Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Tính đa dạng và hòa nhập trong văn học Mỹ - Trịnh Y Thư


Bối cảnh văn học Mỹ thế kỷ XX

 

Nước Mỹ thế kỷ XX cống hiến cho nhân loại sự phong phú và đa dạng của các trào lưu, chủ đề và tiếng nói trong văn học. Một số tác giả và tác phẩm kinh điển đã xuất hiện trong thời kỳ này, góp phần phát triển truyền thống văn học có từ những thế kỷ trước.

    Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, văn học hiện đại, thịnh hành vào đầu thế kỷ XX ở Châu Âu với kỹ thuật “dòng ý thức” trong tiểu thuyết của James Joyce và Virginia Woolf, lan rộng sang Mỹ, tìm cách tách rời các hình thức truyền thống thế kỷ XIX để cách tân và hình thành một dòng văn học mới với phong cách độc đáo, táo bạo và mở ra những cánh cửa thú vị bất ngờ cho người đọc đi vào ngôi nhà nghệ thuật. Kỷ nguyên văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX và, không thể nghi ngờ, Mỹ là quốc gia có những đóng góp to tát. Các tiểu thuyết gia lớn trong thời kỳ này, ta có thể nhắc đến F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và William Faulkner.

<!>

 

   Đặc điểm của thời kỳ này là sự hiện hữu của cái-gọi-là “Thế hệ Thất lạc.” Họ là các nhà văn vỡ mộng vì hậu quả đổ nát kinh hoàng của Thế chiến thứ nhất, do đó các tác phẩm của họ thường phản ánh cảm giác tuyệt vọng và vỡ mộng với cuộc sống và những quan điểm hay ý thức hệ quá khứ. Ngoài Ernest Hemingway và F. Scott Fitzgerald còn có John Dos Passos, là những nhà văn tiểu biểu cho “Thế hệ thất lạc.”

    Trong khi đó, tại miền Nam nước Mỹ, vào khoảng thời gian những năm 1920-1940, dấy lên một phong trào có tên gọi là “Phục hưng miền Nam.” Trọng tâm của các nhà văn này là khám phá sự phức tạp của trải nghiệm trong cuộc sống miền Nam nước Mỹ, bao gồm các vấn đề chủng tộc, giai cấp và truyền thống. Các tác giả chính là William Faulkner, Carson McCullers và Eudora Welty.

    Rồi đến “Thế hệ Beat” nổi đình đám suốt hai thập kỷ ‘40 và ‘50. Các nhà văn “Beat” bác bỏ các chuẩn mực xã hội lỗi thời, khước từ “cái cũ” để khám phá những “cái khác”. Họ thường chịu ảnh hưởng của triết học phương Đông và nhạc Jazz. Các tác giả chính là Jack Kerouac, Allen Ginsberg và William S. Burroughs. Thời kỳ này (lan sang thập kỷ ‘60 với chiến tranh Việt Nam đang đi vào giai đoạn khốc liệt), còn có các tác giả chú trọng đến các vấn đề dân quyền, bất bình đẳng chủng tộc và bất công xã hội, như James Baldwin, Ralph Ellison và Lorraine Hansberry.

    Nửa sau thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại. Nói chung, đặc điểm của văn học Hậu Hiện đại thường thách thức các quan niệm truyền thống về hiện thực, chấp nhận tính liên văn bản và đặt câu hỏi về văn chương tự sự cố hữu. Các tác giả tài danh gồm có: Thomas Pynchon, Don DeLillo và Kurt Vonnegut.

    Tuy thế, không phải ai cũng viết với phong cách văn học Hậu Hiện đại, thực chất, đây là thời kỳ bùng phát của nền tiểu thuyết Mỹ với rất nhiều cây bút lừng lẫy tạo ảnh hưởng lên văn học thế giới, và thật thiếu sót nếu ta không nhắc đến các tiểu thuyết gia Philip Roth, Raymond Carver, John Updike, Saul Bellow, Joyce Carol Oates, trong số rất nhiều tên tuổi khác.

    Văn học Mỹ, nhất là tiểu thuyết, trong thế kỷ XX được đặc trưng bởi sự tương tác năng động giữa các hình thức truyền thống và thể nghiệm, tiếng nói đa dạng và phản ánh những thay đổi xã hội, chính trị và văn hóa của thời đại. Nó tiếp tục được đánh giá cao vì những đóng góp cho bối cảnh văn học toàn cầu. Chính “tiếng nói đa dạng” đã làm tiền cảnh cho “tiếng nói đương đại” bao gồm nhiều tiếng nói đại diện hơn cho phụ nữ, dân tộc thiểu số và các nhà văn LGBTQ+ như Toni Morrison, Jhumpa Lahiri, Sandra Cisneros và Alice Walker. Bước sang thế kỷ XXI, điều này ngày càng rõ rệt hơn.

 

Tính đa dạng và hòa nhập

 

Tính đa dạng và hòa nhập trong văn học là sự thể hiện nhiều tiếng nói, quan điểm và kinh nghiệm khác nhau trong các tác phẩm viết. Đó là phản ứng trước sự kiện rất khó giải thiêng, mà ta có thể nói thẳng ra là, văn học kinh điển truyền thống thường bị thống trị bởi một nhóm tiếng nói hạn hẹp, chủ yếu là của các tác giả da trắng, dị tính (heterosexual), và thường là nam giới. Lời kêu gọi hãy cho văn học tính đa dạng nhằm chủ đích làm sao khắc phục được sự thiếu cân bằng đó bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các nhà văn từ nhiều gốc gác khác nhau, bao gồm các chủng tộc, sắc tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, khả năng và bối cảnh văn hóa cũng như kinh tế-xã hội khác nhau. Nhu cầu thể hiện đa dạng liên quan đến việc mô tả nhân vật và phần tự sự phản ánh sự phong phú và phức tạp của thế giới thực.

    Phong trào “Tiếng nói riêng/ Own Voices” khuyến khích các tác giả viết về các nhân vật và trải nghiệm phù hợp với bản sắc riêng của họ. Cách tiếp cận này được xem như một cách để đảm bảo tính xác thực và tránh sự rập khuôn trong phong cách thể hiện.

    Tính giao thoa là một đặc tính quan trọng của khuynh hướng đa dạng và hòa nhập trong văn học. Tính giao thoa thừa nhận rằng các cá nhân có nhiều bản sắc giao nhau và hình thành nên trải nghiệm của họ. Văn học đề cao tính xen kẽ, thừa nhận và khám phá sự phức tạp của các nhân vật có thể thuộc nhiều nhóm trước đây bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nói chung, tiếng nói của những kẻ “thấp cổ bé miệng” được chú ý nhiều hơn.

    Những thay đổi trong ngành xuất bản cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển này. Ngày càng có nhiều chú ý hơn về sự thiếu đa dạng trong bản thân ngành xuất bản. Những nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết sự chênh lệch trong giao dịch xuất bản sách, vai trò biên tập và các khía cạnh khác của quá trình xuất bản. Các sáng kiến hỗ trợ các tác giả và tác phẩm đa dạng đã xuất hiện để mang lại nhiều cơ hội hơn cho những tiếng nói ít được đại diện.

    Ngoài ra, những nỗ lực đang được thực hiện nhằm đa dạng hóa chương trình giảng dạy tại các trường trung / đại học để mở rộng chương trình học vấn khoa Văn bao gồm những tác giả thiểu số và chấp nhận cái nhìn của họ trong học đường. Điều này giúp học sinh, sinh viên nhìn thấy bản thân mình được phản ánh trong văn học mà họ nghiên cứu và giúp họ tiếp cận với một quy phạm văn học bao quát hơn.

