Từ ngày định cư ở một xứ hiếm mưa, lắm lúc tôi tưởng chừng như
không còn nhớ nhiều đến những cơn mưa vùng nhiệt đới; mưa quê hương,
nhất là những cơn mưa dai dẳng của một xứ "mùa đông thiếu áo, mùa hè
thiếu ăn", mưa xứ Huế!
Nhưng không, chiều
nay nhìn học sinh tan học ra về trong cơn mưa, bao kỷ niệm của quê hương
mưa dầm, trong đó cái tơi là một dấu ấn đậm đà nhất, đã đưa tâm hồn tôi
vượt thời gian, vượt biển cả về với quê hương, về tận miền Trung mà đặc
trưng là xứ Huế thân yêu; rồi thơ thẩn đậu lại trong sân trường Đồng
Khánh, nơi tôi đã được lớn lên, được đào luyện, được phục vụ trong gần
hết cả cuộc đời giữa bao hàng Phượng vỹ.
<!>
Những em bé tan trường như những chú chim non đi ngang qua nhà tôi hôm
nay với đầy đủ phương tiện văn minh chống mưa, chống rét, khiến tôi chợt
se thắt nghĩ đến kỷ niệm của chính tôi trong chiến tranh với phương
tiện che mưa duy nhất thật thô sơ lúc bấy giờ là "cái tơi“ phụ kèm cái
nón.
Tơi - nón là một cặp. Cái tơi không
thể không đi chung với cái nón. Nhưng nón được dùng quanh năm, gặp thời
tiết đẹp, nón được dịp phô trương vẻ nên thơ của nó; cho nên văn nhân
thi sĩ không hề tiếc bút mực để ca tụng vẻ đẹp của cái nón, nhất là
chiếc nón bài thơ, lại là chiếc nón bài thơ của miền sông Hương núi Ngự!
Còn cái tơi, bản chất nó đã chìm sâu vào dĩ vãng mà vang bóng của
nó cũng không hề lưu lại trong văn chương ít nhiều. Cái tơi là tiền thân
của áo mưa hiện tại, là vật dụng che mưa của người Việt Nam từ nửa thế
kỷ 20 về trước.
Tơi được làm từ lá một
loại cây Palm vùng nhiệt đới. Lá tơi được chằm lại với nhau, lớp nọ được
bẻ chồng lên lớp kia thành một tấm lá dày hình chữ nhật. Cạnh ngang
trên được xâu thành vai và cổ, có một sợi dây cột lại thành cổ tơi. Phần
dưới lá được cắt phẳng và được rút lại thành chân tơi.
Mang tơi là chui qua đầu, cái tơi được phủ từ vai xuống trở thành
gần như diện tích một hình lăng trụ bao quanh người, dài gần tới mắt cá.
Người mang tơi xa trông như một chú Pinguin! Tùy hướng mưa hướng
gió, người mang tơi xoay mép tơi quanh mình sao cho khỏi ướt. Nếu như
nón có nhiều kiểu nhiều tên kiêu sa như nón bài thơ, nón gò găng, nón
tam giang, nón thượng.... thì cái tơi, hình thái giản dị mà cái tên cũng
gần gũi, bình dân như tơi cá, tơi đọt, tơi cánh gà...
Vật liệu để chằm Tơi cá là lá tơi già. Màu xanh đậm của lá phơi khô
trở thành xám bầm bạc bạc. Tơi cá vừa rẻ vừa tiện, rất thích hợp cho đa
số người bình dân trong mùa mưa gió.
Sang
hơn, bền hơn mà cũng ấm áp hơn thì có Tơi đọt. Tơi đọt làm bằng lá tơi
non màu trắng ngà, phơi được nắng thì có màu vàng cam non, dở nắng thì
ngả sang màu vàng nâu sẫm. Lá khô được ủi thẳng có hình như bàn tay xòe
ra mà các ngón tay là đuôi lá mềm mềm, nhọn nhọn. Vai tơi đọt vừa rộng
vừa ngang chứ không xệ xuôi như tơi cá.
So với những vật dụng che mưa ngày càng tiến bộ, cái tơi quả có nhiều
bất tiện, thua kém. Nhưng bộ máy chọn lọc nhiệm mầu của ký ức sao chỉ
còn để lại trong tôi những kỷ niệm vặt vãnh, dễ thương gắn liền với cái
tơi trên những bước đường đi học của thời thơ ấu.
Nhớ lại cái mưa dầm của xứ Huế, mưa dai dễ sợ, lạnh dễ sợ... mà gió
cũng dễ sợ! Đoạn đường dài đi bộ dưới mưa từ Thành Nội qua trường Đồng
Khánh lại phải qua cầu Tràng Tiền "dài" lê thê! Nhưng cảm giác còn lại
trong tôi chỉ là sự ấm áp, cái ấm áp của một đứa bé được che mưa trốn
gió trong chiếc tơi dày nhất là khi được lúc thúc đi trong cái tơi với
một bọc bắp rang đầy trong túi áo và bất chợt một đôi khi là sự nao nao
se thắt!
Cái tơi đầu tiên trong đời tôi
thật nhiều kỷ niệm gắn liền với trường Đồng Khánh. Mùa khai giảng, cô
tôi đã dắt tôi ra chợ Đông Ba mua một cái tơi và một cái nón. Cô cẩn
thận dắt tôi theo để đo cho vừa. Cái tơi cô mua cho là một cái tơi cá.
Cô lựa kỹ để chọn cái có lá sáng hơn một chút, cô trải bề trái cái tơi,
rờ rờ từng đường chỉ, nắn vòng vai coi có chắc không, rồi ướm vào thân
hình tôi xem có vừa không? Xong cái tơi vừa ý, cô mua thêm cái nón mười
lăm vành và nài thêm một cái dải nón. Cô chụp cái nón lên đầu tôi trong
bộ tơi nón mới rồi gõ gõ trên nón cười: " Ngó như tai nấm! "
Ra khỏi chợ Đông Ba một lúc, trời đang tạnh bỗng rỉ rả mưa. Tôi kéo
cô núp dưới mái hiên tiệm ăn Quốc-tế cho đỡ ướt bộ tơi nón mà tôi muốn
dành trọn vẹn cho ngày mai. Cô tôi không ngạc nhiên trước ý tưởng ngây
ngô ấy, chỉ chép miệng:" Hùm! giữ được hoài răng, mưa Huế mà! "
Hồi hộp chờ đợi ngày mai đến trường, tôi thức khuya, xếp vuốt chiếc
áo bằng vải dù đen, cái quần trắng, mấy quyển vở với cán bút, cặp tơi
nón mới cũng được chiếm một địa vị cao hơn nhà bếp, được móc lên cao như
một chú bù nhìn. Mưa dầm gió bấc nhưng nép trong cái tơi cá với một bọc
bắp rang, đôi chân bé nhỏ đã được đỡ lạnh bằng đôi guốc gỗ. Nhưng khi
về nhà mới thấy nhức rát ở sau chân. Quay lại cúi nhìn thì hai nhượng
chân đều đã chảy máu. Cái tơi cá mới với hàng lá rất sắc đã cứa chân tôi
trong mỗi bước đi mà tôi không hay biết!
Mùa đông năm ấy đánh dấu một chuỗi ngày mới của đời tôi. Cùng với cái
tơi, tôi hãnh diện được chen chúc trong hàng ngũ của những nữ sinh Đồng
Khánh mà nhiều người hằng mong ước. Tôi được vào lớp Đệ Thất B2, lớp lớn
nhất trường lúc bấy giờ chỉ mới đến Đệ Tứ mà thôi.
Đây là thời gian cam khổ, hàng nhập cảng chưa thông, hàng nylon
chưa có; một số ít còn giữ được những cái áo tơi dầu dưới thời Pháp
thuộc, ngoài ra là tơi cá và tơi đọt. Áo tơi dầu bấy giờ chưa gọi là cái
áo mưa, là loại áo giống như áo manteau có hai mặt, mặt trong là vải
dày như nỉ, mặt ngoài có phết lớp dầu màu đen. Loại áo này cũng sột soạt
và kém chịu nắng. Hễ áo hơi cũ là mặt dầu rạn nứt làm cho áo dễ bị thấm
nước mưa nhưng đó là loại sang nhất thời bấy giờ. Cả trường chỉ đếm
được mấy áo của cô Hiệu trưởng và một số ít thầy cô. Đến Tết năm đó áo
mưa nylon đầu tiên xuất hiện tại trường Đồng Khánh. Hai bạn trong lớp
tôi được dì và chị từ Pháp gởi về cho hai áo mưa nylon đầu tiên tại
trường và có lẽ cả trong thành phố Huế?
Ngày đầu hai bạn mang tới, cả trường trố mắt đứng ngó theo. Xinh đẹp làm
sao! một cái màu xanh, một cái màu đỏ, tươi thắm giữa lùm xùm những nón
cùng tơi ủ dột ướt át. Lại còn cái mũ áo nữa, bạn kéo lên trùm đầu thay
cái nón, đẹp đẽ gọn gàng chắc lại còn ấm đầu, ấm tai nữa(?) và văn minh
ghê! Bước lên thềm, bạn cởi áo, chỉ cần rũ nước và xếp nhỏ lại cho vô
hộc bàn; chắc chắn là nhiều người mơ ước lắm nhưng trong đó chưa có tôi!
Niềm mơ ước của tôi chỉ mới dừng ngang cái tơi đọt mà chưa có, huống gì
cái áo mưa tân tiến đó!
Con đường đi học
của tôi đã xa mà phải qua thêm một cây cầu nhiều gió. Hằng ngày vào giờ
đi học cũng như vào giờ tan trường, học sinh Đồng Khánh nối nhau hàng
một qua cầu. Trời nắng, áo trắng, nón trắng làm đẹp cầu bao nhiêu thì
trời mưa, tơi cá, tơi đọt, nón xám đen trông ủ dột bấy nhiêu! Cái tơi
quả có quá nhiều nhược điểm. Mang tơi cá mới, trước hết là phải chịu
cảnh "lòng quê đi một bước đường một đau" cho đến khi cái chân tơi hết
bén. Cái bất tiện hằng ngày cho học sinh chúng tôi là phải cất nón chào
thầy cô khi đang mang tơi. Cái tơi được xoay mép theo chiều ngược gió,
gặp thầy cô liền phải xoay lại ra trước để có thể thò tay ra đưa lên giở
nón. Thật ra thì cũng không phải là giở hẳn, chỉ cần nhích nghiêng cái
nón cho có điệu, cọng với cái cúi đầu và một ánh mắt thay lời chào là
đủ.
Nhưng chỉ trong tích tắc đó thôi, cũng
đã đủ cho nước mưa hắt vào mép tơi ướt dọc thân mình, lại còn theo cổ
mà chảy ròng qua vai, xuống tới nách, chảy suốt dọc theo cánh tay. Mưa
Huế mà! Ướt và lạnh! Nhưng có ai bắt phải chào đâu? Các thầy cô cũng
thông cảm nên có lẽ không ai muốn đối diện để bắt học sinh cất nón chào
nhưng phần mình vẫn thích, vẫn cố tìm cách để chào. Được chào thầy cô,
thấy vui vui, tâm trạng hay hay, một chút hãnh diện được làm học sinh
Đồng Khánh!
Mang tơi, dù phải đi vòng qua
cầu, xa hơn nhiều, tôi chẳng dám qua đò Thừa Phủ, bởi cái tơi cá hoặc
tơi đọt cứng ngắt, người ta không thể ngồi ở mép đò. Nhiều người đứng
thì đò dễ mất thăng bằng nhất là khi gặp gió mạnh, những cái tơi trở
thành vật cản gió, đò càng dễ lật. Chìm đò với cái tơi cột quanh cổ thì
chỉ có nước làm bạn với thủy tề mà thôi!
Tuy nhiên, muốn thấy được cái ưu điểm lớn nhất của cái tơi, tưởng cũng
nên quay về nơi thôn dã. Đối với người nông phu làm việc giữa ruộng đồng
nhất là những người đi cấy lúa, đi nhổ cỏ, với cái thế của con người
chồm bò trên ruộng mạ, cái tơi có tác dụng như một cái mền cứng phủ xuôi
trên lưng, vừa ấm, vừa ngăn được mưa, chắn được gió mà không làm trở
ngại phần đầu phải cúi xuống, cũng như không vướng bận đôi tay thoăn
thoắt làm việc. Trường hợp này tơi cá lại tiện dụng hơn tơi đọt vì ít
cứng hơn và mép tơi mở rộng hơn.
Cái tơi
còn một biến thể khác thích hợp cho những người lao động mà đôi tay cần
di chuyển như kéo xe, chèo đò gọi là "tơi cánh gà". Tơi này gồm hai phần
trên dưới nối lại với nhau, có hai chỗ hở cho đôi tay thò ra, hai tay
được che bằng hai mảnh tơi xòe ra như hai cánh gà. Đối với tất cả các
nghề lao động nói trên làm việc không kể mưa rét, cái tơi quả có đem lại
ấm áp hơn là áo nylon sau này. Chả thế mà người phụ nữ nông thôn khi lo
lắng cho chồng làm việc dưới mưa dầm gió bấc đã gởi gắm được chút tin
cậy vào cái tơi:
Trời mưa thì mặc trời mưa
Chồng tôi đi bừa đã có cái tơi.
(ca dao)
Không hiểu có phải riêng tôi vì cảm tình, kỷ niệm chi phối cách
nhìn mà hình ảnh "cái tơi" trở về trong ký ức của tôi cũng quyện lẫn với
bao nhiêu hương vị ngọt ngào của kỷ niệm, bàng bạc giữa mùi thơm ấm áp
của bắp rang, đậu phụng, bánh mì...
Đêm
đông giá buốt ngồi học khuya, nghe tiếng rao lanh lảnh "ai ăn bánh mì
không?" sẽ nghe được cả mùi thơm của bánh mì thoang thoảng từ xa ngoài
đường cái. Tôi rã rũ mấy quyển vở cầu may có khi rụng ra một đồng do
nhịn tiền đò ngang hôm trước. Chú bé bước vào với cái tơi cá nằm nghiêng
che gọn bao bố đựng bánh mì hơn là che người. Chú bê bao mì đặt trên
bực thềm và hắt cái tơi ra, mùi thơm tỏa lên ngọt ngào chi lạ! Bánh mì ủ
trong mấy lần bao bố cũng được "mang tơi" cẩn thận, vẫn nóng, vẫn giòn
và thơm ngon dễ sợ!
Thế hệ trẻ ngày nay,
thức ăn dư thừa không thể nào cảm nhận được những cảm giác đó. Những cảm
giác bắt nguồn từ vị giác, khứu giác thẩm thấu vào ruột gan rồi xuyên
qua tim, suốt não và đọng lại trong vòng lưu trữ của kỷ niệm mà theo đó,
hình ảnh cái tơi cũng dập dềnh như những nét chấm phá của bức tranh
xưa.
Mùa mưa năm sau nữa, tôi cũng được
thăng hoa. Băng qua giai cấp tơi đọt mà tôi từng mơ ước, tôi nay đã súng
sính trong chiếc áo mưa nylon màu xanh da trời. Áo mưa vừa tiện lợi vừa
đẹp đẽ nhưng mỗi lúc qua cầu lạnh gió, nhất là những lúc mà hàng khuy
nút dẫn nước mưa chui tuột vào đẫm ướt thân hình, tôi bỗng lại thấy
thích nhớ cái tơi ấm áp ngày nào!
Thực tế
thì cũng tùy vùng, tùy lúc, cái tơi cũng vẫn còn xuất hiện rải rác ở các
địa phương hẻo lánh, xa hẳn ánh sáng thị thành. Đôi lúc qua những vùng
đó, bất chợt tôi còn thấy lại những cái tơi lá hoặc hơn nữa là những cái
tơi làm bằng bao cát nylon phế thải từ những đồn bót điêu tàn, tôi xót
thương cuộc sống vẫn còn khổ nghèo, lạc hậu dai dẳng của đồng bào tôi.
Cái tơi cá, tơi đọt, cái áo dầu đã theo luật tiến hóa của xã hội mà
biến dạng chuyển mình, lớp sau đẩy lớp trước cùng lùi dần vào dĩ vãng.
Vật thể tiêu biến nhưng hình ảnh tồn tại, cho dù hình ảnh có nhạt nhòa
nhưng kỷ niệm vẫn khắc ghi đậm sâu mãi trong lòng!
Nắng cháy mưa tuôn mà có được chiếc tơi, chiếc nón đúng lúc, thiết
thực và thân thương biết chừng nào tinh thần lá lành đùm lá rách.
Ngày nay, sau nửa trái đất xa xôi vạn dặm, sau nửa thế kỷ dài, cô
bé với chiếc tơi cá đứng dưới gốc cây phượng già trong sân trường ngày
xưa vẫn còn quanh quẩn với bao hàng cây phượng vỹ đang cố nở hoa trên xứ
người (nhóm Phượng Vỹ - Houston) gởi mến thương theo từng cánh hoa học
trò đang bay về quê cũ, mong biến thành những chiếc nón, chiếc tơi đến
với những đồng nghiệp đang còn cơ cực trong những lúc nắng lửa mưa dầm.
Chiếc tơi hoài niệm mà thương,
Cho nhau ấm áp để vương nhớ hoài!
Còn chiếc áo tơi thật sự qua bao thế hệ đã phôi pha theo đà tiến
hóa. Nó cũng cùng chung số phận như "Ông Đồ" qua bài thơ nổi tiếng của
Vũ đình Liên:
....
Ông Đồ vẫn ngồi đó,
Bên đường không ai hay.
....
Đã đi vào quên lãng. Nhưng chiếc áo tơi của một thời thể hiện nếp
sống sinh hoạt của người dân Việt xưa trong bối cảnh còn lạc hậu, nông
nghiệp là chính. Tuy vị trí của nó không sâu đậm như chiếc áo dài quốc
hồn, quốc túy hay chiếc nón lá vẫn còn tồn tại đến bây giờ nhưng nó cũng
là một hình ảnh rất gần gũi, thân thương của người dân nghèo và bàng
bạc đậm nét quê hương.
Rất tiếc còn lại chăng chỉ là trong ký ức!!
Viết để nhớ lại những ngày ấu thơ
Nguyên Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét