Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Bọn Mầm - Cung Tích Biền

Trường Mầm non BaBy House | Tan Duong



Tặng cháu và con, một Đỏ một Đen


Một buổi chiều, hai chú nhóc Cuội và Cù, học cùng trường cùng lớp, được thả ra từ một nơi tạm giam. Bọn nhí không may bị giam giữ qua một đêm vì bị nghi can dính líu một vụ cướp giật. Có cảnh chặn xe cướp của xảy ra trên đường phố, bọn cướp vội vã khi tẩu thoát đã đánh rơi gần đó một chiếc đồng hồ loại xịn. Cuội lượm được, ngắm nghía của rơi một hồi, khen cái đồng hồ đẹp bá chấy, rồi giao cho Cù. Cuội nói:

<!>

- Mày giữ lấy đi.

Cù phân vân:

- Giữ của này không được đâu, hay là mang đến giao cho ông cảnh sát đang đứng chỗ đầu đường kia.

- Cũng được. Đi nào.

Trên đoạn đường tung tăng đi nộp của rơi hai thằng nhóc bị tra xét vì trong người chúng có của gian. Giam một đêm, xét thấy hai đứa còn quá nhỏ, không có cách của bọn chôm chỉa, nên được cho về. Nhà chức trách có thông báo cho mỗi gia đình đến cổng đồn đón con.

Con nít không đợi ai được lâu, hai đứa nhỏ đứng chỗ cổng một hồi, bèn thả bộ trên đường về, rất vui vẻ và xem như không có việc gì xảy ra, hay ít nữa trong tâm cảm mỗi đứa, cũng có mỗi kỷ niệm riêng chỗ nhà giam.

Thằng Cuội thấy phòng giam tồi tàn, hôi hám, giường không có đệm, không quạt máy, không được xem ti vi hay được nghe nhạc, không được uống một cốc sữa trước khi đi ngủ như ở nhà cha mẹ. Suốt một đêm Cuội không ngủ được. Da dẻ trắng mượt của nó hiện ra nhiều đốm đốt của muỗi và những lằn đỏ gần như rỉ máu, vì ngứa, do cào, gãi.

Thằng Cù thì ngủ ngáy ngon ơ. Ít ra trong phòng giam nó được ngủ trên một cái giường có lò xo, tuy sét rỉ nhưng điệu nghệ nhún nhảy lên xuống. Giường trải một chiếc chiếu cói, không có đệm lót, cái lưng nó cách mặt đất chừng sáu tấc tây - Cù nghĩ - cũng thoáng mát, ta đây có cái giường nằm. Ớ nhà, cha mẹ nó đi bươn chải kiếm gạo khuya khoắt mới về, anh em Cù lo tìm cái gì đó ăn qua loa, tự học bài, rồi ngủ ngáy ngay trên nền nhà bụi bặm không chiếu trải. Với Cù, đèn phòng giam này tuy tù mù một ngọn tròn vàng khẹt, qua ánh đèn nhân dạng nào cũng như con bệnh dịch hạch, nhưng vẫn hơn ở nhà nó. Từ chín giờ đêm tới lúc tờ mờ thức dậy lo đun bếp là cha mẹ cúp điện hoàn toàn, “Chịu tối chịu nóng chút đi các con, không đủ tiền trả tiền điện đâu.” Với thằng Cù, bị giam tù, e sướng.

Hai đứa đi bộ trong nắng nóng một hồi, thằng Cuội trắng nõn, mập cui, trong máu có chất sữa tươi bôm nho phó mát, nên ra mặt trời hung hãn là da chảy mỡ. Thằng Cù ốm teo, mùa nghỉ hè từng cuốc bộ theo cha làm thợ hồ, thằng nhỏ dai sức, có thể cuốc bộ mươi cây số dưới nắng cháy có dư “khả năng.”

° ° °

Một chiếc xế bốn bánh sang trọng trờ tới.

Xe dừng. Cửa mở. Bà mẹ ăn bận sang trọng bước ra khóc òa ôm Cuội. Người cha ung dung đứng bên cửa xe hút thuốc nhả khói, mặt khơi khơi, ánh mắt lạnh lùng nhìn hai đứa trẻ. Lúc sắp bước lên xe, nhìn thằng Cù đứng trơ dưới nắng, Cuội nói với mẹ:

- Mẹ ơi cho Cù về luôn với con.

Bà mẹ nhìn Cù, tuy gầy nhom nhưng thằng nhóc có khuôn mặt thanh tú, mũi cao, đôi mắt sáng trưng hiền hòa, bà nói với chồng:

- Anh hà hay là cho thằng nhỏ về luôn nhà mình. Hai đứa học cùng trường chắc nhà cũng gần thôi. Cha mẹ nó sẽ đến nhà mình đón con sau. Bỏ nó đây một mình tội nghiệp.

Người bố nạt:

- Không nên thừa mứa lòng thương như vậy. Phải cách ly hai đứa này ra. Gần mực thì đen gần đèn thì sáng.

- Chúng chỉ nhặt của rơi, thành thật mang đi nộp cho cảnh sát, vậy là tội lỗi sao?

- Bị giam tù là có sai quấy. Không bàn luận lôi thôi.

- Ông này lạ, tụi nó tù hồi nào ?

- Đã hít một làn không khí chỗ trại giam kể như ở tù rồi.

Cuội năn nỉ:

- Bố ơi trong lớp con chỉ chơi với bạn Cù thôi. Cù học giỏi nhất lớp, dễ thương nhất lớp.

- Mày im đi được không? Đặt bày “bức xúc” với “cảm tính.”

Bà mẹ thở ra, bảo Cuội: “Con thắt dây an toàn, không là cảnh sát phạt đó, mày to xác lắm rồi.” Lúc sắp đóng cửa để xe lăn bánh, thằng Cuội bất ngờ tung cửa xe nhảy xuống đường, chạy một mạch tới nắm tay thằng Cù, vừa thở vừa nói vội vã:

- Chạy, mày với tớ chạy.

- Chạy đi đâu?

- Thì chạy trước đã.

Hai đứa ranh như chuột, cùng chạy ngược chiều xe, tức thì chun vô hẻm, tẩu thoát lẹ làng.

° ° °

Cảnh nhà thằng Cù quả là một mô-đen thích thú lẫn kinh ngạc đối với đứa bé mười một tuổi như Cuội. Mái lợp tôn vách ván, có gác gỗ. Đi trên gác phải cẩn thận kẻo lọt tõm xuống nền nhà vì ván ép nhiều nơi đã mục nát. Tường nhà thay vì gạch là ván tạp có chỗ thủng, em thằng Cù ba tuổi có thể qua đó đút cái đầu ra ngoài gió nắng, cười, rồi chui từ trong nhà ra bãi cỏ phía ngoài không cần đi ra phía cửa chính.

Nhà có mỗi phòng khách tí tẹo phía trước và căn bếp phía sau. Từ trên gác xuống đất Cuội không hề thấy có cái phòng ngủ. Cuội nói, “Cù ơi cả toàn bộ diện tích nhà mày e chừng nhỏ hơn cái phòng khách nhà tớ.” Cù cười hiền hòa, hắn chưa tin trên thế gian lại có cái phòng khách nhà nọ lớn hơn cái toàn bộ “ngôi nhà của cha mẹ mình.”

Cha thằng Cù là một thiên tài trong ứng xử với mọi tình huống vào thời khó khăn, trong một kiếp người mà như mọi khốn nạn trên thế gian gom lại cho một. Trong nhà, từ trên gác xuống phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh chỉ có hai cái bóng đèn mà tất thảy đầy đủ ánh sáng. Đầy đủ đây là thấy rõ mặt nhau, thấy cái nồi cái chảo, thấy rõ ràng cái bàn không lộn với cái ghế; riêng trong dĩa rau có lộn vào một con sâu, giả dụ nó to bự, thì chẳng tinh mắt nào thấy ra con sâu vĩ đại qua “ánh sáng đầy đủ” này.

