tranh nguyễn trung
Hễ họp gia đình, là y như rằng, cứ rối như canh hẹ ấy. Mỗi người một
phách. Mấy cái mồm đàn bà cùng ngoạc ra một lúc. Giá thêm mấy tiếng lợn
con
eng éc, tiếng càng cạc của mấy con vịt thì đúng là một góc chợ Cao quê
tôi thật.
Ông anh trưởng nhà tôi, bộ quần áo ngủ nhàu nát, mặt mũi nhăn nhó và
nhầu nát còn hơn cả quần áo, không biết làm thế nào, đành nói một câu
can không ra can, lệnh không ra lệnh: “Thôi đi các cô, cứ như cái chợ
ấy!”.
Khi mẹ tôi nằm xuống cũng thế, mà lần này bốc mộ cho cụ càng như thế.
Không có ai đủ sức lo liệu, quán xuyến chuyện cỗ bàn đã đành,
mà chuyện xây mộ ra sao, kiểu cách, đóng góp thế nào, đối với những
người quen ỉ lại người khác đều là những con tính khó. “Giá mà có chị
Tâm...”.
Bà chị hai tôi ngao ngán thở dài.
... Lúc mẹ tôi ngã bệnh, bà bảo tôi, chứ không bảo với ông anh trưởng:
“Con gọi chị Tâm về cho mẹ”. Anh tôi cũng ngồi đấy, vừa mới rụt rè
mở miệng: “Nhưng mà cô ấy...” thì bà đã lạc giọng đi, không biết vì quá
yếu hay vì quá giận: “Không việc gì đến anh”. Anh vội im bặt.
Tôi vừa mới dắt xe ra khỏi nhà, chưa kịp nổ máy thì chị dâu tôi đã đỗ xe
trước cửa. Thiêng thế!
Chị gạt chân chống, cứ để xe đứng giữa cửa, bởi biết rằng, không cần bảo
tôi cũng sẽ dắt vào. Vẫn những bước đi nhanh nhẹn của
một người phụ nữ tháo vát, chị xăm xăm bước vào nhà, tự nhiên như hôm
qua, hôm kia, mình vẫn bước vào nhà này như thế.
Chị không chào hỏi ai, chỉ khẽ gật đầu mấy cái với chúng tôi. Chị đến
bên mẹ, tay trên, tay dưới nâng bàn tay khẳng khiu chỉ còn
da bọc xương của bà ấp lên má mình. Hai dòng nước mắt chảy xuống đôi má
bầu bầu, gặp tay bà dừng lại, chảy ngang, làm ấm lại bàn tay
nhăn nheo. Không biết gò má chị hay câu nói thì thào, khi chị ghé xuống
sát tai bà: “Con đây mẹ ạ” đánh thức, mà mi mắt mẹ tôi
khẽ động đậy sau một đêm dài nhắm nghiền. Mắt bà khó nhọc mở ra, nhìn
chị mãn nguyện. “Con gội đầu cho mẹ”. Bà nói khẽ lắm,
những người ngồi xa không nghe thấy. Chị Tâm phải “dịch” lại. Hai bà
chị gái ý tứ đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu. Tôi đọc thấy sự ghen
tị và thất vọng.
Chị Tâm quay ra nói với mọi người, như giải thích về sự có mặt của mình:
“Không phải vì mẹ bảo chú gọi - chị quay nhìn tôi - mà tôi
về đâu. Dẫu thế nào, tôi vẫn có nghĩa vụ phải đến. Nhưng có đúng là mẹ
bảo chú gọi tôi không?” - “Làm sao mà chị biết?”. - “Đang làm
việc ở cơ quan. Tự nhiên thấy nóng ruột. Tôi chắc là mẹ gọi, vội đến
ngay”.
Học hết cấp hai, anh tôi bỏ học, qua một lớp đào tạo lái xe, vào làm cho
cơ quan anh trai chị. Hai anh tổ chức đi chùa Hương,
có cả mấy người anh chị em họ của hai bên nữa - gần chục người. Anh tôi
làm quen với chị trong lần đi ấy. Nhưng cũng trong lần đi ấy,
tôi thân với chị. Rồi nhờ anh chị sắp đặt mà anh tôi lấy chị lúc đang
học dở cấp 3. Chị sinh cháu gái đầu, lúc học năm cuối Trường
Sư phạm mẫu giáo. Học xong, chị không đi dạy mà xin vào làm ở phòng lễ
tân, Vụ Hợp tác quốc tế của một Bộ.
Gái một con, mái tóc cắt ngắn, ôm lấy khuôn mặt bầu bầu, đôn hậu của
Thúy Vân, trông chị như cô nữ sinh trung học. Hai hàng lông mày
không kẻ, không tỉa mà vẫn thanh mảnh tự nhiên, trên đôi mắt tròn, lúc
nào cũng lấp lánh niềm vui, mà đúng ra, như người khác, phải lẩn
khất những u buồn. Đôi môi mọng như trái dâu tây chín sau trận mưa đêm
để lộ hai hàm răng trắng muốt, nhỏ, đều tăm tắp. Phụ nữ mà dong
dỏng hơn mét sáu, cân đối, nở nang là giấc mơ của tất cả cánh đàn ông.
Những bữa liên hoan gia đình, những lần giỗ tết, nhờ tay chị mà trở
thành những bữa tiệc thịnh soạn, sang trọng và ngon miệng. Từ ngày
chị về làm dâu, mẹ tôi nhàn nhã hẳn. Điều quan trọng hơn là mẹ tôi có
được một cô dâu Hà Nội mà nết ăn, nết ở rất hợp với bà.
Đến cả thiên chức sinh nở của chị cũng thật tuyệt: Gái đầu lòng, trai
thứ hai, cứ như tiên đồng giáng thế. Cả hai đều giống chị
như lột. Mẹ tôi hễ cứ gặp thông gia là suýt xoa cảm ơn đã khéo dạy cháu
nhà nên bây giờ tôi mới được nhờ.
Đối với công việc của phòng lễ tân, chị ăn đứt các nhân viên khác. Chị
sáng ý và rất ý thức - điều cần cho công việc này -
nên giao việc gì cũng được tín nhiệm, không ai có thể làm tốt hơn. Cái
cách pha rượu cốc tai của chị thì nổi tiếng cả trong,
ngoài Bộ. Đã có mấy cơ quan đánh xe đến mời chị pha rượu giúp cho những
bữa cốc tai quan trọng của họ. Món cà phê cứ tưởng
đơn giản mà hóa ra cũng có bí quyết, có công thức riêng. Tôi không thể
tin được, nước pha cà phê của chị, phải là nước dùng
luộc gà mái ghẹ, lọc qua bông gạc cho sạch váng mỡ. Đã mấy vị nguyên
thủ phương Tây sang thăm ta tấm tắc khen tách cà phê chị pha.
Cơ quan có những việc vui, đôi khi buộc chị cũng phải uống rượu cho có
không khí. Đã có lần họ thách chị uống vốt ca, một anh
táo tợn mượn hơi rượu, lồng cánh tay vào cánh tay chị cùng 100%, chị
cũng ngửa cổ uống cạn. Sao mà ghét thế không biết.
Tôi vốn ghét rượu bia nên trông cảnh ấy càng ngứa mắt. Mặt cứ như đâm
lê. Nhìn thoáng một cái, chị biết ngay tôi nghĩ gì.
Chị đến ngồi bên cạnh tôi. Tôi giận dỗi quay đi chỗ khác. Giọng chị rõ
ra là làm lành: “Chú sợ tôi say chứ gì. Phụ nữ mà
say rượu thì còn gì là phụ nữ”. Mà chị không say thật, vẫn tỉnh táo,
nói năng từ tốn, đúng mực.
Trót sa vào chuyện chồng con sớm, không được học hành đến nơi đến chốn; để phục vụ cho công việc, chị học thêm ngoại ngữ.
Vốn sáng dạ, lại xác định rõ mục đích học, thêm cái chăm chỉ, chị dùng tiếng Anh thành thạo đến nỗi nhiều người cứ tưởng
chị tốt nghiệp đại học ngoại ngữ. Mặc dù chỉ là nhân viên, không chức sắc gì, nhưng chị đã xác lập được vị trí không dễ thay
thế và biết tận dụng lợi thế ấy. Thấy chồng hay phải đi công tác xa, chị xin cho chồng về cơ quan mình, để chỉ loanh quanh
trong thành phố, có thì giờ học thêm sẽ kiếm việc khác.
Nhưng chuyện đời không diễn ra như cách tính của chị. Ông chồng càng
nhàn rỗi lại càng hư người. Bảo học vi tính, học bổ túc
văn hóa cho có mảnh bằng phổ thông trung học thì kêu, bỏ học lâu quá
rồi, học không vào nữa. Suốt ngày chỉ loay hoay với
mấy cái vé xổ số và đánh đề. Những người có học vấn khá, không ai đánh
xổ số, như một thú đam mê nghiện ngập. Đánh chơi cho vui,
bằng mấy đồng tiền lẻ thì chẳng nói làm gì. Đằng này lại đánh chuyên
nghiệp kia. Của đáng tội, cũng đã có mấy lần trúng quả.
Không nhiều nhưng cũng làm cho chồng chị, vốn giàu trí tưởng bở, đâm
nghiện, với hy vọng vận đỏ sẽ đến. Tôi đã giải thích cho
anh rằng, nếu may mắn mà vớ được giải độc đắc, coi như của trời cho,
chạy làng, không chơi nữa thì được. Còn cứ chơi mãi,
dù có được thì càng ngày số tiền bỏ ra và số tiền thu vào càng tiến tới
bằng nhau. Lý thuyết xác suất thống kê đã chỉ
ra như vậy. Trước mặt vợ, anh mắng tôi: “Có học mà nói không ngửi được.
Mày nói như một thằng phản động...”. Tôi vừa tức,
vừa ngạc nhiên: “Em phản động ở chỗ nào?”. “Thế mày bảo Nhà nước hô hào
mua xổ số xây dựng đất nước, là ích nước, lợi nhà,
thì họ hô hào ai? Nếu chúng tao không mua thì Nhà nước bán cho chó à?”.
Tôi vỡ lẽ: “Đấy là Nhà nước kêu gọi mua xổ số.
Còn anh chơi đề, hòng vớ bẫm cơ mà”. “Khác... gì. Đều là được thua, may
rủi cả”. Anh không biết vì sao số mình lúc nào
cũng đen như đít nồi. Đồng tiền lương còi cọc cũng khất lần rồi quỵt
luôn vợ. Không phải lúc nào cũng phải chạy xe, thế
là tá lả, tiến lên, ghi số đề với đám bạn rượu. Không được uống ban
ngày (vì nhỡ còn phải lái xe) thì buổi tối, hết giờ
làm việc. Thế là kéo dài tới khuya, chả màng gì đến vợ con. Có lần,
đang ngồi đứng dậy, định ra ngoài xả bớt rồi vào ăn tiếp,
vừa mới nhấc chân lên định bước, đã mất thăng bằng ngã bổ chửng, giáng
mông đít vào chính giữa mâm rượu. Lần thì vào được
khu phụ, nôn thốc nôn tháo, rồi gục luôn xuống sàn, đầu dựa vào bệ xí
bệt mà ngủ. Chủ nhà phải gọi điện cho vợ đến đón về.
Hôm sau, chị tôi thật thà mách cho chồng cách chống say thì anh chửi:
“- Sao ngu thế! Uống rượu mà không say thì phí rượu.
Tao cần say. Say cho quên đời, quên vợ con”.
Thật ra, chưa say anh đã quên vợ con rồi. Tôi không biết vì cớ gì mà anh
chị cứ như mặt trăng mặt trời. Không cãi nhau, không to tiếng...
nhưng chẳng ai nói với ai một câu. Chẳng ai nhìn ai dù chỉ một lần trong
ngày. Ngay cả trong bữa cơm hiếm hoi anh ăn cùng vợ con,
cũng không ai nhìn ai, không ai mời ai, nói gì đến trò chuyện.
Lần này, cả nhà tôi lại như ngồi quanh nồi canh hẹ. Hệt như ba năm
trước. Nhưng không ai dám ao ước điều kỳ lạ ngày ấy lặp lại.
Tuy trong thâm tâm, ai cũng nghĩ đến nó, mong nó lại đến. Không thể xảy
ra cái điều vô lý ấy được nữa. Bởi nó xa quá rồi.
Cuộc họp gia đình trở nên bế tắc. Không ai dám đứng ra nhận trách nhiệm
lo toan quán xuyến, cắt đặt mọi việc. Vợ tôi có ý
thức của cô dâu út, dâu mới nên cũng muốn thể hiện mình, nhưng tự biết
không đủ năng lực, nên không dám mạo hiểm xin cáng
đáng. Việc xây cất ở thành phố thì chỉ cần bỏ tiền ra là sẽ có người lo
trọn gói. Đằng này là ở nhà quê, mà chết nỗi chẳng
có ai trong anh em tôi có ý thức về họ hàng ở quê, không hay về nên
cũng không biết ai với ai. Cũng chẳng ai biết phong tục
bốc mộ ở quê tôi thế nào. Ít nhất cũng phải cất công về trước vài ngày,
liên hệ, hỏi han. Việc xây cất thì có thể làm ngay sau đó.
Nhưng nếu muốn ốp đá men đỏ như thiên hạ bây giờ đang đua nhau làm, thì
cũng không thể ốp ngay được. Phải để cho gạch khô đã,
mấy hôm sau mới làm được, nghĩa là lại phải cất công về lần nữa... Mỗi
người đưa ra một ý nhưng không nêu cách giải quyết,
cũng không ai nhận thì có khác gì bàn lùi.
Bất giác, mọi người cùng nhìn ông anh cả tôi, rủa ngầm: “Ngu hết chỗ
nói”, “Bây giờ mới trắng mắt ra, thân tàn ma dại”.
“Thế mà cũng dám mời mọi người đến họp bàn”. Bà chị thứ hai không chịu
được nữa: “Thế anh định bắt chúng tôi ngồi đến bao giờ đây?” -
“Thì mỗi người một việc vậy, chứ làm thế nào?”. Bà này đâu có vừa: “Thế
anh nhận việc gì, hay đợi lên mâm nhận việc
ngất ngưởng tu rượu cúng?”.
Mọi người ghét anh thế nhưng thỉnh thoảng có cái gì vẫn cho. Khi thì tiền, khi thì đồ dùng,
nhà nào tổ chức sinh nhật con vẫn mời đến dự.
Chị tôi không biết rằng, mình đã sai lầm khi xin cho chồng về cùng cơ
quan. Sự chênh lệch về địa vị sẽ làm cho một người chồng
có nghị lực tự ái vươn lên, để giữ lấy hạnh phúc của mình, nhưng nó sẽ
gây ra tâm lý tự ti, mặc cảm thường trực cho người không
có bản lĩnh, vì lúc nào cũng sợ bị đem ra so sánh trước mặt mọi người.
Hai vợ chồng ngang nhau mà chồng đứng lại, đã là
đi xuống rồi, nữa là vợ chồng vốn đã chênh lệch mà vợ lại đi lên, chồng
đi xuống thì nghịch mắt, trớ trêu lắm. Ông anh
tôi tự ti đến mức không dám cả gần vợ. Cứ xem cái cách mỗi khi anh đi
làm về cũng nhận ra điều ấy. Người ta về nhà thì thoải mái,
tự do, nói năng đàng hoàng, đúng vai chủ nhà. Đằng này cứ như là ở trọ
ấy! Anh đi như một cái bóng, về cũng như một cái bóng.
Một cái bóng im lặng, len lét. Đi lúc vợ con chưa dậy, về vợ con đã ngủ
cả rồi. Lặng lẽ leo lên giường, gian phòng lập tức nồng
nặc hơi rượu, bia.
Đã không là chủ nhà về trí tuệ, lại không là chủ về kinh tế thì thế thôi. Không chịu học thì phải dốt. Đã dốt lại không tháo
vát thì chỉ còn biết có mấy đồng bạc lương còm. Phong bì cho lái xe, ăn theo thủ trưởng, là thứ đãi bôi gọi là, trọng lượng
có là bao. Vì thế mà nghèo. Đã nghèo thì đành chịu hèn vậy. Chị Tâm không thấy chồng đưa lương nữa, biết chồng không có
thu nhập gì thêm nên cũng không hỏi bao giờ. Thì cũng tằn tiện mà tiêu thôi chứ!
Chị cáng đáng tất tần tật, cả chuyện ăn ở, chi tiêu, lẫn tiền nhà trẻ, tiền học nhạc của đứa lớn rồi còn gì... Chị uất
nhất là việc chồng ghẻ lạnh chuyện chăn gối. Chị biết nhan sắc mình vào loại nào chứ. Cùng cơ quan, không chỉ một, mà
hai và không chỉ hai đâu. Bạn thân có, cấp trên có, cứ muốn vượt qua giới hạn... thế mà về nhà, chồng cứ dửng dưng như
người dưng nước lã. Bao nhiêu uất ức dồn nén, chị nói với chồng một câu nhẹ không, nhưng thật nghiệt ngã:
“Thà tôi góa chồng đã đi một nhẽ”.
- “À, cô rủa tôi chết chứ gì, để lấy thằng khác hơn thằng này chứ gì?”. Anh giang thẳng tay tát chị. Tôi liền chạy
vội sang, đẩy anh ra. Cú đẩy của lòng căm tức làm anh ngã dúi dụi.
- Anh không được đánh chị ấy!
- A, thằng này, mày bênh nó à?
- Thì bênh anh chắc? Anh hỏi cả nhà, cả họ xem có ai bênh anh không?
Anh tôi vẫn hằm hè, định xông vào đánh nữa. Tôi đứng chắn trước mặt chị, trợn mắt:
- Anh mà đánh nữa là tôi ra đòn đấy!
Tôi rất quý hai cháu con chị. Hễ rảnh rỗi một tý là chơi đùa với chúng. Một lần chị bước ra, bắt gặp tôi đang ôm riết
cháu gái vào lòng, âu yếm thơm lên má nó. Nhìn thấy chị, tôi thở dài buông cháu ra, bỏ về phòng mình.
Chắc chị đọc được tâm trạng tôi.
Một lần chị hỏi:
- Sao chú không lấy vợ đi, công ăn việc làm ổn định rồi còn gì.
Tôi quay đi.
- Chưa tìm được nửa của mình.
Chị cố cười vui:
- Cơ quan tôi có mấy đứa mới về, xinh mà ngoan lắm! Tôi làm mối cho chú nhớ!
Tôi lấp lửng:
- Cô nào giống hệt chị, em lấy ngay!
Sau cái tát ấy, chị xin phép mẹ tôi đưa hai con đi: “Mẹ thấy đấy, con đã như không chồng mấy năm rồi. Nếu không
chia tay với anh ấy, thì các cháu bà sẽ hỏng. Thà con vừa làm mẹ, vừa làm bố còn hơn”. Mẹ đẻ chị bảo chị về với mình.
Ở đấy chị vẫn còn một căn buồng thời con gái. Chị không về. “Con mà ỷ vào mẹ thì không thể nào mặt mũi sủi tăm lên được”.
Chị thuê một căn hộ. Trước đây, dù ăn ở riêng, nhưng có bà nội và tôi đỡ đần, bây giờ, cái gì cũng đến tay.
Trong một thời gian ngắn, chị đã quyết định hai việc lớn trong đời. Thứ nhất, chị ra điều kiện với chồng,
nếu anh đồng ý li dị để tôi nuôi cả hai đứa, thì anh không phải trợ cấp gì cả. Ti vi, tủ lạnh anh giữ mà dùng.
Nhà cửa chia đôi. Nếu anh mua lại nửa của tôi, anh sẽ trả tôi theo giá thỏa thuận. Nếu tôi mua lại nửa của anh,
tôi sẽ trả anh theo giá đã thỏa thuận như thế, cộng thêm hai cây nữa. Nhưng với điều kiện, anh phải dọn hết đồ
đạc ra khỏi nhà, tôi thay khóa mới rồi mới đưa tiền.
Việc thứ hai. Chị xin cơ quan, cho chồng không bị buộc thôi việc. Thủ trưởng cơ quan vốn mê chị, ỡm ờ:
- Thế anh được gì nào?
Thừa biết ông ta muốn gì, nhưng chị xoay câu chuyện sang hướng khác:
- Vâng, em sẽ không còn là quân của anh nữa. Anh muốn lấy cô nào trẻ trung thay suất của em thì tùy.
Thủ trưởng không ngờ chị đi nước cờ lảng này. Miếng mồi ngon, dù chưa hy vọng gì, cũng vẫn còn trong tầm tay với,
bỗng nhiên biến mất thì cáu:
- Đã phải nhận cái tay tài xế nát rượu ấy, lại với điều kiện cho em đi. Em có thấy vô lý không? Thế em nghĩ
thiên hạ dại hết, chỉ mình em khôn thôi à? Cô bé ơi, điều kiện của anh thế này cơ: Anh sẽ không đuổi việc chồng em,
nhưng em phải ở lại với anh.
Đến đây thì chị phải giở bài:
- Trong chuyện này, đàn ông các anh không tính bằng đàn bà chúng em đâu. Anh có biết câu này không “Càng đi càng
thấy càng gần. Càng xa càng nhớ, càng gần càng xa”? Em ở lại sẽ rất bất tiện. Trước hết là trong mối quan hệ với
chồng cũ em. Hai nữa là... là... quan hệ... với... anh.
Nghe bùi tai, thủ trưởng đồng ý liền.
Tôi leo năm tầng gác gõ cửa nhà chị. Chị sững người khi nhìn thấy tôi. Không cần hình dung cũng biết, người thiếu
phụ một nách hai con nhỏ trong thời buổi này vất vả thế nào. Nhưng chị vẫn giữ được nét thanh xuân thời con gái.
Lại có vẻ thanh thản hơn là khác. Hẳn là vì đã trút được gánh nợ đời.
- Đành phải thế thôi chú ạ. Đã hoại tử thì chỉ còn có cách tháo khớp. Thà chỉ có những người bạn tốt để chia sẻ,
còn hơn có một ông chồng tồi mà cô đơn. Điều tôi chán nhất là anh ấy không đàng hoàng. Phải có ý chí mới sống được.
Chỉ cần anh ấy được một phần của chú thôi, có phải phúc cho tôi không. Anh em ruột mà sao khác nhau thế cơ chứ?
Chị nhìn ra ngoài cửa sổ, một chậu hoa mười giờ, bông vàng, bông đỏ tía đang rực lên. Nào tôi có trách gì chuyện
chị bỏ anh tôi đâu. Tôi đến, chỉ cốt được nhìn ngắm chị cho đỡ khắc khoải. Đột nhiên chị quay lại, nhìn đăm đăm
vào mắt tôi một lát rồi mới nói cái điệu chắc đã nghiền ngẫm rất lâu: “Không thể làm gì khác đâu chú ạ”. Rồi
tự nhiên đổi cách xưng hô: “Chúng mình không thể để người đời đàm tiếu được”. Mắt chị ầng ậng nước - cái
lần đi chùa Hương ngày ấy... coi như đã trao xương gửi thịt cho nhau rồi... chỉ tại... số trời không cho ở với nhau thôi”.
Tôi nhìn chị, ngổn ngang, rối bời. Chị nhắm mắt lại. Hai hàng nước mắt ứa ra, từ từ lăn xuống đôi gò má bầu bầu.
Tôi cầm hai tay chị, bóp chặt trong tay mình, rồi chầm chậm áp hai bàn tay ấy lên hai má mình. Tôi lại có
cảm giác thân thiết như ngày nào.
Chị bắt đầu ăn chay. Người thiếu phụ có thể uống rượu cùng cánh đàn ông, bây giờ tuyệt nhiên không động đến
thịt, cá. Là một cách diệt dục của đạo Phật chăng? Buổi sáng, chị uống một cốc bột thập cẩm ngũ vị gồm gạo nếp cẩm,
đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành, đậu đen, đỗ trọng, hạt sen, ý dĩ, ngô nếp... rang thơm, nghiền kỹ,
thêm chút đường gọi là. Tôi đã dùng một bữa cơm chay trên chùa Chân Tiên, nhân lễ lên chùa 49 ngày thân mẫu một người bạn.
Trông hệt như một mâm cỗ mặn thật. Cũng thịt gà luộc, cũng giò chả... nhưng đều làm bằng đỗ xanh. Món nộm thì chỉ là nộm vừng,
lạc thôi, không có chuyện nộm thịt gà, tai lợn bao giờ. Nhưng ăn rồi mà cứ như chưa ăn ấy.
Sao chị chịu được nhỉ?
Đúng lúc cuộc họp bàn làm giỗ và bốc mộ cho mẹ tôi đi vào chỗ bế tắc thì chị dâu tôi hiện ra, cứ như trên trời rơi xuống.
Mọi người mừng rỡ, hồ hởi chào hỏi, thân thiết như chị vẫn là người dâu trưởng quán xuyến, thương yêu, mà cả họ phải
khen về đường ăn nết ở. Ông anh trưởng tôi, sượng sùng không chào, không hỏi một câu, như người thừa, như kẻ chết rồi.
Tôi nhìn chị chăm chăm. Nước da trắng hồng trên khuôn mặt Thúy Vân bầu bầu làm cho chị đẹp hẳn ra. Đẹp hơn ngày còn
làm dâu nhà này. Chị chào hỏi mọi người xong, mới quay sang chào chồng cũ - lúc này chỉ muốn chui xuống đất mà không được:
“Tôi cho các con về thăm anh, nhưng không lần nào gặp anh ở nhà. Tôi vẫn nhớ trước lúc lâm bệnh, bà bảo tôi phải đứng ra
làm ma thì bà mới nhắm mắt, nên hôm nay tôi về, lo nốt việc sang cát cho trọn đạo với cụ”.
Có chị, mọi chuyện trở nên đơn giản, cứ như nó phải như thế, ai cũng làm được như thế. Vợ tôi nói nhỏ với tôi:
- Sao chị ấy giỏi thế nhỉ?
Tôi quay sang:
- Em còn chưa biết tài của chị ấy đấy.
- Thế sao anh chị ấy bỏ nhau?
- Đáng lẽ chị ấy bỏ lâu rồi...
Tấm ván thiên được bật lên. Mọi con mắt đều đổ dồn vào đấy.
Mẹ ơi! Cuối cùng thì ai cũng chỉ còn là nắm xương tàn câm lặng, ghê gớm thế này ư? Lúc sống mỗi người một vẻ, đẹp
hay xấu, giầu hay nghèo, sang hay hèn, khác xa nhau, thế mà lúc chết, hai hốc mắt sâu, cứ thao láo nhìn như chưa
bao giờ hiểu hết người đời. Bộ răng cải mả thì cứ nhe ra mãi. Như đang cười nhạo thế gian.
Tôi khóc mẹ hay tôi khóc tôi? Khóc ông anh trưởng mắt vẫn ráo hoảnh, đần mặt đứng kia, hay khóc chị dâu tôi,
xinh đẹp thế kia mà một ngày nào đấy, trước hay sau tôi, cũng lại như mẹ tôi hôm nay?
Không một ai trong những người máu mủ ruột thịt của mẹ tôi dám thò tay mò mẫm trong đám nước đen kia, để
không bỏ sót một đốt xương bàn tay nào, như chị đang làm dưới huyệt sâu mét rưỡi.
Tôi nhớ, lúc liệm mẹ tôi, không biết vì sao chị lại bắt phải thay đôi
tất chân, sợi vải cho mẹ tôi, bằng đôi tất ni lông. Giờ mới hiểu,
khi chị dốc từ trong hai chiếc tất không bị phân hủy ấy ra, tất cả những
đốt xương chân của mẹ tôi, cẩn thận, rửa bằng rượu rồi tỉ mẩn xếp
sang tiểu sành.-./.
Nguyễn Bắc Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét