Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

TIN BUỒN - Nhà Thơ Trần Dzạ Lữ mất tại Bà Rịa Vũng Tàu

 TIN BUỒN

 

Có thể là hình ảnh về 1 người, đền thờ và văn bản


Nhà thơ TRẦN DZẠ LỮ từ trần tối 25.01.2024 tại Bà Rịa, Vũng Tàu, Việt Nam

 
THÔNG TIN VỀ TANG LỄ:
 
- Linh cửu quàn tại nhà riêng: Ấp Thạnh Sơn, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (từ chợ Cây Điệp đi vào khoảng 400m)
- Lễ động quan: 7h00 ngày 29.12.2024 (nhằm ngày 19.12 Quý Mão), sau đó tiễn đưa linh cữu đến Nhà Hỏa táng Long Hương, TP Bà Rịa
 
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU 
<!>
 
*
 
TRẦN DZẠ LỮ

GỌI TÌNH BÊN SÔNG

 

Trần Yên Hòa

 

Thuở đó, lúc tuổi tôi vừa lớn, tuổi còn đi học, mỗi lần được dịp đi phố là không bao giờ tôi bỏ quên các tiệm sách. Thuở đó, Tam Kỳ có các tiệm sách như Quảng Thành, Nam Ngãi, Thư, đều nằm trên đường Phan Chu Trinh. Tiệm Quảng Thành bán sách giáo khoa nhiều hơn sách truyện. Tiệm Nam Ngãi lớn hơn, chỗ ngã ba đường, bán nhiều sách văn học và báo chí nên thu hút được nhiều khách hàng, nhất là giới học sinh, giáo sư, công tư chức. Tiệm Thư có cô chủ tên là Lệ Ngọc, tên đẹp như người, Lệ Ngọc có dáng như thiếu nữ trong tranh, nhưng tiệm sách Thư nhỏ, chỉ đứng loay hoay hai ba mươi phút rồi phải bước ra, chẳng lẽ có người đẹp ngồi trên quày nhìn mình mà mình cứ đứng đọc “cọp” báo hoài. Tôi thường tìm tạp chí Văn, đọc ở mục thư tín, “bài đã nhận được”, tôi cố xem có tên mình không, có khi có, có khi không, vì lúc đó tôi tập tễnh làm thơ gởi đăng báo. Có tên mình trả lời trong mục “Bài đã nhận được” là đã sướng đến mê tơi rồi, huống hồ gì có thơ hoặc truyện của mình được đăng, thì cái sướng còn tăng gấp bội.

Có tên một tác giả mà số Văn nào cũng có hiện diện ở mục “bài đã nhận được”, vì đọc hoài nên tôi nhớ tên, đó là Trần Dzạ Lữ. Bút danh này có một cái lạ, là chữ Dzạ được viết có chữ Z đứng giữa, nên đã gây cho tôi nhiều chú ý. Thời gian đó, tôi chưa đọc được bài thơ nào của Trần Dzạ Lữ đăng trên báo. Nhưng đọc tên anh hoài nên coi như quen lắm.

Mãi đến khi vào quân đội, sau mấy năm tác chiến, tôi được đổi về Bộ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu 1 đóng ở Đà Nẵng, tôi mới đọc được một số (rất ít) bài thơ anh. Tôi nghe bạn bè nói (lúc đó) Trần Dzạ Lữ là chuẩn úy, thuộc ngành Truyền tin, đang phục vụ tại một đơn vị truyền

tin ở Đà Nẵng. Nghe và biết vậy nhưng cũng chưa được gặp Trần Dzạ Lữ lần nào.

Mãi đến khoảng năm 1987, sau khi đi tù cộng sản về, tôi mở một sạp bán phụ tùng xe đạp ở đường Huỳnh Văn Bánh, tôi đã gặp Trần Dzạ Lữ ở đây. Qua sự giới thiệu của Hà Nguyên Thạch, tôi biết Trần Dzạ Lữ. Anh người khô gầy, tóc tai nhễ nhại mồ hôi, lúc đó anh vừa từ Huế vào Sài Gòn, làm nghề bán rau muống ở chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận. Bằng phương tiện là chiếc xe đạp cà tàng, Trần Dzạ Lữ buổi sáng đạp xe xuống chợ Cầu Ông Lãnh mua rau muống, chở đem về bán lẻ cho khách hàng ở chợ Trần Hữu Trang.

Đó là thời gian khốn cùng nhất của lũ chúng tôi, những người sĩ quan QLVNCH, vừa ở tù về, phải bon chen với đời để kiếm miếng ăn, kiếm sống. Thỉnh thoảng Trần Dzạ Lữ ghé vào chỗ tôi uống ly cà phê đen, nói chuyện trên trời dưới đất. Có lúc, tôi bắt gặp Trần Dzạ Lữ đi bộ một mình trên lề đường gần đó, anh đi lang thang, đôi mắt nhìn vào khoảng không xa khuất, không biết lúc đó Lữ đi đâu và nghĩ gì?

 

GỌI TÌNH BÊN SÔNG

 

Dù nghèo cực, khổ sở trăm bề, (sau này Trần Dzạ Lữ bỏ nghề bán rau muống, anh đi giữ xe đạp ở bãi chợ THT, nghề này cũng không khá hơn nghề bán rau muống bao nhiêu) nhưng anh đã gom góp tiền in được 2 tập thơ. Tập thứ nhất là "Hát Dạo Bên Trời" và tập thứ hai là "Gọi Tình Bên Sông". Anh tặng tôi tập "Gọi Tình Bên Sông", nên bài này tôi viết về những bài thơ trong “Gọi Tình Bên Sông” của Trần Dzạ Lữ. Trong lời mở đầu “Một Chút Tâm Tình Với Người Yêu Thơ”, Trần Dzạ Lữ viết: “Giờ đây, khi đem in tập thơ Gọi Tình Bên Sông, tôi mới thấy mình quá… can đảm, giữa thời buổi thơ in ngàn bản bán không xong, thôi thì coi đó như ‘thú đau thương’ vậy”.

Đây là bài thơ “Gọi Tình Bên Sông” làm chủ đề cho cả thi tập:

Có một lần nhớ quá

Ra sông đứng gọi tình

Tình xa người hóa lạ

Chiều mồ côi cánh chim

Có một đời xưa quen

Đã mù sa cổ tích

Kỷ niệm sầu chia nhánh

Địa ngục và thiên đàng

Rạng đông màu mắt em

Sực nức hương buổi sớm

Hoàng hôn trong mắt anh

Từ ngày chia biệt mộng

Qua sông hề sông rộng

Soi bóng dài chiêm bao

Biết tìm nhau nơi đâu

Đời sống giữa mù khơi

Có một ngày đứng ngóng

Ngày tình nhân chia lìa

Vỗ đàn mà hát hỏng

Nhớ sum vầy xưa kia

Có nhiều lúc chơi vơi

Hôn cúc vàng thầm lặng

Thương ơi tờ lụa mỏng

Em biệt dạng bên trời.

 

Tôi biết cuộc đời của Trần Dzạ Lữ là một cuộc đời cơ cực. Anh sinh ở Huế nhưng Huế không nuôi nổi anh. Đi tù cộng sản về Lữ vào Sài Gòn nương thân, anh làm đủ mọi thứ nghề, từ vá xe đạp lề đường đến đi mua đồ lạc xon, đồng nát dạo. Nhưng Sài Gòn cũng không cho người tù trở về nương thân yên ổn. Lữ lại bỏ Sài Gòn để về miền Trung, theo đám bạn “nhất phá sơn lâm” lên núi Trường Sơn tìm trầm. (mong may mắn đổi đời, nhưng không được). Thời gian này được Lữ ghi lại những câu thơ sau:

 

Hết nửa đời anh cứ mãi ra đi

Hạnh phúc có bao giờ bắt gặp?

Ở thị thành anh không có “đất”

Phải lên non bắt bóng tìm trầm

Về miền Trung anh xót xa từng giờ

Có nhiều lúc bơ phờ vì cơm áo

A Lưới, Khe Sanh, chơi trò sinh tử

Anh mới về cũng nhập cuộc em ơi!

 

Đọc thơ Trần Dzạ Lữ tôi rất thích những bài anh viết về Huế. Một nơi anh đã sinh ra và lớn lên, nhưng anh không dung thân nổi nơi đó. Anh ra đi lang bạt kỳ hồ, vì miếng cơm manh áo anh “đi như là trôi” giữa 3 miền đất nước, nhưng trong tâm tưởng anh, lúc nào cũng nhớ về xứ Huế thân yêu:

 

MÙA THU VỀ CỐ XỨ

 

Ta trờ lại con đường mười tám

Heo may về lướt thướt bên cây

Những bầy chim trắng xưa khuất bóng

Tóc mun ai thôi đổ sông dài

Nắng hanh vàng ơi- chiều Đại Nội

Ta vô ra một bóng phiêu bồng

Dấu tích vẫn còn rêu phong cũ

Mà tình kia quảy gánh long đong

Tòa Khâm- vẫn lầu cao còn đó

Nhưng em xưa nay đã xa rồi

Câu mái đẩy giờ ai buông giọng

Mà nghe sầu cổ tích chơi vơi

Ta trở lại, nhớ Huyền xưa ơi!

Cốc cà phê Bưu Điện một thời…

Mai đi như gió- đời vô định

Biết dặn dò chi nữa hở người.

 

Nhà văn Cung Tích Biền viết về thơ và đời sống của Trần Dzạ Lữ: “…Ba mươi năm, thơ vẫn giữ được dung phong thuần nhất. Ắt có lý do. Cuộc đời đã xử sự không ngọt ngào với Lữ, anh miên viễn kinh qua, từ cửa sau tới cửa trước kinh qua, những ngày tháng đói khó cùng kiệt, lẻ loi tới rũ lòng, khát vọng và hoài cảm, từng là sĩ quan, là lính thú hàng đêm đối diện với cái chết, rồi thất nghiệp, buôn ve chai, lượm đồng nát, theo tiếng giang hồ chui qua biên giới, tới thung lũng miền Trung tìm trầm, bán rau muống cùng vợ, giữ xe chỗ bãi chợ. Dù thế, Lữ vẫn giữ được mình, nên chữ nghĩa anh trước sau vẫn trật tự, giữ được sự trong sạch, mẫu mực nhưng thâm trầm, đậm tình người như chính thân phận của tác giả”.

Cuộc đời của nhà thơ Trần Dzạ Lữ là thế, từng đó câu chữ của Cung Tích Biển đã diễn đạt hết cuộc đời và thơ của Lữ rồi, còn nói nữa chi?

Nhưng Phạm Chu Sa đã nói thêm về cuộc đời làm thơ của Trần Dza Lữ: “47 tuổi (1996), hơn 30 năm làm thơ và có thơ đăng báo hầu hết các báo, tạp chí văn nghệ miền Nam từ những năm 60 đến nay, Trần Dạ Lữ mới cho ra mắt tập thơ đầu tay…

Là nhà thơ có cuộc sống khá khắc khổ, nhiều gian truân, đôi khi quẫn bách, nên thơ anh là “tiếng kêu, là giai điệu sâu lắng nhất”, vừa là hình của Địa Ngục, vừa là bóng của Thiên Đường, như lời anh tự bạch. Vâng! Thơ Trần Dzạ Lữ là những tiếng lòng đau xé, quằn quại nên đôi lúc anh đã muốn giã từ, nhưng vẫn đeo bám thơ như một cứu cánh”. Tôi rất yêu đoạn thơ 4 câu anh in ở bìa sau trong tập Gọi Tình Bên Sông, đoạn thơ thật dễ thương:

 

Khi người đi mặc áo vàng hoa cúc

Chiều trong tôi còn sót chút hơi tàn

Đành cất giữ dẫu đau lòng chân thật

Để đêm buồn gợi nhớ chút hương quen

 

Để có cái nhìn thêm về Trần Dzạ Lữ, tôi xin trích một đoạn của nhà thơ Tường Linh đăng trong tập Gọi Tình Bên Sông: “Khi đọc hết tập thơ Gọi Tình Bên Sông của Trần Dzạ Lữ, tôi chỉ còn lại một niềm vui. Vì tiếng hát đã ngân cao, vang xa và dạt dào giai điệu, vì những khúc du ca tâm huyết, chắt lọc suốt ba thập kỷ đã đến và sẽ đọng lại giữa hồn người”.

 

*

 

Tết vừa rồi, tôi về Việt Nam có đến gặp Trần Dzạ Lữ ở bãi giữ xe chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận. Chen lấn qua đám đông người đi chợ sắm Tết, người người chen nhau mà đi mua sắm. Cũng rất khó khăn tôi mới vào được chỗ Lữ đang làm việc, Lữ bận cặp đồ công nhân đã sờn cũ, đội chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp che khuất cả khuôn mặt. Tôi kêu “Trần Dzạ Lữ”. Lữ nhìn ra, thấy tôi, anh chạy lại mừng rỡ hỏi, mới về hả, tôi đáp, mới về. Mới trao đổi được đôi câu thì người cùng làm với Lữ kêu, có xe ra kìa, lại kiểm soát vé đi. Tôi biết Lữ đang bận nên nói nhanh, có chút quà của người bạn gởi cho Lữ đây. Tôi lấy bì thư có sẵn trao Lữ (một ít tiền của người bạn ở Sacramento gởi biếu). Lữ cầm bì thư, nói “Cảm ơn, xin lỗi nghe, Tết nên bận quá”, rồi chạy lại chỗ làm việc.

Tôi biết Lữ quần quật suốt ngày, không có một chút thời gian rảnh rỗi nào nên không muốn làm mất thì giờ của anh. Tôi ra về mà lòng bùi ngùi thương bạn. Anh quần quật thế không biết còn thời gian nào rảnh rỗi để làm thơ?

Nhưng làm thơ vốn dĩ là cái Nghiệp.

 

 Trần Yên Hòa

 (Một bài viết cũ, xin đăng lại để nhớ Trần Dzạ Lữ)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...