Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

Lâm Thị Mỹ Dạ: Giao Hưởng của Mâu Thuẫn - Đinh Từ Bích Thúy

 

LTMD in Green

[*Bản Anh ngữ “Come, Sisters: In Memory of Lâm thị Mỹ Dạ” xuất hiện trên tạp chí Asymptote ngày 26 tháng 7, 2023. Bài Việt ngữ dưới đây không rập khuôn bài đăng trên Asymptote, mà đã được tu sửa và khai thác thêm khi bàn về những mâu thuẫn, nghịch lý trong thơ, cũng như trong kinh nghiệm dịch thơ Lâm thị Mỹ Dạ.]
Đinh Từ Bích Thúy

 

Tôi gặp Lâm thị Mỹ Dạ lần đầu vào mùa hè năm 2000 tại Boston, Massachusetts, khi chị đến Viện William Joiner với tư cách là thành viên trong phái đoàn gồm bốn nhà văn Việt Nam được mời sang dự khóa sáng tác và đồng thời trao đổi với những nhà văn Mỹ–phần nhiều là cựu chiến binh Hoa kỳ, ngoài ra là sinh viên, nhà văn trẻ mới vào nghề. Còn tôi đến Viện Joiner vào mùa hè năm đó để tham dự lớp dịch thuật và sáng tác văn xuôi. Thật tình cờ, nhà thơ Martha Collins, người dạy lớp dịch thuật, đang tìm kiếm một cộng tác viên để cùng bà thực hiện dự án dịch một tuyển tập thơ về Lâm thị Mỹ Dạ sang Anh ngữ. Tôi hăng hái bắt tay vào dự án, cảm nhận rằng sự hợp tác này – ngoài việc sẽ là dự án dịch thuật quan trọng đầu tiên của tôi – cũng sẽ mang đến cho tôi cơ hội tìm hiểu một nhà thơ được mến trọng từ “phía bên kia”.

 <!>

Vì đã theo gia đình tỵ nạn sang Mỹ từ tháng Tư năm 1975, sau đó lớn lên giữa xã hội Mỹ, vào thời đó tôi không biết gì nhiều về văn chương Việt Nam ở trong nước từ lập trường nghệ thuật của người Cộng sản. Mọi người vẫn còn đang sinh hoạt trong buổi sơ khai của mạng lưới hoàn cầu, và năm 2000 cũng mới là năm năm kể từ lúc chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ chính trị và kinh tế với Việt Nam.

Khi gặp Lâm thị Mỹ Dạ, tôi đã bị thu hút qua chính giọng nói của nhà thơ – một giọng nói mà tôi đã nhận thấy, qua con người cũng như những bài thơ của chị, những mâu thuẫn rất tinh tế nhưng cũng rất tự nhiên, gần như dửng dưng. Tôi sinh ra ở miền Nam, gần một thập kỷ sau khi hai miền Bắc – Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, nhưng vẫn thấm nhuần giọng Hà Nội của gia đình họ ngoại; do đó, tôi đã phải học cách “giải mã” giọng Quảng Bình của Mỹ Dạ. Nhạc điệu Quảng điềm nhiên và duyên dáng của chị dần dần bộc lộ nét hài hước chua cay không khác gì mấy với nét trào lộng “nguyên chất Hà nội” của ông ngoại tôi. Trong ký ức tôi, tiếng nói của Mỹ Dạ mang âm hưởng của phong linh, những viên sỏi lăn nhẹ trên đất đá, những đợt sóng âm ỉ, dạt dào trong giấc ngủ thời còn bé sau một ngày dài tắm biển.

Trong quá trình dịch thơ của Mỹ Dạ, tôi cũng muốn suy nghiệm bản sắc của mình qua vị trí của một người viết song ngữ, mang quốc tịch Mỹ nhưng gốc Việt: nỗi băn khoăn dai dẳng khi cảm nhận mình cùng lúc là công dân và kẻ lạ. Trong những cuộc trò chuyện với Mỹ Dạ và các bạn học cùng khóa sáng tác ở viện Joiner, tôi thường thay đổi cách sử dụng đại từ “chúng ta” một cách vô thức và lộn xộn; có lúc tôi dùng “chúng ta” để nói rằng Mỹ Dạ và tôi cùng là đồng bào, nhưng có lúc tôi lại dùng “chúng ta” để xếp mình vào nhóm của những người viết Mỹ cùng khóa, khi phân tích những khác biệt văn hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Khi rời Việt Nam vào tháng Tư 1975, tôi đã trở thành “Việt kiều” – nếu có về Việt Nam tôi sẽ bị coi là khách trú trên chính xứ sở mà tôi đã chào đời.

