Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Như lục bình trôi - Tống Phước Bảo

Lục bình giúp làm giảm dư lượng Đồng trong cơ thịt cá


1.

Một tối má Dũng hoảng hồn khi thấy thằng con quấn cái mền, lấy cây son của chị, nó tô môi đỏ chét, đứng trong phòng nhà múa hát. Cửa phòng mở ra thằng con của ông chủ tiệm vàng nổi tiếng nhất Long Xuyên bỗng cứng đờ. Má đánh má khóc, biểu nó làm chuyện khùng điên gì vậy trời. Nó là con trai duy nhất của ba má mà. Thằng Dũng khóc ngất, con …con…con muốn làm con gái má ơi!<!>

Má đứng như trời tròng. Nghe lùng bùng lỗ tai. Ba ngà ngà cơn say sau cuộc tiếp khách, quay trở về nghe má kể chuyện, mắt ba long lên sồng sộc. Thằng Dũng nào giờ được cưng chiều hết mực nay thì in hằn nhiều dấu vết đỏ bầm, đôi chỗ rướm máu. Con đâu có làm gì đâu ba. Chỉ là con …con…con muốn làm con gái mà ba!

Sau bận đó, ba xích vào chân giường, mấy chị hổng dám bén mảng tới xin tha, tới bữa cơm bà vú bưng lên. Nuôi nó từ hồi đỏ hỏn, hồi ba má nó mãi bôn ba kiếm tiền tạo cơ ngơi, giờ thấy nó bị vậy lòng bà vú cũng tê tái. Bà vú hổng có con cái gì ráo trọi, đi theo ba má Dũng từ bận lỡ dở một chuyến đò tình, rồi vậy mình ên mà sống phần đời một bà mần mướn ở đợ cho gia đình của Dũng. Bà lấy dầu cù là bà xức mấy chỗ tứa máu, chịu đau tí đi Dũng, dầu cù là tê buốt chút hà, rồi cũng sẽ lành thẹo. Mà ờ… cái thẹo sâu hoắm trong lòng của bây, của ba má bây, chắc còn lâu lắm mới lành. Đôi khi cả quãng đời dài cũng không thể liền lặn lại.

Má Dũng rước đâu ông thầy nghe nói từ Bảy Núi xuống, ổng đè thằng nhỏ ra ổng đánh tà, ổng nói vong nhập. Nó đi đêm đi hôm ra mấy cái bãi đất trống coi hát lô tô, hạp đất hạp giờ, bị vong hành thôi. Ông thầy đánh phía sau lưng bầm tím, lắm lúc thằng Dũng tưởng cái phổi mình bay ra khỏi lồng ngực. Đánh chiều chưa đã. Ổng nói nay ổng ở lại trục cho bằng được. Giờ hắc đạo là mười hai giờ đêm. Ổng trị tiếp, nhưng mà không ai được bén mảng vào phòng thằng Dũng. Đông người quá, dương khí nặng nề, vong nào mà hiện hình cho thầy trị. Cứ đi ngủ hết. Để thầy tự mần.

Ba Dũng gật đầu lia lịa. Má Dũng tấm tắc khen, ông thầy nói đúng quá xá. Mấy cái đêm hôm nó đu theo gánh hát lô tô, hổng chừng nó bị bóng nhập. Chứ con mình nào giờ ngoan hiền, con trai rặt, đàng hoàng tử tế, đâu có bị cái bệnh bóng lẹo cái vậy đâu heng ông. Chỉ có thằng Dũng là biết nó hổng bị ai nhập hết, nó cũng đâu có bị bệnh gì. Nó còn biết đau. Nó còn biết đêm đó ông thầy làm cái gì nó mà. Ông thầy biểu nó im, không thì mầy chết với thầy. Giờ mầy muốn hết bệnh, muốn được tự do, muốn không bị đánh đập thì nằm im, thầy làm phép. Hổng có đau đâu. Chừng nữa mày thấy thoải mái liền.

Rồi Dũng hết bệnh thiệt. Hết bị bóng lẹo cái như thầy nói. Nhưng thầy bảo để vài hôm mang qua nhà thầy, thầy làm cái phép cho sáng sủa học hành tấn tới. Chứ giờ mặt mày thằng nhỏ còn thâm xám u tịch lắm. Má nó dạ lấy dạ để, nhét vào tay thầy mớ tiền. Rồi chạy xuống nhà khoe với Vú. Thằng nhỏ hết bị pê-đê nhập rồi Vú ơi. Phước đức mới rước được ông thầy hay nhất vùng Bảy Núi nghen Vú.

Vú không biết thằng Dũng hết hay không, nhưng thấy cặp mắt nó dại hẳn đi, gương mặt xanh xao, co rút người trong góc nhỏ của phòng. Ờ, mà có một chuyện Vú hổng kể cho ai nghe hết, chỉ lén đem đi giặt. Buổi trưa khi ông thầy ra về, tấm ra giường đỏ tươi màu máu, hăng hăng chút mùi tanh. Vú thẫn thờ nhìn thằng Dũng, rồi nhìn tấm ga giường.

Bữa chiều mưa sa giông, Vú tất tả vào phòng, nhà đi hết trơn rồi, đi cưới con ông chủ xây dựng gì đó, rồi giờ ý …ờ ý con sao? Thằng Dũng khóc tấm tức. Con làm con gái được hông Vú? Được mà, con đẹp thí mồ. Dắm dúi vào tay thằng Dũng chút tiền. Cái balo vài ba bộ đồ. Vú xuống canh cổng. Chừng Vú gọi thì chạy nhanh xuống. Đi đi con. Ờ chạy nhanh theo gánh còn kịp, hồi xế gánh dọn bãi, nghe đâu họ về Nha Mân. Năm đó Dũng mới mười sáu.

2.

Diễm bảo, nhìn con nước lớn, nhìn bông điên điển vàng hươm ven hai bờ kinh, thèm quá trời quá đất. Một chiều tháng mười âm, gánh vừa tấp bến Xà No. Cũng chừng bốn năm rồi mới về lại xứ này hát. Bãi đất trống phía chợ Giữa nay hổng còn, người ta cho xây thành một Nhà lồng mới khang trang bề thế, vậy mà đâu có bà con nào thèm vào ngồi bán. Nhà lồng vắng hoe.

Bữa má Năm đi sớm tiền trạm, chưng hửng nhìn cảnh cũ thành lạ xa. Má Năm điện về giọng mếu máo, bà con chợ Giữa thương gánh lắm, nay diễn đất khác hổng biết có được thương, có đông người đến không? Bị phải thương mình, thì mới mần ăn được, chứ đất nào mà hổng thương chỉ có nước nhổ bến chạy làng. Họ phá là tan tành. Hơn hai chục năm theo gánh, cũng từng ấy năm sống cảnh trôi sông lạc chợ nên má cam qua nhiều nỗi đời. Cũng mười lăm năm làm bầu mà bây. Chua cay mặn đắng nào hổng từng trải. Thôi thì mấy ông trên xã nói cho mình cái khu đất cập mé vàm cũng được. Phía trước dựng bãi, phía sau làm sạp. Vậy là ngon rồi. Mỗi đêm một triệu tiền trong, một triệu tiền ngoài. Ờ vậy cũng vừa phải.

Gánh hát dựng đâu chừng ba ngày là xong xuôi, tận hơn ba chục con người cứ xúm vào mà làm, quen hết trơn, đâu có gì khó. Cứ mấy thằng con trai làm cổng dựng sân khấu, lắp trò chơi, mấy bà bóng thì trang trí phông nền sân khấu, xếp quà tặng. Chia nhau đi chợ nấu cơm. Xúm nhau làm thì xúm nhau ăn. Vậy là khỏe re, chẳng ai nạnh hẹ ai.

Má Năm cứ sáng sáng ngồi sau chiếc Dream tào lao ráp tứ lung tung đồ lại, cũ đến nỗi bận thằng Vàng chở đi hư dọc đường nó bực mình đòi đem vô viện bảo tàng kí gởi. Má kí đầu nó cái cốp. Bỏ cái gì thì bỏ, bỏ chiếc xe là tao tròng lồng heo mầy thả trôi sông cho lìm kìm nó cắn thí mồ tổ mầy à! Miễn xe chạy được là mừng rồi. Tiền nhiều lắm hay sao mà cái gì mầy cũng đòi mua.

Má Năm ngồi sau, ôm cái loa, bật cái đoạn ghi âm ra rả phát mấy lời xưa cũ rích, thuộc nằm lòng suốt cuộc đời đào hát của mình. Thằng Vàng cầm lái. Cứ thế tà tà hóng gió. Gió tháng mười mùa nổi, man mát gì đâu. Cứ vậy mà rảo khắp mấy ấp xã thôn xóm. Cứ chạy vòng vèo, xứ Xà No quanh quẩn cũng về được vàm sông gánh cắm bãi, chẳng lạc đâu mà sợ. Mà chắc gì đã lạc với thằng Vàng.

Có lần má Năm kêu nó dừng lại. Tao mệt rồi mầy, nghỉ chút đi. Má Năm đứng bên

này bờ sườn kinh Bảy Ngàn, nhìn qua phía bên kia kinh. Thằng Vàng chấp tay phía sau cũng lõ mắt nhìn. Ủa chứ má nhìn gì qua bên kia dữ thần vậy. Quỡn quá, cho chạy giáp vòng cũng qua bên đó mà ngó. Má Năm đâu có thèm nghe thằng Vàng nói. Má đứng nhìn một đỗi thở dài thườn thượt. Phía sau thằng Vàng cũng buông tiếng thở y trang như vậy.

Mồ tổ cha mầy nhen, ghẹo tao hoài à! Tao mệt tao đứng nghỉ có chút cũng bày đặt thái độ là sao? Ủa chứ tui nói gì má đâu trời. Tui thở dài là tại tui thấy bông điên điển nở vàng quá chừng. Hồi sáng con Diễm nó đi ra vàm lấy nước nó nói, nhìn bông điên điển nó thèm.

Thôi đi tía ơi, lẹ chở về bãi, chiều tới nơi rồi. Bày đặt con Diễm nói. Đụng ai cũng được, nhưng đừng đụng nó nghen thằng ông nội. Nó khổ lắm! Như lục bình trôi vậy đó. Thằng Vàng leo lên xe rồ máy, ngoái lại nhìn phía bên kia kinh một cái rồi phóng như bay. Quỷ thần, mầy chạy vậy gió lùa bụi bay hết vô mặt nè! Má Năm la í ới. Tay đập vào vai thằng Vàng bốp bốp. Thằng nhỏ giảm ga xuống. Ờ …bụi bay vô mắt, cay quá trời. Giọng thằng Vàng trĩu trịt, như mếu, mà hổng phải, giống khóc thì hơn.

3.

Bạc xuôi ghe ra chợ một sớm sương vẫn còn vương trên mấy tán lá. Mùa nước lên, sau những ngày hạn mặn nứt toạc ruộng đồng. Dường như lòng người cũng khoáng đạt hơn. Chẳng có mùa nào hào sảng bằng mùa này. Dân châu thổ chỉ đợi có thế, để thấy sóng nước cho nhiều tôm cá, để thấy ruộng đồng mướt lá mởn non. Thấy lại cái sự sống vươn mình trên hai bên bờ kinh trải dài tít tắp tận mười bốn ngàn rưỡi cây số.

Xà No hồi đó heo hút, khỉ ho cò gáy, nhiều lưu dân trôi dạt phận đời nghèo cùng túng quẫn mà gá thân mình lên mảnh đất này, mưu cầu hai chữ an ổn. Vậy nên, chẳng lạ gì khi bên này con kinh nói tiếng Khmer, bên kia con kinh người Hoa quây quần sinh sống. Lâu dần có thêm người Kinh xuôi dòng thương hồ mà lấy vợ gã chồng rồi định canh định cư hẳn nơi này. Bao nhiêu năm lớn ròng con nước, cứ thế mà nảy nở sinh sôi những đứa con xứ Xà No lẩn quẩn lai dòng với nhau.

Có bận đoàn giáo viên trẻ người Sài Gòn xuống kiến tập ba tháng ngơ ngác nhìn nhau, khi đám học sinh cắc cớ hẹn cô giáo trẻ ra tiệm chạp phô uống nước ăn bánh. Cô giáo trẻ chưng hửng chẳng biết chạp phô là gì. Gặng hỏi mãi đám học trò cứ cười hì hì, rồi bỏ chạy mất tiêu. Chừng tối trời, cô giáo trẻ lò dò ra điểm hẹn thấy đám trẻ ngồi đợi mới biết, hóa ra là một tiệm tạp hóa bánh trái nước ngọt của miệt quê xa lắc lơ này.

Xứ Xà No có nhiều cái ngộ. Nhiều khi nói chuyện hổng biết mình đang nói tiếng gì. Mạnh thầy cô nói tiếng Việt, đám học trò cứ thỉnh thoảng quay qua xí xô xí xào những âm thanh lạ tại như thể thầy cô cần cái dĩa bay để trở lại hành tinh của mình. Bữa nghe thầy cô nói vậy, đám học trò cười nắc nẻ, chừng cô giáo trẻ ưng lòng ở lại với xứ Xà No, tụi em dạy cô tiếng Xà No nghen. Cô giáo trẻ cười, đám học trò cũng ríu rít. Hai bên bờ kinh Xà No mùa đó cũng nhuộm vàng màu điên điển.

Nhưng là chuyện của mươi năm trường cũ kĩ rồi. Giờ dân Xà No phát triển nhất nhì tỉnh. Từ cái bận tỉnh cho xáng vào múc vàm sông, chia con kinh dài tít tắp ra thành mười bốn cái sườn ngang, để dẫn nước tưới tiêu cho ruộng đồng xứ này. Người ta đâu biết gọi mấy cái sườn kinh như thế nào, dân xứ này đến cái tên đường hay số nhà còn chẳng thèm đặt huống gì là mấy cái sườn kinh lạ quắc mới toanh này. Cho nên, cứ một ngàn mét là có một cái sườn ngang, thì theo thứ tự mà đặt, Một Ngàn, Hai Ngàn, cứ thế mà đếm tới, cuối con kinh là Mươi Bốn Ngàn Rưỡi. Từ trên cao nhìn xuống, Xà No như cái xương cá, nước tẽ nhánh vào tận sâu ruộng đồng. Xà No ầm ầm phát triển. Ghe xuồng thương hồ qua lại đông như trẩy hội. Dân Xà No cũng vui đời ấm no. Cuộc sống bớt cơ cầu, bắt đầu có trường cấp hai, cấp ba, chẳng cần ngược dòng mà ra trường huyện học nữa.

Nhưng năm nay thì thất mùa, buồn thỉu buồn thiu, thượng nguồn ngăn đập, đồng khô cháy trơ gốc rạ, chẳng có thứ gì sống được khi ruộng nứt nẻ như ai xé toạc đất ra. Mặn xâm thực, lúa chưa ngậm sữa đã quắt queo gục đầu sát rạt. Một mét khối nước ngọt là năm trăm ngàn đồng. Trời, xứ Xà No biết bao nhiêu mét khối cho nổi. Người ta ngắt bông hổng để cây ra trái, bởi có ra trái thì cũng èo uột, cũng bị hư hết, làm sao bán, chỉ có nước đem cho bò heo ăn mà thôi. Trai tráng xứ Xà No lên thành thị kiếm đường mưu sinh. Đàn bà thì ngược về Long Xuyên hay Cần Thơ đi ở đợ. Nghe xa xót gì đâu đó chèn! Nhưng mà cái thắt thẻo nhất là con gái Xà No nức tiếng da trắng dáng xinh, mặt sáng như trăng gieo neo phận mình vào mấy cái quán xanh đỏ đèn màu trên Sài Gòn. Mấy cái quán đêm hay ngày thì cũng tối thui, âm u. Ờ âm u như đời của đàn bà con gái xứ Xà No.

Xuồng cập bến, chợ Giữa rào rạo tiếng đãi bôi của buổi sớm. Tiếng loa từ chiếc xe máy phát ra khiến bà con để ý lắng tai. Chèn có gánh lô tô về kìa mấy bà. Mai bắt đầu hát heng! Chèn cuối tuần vừa đua ghe, vừa Ook Om Bok, vừa nghe mấy bà bóng hát lô tô. Gánh này hát hay lắm nghen! Bạc cũng dõng tai nghe, ờ có đoàn lô tô. Nó quơ vội mớ cá linh đầu mùa, rồi hấp tấp ra bến nhổ neo chạy về phía nhà. Nay về sớm chứ hổng lân la với mấy dì mấy thím. Nay về kể chuyện má nghe.

4.

Má Năm họp gánh, nay mình về đúng dịp Ook Om Bok nhen tụi con. Nên mai mình khởi hát bữa đầu, thì mình hát À Day, mình ca Dù Kê, mình múa Lâm Thôn, lấy lòng bà con đặng người ta còn thương. Mấy đứa soạn quần áo, mai mình mặc đồ Khmer nghen bây. Kiếm mấy cái bài hát về xứ này hát để xuống câu có chữ ra số. Bữa đầu mần hoành tráng lấy hên. Sáng mơi đứa nào đi coi đua ghe ngo thì chừng xế chiều là về còn chuẩn bị. Ham chơi là tao cho nhịn đói cả lũ nghen! Mà mấy bà ra ngoài đó thì cũng đừng có quậy quá! Mấy bà đi tới đâu là rần rần tới đó. Cái hình cái tiếng nó khác nhau, đủ để người ta hiếu kì. Làm cái gì cũng nghĩ đến phận mình giùm tui cái nghen mấy bà. Chỗ nào bu đông mà có mấy bà thế nào cũng loạn. Mai công an mà bắt mấy bà, tui hổng có lên bảo lãnh đâu. Cho ở mọt gông một lần là sợ liền à!

Mấy đứa phía dưới nhao nhao, ủa rồi tụi mình bị bắt hết chắc bả hát nổi à, già rồi giọng khào khào hát lên nổi không má. Tiếng cười rần rần. Má Năm quắc mắt sang đám con hổng đẻ mà mình trót mang nó theo cả quãng đời này. Ờ tui hổng hát được, nhưng tui phát lương cho mấy bà. Nhắm làm lợi tui hông? Tan họp đứa chui vào sạp nghỉ sớm, đứa rủ nhau đi uống nước ngoài mấy cái quán nhỏ liêu xiêu. Má Năm cũng đi thẳng vào cái buồng của mình. Con Diễm nhìn theo bóng má Năm.

Trăng treo quá ngọn, mấy con cúm núm tìm bạn vang cả khúc sông. Diễm ngồi nhìn sóng nước Xà No cuốn mấy dề lục bình dập dềnh. Gió từ phía sông thổi tung mấy lọn tóc.

- Ủa cô hổng đi uống nước hả? Mấy bả thay đồ đi hết trơn kìa.

Thằng Vàng đi ra mé vàm tính ngồi hóng mát, lại thấy ngay con Diễm. Thôi tui hổng đi đâu Vàng. Ra ngoài lộn xộn lắm, lỡ có chuyện gì thì khổ má Năm. Con Diễm ngoan nhất đoàn, mà cũng đẹp nhất đoàn. Hễ con Diễm lên sân khấu thì sân khấu sáng bừng. Nước da nó trắng ngần, bờ vai thon thả. Có lần má Năm nói, con nhỏ xương cốt đàn bà, đời sanh ra sai cái giới tính.

Hồi nó mới đi Thái về, cả gánh hết hồn. Mấy chị em trong gánh nhìn nó hổng chớp mắt. Cái hình hài này nè mới đúng là con Diễm. Nhưng cũng từ bận đó, má Năm thêm lo lắng cho con Diễm. Mấy lần cắm bãi, nhiều người ngấp nghé, có đàng hoàng tử tế, có đám giang hồ bảo kê, đủ đầy trêu ghẹo, hăm dọa, lẫn dùng tiền mua bán. Chục lần như một má Năm phải khéo léo dàn xếp. Chừng thấy nguy quá thì cho con nhỏ bắt xe bỏ trốn trước. Gánh dọn bãi chạy theo sau.

Cũng trong một lần chạy trốn, con Diễm đụng phải thằng Vàng ngay bến xe Cần Thơ. Con Diễm khóc kể thiệt tình. Thằng Vàng nghe xong lặng yên một đỗi rồi kêu con Diễm cứ yên chí, tui ở đây rồi, hổng thằng nào đụng được đến cô. Giờ cô đi đâu, tui đón xe đi chung. Cô tới bến mới, rồi tui về. Mà thiệt tình là bận đó thằng Vàng cũng hổng biết phải về đâu. Ngay cả cái nơi nó muốn đến cũng vài thông tin mập mờ, cái người nó muốn tìm cũng chỉ là hình ảnh thu gọn trong trí nhớ non nớt. Nhưng thây kệ tất thảy mấy cái lo lắng đó. Nó cứ đưa con Diễm đi trước. Rồi cứ vậy mà tùy duyên trời, xuôi dòng nước cũng tìm ra đường để đi mà thôi. Nhưng ngặt nỗi, khi nó về tới gánh cùng con Diễm, thì hình như lòng nó chẳng thể đi được. Vậy là nó thành người của gánh hát lô tô Lục Bình.

Bà chủ gánh Xuân Hồng thấy nó, nắm tay nước mắt ngắn dài, móc túi gởi nó một triệu tiền cảm ơn đã cứu con Diễm. Nó phủi tay cái rột, hổng phải tui làm việc này vì tiền đâu má Năm ơi, chẳng qua là tui thấy ai thân cô thế cô tui cũng đều giúp. Hồi tía tui còn sống, tía dạy như vậy. Hai anh em tui cứ vậy mà sống rồi lớn lên. Má tui cũng nói, bước ra đường thì nhờ thiên hạ, mình cứ làm việc tốt, ông trời sẽ tự khắc biết. Mơi mốt mình khổ, tự nhiên sẽ có quới nhơn giúp mình.

Bà chủ gánh vỗ vai thằng thanh niên hai mươi mấy tuổi, vóc dáng cao to, gương mặt sạm nắng đồng, hiền lành chất phác. Rồi con tính đi đâu mần chi. À tui có biết đi đâu, cũng có gì đâu mà mần. Dân bụi đời bến xe đó má. Có gì thì cho mần ké, ăn ngày hai cữ cơm cũng được. Thỉnh thoảng cho tui ít tiền gởi về nuôi má tui. Má tui già rồi, mình ên từ ngày tía mất, kêu bả đi bước nữa, bả lắc đầu nguầy nguậy à. Bả còn thương tía hay sao đó. Hay bả sợ lấy thêm chồng, tụi tui bị ông già ghẻ hổng thương.

Bà chủ gánh nghe thằng Vàng gãi gãi đầu nói thẳng tuột chuyện nhà mình. Bả cười sang sảng. Ai điều tra gia phả mà khai hết ráo vậy thằng khùng. Rồi thì ở đây, cơm ăn áo mặc má lo. Tháng nào có nhiều cho nhiều, tháng nào có ít cho ít. Nhưng ráng tháng cho mầy hai triệu đặng gởi về nuôi má. Từ nay mầy là người của gánh Lục Bìnd, lát theo má vào cúng tổ. Rồi bây phụ má mấy cái việc nặng nhọc của gánh nhen. Đây toàn mấy bà bóng không hà. Mỗi lần kêu khiêng đồ nặng, mấy mẻ ưỡn ẹo cũng đủ hết giờ. Vậy là thằng Vàng gật đầu cái rụp. Mới đâu chừng vài tháng chứ nhiêu.

Nó ngồi kế con Diễm, nay trăng chưa tròn, nhưng cũng đủ rọi lòng sông luềnh loáng sóng sánh nước. Nãy tui thấy má Năm ca thử À Day, nghe hay quá chừng heng cô. Giọng khào khào mà da diết gì đâu. Phải người xứ này mới hát được À Day đúng điệu gốc đó. Hổng biết má Năm người xứ nào heng? Thằng Vàng thì thầm. Vàm sông lăn tăn gợn nước.

Hổng ai biết má Năm từ đâu đến. Hồi tui mới vào gánh cũng đâu có hỏi mần chi. Nghe mấy chị nói, hình như má theo gánh trễ, đâu chừng gần ba chục tuổi, khi đời đang ấm êm gia đình con cái rồi. Chỉ là má hổng thể mãi sống mà đè nén bản thân mình trong hình hài đàn ông. Một bữa má cuốn đồ theo gánh Phù Du. Bỏ lại cái phần đời đàn ông của mình mà đi tìm về chính mình. Đời ai cũng chỉ có một lần sống mà! Đến ngay cả cuộc đời của mình mà còn hổng dám sống thì mình còn có thể làm gì?

Nhưng có một chuyện trong gánh đứa nào cũng biết, hễ mỗi lần đêm ba mươi Tết diễn xong, má cúng giao thừa của gánh rồi thì tất tả chạy đi đâu đó tận sáng mùng một má mới về gánh. Nếu năm nào gánh cắm bãi xa, chiều tối mùng một má mới về. Có lần má say, mấy chị em hỏi. Má nói má về thăm nhà. Nhưng mà hổng vào. Đứng ngoài nhìn thấy gia đình mình còn đó là má vui rồi. Má quì dưới đất lạy ba lạy rồi má đi. Nghiệt ngã quá chừng heng Vàng!

Mà có chuyện này thì tui biết thiệt, cái giọng khào khào đó là … Ờ do tui đó. Con Diễm lấy một hơi thở vào bụng, mím môi lại. Mấy chuyện xa xưa nhắc lại, nhiều khi phải nén lòng dữ lắm, bị đâu phải cái gì cũng vui vẻ để nói ra. Mà không nói ra, thì lòng mình nó cứ trĩu trịt. Khơi lại cái kí ức ngày đó. Trời, buốt óc chứ chẳng chơi.

Bận đó, tui bị tụi ma cô lôi đi, kiểu nó thấy…ờ kiểu chọc ghẹo chứ tui có làm gì đâu. Hồi mới đi qua bển làm hết trên dưới để được là con gái đó. Tụi nó lấy cớ mời rượu. Con Diễm ngập ngừng, lặng thinh một quãng dài. Thằng Vàng nghe bụng dạ mình bồn chồn. Là tụi nó quậy cô phải không? Ờ chứ anh nghĩ tụi nó đem tui về làm gì. Mình mua vui cho thiên hạ trên sân khấu được. Thì thiên hạ cũng lắm kẻ bắt mình mua vui chỗ khác cho họ. Hổng chịu thì bị đánh. Bị tụi nó lột sạch. Tụi nó săm soi. Có thằng lấy mấy điện thoại ra chụp. Rồi…thì đó…

Đêm khuya the thắt ngọn gió sông. Gió mùa nổi mát rượi mà người thằng Vàng toát mồ hôi hột. Má Năm bả nghe đám chị em kêu, bả một mình dí theo. Bả xin tụi nó tha. Bả chung hai chục triệu đổi người. Tụi nó bắt bả uống ly rượu phạt, nhưng mà là ly rượu pha với xăng. Bả trợn trắng, giãy đành đạch. Tụi nó bỏ chạy. Tui lấy xe đưa bả vô trạm xá nửa đêm. Rồi người ta chuyển liền lên huyện. May mà súc ruột kịp. Nhưng cái cuống họng bả bị phỏng. Dây thanh quản bị thẹo. Giờ cái giọng cứ khào khào trầm đục như vậy. Tụi nó ác lắm! Thiệt tình, nhiều người coi cái đám hát lô tô tụi tui cứ y như là một thứ đồ chơi, mặc tình vui buồn chà đạp hay miệt thị coi khinh. Trót mang cái phận này, thì phải chịu đựng, chịu đựng để còn được đứng trên sân khấu. Trăm bà bóng hát lô tô, trăm bà cơ cầu nghiệt ngã cuộc đời.

Con Diễm hổng nói nữa. Thằng Vàng cũng chẳng thể hỏi thêm gì. Hồi đó má hay nói với Vàng, con người ta buồn, đừng ra bến sông mà ngồi. Sóng nước bưng biền vậy chứ nó thấm thía nỗi buồn lắm, nó gợn vỗ nhẹ hều vậy đó, mà nó vỗ miên trường suốt cả cuộc đời. Vỗ bạc trắng mái đầu hồi nào hổng hay.

5.

Bạc nói với má, lại có gánh hát lô tô về nữa kìa má, nghe mấy bà ngoài chợ nói gánh hát Lục Bình nổi tiếng khắp miền Tây mình. Gánh mới đi lưu diễn từ Bắc chí Nam. Nghe đâu bốn năm rồi mới vòng lại xứ Xà No mình hát. Ngay mùa lễ hội, tỉnh cho gánh nguyên khu đất sát vàm để làm hội chợ. Thiên hạ rần rần, mơi là gánh hát bữa đầu. Má đi hông con chở đi chơi.

Trời xa dữ lắm, mình sườn Bảy Ngàn, chạy lên tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi là đuối nhen con. Lại phía bên kia bờ kinh. Thôi thôi, bây đi thì tự đi, tao ở nhà nghen. À mà có đi thì nhớ coi gánh có cô đào Xuân Hồng không nghen con. Có thì …

Má ngập ngừng làm thằng Bạc sốt ruột, nhìn má nó một đỗi. Ủa không dưng đang nói cái im thinh vậy trời. Nhịp võng bên hiên vẫn đung đưa theo gió lào xào. Chèn, rồi tự nhiên ngắt ngang đâm bang vậy má. Bộ má quen cô đào Xuân Hồng hả? Hay hồi xưa má cũng đi hát lô tô, cái má gặp tía rồi má theo tía làm dâu xứ này.

Thằng Bạc hỏi vậy chớ nó biết má hổng có trả lời gì đâu. Trong cái kí ức non nớt vụng dại nửa nhớ nửa quên của nó. Hồi đâu năm ba bốn tuổi của nó, một sáng tinh mơ tía đi mất tiêu. Hai anh em nó ngồi chờ hoài, tới trưa trời trưa trật cũng hổng thấy tía về. Chờ đến tối hỏi má, má nói tía đi mần ăn xa. Chờ cho thu qua đông sang rồi Tết đến, nhà nhà sum vầy, tía cũng hổng về. Má nói tía bận công chuyện. Chờ mỏi mòn đến đâm ra hổng thèm hỏi thì má nói tía hổng về nữa đâu. Coi như tía chết rồi.

Hai anh em năm đó lên chín mười tuổi, nhẩm tính tía đi bao lâu, thầm hỏi sao tía hổng về, rồi tự trả lời, chắc xứ này cơ cầu lận đận quá, tía chịu hổng nổi, tía đi thành phố, như bao người đàn ông của Xà No. Nhưng mà mấy người kia, ít ra ngày tư ngày tết người ta còn về. Đằng này, tía đi là đi biệt, mất tiêu luôn. Chắc tại thị thành phồn hoa sống sướng quá nên tía quên lối về. Bận đó Bạc nói với thằng anh sinh đôi của mình. Kệ ông già tía, mình ở với má. Tía mai mốt có giàu đó he, tía quay về tui cũng không nhìn tía đâu. Tía bỏ má con mình. Tui hận tía tới chết.

Thằng anh nhìn đứa em y hệt mình như hai giọt nước rồi tự hỏi lòng. Vậy má nó có hận tía không? Mà má hận tía tới mức nào? Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ anh em tụi nó cũng thấy má làm ruộng bình thường. Thấy má vẫn ngày hai cữ cơm đàng hoàng cho anh em nó. Má hổng khóc, chỉ có điều má ngày xưa cũng đã ít cười, sau bận tía đi thì chẳng bao giờ thấy má cười. Dẫu là mấy cái bằng khen học sinh giỏi của hai anh em đem về khoe. Má cũng chỉ xoa đầu rồi hỏi muốn ăn gì má nấu. Nhưng tuyệt nhiên đừng đòi ăn bánh điên điển. Má hổng biết cách làm, hồi xưa tía tụi bây mần cái món này ngon lắm.

Nhưng mà má hay ra ngoài bến ngồi mình ên. Có đêm má khó ngủ, tiếng xối nước trên bến rào rạo. Lẫn trong tiếng nước rơi, hình như có tiếng nấc nghẹn. Có lần thằng Bạc lén ra ngoài rình, rồi nó chạy vào nói cho thằng anh nghe, nửa đêm má tắm chi vậy anh hai, má bệnh rồi sao? Vậy rồi thôi, hai thằng nằm im ngủ. Nhiều đêm tiếng xối nước của má đi vào giấc mộng mị của hai anh em.

6.

Má Năm đem con Diễm về dưới sạp, hơn ba giờ sáng, người say bí tỉ. Má Năm lắc đầu ra dấu cho đám chị em không bu đen bu đỏ nữa. Để yên nó ngủ. Không có xì xào gì hết. Một đêm không trăng sao, màn trời thâm u một cách huyễn hoặc. Má quay về sạp chánh. Lấy chai rượu ra rồi rót. Thằng Vàng tần ngần một đỗi rồi ngồi xuống trước cửa sạp. Với tay lấy chai rượu cũng cạn một ly. Hơi rượu làm nóng hừng hực người nó.

Mấy cái chuyện như vầy thì lần đầu nó thấy. Sao má chịu, rồi mấy bà này cũng im re là sao? Là gì thằng quỉ sứ. Mầy la làng lên cho bị đuổi à. Ủa thì đi tiếp rượu mấy thằng cộm cán xứ này, mình biết điều thì nó để yên. Có đoàn bị đốt sạch. Có đoàn nó đục ghe, chạy giữa dòng là nước ngập chìm thấy mụ nội. Hồi tao đi dưới Cái Cùng miệt Cà Mau. Có đoàn chìm giữa cơn nước lớn, mấy đứa hổng biết bơi đuối nước. Ba ngày sau mới nổi lên. Xác dính mấy gốc bần. Có đoàn nó chặn đường cướp sạch không còn gì. Nó đè vô mấy cái bụi. Có quì lạy van xin thì cũng như không. Tiếng cười của tụi nó còn hả hê thêm.

Hồi chục năm trước, gánh về Long Xuyên diễn, hổng biết sao phật ý ông chủ tiệm vàng, ổng cho người phá nát gánh. Một là nhổ neo liền hai là ổng đốt đoàn. Họa từ đâu ập xuống. Nhiều cái oan khiêng mà mình đâu hiểu nổi. Mưa gió dầm dề cũng phải đi. Nhổ bãi rồi biền biệt mất hút. Chung tiền bãi rồi có dám xin lại mấy ông trên xã đâu. Mất đứt mấy chục triệu còn mang tai mang tiếng khắp xứ đó.

Chứ mầy nghĩ hát hò mua vui cho thiên hạ dễ lắm sao con? Bước xuống sân khấu thì mấy bà bóng cũng chỉ là mấy thằng đàn ông chẳng ra đàn ông, đàn bà chẳng ra đàn bà. Nửa nạc nửa mỡ. Người ta chỉ mặt kêu ê pê-đê kìa. Người ta rủa tại mắc nghiệp nên kiếp này đọa phần số oan trái này. Mỗi một vòng quay là xoay một vòng đời. Cầm con số cờ lên mình còn biết hô nó như thế nào. Chứ số mấy bà bóng hát lô tô, biết đâu mà lần con.

Má Năm thở dài, tiếng thở âm ba theo từng con sóng nước. Má đưa ly rượu lên nhấp một cái ót, cạn ly. Giọng má khào khào. Mấy bà bóng theo má nhiều nhất cũng hai chục năm, ít nhất cũng năm bảy năm. Mầy mới vô gánh có bốn tháng à, rồi cũng quen dần cái cảnh này thôi. Mình gạo chợ nước sông mà con. Long đong rày đây mai đó. Bớt một chuyện thì lành một chuyện. Miết rồi thành quen. Miết rồi thì chấp nhận. Kiểu chấp nhận để yên ổn mà sống. Mỗi một gánh hát mà tan rã, cũng như mấy nhánh lục bình vậy đó con. Sóng đánh tan tác, rã dề, biết trôi đi đâu? Mấy bà bóng hát lô tô, mà ra ngoài đời, thử hỏi chỗ nào là chốn dung thân?

Mà bây biết không, mỗi bà bóng là một cái phận đời. Nhiều lúc nằm buồn nghĩ duyên hay nghiệp, sao nó buộc mình vào cái kiếp lang thang. Nhiều đứa nhà cửa đàng hoàng, chăn êm nệm ấm. Vậy mà nghe tiếng lô tô cái bỏ nhà mà đi. Hình như cái cốt sanh ra là định sẵn cái nghiệp quấn lấy đời mình vào mấy con số.

“Cờ ra là con mấy, con mấy cờ ra, con gì nó ra đây. Một thời là duyên hai thời là nợ. Buộc đời mình lỡ dở gái trai. Vòng cầu quay xoay ra con số. Xoay vòng đời xin đừng mỉa mai. Ra đây con số hai. Rồi cờ ra con mấy, con mấy cờ ra, con gì nó ra đây.”

Má Năm hát. Là say hay tỉnh. Giọng mênh mênh u hoài trầm mặc. Tiếng song lang má gõ bắt nhịp, lóc cóc giữa canh thâu. Hình như thinh không đứng gió. Người ta có một cuộc đời, một thân phận cũng đã là khổ. Mấy bà bóng tận hai cái thân phận. Gieo neo dâu bể lắm Vàng à! Mà cái cuộc đời này ngộ lắm bây, bể dâu nào nó cũng trái ngang.

Má Năm lại gõ song lang. Mấy câu rao số giữa đêm lướt êm theo gió. Rượu nay hổng cay xè mà mằn mặn khóe môi thằng Vàng. Mấy sạp dưới gầm sân khấu bỗng sáng đèn. Mấy bà bóng lú đầu ra, rồi cứ vậy thút thít theo cái giọng khào đục mỗi khi má Năm ca.

7.

Hồi bốn tháng trước, thằng Vàng cầm trên tay cái giấy xét nghiệm, hạ giăng đỏ bời màu phượng. Ông bác sĩ nói má giai đoạn cuối rồi, cứ uống thuốc cầm chừng, đụng dao kéo hay xạ trị thì cũng vậy thôi, nó lan ra hết trơn. Ung thư mà, khỏe khỏe thì hai năm, yêu chút chắc sáu tháng. Sài Gòn ngả nghiêng theo ánh mắt thằng con trai phù sa châu thổ.

Má bảo thôi cứ vậy mà để má sống khỏe thêm chừng nào hay chừng đó, nhà làm gì có trăm triệu đồng mà chạy chữa, ai rồi cũng tới lúc heo may gõ ngang đời mình, cạn cùng cuộc đời má muốn nằm ở đất quê. Hai anh em đùm túm đưa má về. Suốt chuyến xe, lòng Vàng thắt thẻo. Tía đi hồi mười lẵm năm, khi hai đứa còn nhỏ xíu. Là tía còn hay đã mất. Tại sao tía nỡ bỏ đi để một đời má thác ghềnh tủi phận, để anh em nó côi cút. Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mắc xương rồi ai gỡ ra cho tụi nó đây? Hơn hai chục năm trời rồi. Có lần nào tía tự hỏi, má con tụi nó trôi nổi ra sao.

Nhưng chắc tía hổng biết đâu. Tụi nó trong mơ cũng thấy tía. Tụi nó đi học bị ăn hiếp, lén má ra bến ngồi khóc kêu tía ơi. Người ngoài chợ nói tụi nó con hổng cha. Hai cái từ hổng cha nó đau đớn như ai cào cấu tâm can vậy đó tía.

Nhưng chắc tía hổng biết đâu. Cái món bánh điên điển của tía cả đời này tụi nó hổng thể nào quên. Cứ mỗi mùa điên điển trổ bông. Hai anh em nhìn nhau mà thèm. Có bận thèm quá tự hai anh em ngồi nhớ ngày xưa tía làm bột ra sao, tía trụng bông điên điển như thế nào, tía chiên bánh canh lửa bao lâu. Cứ vậy mà theo tiềm thức làm. Má ra đồng về, thấy mấy cái bánh điên điển trên bàn, má đem ra chái bếp liệng thẳng xuống sông. Rồi má khóc.

Nhiều cái chắc tía hổng biết đâu. Tỷ như bữa má kêu con ra bến, một chiều tàn hạ thẫm tím chân mây. Má kể tía hát hay, tía luyến giỏi, tía bây ca dây Mỹ Châu nức tiếng xứ mình. Tía bây hổng có lỗi gì hết đó. Ngày má về với sóng nước xứ mình, nếu muốn, con có thể dắt em đi tìm tía. Nè, tía bây đó. Má đưa tấm hình, phía sau có ghi cái tên và dòng số điện thoại. Rồi má thở dài. Thườn thượt. Có những chuyện trọng cuộc đời này, nhẹ lòng mà suy nghĩ, duyên hay nghiệp đều là do chính bản thân mình định tâm mà chọn lấy. Là khi chấp nhận rồi mới thấy lòng mình an ổn. Hay má đã an ổn rồi thì lòng mới chấp nhận điều hiển nhiên này. Má đâu còn bao nhiêu tháng ngày. Liệu tía có chịu một lần về gặp má?

Chiều đó, ai dần ai giã mà sóng nước vỗ bến ràn rạt. Chiều đó, đâu ai cắt ruột gan mà Vàng đau tức tưởi. Vàng lớn rồi, tự khắc Vàng phải biết chọn lựa hay chấp nhận.

8.

Gánh hát Lục Bình xin đạ tạ ơn tình của bà con Xà No mình đã thương gánh mà ủng hộ cả tháng qua. Đêm nay là đêm diễn cuối cùng. Gánh sẽ sớm trở lại phục vụ bà con trong thời gian tới. Xuân Hồng cùng các người đẹp của gánh Lục Bình xin chào tạm biệt. Má Năm đứng trên sân khấu nói lời chia tay. Phía ngoài vàm sông thằng Vàng đảo mắt khắp bãi đất trống. Nó thu về tầm mắt quá nhiều điều quen thuộc đã dần dà trở nên thương tưởng.

Đêm tàn, má Năm nói nay má làm món ngon đãi bây mùa nước lớn. Món này lâu lắm má mới làm. Cái món con Diễm bữa nói thèm. Má lựa mớ bông điên điển tươi nhất hồi chiều hôm, má đánh bột cả tối. Tranh thủ bây hát má đi chiên, chiên xong ủ giấy thấm dầu nên còn giòn lắm bây. Ăn đi, tin chắc thời này, ít ai biết làm bánh điên điển. Tìm khắp xứ Xà No hổng có ai bán đâu.

Nay mình liên hoan nhen, bia rượu khui ra, má Năm rót ly rượu đế uống cái ót, khà hơi dài ra nghe chiều đã nư ngon gì đâu. Má đưa thằng Vàng một ly. Cả cái gánh mình nó khỏe nhất đó bây, nó làm ráo trọi hổng nề hà chi hết. Nè má cho mầy miếng bánh bự nhất. Thằng Vàng cầm miếng bánh tay run run. Sống mũi cay xè.

Hồi đó tía con làm bánh điên điển ngon nhất xứ này. Nhà con ở phía bên kia kinh, sườn Bảy Ngàn. Con có thằng em sinh đôi. Tía con tên Hùng, tía đặt hai đứa con tên Hiền tên Hòa. Mà ở nhà má con hay gọi thằng Vàng thằng Bạc. Má con giờ già rồi, ung thư giai đoạn cuối. Tía con giờ làm nghệ sĩ đó má Năm. Hồi nãy thằng Bạc em con nó điện thoại cho con nó nói, nó thấy tía rồi, cả tháng nay, nó chỉ dám nhìn tía từ xa. Nó hổng thể gọi tía. Nó sợ tía hổng có nhận ra nó. Nó cũng chẳng muốn tía thấy nó. Bị hơn hai chục năm nay, nó hận cái người đã bỏ nó ra đi. Nó nói má yếu rồi, nay bắt đầu bỏ ăn. Nó kêu con về, nó hỏi liệu con có nhờ tía về thăm má lần cuối được hông? Mà con hổng biết tía con có nhớ đường về cái sườn kinh Bảy Ngàn hông nữa. Hai chục năm hổng về, là chắc người ta quên đường rồi phải không má Năm? Thằng Vàng buông miếng bánh điên điển rồi nhắm hướng sườn kinh Bảy Ngàn mà chạy.

Hồi mấy bà bóng còn cốt đàn ông chưa sắn lộ để làm con gái thì toàn tên Dũng tên Hùng. Chừng xoay phận mình theo mấy con số, được sống đúng niềm khao khát, thì Dũng sẽ thành Diễm, thì Hùng sẽ thành Hồng. Xuân Hồng. Ly rượu trên tay má Năm rớt chổng chơ xuống đất. Cái giọng khào khào âm ư trong cuốn họng. Sườn kinh Bảy Ngàn, thàng Vàng thằng Bạc…

Trời ơi…

Tiếng kêu bềnh bồng giữa thinh không như lục bình trôi.

Tống Phước Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...