Nghệ thuật nào mà chỉ hai bóng đèn đủ tỏa sáng, ép chế ánh sáng phải từ bỏ đường thẳng mà hóa ra quanh quẹo? Một bóng tròn chung cho bếp và nhà vệ sinh. Cù và thằng em khi vào nhà vệ sinh là đương nhiên được hưởng quyền “tự do không cần đóng cửa.” Ngồi tầy huầy cu dái từ bên trong nhìn ra ngoài, anh em cười vui quá đã.

Gác gỗ được đục ra một cái lỗ. Một bóng đèn nê-ông sáu tất từ dưới nhà xỏ ngược lên, qua cái lỗ, ánh sáng chia hai. Cả trên gác lẫn dưới nhà đều sáng qua ba tấc đèn nê-ông mỗi nơi. Chỉ hơi dễ xùng cơ, một chút bất tiện “đột xuất,” nhưng “sự cố” này không trầm trọng mấy, ở chỗ, là phòng khách thì thuận chiều ánh sáng rọi từ trên xuống nền nhà, còn trên gác ánh sáng ác nhơn rọi từ dưới sàn lộn ngược lên, thằng Cù chỉ có thể nằm ngửa trên sàn gỗ nhìn lên nóc nhà mà học bài.

Bọn nhóc ba anh em thường bị bỏ ở nhà, đứa lớn nhất mới mười một tuổi. Cha thằng Cù cũng là nhà phát minh ra cái “xe bàn,” có một bánh xe nhỏ xíu dưới mỗi chân bàn; khi bình thường dùng làm bàn ăn cơm, khi khách tới thăm là chỗ rót tách trà, khi gió mưa là “cầu phao” để bọn con nhỏ khỏi chết đuối trong nhà.

Sở dĩ dưới mỗi chân bàn có cái bánh xe nhỏ, là ý cha mong lũ con được di chuyến thảnh thơi chút đỉnh trong nguy khốn, bồng bềnh lai rai trên nền nhà lúc mưa lũ như thuyền bè phiêu du ngoài sông nước.

Mỗi cơn mưa ngập hai đứa em nhỏ thằng Cù ngồi trên xe bàn an toàn. Cù có thề đẩy bàn di chuyển nhẹ hều trong nước ngập trên nền nhà, bập bềnh là giày dép, rác, thau nhựa, túi ni lông, có khi cái áo của cô Tầm trôi từ nhà bên kia qua bên này, cái áo chết nước.

Bọn nhỏ thích ác chiến cái trò ngồi trên xe bàn vui vẻ nhìn ra ngoài đường hẻm nước ngập chảy cuồn cuộn, người lội bì bõm, xe gắn máy chạy nước bắn vòi trắng xóa như pháo bông một màu, tùm lum ra hai bên. Như cánh bướm một loài bướm trắng khổng lồ, có đó, xẹt cái, rồi tàn mất.

Nền đường phố vùng đất trũng này vài ba năm được công chánh đổ thêm đất đá, để nâng cao, chống ngập. Nền nhà hai bên đường, nhất là trong hẻm thấp dần như “tự lún,” để trốn vào lòng địa cầu. Cha mẹ thằng Cù bao năm không đủ tiền để nâng nền nhà. Nền nhà bỗng thấp hơn mặt đường chừng bốn tấc, mưa ngập đường ba bốn tấc nước, cộng thêm nước triều cường, là trong nhà này, nếu bọn nhỏ không ngự trên ghe bàn, có thể chết nước cái một, tại ngay cái chỗ được xướng danh là phòng khách.

Mỗi lúc đất trời thịnh nộ, bọn nhỏ nhà này không thích, đúng ra là không dám, leo lên cái gác nhỏ hẹp bít bùng không trần nhà; anh em thiếu cha mẹ ôm nhau lúc mưa dội rùng rợn trên mái tôn và gió giật như ma hú, giọt mưa như giọt quỷ, gió là bọn trấn lột gỡ tung từng tấm tôn cũ nát; những mảnh tôn bay xẹt tiếng rít thét trong từng không; lúc ấy thòi lòi một bọn nhóc rách rưới trong cơn rét run giữa một bầu trời mù đen. Một cõi mù đen thỉnh thoảng bị xé rách bởi sấm sét chẻ dọc.

° ° °

Hôm bọn Cuội và Cù trở lại, bà mẹ Cù nấu sẵn nồi khoai lang. Hai đứa bóc khoai chấm muối mè. Bị giam qua đêm, đói, Cuội ăn khoai thấy ngon hơn bôm nho nhà nó.

Hôm ấy bà mẹ Cù bị cảm cúm bỏ việc một ngày. Bà ngồi cạnh hai đứa trẻ, nghe chúng tâm tình những đối thoại ngây thơ, thẳng ron, không vướng mắc rào đón gì. Chúng ở ngoài cái thế giới đa đoan, đầy than vãn và buồn phiền của bà. Bà rất cảm động, cầu mong bọn nhỏ không phải chịu bao tai ách như thế hệ của bà. Bà cầu trời chúng phải có tương lai tươi sáng trong một đất nước đã im tiếng súng, bọn quỷ ma, nhờ trái gió trở trời, có đạo đức hơn một chút, một xã hội sẽ có thể ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất dư dả và tình người thấm đậm những cưu mang, thương yêu, giúp đỡ nhau. Cả một đời bà không thể bước ra khỏi nỗi tuyệt vọng, bà mong bọn nhỏ không thể cắm rễ vào đó mà lớn khôn.

Cù bẻ đôi một củ khoai đưa cho Cuội, nói Cuội hà mày chưa biết cả việc ăn khoai. Cuội cười nói khoai rất ngon nhưng tao nuốt khoai sao cứ nghẹn chỗ cần cổ. Cù đi rót một ly nước, nói mày uống phụ thêm nước cho trơn cái cổ họng.

° ° °

Một người đàn ông ngoài tứ tuần trông khắc khổ ốm gầy - chỉ một bất ngờ đổi đời, đã một thời an-cư-trong-nhà đá, ông đã trở già như một ông lão bảy mươi - dừng chiếc xe gắn máy cũ xì chỗ cửa nhà. Ông lui cui lấy sợi xích và cái ống khóa nội địa khóa vành bánh xe vào cái phụt nhún xe cho chắc ăn. Bọn quái xế lẹ như chớp. Quên khóa là toi. Chiếc xe hai bánh cà tàng này là cả một gia sản, nó “sản xuất” ra mọi thứ như gạo, cá, mắm, sách học của thằng Cù, một ổ bánh mì không thịt cho đứa con gái nhỏ ba tuổi, đơn giản vì nó là một chiếc xe ôm, là “mũi nhọn” kinh tế gia đình.

Khóa xe xong, ông ôm một bịch bự vào nhà, cười nói hôm nay tổ đãi, vớ được mấy cuốc xe đường xa bộn tiền, mua cho mẹ con em mớ gạo, ít thịt, mấy con cá trê này kho mặn kiểu cá kho tộ là “đậm đà bản sắc.” Ông là một người luôn hài hước.

Cuội ở chơi tới khuya vẫn không chịu về lại nhà cha mẹ. Cha Cù nói nhẹ nhàng:

- Cuội hà, cháu phải về, bác chở cháu về. Mai mốt sang chơi. Giờ này cha mẹ cháu ở nhà lo lắng lắm đó.

Cuội buồn rầu ngồi sau yên xe, ôm thắt lưng ông già Cù. Thằng nhóc nghe mùi mồ hôi, thấy thương, ở nhà bố nó thường dùng dầu thơm. Cha thằng Cù hỏi số nhà, thằng nhỏ nói bác cứ chạy con chỉ đường cho, con luôn đi học bằng xe hơi mà.

Thằng nhóc hứng chí tâm sự, xe gắn máy của bác gió lồng lộng mát hơn ngồi trong xe của ba cháu. Ông già nói, xe nhà cháu có máy lạnh chớ ? Dạ, nhưng xe hơi bít bùng, không có thoáng gió như ngồi cái xe hay rùng-mình- vặn-vẹo của bác thế này. Ông già cười, xe cũ xì mà cháu? Dạ, nó gào thét dữ quá, nhưng nó uốn éo cũng điệu nghệ.

“Nhà cháu đây, đây” Cuội nói. Ông già Cù dừng xe. Một cánh cổng lớn, nhà hai tầng, chiếc cổng cũ được xây lại cao to, sang trọng hơn. Ông ta đứng lặng người. Hóa ra nhà cha mẹ thằng Cuội đang ở chính là ngôi nhà của hai vợ chồng ông trước kia bị “cách mạng” tịch thu.

Cuội bấm chuông, cổng mở. Bà mẹ ôm con mừng rối rít quên cả người đàn ông đưa con mình về còn đứng đấy.

Cha thằng Cù quay đầu xe. Bà mẹ Cuội nghĩ ông ta là một người lái xe ôm, mang tiền trả, quên cả lý do từ đâu ông ta nhặt được thằng con cưng nhà mình mang trả. Cuội nói với mẹ, mẹ ơi đây là ba của bạn Cù. Bà mẹ tỉnh ra, mở lời xin lỗi, “Xin mời, mời bác vào nhà chút đã, ôi tôi thật là có lỗi.”

Lưỡng lự một vài giây, lúc đầu ông định nhân dịp này vào thăm lại căn nhà xưa, một phần ruột gan dĩ vãng, một nơi chôn cất một phần đời cũ, an táng niềm hy vọng một thời, nhưng sau ông nói lời cảm ơn và rồ máy xe. Một vô hình chặn lại. Một cách ngăn vừa muộn màng vừa đau đớn trong tâm dạ rao giảng: “Định mệnh đã sắp xếp.”

Đường phố rất tối. Một ngọn đèn sáu tấc được chẻ ra làm đôi, một nửa dưới gác thằng Cù đang học bài, nửa trên một chút ánh sáng le lói dội ngược, tận khuya ông già vẫn một mình ngồi rít thuốc lào. Khói rất đắng. Mùi nước man rợ đưa lại từ con kinh đen cầu Sạn cuối đường Bùi Thị Xuân. Ông nhớ mình còn nợ con, đứa con gái bốn tuổi một cái lồng đèn trung thu, thường ông dùng nan tre đan ráp lại, rồi bồi giấy màu gom nhặt đâu đó, có khi nó đã an phận là loài ve chai.

Ông ngồi với khói thuốc đến khi có tiếng gà lạnh lùng về sáng, một bọn gà thường chờ chết trong một phố phường háu nhậu. Gần sáng, trăng mười ba Tháng Tám đã mất màu, một cái trăng thiếu máu bạc phơ, đỉnh trời đêm trải rộng, nhưng dần dà mờ hoang, biến ra cái hóa kiếp lúc ngày sẽ về.

**

Thời gian trôi khá nhanh qua mười hai con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị,... mỗi năm một con vật hai chân/bốn chân/hoặc không có chân/bò, bay, chạy, trèo, ngự trong số mạng mỗi con người. Có khi anh cầm tinh con Trâu ít lanh lẹ bằng anh con Khỉ, anh con Rồng vì thanh cao mà không có tài lượm nhặt hạt rơi bằng anh con Gà. Bọn mệnh thần Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn,... thay nhau, rượt nhau, thời gian hóa ra lông, mọc cánh, mọc sừng, hóa ra móng vuốt, gió mưa, mây và trăng; bọn thằng Cuội-Cù đã có non hai mươi năm bè bạn thân thiết, một tình bạn nằm ngoài căn gốc của cha ông, một căn gốc nhục nhằn, bọ sâu đến tổn thương linh hồn.

Cù học sinh xuất sắc được ngay học bổng ra nước ngoài sau khi vừa xong bậc trung học, Cuội cha mẹ giàu có cho con du đi học theo đường gia đình tự túc; cả hai đều đỗ tiến sĩ, cả hai đều được mỗi trường đại học lưu lại làm phụ giảng. Bọn ba mươi tuổi này hãy còn rất nhiều điều kiện và thời gian học hỏi, nghiên cứu, để hoàn chỉnh hành trình, đóng góp nhỏ nhoi riêng mình; trí thức, những chỗ đứng vô danh, nhưng đóng góp là rõ thực.

Trong nhiều thập kỷ, cha mẹ thằng Cù chẳng ai dặn dò ai, nhưng cả hai đều tuyệt giữ bí mật, không hề tiết lộ tai nạn mất nhà cửa đến tai bọn nhỏ, cũng như bố mẹ Cuội. Chẳng ai muốn trí nhớ phải quay lại những điều bất trắc; với họ, ngậm ngùi quá khứ, tiếc rẻ hay đau xót về sự táng gia bại sản chỉ là sự tự chôn mình.

° ° °

Một ngày Xuân, hai thằng tiến sĩ có số tuổi bằng nhau cộng lại là sáu mươi hai, về thăm quê nhà. Hai thằng trắng bong, mập đẹp, râu hàm trên rậm rạp được cạo nhẵn, bày ra màu da xanh-chân-râu như da trời loãng. Chẳng đứa nào cưới vợ. Cuội khoe với bà mẹ Cù:

- Bác ạ, bao năm cháu vẫn giữ cái bao tiền lì xì Tết của bác đây. Nó là kỷ niệm quý giá, bất ly thân của cháu.

Cuội móc bóp, tiền trong bao lì xì nhỏ xíu màu đỏ chỉ đúng một đồng. Một đồng bạc vào thời buổi đón Tết mừng xuân này mua được một phần bảy ký khoai, giá ngoài quốc doanh; giả dụ một ký khoai 10 củ giá 7 đồng, thì tiền mừng tuổi này mua gần một củ rưỡi. Bao lì xì do mẹ thằng Cù chế ra từ một cái bao nhang, một bao nhang làm được ba cái bao lì xì cho bọn trẻ. Hà tiện đúng “nhân cách,” thời non sông hòa bình, Bắc-Nam thống nhất.

Cuội mở cái cặp, lấy một tấm hình rất cũ tặng cha thằng Cù:

- Cháu tặng bác tấm hình này. Sao vậy bác?

Ông già thằng Cù bàng hoàng nhìn tấm hình chụp toàn gia đình trong ngôi nhà cũ của ông, tức là ngôi nhà to lớn cha mẹ tiến sĩ Thắng đang ở hiện nay. Hai màu trắng đen trong tấm hình đã ố vàng, hiện ra ông với vợ và hai thằng con trai xinh xắn; hồi này cô gái út chưa chào đời; phòng khách rộng bàn có bình hoa, trên tường có bức tranh thiếu nữ, do một họa sĩ bạn tặng cho ông.

Cuội hỏi:

- Sao vậy bác? Trong nhà con lại có hình gia đình bác?

Cuội mơ màng nói, khi mọi người mơ màng nghe:

- Khi cha mẹ cháu tiếp thu nhà mới, trong một kệ nhỏ có tấm hình này, chừng như ai đã vội vã ra đi, tấm hình ở lại. Sao vậy bác ? Sao ai đó lại là bác?

Ông già Cù cười hiền hòa, ông nói:

- Cháu nên tặng tấm hình này cho anh tiến sĩ Cù. Tấm hình còn nguyên đó nhưng những băn khoăn về nó của cháu thì nên như nắng trong ngày: “Không thể còn chút ánh mặt trời nào trong đêm.”

 

Cung Tích Biền

Sàigòn,
Ngã tư xóm Gà, tháng 10, 2011



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét