Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Chuyện Tình Bát Nháo - Trần Yên Hòa

 

 NÉT VẼ THIÊN THẦN - Nhạc Võ Tá Hân - Thơ Bửu Châu - Ca sĩ Quỳnh Lan - Tranh  Nguyễn Sơn - YouTube


Tại miền đông Bình Sơn, Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng trên đồn, còn đại đội chỉ huy đóng dưới một nhà dân gần đó. Nhà có cô gái tên Non.

Non có vẻ đẹp làm choáng người khi mới nhìn. "Dân biển" mà nước da cô trắng hồng, môi đỏ như thoa son, nhất là có đôi mắt lớn và mái tóc dài, rậm. Khi Hoán về đơn vị thì thiếu tá Phúc đã thân thiết với cô Non lắm rồi, anh, anh, em, em ngọt xớt. Ai nhìn vào cũng cứ tưởng đó là tình quân dân như cá với nước, nhất là ở một vùng xôi đậu. Dân không thân với lính sao được, là cấp chỉ huy như tiểu đoàn trưởng, đúng là một ông trời con, phải đi sát dân, để biết dân muốn gì chứ.

 <!>

Đại đội trưởng đại đội chỉ huy là trung úy Trứ. Trứ người miền nam, thật thà như đếm, thật thà rất mực. Trứ hơi thấp người, mập và răng hơi hô. Trứ là người đàn ông không đẹp trai. Tuy vậy, Trứ được lính tráng thuộc quyền thương vì Trứ rất hiền, thẳng thắn, đó bản tính chân chất của dân nam bộ.

Bên ngoài nhìn vào Trứ không có gì hấp dẫn cả, dù có cái lon trung úy, nhưng chàng ta ít đeo lon. Trứ lo chu đáo mọi công tác của tiểu đoàn trưởng giao, một cách chăm chỉ, cần mẫn.

Đùng một cái, cả đại đội chỉ huy được báo tin, Trứ yêu cô Non và xin cưới Non làm vợ. Hoán hơi chưng hửng, nhưng thấy Trứ cũng hăng hái trong việc nhờ lính tổ chức tiệc cưới cho mình, Hoán nghĩ rằng, tình yêu có lẽ đến âm thầm, và nhà binh mà, khi đã yêu thì tổ chức đám cưới gấp gáp, thì cũng đúng và có lý thôi.

Trứ tìm đến Hoán nhờ vả:

- Mình sắp cưới vợ và tổ chức ngay tại đây, ông đứng ra tổ chức, trang hoàng giùm tôi chút nghe.

Hoán hỏi lại:

- Thiệt yêu không đấy? Sao không gởi thư hoặc điện tín cho ông bà già ở quê ra dự.

Trứ cười khỏa lấp:

- Thì đám cưới nhà binh mà. Cho có thủ tục thôi. Ông bà già mình ở Long An xa quá, đi ra cực khổ lắm.


Thế là Hoán hì hục nhờ lính đi cắt lá dừa, lá đùng đình, đem về trang trí đám cưới, làm cổng ngõ có chữ Vu Qui đàng hoàng. Buổi đám cưới có thiếu tá Phúc đại diện cho nhà trai và một số sĩ quan trong bộ chỉ huy. Bên gái chỉ có bà mẹ và đứa em gái nhà quê - thật là nhà quê. Và một số dân "nậu biển" quen biết với lính tráng, được mời thay mặt dân làng tham dự.

Hôm tiệc đám cưới, thiếu tá Phúc lên nói lời chúc mừng cô dâu, chú rễ rất trịnh trọng. Trung úy Trứ vẫn bận áo quần trận, đeo lon trung úy, còn cô Non bận áo bà ba vàng lợt với quần lĩnh đen. Cô Non không trang điểm mà đẹp tự nhiên, khiến toàn thể những người tham dự rất mừng cho Trứ, chàng trung úy không hào hoa, có thể nói là khù khờ, cưới được cô gái đẹp nhất vùng biển này. Hoán cũng mừng cho Trứ.

Nhưng sao lạ? Đêm hợp cẩn, Hoán thấy Trứ vẫn ở bộ chỉ huy đại đội, cũng vẫn phân chia cho lính gác đêm, vẫn nằm nghe radio với cái đài nhỏ chương trình Dạ Lan. Anh lấy làm ngạc nhiên, hình như có chuyện gì, nhưng không tiện hỏi. Thì nhà binh mà. Buổi tối mà say mê "đêm động phòng", tân hôn tân hiết, thì địch lợi dụng mò về quăng lưu đạn là nguy to. Đại đội phải luôn luôn có cái đầu tàu, là người chỉ huy, chứ để bọn lính lớ ngớ là không được đâu. Hoán phục lăng tinh thần phục vụ của Trứ, và nghĩ rằng, chàng này có thể lợi dụng buổi trưa hay buổi chiều, lính đi xuống nhà dân chơi hết, chàng ở nhà đánh lẻ, làm ăn lẻ, cũng nên.

Đại đội vẫn yên lành mấy ngày qua, và cô Non thì vẫn đi ra đi vào. Thỉnh thoảng nàng lên đồn một mình, vào pháo đài chỉ huy của thiếu tá Phúc, không biết có chuyện gì mà mỗi lần vậy, má nàng trông hồng hào hơn lên.

Đến một ngày, nàng Tần Phương, vợ của Phúc, lên thăm. Tần Phương theo trực thăng tiếp tế bay xuống tiểu đoàn, nơi Phúc đóng quân. Tụi lính hậu cứ không giám báo cho Phúc biết, nên Phúc vẫn bình thường. Khi Tần Phương xuống bãi đáp trực thăng, Phúc mới thấy choáng váng, nhưng thật tình, Phúc đã chủ động sự việc ngay từ đầu, nên chạy lại ôm choàng ngay Tần Phương, và nói:

- Em xuống đồn sao không báo anh hay để anh đón.

Tần Phương:

- Em nhớ anh quá nên xuống thăm anh. Bất ngờ vậy coi có động ổ gì không?

Trần Phúc cười thật tươi:

- Thì em kiểm soát đi, anh chỉ có mình em thôi, chứ không léng phéng với ai cả.

- Thật không?

- Thật, anh thề, có Chúa trời.

Tần Phương bịt miệng Phúc:

- Em tin mà. Đừng thế thốt gì anh.

Hai người sóng đôi đi vào hầm chỉ huy của Phúc, trong lúc lính bên ngoài lo hò hét, khiêng đồ tiếp tế vào cho từng đại đội, và hàng hóa của câu lạc bộ nữa.

Vào đến hầm chỉ huy chỉ còn hai người, Tần Phương chỉ mặt Phúc:

- Anh ghê lắm nghe. Anh xuống đây có bồ phải không? Nghe nói có con bé nhà quê nào đẹp lắm, anh mê nó lắm, nên cả tháng trời này anh không về thăm em.

Phúc run trong bụng, nhưng anh vẫn làm tỉnh, trả lời:

- Bậy, ai nói với em mà bậy thế.

- Thì lính anh nói chớ ai. Anh làm gì ở đâu, với ai em đều biết tỏng cà tong. Đừng dấu em nữa.


Nhưng Phúc là tay cáo già trong tình trường, cuộc đời quân ngũ của anh cũng trải trên mười năm, từ ngày ra trường khi còn mang cái lon thiếu úy, cầm quân chỉ với một chức vụ nhỏ là trung đội trưởng, đi hành quân, qua mấy vùng thôn quê hẽo lánh, khi dừng quân, anh thấy cô bé nào tròn trịa, dễ thương, má đỏ môi hồng, là anh sà vào tán ngay, nhất là ở quận Nghĩa Hành, lính tráng chuyền nhau câu ca dao nhân gian:

Muốn huy chương về Thạch Trụ

Muốn đ. về Nghĩa Hành.

Lính tráng đi hành quân hai, ba tháng trên núi cao, không một bóng dáng đàn bà, con gái, nên mong về Nghĩa Hành lắm. Phúc cũng ở trong loại đó, nhưng anh là sĩ quan, anh chơi có bài bản hơn đám lính nặc nô kia, là lấy lòng cô gái, tặng quà cáp như vài ba lon thịt hộp, hay mấy cục pin PC 25, để các cô thắp sáng nhà ban đêm. Và câu nói thường ở lỗ miệng chàng là "em đẹp lắm, anh thích em, anh yêu em". Thế nào cô gái cũng xiêu lòng và ngã vào vòng tay chàng dễ dàng. Khoảng một tuần, hai tuần, đơn vị di chuyển hành quân nơi khác, thì chàng ra đi, dù em có khóc hết nước mắt đi nữa thì cũng đành chịu thôi. Tình quân nhân như cá với thớt là như vậy.

Bây giờ Tần Phương xuống thăm Phúc bất ngờ cũng trong ý đó, coi thử chàng ta có lem nhem với em nào không? Vì nàng nghe thằng Cống, lính do Phúc đưa về phục vụ trong nhà nàng, như lái xe đưa nàng đi chợ hay đi bất kỳ nơi đâu, rồi đón đưa 2 con nàng đi học. Nó là thằng gốc ba Tàu, sợ ra tác chiến nên đã đút lót chạy chọt với Phúc, ngoài tiền lương hàng tháng của thằng Cống, Phúc lãnh, gia đình thằng Cống mỗi tháng còn đưa riêng cho Tần Phương mấy chục ngàn, cho nó ấm cái thân, mang chữ thọ. Riết rồi nó được Tần Phương tin tưởng, đặt để vào hậu cứ tiểu đoàn theo dõi, nghe ngóng, có tin tức gì về Phúc thì báo cáo cho nàng, nhất là Phúc léng phéng với mấy con nhỏ nhà quê nhà quệt ở địa phương nơi đóng quân không?

Thằng Cống làm việc cho cả hai nên, coi như là gián điệp nhị trùng, mà bên nào cũng quyền lực cả. Bên này nếu Phúc không tin, cũng dẫn Cống vào cửa tử, và nếu báo cáo cho Tần Phương sai, Cống cũng sẽ bị đẩy đi, nên Cống phải hai đầu thọ địch, làm sao được lòng cả Phúc, cả Tần Phương, thì nó mới giữ được cái đầu còn ở trên cái cổ.

Như hôm vừa rồi, Cống lái xe vô hậu cứ, thì thằng Năm bánh bò, một người lính làm ban 1, rỉ vào tai Cống:

- Mi biết không, tau nghe anh em ở tiểu đoàn đi phép về hậu cứ báo tin, ông Phúc ở dưới chỗ đóng quân cặp với một em đẹp lắm.

- Thiệt không?

- Thì tau nghĩ là thiệt, ổng là "hạm" mà, thấy em đẹp thì nhào vô ngay, đâu có tha, mèo thấy chuột mà tha sao được.

Rồi người lính hậu cứ nói thêm:

- Nghe nói bà này cặp ổng, nhưng ổng sợ đến tai bà vợ, nên ổng nhờ trung úy Trứ thế thân, ổng ép ông Trứ làm đám cưới với con nhỏ đó rồi.

- Thế à.

Thằng Cống nghe được nên về nhóp nhép lại với Tần Phương, Tần Phương muốn đen trắng phân minh nên nàng bay ngay xuống hiện trường. Và lần này nàng cũng bắt vuột con mồi, cô gái tên Non bây giờ là bà trung úy Trứ ngon ơ rồi. Làm được gì nhau.

Sau khi vô hầm chỉ huy, và được bù đắp ngay "dụ kia", bù cho một tháng chồng không về thăm, Tần Phương thấy mình vui vẻ khỏe khoắn trở lại, không còn suy nghĩ viễn vông nữa.

Tần Phương bây giờ không còn là một tiểu thư khuê các có dáng đi như rắn, tấm lưng ong nuột nà lã lướt như ngày còn học sinh trung học, mà Tần Phương bây giờ gần ba mươi tuổi, đã là "bà thiếu tá" mặt hoa da phấn, lồng chứa trong lòng một tham vọng lớn lao. Sẽ là bước tiến cho Phúc trên đường công danh.

Ở nhà, nàng tìm cách liên lạc, kết nối, làm thân với vợ của đại tá tỉnh trưởng, với các mệnh phụ của các quan lớn tiểu khu, rồi ngày một ngày hai, khi người chồng bước lên cấp trung tá hay đại tá, nàng sẽ tìm đường dây "chạy" cho Phúc về làm tỉnh trưởng tỉnh nhà. Nghe đâu chạy đường dây cấp tỉnh trưởng phải chạy thẳng lên tổng thống. Vì như đã được phân chia và ủy nhiệm rạch ròi, chạy tỉnh trưởng là qua đường dây tổng thống, còn quận trưởng là qua đường dây thủ tướng. Phải rõ ràng như vậy để hai bên phân biệt, khỏi cắn xé nhau, khiến kẻ chạy khỏi tiền mất tật mang.

Khi Phúc "trả bài" cho vợ xong, Tần Phương ngồi dậy bận quần áo vào, rồi hỏi:

- Em nghe nói chỗ anh có cô thôn nữ đẹp lắm hả?

Phúc biết chắc là Tần Phương đã nghe đám ăn teng báo cáo rồi, nên chàng khai nửa đúng, nửa sai:

- Ô, sao em biết vậy? hay he.

- Thì vợ anh mà, em đánh hơi giỏi lắm.

Phúc khai báo:

- Thì đúng vậy, ở dưới xóm có cô thôn nữ đẹp sắc sảo lắm, có trung úy Trứ đại đội trưởng đại đội chỉ huy yêu và xin cưới làm vợ rồi. Anh đứng ra tổ chức đám cưới đó chứ.

- Thế hả? Một chút anh dẫn em xuống gặp cổ chút nghe.

- Ừ, ừ. Em muốn thị sát chiến trường thì anh dẫn đi.

- Thôi đi ngay bây giờ đi anh, em có đem cho trung úy Trứ và cổ một chút quà. Gọi là Mừng Tân Hôn đó mà.

Và kịch bản y chan như Phúc dàn dựng. Phúc đến đây đóng quân, chàng là vua một cõi, muốn bắt ai, giam ai, muốn ăn mực tươi, cá tươi, tôm càng tươi từ biển mới được dân đánh cá bắt đem về, đều được, vì dân làng chài này đã qua mấy đời lính tới đóng đồn, biết chìu tâm ý vị chỉ huy, thì sẽ được tự do làm ăn, còn nếu không, người chỉ huy ra lệnh cấm, không được ra khơi đánh cá, thì chết mẹ họ rồi. Một làng chài lưới mà không cho đi biển là một bản án lớn đối với họ. Họ sẽ bị bó tay, bó chân, không có hột cơm bỏ vô miệng là cái chắc.

Tần Phương theo thiếu tá Phúc, đi thăm dân cho biết sự tình. Coi thử con nhỏ nhà quê đó, chồng nàng có "chấm mút" gì không, vì đã sống với nhau hơn mười năm, chàng đi đến đóng đồn ở đâu là có gái ở  đó. Những cô gái nhà quê trong sạch như thủy tinh, qua giọng nói nhỏ nhẹ vuốt ve, kèm theo những lời hứa hẹn dịu ngọt, kèm theo quyền lực nắm trong tay, Phúc thành công dễ dàng, số "em" lên hàng tá, đếm không xuể. Tần Phương biết rõ tâm địa của chồng lắm mà. Nhưng với Phúc, chàng biết Tần Phương là người để thờ, vì chàng còn muốn thăng quan tiến chức nữa, chứ nàng mà nổi giận lôi đình lên, mọi ước mơ của chàng sẽ không cánh mà bay hết.

Đúng như lời Phúc nói, gặp cô Non, Tần Phương thấy thương cô hơn là ghét, vì thấy cô nàng ngây thơ quá. Cái ngây thơ thật thà của con cừu non, của con thỏ, con sóc trên cành, không bao giờ nghĩ đến chuyện dối trá lừa lọc ai. Đó là tấm lòng thơm phứt của cô gái mới mười tám tuổi. Như hồi thiếu tá Phúc dẫn tiểu đoàn về đóng đồn nơi đây, hàng ngày Phúc nói chuyện tỉ tê với cô, với cái lon thiếu tá, với nụ cười dễ thương kia, với đám lính dưới quyền phục tùng kêu đâu dạ đó. Rồi từ sự nễ trọng nàng đâm yêu Phúc, dù chàng lớn hơn nàng mười bốn tuổi. Nhưng có hờ gì đâu. Và nàng đã dâng chàng cái trinh nguyên của đời con gái cho Phúc trong một đêm tối trời.

Cũng mấy tuần sau, sau khi "con ong đã tỏ đường đi lối về" thì Phúc tìm đường "chạy làng", chàng bèn dỗ ngọt nàng:

- Em à. Anh bây giờ thú thật cùng em là anh đã có gia đình rồi, anh không lấy được em đâu. Bây giờ anh có ý thế này, có trung úy Trứ đại đội trưởng đại đội chỉ huy, anh ta thích em, anh ta lại còn độc thân, nên anh muốn ghép em với Trứ, hai người cưới hỏi nhau đàng hoàng, anh lo tổ chức hết cho. Em không tốn một khoảng nào cả. Lính, sĩ quan tiểu đoàn này đông, ít ra họ mừng cho Trứ và em cũng nhiều, riêng anh, anh sẽ tặng 5 ngàn, để em tìm cách làm ăn, như mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán cho dân chúng ở đây cũng tốt. Tất cả để em và Trứ quyết định. Em nghĩ sao?

Non nghe Phúc nói vậy, liền ôm chàng khóc mùi mẫn. Nhưng biết sao hơn, mọi chuyện Phúc đã dàn dựng và quyết định hết rồi. Vòi bạch tuột đã quấn chặt nàng, nàng không có cách gì cựa quậy thoát ra nổi.

Và Trứ, chàng trung úy hiền lành, đã nghe lịnh của Phúc và thêm nữa là Phúc hứa là sẽ chạy cho chàng lên đại úy, "hãy ra tay nghĩa hiệp giúp tôi đi". Nên Trứ biểu đồng tình với sự sắp đặt của Phúc, đám cưới diễn ra.

Bây giờ nàng Tần Phương đứng trước mặt cặp vợ chồng "Trứ Non", nàng chúc phúc cho hai người. Nàng sai thằng lính tà lọt mang biếu "chàng và nàng" chai rượu tây, cùng năm ngàn đồng gọi là "mừng cho đôi uyên ương sống sum vầy vui trong hạnh phúc".


Chuyện "bán cái" này là thành công của Phúc. Chàng hỉ hả lắm, đã xoa dịu được nỗi nghi ngờ từ phía vợ, còn làm một công tác tâm lý chiến đúng mức, đánh trúng vào tâm lý những người lính dưới quyền và cả đám dân chúng trong làng chài này. Ai cũng nghĩ Phúc là người chỉ huy mã thương, thương dân, thương lính lắm.


                                                                                                        *

Một hôm Hoán tản bộ xuống đại đội thăm Trứ. Trứ đã dời bộ chỉ huy qua một ngôi nhà khác mà Hoán không biết, nên nhà vắng hoe. Chỉ có bà mẹ già khoảng bảy mươi tuổi, ngồi trong bếp lò nấu đồ ăn, còn Non thì ngồi một mình. Thấy Hoán, Non rất mừng, vì qua bữa đám cưới, Hoán làm người dẫn chương trình, chàng nói chuyện khá lưu loát và hấp dẫn, nên ai cũng khen. Từ hôm đó, Non thấy Hoán, nàng cười rất tươi, và huyên thuyên kể đủ mọi chuyện. Nàng có vẻ trìu mến Hoán lắm.

Hoán cũng thích Non, rất mê khuôn mặt ngây thơ xinh đẹp của cô, nhưng nàng là hoa đã có chủ, Hoán đâu có thể vượt qua vùng cấm. Nên anh lửng lơ con cá vàng thôi.

Hôm nay không có Trứ ở đây, Hoán nói chuyện với Non vui hơn, tự nhiên hơn.

Non vồn vã:

- Anh Hoán đến chơi hả?

Hoán đáp lời và nhìn mặt Non chăm chăm.

- Trung úy Trứ đâu em?

- Ảnh dời bộ chỉ huy đại đội qua nhà bên kia rồi?

- Sao vậy? Ảnh ở đây tiện lắm mà.

Non rơm rớm nước mắt. Hoán lật đật hỏi, như câu hỏi của mình vừa rồi không đúng chỗ, làm Non buồn.

Non nói:

- Chuyện dài lắm, em không biết thổ lộ cùng ai đây.

- Sao vậy, có chuyện gì hả em? Em kể cho anh nghe đi.

Đến bây giờ thì nước mắt Non chảy ròng ròng trên má.

Hoán lặp lại:

- Em kể cho anh nghe đi.

- Chuyện thế này này...


Rồi Non vừa khóc vừa kể chuyện đời nàng, chuyện của người con gái mới mười tám tuổi đầu. Chuyện nàng gặp Phúc, nghe lời tán tỉnh của Phúc, nàng có cảm tình ngay. Phúc nói mình chưa vợ, lại đẹp trai, ăn nói có duyên. Nàng, đứa con gái nhà quê mới lớn, có biết ất giáp, mô tê gì đâu, nghĩ ai nói yêu thương mình cũng tưởng là thật. Đến khi cơm no bò cỡi no say. Phúc "bán cái" cho Trứ. Trứ hiền, chấp nhận làm đám cưới, nhưng Trứ nói thật với nàng, anh chỉ xem em là em gái anh thôi.

Non khóc vui. Căn nhà không có ai. Hoán cầm tay Non vỗ về. Em nín đi, chuyện đâu còn có đó mà.

Hoán choàng tay qua vai Non:

- Thôi em đừng buồn nữa. Nín đi.

Non vừa khóc, vừa tựa đầu vào người Hoán, nàng coi như đây là điểm tựa, là bờ vai ấm áp nhất. Hoán chỉ hôn nàng rất nhẹ. Rồi thôi.
 

 Trần Yên Hòa

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...