Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Giòng Sông Thanh Thủy, một chúc thư văn học của Nhất Linh - Nguyễn Tường Thiết


Ban thao GSTT (1)
Trang đầu bản thảo Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh
(Tài liệu Nguyễn Tường Thiết)

 

Cuốn truyện dài Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh được khởi đăng từng kỳ vào ngày 14 tháng 10 năm 2022, mỗi tuần đăng một Chương vào ngày thứ Sáu, trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ. Tác phẩm này gồm cả thẩy 38 chương. Thật tình cờ hôm nay thứ Sáu mồng 7 tháng 7 năm 2023, Diễn Đàn Thế Kỷ cho đăng chương chót thứ 38, và như vậy kết thúc tác phẩm vào đúng ngày giỗ thứ 60 của nhà văn Nhất Linh (7/7/1963 – 7/7/2023).

 <!>

 

Hôm nay nhân kỷ niệm ngày đặc biệt này tôi phổ biến trên mạng bản scan toàn bộ tập bản thảo chép tay tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy của thân phụ tôi mà tôi đã cất giữ từ 60 năm nay.

Khoảng đầu năm vào dịp Tết Quý Mão tôi gửi tập bản thảo cuốn truyện này cho nhà thơ Lê Thành Tôn ở California nhờ anh scan hộ. Trao tập bản thảo quý giá này cho anh Thành Tôn tôi hoàn toàn tin cậy nơi anh. Anh Thành Tôn nổi tiếng là người khéo tay và quý sách. Anh Tôn làm việc nhiều tháng với anh Nguyễn Vũ, một chuyên viên rất giỏi về computer, và sau cùng hai người đã hoàn thành bản scan. Chữ viết của ông Cụ tôi trong bản thảo rất nhỏ, nhiều chỗ tôi phải dùng tới kính lúp mới nhìn ra chữ, hơn thế nữa thời gian sáu mươi ba năm làm mờ đi nhiều nét mực, khuôn khổ cuốn sách bản thảo lại lớn hơn khổ bình thường, phải nói là rất khó thực hiện được một bản scan toàn hảo. Thế mà khi hoàn thành bản scan trông rất rõ ngoài sự mong ước của tôi; đó là nhờ vào bàn tay khéo léo, kỹ thuật giỏi của các anh, nhất là tấm lòng yêu văn hoá Việt Nam và sự quyết tâm của hai anh trong việc phục chế và bảo tồn những di sản văn học quí báu.

Tôi xin cảm ơn hai anh Lê Thành Tôn và Nguyễn Vũ rất nhiều.

Quý độc giả có thể bấm vào đường link sau đây để trực tiếp xem bản thảo tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh. Xem bản scan trên máy vi tính có điều lợi là có thể phóng to để nhìn cho rõ:

https://archive.org/details/giong-song-thanh-thuy-plustek/mode/2up?view=theater

*

Tập bản thảo Giòng Sông Thanh Thủy là một quyển tập bìa cứng, màu nâu, khổ lớn 20×27 cm, gồm 200 trang giấy ca-rô. Số trang được in sẵn ở góc trên mỗi trang giấy, bản thảo truyện Giòng Sông Thanh Thủy chấm dứt ở trang 131.

Nếu so sánh bản thảo với bản in của tác phẩm này chúng ta có thể thấy có nhiều khác biệt. Lý do là sau khi tác phẩm được viết xong Nhất Linh đưa bản thảo cho người khác đánh máy và ông đã sửa đổi khá nhiều trên bản đánh máy này trước khi cho in thành sách, chẳng hạn như số Chương trong bản thảo không phù hợp với số Chương trong sách.

Trong bản thảo tác giả chia Giòng Sông Thanh Thủy làm ba phần, mỗi phần không có nhan đề riêng. Tác giả chỉ đặt nhan sách cho mỗi phần khi ông quyết định để nhà Đời Nay in làm ba cuốn vào năm 1961: Ba Người Bộ Hành (dầy 248 trang), Chi Bộ Hai Người (dầy 173 trang) và Vọng Quốc (dầy 189 trang). Toàn bộ hơn 600 trang sách khổ nhỏ.

 

Bia GSTT 1    Bia GSTT 2    GSTT 3

 

Năm 2003 ở California Hoa Kỳ, khi Văn Mới tái bản lần đầu tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy tôi quyết định in gộp thành một quyển, chọn bố cục giống như bản thảo, nghĩa là sách cũng chia làm ba phần, nhưng mỗi phần có nhan đề riêng: Phần Một – Ba Người Bộ Hành, Phần Hai – Chi Bộ Hai Người và Phần Ba – Vọng Quốc.

Trên trang đầu của tập bản thảo (trang bìa), ngoài bốn chữ GIÒNG SÔNG THANH THỦY, tác giả còn tự mình dịch sẵn nhan sách ấy ra ba thứ tiếng khác: Thanh Thủy hà (chữ Hán), La rivière claire (Pháp) và Limpid water river hay Clear water river hay Clear river (Anh).

Như vậy phải chăng tác giả ngầm ý muốn cuốn sách sau này sẽ được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp…? Ước muốn này thể hiện rõ hơn khi tôi khám phá ở lề trang 51 của tập bản thảo (trang 47 theo cách đánh số trang của chính tác giả) Nhất Linh có ghi hàng chữ: “Truyện đến đây là hết khi dịch ra ngoại ngữ”.

Đối chiếu với cuốn sách in thì tác giả mong muốn bản ngoại ngữ kết thúc ở cuối Phần I, cuối chương 13, tức là cuối cuốn sách Ba Người Bộ Hành, ngay sau đoạn văn sau đây: “Đợi tới một chỗ vừa có đá vừa dốc, xe lại đi sát cạnh lề đường, Ngọc mở bàn tay bỏ rơi cái kính. Kính không rơi xuống dốc nhưng hai mắt kính chạm đúng một hòn đá vỡ tan thành nhiều mảnh. Tiếng xe cam-nhông chạy rầm quá nên chàng không nghe tiếng kính vỡ, nhìn lại chỉ thấy những mảnh kính nhỏ lấp lánh ánh sáng buổi chiều tà rồi lại biến đi ngay”.

Đến đây một vấn đề được đặt ra cho các nhà nghiên cứu văn học: tại sao Nhất Linh lại không muốn dịch toàn bộ Giòng Sông Thanh Thủy mà chỉ muốn dịch một phần ba tác phẩm? Và phần đó, nếu được dịch ra Anh ngữ, sẽ mang tên Giòng Sông Thanh Thủy (The Clear Water River) hay Ba Người Bộ Hành (The Three Walkers)?

Cũng trên trang bìa của tập bản thảo, tác giả ghi “Khai bút ngày 26 tháng 11 năm 1960. Bắt đầu viết 28-11-60, viết xong 28-1-61”. Ghi chú này cho chúng ta biết một chi tiết quan trọng: Nhất Linh hoàn tất toàn bộ tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy trong vòng vỏn vẹn 60 ngày.

Ngay phía duới hàng chữ trên là hai câu thơ của Nhất Linh, một câu của Pascal, hai câu thơ Kiều, và hai câu thơ Vũ Hoàng Chương:

Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần …

(28-10-1957)

Vérité en decà des Pyrénées, erreur au delà…

(Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm)

Pascal

Trời kia đã bắt làm người có Nhân …
… Đã mang lấy Nghiệp vào thân.

Nguyễn Du

Khiến kẻ ngàn sau nằm đọc sách
Lại mơ lần nữa giấc ai mơ.

Vũ Hoàng Chương

Khi in sách Nhất Linh bỏ hai câu thơ của mình và Vũ Hoàng Chương, chỉ giữ lại hai câu thơ Kiều và lời của triết gia Pascal in trên trang đầu của tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy.

Trong các trang tiếp theo tác giả dàn truyện và phác thảo nhân vật, chẳng hạn hai nhân vật chính là Ngọc và Thanh, Nhất Linh viết: NGỌC, một người giầu cảm tình, nhân đạo, có tâm hồn đẹp, thi sĩ. Cán bộ liên lạc của Việt Quốc. THANH: Lạ lùng. Hay khôi hài. Tinh nghịch. Hai con mắt đẹp, mơ màng nhưng sắc sảo. Nữ cán bộ bất đắc dĩ của Việt Minh. Vài nhân vật khác: TỨ, thân Việt Minh. Thích ăn. Thích tri kỷ. Quốc gia nhưng vì chuyện ức trong gia đình nên bị Việt Minh tuyên truyền gia nhập hàng ngũ để xen vào nội bộ Việt Quốc. Dễ cảm động, yêu vợ. NGHỆ, một tay Việt Cộng lợi hại. Lạnh lùng. Ít khi cười. Mỉa mai. Xen vào được Việt Quốc để dò la, dùng tay Pháp để phá vỡ các tổ chức ở trong nước của Việt Quốc. LẬP tức T.3: Giỏi, điềm tĩnh, được lòng mến của anh em. Tâm hồn hơi giống Ngọc. Trung ương ủy viên của hải ngoại bộ. Giữ việc tổ chức biên giới và liên lạc với quốc nội. TƯỜNG: Trung uơng ủy viên. Giữ về ngoại giao. Lý thuyết gia của Việt Quốc. PHƯƠNG: Đẹp, hiền hậu nhưng tầm thường. Việt kiều ở Mông Tự, em Hoạt cán bộ Việt Quốc. Yêu Ngọc…

Ở trang 5 (tác giả ghi trang 1) Nhất Linh bắt đầu vào truyện, PHẦN THỨ NHẤT, Chương I: Ngọc tiến về phía cửa hàng cà phê của Thanh, trong người thấy lành lạnh hơn mọi hôm mỗi lần đi qua các ngã tư có gió từ xa thoảng lại. Chàng mỉm cười vẩn vơ và tự nhiên thấy sung sướng đón lấy một cách khoan khoái những cơn gió bắt đầu trở lạnh từ ở ngoài cánh đồng thổi lọt qua các đường phố chật hẹp của thành phố Mông Tự.

Câu văn trên trong bản thảo được tác giả sửa lại (trên bản đánh máy) và khi in sách trở thành: “Ngọc tiến về phía của hàng cà phê của Thanh ở Cổng Bắc, trong người cảm thấy lạnh hơn mọi buổi sáng. Chàng mỉm cười vẩn vơ, chờ đón một cách khoan khoái những cơn gió cuối thu từ ngoài cánh đồng thổi lọt qua các đường ngõ chật hẹp của thành phố Mông Tự”.

Ở bên lề trang 5 bản thảo, ngay cạnh câu văn mở đầu truyện, tác giả ghi 28-11-60, 2 giờ sáng. Phía dưới, cùng trang, bên lề ghi: 29-11, 3 giờ sáng, gần 1 trang. Trang 6, ở lề cuối, tác giả ghi: Sáng 30-11, 4 giờ sáng, gần 2 trang. Trang 9: 4-12, 2 giờ sáng. Trang 19: 9-12, 3 giờ sáng. Trang 42: 23-12-60, 3giờ 30 sáng. Trang 44: 11 giờ 15 đêm Noel… Cứ như thế, như thế, gần như trên mỗi trang bản thảo, tác giả đều có ghi bên lề ngày, giờ, và số trang viết được. Cho đến trang cuối cùng 131 (trang 109 theo tác giả ghi) khi tác phẩm kết thúc với chữ HẾT, tác giả ghi ngay ở dưới: Đúng 11 giờ tối ngày 28 tháng 1 năm 1961 và ký tên Nhất Linh. Những ghi chú bên lề cho thấy tác giả thường viết vào ban đêm. Bắt đầu lúc 2 giờ sáng ngày 28-11-60 và kết thúc lúc 11 giờ tối ngày 28-1-61.

Hai hôm trước khi khởi viết bộ truyện, sau khi phác thảo phần dàn truyện và đặc tính nhân vật, ông ghi ngày giờ trên trang 4 tập bản thảo: 26-11-60, 3 giờ sáng.

Vào cái đêm khuya khoắt ấy Sài Gòn chìm trong bóng tối bất an. Đúng 15 ngày trước đó, 3 giờ sáng, tiếng súng nổ ở phía Dinh Độc Lập. Cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960 do nhóm quân nhân Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi chủ mưu và cha tôi bị liên lụy về mặt chính trị hẳn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông, ám ảnh ông, trong suốt 60 ngày đêm ông ngồi viết tác phẩm này. Trong một căn gác nào đó ở Sài Gòn nơi ông ẩn trốn chính quyền tôi hình dung, qua những ghi chú thời khắc trong bản thảo, một Nhất Linh lặng lẽ, đơn độc, ngồi viết Giòng Sông Thanh Thủy, tác phẩm sau cùng của đời mình, ông viết mê say, viết suốt ngày đêm không ngưng nghỉ, như thể ông tự cho là mình sẽ không còn một cơ hội nào khác để viết nữa.

Như chúng ta đều biết Nhất Linh đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm, gồm truyện ngắn, truyện dài, khảo luận, trường giang tiểu thuyết… Nhưng không có một truyện nào của ông sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt như trường hợp ông viết Giòng Sông Thanh Thủy. Đây là tác phẩm duy nhất của Nhất Linh sáng tác trong hoàn cảnh trốn tránh, vừa phải viết vội, vừa phải viết chui, vì thế có nhiều đặc điểm không giống những tác phẩm trước của ông.

Giòng Sông Thanh Thủy theo tôi có ba điểm nổi bật: là tác phẩm duy nhất của Nhất Linh có nội dung nặng về tư tưởng và chính trị, là tác phẩm duy nhất có cấu trúc như một cuốn tiểu thuyết trinh thám và là tác phẩm duy nhất viết trong tâm thế vội vã như thể ông tự cho đây là cơ hội sau cùng của đời mình để thực hiện một lá “chúc thư văn học” gửi cho hậu thế.

 

NTT HCM HALONG 4 (1)
Hồ Chí Minh & Nguyễn Tường Tam
(Hiệp ước Vịnh Hạ Long ngày 24 tháng 3 năm 1946)

 

Sau đây là những sự kiện lịch sử liên quan đến bối cảnh đưa đến trường hợp Nhất Linh viết nên tác phẩm quan trọng này.

Cha tôi, nhà văn Nhất Linh, vào những năm cuối đời, rất ít khi ở với gia đình. Căn nhà của chúng tôi trong khu chung cư chợ An Đông Chợ Lớn vừa ồn ào vừa chật hẹp không thích hợp với những hoạt động văn hoá và chính trị của ông. Nhưng một ngày trước cuộc đảo chính 11-11-1960 cha tôi bất thần ghé chợ An Đông, ông nhìn tôi nói giọng nghiêm nghị: “Ngày mai con có đi chơi đâu thì nhớ đừng đi lảng vảng ở gần khu Dinh Độc Lập”. Nói xong ông hấp tấp ra đi và chúng tôi không gặp lại ông nhiều ngày sau đó, cũng không biết ông ở đâu. Hôm sau cuộc đảo chính xẩy ra tôi mới hiểu tại sao ông dặn tôi không được đến gần Dinh Độc Lập, nơi xẩy ra cuộc tấn công của phe quân nhân đảo chánh. Hồi ấy chúng tôi không hay biết gì về những hoạt động bí mật của ông, tôi chỉ biết là sau cuộc đảo chính thất bại, cha tôi bị liên lụy vì có tên trong một tờ truyền đơn chống chính phủ. Truyền đơn ấy mang tên Mặt Trận Quốc Gia Đoàn Kết, ký tên nhiều người, đứng dầu là Phan Khắc Sửu, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Tam… Một hôm vài ngày sau cuộc đảo chánh, tôi bị ốm nằm một mình trên gác, chứng kiến cảnh ba công an lục soát nhà tôi. Cuộc lục soát kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi đoán là họ lục soát để tìm xem nhà tôi có lưu giữ tờ truyền đơn nào không, nhưng họ không tìm thấy những gì họ muốn tìm trong cuộc lục soát. Tôi nghe nói là sau cuộc đảo chánh cha tôi vào Toà Đại sứ Trung Hoa Dân Quốc xin tị nạn chính trị cùng với một người bạn thân đồng chí của ông là Trương Bảo Sơn. Chúng tôi chỉ nghe nói đại khái thế thôi chứ tuyệt nhiên không hay biết chi tiết về vụ này.

Mãi sau này tôi mới có dịp tìm hiểu thêm về cuộc tị nạn của cha tôi khi đọc hồi ký của những nhân vật lịch sử cũng như nói chuyện với nhiều người, đặc biệt các đảng viên Quốc Dân Đảng có tham dự vào cuộc chính biến.

Tôi không phải là sử gia, những gì tôi thuật lại sau đây chỉ là những gì tôi được nghe từ những người thân của cha tôi và tôi tin đó là sự thật: 1) Sở dĩ cha tôi chọn tị nạn trong Toà Đại sứ Trung Hoa Dân Quốc vì cha tôi có quen biết Đại sứ Viên Tử Kiện. Hơn nữa trong thập niên 1940 sống lưu vong ở Trung Hoa cha tôi quen biết nhiều đảng viên Quốc Dân Đảng Trung Hoa, trong số này có vài người nay là nhân viên cao cấp của chính phủ Đài Loan. 2) Việc xin tị nạn đột ngột của cha tôi làm cho Viên Tử Kiện lâm vào thế khó xử: Một mặt, Trung Hoa Dân Quốc đang ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm, mặt khác cha tôi có nhiều liên hệ mật thiết với Quốc Dân Đảng Trung Hoa. 3) Đại sứ Kiện liên lạc và nhờ linh mục công giáo người Bỉ Raymond de Jeagher đứng ra làm trung gian để giải quyết vụ này. Linh mục R.Jeagher là người rất có uy tín với cả hai Tổng Thống Tưởng Giới Thạch và Ngô Đình Diệm, lại nghe nói là người mến mộ Nhất Linh. 4) Do sự can thiệp của linh mục R. Jeagher, ông Diệm đồng ý hứa sẽ để tự do cho cha tôi một khi cha tôi rời khỏi Tòa Đại sứ, với điều kiện là cha tôi phải trình diện Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn để lấy lời khai.

Sau khi được tự do cha tôi ghé nhà An Đông nhưng ông không ở lâu. Ông nói với chúng tôi ông được vô can trong vụ đảo chánh và tỏ ý bất bình khi được biết nhà bị lục soát. Sau đó cha tôi đi đâu biệt tích một thời gian dài, nghe nói ông trú ẩn ở nhiều nơi trong thành phố, những nơi đó có thể là lầu 2 chung cư số 2 đường Calmette, hoặc lầu 4 nhà số 97 đường Phan Thanh Giản, hoặc lầu 3 chung cư số 134/24 đường Lê Thánh Tôn gần cửa Bắc chợ Bến Thành. Tôi không biết rõ tại địa điểm nào cha tôi đã khởi viết tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy vào ngày 26 tháng 11 năm 1960.

Trong các tài liệu mà tôi đuợc đọc về vụ Nhất Linh xin tị nạn trong Tòa Đại sứ Đài Loan, không một tài liệu nào nói tới ông Trương Bảo Sơn đi cùng với Nhất Linh vào tòa Đại sứ. Sau này tôi được nghe có người thuật lại là trong lúc điều đình với chính quyền, cha tôi chỉ chấp nhận rời khỏi tòa Đại sứ Trung Hoa Dân Quốc nếu có lời cam kết không bắt giữ cả hai người là cha tôi và ông Sơn. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã giữ lời hứa này, nhưng chỉ giữ một nửa: ông Trương Bảo Sơn bị bắt giam vào ngày 12/12/60 đúng một tháng sau ngày xẩy ra cuộc binh biến 11/11/60.

Ngày ông Sơn bị bắt cha tôi bắt đầu viết chương V của tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy. Trang 22 ông ghi: 11-12, 6.30 sáng. Qua trang sau 23, Nhất Linh ghi bên lề bản thảo: Nhớ Đa Mê và ghi câu thơ:

Người đi biết độ nào về
Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn.
Từ khi tiên xuống cõi phàm
Lòng Đa Mê lạnh, lòng lan lạnh buồn.

Tôi tin rằng khi hay tin người bạn thân của mình bị bắt cha tôi không còn tin tưởng vào lời hứa của ông Diệm nữa và ông đã sáng tác Giòng Sông Thanh Thủy trong tâm trạng vội vã của một người tin rằng mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Trong dư âm của cuộc chính biến 11-11-60, với tâm tư chìm đắm trong bầu khí chính trị lúc bấy giờ, cha tôi sáng tác Giòng Sông Thanh Thủy, cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông có nội dung nặng về chính trị. Toàn bộ truyện này viết về thời kỳ tranh chấp Quốc Cộng những năm 44-45 tại Trung Hoa. Những hoạt động chính trị của Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng ở vào thế diệt nhau bằng những phương tiện tàn bạo như ám sát, thủ tiêu. Giòng sông Thanh Thủy tuy cũng là một truyện tình như trong các tiểu thuyết khác của Nhất Linh nhưng là đây truyện tình lồng trong bầu khí chính trị căng thẳng giữa Thanh, một cán bộ Việt Minh và Ngọc, một cán bộ Việt Quốc, họ yêu nhau với tình yêu tuyệt đối, mặc dù họ biết rõ là người nọ có nhiệm vụ phải thủ tiêu người kia, mối tình vượt trên cái chết và đẹp như một “thoáng mơ tiên”.

Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.

Vây bủa trong không khí căng thẳng, trốn tránh do kết quả của cuộc đảo chánh 11-11-60, Giòng Sông Thanh Thủy cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Nhất Linh có cấu trúc một truyện trinh thám. Xuyên suốt tác phẩm là những cảnh rình rập, truy lùng, đấu trí… xuyên suốt tác phẩm là những pha hồi hộp, ngờ vực của những nhân vật nhìn nhau mà không biết đối phương là ai, họ có thể giết mình trước khi mình ra tay hạ địch. Nổi bật không khí trinh thám là cuốn truyện đầu Ba Người Bộ Hành, mô tả tâm lý rình rập giữa bộ ba Ngọc, Tứ và Nghệ trên đuờng đi bộ trên trục lộ từ Khai Viễn,Văn Sơn, Ma-Lì-Pố về biên giới. Qua khỏi Ma-Lì-Pố là “chỗ ấy”. Nơi Ngọc, Việt Quốc, ra tay giết Nghệ và Tứ, hai tay Việt Minh, bằng thuốc độc. Giết xong, Ngọc tự nhủ:“Thế là chàng đã làm tròn phận sự”. Nhất Linh viết những dòng lạnh lùng:

Chỗ nào đường vắng chàng thấy cần phải cao giọng hát:

Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng!

Chàng cần phải quay về Ma-Lì-Pố thật mau để đánh điện về Mông Tự cho Ninh: “Mọi việc đều tốt đẹp”.

Phải chăng chính vì cấu trúc trinh thám nổi bật của Ba Người Bộ Hành mà Nhất Linh đã chọn phần I của Giòng Sông Thanh Thủy để dịch ra ngoại ngữ?

Cuốn trường giang tiểu thuyết Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh được viết xong trong vòng vỏn vẹn 2 tháng, một thời gian ngắn kỷ lục. Để so sánh, cuốn trường thiên tiểu thuyết khác của Nhất Linh, Xóm Cầu Mới được viết trong 17 năm mà khi ông mất vẫn chưa hoàn thành.

Như đã đề cập Giòng Sông Thanh Thủy là tác phẩm viết vội trong tâm trạng của một người sắp bị bắt, tác giả tự cho mình không còn cơ hội nào khác để viết nữa, như thể ông muốn trối trăng một thông điệp văn học nào đó trước khi qua đời. Thông điệp đó là gì? Tôi nghĩ đây sẽ là một đề tài thú vị cho các nhà nghiên cứu văn học.

Tôi xin được trích dẫn một đoạn văn sau đây ở phần cuối tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy:

Thanh để hết cả tâm hồn khe khẽ ngâm, tiếng thoảng nhẹ như hơi gió trong đêm trăng sương mù:

Đêm sương thoảng tiếng ai trong gió,
Lòng hỏi lòng biết có hay không?
Hay trong tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe…

Tiếng ngâm dứt đã từ lâu nhưng dư âm còn vang mãi trong hồn Ngọc. Tự nhiên chàng nghĩ đến hôm đi chơi hồ, Thanh ngâm bài Xích Bích và nói bây giờ còn đâu Tào Tháo, Chu Du nhưng câu thơ hay của Tô Đông Pha và ánh trăng trong trên giòng Xích Bích thì còn mãi mãi. Chàng nghĩ Thanh và chàng có thể lát nữa sẽ chết, Việt Quốc, Việt Minh ám hại lẫn nhau cũng không còn nữa. Nhưng tiếng ngâm của người yêu thì như mãi mãi bàng bạc trong không gian của những đêm sương lạnh”.

(Giòng Sông Thanh Thủy, Văn Mới 2003, trang 361-362)

Đoạn văn trên của Nhất Linh nói lên điều gì?

Để trả lời tôi xin mượn lời Thụy Khuê, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, viết trong lời Bạt cuốn Giòng Sông Thanh Thủy, Văn Mới tái bản năm 2003, để làm lời kết cho bài viết này của tôi:

Có phải đó là chúc thư văn học của Nhất Linh? Phải chăng Nhất Linh muốn nhắn lại rằng tất cả những tranh giành, quyền lực, lý tưởng … rồi sẽ chết cùng với con người. Nhưng tiếng thơ không chết. Tô Đông Pha không chết, cũng như Nguyễn Tường Tam đã phần nào chìm trong quên lãng nhưng Nhất Linh sẽ sống mãi với Đôi Bạn, Bướm Trắng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy … trong lòng người. (Nhất Linh, Giòng Sông Thanh Thủy – Thụy Khuê).

 

Nguyễn Tường Thiết
Seattle, ngày giỗ Nhất Linh thứ 60, 7-7-2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...