Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

NẾU BẾT TRĂM NĂM LÀ NGẮN NGỦI - Nhã Duyên

 Nợ trăng 

tranh nguyễn trung

 

Khi nói về tình yêu người ta nghĩ đến hoa Hồng và trái tim, khi nói về định mệnh thì thường nghĩ đến nghiệt ngã, chia ly và mất mát. Có người đã phải đau khổ chấp nhận một định mệnh dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời...!

 

Nhớ ngày ấy,... ở trại tỵ nạn Bidong - Mã Lai, Trung là trưởng phòng dạy cắt may, đang bận rộn xếp dọn sau lớp học chiều...

 

- Anh ơi, làm ơn cho tui mượn cái máy may sửa đồ một chút được hông? tui mới tới nên có một bộ đồ hà, làm ơn đi mà!

 

Trung ngẩng đầu nhìn lên, một cô gái xinh đẹp đang nhìn hắn cười, khoe cái răng khểnh duyên dáng. Trung ngập ngừng một chút rồi nói:

 <!>

- Phải ghi tên học mới được vô đây may.

 

- Vậy thì tui ghi tên bây giờ được hông?

 

- Được chớ! Ghi tên tuổi vô đây nè...

 

- À... Trần thị Kim Yến, người đẹp, tên đẹp. Ngày mai có lớp lúc 9 giờ sáng, phải tới đúng giờ nghen.

 

- Dạ, cám ơn nhiều! nhưng cám ơn nhiều hơn... nếu bây giờ cho may nhờ xíu thôi hà, vì biết may rồi, chưa giỏi bằng thợ nhưng không đến nỗi "xấu dễ sợ!?" ...Làm ơn...chút xíu thôi mà...!

 

Trung chịu thua,... nhìn cái đầu nghiêng nghiêng, đôi mắt nheo nheo, và đôi môi cong lên, trề xuống đang cố năn nỉ tỉ tê. Trung cười, ngọt ngào nói:

 

- Muốn may gì đưa anh coi nào!

 

- Bóp cái lưng này vô vì rộng quá xá, mà phải lên cái gấu nữa vì tui hơi bị... lùn!

 

-------------

 

Trung và Yến gặp nhau rồi thương yêu nhau trên bước đường lưu lạc đi tìm tự do, ấm no và hạnh phúc. Yến và chị là Nga đi định cư ở Canada, Trung qua Mỹ, ôm ấp mối tình đầu đời, lo đi cày kiếm tiền vì mong đưa Yến qua Mỹ chung sống.

 

Trung thua kém Yến về mọi phương diện, từ thân thế, tài năng, học vấn lẫn tuổi tác. Chỉ có trái tim của Trung nó "lớn" và chí tình hơn tất cả những "cây si" đang theo đuổi Yến. Yến yêu thích được chiều chuộng, nghe những lời ngọt ngào và nhất là yêu cái vẻ đẹp trai, hiền lành của Trung. Tình yêu đôi khi bắt nguồn từ những thứ nhỏ nhặt, tầm thường len nhẹ vào lòng làm người ta ngẩn ngơ thương nhớ mà yêu mãi không thôi... Đúng như người ta thường nói: "Lý trí chẳng bao giờ hiểu được những lý lẽ của con tim".  Yến ước mong sống hạnh phúc khi lấy chồng chỉ vì hai chữ "tình yêu".

 

Chị Nga đã nhiều lần khuyên bảo nên suy nghĩ chính chắn, ở cái tuổi mà Yến 22, Trung 20 thì còn quá trẻ để quyết định cuộc hôn nhân của một đời. Hôn nhân là một việc hệ trọng, nếu ngộ nhận trong tình yêu hay quyết định sai lầm sẽ gây đau khổ cho cả hai hoặc nhiều hơn nữa là gia đình hai bên và nhất là con cái. Cuộc sống quanh ta luôn ẩn chứa những may rủi, những buồn vui, kể cả những tang thương của ngẫu biến. Nào ai biết được niềm vui hoan hỉ, an lạc của hôm nay lại là nghịch cảnh của mai sau!

 

Yến và Trung làm đám cưới đơn sơ tại nhà người chủ cho chia phòng ở San Jose, California. Chỉ có chị Nga và một số bạn bè thân quen tham dự. Yến sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, khá giả, Yến rất thích học ngoại ngữ và âm nhạc. Yến đi vượt biên khi đang học Đại Học Sư Phạm. Ngày đầu tiên Yến đến lớp học cắt may, Trung  lý le ôm cây đàn guitar gảy để "lấy điểm" với người đẹp, ai dè:

 

- Nè anh ơi, sao không lên giây đàn vậy? đàn lạc giây rồi mà!

 

Trung tõn tè, mắc cở vì bị "lộ tẩy" bèn đưa cây đàn cho Yến, nàng lên giây và dạo khúc Romance nghe mê mẩn. Nàng chơi guitar từ bé, còn biết chơi dương cầm nữa. Nhà có năm chị em gái, đều học giỏi và yêu thích âm nhạc, nghệ thuật.

 

---------------

 

Ở Việt Nam, gia đình Trung có một tiệm may nho nhỏ để sinh sống. Ba Trung là thợ may, bà mẹ hiền lành, chỉ lo phụ giúp chồng và chăm sóc con. Trung có hai người anh lớn và hai anh rể bị đi tù cải tạo, một người chị còn độc thân. Trung là con út, chỉ học hết lớp 10. Lúc mới qua Mỹ, Trung đi làm về xây dựng, sau đó làm ở một nhà kho (warehouse) của hãng sản xuất máy in điện tử. Trung đi làm kiếm sống và nuôi Yến đi học ngành Technical Engineering. Yến ra trường và làm việc cho IBM. Cuộc sống lứa đôi êm đềm, hạnh phúc, thắm thiết với những ân, nghĩa, tình. Rồi hai đứa con, một trai, một gái thật xinh xắn, dễ thương ra đời. Trung và Yến dành dụm mua trả góp một căn appartment be bé, sống vui vẻ bên nhau.

 

Năm đó,Trung phải về Việt Nam thăm gia đình vì nghe tin mẹ bị bịnh nặng, e rằng không qua khỏi. Bà mong muốn gặp mặt đứa con út lần cuối. Từ ngày bước chân ra đi, Trung ôm nặng mối tình si với Yến nên gia đình đã bị quên lãng dù Trung là nguồn hy vọng duy nhất... Trở về nhà sau bao năm xa cách, Trung đau lòng nhìn mẹ bịnh hoạn, cha cũng già yếu, hai anh đi tù về và đang xin đi Mỹ theo diện HO, các chị cũng nghèo xơ xác nuôi chồng tù tội, đám cháu đói khổ, có đứa phải đi bán trà đá kiếm sống...!

 

Người cha già lo cho Trung đi vượt biên, với một ước mơ con sẽ được sống tự do, an lạc và làm nhiều tiền gởi về cho cha mẹ có được cuộc sống sung túc ở quê nhà. Ngày ngày ông ngắm nhìn những căn nhà lầu xung quanh mọc lên cao nghệu mà buồn bã vì nhà ông vẫn chưa sửa sang gì. Ông nghẹn ngào nói như trăn trối:

 

- Ba ước ao trước khi chết đi được nhìn thấy căn nhà của ba xây lên cao như nhà người ta, mọi sự trông nhờ vào con chứ anh chị... Ai cũng nghèo lắm con à...!  

 

Trung nghe mà chua xót vì Trung rất ít khi gởi thư chứ đừng nói gởi tiền về cho gia đình. Trung bàng hoàng, đau đớn nhìn cảnh nhà nghèo nàn mà đứt ruột. Rồi chợt tỉnh ra rằng bấy lâu nay đã quên mất cha mẹ anh em đang sống khốn khổ ở quê nhà. Trung mang nỗi hối hận dày vò vì đã đam mê theo đuổi Yến mà ích kỷ chỉ lo vun đắp hạnh phúc riêng tư nhỏ bé của mình. Trung mạnh dạn nói với cha:

 

- Ba à, để con về lại Mỹ lo liệu rồi gởi tiền về cho ba xây nhà nghen. Ba đừng lo, con ráng là được.

 

Trước khi ôm con từ biệt, ba của Trung vẫn không quên dặn dò:

 

- Nhớ nghe con, nhớ gởi tiền về cho ba xây nhà nghe con.

 

-----------------

 

Trung về lại Mỹ rồi nhỏ nhẹ bàn với Yến:

 

- Em à, anh muốn mượn $20,000 để gởi về cho ba xây nhà. Mình ráng dành dụm trả từ từ mỗi tháng có được không?

 

Yến vừa nghe xong đã nhảy dựng lên:

 

- Trời ơi, anh muốn bán vợ đợ con hay sao? nợ nhà, nợ xe đầy đầu rồi còn thêm nợ tiền đóng hụi chết nữa hả? không, anh tự lo liệu lấy! Em không muốn mượn bợ gì nữa hết, cứ trả xong nhà, xe rồi tính.

 

Trung lại dịu giọng năn nỉ:

 

- Hay là mỗi tháng mình gởi cho ba vài trăm rồi ba dành dụm khi nào đủ thì xây nhà coi như mình để dành, khỏi phải mượn nợ.

 

Yến lại gào lên:

 

- Không có vài trăm gì hết, con còn không đủ nuôi ăn kia! Thôi miễn bàn nghe, em mệt mỏi lắm rồi...!

 

Trung đau lòng, nhưng cũng đúng là đang nợ đầy đầu. "Lực bất tòng tâm" bây giờ tính sao? Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Trung đã đi cày cực khổ nuôi Yến ăn học, nhưng Yến lại không nghĩ cho Trung trả công ơn cha mẹ nuôi con khôn lớn. Từ ngày Yến thành kỹ sư, tính tình nàng thay đổi, trở nên kiêu kỳ, phách lối và khi dễ chồng.

 

Tình đời đổi thay, một hôm mời các đồng nghiệp đến nhà chơi, Yến nói Trung nên lánh mặt vì không muốn họ biết chồng của nàng là một người ít học, không tài cán giỏi giang. Trung đã cay đắng buồn khổ vì tự ái nhưng vẫn ngậm đắng nuốt cay trong lòng vì thương con nên nhịn vợ. Trung lặng lẽ ôm nỗi buồn phiền, tiếc nuối, nhưng vẫn nuôi hy vọng cho một sự đổi thay tốt đẹp trong đời.

 

Mỗi ngày, Yến ghé nhà giữ trẻ đón con về, Trung vừa bước chân vào nhà là nhìn thấy đôi mắt Yến giỗi hờn, giọng cau có, gắt gỏng:

 

- Nè, coi con cho tui đi nấu cơm chứ không có ngồi vắt chân lên coi TV đâu nghe.

 

Thằng nhỏ mà ré lên thì...

 

- Trời ơi, cha đâu rồi mà để thằng con khóc dzữ dzậy hả ?!!

 

Gia đình không còn vui vẻ, đầm ấm, ngọt ngào như những ngày tháng cũ. Mắt Yến không còn long lanh, vui cười trong hạnh phúc mà đong đầy lo âu, buồn chán. Giọng nàng trở nên the thé và nói những lời hằn học, chua cay. Mỗi ngày sống trong căng thẳng và lạnh lùng của vợ,... Trung buồn bã đi làm về là ghé vào quán cafe ngồi cho đến khuya mới lò dò về nhà. Mà cũng không yên, vẫn bị gào la chửi bới đến nỗi Trung lại tìm vào quán chơi bida cho đến đêm tàn, về đậu xe trước cửa nhà rồi ngủ trong xe. Trời California vào hè, nóng oi ả làm sao sống ở trong xe, Trung bèn đi vào casino thâu đêm cho mát mẻ, lại đầy vui nhộn. Thế là Trung lao thân vào cờ bạc. Dòng đời đưa đẩy đến một ngã rẽ mà người ta thường gọi là "số phận" hay "định mệnh".

 

Trung ngồi vào sòng bài, ban đầu chơi sơ sơ, ăn sơ sơ, thua sơ sơ, mỗi lần như vậy đều có một cảm giác khoan khoái thú vị lạ thường. Háo hức khi nhập cuộc, hưng phấn khi may mắn thắng và cay cú khi xui xẻo thua. Một cảm giác kích thích đầy ma lực làm Trung quên hết những phiền não. Một hôm thắng lớn, Trung sung sướng chợt nghĩ ra cách kiếm tiền mau lẹ bằng con đường cờ bạc. "Đi đêm cũng có ngày gặp ma", rồi đi với ma, dân cờ bạc khi lậm vào thì thường trở thành "ma dữ".

 

Từ một kẻ hiền lành, chăm chỉ, Trung đã lao vào cờ bạc như một con thiêu thân, thua mà vẫn say mê gỡ gạc, càng gỡ càng thua; nợ đến nỗi hết cả tháng lương cũng không đủ trả tiền lời cho thẻ tín dụng. Trung bắt đầu dối trá, xoay sở tìm cách mượn bạn bè, bà con, quen biết,... vì vẫn nuôi hy vọng gỡ gạc. Sau cùng, tâm thần bị bấn loạn, càng lún sâu vào nợ nần, dù bán hết cả gia tài đang có cũng không sao trả nổi. Trung  xơ xác, tiều tụy, thất thần. Đúng thật "cờ bạc là bác thằng bần". Thử hỏi: Nếu ai chơi cờ bạc cũng "thắng" thì ông chủ sòng bạc đâu có "ngu dại" mà chiêu đãi, mời gọi khách? Ông trùm casino nào cũng giàu nứt đố đổ vách.

 

Càng ngày Trung càng hay vắng nhà, rồi đi biền biệt. Yến nghe bạn bè nói Trung hay la cà ở quán bida. Dắt con đi tìm, nàng gào thét, làm dữ buộc Trung phải về. Lại có người mách bảo Trung thường "đóng đô" ở casino, Yến cũng lặn lội tìm nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi... Khi bước chân về nhà bị Yến chửi bới, đay nghiến, Trung lại bỏ đi, rồi ngẫu nhiên gặp Kimberly, một tay cũng mê cờ bạc như Trung. Hai người trở thành nhân tình, nhân ngãi. Những ngày thua cháy túi, Kimberly rủ Trung về nhà hủ hỉ cho quên nỗi sầu. Ở đó, đôi khi nỗi sầu được "chôn dấu" hay "đi mây về gió" với những viên ma túy. Một hôm, Yến xuất hiện trước cửa nhà Kimberly để đánh ghen và chỉ vào mặt Trung hăm dọa:

 

- Anh chờ coi, mẹ con tui sẽ cho anh một bài học nhớ đời, có hối cũng không kịp...!

 

Chẳng còn tha thiết gì đến vợ con, cha mẹ, anh em, căn nhà mơ ước của ba cũng tan theo mây khói. Trong trái tim của Trung bây giờ cái ngăn lớn nhất chỉ muốn chứa tiền và ngăn kế là chứa bài. Về nhà khai hết với vợ cũng không xong, trốn biệt xứ cũng không được,...! Đằng nào cũng không thoát! Trung mệt mỏi, buồn nản. Tuyệt vọng không lối thoát, lòng u uất, bi thương vì ở bước đường cùng, Trung đứng chênh vênh bên bờ vực thẳm của tội lỗi, không biết sẽ về đâu...

 

-------------

Ở góc đường vắng vẻ, có một chiếc SUV màu trắng đậu vài ngày rồi mà không thấy chủ nhân ra vào... Một buổi chiều, cặp vợ chồng thường dắt chó đi dạo, ngửi thấy mùi hôi thối từ chiếc xe bốc ra bèn báo Police.

 

Người đàn ông 34 tuổi, tên Nguyễn Hiếu Trung, đã chết thúi rữa trong xe,... có một vỏ chai rượu Whiskey và một cái bao nhỏ xíu đựng vài viên ecstasy. Hắn chết vì vừa xài ma túy vừa uống rượu mạnh. Có nghi vấn cho rằng hắn tự tử, nhưng không có tuyệt mệnh thư. Dường như hắn không còn gì để nói hay không biết nói gì khi sống trong những giờ phút tăm tối, bi thảm của cuộc đời...!

 

Trung chết, Yến đau khổ một mình nuôi dạy con. Hai đứa bé lớn lên hứa không bao giờ bước chân vào cửa casino mà chơi cờ bạc như cha. Gia đình, cha mẹ anh chị đau đớn trước cái chết bi thương, đầy nhục nhã của Trung. Phải chăng những ước muốn của họ đã tạo nên nghịch cảnh mà Trung đã không thể vượt qua để  làm vừa lòng mọi người? Sau vài mối tình nhạt nhẽo, hời hợt vội qua trong đời, Yến buồn khổ, dằn vặt vì nàng sống quá ích kỷ khiến Trung ra nông nỗi. Nàng vẫn nhớ thương và hoài mong con thuyền tình quay về bến cũ, nhưng làm sao có thể được! Nó đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.

 

Nhã Duyên 

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...