Qua vai trò một người dịch, tôi đã băn khoăn, vẫn băn khoăn cho tới bây giờ, trước hai bài thơ mang nhiều nét tuyên truyền của Mỹ Dạ: “Đi Trong Đêm Màu Trắng” và “Khoảng Trời, Hố Bom,” được chị sáng tác vào cao điểm của cuộc chiến Việt Nam nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Cộng sản. Như nhà thơ Paisley Rekdal đã nhận xét trong bài phê bình “Iphigenia in Afghanistan: Notes on Women and War” (“Iphigenia ở A Phú Hãn: Những Suy Niệm về Phụ Nữ và Chiến Tranh”), đa số độc giả hiện đại, nếu tự coi họ là những người đọc cởi mở, đã được giáo huấn để chống bạo lực và hận thù, dĩ nhiên sẽ ngờ vực hoặc chất vấn những bài thơ lý tưởng hóa chiến tranh và thần thánh hóa chủ nghĩa anh hùng. Do đó tôi đã gặp khó khăn khi phải đối diện một bài thơ ủng hộ chiến tranh được sáng tác bởi một nhà thơ phụ nữ trông dễ thương hiền hòa nhưng lại có quan điểm chính trị đối nghịch với tôi. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn bị day dứt bởi hai dòng cuối trong bài “Đi Trong Đêm Màu Trắng” của Mỹ Dạ, một bài thơ có những hình ảnh tuyệt đẹp về ngôi làng đánh cá trên bán đảo Bảo Ninh (Quảng Bình), với bãi biển hoang sơ tinh khiết, những quả trứng chim tròn nõn như hạt trai, và cá bay trên sóng bạc, nhưng tương phản rõ rệt với sát khí của đoàn quân đang sửa soạn ra trận:

Những họng súng vươn lên trời cao rộng
Giữ cho nghìn trong trắng mãi sinh sôi

(Lâm thị Mỹ Dạ, “Đi Trong Đêm Mầu Trắng”)

Gun barrels reach toward the vast open sky
Protecting the thousand white things being born

(“Journey into White Night,” bản dịch của Martha CollinsĐinh Từ Bích Thúy) [1]

Những bài thơ về chiến tranh của các nhà thơ phụ nữ trong nước được giới hàn lâm và văn nghệ sĩ Mỹ đề cao là có khuynh hướng nữ quyền vì chúng biểu hiện tinh thần tranh đấu cho độc lập tổ quốc. Trong quyển The Making of A Sonnet, nhà thơ Edward Hirsch của Hoa kỳ khen bài thơ “Gặt Đêm” của Lâm thị Mỹ Dạ vì cấu trúc sonnet qua bản dịch thể hiện tinh thần “nhẫn nhục, đùa cợt, và hoàn toàn không sợ sệt” (stoic, playful and completely unafraid) của phụ nữ Việt. Có lẽ ông muốn nói đến hai câu lục bát ở cuối bản gốc:

Đạn bom rơi chẳng sợ đâu
Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh.

Đã được dịch như sau:

We are not frightened by bullets and bombs in the air
Only by dew wetting our lime-scented hair

(“Night Harvest”)

Tuy Edward Hirsh nhận ra giọng “đùa cợt” của Mỹ Dạ, hai câu cuối trong bài “Gặt Đêm” bao hàm nhiều ẩn ý phức tạp và khó dịch. Tùy cách hiểu của người đọc, nó có thể là hai câu thơ có đôi chút mai mỉa, tương phản sự nghiêm trọng của đạn bom với chuyện người phụ nữ gặt đêm lo sương thấm ướt mái đầu vừa được gội nước ấm pha lá chanh của nàng. “Chẳng sợ đâu” đây không có nghĩa là “hoàn toàn không sợ bom,” mà ngụ ý rằng vì chuyện bom đạn là điều xảy ra thường ngày và không thể ngăn ngừa, người phụ nữ chỉ còn tâm trí lo chuyện nhỏ, là chuyện: (1) sợ bị cảm vì sương làm ướt đầu, hoặc (2) sợ không khí ẩm của sương làm đầu tóc mất đi mùi thơm sạch của lá chanh. “Chẳng sợ đâu” cũng có thể là câu niệm chú của những người đàn bà trong tổ gặt, một cách đánh lạc hướng luồng bom mang tính cách biểu tượng mà người Mỹ gọi là “magical thinking.” Nhưng vì tiếng Anh là một ngôn ngữ cụ thể hơn tiếng Việt, hai câu thơ trong bản dịch Anh ngữ của tôi và Martha Collins đã trở thành một khẳng định tuyệt đối “we are not frightened by bullets and bombs in the air,” do đó làm giảm đi phần nào ý nghĩa phức tạp của nguyên bản.

Sự bình thản như phớt lờ của người nữ trước tai ương của bom đạn, mà những nhà phê bình văn chương Mỹ coi như một thái độ nữ quyền, nói cho cùng là sự chấp nhận số phận. Chính sự bình thường hóa của chiến tranh mới là bom nổ chậm, vì trạng thái này bắt buộc mọi nhân chứng chiến tranh phải chối bỏ hoặc đè nén những chấn thương tâm lý:

Màu vàng bom bi lẫn trong màu vàng của lúa,
Bom nổ chậm không làm ta sợ nữa
Bao năm chiến tranh lòng đã quen rồi
Nào chị em mình gặt đi thôi  

Sinh ra ở Quảng Bình, cách vĩ tuyến 17 khoảng hai mươi cây số, và sống kề cận những xung đột tàn khốc của thời chiến, Mỹ Dạ, qua lời kể của nhà thơ Ngô Minh–một người bạn học cùng thời–thì chị có một tuổi thơ tăm tối vì “quan hệ gia đình xấu” – ông nội của chị là địa chủ bị Cộng sản tịch thu đất đai, còn người cha thì lìa bỏ vợ con vào Sàigòn sinh sống, tuy là gián điệp của Cách mạng nhưng bị dân làng cho là đi theo Việt Nam Cộng hòa. Mỹ Dạ tìm thấy niềm an ủi trong thi ca và bắt đầu sáng tác thơ từ năm lên mười. Chị diễn tả tuổi thơ buồn thảm của mình trong bài “Dòng sông đen:”

Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng
Hắt máu xuống dòng sông đen.

Cũng theo lời tường thuật của Ngô Minh, Mỹ Dạ may mắn được nhà thơ Hải Bằng (người phải “về hưu sớm” ở Quảng Bình vì bị coi là có liên hệ với nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm) hướng dẫn và khuyến khích tài năng sáng tạo. Vào năm 1971, Mỹ Dạ đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển hàng năm do Tạp chí Văn Nghệ tổ chức, cho bài thơ “Khoảng trời hố bom,” sau này trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của chị:

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom….

They say that you, a road builder
Had such love for our country
You rushed out and waved your torch
To call the bombs down on yourself
And save the road for the troops.

(“Bomb Crater Sky”)

Mặc dù “Khoảng Trời, Hố Bom,” như “Đi Trong Đêm Màu Trắng,” là một bài thơ được coi là có nội dung tuyên truyền, Martha Collins và tôi nhận thấy những mâu thuẫn, như kẽ hở giữa ngôn ngữ và ý tưởng:

Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng

The name of the road is your name
Your death is a young girl’s patch of blue sky
My soul is lit by your life

And my friends, who never saw you
Each has a different image of your face

Bài thơ đối chiếu sự bất diệt của nữ anh hùng qua con đường mang tên nàng, với sự mất mát không thể thu hồi: người con gái đã chết lúc còn quá trẻ nên không bao giờ còn cơ hội khai phá tư duy hay biến chuyển theo thời gian. “Cái chết em xanh khoảng trời con gái” là một câu thơ mới đọc lên thì thấy thơ mộng, nhưng màu xanh ở đây có nét buồn rờn rợn–một màu xanh câm nín, trong veo vì đã bị thanh lọc. Đồng thời, tuy sự dũng cảm của người con gái đã trở thành huyền thoại, không ai biết mặt nàng ra sao, nên “mỗi người có gương mặt em riêng.” Do đó, trí tưởng tượng tự do của người qua đường, thay vì là khái niệm tập thể, đơn khối về chủ nghĩa anh hùng, phần nào làm phai loãng, gần như phản lại thông điệp tuyên truyền của bài thơ.

Những nghịch lý có vẻ âm thầm, chưa hòa giải của “Khoảng Trời Hố Bom.” làm tôi nghĩ đến bài thơ “Vịnh Hũ Đất Hy Lạp” (“Ode on a Grecian Urn”) của thi hào John Keats. Nhà thơ trẻ nhiễm bệnh ho lao, hai năm trước khi qua đời đã suy niệm sự tương phản giữa cái hũ đất —tĩnh vật đựng tro cốt người chết —với những cảnh tượng vui tươi vẽ trên mặt hũ (đám cưới nông thôn, cuộc diễn hành đến tượng đài tế thần, những du mục thổi sáo dưới gốc cây). Trong bài thơ nổi tiếng đầy những căng thẳng mập mờ, nhà thơ hình như vẫn chọn tro bụi và những khổ đau của cõi vô thường, thay vì cảnh vĩnh hằng tuyệt đẹp mà chàng gọi là Sự Thật nhưng cũng có thể là “bánh vẽ” trên mặt hũ nhằm phủ định sự hiện hữu của cái chết:

Ngươi – dạng im lìm! lại làm ta điên tiết
Chẳng qua là thiên thu: Cõi Thái Bình lạnh ngắt!
[2]

Thou silent form! dost tease us out of thought
As doth eternity: Cold Pastoral!

***

 Manoa Two RiversSix Vietnamese PoetsRattle #21Green Rice Cover

 

Sự cộng tác của tôi với Martha Collins cho dự án dịch thơ Lâm thị Mỹ Dạ kéo dài năm năm, từ năm 2000 cho tới năm 2005. Bản dịch của một số bài thơ ra mắt dần dần ở những tạp chí văn chương như Manoa, Illuminations, Cypher, Santa Fe Poetry Broadside, Rattle, Michigan Quarterly Review, v.v., ở quyển Six Vietnamese Poets (Sáu Nhà Thơ Việt Nam), được Nguyễn Bá ChungKevin Bowen biên tập (Curbstone, 2002), rồi sau đó xuất hiện toàn bộ, trong thi tập song ngữ Green Rice (Cốm Non) (Curbstone, 2005) — cho đến nay được coi là di sản thi ca qua Anh ngữ của Lâm thị Mỹ Dạ.

Nhà thơ Robert Pinsky, một thời là Poet Laureate (Thi Nhân Danh Dự) của Hoa kỳ, khi giới thiệu thơ Lâm thị Mỹ Dạ trên mục Poet’s Corner của báo Washington Post vào mùa xuân năm 2005, đã ca ngợi Green Rice như một nỗ lực hướng về sự hồi phục/hòa giải:

Ngay cả những thảm họa lớn lao và ác nghiệt cũng có thể mang đến những kết quả hồi phục, dù nhỏ bé hoặc ít được ai chú ý. Qua nhiều thập kỷ, các nhà thơ Mỹ và Việt Nam đã vẫn dịch giữa hai ngôn ngữ — không chỉ giúp hai nền văn hóa này được gần nhau hơn, mà còn cố gắng nhận thức những khái niệm vẫn gây ảnh hưởng đồng thời đang biến chuyển từ cuộc va chạm khủng khiếp trong thời chiến của hai quốc gia này.

(Even great, lethal calamities can have redemptive consequences, however small in scale and little noticed. For decades now, American and Vietnamese poets have been translating between the two languages — not only bringing two cultures a little closer, but trying to behold the meanings that still ripple and evolve from their terrible collision in war.)

Trong Lời Giới Thiệu cho Green Rice, Martha Collins, cụ thể và tế nhị hơn Robert Pinsky, đã đề cập đến “những căng thẳng bình tĩnh đến ngạc nhiên” không những “được thể hiện và tự giải tỏa” trong thi ca của Mỹ Dạ, mà còn qua “sự cộng tác [ba chiều] đắc lực và phong phú” giữa chúng tôi, “một nhà thơ Việt Nam sáng tác [thơ] trong chiến tranh, [được dịch] bởi một nhà văn Mỹ gốc Việt đã rời Việt Nam vào cuối thời điểm cuộc chiến và một phụ nữ Mỹ đã biểu tình phản đối chiến tranh này với rất ít kiến thức về xứ sở nơi cuộc chiến đã xảy ra.” Lời giới thiệu của Martha đã khéo léo diễn tả bản chất linh hoạt về quá trình dịch thuật của cả ba chúng tôi, như đã đúc kết thành một giọng nói để nối liền những khoảng cách trong cú pháp, văn hóa, và tư tưởng, khiến cấu trúc của bản dịch trở nên xuôi chảy, “dễ đọc” trong tiếng Anh.

Có lẽ cũng do ảo tưởng “nhập thể” giữa tác giả và dịch giả, cũng như giữa tác phẩm và bản dịch, mà nhà thơ Edward Hirsch đã ví “Garden Fragrance” — bản dịch Anh ngữ bài “Hương Vườn” của Mỹ Dạ — như một “tác phẩm siêu hình tuyệt vời của [thi hào] Andrew Marvell hoặc John Donne, do bài thơ bốn dòng đã tạo ra một lập luận xoay quanh chữ but (nhưng) ở đầu dòng thứ hai”:

Last night a bomb exploded on the veranda
But sounds of birds sweeten the earth this morning
I hear the fragrance trees, look in the garden,
Find two silent clusters of ripe guavas.

Tuy tương phản cảnh tượng bom nổ với không khí “ngọt mềm” của tiếng chim buổi sáng, Edward Hirsch không phân biệt bản dịch với nguyên bản, tác giả với dịch giả, mà coi “Garden Fragrance” như một bài thơ được sáng tác trong tiếng Anh, theo truyền thống kinh điển của thi ca Anh quốc. Thực ra, dòng thứ hai trong bản gốc của Mỹ Dạ là “Sớm ra, trời vẫn ngọt mềm tiếng chim,” điều này cho thấy bài thơ lục bát thuần túy nét Việt Nam của chị không phải là một lập luận về sự tương phản bù trừ giữa cái chết và sự sống, mà chính là nhận thức u uẩn và súc tích về nét đẹp của thiên nhiên trong chiến tranh–một nét đẹp tĩnh mịch, mong manh, có khả năng xoa dịu, đồng thời vô cảm trước sự hủy hoại của con người, hoặc trước những đe dọa cho môi sinh:

Hôm qua bom nổ trước thềm
Sớm ra trời vẫn ngọt mềm tiếng chim
Nghe hương cây vội đi tìm
Hai chùm ổi chín lặng im cuối vườn

***

Cho dù tính thống nhất giữa bản gốc và bản dịch, hoặc giữa tác giả và dịch giả chỉ là ảo tưởng, cho dù những mâu thuẫn ở chính nguyên bản, hoặc giữa các biên giới ngôn ngữ, văn hóa, và chính trị vẫn chưa được hòa giải, nguyện vọng của dịch thuật là bảo tồn sức sống đa dạng của văn bản, vì không có bản dịch nào, cũng như không có khuynh hướng nào, được coi là … bất di bất dịch. Đọc lại Green Rice gần hai thập kỷ sau ngày thi tập ra mắt độc giả, tôi nghĩ vẫn còn những bài thơ dịch cần được tu sửa, để tiếp tục cân nhắc và khai phá những biến hóa của ngôn ngữ và ý tưởng.

Tuy quá trình dịch thuật có thể luôn bị chi phối bởi yếu tố thời gian, xã hội, và chính trị, tôi cũng tin rằng những ý tưởng được thương lượng qua ngôn ngữ, văn hóa và kinh nghiệm tích lũy của chúng ta có khả năng vượt thời gian và không gian. Những hạt cốm trong bài thơ “Cốm Non” của Mỹ Dạ làm tôi nhớ đến miếng bánh madeleine của Proust:

Như cánh chuồn vụt bay không níu được
Hạt sương xanh – hạt cốm nhỏ tan dần
Cốm xanh ơi, ước chi người có phép
Khi chạm vào người ta hóa trẻ con

Like a dragonfly drifting out of reach
Green rice, green dewdrops dissolve
Oh green rice on my tongue, I wish
You could turn me back into a child

Trên hết, khái niệm vô thường nhưng tuần hoàn về thời gian, cũng tương tự như nghịch lý vĩnh hằng về một văn bản không bao giờ hoàn hảo, chính là tinh túy của thi ca Mỹ Dạ. Bất kể di sản kinh hoàng của chiến tranh, bất kể những chấn thương trong tình cảm và đời sống, vũ trụ thơ của chị tràn ngập màu xanh: cỏ xanh, lá xanh, cốm xanh, cau xanh, na xanh, đường long não xanh. Ngay cả những ẩn dụ về tuổi già và cái chết của nhà thơ cũng mang màu xanh của phục sinh.

 

Đinh Từ Bích Thúy
08-13-23

(Từ: damau.org)


Chú thích:

[1] Tất cả những đoạn Anh ngữ dưới thơ trích của Lâm thị Mỹ Dạ trong bài là bản dịch của Martha Collins và Đinh Từ Bích Thúy từ thi tập song ngữ Green Rice (Cốm Non) Curbstone, 2005. Hiện nay Curbstone đã đóng cửa, nên Northwestern University Press đảm trách việc xuất bản.

[2] Đinh Từ Bích Thúy dịch hai câu thơ từ bài “Ode on a Grecian Urn” của John Keats.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét