Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Bão Đêm - Nguyễn Ngọc Tư

 Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên đán ...


hiếu nhà mình mới hơn của họ”, Chín nghĩ vậy, ngay khi chực thấy cả nhà Kim nhoi trên tấm chiếu trải phía góc phòng. Tự anh thấy ý nghĩ đó phù phiếm đến nực cười, sao không tính coi phải đối xử nhau kiểu gì, làm sao đi qua cái đêm mưa bão dài vô tận này, khi anh và họ tình cờ bị dồn vào một căn phòng vốn là lớp học, đầu đuôi chỉ hai chục thước vuông.
 <!>
 
Nhưng đây là chỗ cuối cùng cho những người tránh bão muộn, những kẻ miễn cưỡng rời nhà đi với ý nghĩ, bão sẽ không nể nang mà quét sạch không chừa một thứ gì. Đâu dễ thuyết phục với bọn người lì lợm ấy, ông trưởng ấp xách đứa con nít nhỏ nhất bỏ chạy, đặt dấu chấm hết cho cuộc giằng co. Đứa bé bị kẹp cứng trong tay kẻ lạ, kêu khóc cho tới khi cha mẹ nó lút cút đuổi kịp, nhưng chẳng thể giằng lại con, bởi tay xách nách mang những mùng mền chiếu gối, xoong cơm vừa chín tới, và cả những thứ tuyệt đối vô nghĩa như đôi ảnh thờ người quá cố. Lúc buông mấy giỏ đồ lên thềm trường học, Chín còn nổi khùng nghĩ sao mình phải kiệt sức vì những thứ này. Chỉ một đêm, người ta đâu có cần quá nhiều vậy.
Lúc đó anh chưa nhìn thấy Kim đang ngồi níu cái lưng quần của đứa nhỏ nhất, giữ cho nó khỏi bò qua bò lại bụng một gã chừng như chồng chị, đang nằm phè ra ngủ mặc kệ trời. Giờ người ta có cạo đáy nồi, nói cười vang động, cũng không chọc thủng chiếc vỏ trong suốt mà giấc ngủ sâu dựng quanh người đàn ông. Thấy mớ giỏ chưa mở miệng, anh đoán nhà họ tới đây cũng chưa lâu. Chắc là gã chồng đã ngáy ngay khi trải chưa thẳng chiếu.
Gương mặt Kim đâm thẳng vào mắt anh, gây nên cơn mù cấp, mất một lúc xây xẩm anh mới nhận ra trong căn phòng đầy người lạ. Có vẻ họ ở chòm nhà giữa đồng khơi, không phải dân xóm anh. Hẳn là họ quyết ở lì với nhà cửa cho tới phút cuối cùng, phải bỏ rơi tổ ấm lại trong họng bão. Chỉ hiện diện của Kim là Chín không sao cắt nghĩa nổi, tại sao cả nhà chị lại ở đây. Nhưng anh nhanh chóng bỏ cuộc, khi nhận ra nghĩ về Kim vào lúc này quả là hoang phí, đối với anh. Chín ngán ngẩm ngó bọn con nít ỏm tỏi lên, bên cạnh vài bà già ho và than vãn. Không có đàn ông, và sòng nhậu căn phòng bên kia vách phần nào giải thích tại sao đàn ông vắng mặt mấy vuông chiếu. Mỗi gia đình một chiếu, đông lắm thì chiếu rưỡi. Ở nơi chốn dành cho dân tránh bão, không phân biệt ai vườn rộng ao sâu, nhà ba gian hai chái, hết thảy chịu trận nằm, ngồi chỉ trong tấm chiếu.
“Chật vậy ăn ở kiểu gì. Đi!”, Chín nói lúc xốc cái giỏ lên, tự thuyết phục rằng cái chỗ trống người ta vừa miễn cưỡng vẹt ra dành cho gia đình anh hẹp thiệt, không phải vì Kim đang ở kia. Nhưng đoán được ý tưởng tháo chạy của anh, ông trưởng ấp hiện ra ngay bên cửa, ngó trời thở dài, “mưa lớn quá tay”.
Lời chừng như bâng quơ, nhưng khiến Chín chấp nhận chuyện mình thật sự bị mắc kẹt lại căn phòng trú bão này, và không cách nào có thể thoát khỏi nó khi mưa dày ngoài kia, bóng tối cứng đanh dựng tường thành, cầm tù những con người bé nhỏ. Anh còn biết đi đâu khi cơn bão bắt đầu cuộc càn quét, và vợ anh đã ngồi bẹp xuống sàn nhà cho đứa mười ba tháng tuổi bú. Mệt vì khóc suốt quãng đường từ nhà tới đây, con nhỏ chưa no đã muốn buông vú ngủ ngang. Thằng anh nó đang lụi hụi trải chiếu ra, tay không chịu buông cái gối bốn góc đã bị thâm kim mà nó đã mút suốt từ hồi cai sữa. Chiếc chiếu bông cố chống lại đứa trẻ bốn tuổi, và anh biết nếu không giúp nó chắc tới khuya mới có chỗ cho vợ con ngả lưng nằm. Vừa lúc anh muốn bận rộn tay chân để khỏi để ý ánh mắt Kim, lúc này đã nhận ra anh, với một chút sảng sốt, chị ngó nhanh ra cửa.
Cô ta muốn tháo chạy, Chín đoán vậy. Nhưng người đàn bà ấy cũng bị giam cầm trong mưa dày không đáy, cùng với ba đứa con gái, lớn nhất chưa đầy mười tuổi, nhỏ mới lẫm đẫm biết đi, và gã chồng chẳng biết đang lạc tới mơ nào.
“Hói đâu thua mình”, Chín nghĩ lúc nhìn vào mảng đầu trống trải của gã, với một chỏm tóc còn sót phía trên đỉnh trán phất phơ. Anh nhớ mình không nhìn về phía đó, nhưng vẫn thấy một vết rách trên cổ gã, và Kim đang dùng cái nắp nồi cố đánh lạc hướng đứa nhỏ ra khỏi bụng cha. Nhưng em bé nhanh chóng chọn lựa khoang bụng phập phồng. Chín nhớ mình đã giữ cái nhìn trống rỗng nếu buộc phải lướt qua, nhưng nhanh chóng nhận ra cả khi quay mặt vào trong vách cũng không sao nhổ sạch hình ảnh họ.
Kim chừng như cũng chẳng thoải mái chút nào. Chị ta buộc tóc, chải đầu cho đứa con gái giữa, tét đít nhỏ chị nó chẳng lý do. Chị day qua góp chuyện với người bên kia chiếu, xong lục lọi gì đó trong mấy cái giỏ, buộc lại tóc. Chị kéo tay chồng khép sát bên sườn, rồi nhanh chóng bỏ cuộc khi nó lại căng phè ra như cũ, mở giỏ lôi cái mền tía ra, nửa chừng nhét vào. Chẳng ai có thể tự nhiên như không trước một người từng thuộc lòng từng cái thẹo, vết chàm trên da thịt mình.
Lâu rồi Chín không gặp Kim, phải từ hồi chị lấy chồng. Đám cưới đặt dấu chấm hết cho cuộc tình của họ. Chú rể là một thằng con trai lạ hoắc bên Phong Thạnh Tây. Chín cùng đám thanh niên trong xóm không thể tìm ra điểm yếu của gã. Kẻ lạ thì không có điểm yếu. Chẳng có gì để gièm xiểm bỉ bai, đám con trai những đêm qua nhà Kim mượn rượu hát vống lên cái câu hát không thể cũ hơn, chồng gần không lấy đi lấy chồng xa, lỡ mai cha yếu mẹ già. Bản thân câu hát ấy cũng vô vọng, nhà Kim hãy còn bảy anh chị em khác sẵn sàng đắp ấm cho cha mẹ già khi trở bấc.
Từ biết tin Kim sẽ lấy chồng cho tới khi cô dâu bước xuống tàu đi mất, Chín không nhận được lời giải thích nào cho cái chọn lựa đột ngột đó. Anh rơi vào một lớp mù sương, càng vùng vẫy càng bị nó thít chặt. “Tệ gì mà không từ giã nhau một tiếng”, anh cay cú. Dù anh không chắc lời chào sẽ thay đổi được bản chất của sự thật hiển nhiên: anh đã bị bỏ rơi.
Nhiều năm sau đó, Chín vẫn phải thường xuyên thuyết phục mình, rằng anh quên Kim rồi, quên sạch. Con đàn bà đó chẳng đáng gì để anh phải bỏ xứ mất hút vào những khu công nghiệp miền Đông, rồi lấy ngay cô vợ trong một đám cưới rình rang đến nỗi bọn anh phải tăng ca suốt một thời gian dài để trả nợ. Một bữa vợ về giữa ca ngày, nói “tụi mình về bên anh sống, trồng kiểng, nuôi gà”. Chín tưởng là mơ, nói ờ ờ. Lúc dậy đã thấy chị gói ghém hành lý xong rồi, đã mang hết nồi niêu, tủ bàn cho bạn trọ. Đầu tóc chị vẫn còn ám khói. Nhà máy chị làm vừa cháy rụi lúc xế trưa, vài người trong tổ chị bị kẹt lại trong đống lửa.
Nhớ tới đó, một cơn giận ran lên mày mặt, nếu vợ không đòi về, anh đã không mắc kẹt trong cơn bão này, mùa cúc rẻ mạt năm ngoái, bầy gà bị cúm chết như rạ, không phải ở cùng phòng người đàn bà chỉ nghe tên thôi đã giận muốn khùng. Giờ chị ta đang ở trước mặt anh. Tóc thưa, cháy ngọn. Đôi vết nám tròn bằng khu chén nằm cân đối hai bên má. Cằm có túi nọng. Chân mày xăm xanh rờn rợn.
Ngó sang vợ đang đút con ăn cơm chan nước lã với mấy khúc cá muối chiên chưa tới lửa, dưới ánh đèn neon trắng đục, sắc da chị càng xanh xao như hồi nào giờ vậy, dù dầm mưa nắng cũng nhiều. Anh tự biết mình đang tầm thường hết chỗ nói, nhưng không khỏi nghĩ vợ mình đẹp hơn Kim, với một chút hả hê dấy lên. Hổ thẹn trong lòng nhờ đó cũng hao đi một chút.
Đó là tất cả những gì anh có thể làm, để không ngã gục. Việc anh có mặt ở nơi trú bão chẳng có ý nghĩa nào khác ngoài chứng thực anh nghèo, yếu đuối như những người nghèo khác. Những người không thể chống đỡ nổi cơn gió giật cấp mười hai. Phải nhà đúc mái bê tông, xây tường gạch thì đã không phải tháo chạy tới đây. Trong anh đầy giận dữ: cơn bão, căn nhà cổ mối mọt cha mẹ để lại cho anh, Kim, ông trưởng ấp, hai đứa nhỏ con mình. Anh muốn tét đít cho chúng khóc um lên cho hả giận, nhưng vẫn cố nâng thằng nhỏ trên đôi chân mỏi rã của mình, hát xích đu tiên kiếm tiền cưới vợ, đứt dây bầu ở đợ vợ ăn, như một người cha hết mực cưng trẻ nít.
“Đàn ông như cậu khó kiếm lắm nghen, đâu như thằng con thím, vừa tới là nó tót qua bên kia nhậu”, bà già chiếu bên vói qua khen, và anh hận là những mưa vừa bị gió ném vào vách gây ồn, khiến tiếng bà không thể vang qua chỗ Kim ngồi.
Chỉ chút lơ đễnh mà thằng con anh chực nhao đi, nhập với tụi nhỏ bên nhà Kim. Chín sợ mấy đứa sẽ nhanh chóng thân thiết với nhau. Hoặc không. Và dù tụi nhỏ có cấu nhéo làm giặc, cũng đẩy anh vô tình thế phải chạy sang bên đó xé lẻ chúng ra. Hình dung đó làm Chín khó chịu, cố giữ rịt thằng nhỏ vào trong những trò chơi mà chính anh cũng nhận ra chúng chán vô phương tả. Thằng con anh nhanh chóng kiệt sức, nó ghếch chân lên vách tường chi chít vết mực, mút gối. Thà mút gối còn hơn chơi với anh. Kế bên nó là đứa em gái bú no nằm ngủ phơi rún, vạt áo lất phất trên cái rốn sâu. Vợ anh nằm phía ngoài cùng, lạc nửa người ra khỏi chiếu, mặt chăm chú như nhìn gì đó trên trần nhà lại như đang lắng nghe tiếng gió hú man dại ngoài kia.
“Lúc đi quên tắt bếp”, vợ Chín bỗng dưng lên tiếng.
Chị nhắc anh nhớ về hai trăm chậu cúc đại đóa đang ra nụ mà anh đã hạ giàn từ ban sáng, để chắc chắn chúng sẽ ngập úng khi nước sông dâng lên. Kiểu nào thì bọn nó cũng chết trước khi những cái bông rộ nở, và phiên chợ cuối năm thoắt cái xa vời. Ý nghĩ đó làm anh tan nát. Lúc căng lưới chài trùm phủ lên nóc chuồng gà, neo buộc chì chài vô mấy gốc xoài quanh đó, anh biết sớm muộn gì cơn bão cấp mười hai cũng nhổ nó chổng vó lên, và những con gà bay tả tơi trong gió như những nhúm bông gòn tháng ba. Cảnh đó trong hình dung, không thể nói là không đẹp.
Anh biết mình sẽ đương đầu với cái thứ gì, sức mạnh của nó khủng khiếp cỡ nào, sự biết đó sớm làm anh kiệt sức, và Chín muốn bỏ cuộc thôi không thèm kê ngoài chục bao lúa giống lên bộ vạc giữa nhà. Những bản tin bão phát tới tấp trên đài cứ ập vào anh như sóng, không kịp ngoi lên để thở đã đợt sóng tiếp theo, chúng làm anh cảm giác mình bị giông gió nuốt trộng rồi, và ông trưởng ấp thì cứ nửa tiếng lại ghé qua rên rẩm “sao giờ còn chưa chịu đi”.
Cả ngày dài chạy đua với bão, Chín tưởng chỉ nằm thẳng lưng sẽ ngủ sâu tới sáng, gió bão rú gào cũng chẳng trục vớt nổi cái linh hồn mỏi rã của mình. Nhưng giờ thì anh không chợp mắt được, khi bên kia chiếu Kim đang chia mì gói cho hai nhỏ con lớn. Kèo nhèo bà mẹ chia không đều, chúng làm Chín nghĩ phải tụi nó là con mình thì nãy giờ đã ăn mấy bợp tai. Nhưng chúng không phải con anh, rõ ràng. Chúng là con của gã vẫn ngủ như chết rồi kia, kể cả có đứa trẻ nằm sấp vắt ngang bụng. Chừng con nhỏ mỏi mòn thiếp đi luôn lúc đang bò lại bò qua.
Chẳng có điểm yếu của một kẻ đang ngủ. Chín chỉ có thể công kích ai đó nếu gã ta vô ý khẩy tàn thuốc vào nồi cơm, đánh chửi con thô bạo, vấp chân vào mép chiếu, xỏ lộn dép người khác. Cả khi chẳng sai lầm nào xảy ra, Chín sẽ tìm cách lẩn vào nhà vệ sinh lúc gã đi tiểu tiện, để xem chim hắn có ngắn không. Nhưng gã chỉ ngủ, và Chín tuyệt vọng, cảm thấy chẳng có cơ hội nào.
Kim không có sẵn nước sôi. Ai đó bảo hãy lấy nước của họ nhưng chị từ chối, nói tụi nhỏ thích ăn mì sống. Hai đứa đồng thanh xác nhận rằng mì sống ăn giòn, trong cái nền âm thanh gió mưa gào rú. Chín nghĩ cần có ai đó tìm cọng dây buộc chặt cửa sổ lớp học cho bớt khua, nhưng cả đứng lên anh cũng không muốn chút nào. Vợ anh ngủ rồi, hoặc cứ nhắm mắt để vậy. Chị cũng có cả ngày dài chạy bão. Suốt buổi tối mấy chiếu bên không ai nghe chị góp lời nào, ngoài nói với con. Chị vốn ít lời, hoặc đã từng líu lô trước khi trầm mình trong công xưởng năm này qua năm khác, với máy móc vây quanh và những gã quản đốc khắc nghiệt nghĩ kẻ hay đưa chuyện là chúa xao lãng việc. Anh nhận ra tính kiệm lời ấy quý giá biết chừng nào, khi vợ mình không te rẹt qua chiếu láng giềng, đon đả hỏi quê ruột chị ở đâu, nếu đúng là ở Long Điền thì sao chị không biết chồng em, hai người trạc tuổi sao không biết nhau lạ vậy. Cuộc gặp đó không bao giờ xảy ra và anh cảm kích vợ thiếu chút nữa đã vói tay sang vuốt ve tóc chị.
Sòng nhậu phòng bên nghe đâu gầy từ lúc xế chiều, những người đàn ông đang hò hét, nghe có vẻ cố tình át tiếng giông gió ngoài kia, để che giấu cơn tuyệt vọng trong lòng. Qua đêm nay, họ trở thành tay trắng.
“Tới cái nóc nhà còn không giữ được, còn thủ thân mẹ gì, uống đi mày”, ai đó lè phè. Đèn bỗng dưng tắt ngóm. Chắc trạm biến áp gặp biến cố rồi. Vài người trong phòng Chín bật quẹt lên, soi đồng hồ coi đã mấy giờ, mẫn cán như kẻ ghi biên niên sử. Con cháu của họ sau này sẽ được kể đầy tai về cơn bão nghịch mùa này, rằng “lúc một giờ khuya thì mất điện, bóng tối bao trùm khắp nơi”.
Chín không có gì để kể. Bão. Nhà cửa chuồng trại bị quét sạch. Trắng tay. Hết. Đi vào chi tiết sẽ càng thảm hại, như má anh kể hoài chuyện cơn bão gần nhất, cả nhà phải chui xuống gầm bộ ngựa để trốn sau khi gió tốc nóc nhà. “Lúc chui ra miệng mầy dính đầy lông chó, nằm ngay ổ chó mà”, bà mẹ nhắc, giọng như nói về thứ kỷ niệm ngọt ngào.
Mình với bão không tồn tại cái gọi là kỷ niệm ngọt ngào, Chín nghĩ về lần đầu gặp nó lúc anh còn con nít, và bây giờ, có Kim ở góc kia, trong bóng tối. Thứ bóng tối làm Chín thấy nhẹ người. Nó quá rộng để đựng hết mọi âm thanh. Tiếng giông mưa ném mình vào vách, tiếng đập muỗi, tiếng một bà già rên lên không biết bão có tốc tấm cao su đậy bàn thờ, tiếng mâm nhậu bên kia vách đang tàn rụi vì hết rượu, và mái tôn giẫy đành đạch đâu đó phía buồng bảo vệ. Không nghe tiếng Kim, chừng như chị cũng cảm thấy bóng tối đứng về phía mình. Giờ khỏi phải diễn vẻ mặt tỉnh bơ, vờ như chưa từng quen biết.
“Chừng này mà tan bão cũng về”, Chín nghĩ vậy lúc quờ tay tìm chỗ trống, anh muốn thử nằm coi có thể chợp mắt được chút nào. Thằng con anh lấn gần hết chỗ vốn dành cho ba nó. Chưa kịp dẹp nó qua một bên đèn bất ngờ sáng lên, họ chạy máy phát đâu từ văn phòng trường. Nguồn điện không ổn định, làm ra thứ ánh sáng co giật tê tê.
Chồng Kim đã dậy, mặt vẫn dại ra vì ngái ngủ. Gã vẫn xa lạ như hồi nào tới đón người yêu của Chín đi. Sự xa lạ che chắn gã, không kẽ hở. Ngó Kim nằm đúng vào chỗ chồng, Chín cảm giác được khoảng chiếu nóng rực. Đứa nhỏ mất cái bụng để nằm, cũng thức, lủm củm đứng dậy đi về phía dãy bàn ghế học trò đã dồn đống lại, cố trèo lên. Cha nó chừng như chưa tỉnh ngủ, đầu treo lủng lẳng trên vai, gục gặc kệ con đi đâu thì đi. Chín nín thở nhìn đứa trẻ, nghĩ tới một hoạt cảnh phi thường, té chổng vó khỏi đống đồ gỗ, nó sẽ khóc rống lên vì đau, và thằng cha vẫn còn chưa tỉnh ngủ trong lúc mẹ nó nghiến ngầm, “có đứa nhỏ mà giữ không nên thân”.
Nhưng con nhỏ yếu đuối đến không trèo được chút nào, nản lòng quay về bò qua lại bụng mẹ, bày tỏ nỗi say mê vô tận với những cái bụng trên đời. Bất giác Chín sợ hãi nếu anh ngủ rồi, đứa trẻ kia sẽ bò đi bò lại trên bụng anh, âu yếm như anh chính là cha nó.
Anh nhìn đứa nhỏ không rời mắt, cho tới khi nó bị giữ chặt lại. Thằng cha cầm cái lưng quần nhấc bổng nhỏ con lên, cho cặp giò đầy mẩn ghẻ khua loạn vào không khí. Ngó thấy Chín còn thức, gã cười làm quen, hoặc không, chỉ là cái nhếch mép vô tình. Với gã, anh cũng là kẻ lạ. Vẻ từ tốn, gã rút bao thuốc lá bẹp dí trong túi áo ra, trút mãi bằng một tay mà chẳng điếu thuốc nào rơi ra chiếu. Mặt có vẻ lưỡng lự, gã ngó anh rồi ngó vợ, chừng như muốn mở miệng ra nhờ giúp đỡ, nhưng sợ tiếng động sẽ làm chị ta thức giấc. Không thể thả con nhỏ xuống, nó sẽ lại càn qua bụng người đàn bà mà gã tin là đã ngủ, gã cứ ngồi im sững vậy. Với một cánh tay cất đứa nhỏ lên khỏi mặt chiếu, gã cẩn trọng và nghiêm trang như pháp sư canh ngọn đèn thắp đền thiêng.
 
Nguyễn Ngọc Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét