Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Môi răn đã quên cười - Lê Hữu

 

 

(Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh)

 

“Môi răn đã quên cười”, câu hát ấy ở trong bài nhạc phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh, Kiếp nào có yêu nhau, là một trong những bài nhạc phổ thơ được nhiều người yêu chuộng nhất của nhạc sĩ Phạm Duy.

Từng câu hát, câu nhạc là tiếng lòng thổn thức của trái tim đầy thương tích, là nỗi đau xót, buồn tủi của chuyện tình trái ngang, của duyên kiếp lỡ làng.

Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi!
Đôi mi đã buông xuôi

Môi răn đã quên cười

 <!>

 

Bài nhạc phổ thơ, có điều trong thơ Minh Đức Hoài Trinh lại không có “đôi mi, đôi môi” nào như trong những câu hát trên. Bài thơ ngắn, cô đọng, chỉ gồm năm khổ thơ ngũ ngôn, người nhạc sĩ khi phổ nhạc đã thêm vào những câu ấy để đáp ứng cấu trúc của bài nhạc. Nói cách khác, những “câu thơ” này của Phạm Duy đã “nối” thêm ý bài thơ, vừa chảy xuôi chiều với mạch thơ vừa tương ứng với âm vực thấp cao, trầm bổng của nốt nhạc.

“Môi răn đã quên cười hay môi răng đã quên cười, câu nào đúng?” Một người bạn hỏi tôi.

“Vì sao ông lại hỏi như vậy?” tôi hỏi lại.

“Tôi nghe không ít ca sĩ, thường là ca sĩ trẻ, hát ‘môi răng đã quên cười’.”

“Có như vậy sao!” tôi nói. “Tôi chưa được nghe.”

“Tôi xem trong bản nhạc cũng thấy ghi như vậy,” người bạn nói, chỉ tay vào hình chụp tờ nhạc trên màn hình computer.

Quả đúng là vậy, tôi đọc thấy câu ấy trong tờ nhạc Kiếp nào có yêu nhau, ấn hành tháng 7/1968. Như thế, những ca sĩ hát “Môi răng đã quên cười” cũng là hát đúng lời trong bản nhạc ấy.

“Tôi chịu,” tôi trả lời anh bạn. “Trước giờ tôi vẫn nghĩ là ‘môi răn’. Thôi thì ai muốn hát thế nào thì hát, muốn hiểu thế nào thì hiểu. Người duy nhất biết rõ câu nào đúng, sai là nhạc sĩ Phạm Duy thì đã về bên kia thế giới.”

Câu chuyện tưởng chấm dứt ở đấy, nhưng vẫn chưa hết chuyện. Ít lâu sau đó, tôi lại gặp một tờ nhạc Kiếp nào có yêu nhau khác do Nxb Tinh Hoa Miền Nam ở Sài Gòn ấn hành năm 1961. Trong đó ghi rõ “Môi răn đã quên cười”. Bên dưới tờ nhạc ghi “Tác giả giữ bản quyền” và cấm “sửa đổi lời ca”.



Như vậy là, trong những lần tái bản sau này chữ “răn” được đổi thành “răng” trong câu hát ấy, không rõ vì sao. 

Bài nhạc phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh, Kiếp nào có yêu nhau (1958), có thể gọi là “tình khúc vượt thời gian”, được nhiều ca sĩ các thế hệ trình bày. Nghe lại các giọng hát ở vào “thuở ban đầu” của bài nhạc này, hầu hết các ca sĩ, từ Thái Thanh đến Khánh Ly, Khánh Hà, Quỳnh Giao,  oọa MHoa5hHHọa Mi, Thái Hiền… và cả những giọng nam như Tuấn Ngọc, Duy Quang… đều hát “Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười.”

Trong số các ca sĩ trẻ trong và ngoài nước, chỉ vài ca sĩ như Đức Tuấn, Mỹ Linh, Trần Thái Hòa hát “Môi răn đã quên cười”, những ca sĩ khác hát “Môi răng…” như ông bạn tôi nghe được.

“Môi răng đã quên cười” nghĩa là sao? Môi quên cười, răng cũng quên cười?

Miệng cười, môi cười và mắt cười là chuyện thường tình, răng cười ít thấy hơn, đôi lúc có gặp đâu đó trong thi phú, văn học dân gian.

Mình về mình nhớ ta chăng?

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười  (Ca dao). Hoặc,

Mỗi người có một cách chơi

Em vui với gió, tôi ngồi nhìn trăng

Em đi năm tháng thường hằng

Tôi nằm nhớ mãi hàm răng em cười  (Bùi Giáng)

Răng cười, như thế thỉnh thoảng cũng đi vào văn chương người Việt mình. Chỉ phiền một nỗi, câu hát đúng trong bài hát Kiếp nào có yêu nhau, câu hát nhiều ca sĩ ngày trước vẫn hát, nhiều người yêu nhạc ngày trước vẫn nghe, là “Môi răn đã quên cười” chứ không phải “Môi răng đã quên cười”. Không có răng lợi, răng cỏ gì ở đây, và càng không có nghĩa là hàm răng quên cười.

Chữ “răn” cùng một nghĩa với “nhăn”, chỉ khác ở cách viết. “Môi răn” có nghĩa “môi nhăn”. Người miền Bắc, thường là những người lớn tuổi, nói và viết “rộn rịp” thay vì nhộn nhịp, “rút rát” thay vì nhút nhát… Tương tự,  nói và viết “nếp răn”, “vết răn”, “răn reo”, “răn rúm” thay vì nếp nhăn, vết nhăn, nhăn nheo, nhăn nhúm. Những cách nói và viết ấy ít thấy dùng về sau này.

Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô.

(Nhà mẹ Lê, truyện ngắn Thạch Lam)

Trong ca từ nhạc Việt, đôi lúc vẫn gặp chữ “răn” theo nghĩa ấy.

Rồi bao nếp răn về với tháng năm, đời lãng quên rồi

(Ánh đèn mầu, Nguyễn Xuân Mỹ - lời Việt bài Limelight của Charlie Chaplin)

“Nếp răn” trong câu hát ấy được vài ca sĩ đổi thành “nếp nhăn” cho dễ hát, dễ hiểu.

Tương tự, ca sĩ Ý Lan hát Kiếp nào có yêu nhau khi thì “Môi răn đã quên cười”, khi thì “Môi nhăn đã quên cười”, có lẽ hát “môi răn” e nhiều người không hiểu chăng. Hát “Môi nhăn” tuy cũng là đổi chữ nhưng vẫn giữ được tình ý của câu hát.

Môi răn chỉ đôi môi khô nhầu, không còn nét tươi tắn, mềm mại. Môi răn trong câu hát “Môi răn đã quên cười” là làn môi tàn phai vì đã qua hết thời xuân sắc, làn môi héo hon vì mòn mỏi đợi chờ một tình yêu muộn màng, vô vọng.

“Răn” là tính từ, “răng” là danh từ. Hai câu “Môi răn đã quên cười” và “Môi răng đã quên cười” mang hai ý nghĩa khác nhau. Thay đổi một chữ trong câu hoặc thêm chữ “g” vào sau chữ “răn” làm thay đổi hẳn ý nghĩa câu hát ấy.

Ca sĩ hát “Môi răng đã quên cười”, hoặc do hát theo lời trong bản nhạc tái bản sau này, hoặc do không rõ “môi răn” nghĩa là sao trong lúc môi và răng lại gần gũi với nhau hơn, như… môi hở răng lạnh.

Điều thú vị, do bài nhạc được yêu thích, ca từ Kiếp nào có yêu nhau cũng được dịch sang tiếng Anh. Thử xem qua ít câu hát được chuyển ngữ.

Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi!
Đôi mi đã buông xuôi

môi răn/răng đã quên cười…

Trong số những bản dịch, có khi là “môi răng”:

Don’t look at me, don’t look at me anymore, darling!
My eyelids were exhausted
My lips, my teeth, they forgot to smile…

(Translated by Hoang Lan)

Có khi là “môi răn”:

I don’t want you to look at me again now, my love
My eyelids are down .
My wrinkled lips have forgotten to smile…

(Translation into plain English by Khai Phi)

Có khi chỉ là đôi môi, không “răn” cũng không “răng”:

Don’t look at me, don’t look at me anymore, my love
The eyelids had closed

The lips’s forgotten its smile…

(Translated by Vương Thanh)

Trong một bài tưởng niệm thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh (“Hương trinh đã tan rồi”, Lê Hữu), có đoạn trích dẫn ít câu hát trong bài Kiếp nào có yêu nhau được thể hiện qua tiếng hát Thái Thanh. (*) Vài trang báo, trang mạng khi đăng lại bài này đã sửa chữ “răn” thành chữ “răng” trong câu “Môi răn đã quên cười” vì ngỡ chữ ấy viết… sai chính tả. Cũng là ý tốt thôi, chỉ có điều thay đổi chữ ấy là thay đổi tình ý được người ca sĩ gửi vào trong câu hát.

Khá nhiều ca sĩ tìm đến bài Kiếp nào có yêu nhau này và cũng muốn thử sức với bài hát này nhưng chỉ làm người nghe thêm nhớ tiếng hát Thái Thanh, tiếng hát được xem là thể hiện trọn vẹn tình cảm, nỗi niềm của bài nhạc phổ thơ ấy.  

Đến nay thì cả ba, người nhạc sĩ, người thi sĩ và người ca sĩ đều thoắt đã ra người thiên cổ. Kiếp nào có yêu nhau / thì xin tìm đến mai sau, câu hát như câu chào từ biệt, như lời nhắn gửi sau cuối khi…

Nước mắt đã buông rơi

theo tiếng hát qua đời

Để tưởng nhớ “bộ ba” nghệ sĩ nổi tiếng này và cũng để hiểu vì sao bài hát sau bao nhiêu năm vẫn được yêu chuộng, không gì bằng nghe lại một lần nữa tiếng hát gắn liền với ca khúc ấy, tiếng hát vẫn được cho là phát âm “tiếng nước tôi” thật chuẩn, thật rõ từng chữ từng lời. Và, cũng để thấy là không có chuyện… môi răng đã quên cười.

Kiếp nào có yêu nhau (thơ Hoài Trinh, nhạc Phạm Duy), Thái Thanh hát:

https://www.youtube.com/watch?v=co93JmltbYc

 

Lê Hữu

(Tác giả gởi)

 

(*) “Hương trinh đã tan rồi”, Lê Hữu:

https://amnhac.fm/tho-va-nhac/6019-huong-trinh-da-tan-roi

- Ảnh: nhạc xưa.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...