Hai bà già trầu lâu lâu hẹn gặp nhau ở vườn kiểng. Trên tấm phản ván gõ ngó ra cái sân xanh um cây cỏ, họ ngồi kiểu một căn một chái, đùi gấp nằm-đùi gấp đứng làm thành góc 90 độ, một cánh tay gát qua đầu gối, tay kia phe phẩy quạt giấy, hai cụ bỏm bẻm nói chuyện đời, lần nào cũng rủ nhau làm thông gia, dặn tới dặn lui, sợ quên. Dạo ấy tôi 12 tuổi học lớp đệ lục, má đi đâu chơi cũng dẫn con gái út theo. Bà chủ vườn kiểng có con trai út vừa xong tú tài, mới thi đậu vô trường Mỹ Thuật Gia Định, lớn tồng ngồng vẫn còn xà-lỏn ở trần chạy vòng vòng mấy chậu bông giấy rình bắt dế.
<!>
Đời đưa đẩy, hai trẻ mạnh ai nấy lớn, không ăn nhập gì đến mộng thông gia của hai bà già. Một người thành danh trong lĩnh vực hội họa được báo chí hết lời ca ngợi; một người thành tinh, thường la cà giới nhân sĩ Sài Thành, sục sạo cõi văn chương chữ nghĩa coi thực sự nó ra làm sao.
Nhưng rồi con tinh chưa kịp mọc nanh thì phựt, đứt phim. Kiểu bứt dây động rừng theo nghĩa đen, muông thú nháo nhào tự tìm đường sống. Đàn ông được phe thắng trận cho đi học để biết thế nào là nhân phẩm của kẻ thua cuộc, cùng lúc tạo điều kiện cho bọn tàn quân vận dụng bản năng sinh tồn nơi rừng thiêng nước độc, đàn bà túc trực hậu phương vừa tảo tần gánh vác gia đình vừa chắt bóp dành dụm chờ ngày trèo đèo lội suối thăm nuôi tù khổ sai.
Dây bị bứt rừng bị động nhưng con-tinh-không-nanh may mắn xin được chân thủ thư quèn ở Trung Tâm Thông Tin Tuyên Truyền Y Tế, an phận hưởng bổng lộc công chức từ nhà nước XHCN – hàng ngày tám tiếng ngồi văn phòng, gửi con thơ cho mẹ già trông, tuân thủ quy định của Sở, sau giờ làm việc cùng nhân viên các đơn vị hành chính liên quan ra sân tập quân sự, sẵn sàng cho chiến tranh biên giới Việt-Trung. Đại khái là huơ tay huơ chân như trong bài tập Thái Cực Quyền dưỡng sinh dành cho người già, chỉ thể hiện chút khí thế ở động tác cuối khi tất cả đồng loạt vung tay lên rồi chặt mạnh xuống đất miệng hô to: SÁT! Trông rất hầm hố máu me.
Chính trong thời khắc quyết tâm diệt giặc, tư thế đầu cúi gằm, mắt trợn ngược, miệng dõng dạc hô to đầy sát khí, tôi chợt nhìn thấy hai đứa con nít, một gái một trai cỡ năm sáu tuổi ngồi chờ ai đó trên bệ xi-măng quanh gốc cây sung cuối sân, trông dáng vẻ bơ vơ côi cút y như Nghi Xuân-Tấn Lực, lúc đến gần mới rõ áo quần tươm tất thơm tho, mặt mũi thông minh đĩnh ngộ. Từ hồi có con nhỏ, gặp nhi đồng là tôi lân la.
– Hai nhóc đang chờ ai đó?
– Dạ chờ ba tụi con tập quân sự.
Cô bé nói xong giơ ngón tay chỉ một ông lùm tùm bao bị, tay xách nách mang đang khệnh khạng đi tới. Đầu húi cua, dáng đầm đậm, mặt quen quen.
– Ủa???
– Ủa!!!
– Té ra hai anh em làm cùng Sở!
– Ừ. Giờ anh chuyên vẽ tranh cổ động kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh đẻ, bảo vệ bà mẹ trẻ em. Ha ha…Em sao rồi?
– Ha ha! Em ngồi bên thư viện Trung Tâm Tuyên Truyền. Đã có một bé gái 4 tuổi. Hai nhóc này…
– Con chị 7 tuổi, thằng em 5 tuổi. Đón tụi nó đi học về nhưng chiều nào cũng kẹt thêm vụ gồng gân đánh giặc.
– Vậy mà đến hôm nay mới được…tao phùng! Chắc tại em hay trốn quân dịch.
Hỏi qua hỏi lại mới biết hai nhà ở gần nhau, chỉ cách một lần băng qua đường. Họa sĩ thành danh sau ngày miền Nam sụp đổ bị đi học tập vài năm, giờ làm công chức vẽ ống dẫn tinh, tử cung, vòng xoắn. Biết con-tinh-không-nanh ban ngày làm thủ thư, chiều tối làm dương cầm thủ dạy kèm tư gia, chỉ vài hôm sau phụ huynh không chút đắn đo mang hai đứa nhỏ đến nộp cho cô giáo.
