Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

Nỗi Huế: Những “con ngựa thành Troy” - Trần Doãn Nho

Võ Quê – Wikipedia tiếng Việt

  võ quê         

 

 “Phong trào đô thị” (Huế) là nhóm chữ được một số trí thức và sinh viên học sinh cộng sản nằm vùng quy cho các hoạt động tranh đấu của họ trong lòng chế độ VNCH. Lâu lâu, những cựu “nằm-vùng-viên” này lại tụ họp nhau để hâm nóng niềm kiêu hãnh “kéo dài” của họ bằng cách nhắc nhở lại những ngày tháng cũ. Một bản tin trên trang “Thừa Thiên-Huế online ngày 9/1/2014 viết:

<!>

Với nhà thơ Võ Quê, nguyên Trưởng khối Báo chí – văn nghệ của Tổng hội Sinh viên trước 1975, thời thanh xuân là những năm tháng sôi nổi khi được hòa mình vào phong trào yêu nước của tuổi trẻ học đường. Thế hệ của ông, hình ảnh những cuộc hội thảo, mít-tinh, tuyệt thực, đêm không ngủ, bãi khóa, xuống đường, đốt xe Mỹ trên đường phố Huế… đòi hòa bình, thống nhất đất nước và những tháng năm ngục tù tại nhà lao Thừa Phủ, Chí Hòa, Côn Đảo… mãi mãi là những hồi ức hào hùng. Quá khứ đầy dũng khí trong một bối cảnh hiểm nguy, gian khổ ấy đã cho họ nhiều kỷ niệm với đầy đủ ý nghĩa vui buồn, khổ đau, hạnh phúc.

“Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những người bạn tù sơ sinh đồng hành cùng chúng tôi trên chiếc tàu HQ 500 của nhà cầm quyền Sài Gòn với 5 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển cả thiếu nước, đói cơm, hôi hám, bệnh tật đi từ bến cảng Thuận An ra Côn Đảo”, nhà thơ Võ Quê nhớ lại. Và bài thơ “Gởi người bạn tù sơ sinh” được ông viết trong bối cảnh ấy, bí mật gởi về đất liền đăng trên báo Đối Diện. Đối diện với hiểm nguy, sống chết nhưng bài thơ lại toát lên một tinh thần lạc quan: “Ngủ đi bé thơ!/ đời xanh tươi lắm/ ngoài cánh cửa đề lao trời cao và rộng/ trên mái nhà tù gió lộng trăng thanh/ gió lộng trăng thanh bé lành giấc ngủ/ đợi ba về mở cửa tự do/ đêm nay mẹ lại khoan hò/ đọc trong lời mẹ ngàn pho sử hồng…”.

Và một bài thơ khác của nhà thơ Võ Quê “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa!”, thai nghén trong phong trào đấu tranh sục sôi của sinh viên những năm 1970 đã được tuổi trẻ học đường miền Nam hồi đó yêu thích. Nó đã được chép chuyền tay và đọc trong các cuộc xuống đường, trong giảng đường ở Sài Gòn và ở Huế. Bài thơ càng có sức lan tỏa khi nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên phổ nhạc. Hình ảnh những nữ tù quét lá trên đường Lê Lợi, bị khiêng qua nhà xác Bệnh viện Huế trở thành ám ảnh lớn trong ông: Ơi người tù thiếu nữ trưa nay / Đang âm thầm quét lá khô rơi trên vỉa hè Lê Lợi / Hồn em đau trong từng nhát chổi lạnh lùng / Ta biết lòng em đang rực hồng / biển lửa / Chờ gió ngày bão lớn thổi bùng lên…

(…)

Hồi tưởng những năm tháng có mặt trong phong trào sinh viên yêu nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, Huế là một trong những trung tâm khởi phát phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh mạnh mẽ và liên tục, được ví như một ngòi nổ, làm bùng phát phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị.

“Theo tôi 5 yếu tố dẫn đến hình thành phong trào là: khát vọng về dân chủ và công bằng xã hội được cuộc đấu tranh của Phật giáo khơi dậy và cuốn hút; sự tự thức tỉnh về ý thức dân tộc khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam; có sự chỉ đạo của tổ chức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và trong đó có sự chỉ đạo của Thành uỷ Huế; khát vọng hoà bình của tuổi trẻ trong thời điểm chiến tranh, phản chiến đòi hoà bình độc lập thống nhất đất nước thôi thúc thanh niên rất mạnh mẽ; và mọi phong trào của thanh niên sinh viên học sinh Huế liên tục được là nhờ có một tổ chức rất hợp pháp ngay trong xã hội của miền Nam làm ngọn cờ là Tổng hội Sinh viên Huế. Đây chính là trung tâm liên kết giữa sinh viên học sinh với trí thức công chức, người lao động, tiểu thương…”, ông Hoa đúc kết.[2]

Một bản tin khác trên Tuổi Trẻ ngày 18/10/2015 viết:

Cứ hình dung những người thanh niên, sinh viên học sinh hồi trước năm 1975 trong phong trào đô thị Huế nay cũng tròm trèm sáu, bảy mươi tuổi, bỗng gặp nhau tay bắt mặt mừng, cầm trên tay tập sách dày dặn “nóng hổi” vừa in xong, bảo nhau ký tặng làm lưu niệm… cũng đủ thấy chất sôi nổi ngày xưa quả chưa mất đi trong những con người đặc biệt ấy.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho biết đến nay đã tròn 50 năm ngày ông viết ca khúc Hát cho dân tôi nghe tại giảng đường đại học ở Huế. Cái năm 1965 ấy, khởi đi từ bài này, phong trào đô thị Huế hình thành một dòng chảy “Hát cho đồng bào tôi nghe” lan rộng khắp các đô thị và bùng lên ở Sài Gòn thành sức mạnh đáng kể.

Điểm lại quá trình hình thành bản thảo tập sách Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954-1975, ông Nguyễn Kim Dũng – nguyên bí thư Thành ủy Huế – cho biết việc viết lại lịch sử phong trào đô thị Huế trong những năm chống Mỹ là ý nguyện, mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo kể từ sau 30-4-1975, tuy nhiên mãi đến gần đây mới thực hiện được. Buổi ra mắt sách hôm nay tại TP.HCM còn có cả đương kim Bí thư Thành ủy Huế Huỳnh Cư và đại diện ban biên soạn vào dự cùng các thành viên phong trào năm xưa.

Ông Lê Văn Thuyên – nguyên chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế 1971-1972, đại diện ban biên soạn tập sách – trình bày các phần nội dung và lược thuật những nét chính trong diễn biến phong trào đô thị Huế từ 1954-1975, mà các mốc quan trọng như phong trào năm 1963, tình hình thử lửa năm 1965, cuộc biến động miền Trung năm 1966…

(…)

Ông Trần Hoài – đại diện ban biên soạn – cho biết: “Mỗi thế hệ đều có nhu cầu riêng của thời đại để giải quyết, nhưng chúng ta cùng một tâm nguyện là làm cho đất nước, cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên. Bởi thế hệ chúng tôi cũng có nguyện ước là mong đất nước yên ổn để chúng tôi được học hành, trên cơ sở đó đóng góp cho đất nước, để đất nước phát triển có thể sánh vai với thế giới, thế lực nào cản trở khát vọng này là chúng tôi đấu tranh”.[3]


 

        Từ trái: Lê Nhược Thủy (đứng hát); Tôn Thất Lập (đội mũ, đứng hát) – Võ Quê (đội mũ, ngồi)

                                                            (Hình: L. Điền – Tuổi trẻ online)

 

Có khá nhiều “nằm vùng viên” nổi tiếng thời đó được nhắc đến trong hai bản tin: Nguyễn Xuân Hoa, Bửu Chỉ, Võ Quê, Phan Hữu Lượng, Trần Hoài, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Thái Ngọc San, Hoàng Thị Thọ, Nguyễn Duy Hiền, Lê Văn Thuyên, Lê Nhược Thủy, Nguyễn Phú Yên…, trong đó một số đã qua đời như Bửu Chỉ, Tôn Thất Lập, Thái Ngọc San. Hầu hết những khuôn mặt này đều là bạn bè hay người quen kiểu này kiểu khác của tôi, nếu không thì cũng đã từng có lúc ngồi cùng bàn cà phê.

Gạt qua một bên tính cách tuyên truyền, hai bản tin trên cho ta một số thông tin về khung cảnh sinh hoạt dưới thời VNCH. Đó là một xã hội, trong đó, sinh viên học sinh được tổ chức “hội thảo, mít tinh, tuyệt thực, đêm không ngủ, bãi khóa, xuống đường,” không những thế, có khi còn “đốt xe Mỹ trên đường phố Huế, đòi hòa bình, thống nhất đất nước”; thơ tù thì “được chép chuyền tay và đọc trong các cuộc xuống đường, trong giảng đường ở Sài Gòn và ở Huế”; đoàn văn nghệ được phép thành lập, đi biểu diễn ở các địa điểm công cộng như Giảng đường C, Giảng đường Karate, các trường trung học, chợ Đông Ba, khu dân cư; sinh viên học sinh được ra những tờ báo như “Tiếng Gọi Học Sinh”, “Tiếng Gọi Sinh Viên” , “Sinh Hoạt” hay sử dụng Tổng Hội Sinh Viên Huế, một tổ chức hợp pháp được quy chế tự trị đại học bảo vệ, để lưu trữ tài liệu cộng sản và tổ chức các hoạt động chống chính quyền và chống Mỹ. Tóm lại, đó là một xã hội mở, dành cho người dân nhiều thứ quyền, nhờ đó, người trí thức vừa được hưởng lương nhà nước và sinh viên học sinh vừa được học tập miễn phí, lại vừa được tranh đấu chống chính quyền một cách thoải mái. Sau 1975, tất cả các quyền công dân căn bản nói trên  đều bị triệt tiêu: chỉ cần đưa ra một vài ý kiến trên Face Book không vừa lòng quan chức là bị kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với những bản án vô cùng tùy tiện, bất chấp luật pháp, kể cả thứ luật pháp do chính nhà nước cộng sản đề ra.

Theo các phát biểu nêu ra trong bản tin, động lực thúc đẩy các nằm-vùng-viên là: khát vọng dân chủ và công bằng xã hội, đòi hòa bình, thống nhất, độc lập, chống lao tù, chống nghèo đói, chống các tệ nạn xã hội, muốn đất nước phát triển sánh vai với thế giới. Một “nằm vùng viên” than phiền cảnh “thiếu nước, đói cơm, hôi hám, bệnh tật…” của những tù nhân. (Cần nhấn mạnh, những khát vọng như thế là của mọi người, chứ không riêng gì của những “nằm vùng viên”). Điều đó cũng có nghĩa là: nếu cộng sản nắm được chính quyền thì những khát vọng trên sẽ trở thành hiện thực và tất nhiên, các hìện tượng tiêu cực sẽ hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, sau 1975, khi cộng sản nắm toàn quyền sinh sát từ bắc chí nam, tất cả những khát vọng vẫn chỉ là khát vọng; các tệ nạn xã hội, sau gần nửa thế kỷ, vẫn tồn tại một cách dai dẳng với tầm mức sâu rộng hơn trong lúc hình thức lộng quyền, tham nhũng của các đảng viên cộng sản và quan chức từ địa phương tới trong ương, kể cả bộ phận chóp bu, phát triển tràn lan, hoàn toàn bất khả trị. Trước thì đổ lỗi cho Mỹ-Nguỵ, bây giờ đổ lỗi cho ai? Ấy thế mà, trong lúc khá nhiều văn nghệ sĩ cùng lứa tuổi được đào tạo ở miền Bắc cũng như nhiều giới trẻ khác trưởng thành sau 1975 ký tên vào những bản lên tiếng hay viết bài góp ý, lên án các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông, vụ Formosa, vụ thảm sát Đồng Tâm, các bản án oan khuất, các vụ tham nhũng tày trời, thì hầu hết các khuôn mặt trong phong trào đô thị, điển hình là các “nằm vùng viên” nói trên, đều hoàn toàn  ngậm miệng. Họ đứng về phía nhà nước và đảng Cộng Sản, tụ họp nhau, nhắm mắt trước hiện thực tồi tệ của đất nước, ôn lại chút quá khứ như một phép “thắng lợi tinh thần” (kiểu AQ của Lỗ Tấn)!

Trước các chính sách trưng thu đất đai, hiện tượng phá rừng, phá núi tràn lan, hơn lúc nào hết, những lời hát cũ ngày nào cần phải được lập lại:

–   Đất hoang ta phá đất khô ta gầy
đất mang hoa thắm tương lai ta đầy
đất ta ta xới đất ta ta bồi
đất ta ta tới đất ta ta ngồi
. (Miên Đức Thắng)

–   Dành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh
Dành lại thành-phố đó bàn tay nâng cao hòa-bình
(Tôn Thất Lập)

Với sự đóng góp xương máu của nhiều thế hệ, rốt cuộc, đảng cộng sản có được tất cả, nhưng nhân dân thì chẳng có gì.

                                              *

Nhưng không phải tất cả những “con ngựa thành Troy” đều giữ mãi niềm tự-hào-như-một-quán-tính đó. Trong thời gian đầu, với tư cách người thắng trận và trở thành những chủ nhân ông mới của thành phố, một số nằm-vùng-viên được đảng bổ nhiệm nắm giữ những vai trò quan trọng của các ty, sở hay các phân khoa, trường học. Họ “hồ hởi phấn khởi”, hãnh diện tiến hành cuộc cách mạng thay đổi lịch sử mà họ đã từng đòi hỏi và mơ ước. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mọi sự bỗng chững lại. Bộ máy đảng và nhà nước – kẻ chiến thắng thực sự – không hành xử theo thứ cung cách mà họ tưởng tượng. Với thành tích tranh đấu, họ tưởng mình là những người cộng sản tiêu biểu; nhưng đối với bộ máy đó, hóa ra, họ chỉ là những đứa con ngoại hôn. Được trưởng thành dưới chế độ VNCH, họ mang những tố chất của cái xã hội mà họ được giáo dục và đào tạo: lòng yêu chuộng tự do, tinh thần phản kháng, thich bàn cãi và tranh luận để tìm cái đúng, cái sai. Thế nhưng, đối với bộ máy đảng, những tố chất đó hoàn toàn không thích hợp, nếu không muốn nói là “phản động”, là tiêm nhiễm “nọc độc” của chế độ cũ. Họ được la lối, chí trích, rủa sả cái cơ chế đã giành cho họ quyền được chỉ trích, rủa sả, nhưng không được hành xử quyền đó đối với các đồng chí của mình. Rốt cuộc, những con ngựa thành Troy bị bịt miệng. Hoặc tự bịt miệng mình.

Lần lượt, những chàng sinh viên Huế nhiệt huyết, tỏa sáng trong những cuộc tranh đấu, hội thảo, xuống đường trong chế độ cũ dần dà bị loại khỏi guồng máy. Các vai trò trưởng ty, hiệu trưởng hay một số chức vụ cao cấp nào đó được “cách mạng” ban phát như một hình thức thưởng công, rốt cuộc, chỉ có tính cách lót đường và lần lượt được thay thế bởi những thành phần nòng cốt, gắn bó thâm căn cố đế với đảng cộng sản. Thất vọng và bất mãn, người thì bỏ Huế vào Sài Gòn làm nghề tự do kiếm sống, người thì lặng lẽ rút chân ra khỏi cơ quan nhà nước, kẻ thì dứt khoát hơn, trả lại thẻ đảng hay tìm cách trốn ra nước ngoài theo phong trào vượt biên hay bảo lãnh. Trong chốn riêng tư, họ không tiếc lời chửi đảng và nhà nước. Anh bạn láng giềng của tôi, người đã bao phen rủ rê tôi vào rừng theo “Mặt trận”, – khi đội mũ cối từ trên rừng về, việc đầu tiên là đập phá ngay cái am thờ trước mặt nhà, để chứng minh tinh thần chống mê tín dị đoan của mình,- được phong cho giữ một trưởng ty gì đó, nhưng rồi bị thất sủng, thất vọng, một thời gian sau, nhuốm bệnh, chết. Một trí thức trẻ, dòng dõi quan gia, người đã nhiều đêm đến ngủ lại nhà tôi vừa đánh cờ vừa nhỏ nhẹ khuyên tôi nên ủng hộ hòa bình và thống nhất đất nước, được bố trí làm quyền khoa trưởng một phân khoa đại học, bỏ vào Sài Gòn đi bán thuốc Tây. Một nhà thơ, một thời nắm quyền sinh sát một tờ tạp chí địa phương, trả thẻ đảng. Một nhà thơ khác, bỏ học, lên rừng, ra Bắc, có tư tưởng chống chiến tranh, bị giam lỏng, trở về Huế sống không có hộ khẩu. Một giáo sư đại học, người từng được cho sắm vai chủ tịch một lực lượng hữu danh vô thực, chạy chọt ra nước ngoài rồi xin tỵ nạn.[4] Sau khi đi ở tù về, tôi gặp lại một số trong những người bạn “đối thủ” cũ đó với một quan hệ hoàn toàn mới mẻ: tôi là người của chế độ cũ mất đất đứng, họ là những người của chế độ mới, sống trong hụt hẫng. Hình bóng ngày nào của những thanh niên đầy hào khí cách mạng – những người đã từng chết mê chệt với hình ảnh của  “Che” Guevara (1928-1967) và Fidel Castro (1926-2016) – làm thành phố nóng bỏng lên với những lời lên án, kêu gào trong các buổi hội thảo, xuống đường, bây giờ im re, thủ phận, nhu mì như những chiếc bong bóng xì hơi.

Phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam nói chung, rốt cuộc, là một khát khao bị bội phản. Hào khí cách mạng mà họ sử dụng để chống chính quyền miền Nam trở thành một hình thức lấy dây thừng tự trói chính mình, một mặt và mặt khác, là một đóng góp lớn lao đưa đất nước theo con đường đi xuống. Cả miền Nam năng động trước 1975, thoắt một cái, bị nhận chìm theo chiếc thuyền miền Bắc nghèo nàn, lạc hậu. Để cuối cùng phải muối mặt đi theo con đường tư bản, thậm chí ngửa tay nhận tất cả mọi hình thức viện trợ – không trừ một thứ gì -, của các nước tư bản, để cứu mình. Cao điểm là, mới đây, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam ngồi chén chú chén anh với Tổng Thống Mỹ, tay trùm sò tư bản, bằng một hiệp ước “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”. Tờ Tuổi Trẻ lên giọng ca ngợi “Việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện là một minh chứng thuyết phục với các nước trên thế giới về thành quả của một quá trình gây dựng lòng tin, sự hợp tác bền bỉ, chân thành và hiệu quả của công tác ngoại giao.”[5]

Điều này khiến tôi nhớ đến “Trại súc vật” của George Orwell. Có lẽ cũng nên đọc lại trích đoạn cuối của tác phẩm đầy tính tiên tri này:

Napoleon ngồi ngay đầu bàn, chỗ trang trọng nhất. Có vẻ như lũ lợn đã quen với việc ngồi ghế từ lâu. Cả bọn vừa đánh bài, nhưng lúc ấy đã ngưng, chắc là để nâng cốc chúc mừng nhau. Một chiếc bình khá to được chuyền tay nhau và tất cả các li đều được rót đầy bia. Không ai để ý đến lũ súc vật đang tò mò nhìn qua cửa sổ. Ông Pilkington, Trại Cáo, tay cầm li bia, đứng dậy. Ông nói rằng sau đây ông sẽ đề nghị  nâng li chúc mừng. (…) Và bây giờ, Pilkington đề nghị mọi người cùng đứng dậy, đổ đầy bia vào li. ʺThưa các ngài!ʺ, Pilkington kết thúc bài diễn văn như vậy, ʺThưa các ngài, xin các ngài cùng nâng cốc chúc Trại Súc Vật ngày càng thịnh vượng.ʺ  Tiếng vỗ tay, tiếng dậm chân ầm ầm. Napoleon khoái bài diễn văn đến nỗi đến chạm cốc với Pilkington rồi mới uống. Khi tiếng vỗ tay  đã dịu xuống, thì Napoleon, lúc  đó vẫn đứng, tuyên bố rằng nó cũng xin được phát biểu vài câu. Napoleon bao giờ cũng nói ngắn và đi ngay vào thực chất vấn đề. Napoleon bảo rằng nó cũng rất mừng là đã thanh toán hết mọi hiểu lầm. Trước đây từng có những tin đồn, chắc chắn là do những thế lực thù địch tuyên truyền, rằng dường như nó và các cộng sự đang theo đuổi những ý tưởng phá hoại, nếu không nói là có tính cách mạng. Người ta vu cho chúng ý định kích động súc vật trong các trại khác đứng lên khởi nghĩa. Vu khống, bịa đặt từ đầu tới cuối! Ước muốn duy nhất của chúng, hiện nay cũng như trong quá khứ, là được sống trong hoà bình và có quan hệ  làm  ăn bình thường với những người láng giềng. Trại mà nó được vinh dự lãnh đạo, Napoleon nói thêm, là một loại hợp tác xã. Tất cả những thứ nằm dưới sự quản lí của nó là tài sản chung của cả loài lợn trong trại. Napoleon nói, nó tin là mọi nghi ngờ đã được giải toả và những thay đổi gần đây càng làm tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau hơn nữa. Cho đến nay các con vật trong trang trại có một thói quen không hay là gọi nhau bằng ʺĐồng chíʺ. Thói quen này sẽ bị bãi bỏ. Còn một thói quen nữa, không biết bắt đầu từ khi nào, ấy là việc sáng nào cũng đi thành hàng ngũ trong sân, xung quanh một cái sọ heo cắm trên cọc. Thói quen này cũng bị bãi bỏ và cái đầu heo đã được đem chôn rồi. Các vị khách chắc đã có dịp trông thấy lá cờ xanh tung bay. Nếu quả họ đã trông thấy thì chắc chắn là họ phải nhận ra rằng biểu tượng sừng và móng màu trắng cũng đã bị xóa bỏ rồi. Từ nay trở đi lá cờ sẽ chỉ có một màu xanh tinh khiết mà thôi. Nó nói rằng nó xin phép được sửa lại chút xíu bài diễn văn vô cùng súc tích và đầy thiện ý của ngài Pilkington. Trong suốt bài diễn văn ngài Pilkington đã gọi trại này là Trại Súc Vật. Ngài Pilkington dĩ nhiên không thể biết, vì hôm nay, đây là lần đầu tiên Napoleon tuyên bố hủy bỏ tên Trại Súc Vật. Từ nay trở đi trại sẽ lấy tên là Điền Trang, cần phải gọi như thế vì từ nguyên uỷ trại này vốn vẫn mang tên như thế.

ʺThưa các ngài!ʺ, Napoleon kết luận, ʺTôi đề nghị các ngài nâng cốc chúc mừng, nhưng với một chút xíu sửa đổi. Xin các ngài rót đầy cốc đi đã. Xin các ngài nâng cốc chúc Điền Trang ngày càng thịnh vượng!ʺ  Tiếng vỗ tay vang lên, mọi người cạn cốc. Nhưng những con vật đang đứng bên ngoài thì thấy như đang xảy ra một chuyện kì lạ. Tại sao mặt những con heo lại thành như thế kia nhỉ? Đôi mắt đục mờ của Bà Mập hết nhìn con này lại nhìn sang con khác. Con thì cằm có đến năm ngấn, con lại có bốn, con thì có ba. Tại sao mọi thứ lại trở nên mờ ảo và thay đổi nhanh thế nhỉ? Tiếng vỗ tay chấm dứt, bàn tiệc quay lại với ván bài bỏ dở, những con đứng xem bên ngoài lục tục bò trở ra. Nhưng chúng vừa bò cách khoảng hai mươi mét thì tất cả cùng dừng lại. Có tiếng hò hét ầm ĩ vọng ra từ toà nhà. Chúng lập tức quay lại và tiếp tục nhìn qua cửa sổ. Cuộc tranh cãi đang hồi quyết liệt. Có tiếng hét, tiếng đập bàn, tiếng tranh luận và những ánh mắt nghi kị. Nguyên nhân cuộc tranh cãi có lẽ là do Napoleon và Pilkington đưa ra con đầm pích cùng một lúc. Mười hai cái miệng tức giận cùng lên tiếng, có trời mới phân biệt được ai với ai. Bọn súc vật không còn  để  ý  đến mặt mấy con lợn bên trong nữa. Chúng nhìn lợn rồi lại nhìn người, nhìn người rồi lại nhìn lợn, một lúc sau thì chúng chịu, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là lợn nữa.”[6]

Không giống như nước bạn Cuba, nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã làm “cách mạng” bằng con đường “phản cách mạng”: xuôi tay cho “mệ” tư bản nuốt! Và tự hào y như thể họ đã làm cuộc cách mạng vô sản thành công.

Thái Bá Tân đặt một câu hỏi vô cùng chí lý:

Để có được cộng sản
Trên đất nước Việt Nam,
Hai triệu người phải chết,
Chiến tranh hàng chục năm.
Nay họ học tư bản 
Để làm giàu, lạ thay.
Vậy vì sao phải chết
Hai triệu con người này?
[7]

Nhưng đó không phải là điều người cộng sản quan tâm. Cộng sản là cộng sản, vốn là thể, đã là thế và sẽ như thế. Có lẽ khái niệm chính xác nhất để diễn tả cái cơ chế lạ lùng đó là hình ảnh của một “khối đặc” mà Lê Đình Nhất Lang gọi là “Bọn tao” (4/2011).[8]

Bọn tao là một khối đặc
Bọn tao già đi nhưng không lệ thuộc vào một niên đại

Bọn tao không chấp nhận sự thông suốt
Bởi sự thông suốt đe dọa tính đặc của bọn tao

Bọn tao ngăn cản mọi sự túa ra
Bọn tao bưng bít
Bởi sự túa ra làm cho bọn tao hở

Bọn tao chống mọi lực đẩy
Bọn tao trì kéo
Bọn tao kết chùm
Bọn tao vinh danh quán tính và thần thoại quá trình quánh

Bọn tao hút hết mọi điều hiển nhiên vào chất ruột đen kịt
Từ lớp bụi mỏng phập phù của chứng cứ
Cho tới những hạt sạn gân gổ của phản biện
Trộn chúng vào làm ruột bọn tao đen thêm

Bọn tao xử thế bằng cách lăn tròn
Đó là truyền thống của bọn tao
Lăn tròn làm tất cả nhỏ đi
Nhưng tất cả sẽ không phát hiện ra sự nhỏ đi
Cho nên làm gì có sự nhỏ đi

“Bọn tao” diễn tả được tất cả tính chất then chốt của khối đặc “cộng sản”: không chấp nhận sự thông suốt, bưng bít, chống mọi lực đẩy, vinh danh quán tính, lăn tròn…Để đối phó với sự thay đổi tất yếu sẽ phải xảy ra, khối “bọn tao” ấy nghĩ đến một giải pháp rất…cộng sản: phơi khô thành một xác ướp.

Bọn tao biết trước sau rồi cũng bị toát hơi
Hoặc nhão ra dưới sức vặn khổng lồ của những viễn kiến nhân loại
Bọn tao nghĩ tới chuyện phơi khô
Để dành và không bao giờ rữa
Không bao giờ được rữa

 

Trần Doãn Nho

 

 

[1] Xem chú thích 8

[2] Ngọc Hà, Hồi ức hào hùng về những tháng năm không ngủ, trang mạng “Thừa Thiên-Huế online”:

https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-nien/hoi-uc-hao-hung-ve-nhung-thang-nam-khong-ngu-6137.html

[3] Lam Điền, Phong trào đô thị Huế bên trang sách sử, trang mạng “Tuổi Trẻ online”

https://tuoitre.vn/phong-trao-do-thi-hue-ben-trang-sach-su-987202.htm

[4] Vì những lý do riêng, xin được miễn nêu tên những nhân vật nêu ra. Tuy nhiên, những ai có mặt ở Huế vào thời gian đó, đều  ít nhiều biết rõ những sự kiện này.

[5] TS Nguyễn Thành Trung, Tuổi Trẻ online, ngày 14/9/2023.

https://tuoitre.vn/viet-my-la-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-thanh-qua-cua-hop-tac-ben-bi-20230914001151367.htm

[6] “Trại Súc Vật”, Phan Minh Ngọc dịch và giới thiệu.

https://thuvienhoasen.org/images/file/5bdIV51G0QgQADp7/animal-farm-truyen-suc-vat.pdf

[7] Thái Bá Tân, Những câu nói nổi tiếng về Cộng Sản

Trang Đào Viên:

https://www.daovien.net/t6548p20-topic

[8] Lê Đình Nhất Lang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...