Trời đã vào thu rồi mà nắng vẫn còn ấm, những đợt nắng trong veo như
mật ong rải ánh vàng long lanh trên ngàn cây nội cỏ. Tôi lại nhớ những
ngày thu ở Huế, dù chỉ là mùa thu mà trời đầy mưa bụi bay bay và gió
lạnh run rẩy khi đạp xe qua cầu Tràng Tiền thời đi học. Nỗi nhớ như sợi
tơ trời lãng đãng, vật vờ bay lượn giữa hư vô chợt sà xuống vướng mắc
nơi góc vườn kỷ niệm.<!>
Nhìn các em bé học sinh tung tăng đến trường nhân ngày khai giảng,
lòng tôi lại càng ngậm ngùi hơn, muốn ngược dòng thời gian đưa hồn về
quãng đời hoa bướm để tìm lại một thoáng hương xưa bên Thầy Cô và bạn bè
thân yêu ngày nào.
Ngày đi thi vào Đệ Thất trường Đồng Khánh, tôi đã được Ba tôi cho đi
xe kéo. Sáng sớm tinh sương, trong khi mọi người còn yên giấc, tôi đã
ngồi lắc lư trên chiếc xe với bao nỗi hồi hộp trong lòng. Một con bé nhà
quê tay cầm chặt bút mực run rẩy bước vào phòng thi với vẻ mặt ngơ
ngác, trông thật tội nghiệp. Nhưng rồi bao lo sợ cũng đã trôi qua, ngày
xem kết quả tôi đã chạy bộ từ Thành Nội qua trường rồi chạy về nhà mà
không biết mệt. Tôi không quên được giây phút cảm động khi vừa thở vừa
báo tin cho Ba tôi hay là tôi đã trúng tuyển, Ba tôi đã xoa đầu và ôm
tôi vào lòng với bao trìu mến thương yêu.
Tôi đã trải qua 4 năm Trung học ở trường Đồng Khánh và 3 năm ở
trường Khải Định (1948 - 1955). Biết bao kỷ niệm vui buồn đã xảy ra và
bây giờ cho dù hằng chục năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nhớ đến vẫn còn
cảm thấy bồi hồi trong lòng. Thời gian đã vẽ thêm một vòng hào quang cho
quá khứ càng thêm rạng ngời trong tâm tưởng.
Bốn năm ở Đồng Khánh, từ buổi ban đầu còn rụt rè, e sợ, tập tễnh
bước vào trường nhìn các chị lớn tuổi hơn mình với bao ngưỡng mộ, rồi
dần dần tôi cũng đã hội nhập được vào môi trường tinh nghịch của tuổi
học trò: buổi trưa cũng đã biết chui xuống hộc bàn giáo sư trốn các bà
Giám thị để khỏi bị lùa lên lầu khóa kín cửa lại; trèo qua cửa sổ để vào
nhà thương điên trêu ghẹo họ dù rằng trong lòng sợ muốn chết, hai chân
chỉ chực chạy thoát trở ra. Buồn buồn lại xuống bến đò Thừa Phủ leo lên
đò qua bên kia sông rồi trở về. Vui nhất là những buổi trưa ở lại ăn cơm
tại trường, món nào không ngon cứ lấy đũa khua om sòm làm reo. Đáng mê
nhất là món đậu hủ nóng hổi của chị Châu, xuống nhà chị Cách ăn bánh
bèo, bánh nậm và mùa đông lại khoái ăn hột phượng nấu của bà Cai Đệ.
Từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, tôi đã học Toán với các thầy Hồ Văn Lê, thầy Bùi Tấn, thầy Lê Nguyên Diệm.
Thầy Hồ Văn Lê thì quá hiền lành và dễ thương; tôi sợ nhất giờ của
thầy Bùi Tấn. Thầy chấm tập vở quá kỹ, phần nào không bằng lòng là trang
đó bị xé ngay. Giữa lớp học im phăng phắc vì sợ, tiếng xé giấy như xé
nát tâm can của lũ học trò chúng tôi. Tôi học không đến nỗi tệ, vậy mà
vì quá sợ Thầy, tôi đã về khóc với Ba tôi xin tìm cho tôi một người dạy
kèm môn Toán.
Lên
Đệ Tứ, tôi mừng vì đã được học Toán với thầy Lê Nguyên Diệm nhưng đồng
thời giờ của thầy tôi cũng hay bị la vì sao mỗi lần Thầy gọi, tôi không
chịu đứng dậy liền (Con xin lỗi Thầy!). Thì ra con mắt Thầy bị lé nên
mỗi lần Thầy nhìn, tôi cứ tưởng không phải gọi tôi.
Năm Đệ Tứ là năm đã biết nếm mùi gian lao khổ cực, thức khuya dậy
sớm, phải học để thi lấy bằng Diplôme (Trung học phổ thông). Tuy vậy
chúng tôi cũng không bỏ được những trò chơi, mê nhất vẫn là „U mọi“ hồi
hộp gay cấn là lúc chạy qua cứu bạn về, áo dài bị xé rách cả vạt, về nhà
sợ quá phải giấu vào góc cửa.
Ôi! Sao những tháng ngày đó thật ngây thơ và dễ thương vô cùng! Đôi
khi nhớ những ngày tháng cũ, tôi thao thức muốn thoát hồn bay trở về
thăm lại mái trường xưa, bơi lội thỏa thích trên dòng sông cũ, giữa
những hình ảnh thân yêu với bao kỷ niệm êm đềm của thời con gái „tóc thề
thả gió lê thê“.
Bốn năm êm đềm trôi qua nhưng cũng có những giai đoạn sôi sục vì thời
cuộc, truyền đơn bay tứ tung lựu đạn nổ ở sân trường, vẫn có những giờ
học thật căng thẳng vì tình hình.
Tôi thương thầy Trần Điền hay lưu tâm đến việc học hành và thường
hay liên lạc với Ba tôi để nhắc nhở về tôi; tôi mê đôi môi mọng đỏ của
cô Diệu Liễu với đôi bàn tay ngọc ngà; say sưa với giờ Quốc văn của thầy
Nguyễn Văn Đãi với lối giảng bài thao thao bất tuyệt của Thầy nhưng
cũng ngán nhất khi phải vào thi vấn đáp môn Địa với thầy Cao Hữu Triêm
vì Thầy hay bắt vẽ bản đồ mà tôi thì lại quá dốt về môn này!
Sau kỳ thi Diplôme, tôi qua học lớp Đệ Tam trường Khải Định, một
ngày trọng đại không kém trong đời vì lần đầu tiên học chung với con
trai và còn quan trọng hơn nữa vì trường mới tiếp thu của chính phủ
Pháp. Tuy nhiên các lớp học đã phơi bày một cảnh tượng hoang tàn vì
chiến tranh, những vết đạn loang lổ trên hành lang, những mảnh tường vôi
tróc lở, rêu phong phủ kín làm phai màu trường cũ. Sân trường hoang
vắng đìu hiu, cây cỏ tan nát, hầm hố chông gai nằm chơ vơ đây đó!
Ngày đầu tiên thầy Hiệu Trưởng đã dặn dò kỹ lưỡng, cấm chúng tôi
không được đi lang thang khắp trường vì xung quanh còn nhiều bãi mìn.
Rồi cụ Hoài - Tổng giám thị - còn gọi bầy con gái chúng tôi xuống văn
phòng vừa tuyên bố mà cũng vừa ngăn cấm chúng tôi không được nhận thư
gửi về trường. Sao cụ lại có ý nghĩ rằng chỉ có lũ con gái mới hay nhận
thơ tình còn con trai thì sao? Về nhà cũng bị cấm luôn mà dù có thư nào
gởi về cũng bị kiểm duyệt nên mọi liên lạc đành chấm dứt từ đó, qua hết
thời mộng mơ đợi chờ.
Tôi học Đệ Tam chung với các bạn như Quế Hương, Dạ Khê, Diệu Anh,
Trâm Anh, Diệu Phước, Lệ Thủy và Như Huệ luôn luôn ngồi cạnh tôi. Đằng
sau lưng là Nguyễn Quang Nghĩa và Trần Đình Hoàn (sau 75 Nghĩa bán thuốc
lá ở góc đường Phan Đình Phùng và Cao Thắng). Bốn đứa chúng tôi đã thân
thiết gắn bó nhau trong giờ học rất nhiều nhưng hai cu cậu Nghĩa và
Hoàn nghịch phá quá chừng! Một hôm vào giờ Văn, mới ngồi vào lớp Hoàn
gọi tôi để cho một gói giấy nhỏ, tôi láu táu mở ra. Trời ơi! Một con
thằn lằn nhảy vọt vào người, tôi hét lên một tiếng làm thầy Tôn Thất
Dương Kỵ cũng phải bật văng ra khỏi bục giảng, lật đật chạy xuống xem
thử chuyện động trời gì đã xảy ra mà khủng khiếp dữ vậy? Thầy đã lắc đầu
ngao ngán, không ngờ tiếng hét xé ruột của tôi phát ra chỉ vì một con
thằn lằn! Vậy là cả lớp hôm đó đã được một trận cười nôn ruột.
Năm học này không phải bận thi cử gì nên chúng tôi cũng quậy phá dữ
lắm, dám đặt các hỗn danh cho các Thầy như thầy Tôn Thất Tắt chẳng hạn
hoặc mỗi lần thầy Lê Khắc Du kêu chị Cơ lên trả bài là chúng tôi không
nhịn cười được. Tuy nhiên những buổi trưa ở lại vẫn sợ nhất là những lần
có việc cần đi ra ngoài, phải đi qua những khung cửa sổ đầy những cặp
mắt tinh nghịch của các nam sinh, hai chân quýnh lại còn mặt thì cúi gầm
xuống, đâu có dám nhìn ai!
Năm học Đệ Tam được các học sinh xem như là năm nghỉ ngơi vì mới thi
xong Trung học đệ nhất cấp, cho nên năm này đối với tôi là năm đẹp nhất
của đời học sinh. Tuổi cũng vừa lớn để cảm nhận những đổi thay của đất
trời qua khung cửa lớp, đã biết mộng mơ nhìn mây trắng lang thang và
lòng chợt thấy hiu hiu buồn mỗi khi chiều xuống.
Đệ Nhị là năm thi Tú Tài phần I nên phải tu để mà học. Tôi thường
hay về Vỹ Dạ để học chung với Trần Thị Gia vì nhà của Gia ở gần bờ sông
nên mát mẻ và yên tĩnh vô cùng. Nhiều khi học mệt quá lại kéo nhau ra
cánh đồng để thả diều. Nhìn cánh diều lơ lửng trên nền trời cao với gió
bàng bạc trong ánh chiều tà thật thanh bình và êm ả quá. Chúng tôi học
gạo cả ngày lẫn đêm, học đến xanh xao mặt mày!
Cuối cùng rồi tôi cũng đậu được kỳ thi viết, đến lúc vào thi vấn đáp
mới đúng là „đoạn trường ai có qua cầu mới hay“! Môn Vạn Vật thầy Vũ
Đình Chính bắt tôi ra bẻ một ngọn lá phượng rồi từ đó mà mô tả thành
bài. Chao ơi! Tôi đứng như trời trồng, lõm bõm được vài câu, biết gì mà
nói cho nhiều. Không ngờ rồi Thầy cũng cho điểm tốt. Khủng khiếp nhất là
môn Hán văn, đó là môn tôi sợ nhất.
Lên Đệ Nhất, chúng tôi chỉ chú tâm vào học ba môn chính để chuẩn bị
cho kỳ thi viết nên mỗi lần thi lục cá nguyệt cũng khá vất vả với các
môn phụ.
Bảy năm Trung học rồi cũng trôi
qua, đậu Tú Tài toàn phần xong, chúng tôi phân tán mỗi người mỗi ngã.
Tôi thi vào Sư Phạm ra làm cô giáo, nối nghiệp Ba tôi, sống cuộc đời
bình yên với sách vở và phấn trắng bảng đen. Bạn bè, có người gặp nhiều
may mắn nhưng cũng có người lận đận lao đao, từ giã mái trường thân yêu,
bước xuống dòng đời, mỗi đứa tách về một bến, dù đục dù trong cũng phải
đi cho trọn quãng đường đời.
Giờ đây mỗi lần kiểm điểm lại mớ hành trang gọn gàng mang theo lúc
vào đời, tôi thấy quý giá nhất vẫn là những kiến thức, những tình cảm
nhẹ nhàng tôi đã thâu thập được từ những ngày cắp sách đến trường. Tất
cả cuộc đời, cái thời thơ ấu đó là thời dễ thương nhất: biết bao giấc mơ
và nỗi khắc khoải của tuổi trẻ, mỗi ngã tư là một hy vọng gặp gỡ bất
ngờ!
Năm tháng,
nhiều năm tháng đã trôi qua, mới đó mà nay tôi cũng đang đi dần vào tuổi
già, thời áo trắng đã xa lắm rồi. Nhìn lại chỉ thấy những ngày còn đến
trường là êm đẹp, là thần tiên nhất; quá khứ của chúng ta ở đó và những
giấc mộng chưa hề tan vỡ cũng ở đó. Chân bước thênh thang vui đùa với cỏ
cây với bầu trời, với gió với mưa như trời đất thiên nhiên tự có sẵn và
tự bằng lòng.
Chừ thì tất cả đã qua đi nhưng kỷ niệm vẫn là kỷ niệm lớn nhất, khó phai
nhòa và tôi vẫn muốn luôn luôn nâng niu gìn giữ theo với tháng năm…
Nguyên Hạnh
(Tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét