Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

PHAN CHÂU TRINH VÀ CÔNG CUỘC KHAI DÂN TRÍ - Trần Gia Phụng

     Image ResultTrần Gia Phụng - web - viethoc.com

chí sĩ phan châu trinh         Gs trần gia phụng   

 

Sau khi đỗ phó bảng năm 1901, Phan Châu Trinh làm thừa biện bộ Lễ tại Huế năm 1903.  Lúc đó, Pháp Tự Quốc Học Đường tức trường Quốc Học đã thành lập năm 1896.

 

Trong thời gian ở Huế, Phan Châu Trinh đọc được ba tác phẩm về học thuyết chính trị quan trọng là: 1) Du contrat social của Jean Jacques Rousseau. 2) De l’esprit des lois của Montesquieu.  3) Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch (1843-1898), người tỉnh Thừa Thiên.

 <!>

Hai tác phẩm đầu bằng chữ Pháp đã được dịch qua chữ Hán.  Tác phẩm thứ ba do Nguyễn Lộ Trạch viết năm 1892, cũng bằng chữ Hán, bàn về tình hình Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, và đề nghị triều đình Huế chấn hưng giáo duc, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, và truyền bá khoa học kỹ thuật Âu tây…

Do ảnh hưởng của các tac phẩm nầy, Phan Châu Trinh từ quan năm 1904, để tự do hoạt động theo lý tưởng của mình. 

 

Về lại Quảng Nam, ông cùng các bạn là Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Lê Cơ, vân động mở trường miễn phí tại các huyện trong tỉnh, theo kiểu mới như trường Quốc Học Huế, dạy quốc ngữ, sử ký, toán, cách trí (vạn vật).  Vào đầu và cuối mỗi buổi hoc, học viên các lớp nầy cùng đọc thuộc lòng một bài thơ yêu nước.  Mỗi lớp khoảng vài chục người, không kể tuổi tác, giới tính.  Số lớp lên đến khoảng 40 lớp trên toàn tỉnh.  Các ông còn vận động thành lập các hội cắt tóc ngắn, mặc đồ tây, để răng trắng...(Theo lời kể cho người viết tại Đà Nẵng vào thập niên 60 của cụ Phan Thị Liên (con của Phan Châu Trinh) và cụ Ông Ích Bật (con của Ông Ích Đường.)

 

Vào cuối năm 1904, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng du lịch về phương nam, đến Bình Định, thì tại đây chính quyền địa phương đang tổ chức kỳ thi khảo hạch học sinh bằng chữ Hán.  Đề thi gồm một bài thơ là “Chí thành thông thánh thi”, và một bài phú là “Danh sơn lương ngọc phú”. 

 

Các ông lấy tên chung là “Đào Mộng Giác” (người họ Đào tỉnh mộng) để tham dự kỳ thi nầy.  Phan Châu Trinh làm bài thơ. Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú.  Cả hai bài đều đả kích lối học từ chương khoa cử, kêu gọi sĩ phu hãy tỉnh mộng; và cả hai bài được một người cùng tham dự kỳ thi nầy là Nguyễn Quý Anh (con của Nguyễn Thông) phổ biến rộng rãi trong dân chúng.  Chính quyền tỉnh Bình Định ra lệnh truy tìm Đào Mộng Giác, nhưng ba ông đã lên đường về phương nam. 

 

Đến Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), các ông gặp các nhân sĩ địa phương là Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, cùng nhau bàn chuyện thành lập công ty Liên Thành, và mở trường Dục Thanh.   Công ty Liên Thành và trường Dục Thành theo hình thức của các tổ chức ở Quảng Nam, nhưng quy mô rộng lớn hơn và hoạt động lâu dài hơn.   

 

Ra Hà Nội năm 1906, Phan Châu Trinh, giúp các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền lập Đông Kinh Nghĩa Thục vào tháng 3-1907.  Hoạt động được 8 tháng, trường bị Pháp đóng cửa vào tháng 11-1907

 

Việc vận động thành lập các lớp ở Quảng Nam, trường Dục Thanh ở Phan Thiết và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội cho thấy đi đâu Phan Châu Trinh cũng kêu gọi mở trường nhắm mục đích khai dân trí hay nói cách khác là mở mang và nâng cao trình độ hiểu biết của dân chúng về văn hóa, chính trị, kinh tế….  Trong bài diễn thuyết tại Hà Nội năm 1907, đề tài là “Hiện trạng vấn đề”, Phan Châu Trinh kêu gọi người Việt: “Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào: Không gì bằng học.” (Báo Tiếng Dân, Huế: số 613 năm 1933.)   

 

Người Pháp cho rằng thơ văn Phan Châu Trinh tuy không bạo động như Phan Bội Châu, nhưng nguy hiểm hơn cho sự thống trị của Pháp. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập 2, Houston, Nxb. Văn Hóa 2000, tr. 618.) 

 

Vì vậy, khi xảy ra cuộc biểu tình xin xâu chống thuế ở huyện Đại Lộc ngày 11-3-1908, rồi lan truyền khắp Quảng Nam và các tỉnh Trung kỳ từ tháng 3 đến tháng 5-1908 (ba tháng), thường được gọi la Trung kỳ dân biến, thì viên khâm sứ Pháp ở Trung kỳ là Fernand Léveque cho rằng hoạt động của Phan Châu Trinh là nguồn gốc gây ra các cuộc biểu tình nầy.  Lúc đó Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội.  Ông bị Pháp bắt ngày 31-3-1908, rồi bị áp giải về Huế, giao cho triều đình Huế. 

 

Phủ Phụ chính triều đình Huế tuyên án tử hình Phan Châu Trinh ngày 13-4-1908, nhưng hôm sau (14-4-1908), Lévecque đổi thành án khổ sai chung thân đày Côn Lôn, trong khi các cuộc biểu tình ở miền Trung vẫn còn tiếp diễn, đủ thấy người Pháp rất quan ngại về những hoạt động của Phan Châu Trinh.

 

Do sự vận động của Hội Nhân Quyền Pháp, chính phủ Pháp ra lệnh cho toàn quyền Đông Dương đưa ông về đất liền năm 1910, và chỉ định cư trú ở Mỹ Tho. Vào năm sau (1911), theo yêu cầu của Phan Châu Trinh, Pháp để ông qua Pháp.  Từ đây bắt đầu khúc quanh mới trong cuộc đời của Phan Châu Trinh.

 

Cuộc vận động cải cách và khai dân trí của Phan Châu Trinh về sau được gọi là phong trào duy tân.  Những vận động nầy tuy bất bạo động, âm thầm, không ở dạng bùng nổ, nhưng đã góp phần làm chuyển biến tư tưởng dân chúng (thay đổi quan điểm) từ hệ tư tưởng quân chủ qua hệ tư tưởng dân chủ.  Chính sự chuyển biến nầy đã góp phần làm cho người Việt hưởng ứng rộng rãi các đảng phái chính trị mới được thành lập vào thập niên 20, và cao điểm là Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927.

 

Cách đây hơn 100 năm, trong một xã hội lạc hậu, tôn sùng Hán học, và bị Pháp đô hộ, mà một người có học vị và địa vị như Phan Châu Trinh đã rời bỏ quan trường để dấn thân hoạt động khai dân trí thì thật là can đảm và sáng suốt.  Can đảm vì ít ai từ bỏ địa vị, chức tước, vinh hoa phú quý để bước vào con đường tranh đấu chông gai.  Sáng suốt, vì Phan Châu Trinh thấy rõ “khai dân trí” là con đường sống còn của dân tộc trong hoàn cảnh bị Pháp bảo hộ, và khai dân trí còn là con đường đưa đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển trong tương lai một khi đã được độc lập.   Ngay cả Hoa Kỳ ngày nay là nước tiến bộ nhứt thế giới, cũng không ngừng đầu tư khai dân trí, mới có thể tiếp tục thịnh vượng.  (Trình bày trong Lễ Giỗ Phan Châu Trinh ngày 25-3-2023 tại Santa Ana, California.)

 

TRẦN GIA PHỤNG

(California, 25-03-2023)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...