy bố mình bận quân phục mang sao nơi cổ áo và cầm gậy chỉ huy. Có vẻ ông đang muốn vung cậy gậy đập vào mặt nó. Mặc dù đang sợ bố nó cũng phì cười nói: "Trông ba ngộ quá. Hết thời rồi ông tướng ơi". Dứt lời nó tông cửa bước ra khỏi nhà liền. Ông Bảy giận lắm dằn giọng hỏi vợ: "Bà lại vừa cúng tiền cho nó phải không? Tôi nói cho bà biết chứa chấp tù trốn trại cũng tù mọt gông đấy!". Bà Bảy chối: "Nó trong tù có hạnh kiểm tốt nên người ta cho phép về thăm nhà 24 giờ. Dù gì nó cũng là con mình, giọt máu của mình, ông bảo làm sao tôi bỏ nó được!". Trước khi bước về phòng ngủ ông Bảy còn răn đe vợ: "Lần sau tôi mà còn thấy nó vác mặt về nhà bà đừng trách tôi". Bà Bảy nhìn theo ông chồng trong bộ quân phục tủm tỉm cười. Mấy chục năm rồi bà mới thấy lại ông hiên ngang oai vệ trong bộ quân phục với những ngôi sao bạc lấp lánh nơi cổ áo.

10

Ngày mồng Một Tết, có người đem biếu ông Bảy một bức tranh tàu vẽ con Cọp rất đẹp, rất uy mãnh. Ông Bảy mừng lắm cho rằng đây là điềm tốt đẹp báo hiệu những ngày sắp tới của ông. Ông Bảy đang say sưa ngắm nghía thì có cú điện thoại của ông bạn cựu tướng gọi tới chúc Tết. Ông ta nói: "Bây giờ chỉ còn có anh và tôi xứng đáng đứng ra đảm nhận trọng trách quốc gia do toàn dân trao phó. Vậy anh hãy mạnh dạn và tin tưởng dấn bước. Sự thành công và vinh quang đã hiện ra trước mắt. Chúng ta sẽ lấy lại được tất cả những gì chúng ta đã mất. 

Và vòng nguyệt quế sẽ rạng rỡ trên đầu chúng ta. Lịch sử đất nước sẽ tô đậm nét vàng son tên tuổi chúng ta". Ông Bảy đặt ống điện thoại xuống. Trong cơ thể ông máu chạy rần rần bừng bừng sinh khí. Cả một chân trời sáng rực đang hiện ra trước mắt ông. Ông lại quay lại với bức tranh con cọp. Ông say sưa ngắm nghía. Bức tranh thật tuyệt vời. Nét vẽ linh động, xuất thần, y như cọp thật. Có tiếng chuông nhấn ngoài cửa. Rồi tiếng bà Bảy: "Mừng anh năm mới. Vâng nhà tôi có nhà. Mời anh vào". Đó là ông nhà văn bạn thân. Ông Bảy đang rất cần những người cộng tác như ông nhà văn này. Ông vui vẻ đón chào bạn và khoe ngay bức tranh con cọp. Ông nhà văn sau khi chăm chú xem xét ngắm nghía đã hết lời ca ngợi bức tranh. 

Ông ta nói: "Bức tranh đẹp thật. Con cọp vẽ đẹp quá, sống động quá, đầy đủ uy nghi dũng mãnh, đúng là chúa tể sơn lâm". Ngưng chút ông ta nói tiếp :"Trông cứ y như cọp thật ông bạn tướng quân nhỉ. Nhưng thật tiếc, thật tiếc, đây lại là cọp vẽ trên giấy! Nếu là cọp thật thì quý biết bao!" Và ông nhà văn cố nén một tiếng thở dài. Ông Bảy không lấy làm vui lắm khi thấy bạn mình có vẻ như than thở về con cọp vẽ trên giấy. Ông Bảy lầm bầm trong bụng: "Rõ anh chàng nhà văn này lớn tuổi rồi sinh lẩm cẩm. Làm mất vui ngày Tết!".

 

Thanh Thương Hoàng

(từ: vietmessenger.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...