Trần Hoài Thư từ xa về, ở tạm nhà tôi mấy hôm để tôi đưa đến Tòa soạn Bách Khoa “coi mắt” người trong mộng đã hò hẹn qua thư. Nàng ở tận miền Tây, mê THT qua thơ văn… Hai người chưa hề biết mặt nhau. Suốt mấy ngày, THT đi vào đi ra nôn nao lắm. Tôi đưa anh đi bằng cái xe vespa cà tàng của tôi nơi này nơi khác, lúc café, lúc bánh cuốn nóng đầu hẻm cho vui, nhưng anh không vui mấy mà có vẻ lo lo. Đi phép có mấy ngày. Thời chiến. Bách Khoa có Lê Ngộ Châu như ông mai, môi giới cho hai trẻ.
<!>Tôi gặp THT lần đầu ở Nha Trang, nhà anh Huy Hoàng trên đường Độc Lập. Anh Huy Hoàng có một cửa hàng sách báo, tánh tình cởi mở, vui vẻ, luôn “bao che”, “bọc lót” cho anh em văn nghệ sĩ khắp bốn phương, ai cũng quý mến. Anh lại là một cư sĩ Phật giáo, có tâm Bồ-tát, thường nói với tôi phải luôn sống với tâm từ bi hỷ xả. Sau quán sách của anh là một căn gác nhỏ xíu, như cái chuồng bồ câu, anh em văn nghệ thường làm chỗ họp mặt, đàn hát, ngâm thơ, chuyện trò sôi nổi và nhiều buổi cùng cơm nước với gia đình anh. Tôi gặp THT ở đó, gặp Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Sa Mạc, Mang Viên Long, Thanh Hồ ở đó… hình như cả Ngô Thế Vinh, Trần Hữu Ngũ… Đó là những năm đầu thập niên 70, tờ Ý Thức cũng vừa đổi mới, ra bán nguyệt san, in typo đàng hoàng và tôi cũng là một anh em trong Nhóm chủ trương. Tôi nhớ lúc đó đã đăng những bài thơ như Niềm tin chưa mất, Thư cho bé sơ sinh … và cả những bài đọc sách, Thơ điên của Nguiễn Ngu Í, Như cánh vạc bay của Võ Hồng, bài phỏng vấn Nhã Ca, Túy Hồng, Thụy Vũ… đều ký bút hiệu Đỗ Nghê. Tôi đọc THT từ những truyện ngắn, những bài thơ đầu tay của anh và rất mến phục. Anh không làm dáng, kiểu cách thời thượng, mà nó chân thành, đầy cảm xúc… Dĩ nhiên THT cũng đã đọc Đỗ Nghê nên khi gặp nhau đã quá thân quen.
Ở Nha Trang, những ngày đó ngoài giờ làm việc ở bệnh viện, tôi đến gặp anh em ở nhà anh Huy Hoàng và thường chở vespa đưa THT đi ra mấy ki-ốt ở bãi biển, ngồi uống café, bàn chuyện văn chương và nghe sóng vỗ! THT thỉnh thoảng về phép, có khi về không phép, vui chơi đôi lúc với anh em rồi vội vã đi ngay.
Hôm đó đúng hẹn với Y, người trong mộng tại báo Bách Khoa, tôi thấy anh hồi hộp lắm, ăn mặc có chút chải chuốt hơn như chàng rể đi coi mắt vợ. Tôi lấy xe vespa cà tàng của mình đưa anh đến BK và lén bỏ đi ngay cho họ tự do tâm tình mà không có mặt mình. Ai dè lát sau THT về nhà, tiu nghỉu, đầy vẻ thất vọng vì nàng không đến như lời ước hẹn mà cũng không một lời giải thích. Ngay sáng sớm hôm sau, anh “cuốn gói” lên đường, trong một nỗi tuyệt vọng rã rời chưa bao giờ tôi thấy ở một chàng trai “giang hồ” đầy khí phách nơi gió cát như vậy. Tôi không dám có một lời khuyên. Đành đưa anh lên đường và hai bạn vào một quán café góc phố trên con đường Phan Đình Phùng xóm Bàn cờ quen thuộc.
Tôi nhìn anh rít thuốc lá như nuốt hết khói vào trong. Thời chiến. Mùa hè đỏ lửa. Tôi biết anh đi không chắc trở lại. Bỗng dưng tôi viết rất nhanh:
Ta cũng muốn ngâm tràn câu tống biệt
Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng
Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt
Có ai còn thổi sáo trên sông…
Trời buổi sáng mù sương lớp lớp
Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời
Và khí phách thôi một thời trẻ dại
Ta nói gì cho bớt chút chia ly…
Rồi đột nhiên không cầm lòng được, tôi bỗng viết tiếp:
Người yêu thương cũng vội vàng lỗi hẹn
Còn gì không hay một thoáng chiêm bao
Ơi cánh chim của mùa xuân lỡ đến
Khoảng trời xanh còn chất ngất xôn xao
Ta bè bạn dám đâu lời can gián
Một giờ yêu cũng đủ một đời vui
Hãy tin tưởng có hôm nào trở lại
Cho trời xanh và mây trắng đẹp đôi…
Rồi tôi quay trở lại với dòng thơ “tống biệt” của mình:
Đưa người ta nâng ly cà phê nhỏ
Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi
Rồi khói súng người tập tành nỗi chết
Ta trở về hiu hắt đường khuya
Ta đã nói gì hình như chưa nói
Những dặn dò những hứa hẹn bâng quơ
Rồi người bước đường hoang lạnh quá
Ta đứng nhìn nghe ngày tháng đong đưa…
(Đỗ Nghê, 1972)
Khi in tập Thơ Đỗ Nghê năm 1974 – (Ý Thức xuất bản, ronéo, dành tặng bạn bè anh em – do Lữ Kiều Thân Trọng Minh, Trần Hữu Lục, Nguyễn Sông Ba … thực hiện ở Đà Lạt với hình bìa tranh Nguyễn Trung do Hoàng Đăng Nhuận trình bày, rồi Hoàng Khởi Phong mang xe chở sách về tận Saigon cho Đỗ Nghê) thì tôi đã đăng nguyên 6 khổ của bài Buổi tiễn đưa này, thế nhưng 20 năm sau, khi in lại trong tập Giữa hoàng hôn xưa, tôi cắt bỏ 2 khổ giữa, vì nghĩ đây là chuyện rất riêng tư, không nên nhắc, có thể khiến THT buồn! Vả lại, bài thơ cắt gọn sẽ cô đọng hơn.
May thay, tôi còn giữ được bản thảo do Lữ Kiều gởi lại cho. Chuột gậm, mối nhấm, nhưng có hề gì! Bản thảo đánh máy trên giấy pelure mỏng, máy chữ Olivetti, cắt dán, phết keo phía sau thời đó trông cứ tưởng như bài thơ bị xóa.
Không đâu, keo hồ đó thôi, phải không Trần Hoài Thư?
Đỗ Nghê
(Đỗ Hồng Ngọc, tháng 12-2016)
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 73 – tháng 1-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét