bùi giáng
Tôi nhấn mạnh pê-đanh chiếc xe đạp cà tàng, cố đạp xe lên dốc cầu Trương Minh Giảng. Buổi trưa, đoạn đường này rất đông đúc người xe qua lại, nhất là quảng ngã ba Kỳ Đồng-Trương Minh Giảng (cũ). Trời Sài Gòn nắng chói chan, nắng như đổ lửa. Cái nắng, nóng ập xuống mọi người như cái chảo rang úp lên đầu vậy, khiến ai cũng muốn chạy xe cho lẹ. Tôi đạp xe lên cầu, nhìn thấy đoàn người đi trước ùn tắt, hình như bị kẹt xe hay sao đây? Sài Gòn độ rày hay kẹt xe lắm, nhất là buổi trưa, mà kẹt xe buổi trưa là một khổ nạn, vì cứ đứng dậm chân tại chỗ dưới cái nóng như thiêu đốt của ông mặt trời, rồi còn bị hàng trăm, hàng ngàn những chiếc xe, nào xe gắn máy Nhật, Trung Quốc, chỉa ống “bô” nhả khói tự do vô mặt, vô mủi thì làm sao mà chịu cho thấu. Nhưng dân chúng ở đây gặp những cảnh ấy thường xuyên nên ai cũng đứng chịu chết giữa đường, cố gồng mình chứ biết làm sao.
<!>
Lần mò theo đoàn xe ùn tắt đó, tôi cũng lên cầu. Thì ra kẹt xe vì đoạn đường trước mặt có một ông già mặt mày cổ quái, tóc tai dài phủ ót, rối bời, mắt mang kính cận thị nặng như hai cái đít chai gắn vào, quần áo thì đúng là dân “cái bang” thứ thiệt. Áo cũng như quần có hàng chục miếng vá, đủ màu sắc, lớn nhỏ. Ông còn cầm một cái gậy nữa, đang múa may quay cuồng trên đường, lúc thì làm như là một cảnh sát giao thông, chỉ đường cho xe chạy, lúc thì múa như một tay võ sĩ biểu diễn các thế võ hay các đường quyền. Thì ra ông già điên này ra choáng đường làm tắt nghẽn giao thông đây.
Các xe hơi lớn đều chạy chậm lại, cố tránh ông già điên nên gây nên cảnh ùn tắt. Tôi ngạc nhiên nhìn ông già như một hiện tượng lạ. Rồi tôi cũng chen xe qua khỏi ông và tiếp tục công việc của mình.
Một hôm, tôi ghé bỏ hàng tại một tiệm phụ tùng xe đạp ở trên cổng xe lửa số sáu, thì thấy “ông gia điên” này đang ngồi lù lù trong góc. Có vài ba người đến hỏi chuyện ông. Ông cười nói huyên thuyên như trẻ thơ. Người ta xin thơ ông, chỉ nháy mắt, khoảng hai ba phút, đến năm phút là ông viết ngay một bài thơ. Ông viết trên bao thuốc lá, hay xin tờ giấy nhàu nát đâu đó mà viết, nét chữ bay lượn, uốn éo. Người chủ tiệm nói với tôi: “Ông ấy điên mà làm thơ hay lắm.”
Hay hay không thì tôi chưa biết vì tôi cầm tờ giấy có bài thơ mới làm của ông, bài thơ lục bát, ngôn ngữ khó hiểu, cầu kỳ. Tôi đọc qua thôi, tôi chưa thấy hay chút nào cả.
Những cảnh đó tôi gặp hoài. Một tuần ba bốn lần ông đứng múa may quay cuồng tại quảng đường trước Đại Học Vạn Hạnh, hay ông lang thang đi trên đoạn đường từ Đại Học Vạn Hạnh lên đến cổng xe lửa số 6. Đi một mình hay ngồi trong một xó xỉnh nào đó một mình. Tôi nghĩ đó là một ông già điên thiệt, không biết con cháu ở đâu mà không đem ông về nuôi dưỡng mà để ông đi lang thang, ăn bờ ngủ bụi như vậy, tội nghiệp ông!
Một lần sau đó tôi cũng gặp ông ở chỗ tiệm bán hàng tôi thường ghé, ông vẫn viết thơ cho mọi người. Chỉ mấy câu ngắn ngủi. Người chủ tiệm lại nói với tôi:
“Ông già điên này là ông Bùi Giáng đó.”
Tôi chưng hửng. Đây là nhà thơ Bùi Giáng sao? Bùi Giáng tôi đã đọc nhiều trước bảy lăm, nhất là những truyện dịch của ông ký tên Vân Mồng như Khung Cửa Hẹp hay Hoàng Tử Bé. Rồi những quyển sách luận văn ông viết về Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ rất hay nhưng đọc cũng mệt cái đầu. Nhất là Thơ Bùi Giáng đã nổi tiếng như cồn, tập thơ “ Lá Hoa Cồn” của ông tôi rất thích. Cho nên nói đến Buì Giáng thì ai cũng biết.
Tôi chỉ gặp ông những lần như vậy thôi, không biết nhau trong tình thơ, tình văn nghệ gì hết.
Khi tôi qua Mỹ, nghe ông vẫn sống lây lất ở Sài Gòn, điên điên khùng khùng, ra đường với cây gậy múa may quay cuồng, áo quần cái bang.
Theo thầy Thích Nguyên Tạng (chùa Pháp Vân, Gia Định, Sài Gòn), Bùi Giáng tự ghi tiểu sử của mình cho thầy trong cuốn sổ tay vào buổi trưa ngày 10/11/1993 như sau:
• 1926 – được bà mẹ đẻ ra đời.
• 1928 – bị té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm, hai năm trời chết đi sống lại.
• 1933 – bắt đầu đi học a, b, c… trường làng tại Thanh Châu với Thầy Cù Đình Quý.
• 1936 – học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn.
• 1939 – ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh Nguyễn đức Nguyên, Đào duy Anh, vân vân...
• 1940 – về Quảng Nam chăn bò.
• 1942 – trở ra Huế, vì nhớ nhung gái Huế.
• 1949 – nhập ngũ, bộ đội công binh. Hai năm sau giải ngũ.
• 1952 – vào Sài gòn, 1955 (57) khởi sự viết về Nguyễn Du và một vài nhận xét về Truyện Kiều và một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quang, một vài nhận xét về Chinh Phụ Ngâm… (TÂN VIỆT xuất bản).
• 1957 – TÂN VIỆT xuất bản: giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, giảng luận về Chu Mạnh Trinh, giảng luận về Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.
• …
• 1969 – Bắt đầu điên rực rỡ.
• 1970
• – Lang Thang Du hành Lục Tỉnh (Khách sạn Long xuyên Bà Chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền).
• – Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên Yêu dấu.
• – Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu.
• 1971 – 75 – 93
• – Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang, rong chơi như hài nhi (con nít).
• – Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định, Hội Đồng Thành Phố đối xử thơ mộng thênh.
• – Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô).
Theo Võ Đắc Danh, hồ sơ lưu trữ tại nhà thương điên Biên Hoà ghi nhận Bùi Giáng nhập viện hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977, thời gian này Nguyễn Ngu Í vẫn còn trong bệnh viện, hai người cùng ở khu 3. Bệnh án của Bùi Giáng có đoạn ghi:
“Bệnh tái phát từ tháng 4/1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị, văn hoá trọng đại, có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3/1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vở quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn…”
...
Nguồn: Nguyễn Ngọc Sinh, báo Giác Ngộ
Năm 1969 Bùi Giáng bị một cú sốc lớn về tinh thần khiến cho ông điên nặng hơn. Đó là một trận cháy nhà làm cả “kho tác phẩm” của ông cháy sạch. Sau đó là khoảng thời gian ông vào dưỡng trí viện Biên Hòa điều trị, nhưng người điên như Bùi Giáng thì làm sao mà trị? Bởi thế nên các bác sĩ cũng bó tay, nhưng ngược lại đã rất thích ông nhà thơ điên điên này. Cuối cùng thì Bùi Giáng là người điên hầu như được mọi người… chấp nhận vì ông thuộc dạng điên hiền, không làm hại ai, chỉ thích trêu đùa và rong chơi trong “cõi điên” của mình.
Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp. Có khi Bùi Giáng ra giữa đường làm… Cảnh sát Giao thông hướng dẫn cho xe cộ qua lại và ông tỏ ra rất thích thú với trò vui này.
Rồi cái chết của ông đã đem đến bao niềm cảm thương cho mọi ngươi. Tất cả mọi tờ báo trong nước, hải ngoại, các Web site đều đăng lời thương tiếc.
Cuộc đời của ông như vậy nên nhà văn Mai Thảo có 4 câu thơ về ông như sau:
Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi.
Như vậy, cuộc đời ông già điên này được nhiều người hư cấu khác nhau, nhưng nói chung người ta mến mộ ông, yêu thương ông thật sự, bởi vì ông không phải là lãnh tụ vĩ đại gì, ông chỉ là một người bình thường, lúc chết cũng bình thường, có khi còn tầm thường dưới những kẻ tầm thường nữa. Tầm thường đây không có nghĩa là xấu mà chỉ là tại cái nghèo và cái điên của ông thôi.
Nhưng về Thơ Bùi Giáng, tôi đọc thấy có những bài không hiểu nổi, những từ như cố ghép lại với nhau cho đúng vần đúng điệu. Như những bài thơ tôi đã đọc khi ông viết tặng những người khách qua đường ở Sài Gòn năm xưa, ông làm trong hai ba phút trên bao thuốc lá.
Trần Yên Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét