Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

‘Nghiệp’ thơ của Trần Yên Hòa - Trần Doãn Nho

 


Bìa tuyển tập thơ “Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ” của Trần Yên Hòa. 

(Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)

 

KENNEDALE, Texas (NV) – Thơ là “nghiệp!” Theo tôi, ít có nhà thơ/nhà văn nào thành thật với độc giả và với chính mình như Trần Yên Hòa. Trong lời mở đầu của tập thơ “Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ” (2018), anh ghi lại, như một lời tự bạch, quá trình theo đuổi “nghiệp” thơ của anh một cách chi li. Để hiểu rõ con người nhà thơ, tôi dẫn lại vài trích đoạn:

<!>

“Năm mười hai tuổi, tôi bắt đầu tập tễnh làm thơ. (…) Trong suốt thời gian trung học đệ nhất cấp, tôi làm nhiều bài thơ nữa, rồi lại xé đi, nay không còn dấu vết. (…) Dù một lòng quyết chí lập công danh bằng con đường học vấn, nhưng chuyện thơ văn vẫn âm thầm theo đuổi tôi hằng giờ, hằng ngày. (…) Sau này, tôi nghĩ thêm ra rằng, cái gì thuộc về Văn Học Nghệ Thuật mà không có năng khiếu bẩm sinh, thì cố gắng đến đâu cũng thua, cũng không làm ra một bài thơ hay, một truyện hay, một bản nhạc hay… dù có cấp bằng tiến sĩ này hay thạc sĩ kia…(…) Cho đến những năm tôi đi lính, khoảng năm 68, 69, 70, tôi mới có những bài thơ (và truyện ngắn) ra hồn, đăng trên Khởi Hành, Tuổi Ngọc, Thế Đứng, nhật báo Tiền Tuyến…(…) Nếu nói, thơ văn là nghiệp mà tôi đã vướng vào thì cũng đúng, vì hầu như suốt đời, tôi lúc nào cũng nghĩ đến nó… Đây là tâm tư thật lòng của tôi.”

Tập thơ anh khá dày, suýt soát 350 trang, với gần 190 bài thơ, có lẽ đã được chọn lọc kỹ lưỡng trong một số lượng (chắc là rất nhiều) của một quá trình làm thơ dài đến… 55 năm. Thơ đủ thể loại: tự do, lục bát, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ và tám chữ. Nhưng dường như nhà thơ ưu ái thơ tám chữ hơn, vì tôi tìm thấy khá nhiều bài thuộc loại này, nhất là những bài thơ tình, dù đôi khi có lẫn vào một đôi câu bảy chữ hoặc chín chữ.

Một trong những đặc điểm của thơ Trần Yên Hòa  là anh sử dụng khá nhiều chữ “ta” như là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất cùng với – thậm chí có lúc lấn lướt – chữ “tôi” và chữ “anh.” Chữ “ta” xuất hiện khi thì trong bài thơ về người lính:

“Khi ta quỳ xuống giữa Vũ Đình Trường
Là ta đã tự nguyện với đất”
(Tráng Ca)

Khi thì trong thơ (tạm gọi là) “nhân sinh:”

“Ta lên núi đứng trông trời bát ngát
Nghe ngàn xưa chợt hiện giữa muôn trùng”
(Ngày Trên Núi)

Khi thì trong thơ tình:

“Ta hốt nhiên làm thân lãng du
Mưa xưa trường cũ biệt sa mù
Em thơ đội nón nghiêng nghiêng nắng
Ta lạc em từ bao thu qua”
(Hốt Nhiên)

Những chữ “ta” khiến cho hơi thơ nghe bi tráng, giang hồ, khinh thế ngạo vật, nhuốm chút tự trào trong lúc chữ “tôi” thường nghe khiêm tốn, nhũn nhặn hay chữ “anh” nghe thân tình, âu yếm. Tôi không nghĩ là anh ưu ái riêng một chữ nào, mà sử dụng tùy theo ngữ cảnh. Trong nhiều bài thơ, đôi khi chỉ trong một đoạn thơ, cả ba đại từ này đều xuất hiện:

“Huớ (1) em tôi, hãy bỏ xa tiền kiếp
Nghiệp xưa anh đã trả hết nợ nần
Vay ngắn hạn giữa bộn bề trời đất
Xin ta cùng tay ngoéo chớ phân vân”
(Nhặt Khoan Cho Ngày Sinh Nhật)

Thỉnh thoảng, Trần Yên Hòa “cải biến” thơ lục bát bằng cách xuống hàng bất định khiến cho nhịp thơ thoát khỏi cái rề rà, đều đều của lục bát thông thường.

“Em đậu xe
Giữa bãi chiều
Ta qua
Ngóng
Thấy tiêu điều
Biển dâu
Cũng nơi này
Những năm xưa
Anh đưa đón
Em cùng mưa
Ướt nhèm
(…) Nhìn em
Trên chuyến xe đời
Nhìn xe bãi vắng
Một thời có nhau
Có còn
Chút luyến lưu
nhau
Đời trăm năm hẹn
Kiếp sau
Anh chờ”

(Tại Bãi Đậu Xe)

Cũng sử dụng cách chấm câu, ngắt nhịp và thêm vào đó, số chữ trong một câu bất thường (bảy, tám và chín chữ), anh có bài “Tình Thua:”

“Anh suốt đời. Làm kẻ tình thua
Khi em bước ra. Khỏi đời ta. Vội vã
Một sớm mai. Trời đất giao mùa
Em quay ngoắt. Như là chiếc lá
 

Buổi sáng mùa thu. Mây trời tứ phía
Em mang theo. Gồng gánh. Linh hồn
Ta chết xuống. Chết lên. Vô nghĩa
Không còn gì. Ngoài khoảng trống. Mênh mông
(…)
Tình thua đau. Làm trầy xước thịt da
Lòng. Đau điếng. Máu trong tim. Chảy mãi
Ta cứ nhủ. Thôi hãy buông. Và bỏ.
Sao dại khờ. Không quên được. Tình ơi.”

Về mặt nội dung, thơ Trần Yên Hòa tập trung trên nhiều đề tài khác nhau: thời sự, thân phận, tự trào, quê hương, tôn giáo và tất nhiên, tình yêu. Dù sử dụng thể loại hay đề tài nào, nói chung, thơ Trần Yên Hòa mang không khí và tính cách truyền thống, pha lẫn giữa thơ mới và thơ mới cải biến, thỉnh thoảng có phá cách, nhưng phá cách một cách chừng mực, không chạy theo trào lưu cách tân mới mẻ sau này, về mặt ngôn ngữ, kỹ thuật. Thơ anh dung dị, hơi thơ mềm mại, thỉnh thoảng nhuốm chút ngang tàng.

Thơ về thời sự không nhiều, trong số đó, tôi chú ý bài “Tháng Tư, Ngó Lại.” Làm theo thể tự do dưới dạng tùy bút, anh ghi lại cụ thể những sự kiện và cảm giác chân thực của anh trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa khi anh đi Sài Gòn để theo học khóa Tổng Thanh Tra. Vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, anh thú nhận đã “trút bỏ quân phục,” “sợ sệt,” “hèn nhát,” “không dám nhìn ai,” nhưng “suy cho cùng tôi không hèn kém hơn” một số “tướng tá,” những người mà theo anh:

“hưởng lộc nước đầy tràn
(mà) bỏ đất bỏ quân bỏ dân chạy trước”

Trần Yên Hòa viết khá nhiều thơ về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu, thời học sinh, về những mối tình học trò… lúc đất nước còn thanh bình hoặc sau này, nhớ về quê hương khi lưu lạc ở xứ người.

-“con sông nước vỗ tràn thơ dại
gợi lòng ta nỗi nhớ thương xưa
cơn mộng dữ mười năm lưu lạc
đất khách hoài ngóng một chiều mưa”
(Ngõ Tình Phai)

-“gió cũng gió mà sao nghe lạ
có cái gì như thể hắt hiu
nắng cũng nắng vàng hanh trên lá
mà nghe sao lạnh thấm tiêu điều”
(Buổi Chiều Ở Mỹ Nhớ Quê)

Bằng những hình ảnh vô cùng thân quen, chữ nghĩa lại đơn giản, ý tứ nhẹ nhàng, những đoạn thơ như thế này lúc nào cũng gợi cho người đọc một cảm giác bâng khuâng, bùi ngùi.

Nhưng nói gì thì nói, đã thơ là phải thơ tình. Không có gì ngạc nhiên, so với các đề tài khác, thơ tình chiếm một số lượng lớn trong thơ Trần Yên Hòa. Những bài thơ hay những đoạn hay nhất trong tập thơ đều là thơ tình. Tình yêu trong thơ anh đa dạng vì nó được nhìn từ nhiều khía cạnh hay hoàn cảnh khác nhau: tình chung thủy, tình phụ, tình lỡ, tình thua, tình rỗng, tình thoáng qua, tình vĩnh cửu…

“Môi Mắt Tình” là một bài thơ lạ, trong đó, anh liệt kê nhiều người tình khác nhau, mỗi “Em” gắn liền với một nơi chốn chứa đầy kỷ niệm. Em ở Thị Nghè là Hiền, “đã là sư nữ;” Em ở Mỏ Cày là Sương, “bây giờ xa tít mắt;” Em ở Hốc Môn là Phụng, “cùng tôi thầm lặng;” Em ở Mỹ Tho là Hồng và Khánh…

Thỉnh thoảng, anh phẫn nộ vì… tình, phẫn nộ đến nỗi có lúc anh phải:

“…rống cổ gào
gọi em xanh xao. về đây. trầm ngải”
(10 Khúc. Nhớ. Người Bội Vong)

Thỉnh thoảng, anh có những chữ (mà tôi đoán là) ngẫu hứng, xuất phát từ một bắt gặp rất bình thường, nhưng lại gợi nên cảm giác khác thường:

-“Em buổi sáng ngồi chải đầu rất điệu”
(Ngồi Mơ Hoa Cúc)

-“Em lấp ló ngoài hiên, tia nắng sớm”
(Xuân Tươi, Ai Cũng Đẹp)

Những chữ như “rất điệu,” “lấp ló” khiến cho ý thơ trở nên lạ.

Trong suốt tập thơ, tôi tìm thấy nhiều đoạn thơ đẹp hẳn lên nhờ những bắt gặp ngẫu hứng như thế.

Chẳng hạn, tóc xõa “ngọt lịm lòng:”

“ta với người chung một nhánh sông
dòng sông xưa nước chảy xanh dòng
em đi qua phố ngày chan nắng
tóc xõa bờ vai ngọt lịm lòng”
(Chung Một Nhánh Sông)

Chẳng hạn, “ngọt ngào cắn nhẹ hàm răng,” da thịt “mát rượi:”

“Tháng chín, em ơi, tháng chín xanh
Anh ngọt ngào cắn nhẹ hàm răng
Da thịt em hồng ơi mát rượi
Làn hương là gió thoảng mong manh”
(Khúc Tháng Chín, Sinh Nhật Em)

Chẳng hạn “vàng nỗi nhớ:”

“thị nghè những đêm hò hẹn cùng em
vàng nỗi nhớ và hồng kỷ niệm
ngồi ngắm phố phường xưa, biệt dạng
dáng dấp em mù mịt nơi mô
hạnh ngộ cùng ngày vô tận
mặt trời chìm, sóng nổi lô nhô”
(Ngồi Ở Thị Nghè)

Trong tập thơ, “Phượng Hề” là bài thơ tám chữ dài nhất (hơn 16 khổ), lại mang tính đa nghĩa. Phượng vừa là cây Phượng đỏ, vừa là một ai đó tên Phượng, vừa là một biểu tượng của cái đẹp, vừa là một biểu tượng của tình yêu. Mời đọc một khổ thơ lạ… chữ và lạ… ý:

“Thử làm tỳ kheo tay ôm bình bát
Dắt em đi về tịnh độ uyên nguyên
Đôi mắt trỏm lơ (2) tụng hoài câu hát
Máu chảy qua tim dội vết chân thiền”

“Trỏm lơ!” Thật là Quảng Nam hết ý. [qd]

—–

Trần Doãn Nho

(từ báo Người Việt)
 

Chú thích: (1) và (2): Tiếng địa phương: huớ = hỡi; trỏm lơ = gầy gò



Trần Yên Hòa là bút hiệu của Trần Văn Hòa, sinh trưởng ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Trước 1975, dạy học, đi lính (Sĩ Quan Thanh Tra); sau 1975, đi tù. Năm 1995, định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Hiện sống ở Orange County (California), chủ trương trang mạng Bạn Văn Nghệ.

Ở hải ngoại, Trần Yên Hòa cộng tác với các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn, Văn Học, Khởi Hành, Người Việt, Sóng Văn, Hồn Việt…

Đã xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó, có “Khan Cổ Gọi Tình, Về” (thơ, 2001), “Những Chuyến Mưa Qua” (tập truyện ngắn, 2001), “Áo Gấm Về Làng” (tập truyện ngắn, 2004), “Mẫu Hệ” (truyện dài, 2004), “Uyên Ương – Phượng Hề Và Khát Vọng” (thơ, 2009), “Đi Mỹ” (truyện dài)…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...