Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Nhà thơ TRẦN YÊN HÒA và thi tuyển “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng” - Mặc Lâm

 Mặc Lâm - VOA Author Bio - VOA Tiếng Việt

 nhà báo mặc lâm

 

Trong chương trình VHNT tuần này, Mặc Lâm xin trân trọng giới thiệu tập thơ “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng” của nhà thơ Trần Yên Hòa.

Mặc Lâm, phóng viên RFA

2010-04-25

Tập thơ rất mỏng in 30 bài thơ và một nhạc phẩm phổ từ thơ của nhà thơ Trần Yên Hòa mà chúng tôi nhận được ít lâu trước đây chưa phải là một tập thơ nặng ký,.nói theo ngôn ngữ đương đại, nhưng tập thơ sẽ này gây cảm hứng cho người đọc nó là điều chắc chắn.


Cảm tình đến từ bìa tập thơ lan theo từng trang giấy có thể làm ấm dần lên cảm xúc của người đọc. Thơ Trần Yên Hòa không mới như đòi hỏi của nhiều nhà phê b.nh văn học, nhưng trước tiên, người đọc chắc chắn sẽ nhận được sự chia sẻ ký ức đối với nhà thơ trên từng câu ngắn.

Chữ nghĩa trong thơ Trần Yên Hòa đằm thắm và chuyên chở nhiều tình tự xa lắc của quê nhà. Đọc thơ ông, người ta có cảm giác nghe một người bạn thân ngồi kế bên kể chuyện về biết bao thứ. Cảm giác này gây cho người đọc

một không gian gần gũi với thơ là thành công đầu tiên và quan trọng nhất của Trần Yên Hòa.

<!>

Gợi nhớ thời phượng hồng

 

Cũng có khi vài điển tích nho nhỏ xuất hiện trong thơ ông, thế nhưng các điển tích này tự nó đã là những kỷ niệm, kỷ niệm của một thời mới lớn trong những năm cuối vào giờ Văn Học Sử. Điển tích xuất hiện trong thơ Trần Yên Hòa như một nhắc nhớ, gợi nhớ, hâm nóng lại thời

của bằng hữu, của phượng hồng, và hơn thế nữa thời mong manh quần xanh áo trắng.

 

 

PHƯỢNG HỀ

 

Ta vác trên vai hình hài em Phượng

Mỏi vai ta và nặng tên người

Mười tám tuổi ta làm thân du tử

Phượng bước qua đời thuở áo vá vai

 

Tấm thân em như mùa hạ đỏ

Nắng cháy da trơ đá cằn khô

Mưa lũ bao mùa nước không thấm đất

Đá cuội lăn tăn chờ buổi dâng cờ

 

Buổi sáng quân đi như dòng sông chảy

Sân trường reo vui rợp mát tiếng chim

Ta mang mùa xuân cùng em hương sắc

Buổi sáng em vào lớp học hiền ngoan

 

Phượng hề, Phượng hề, dòng sông chảy mãi

Từ suối từ khe róc rách dấu chân

Bến nước chia xa em ngồi chân đợi

Đợi một ngày nào yêu dấu quen thân

 

Trần Yên Hòa cũng tỏ ra không tiện tặn lắm với các danh từ Hán Việt thế nhưng cách dùng của ông không làm cho người đọc dị ứng. Người đọc còn mãi bận bịu với những thiết tha mà Trần Yên Hòa đang tìm mọi cách thuyết phục người tình, người của tình thì đúng hơn bởi Phượng trong bài thơ có thể là một loài hoa chỉ nở và đẹp dưới ánh mắt học trò... Người tình được ẩn dụ là Phượng cũng có thể chỉ là nỗi nhớ huyền ảo mà nhà thơ day dứt mà thôi.

 

Phượng hề, Phượng hề, loài chim cổ tích

Em là giai nhân giữa chốn ba quân

 

Em là uyên ương cùng ta cạn chén

Nam nhi cũng quên một khúc ưu phiền

 

Nữ nhi thường tình, phương nam, phương bắc

Ta nam nhi hề gát kiếm treo đao

Hát khúc phượng xưa yêu em lay lắc

Quên nhân gian vui với sóng ba đào

 

Mười năm yêu em, mười năm yêu Phượng

Giấc ngủ không tròn mộng mị tráo trơ

Ta giáp mặt ta tháng ngày binh lửa

Ta say mê đi như sóng vỗ bờ

 

Phượng hề, Phượng hề, loài chim cổ tích

Em là giai nhân giữa chốn ba quân

Em là uyên ương cùng ta cạn chén

Nam nhi cũng quên một khúc ưu phiền

 

Nữ nhi thường tình, phương nam, phương bắc

Ta nam nhi hề gát kiếm treo đao

Hát khúc phượng xưa yêu em lay lắc

Quên nhân gian vui với sóng ba đào

 

Mười năm yêu em, mười năm yêu Phượng

Giấc ngủ không tròn mộng mị tráo trơ

Ta giáp mặt ta tháng ngày binh lửa

Ta say mê đi như sóng vỗ bờ

 

Mười năm yêu em, mười năm xa ngái

Giấc mộng trở về ẩn khuất mù tăm

Ta làm cánh chim bay cùng tứ xứ

Bỏ em sau vườn mưa dội xa xăm

 

Phượng hề, em yêu, ra đi đành đoạn

Như chim bay mù trong cõi nhân gian

Đất đá cày tơi đường kim mũi chỉ

Còn lại bài thơ hơi hướm tên người

 

Mười phương xa ơi, lòng ta trơ trọi

Giữa bóng mây trời ta thấy em lên

Em bước chân ra giữa vùng cương tỏa

Còn ta đứng nhìn một thuở không quen

 

Phượng hề, mười năm, rồi hai mươi năm

Mưa giông ướt ta chìm trong mấy nỗi

Giỏ hoa của ngày thơ ấu xa xăm

Lai rộ lên tình yêu trái chín

 

Trần Yên Hòa sau khi mỏi mệt rượt đuổi vô vọng hình ảnh nhập nhòe của Phượng cuối cùng rồi cũng trở về gian nhà cỏ của các hoàng tử thi ca. Nhà cỏ hay sơn cốc tự hay gì gì đi nữa cũng chỉ là lời than làm dáng. Lời tỉ tê não nùng của dế rúc giữa khuya phải chăng là những riêng tư nhưng rất chung của nhiều thế hệ như ông?

 

Nay ta trở về đường sơn cốc tự

Lập quán ẩn danh biệt tích giang hồ

Nhắm mắt yêu em, yêu người tố nữ

Trong cõi nhân quần sống biệt mù tăm

 

Chỉ còn Phượng xưa, Phượng yêu, Phượng đỏ

Với ta chỉ là một giấc mơ hoa

Giấc mộng ôm em trong tay phủ dụ

Bằng bặc một đời sông nước phù sa

 

Phượng hề, giữa ta luôn luôn sóng cuộn

 

Mưa đầu nguồn, mưa cuối bãi, mênh mông.

Mùa hè đi qua, mùa hè, máu chảy

Giữa giòng đời Phượng vẫn nở thênh thang.

 

Thử làm tì kheo tay ôm bình bát

Dắt em đi về tịnh độ uyên nguyên

Đôi mắt trỏm lơ tụng hoài câu hát

Máu chảy qua tim dội vết chân thiền

 

Tình Yêu!Tình Yêu! chia xẻ ngọt bùi

Ta nay qua sông làm con chốt thí

Phượng hề! Mười năm cuộc đời tục lụy

Phượng hề! Trăm năm thương mãi về người.

 

Có còn gì không giữa chốn nhân gian?

Ta mơ ngủ yên dưới cội hoa vàng.

 

Trần Yên Hòa vừa cho chúng ta biết một ít thông tin về

chặng đường tham gia vào chốn văn chương của ông từ

trong nước cho đến khi ra nước ngoài.

 

Khát vọng cho quê hương

 

Tập thơ “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng” còn có những bài thơ khác nói lên những khát vọng về quê hương, con người cũng như những tiềm ẩn khát khao của người thơ trước các biến thiên thời cuộc. “Đêm thức trắng nhớ Côn Sơn” là một bài thơ hay, phảng phất nét ngang tàng của tráng sĩ nhưng cũng không thiếu nỗi ngậm ngùi của thi nhân trước tâm linh lịch sử.

 

ĐÊM THỨC TRẮNG

NHỚ CÔN SƠN

 

Đêm thức trắng dòng dòng câu cổ lục

Rớt xuống hồn thành giọt lệ ứa khô

Quả đã quá sáu trăm năm Nguyễn Trãi

Trái tim người còn để lại ngàn sau

 

Ta bỗng nhớ Côn Sơn ngày tháng cũ

Trong căn lều rơm cỏ Người làm thơ

Thơ Người viết bằng tâm hồn kẻ sĩ

Giục giã lê dân đòi lại cơ đồ

 

Thơ người viết như một làn kiếm sắc

Chém vào đau thương cùng khổ cơ hàn

Thơ vực dậy nhưng đọa đày, khốn khó

Của bao kiếp người nô lệ lầm than

 

Người bỏ Côn Sơn đi thờ Minh Chúa

Suốt mười năm nếm mật với nằm gai

Làm kẻ sĩ dựng cơ đồ áo vải

Vua lại quên người…kẻ sĩ một mai

 

Trở về Côn Sơn trong căn lều cỏ

Người có như ta, thức trắng, xót thương đời

Người có như ta nhỏ lệ suốt canh thâu

Hồn vất vưởng tang thương từ dạo nọ

 

Nỗi niềm người xa xứ

 

Trần Yên Hòa còn một bài thơ mang tên “Mùa Thu trong ký ức” đậm chất quê nhà. Người Việt dù ở miền nào cũng thấy chính mình trong

đó. Trần Yên Hòa chịu khó cầm gương để trước mặt từng người trong chúng ta với ý thức soi rọi, tìm kiếm từng kỷ niệm riêng tư trong sâu

 

 

thẳm của người xa xứ. Trần Yên Hòa đi từng bước nhỏ, khẽ khàng đếm lá rơi, nhớ về những tiểu thuyết xa xưa cùng những chiều thu vàng úa. Bài thơ đậm đặc và mênh mông. Lạnh

và buồn.

 

Chẳng thể quên mùa thu mông mênh

Ngày tháng cũ

Ở một nơi có loài chim bay về xao xác

Hình như trong lòng ta vọng tưởng

Những mùa thu xa ngái

Ở một nơi ta đến theo cánh chim bay

Có lá vàng rụng ngoài hiên vắng

Đó là xứ sở thần tiên

Mà ta gặp hoài trong trí tưởng

 

Mùa thu nào có bước chân Hà Nội

Bước chân lang thang trên phố Quan Thánh

Ta chợt thấy Khái Hưng ngất ngưỡng trên chuyến tàu điện

Thấy Nhất Linh từ trường Thăng Long bước ra

Thấy Thế Lữ, Thạch Lam, Hoàng Đạo

Ôi một thời làm ta rư ng rưng nhỏ lệ

 

Mùa thu bây giờ ở đâu?

Ngày tháng có bước chân Sài Gòn

Bước chân lang thang trên đường Phạm Ngũ Lão

Dáng dấp nào thật quen

Của Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Viên Linh

 

Của Bùi Giáng, Lê Xuyên, Sơn Nam

Ta ôm Sài Gòn trong tay

Hương mùa thu lãng đãng một mùi rất nhẹ

 

 

Những câu thơ cuối cùng như một tiếng chuông. Lung

linh nhắc tới căn cước hiện nay của từng người xa xứ:

 

Ngày tháng có bước chân Cali

Một mình ta buồn thảm

Ta không thấy ai thân quen

Mùa thu rụng vàng đâu đó

Ta chỉ còn mình ta trên đường Bolsa

Mùa thu buồn phiền, ảm đạm

Mùa thu nào xa xưa

Hát lên khúc tình thu mấy độ.

Chúng ta vừa nghe ba bài thơ trong thi tuyển “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng” của nhà thơ Trần Yên Hòa, được nhà xuất bản Thế Kỷ xuất bản vào năm 2009.

Hy vọng rằng với thời gian ít ỏi mà chúng ta có trong chương trình, ít nhiều gì thì quí vị sẽ nhận được những đồng cảm của ngôn ngữ thi ca mà Trần Yên Hòa gói ghém suốt 130 trang giấy của tập thơ này.

- Nhà thơ Trần Yên Hòa là cựu sinh viên luật khoa Sàigòn,

- Tốt nghiệp khóa 2 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt,

- Định cư tại Hoa Kỳ từ 1995 tại Nam California.

 

Mặc Lâm

(Đài Á Châu Tự Do)

 (bài đăng trên tuyển tập Bạn Văn và Trần Yên Hòa sắp xuất bản)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét