Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

NÓI “SAU CÔNG NGUYÊN” LÀ NÓI SAI - Thiếu Khanh

 TRƯỚC VÀ "SAU" CÔNG NGUYÊN (Có thể... - THẾ GIỚI THẦN THOẠI | Facebook


Thuật ngữ “sau Công Nguyên” không chỉ thường xuất hiện trên Facebook mà ngay cả trên các chương trình phát thanh, truyền hình quốc gia, và kể cả trong nhiều sách báo trong nước, không ít tác giả vẫn nói/viết “sau Công Nguyên” một cách “hồn nhiên.” Nhưng đó là một cách nói sai. Và cách nói sai này đang xuất hiện khắp nơi.

 <!>

Có lẽ không lâu sau khi phát minh chữ viết, người cổ đại thấy mình có nhu cầu ghi chép các sự kiện quan trọng hoặc các biến cố lớn xảy ra trong đời sống. Từ đó sử biên niên (annals) ra đời, ghi chép các sự kiện hoặc biến cố lịch sử xảy ra trong từng đời vua của mỗi triều đại. Trung Quốc là một trong những quốc gia trên thế giới xuất hiện sử biên niên sớm nhất. Ví dụ: đời nhà Hán, Trung Quốc, Tề vương Hàn Tín, bị vu oan làm phản và bị bắt đưa về triều rồi bị giáng xuống làm Hoài Âm hầu vào năm thứ 2 đời Hán Cao tổ; sau đó danh tướng này bị Lữ Hậu (vợ vua Hán cao tổ Lưu Bang) giết tại cung Vị Ương vào năm thứ 6 đời vua Hán Cao tổ.

Thông tin như thế của sử biên niên không cho người đọc biết Hán cao tổ Lưu Bang và Hàn Tín ở vào giai đoạn nào và Hàn Tín chềt vào lúc nào trong dòng lịch sử nhân loại. Đó là chưa tính đến “yếu tố niên hiệu” khiến sự tính toán thêm nhiều rối rắm.

Trung Quốc được biết là quốc gia đầu tiên sử dụng niên hiệu. Dường như Niên hiệu chỉ bắt đầu xuất hiện từ đời Hán vũ đế, ông vua thứ bảy của triều Tây Hán. Lên ngôi Hoàng đế năm 140 trước công nguyên (TCN), Hán vũ đế Lưu Triệt đặt tên cho năm lên ngôi của mình (tức Niên hiệu) là “Kiến Nguyên nguyên niên” (Năm Kiến Nguyên thứ nhất). Từ đó mở ra một truyền thống cho Hoàng đế của các triều đại sau của Trung quốc khi lên ngôi đều đặt niên hiệu.

Ở Việt Nam, Niên hiệu triều vua xuất hiện đầu tiên trong lịch sử là từ Lý Nam Đế (Lý Bôn). Ông xưng Nam Việt đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu Thiên Đức. (Năm Thiên Đức thứ nhất ứng với năm dương lịch 544). Niên hiệu Thiên Đức chỉ tồn tại trong 4 năm, đến năm 548 – năm Lý Nam Đế mất. Mãi hơn 400 năm sau, đến năm 970, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong 12 sứ quân lên ngôi (Tiên) hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu mới là Thái Bình. Từ đây về sau, tất cả các vua của các triều đại Việt Nam mỗi khi lên ngôi cũng đều đặt niên hiệu mới.

Trong thời gian trị vì, mỗi ông vua không nhất thiết chỉ có một niên hiệu. (Tại Việt Nam, hai vua đầu nhà Tây Sơn  -- Thái Đức, Quang Trung -- và tất cả các vua triều Nguyễn mỗi ông từ khi lên ngôi cho đến khi qua đời chỉ có một niên hiệu). Vua Hán vũ đế Trung Quốc, lên ngôi năm 140 TCN, qua đời năm 87 TCN, trị vì 53 năm, đã đặt đến 11 niên hiệu: Kiến Nguyên, Nguyên Quang, Nguyên Sóc, Nguyên Thú, Nguyên Đỉnh, Nguyên Phong, Thái Sơ, Nguyên Hán, Thái Thủy, Chính Hòa, và auâuậu Nguye6n.

Hau65Hậu Nguyên. Ở Việt Nam, vua Lý Nhân Tông ở ngôi lâu hơn (55 năm), nhưng có ít niên hiệu hơn:  Thánh Ninh, Anh Võ Chiêu Thắng, Quảng Hựu, Hội Phong, Long Phù Nguyên Hòa, Hội Tường Đại Khánh, Thiên Phù Duệ Võ, và Thiên Phù Khánh Thọ.

Sử chép:

 

Năm Nguyên Đỉnh thứ 6, Hán Vũ đế sai Lộ Bác Đức đánh và chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà.

Về sau, muốn biết Triệu Đà mất nước vào năm nào, người ta chỉ có thể dựa vào niên hiệu của vua Hán Vũ đế lúc xảy ra chuyện đó để làm mốc tính toán. Người ta phải biết Nguyên Đỉnh là niên hiệu thứ mấy của Hán Vũ đế, và thời gian của mỗi niên hiệu trước đó là bao nhiêu năm, cộng tất cả lại, rồi cộng thêm 6 năm của niên hiêu Nguyên Đỉnh. Rất vất vả mà thông tin cũng chẳng có thêm điều gì mới.

Trong nhiều thế kỷ về sau, khi sự giao thương, giao dịch mở ra giữa nhiều quốc gia, người ta sẽ cảm thấy lúng túng không biết một sự việc hay biến cố xảy ra trong nước đó vào thời kỳ đó là tương đương khoảng thời gian nào của nước mình, và ngược lại. Nhất là tại nhiều quốc gia từ Á sang Âu có nhiều thứ lịch cùng lưu hành, mà số ngày trong tháng và số tháng trong năm trong các loại lịch đó không giống nhau. (Cách mạng Tháng Mười Liên xô thành công vào ngày 25 tháng 10 năm 1917, theo lịch Julius (Julian calendar, theo tên Julius Caesar thời Cộng hòa La Mã) mà nước Nga đang dùng. Trong lúc đó phần lớn thế giới dùng lịch Gregory (Gregorian calendar, theo tên Giáo hoàng Gregory XIII). Thành ra Cách mạng tháng 10 Liên xô tính ra nhằm vào ngày 7 tháng 11 năm 1917).  Muốn xác định một thời điểm chung nào đó cho một biến cố trên dòng thời gian xuyên xuốt của nhân loại thật không đơn giản.

Vào thế kỷ VI (khoảng năm 544) một tu sĩ Thiên Chúa Giáo tên Dionysius Exiguus người xứ Scythia, một đế quốc hùng mạnh và giàu có ở nơi mà bây giờ là bán đảo Cremea của Ucaina, phát minh ra Công Nguyên và áp dụng vào các loại lịch JuliusGregory. Dionysius Exiguus coi ngày chúa Jesus ra đời là thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên gọi là Anno Domini, viết tắt là AD. Đó là hai tiếng Latinh có nghĩa là Kỷ Nguyên của Chúa, gọi theo tiếng Anh là Christian Era, Kỷ nguyên Ky tô, viết tắt là CE. Theo đó, từ ngày trước Chúa Jesus ra đời trở về trước được gọi là ante Christum natum cũng là tiếng Latinh và nói theo tiếng Anh là “before Christ was born nghĩa là “Trước Chúa giáng sinh,” nhưng thường được viết hay nói ngắn là before Christ, trước Chúa Ky tô, viết tắt là BC)

Các khái niệm này dần dần phổ biến khắp cả thế giới theo cùng với lịch Gregory.  Vậy là nhờ cách phân mốc kỷ nguyên này người ta dễ dàng ghi nhận, so sánh hay đối chiếu thời điểm xảy ra mọi sự việc trên đời. Chẳng hạn, nhờ phát minh này, các sử gia của ta tính ra được thời đại Hùng Vương bắt đầu từ năm 2879 trước Công nguyên (TCN), và chị em Hai Bà Trưng khởi binh chống nhà Hán giành lại độc lập cho đất nước từ niên hiệu Kiến Võ thứ 13 đến Kiến Võ thứ 16 của vua Hán Quang Vũ, tính theo lịch Gregory là từ năm 40 đến năm 43 Công nguyên (CN). Các dân tộc khác lần lượt đổi sang dùng lịch Gregory cùng với các khái niệm kỷ nguyên này cho đến nay.

Nhưng nhiều người không muốn chấp nhận các khái niệm có tính tôn giáo này (“Kỷ nguyên Ky tô” và “Trước chúa Ky tô”), nhất là các nhà khoa học trong các tác phẩm khoa học của họ. Người ta muốn thay chúng bằng những thuật ngữ “thông tục” (vulgar) có tính phi tôn giáo. (Thậm chí có người đề nghị từ Vulgar Era – Kỷ nguyên thông tục). Đến đầu thế kỷ 18, đã có người dè dặt đưa ra thuật ngữ “Common Era,”, nghĩa là “Kỷ nguyên chung”, cũng viết tắt là CE, thay cho từ Anno Domini hay Chritian Era. Do đó, khái niệm “Trước Chúa (giáng sinh)” cũng được đổi thành “Trước Kỷ nguyên chung,” before Common Era, viết tắt là BCE. Các khái niệm mới này dần dần trở nên phổ biến, và đến đầu thế kỷ 20, trong bộ từ điển Bách khoa Catholic Encyclopedia (1909) của Giáo hội Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ đã ghi nhận “những thuật ngữ Christian Era, Vulga Era, và Common Era đều được công chùng hiểu rõ.”

Sở dĩ người Việt chúng ta quen gọi “Công nguyên” và “Trước Công nguyên” là vì trước kia giới trí thức Việt tiếp xúc với văn hóa Tây phương qua sách báo chữ Hán, mà người Trung quốc gọi cái “Common Era” này theo cách của họ là “Công lịch kỷ nguyên,” từ đó gọi tắt thành Công Nguyên. “Trước Công lịch kỷ nguyên” cũng thành “Trước Công nguyên.” Tuy nhiên cho đến nay, trong các văn bản tiếng Anh dường như hầu hết các tác giả người Việt đều viết tắt từ “Công nguyên” là AD thay cho CE, và “Trước công nguyên” được viết là BC thay cho BCE. Có lẽ do theo thói quen từ lớp học giả đi trước.

Mọi chuyện trên đời có trước ắt phải có sau, nhưng cái “sau Công nguyên” là chưa có, hoặc sẽ không bao giờ có. Công lịch kỷ nguyên hay Công nguyên là kỷ nguyên hiện tại được tính từ năm Chúa Ky tô ra đời. Thời điểm Chúa Jesus ra đời là cái mốc khởi đầu của Công nguyên, chớ chính nó không phải là Công nguyên. Sau mốc thời gian Chúa ra đời không phải là sau Công nguyên. Cái “Công nguyên” này còn kéo dài mãi mãi, không bao giờ chấm dứt. Hoặc Công nguyên chỉ chấm dứt khi thế giới xảy ra một biến cố thật lớn lao mà cả nhân loại muốn coi đó là điểm khởi đầu của một kỷ nguyên khác – một kỷ nguyên mới ra đời, sẽ chấm dứt Công nguyên hiện nay.

Thế nên nói một sự kiện nào đó xảy ra trong khỏang thời gian vài ngàn năm nay, kể từ sau Chúa Jesus giáng sinh là “sau Công nguyên” là vô nghĩa.

Ví dụ thế này sẽ dễ thấy rõ sự vô nghĩa đó: chúng ta đang sống trong thế kỷ 21. Thế kỷ 21 còn kéo dài hơn bảy thập niên nữa mới hết để sang thế kỷ 22.  Nếu chúng ta nói “Ông Donald John Trump, một tỷ phú Mỹ, đã đắc cử chức vụ Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào năm 2016 sau thế` kỷ 21,” là chúng ta nói sai.

Nói sai như thế vô duyên quá phải không?

Nhưng nói “sau Công nguyên” thì cũng giống vậy.

*

Sau đây là mục từ “CÔNG NGUYÊN” kèm các câu ví dụ minh họa có nội dung chứa những từ / khái niệm đó, được trích từ bản thảo Từ Điển Phiên Dịch Việt Anh của Thiếu Khanh:

CÔNG NGUYÊN, -Common Era (CE),

-Công nguyên là một trong những ký hiệu về năm được sử dụng cho lịch Gregory (và tiền thân của nó, lịch Julius), kỷ nguyên lịch được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. -Common Era (CE) is one of the year notations used for the Gregorian calendar (and its predecessor, the Julian calendar), the world's most widely used calendar era.

-Thuật ngữ "Công nguyên" có thể được tìm thấy trong tiếng Anh sớm nhất là vào năm 1708, và được các học giả tôn giáo Do Thái sử dụng rộng rãi hơn vào giữa thế kỷ 19. -The term "Common Era" can be found in English as early as 1708, and became more widely used in the mid-19th century by Jewish religious scholars.

-AD/A.D. (anno Domini)

-Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng diễn ra vào năm 40 - 43 Công Nguyên. -The sisters Trưngs’ uprising took place in 40 – 43 AD.

-Hoàng đế La Mã Claudius I sống từ năm 10 trước Công nguyên. đến năm 54 Công Nguyên. -The Roman emperor Claudius I lived from 10 B.C. to 54 A.D.

*

*năm (. …) thuộc công nguyên, -the year of grace (…)

-Vào ngày 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ giỗ Đống Đa được tổ chức tưng bừng tại thủ đô Hà Nội để tưởng nhớ ngày Hoàng đế Quang Trung đánh bại hơn 200.000 quân Thanh xâm lược vào năm 1789 thuộc Công nguyên. -On the fifth of the first lunar month every year, Đống Đa anniversary is jubilantly celebrated in Capital Hanội to commemorate the day Quang Trung Emperor made mincemeat of enemy armies of more than 200,000 of Qing aggressors in the year of grace 1789.

-Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ra đời vào năm 1776 thuộc Công nguyên. -The United States of America came into being in the year of grace 1776.

*trước công nguyên, -BC/B.C. (before Christ)

-Caesar bị ám sát vào năm 44 trước Công nguyên. -Caesar was assassinated in 44 B.C.

-Đại kim tự tháp có niên đại từ khoảng năm 2600 trước Công nguyên. -The Great Pyramid dates from around 2600 BC.

-BCE (before Common Era).

-Thành Rome được xây dựng vào năm 753 trước Công nguyên. -Rome was founded in 753 BCE.

-Người ta thấy các di tích của người Celt có niên đại sớm nhất là từ năm 1200 trước Công nguyên. -Celtic remains were found dating from as early as 1200 BCE.

Thiếu KHANH.

(20/08/23)

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...