   Các giải thưởng, như giải Pulitzer cao quý, và danh hiệu văn học ngày càng công nhận những tác phẩm góp phần tạo nên sự đa dạng và hòa nhập. Các tác giả từ các cộng đồng thiểu số ngày càng nhận được nhiều sự công nhận hơn vì những đóng góp của họ cho văn học.

   Và sau cùng, nhưng không kém quan trọng, là sự tham gia của độc giả. Độc giả ngày càng có tiếng nói hơn trong việc yêu cầu những cuốn sách đa dạng, và các mạng truyền thông xã hội đã đóng vai trò hữu ích trong việc khuếch đại những tiếng nói ấy. Các blogger, nhà phê bình và độc giả đang tích cực quảng bá văn học đa dạng và thách thức làm sao cho nó trở nên hòa nhập hơn.

    Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được sự đa dạng và hòa nhập hơn trong văn học. Những diễn ngôn xung quanh những vấn đề này là điều cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi tích cực và tạo ra một bối cảnh văn học thực sự thể hiện sự đa dạng trong trải nghiệm của con người.

 

Các tác phẩm tiểu thuyết mang tính đa dạng và hòa nhậpĐầu biểu mẫu

 

Dưới đây là 10 cuốn sách đáng chú ý, xuất bản trong thời gian hai ba chục năm qua, có thể xem là đại diện cho xu hướng này. Sự bình chọn không phải của tôi. Tôi chỉ giản dị dựa trên những thông tin lấy từ nhãn quan của đa số trong giới phê bình cũng như đại chúng.

 

“The Hate U Give/ Sự thù ghét mi cho ta” của Angie Thomas

 

Cuốn tiểu thuyết này đề cập đến các vấn đề về chủng tộc và bạo lực của cảnh sát qua con mắt của một cô gái trẻ người Mỹ trở thành nhà hoạt động sau khi chứng kiến cảnh sát bắn chết bạn mình.

    Starr Carter, 16 tuổi, sống hai thế giới: khu dân cư nghèo nơi cô sinh sống và ngôi trường ở ngoại ô sang trọng mà cô theo học. Sự cân bằng khó giữ giữa hai thế giới bị phá vỡ khi Starr chứng kiến vụ bắn chết người bạn thân thời thơ ấu của cô là Khalil dưới bàn tay của một nhân viên cảnh sát. Khalil không có vũ khí.

    Ngay sau đó, cái chết của Khalil đã trở thành tiêu đề trên báo chí truyền thông toàn quốc. Một số người gọi anh ta là một tên côn đồ, thậm chí có thể là một kẻ buôn ma túy và một tên băng đảng hè phố. Một vài cảnh sát và trùm ma túy địa phương tìm cách đe dọa Starr và gia đình cô. Điều mọi người muốn biết là: cái gì thực sự đã xảy ra đêm đó? Và người duy nhất còn sống có thể trả lời được câu hỏi đó chính là Starr.

    Nhưng những gì Starr nói, hoặc không nói, có thể ảnh hưởng đến cộng đồng của cô. Nó cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng cô.

 

“Americanah” của Chimamanda Ngozi Adichie

 

Cuốn tiểu thuyết này của Adichie khám phá trải nghiệm của một phụ nữ trẻ người Nigeria nhập cư vào Hoa Kỳ, va chạm đến các vấn đề chủng tộc, bản sắc và sự thích nghi văn hóa.

    Ifemelu và Obinze còn trẻ và yêu nhau khi họ rời Nigeria dưới chế độ quân phiệt và di cư sang phương Tây tìm đất sống. Ifemelu là cô gái xinh đẹp, tự tin. Cô đến Mỹ, nơi mặc dù thành công trong học tập nhưng lần đầu tiên cô buộc phải vật lộn với ý nghĩa của việc cô là người da đen. Còn Obinze trầm lặng, chu đáo, hy vọng được cùng cô đoàn tụ, nhưng khi nước Mỹ hậu 11/9 đóng cửa với anh, thay vì được gặp lại người yêu, anh lao vào một cuộc sống nguy hiểm, một cư dân lậu ở London.

 

“There There / Đó! Đó” của Tommy Orange

 

Cuốn tiểu thuyết của Tommy Orange miêu tả mạnh mẽ trải nghiệm của người Mỹ da đỏ bản địa sinh sống ở thành thị. Jacquie Red Feather tỉnh ngộ và đang cố gắng quay trở lại với gia đình mà cô đã từ bỏ. Dene Oxendene cố gắng sống lại sau cái chết của chú mình. Orvil mười bốn tuổi. Họ cùng đến tham dự một buổi lễ hội truyền thống vào một ngày định mệnh tại Big Oakland Powwow và cùng nhau thuật về hoàn cảnh khó khăn của người Mỹ da đỏ sống nơi đô thị, vật lộn với một lịch sử phức tạp và đau đớn, với di sản về cái đẹp và tâm linh, với sự hiệp thông và hy sinh, về chủ nghĩa anh hùng của dân tộc họ.
    Nhật báo New York Times gọi đó là “một cuốn sách viết với rất nhiều năng lượng sôi nổi và mang đến rất nhiều thông tin từ một góc riêng biệt của cuộc sống Mỹ đến mức nó là một sự khám phá.”

 

“The Joy Luck Club / Câu lạc bộ Joy Luck” của Amy Tan

 

Cuốn tiểu thuyết của Amy Tan đi sâu vào cuộc sống của các gia đình người Mỹ gốc Hoa nhập cư, khám phá những khác biệt về thế hệ và văn hóa thông qua những câu chuyện liên kết với nhau.

    Bốn người mẹ, bốn cô con gái, bốn gia đình mà lịch sử của họ thay đổi theo chiều gió tùy vào người “thuật” câu chuyện. Năm 1949, bốn phụ nữ Trung Hoa, những người mới nhập cư đến San Francisco, bắt đầu gặp nhau để ăn dim-sum, chơi mạt chược và trò chuyện. Gặp nhau trong sự mất mát, họ vui sướng tự gọi mình là Câu lạc bộ Joy Luck. Thay vì chìm vào bi kịch, họ tìm cách gặp gỡ nhau để nâng cao tinh thần và thậm chí kiếm tiền. “Tuyệt vọng là mong muốn quay lại một điều gì đó đã mất. Hoặc kéo dài những gì không thể chịu đựng nổi.” Bốn mươi năm sau những câu chuyện và lịch sử vẫn tiếp diễn.
    Với sự minh triết và nhạy cảm, Amy Tan xem xét mối liên hệ đôi khi đau đớn, thường dịu dàng và luôn sâu sắc giữa những bà mẹ và con gái của họ. Khi mỗi người phụ nữ tiết lộ bí mật của mình, cố gắng làm sáng tỏ sự thật về cuộc đời mình, những sợi dây thắt buộc càng chặt hơn. Amy Tan là người kể chuyện sắc sảo, có cách lôi cuốn người đọc chìm đắm vào những cuộc sống phức tạp và bí ẩn.

    Cuốn sách được Hollywood dựng thành một cuốn phim lớn. Nữ tài tử Kiều Chinh của Việt Nam được chọn thủ diễn vai một trong bốn bà mẹ Trung Hoa.


Diễn viên Kiều Chinh (bên trái) trong vai một bà mẹ Trung Hoa – Phim The Joy Luck Club. (Ảnh: Tư liệu Kiều Chinh).

 

“Speak No Evil / Không nói điều ác” của Uzodinma Iweala

 

Cuốn tiểu thuyết này kể câu chuyện của một thiếu niên người Mỹ gốc Nigeria đối mặt với căn tính và giới tính của mình, giải quyết các vấn đề về chủng tộc, tôn giáo và gia đình.

    Trong cuốn tiểu thuyết, một tiết lộ được chia sẻ giữa hai thiếu niên con nhà giàu có từ những hoàn cảnh rất khác nhau đã gây ra một chuỗi sự kiện với những hậu quả tàn khốc.

    Bề ngoài, Niru có một cuộc sống đầy đủ. Được nuôi dưỡng tử tế, cậu là học sinh giỏi giang và là ngôi sao điền kinh tại một trường trung học tư thục danh tiếng. Cậu chuẩn bị nhập học trường Harvard với một triển vọng tươi sáng. Nhưng Niru có một bí mật đau đớn: Cậu là người đồng tính, một tội lỗi ghê tởm đối với cha mẹ người Nigeria bảo thủ. Không ai biết ngoại trừ Meredith, người bạn thân nhất của cậu, và cô gái dường như không phán xét cậu.

    Khi cha cậu vô tình phát hiện ra Niru là người đồng tính, hậu quả ập đến thật tàn bạo và nhanh chóng. Tuy nhiên, khi đối mặt với những rắc rối của riêng mình, Meredith nhận ra rằng cô không còn nhiều cảm xúc để giúp đỡ Niru nữa. Khi hai người bạn đấu tranh để dung hòa ước muốn của mình với những kỳ vọng từ kẻ khác, họ thấy mình đang hướng tới một tương lai bạo lực và vô nghĩa hơn những gì họ có thể tưởng tượng. Cả hai đều không thoát khỏi sự tổn thương.

    Tương tự như cuốn Americanah của Chimamanda Ngozi Adichie , Speak No Evil khám phá ý nghĩa của sự khác biệt trong một xã hội tuân thủ những gì được xem là cơ bản và sự khác biệt đó diễn ra như thế nào trong cuộc vật lộn nội tại và ngoại tại của chúng ta. Nó là một cuốn tiểu thuyết về sức mạnh của ngôn từ và sự tự nhận bản sắc, về ai có quyền lên tiếng và ai có quyền lên tiếng thay kẻ khác. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Uzodinma Iweala này đi sâu vào cốt lõi của con người chúng ta và khiến chúng ta đảo lộn theo nó.

 

“The Book Thief / Kẻ trộm sách” của Markus Zusak

 

Cuốn tiểu thuyết này thuật cuộc đời của một cô gái trẻ ở Đức dưới thời Quốc xã. Nó khám phá các chủ đề về nhân loại, tình yêu và tác động của chiến tranh.

    Là cuốn sách “best-seller” bán chạy nhất của New York Times và được thực hiện thành một bộ phim lớn, câu chuyện khó quên của Markus Zusak là về khả năng sách có thể nuôi dưỡng tâm hồn. Được “The Great American Read” thuộc kênh truyền hình PBS đề cử là một trong những tiểu thuyết được yêu thích nhất nước Mỹ.

    Khi Thần Chết có chuyện muốn kể, bạn hãy lắng nghe. Đó là năm 1939. Đức Quốc xã. Đất nước đang nín thở. Thần Chết chưa bao giờ bận rộn hơn thế và sẽ còn bận rộn hơn nữa. Liesel Meminger là một cô gái sinh sống bên ngoài Munich, cô tự kiếm sống bằng nghề ăn trộm khi gặp phải thứ mà cô không thể cưỡng lại – sách. Với sự giúp đỡ của người cha nuôi chơi đàn phong cầm, cô học cách đọc và chia sẻ những cuốn sách ăn trộm của mình với hàng xóm trong lúc nép mình dưới bom đạn, cũng như với người đàn ông Do Thái ẩn trốn dưới tầng hầm nhà cô.

    Bằng lối viết tuyệt vời, cháy bỏng với cường độ cao, tác giả từng đoạt giải thưởng Markus Zusak, tác giả cuốn I Am The Messenger / Tôi là sứ giả đã mang đến cho chúng ta một trong những câu chuyện có sức sống trường tồn nhất trong kỷ nguyên hiện đại.

    “Loại sách có thể thay đổi cuộc đời bạn.” New York Times phê bình như thế.

    “Xứng đáng được đặt trên cùng kệ sách với cuốn ‘Nhật Anne Frank.’” Là lời bình của báo USA Today.

 

“The Kite Runner / Người thả diều” của Khaled Hosseini

 

Cuốn tiểu thuyết của Hosseini lấy bối cảnh là Afghanistan và khám phá các chủ đề về tình bạn, sự phản bội và sự cứu chuộc trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của đất nước này.

    Afghanistan, từ những ngày cuối của chế độ quân chủ đến thời hiện tại, Người thả diều là câu chuyện được kể rất hay và khó quên về tình bạn giữa hai cậu bé lớn lên ở Kabul. Lớn lên trong cùng một gia đình và có cùng một vú nuôi, Amir và Hassan lớn lên ở hai thế giới khác nhau: Amir là con trai của một nhân vật nổi tiếng và giàu có, còn Hassan, con trai người hầu của cha Amir, là người Hazara – một sắc dân thiểu số bị ngược đãi, xa lánh. Cuộc sống đan xen và số phận của hai cậu trai phản ánh bi kịch cuối cùng của thế giới xung quanh. Khi cha con Amir trốn khỏi đất nước để có cuộc sống mới ở California, Amir nghĩ rằng mình đã thoát khỏi quá khứ. Tuy nhiên, cậu không thể bỏ lại ký ức về Hassan sau lưng mình.

    Người thả diều là một cuốn tiểu thuyết về tình bạn và sự phản bội cũng như về cái giá của lòng trung thành. Nó nói về mối quan hệ giữa cha-con, cũng như quyền lực của cha đối với con – tình yêu thương, sự hy sinh và sự dối trá. Được viết trên bối cảnh lịch sử chưa từng được thuật bao giờ trong tiểu thuyết trước đây, cuốn sách mô tả nền văn hóa phong phú và vẻ đẹp của một vùng đất đang trong quá trình bị tàn phá. Nhưng qua sự tàn phá, Khaled Hosseini mang đến hy vọng được cứu chuộc.

 

“Little Fires Everywhere / Những ngọn lửa nhỏ ở mọi nơi” của Celeste Ng

 

Cuốn tiểu thuyết của Celeste Ng (Ngô trong tiếng Việt) khám phá sự phức tạp của chủng tộc, giai cấp và đặc quyền trong bối cảnh một cộng đồng ở ngoại ô thuộc bang Ohio. Shaker Heights là một vùng ngoại ô yên tĩnh, tiến bộ của thành phố Cleveland, nơi mọi thứ đều có kế hoạch quy định, từ cách bố trí những con đường quanh co, màu sắc của những ngôi nhà cho đến cuộc sống thành công mà cư dân nơi đây hướng tới. Và không ai thể hiện tinh thần này hơn Elena Richardson, người có nguyên tắc chỉ đạo là tuân thủ luật lệ.

    Thế rồi một hôm Mia Warren – một nghệ sĩ có quá khứ bí ẩn, một bà mẹ đơn thân – cùng với cô con gái tuổi teen của mình, Pearl, đến thuê một căn nhà từ gia đình Richardson. Chẳng bao lâu Mia và Pearl trở thành cái gì khác hơn là người thuê nhà. Cả bốn người con của Richardson đều bị thu hút bởi cặp mẹ con nghệ sĩ. Nhưng Mia mang trong mình một quá khứ bí ẩn và sự coi thường hiện trạng đời sống của cô có nguy cơ đảo lộn cộng đồng nơi trật tự được gìn giữ thật cẩn thận.

    Khi người bạn cũ của gia đình Richardson nhận một em bé người Mỹ gốc Hoa làm con nuôi, một cuộc chiến giành quyền nuôi con nổ ra khiến thị trấn bị chia cắt một cách trầm trọng. Mia và Elena ở vào hai phe đối lập. Nghi ngờ Mia và động cơ của cô, Elena quyết tâm khám phá những bí mật trong quá khứ của Mia. Nhưng với nỗi ám ảnh của mình, Elena đã phải trả những cái giá bất ngờ và tàn khốc.

 

“Purple Hibiscus / Hoa dâm bụt tím” của Chimamanda Ngozi Adichie

 

Một tác phẩm khác của Adichie, cuốn tiểu thuyết này kể về câu chuyện trưởng thành của một cô gái trẻ ở Nigeria thời hậu thuộc địa, đề cập đến các chủ đề về gia đình, tôn giáo và tình trạng bất ổn chính trị.

    Chimamanda Ngozi Adichie là nhà văn đoạt giải O Henry năm 2003. Trong cuốn Purple Hibiscus bà thuật lại câu chuyện về một cô gái trẻ người Nigeria đi tìm tự do. Mặc dù cha cô rất được tôn trọng trong cộng đồng, nhưng Kambili, 15 tuổi, biết rõ khía cạnh nghiêm khắc và ngược đãi đáng sợ của người mình gọi là cha này. Về nhiều mặt, cô và gia đình có một cuộc sống đặc quyền, nhưng Kambili và anh trai cô, Jaja, thường bị trừng phạt vì không đáp ứng được kỳ vọng của người cha. Sau khi đến thăm dì và các anh chị em họ, Kambili mơ ước được trở thành thành viên của một gia đình yêu thương. Nhưng một cuộc đảo chính quân sự mang lại căng thẳng mới cho Nigeria và ngôi nhà của cô, Kambili tự hỏi liệu ước mơ của cô có bao giờ thành hiện thực.

    Ngôn ngữ đầy chất thơ và ấn tượng của Adichie mở ra một vùng đất và một gia đình đầy xung đột nhưng phải đấu tranh để sinh tồn.

 

“The Sympathizer / Cảm tình viên” của Việt Thanh Nguyễn

 

Cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer này viết về trải nghiệm của một điệp viên cộng sản Việt Nam nằm vùng tại Mỹ. Nó mang đến một góc nhìn độc đáo về chiến tranh Việt Nam. Khi cuốn sách ra mắt đại chúng, và được tiếp đón một cách nồng nhiệt khắp nơi, tôi đã có một bài “điểm sách” bằng tiếng Việt nhằm giới thiệu đến độc giả Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Xin trích đoạn:

    “Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc nhất thuộc các ngành văn chương, báo chí. Trước đó cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị-văn hóa; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó ‘mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân.’”

    Nhà văn Mỹ, ông Robert Olen Butler, một nhà văn viết nhiều về Việt Nam, cũng đoạt giải Pulitzer với cuốn A Good Scent from a Strange Mountain / Bửu Sơn Kỳ Hương, nói về Việt Thanh Nguyễn như sau:

    “Việt Thanh Nguyễn chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia, và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học: cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng.”

    Cuốn sách đang được kênh truyền hình HBO thực hiện một bộ phim nhiều tập, nữ tài tử Kiều Chinh thủ diễn vai bà mẹ trong truyện.

 

***

 

Những cuốn sách liệt kê bên trên đại diện cho nhiều thể loại và chủ đề khác nhau, mang đến cho người đọc cơ hội khám phá những giọng điệu và tự sự đa dạng. Điều đáng chú ý là bối cảnh văn học đa dạng không ngừng phát triển và nhiều tiếng nói mới và thú vị tiếp tục đóng góp cho xu hướng quan trọng này. Cộng đồng người Việt hải ngoại hãnh diện có một Việt Thanh Nguyễn trong danh sách những tiểu thuyết gia Mỹ đương đại hàng đầu góp phần không nhỏ cho tính đa dạng và hòa nhập trong văn học. Chắc chắn đó là nguồn cảm hứng cho nhiều cây bút trẻ có tiềm năng và mơ ước.

 

 Trịnh Y Thư

(Tác giả gởi)

Đầu biểu mẫu

Đầu biểu mẫu

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...