Tổng kết: ngoài hai bà già là bạn trầu vong niên, hai người chị của cô út cậu út tình cờ có cùng tên lẫn năm sinh từng là bạn học cùng lớp, bé Còi 4 tuổi thích chơi chung với chị Nghi Xuân và anh Tấn Lực, trẻ con vô ưu tíu tít hát hò tung tăng vui đùa, phu nhân Cúc Hoa công dung ngôn hạnh – hình mẫu lý tưởng khiến tôi lắm lúc ngậm ngùi soi gương, nay thêm tình cảm mặn nồng giữa thầy và trò, coi như xúm xít khắng khít viên mãn.
Kể từ ngày tao ngộ, chúng tôi thường xuyên tùm nụm tùm nịu trong mọi dịp lễ lạt, thậm chí cùng đi chơi chung tỉnh xa. Thời gian này, thân an tâm lạc, Phạm Công phừng chí bày binh bố trận cọ màu, sáng tác sơn dầu lẫn sơn mài, ngất ngưởng rải gam xanh ngọc của nước, vàng úa của cỏ hoặc nâu xỉn của đất và trầm tích. Thi thoảng hung hăng phang vài nhát đỏ gụ, đỏ tía hoặc …đỏ lòm làm hết hồn.
Trong tiệc sinh nhật mừng Tấn Lực 6 tuổi do phu nhân Cúc Hoa tỉ mỉ bày biện cho các thiếu nhi ngay trong xưởng vẽ của phu quân, một cảm giác thôn thốn rất quái đột nhiên gợn lên nơi bụng dưới và bàn tọa khi tôi nhìn thấy bức sơn mài hai cái ghế – một xanh ve chai sậm sì, một đỏ huyết dụ trên có 3 quả con con thon thon dát bằng vỏ trứng.
Thôi thúc mãnh liệt phải sở hữu bức tranh vào thời điểm thiếu ăn những năm sau trận động rừng 1975 khiến tôi lăn qua trở lại mất mấy tuần, lòng ngai ngái lo nó rơi vào tay ai đó trong khi mình đang còn dây dưa lý sự với bản thân.
Không làm sao có được số tiền tương đương với giá bức tranh, tôi đã tuột chiếc nhẫn xoàn 4 ly ra khỏi ngón áp út bàn tay trái sau một hồi đứng tần ngần thả cho nội tâm khủng hoảng ngay trước cửa tiệm vàng Kim Thành.
Tác giả đích thân khệ nệ bê bức sơn mài 60cm X 80cm, hơi nặng, đi bộ sang tận tư gia khách hàng phía bên kia ngã tư, chọn mảng tường thích hợp rồi tự tay đóng đinh treo tranh. Hai anh em đứng lùi ra xa, chắp tay sau đít ngó trân trân hai cái ghế ba cái trứng một lúc lâu. Mỗi tâm tư một nẻo nghĩ. Một người có lẽ đang bùi ngùi chia tay tác phẩm, trong khi người còn lại hả hê mãn nguyện tước được tác phẩm từ tay tác giả. Không khỏi băn khoăn lấn cấn, lúc chào nhau từ giã, khách mua tranh ngại ngùng ấp úng:
– Còn nợ anh mấy con số lẻ, thôi để từ từ em tính.
Tác giả cười hề hề:
– Kệ nó đi, em cứ tính từ từ.
Thế là tôi có bức tranh. Hàng ngày đi ra đi vô ngoái cổ ngó nó lom lom, thôn thốn. Thích mê. Có lần chiêm bao thấy mình ngự trên ghế huyết dụ, nương nhè nhẹ cồm cộm 3 cái quả be bé, tư thế gà mái ấp trứng. Chỗ ngồi ấm dần lên, rồi vỏ trứng nứt ra cho thấy loi nhoi 3 cái mỏ – trong giấc ngủ mà nghe rõ mồn một cả tiếng chíp chíp. Nhìn sang ghế xanh ve chai thấy nó vẫn lơ phơ trống hoác, khoái chết ngất.
Bạn đời hời hợt không quan tâm trong nhà có thêm món gì hay thiếu đi món gì, cũng đỡ, nhưng một hôm chàng chợt phát giác :
– Ủa, nhẫn cưới đâu?
– Tuần trước bán rồi.
– Bán rồi ?
Nàng lẻo lự :
– Thời buổi khó khăn, mang nhẫn kim cương lấp la lấp lánh ra
đường nó chặt tay cho chết. Chẳng thà bán lấy tiền mua tranh treo chần
vần giữa nhà, kẻ gian đột nhập không thèm vác đi làm chi hai cái ghế
không ngồi lên được. Nhẫn đính hôn cũng đã bán năm ngoái, đổi lấy cây
piano 250 kg nằm chình ình kia kìa.
– Ý nghĩa bức tranh là gì mà đáng giá cái nhẫn kim cương 4 ly hình như chỉ mới đeo vắt vẻo từ cuối năm 1974?
Đức lang quân thù dai ghê. Tưởng chàng hời hợt, sai lầm!
– A hèm, Lạc Long Quân – tên húy là Sùng Lãm – nhân tiết đầu xuân trên ngọn tình sầu Nghĩa Lĩnh bỗng nổi cơn trời-ơi-đất-hỡi với Âu Cơ khiến nàng bụng mang dạ chửa; sau 3 năm 3 tháng 10 ngày hạ sinh một bọc 103 trứng, 3 cái bị ung chứa khuẩn Salmonella không thể nở ra con người. Sùng Lãm Long Vương sau lần đó mặc cảm mãn dục, tự thấy khó bề tái sản xuất bèn bãi trào, tót về sông Đà rồi trườn ra biển Đông lặn biệt tăm, bỏ trống ghế màu xanh ve chai. Tiên Âu Cơ nghiêm tọa ghế huyết dụ, kiên trì ấp trứng thối, miết cho đến deadline phải đành đoạn bay về trời.
E là tác giả sẽ tức ngực hộc ra máu bầm nếu biết tác phẩm của mình được diễn giải theo truyền thuyết trứng ung. Nhưng mà, có nhà văn nào đó đã phát biểu trong một buổi phỏng vấn: « Công việc của tôi không phải giải thích về những gì tôi viết, đó là công việc của các ông »
Không lâu sau chàng và nàng ly hôn, tất nhiên không phải chỉ vì ghế với trứng.
Ba má lần lượt qua đời, anh chị em ly tán, tuy vậy mẹ đơn thân vẫn không thấy lạnh lẽo bởi bên cạnh lúc nào cũng có gia đình Phạm Công-Cúc Hoa dang tay giúp đỡ. Có lần bé Còi bị sốt xuất huyết tưởng chết, Phạm họa sĩ đã lật đật lái xe gắn máy kịp thời chở hai mẹ con lắt lẻo yên cương vô tận Khoa nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi cuối cùng vợ chồng con cái họ bứng rễ đi Mỹ định cư, tôi không thể không cảm thấy mồ côi lần nữa.
Định mệnh đưa đẩy sao mà ở tuổi xế trung niên tôi té nhào vô cung thiên di, theo định nghĩa hạn hẹp của người không hay chữ cũng không giỏi tử vi bói toán, nó đơn giản ám chỉ việc di chuyển bằng đường hàng không. Thường đi mây về gió nên có lần mỏi cánh tôi ghé qua nước Mỹ, nghỉ chân ở Phạm Gia Trang, ăn dầm nằm dề ở đấy cả tháng trời không biết mắc cỡ, cũng quên tuốt mình còn chưa trả món nợ mấy con số lẻ giá tiền bức tranh. Ít năm sau, trời lại xui đất lại khiến, gia đình hai bên thêm chằng chịt dây mơ rễ má khi cô cháu họ của tôi dun dủi sao mà về làm dâu nhà Phạm Công-Cúc Hoa. Dĩ nhiên lúc lấy vợ thì thằng nhỏ 5 tuổi ngồi dưới gốc cây sung ngày xưa đã trên ba mươi. Ôi thời gian!
Thời gian thi thoảng nhắc tôi đếm ngược đếm xuôi, rồi sững sờ nhận ra bức tranh sơn mài an vị trên tường nhà mình đã 43 năm, nó trầm ngâm chứng kiến mọi quan hôn tang tế cùng bao biến động ở từng thành viên gia đình. Gần nửa thế kỷ đã qua, ba cái trứng hóa thạch trong khi hai cái ghế trở thành đồ cổ. Vậy mà mới tuần trước thôi, Phạm họa sĩ đã thủ thỉ qua viber đòi mua lại bức tranh:
– Anh vẽ quá trời nhiều nhưng bây giờ nhìn lại thấy không còn gì. Chỉ có em mới may ra cho anh xin lại hai cái ghế….Nếu em bằng lòng, anh sẽ nhờ người đến hẻm nhà em lấy về gói ghém gửi sang cho anh.
Chiều chủ nhật tôi rị mọ chuẩn bị món hàu sữa sốt cà chua để đãi thằng Khổng Minh. Tay này còn trẻ nhưng tài quân sư thường khi bung hoa trĩu trái, hiệu quả bất ngờ. Ngồi vào bàn, tôi tỉ mỉ tủn mủn kể cho nó nghe lý lịch bức tranh, kết chuyện bằng cách lặp lại nguyên văn đề nghị mới đây của chính tác giả, xong xin nó một lời khuyên. Đang xì xụp giữa chừng, quân sư chợt đứng phắt dậy đi lòng vòng trong nhà ngó dáo dác một hồi đoạn quay trở lại chỗ ngồi, phán:
– Tống biệt nó xong rồi còn bày đặt tư vấn. Giờ thì lòng dạ tan hoang, đúng chưa?
Trần Thị NgH,
Uma Dec. 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét