Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Phan Xuân Sinh không còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”! - Vương Trùng Dương

 Phan Xuân Sinh không còn “Đứng Dưới ...

 

 

Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi.

Phan Xuân Sinh làm thơ rất sớm, năm học lớp Đệ Ngũ trường Sao Mai, Đà Nẵng được giải nhì cuộc thi thơ (không có giải nhất) do Ty Thông Tin Đà Nẵng tô chức. Nhà thơ Trần Gia Thoại (thân phụ GS Trần Gia Phụng, sử gia) trao giải cho cậu bé. Và, từ đó, anh sáng tác thơ đăng trên báo ở Sài Gòn…

Sau khi rời quân trường Thủ Đức, Khóa 3/71, Phan Xuân Sinh về phục vụ Đại Đội Trinh Sát (trưởng toán viễn thám) của Trung Đoàn 51 Biệt lập, đóng quân tại Quảng Nam. Sau khi bị thương trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, đơn vị ra Huế sáp nhập vào Sư Đoàn 1. 

 <!>

 

Bài thơ Ước Mơ Của Một Tên Tàn Tật ghi lại thương tích:

 

“Ở chiến trường như đứa ngu ngơ

Nên đạn tìm ta một lần đón ngã

Máu không về tim nên xối xả

Xui xẻo một lần thành đứa cụt chân...

Ta nằm đây mà lòng dạ hoan man

Tổng Y Viện Duy Tân sao nhộn nhịp

Trực thăng tải thương xuống lên không kịp

Anh em ta đêm nay có đứa ra đi”

(Tổng Y Viện Duy Tân 16/6/72).

 

Anh rời Đà Nẵng gần cuối năm 1974 để vào sống tại Sài Gòn. Trong hồi ký ghi: “Trong dự trù, sau khi giải ngũ tôi được lãnh số tiền trợ cấp hàng tháng để yên tâm đi học trở lại. Số tiền nầy dư giả cho tôi trang trải mọi chi phí về chuyện ăn ở tại Sài Gòn mà không cần sự trợ cấp của gia đình. Tất cả hồ sơ giải ngũ của tôi từ Trung Tâm I Quản Trị được gửi vào Trung Tâm III Quản Trị. Nếu không có biến chuyển gì thì tháng 4 năm 75 tôi sẽ ra Hội Đồng để duyệt xét mức độ tàn phế...

Nhưng chiến cuộc leo thang, mọi dự định liên quan đến cuộc đời tôi đều trật. Tháng 3 Đà Nẵng mất, suốt ngày tôi lang thang ngoàì phố, ngồi các quán café Thu Hương, Thanh Bạch v.v… ở đường Lê Lợi tìm người quen mới chạy thoát vào Sài Gòn, để hỏi thăm tin tức liên quan tới Đà Nẵng, liên quan đến gia đình đang kẹt lại. Mọi tin tức tôi thu lượm được đều xấu. Tối về mở radio để nghe BBC hay VOA về tình hình chiến sự ngoài đó, tôi đều thất vọng. Làn sóng di dân vào phía Nam bằng mọi phương tiện nhiều vô kể, trong đó những thảm cảnh xẩy ra cho người dân không ít. Chỉ có người dân gánh chịu mọi hậu quả tang thương nhất trên con đường chạy loạn…

 

Cũng như phần đông các sĩ quan miền Nam, sau 75, tôi cũng phải đi trình diện, mặc dù tôi đã bị thương (mất một bàn chân phải trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại Quảng Nam). Bởi vì tôi cứ kéo dài tình trạng tại ngũ để được ăn lương, không chịu ra hội đồng giải ngũ sớm. Mỗi khi chuẩn bị đưa tôi ra hội đồng, tôi lại khai còn đau chỗ nầy, đau chỗ nọ nên nằm mãi tại Trung Tâm I Hồi Lực, được 29 ngày tái khám. Tính trạng kéo dài năm nầy qua năm khác… Đến khi tôi vào Sài Gòn mới chuyển qua Trung Tâm III Quản Trị, chờ ngày ra hội đồng để lượng định mức độ tàn phế thì quá muộn. Như vậy sau 30 tháng 4, trên danh nghĩa tôi vẫn còn tại ngũ, nhưng trên thực tế tôi là một phế binh.

 

Khi trình diện tại trường trung học kỹ thuật Don Bosco (Gò Vấp), tôi bỏ chân giả ở nhà, đi bằng nạng gỗ đến trình diện Ủy Ban Quân Quản. Cuối ngày họ gọi tôi lên cấp cho một cái giấy chứng nhận có trình diện, cho về lại địa phương quản lý (vì phế binh), khi nào có lệnh gọi đích danh tôi mới đi “cải tạo”. Như vậy, họ thấy tôi trở ngại quá cho việc “tập trung cải tạo”, nên đựơc cho về là vì vậy…

Sáng nào ba thằng bán chợ trời chung, cũng gặp nhau ở tiệm cà phê, bàn tính chuyện làm ăn khác. Nhưng bí, không tìm ra phương cách sống, tiền thì không còn. May cho tôi, ba tôi từ Đà Nẵng vào tìm vì không biết tin tức của tôi sống chết ra sao. Ba tôi bảo phải về Đà Nẵng sống với gia đình. Vì hơn ai hết, ba tôi biết tôi là một phế nhân, không thể đi cày, đạp xích lô, đi lao động được. Về với gia đình đùm bọc lẫn nhau, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, nhưng tôi không chịu, với lý do đơn giản là ngoài đó khó sống, những người thắng trận quá sắt máu, dìm những thành phần thuộc diện sĩ quan như tụi tôi đến chết, bắt tụi tôi tay không đi gỡ mìn đủ toi mạng rồi (bao nhiêu đứa bạn không chết trong chiến tranh, nhưng đã chết vì đi gỡ mìn trong lúc hòa bình). Dù sao thì ở Sài Gòn cũng dễ thở hơn. Những đêm nằm ngủ với tôi, ba tôi nhận thấy điều tôi trình bày chí lý.

 

Một buổi sáng ông dậy sớm, pha trà rồi gọi tôi dậy để cha con nói chuyện, trước khi ông về lại quê nhà. Ông trao cho tôi một cái đãy nhỏ trong đó chứa ba lượng vàng, đây là số vàng dành dụm suốt một đời đi dạy học của ông. Tôi đưa ba tôi ra xe đò, lòng tôi trĩu nặng. Lúc đó tôi mới thấy thương ông, với số tuổi đã cao mà không còn nghĩ tới bản thân vẫn lo lắng cho con dù con đã lớn rồi. Xe đò rời khỏi bến, nhìn theo ba, tôi rưng rưng nuớc mắt, đến khi xe chạy khuất, tôi mới đạp xe trở về…”.

 

Trong cái rủi có cái may, vì bị thương tật nên không bị đi tù như các chiến hữu, anh cùng bạn bè bươn chải trong cuộc sống, trải qua nhiều thăng trầm trong giai đoạn đầu rồi làm bột giặt, kem đánh răng (Mimosa), bột trẻ em Đông Phương… phải đối phó với nhiều nghịch cảnh, trầm trật trầm trầy… nhưng được thành công, khấm khá. (Năm 1987, từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi ghé lại cơ sở Đông Phương, có vài người bạn cùng quê và gặp Phan Xuân Sinh).

 

Năm 1976, Phan Xuân Sinh lập gia đình với cô Thiên Nga (con của vị Đại Tá QLVNCH) bị kẹt lại ngày 30/4/1975). Tuy cuộc sống đầy đủ nhưng anh cho biết: “Lúc bấy giờ mới nghĩ tới chuyện vượt biển, chạy ra Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) mua ghe, vài anh em hùn vốn. Đến ngày lên đường thì mới biết mình bị lường gạt. Tàu đã chở nhóm người khác ra khơi trước một đêm, đúng giờ ra chỗ hẹn, chờ dài cổ vẫn biệt tăm. Bị công an phát hiện chạy trối chết, một số bị bắt. Chưa có lúc nào ngao ngán lòng người như vậy. Lấy tiền xong chỉ điểm cho công an đến bắt, không tin vào ai được. Tiền của không còn, về lại Sài Gòn làm lại cuộc đời, chờ đợi ông già vợ bảo lãnh cho chắc ăn…

 

Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình, tôi nộp vào năm 1979, thế nhưng không biết lạc nơi đâu. Những người nộp hồ sơ sau tôi đều lần lượt ra đi. Tôi làm đơn khiếu nại tại văn phòng Bộ Nội Vụ ở đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn, nhiều lần, nhưng không thấy trả lời. Đến khi có chương trình HO, tôi mang hồ sơ đến trung tâm dịch vụ của Bộ Nội Vụ (đây là nơi làm tiền một cách trắng trợn, nhưng rất được việc), vài tháng sau họ báo cho biết là tôi sẽ được cấp visa và chuẩn bị phỏng vấn. Còn hai cái ải quan trọng mà tôi phải bước qua là thuế và nhà đất.

Tôi là người có đứng tên trên vài cơ sở làm ăn sau nầy, nên phải thanh toán tất cả nợ nần thiếu thuế trước khi rời khỏi đất nước. Một nhân viên ra cho tôi biết là tôi còn thiếu thuế nhiều quá nên chưa thể cấp giấy cho tôi được (một cú đánh phủ đầu trước, cho tôi choáng váng mặt mày). Ngày hôm sau, có người làm trong phòng thuế quen với tôi tới nhà cho biết là tôi phải chi một ít tiền, vài ngày sau tới nhận giấy chứng nhận không thiếu thuế. Giờ phút nầy họ đòi bao nhiêu cũng phải bóp bụng đưa, chứ không còn con đường nào khác hơn. Rồi đến nhà đất cũng vậy. Qua xong hai cái ải nầy, rồi đến cái ải phi trường. Không biết mình có bị giữ lại không? Đến khi máy bay cất cánh mới biết mình không việc gì, mới thở phào. (Tôi ra đi cùng một lúc với các anh chị tù cải tạo HO 4, tháng 6 năm 1990)”.

Khi định cư tại Boston, vợ chồng Phan Xuân Sinh mở tiệm liquor được thành công, lúc rảnh rỗi anh sáng tác thơ văn và quen biết với các anh em văn nghệ tại đây trong những lần sinh hoạt văn nghệ với sự tham dự của đồng hương. Anh và anh Dư Mỹ cùng rủ nhau in chung một tập thơ Chén Rượu Mời Người năm 1996.

 

*

Đứng Dưới Trời Đổ Nát

 

Theo lời tác giả: Tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát được tôi chọn lựa qua những thời gian sống của tôi, mỗi thời chọn vài bài: Thời đi học, thời đi lính, thời sau 75 và một số bài đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong tất cả các giai đoạn sống, thế hệ của tụi tôi là thế hệ bị bầm dập nhất. Khi ngồi trên ghế nhà trường không được yên tâm ngồi học, bị xáo trộn bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ liên tiếp do những thế lực chính trị lợi dụng tuổi trẻ của chúng tôi, chúng tôi bị cuốn hút vào sự tranh giành chính trị. Đi vào lính cấp bậc nhỏ nhất mà cuộc chiến đến hồi khốc liệt nhất, tụi tôi như những que củi ném vào chiến trường cháy tan xác. Sau 75 “hòa bình” mà toàn dân mong chờ đã tới, nhưng mang nhiều thù hận, trả thù, oan khiên ụp trên đầu, những trại tù khổng lồ được lập lên lùa tất cả chúng tôi vào đó.

Thời cuối cùng được qua định cư tại Mỹ thì tuổi đời chúng tôi đã lớn, hội nhập vào đời sống mới rất khó khăn. Chúng tôi phải đưa thân trâu bò cày mệt nghỉ để nuôi vợ con. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bài hát của Nguyễn Đức Quang sao tôi thấy nó mỉa mai quá chừng, đất trời như sụp đổ làm gì có chuyện kiêu hãnh như vậy. Tôi không còn tin vào ai được. Tập thơ ra đời bằng sự đay nghiến, u uất, nỗi lòng của tôi bộc phát, nói lên thân phận của chính tôi, nói thay cho thế hệ chúng tôi…

 

Tôi xổ toạc, chửi đổng. Tôi đay nghiến, uất ức. Đó là những gì mà tôi cần phải thét lên cho hả giận. Tôi mất một phần thân thể trong chiến tranh, sự đau khổ to lớn nầy đã làm cho tôi điên tiết cho nên khi Đứng Dưới Trời Đổ Nát ra đời tôi gửi gấm chút ít tâm trạng của tôi trong đó…”.

 

Tôi nhận được tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát vào ngày 12, tháng 7, 2000 (Văn xuất bản). Thi phẩm dày 134 trang, gồm 138 bài thơ, trong đó có những bài thơ tôi nhận được và đăng báo như: Đêm Năm Mơ Ức Trai, Uống Rượu Với Người Lính Bắc Phương, Hầu Chuyện Cùng Ngũ Tử Tư, Chén Rượu Tạ Lòng Bạn Hiền, Lời Tỏ Bày Cùng Quê Nhà, Tháng Ngày Phiền Muộn… Vì vậy trong đêm đó, tôi viết bài Phan Xuân Sinh & Thi Tập Đứng Dưới Trời Đổ Nát.

 

Sau nầy, Phan Xuân Sinh đã ấn hành hai thi phẩm: Khi Tình Ta Ru Đời (Văn Nghệ 2008), Tát Cạn Đời Sông (ra mắt ở Viện Việt Học 21/4/2013. Về văn như: Bơi Trên Dòng Nước Ngược (truyện và tùy bút, Xuân Thu xuất bản 2004) và Sống Với Thời Quá Vãng (truyện và tùy bút, Hợp Lưu xuất bản 2010). Tập thứ nhất về thời thơ ấu đi học, đi lính trước năm 1975, tập thứ hai với quãng đời sau năm 1975. Ngoài ra trong các bài các hồi ký của anh viết rất thật, không cường điệu, hư cấu.

Theo lời anh: “Sống Với Thời Quá Vãng phần đông ghi lại những bút ký của chuyến về quê nhà thăm lại gia đình và bạn bè. Cái nhìn và nhận định của tôi phải rõ ràng minh bạch nên có thể gây mất lòng rất nhiều người mà tôi đã gặp kể cả người bên này hay người bên kia. Đến với họ tôi phải lắng nghe và đôi khi phải tranh cãi để hiểu rõ vấn đề. Tuy nhiên tôi không bao giờ ghi lại để họ phải khó xử. Trong nước tình trạng vẫn còn khó nên tôi phải tránh né. Những người tôi gặp một số ít trước đây họ có vấn đề nên người hải ngoại không thích. Còn sự thật ra sao lịch sử sẽ phán xét sau này. Những người bạn hiểu tôi họ đều cho rằng chuyến về quê nhà của tôi rất ích lợi, ghi lại số chuyện nhạy cảm rất tế nhị. Còn những người ganh ghét với tôi thì họ lái mọi sự việc đi theo ngõ khác, dưới sự suy luận của họ”.

 

Vết thương trên chân của anh nơi xứ lạnh thường bị hành hạ nên sau 15 năm ở Bắc Mỹ, năm 2007 anh chuyển về Houston, Texas làm ăn và có cơ hội gặp gỡ bạn bè trong giới văn nghệ.

 

Trong bài viết Bên Bờ Những Đổ Nát, Phan Xuân Sinh ghi: “Hôm nay đọc trên FB bút ký của một người bạn, anh Vương Trùng Dương, viết về những trường hợp gãy đổ tình yêu của những người trai trong thời chinh chiến, người yêu còn lưu giữ chiếc nhẫn của trường CTCT Đà Lạt. Bỗng dưng tôi sững sờ, dù rằng những chuyện tương tự như thế nầy tôi đã từng chứng kiến. Không trách ai hết, tất cả cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc tương tàn, mỗi lần ai đó khui lại tự nhiên mình lại cảm thấy xót xa, trăn trở. Tình yêu nó là một thứ bất diệt từ xưa tới nay không ai chối cãi được, nó dẫn ta tới thiên đường, nó đưa ta lên tuyệt đỉnh sung sướng và cũng chính nó đẩy ta xuống địa ngục, hiện thân ác quỷ đày đọa ta.

 

Bây giờ với tuổi đời không còn nhỏ, nhìn lại mọi sự việc: phản bội, lẩn tránh, chia tay v.v… dù rằng lỗi tại ai, mình cũng cảm thấy hối tiếc chứ không còn hận thù hay trách móc. Làm thân con gái họ phải chọn cho mình một con đường đi vinh quang nhất, an toàn nhất, ấm thân nhất, chứ dại gì chui đầu vào chỗ chết để thể hiện mức độ chung tình với người yêu, để rồi không được gì chỉ thấy thiệt thân. Tuy nhiên mình phải cúi đầu kính phục những người con gái gạt tất cả những rào cản để chung tình với người mình yêu, dù rằng người đó đã vào sinh ra tử, để làm tròn trách nhiệm của mình. Chuyện tình trong thời chiến nói mãi không hết, hạnh phúc không được nhiều chỉ thấy toàn đổ vỡ, đau lòng. Tôi bị thương mùa hè đỏ lửa (1972) nằm tại Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, trại Ngoại Thương 1A (dành cho sĩ quan). Từ chỗ nầy tôi đã chứng kiến biết bao chuyện đau lòng. Một anh Trung Úy hình như thuộc Tiểu Khu Quảng Trị hay Quảng Tín gì đó (lâu quá tôi không nhớ rõ đơn vị anh đồn trú). Anh bị thương mất hai chân, có vợ và đứa con trai hai tuổi. Vợ thăm nuôi và ở lại luôn trong bệnh viện với anh. Thường thì chị đi chợ mua một ít đồ ăn nấu sẵn để ăn. Một hôm như thường lệ chị để con cho anh giữ rồi chị đi chợ nhưng lần nầy chị đi luôn không về. Cả trại ai cũng nhốn nháo về chuyện nầy. Nửa đêm anh ôm con khóc tức tưởi, làm cho chúng tôi những người cùng hoàn cảnh với anh rơi nước mắt. Thật tình nghĩ cho cùng chúng tôi không trách chị, một người con gái vào khoảng 23 tuổi, trẻ đẹp. Làm sao hy sinh suốt đời cho chồng bị tật nguyền như vậy được. Biết vậy, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy quyết định của chị tàn nhẫn quá, chỉ biết thở dài ngậm ngùi. 

 

Tội nhất là đứa con mới 2 tuổi, làm cách nào để nuôi cháu. Nếu bây giở cháu còn sống thì cũng đã gần 50 tuổi, nhìn lại hoàn cảnh gia đình, cháu buồn biết chừng nào?

 

Cũng tại phòng Ngoại Thương 1A nầy vào Mùa Hè Đỏ Lửa, có một anh Trung Úy bi mất hai chân, từ phòng hồi sức vừa đưa xuống, anh còn nằm mê man trên gường thì có một người con gái vào thăm. Cô đó là người yêu của anh. Anh vừa mở mắt thì cũng vừa trông thấy người yêu của mình quay lưng bỏ đi, anh gọi tên mấy lần nhưng cô ta không quay lại. Người lính nuôi anh, thấy hoàn cảnh bất bình như vậy chạy theo cô gái và đưa tay tát vào mặt cô ta mấy cái. Tụi tôi thì hoan hô anh lính, nhưng anh trung úy thì la anh lính không được làm vậy. Tuần lễ sau, tôi qua chỗ anh trung úy nằm để nói chuyện, anh kể cho tôi nghe về người con gái đó. Cô ta là một giáo viên, hai người yêu nhau hơn 5 năm rồi, 5 năm đủ chín muồi cho một cuộc tình. Anh thấy cuộc đời lính tráng của mình quá nguy hiểm, không biết sống chết thế nào nên anh đề nghị với cô hãy chấm dứt cuộc tình nầy. Nhưng cô không chịu và đã nói với anh dù sau nầy anh có thế nào thì em vẫn yêu anh. Thế mà anh không ngờ sự việc nó xẩy ra như vậy. Mấy đêm nay anh không ngủ được, nhớ lại cái thời hai đứa yêu nhau. Những kỷ niệm chập chờn trong đầu. Nước mắt anh lưng tròng, khuôn mặt anh co rúm đau khổ làm cho tôi không chịu được, cũng đã khóc theo. Sau một lúc im lặng anh nói với tôi nếu cô vào thăm anh sẽ bảo cô đừng vào thăm nữa. Lời chia tay phải chính anh nói, phải phát ra từ anh thì mới không cảm thấy phũ phàng. Còn bây giờ chính cô ta là người chủ động trước không một lời từ biệt. Sau nầy cứ vào dịp cuối tháng chúng tôi lại gặp nhau ngày tái khám tại Tổng Y Viện Duy Tân.

 

Cũng một hoàn cảnh như vậy, Hanh một chuẩn úy mới ra trường ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đi hành quân dẫm phải trái mìn bị mất hai chân. Vào chiều thứ bảy, người yêu của Hanh đẩy xe lăn cho anh dạo phố. Một hình ảnh thật đẹp với chúng tôi thuở ấy. Người yêu của Hanh là một người con gái đẹp, một nữ sinh nết na, thùy mị. Chúng tôi nghĩ cặp đôi nầy chắc không bao lâu sẽ vãn tuồng. Thế nhưng sự đánh giá của chúng tôi nhầm lẫn, oan ức cho cô bạn gái của Hanh.

Sau năm 75 chị quyết định về sống với Hanh dù gia đình ngăn cản. Sự hy sinh to lớn của chị dù biết sống với Hanh là chị sẽ chôn vùi cuộc đời mình vào khổ cực, vào đói nghèo. Chị đến với Hanh tức là chấp nhận những phủ phàng trước mắt. Những sĩ quan Miền Nam còn lành lặn vẫn bữa đói bữa no, huống chi sĩ quan bị thương tật nặng nề như Hanh làm sao bươn chải kiếm sống. Thật tội nghiệp cho cặp vợ chồng như Hanh, có một cuộc tình thật đẹp, thật tuyệt vời.

 

Năm 2008 tôi có dịp về thăm Đà Nẵng. Tôi đến thăm vợ chồng nhà thơ Uyên Hà, vợ chồng Uyên Hà là dân Đại Lộc nên tôi có hỏi thăm về vợ chồng Hanh, họ vẫn sống với nhau hạnh phúc và có mấy người con. Hanh làm thợ hàn máng xối sống qua ngày. Tôi nhờ vợ Uyên Hà chuyển cho Hanh một ít tiền, và bảo chị đừng nói tên người gửi. Vài ngày sau tôi nhận được lời cám ơn của Hanh quạ chị Uyên Hà. Vừa rồi Uyên Hà có qua Mỹ ghé thăm tôi, tôi hỏi thăm về vợ chồng Hanh. Và được biết hai vợ chồng đều chết cách đây vài năm. Vợ chết vì bị ung thư sau đó Hanh chết vì bị đột quỵ. Các con của Hanh bây giờ cũng khá, nhà cửa khang trang. Các cháu đã tự mình vươn lên và đứng vững trên sức lực của mình. Tôi rất kính phục vợ chồng Hanh.

 

Trong chiến tranh biết bao nhiêu cuộc tình đã gãy đổ, biết bao nhiêu gia đình đã ngã gục, không chỉ Miền Nam mà Miền Bắc cũng vậy. Sự hàn gắn vết thương nầy cho đến bây giờ vẫn chưa lành lặn, chưa kéo da non. Vì sao vậy? Bên thắng cuộc vẫn hiu hiu tự đắc, vẫn kể lại chiến công thần thánh của mình. Họ quên đi rằng nếu quân đội Miền Nam dở dở, ươn ươn như lời họ kể, thì họ không trầy vi tróc vẩy khi chiếm Miền Nam. Xương máu của họ đã tưới trên Miền Nam không biết bao nhiêu kể. Sự tuyên truyền ngô nghê, rẻ rúng về cuộc chiến tranh xâm lược của họ mà dân chúng Miền Bắc tin tưởng tuyệt đối, chính là thế ưu việt của họ danh chánh ngôn thuận mà người dân tin tưởng. Chiến thắng của họ phần nhiều chỉ dựa trên sự lừa đảo. Người dân Miền Bắc đã ngộ ra được thì đã muộn…

Trải qua một cuộc chiến tranh tương tàn mà dân tộc phải gánh chịu, đó là một bất hạnh. Tuy nhiên nó đã qua, hối tiếc mãi vẫn không giúp được gì, mà sống mãi với những hệ lụy lại càng khổ đau thêm. Bút ký nầy tôi viết với dụng ý hãy xóa bỏ tất cả, hãy quên đi tất cả để sống hòa hợp trong một đất nước mà nhân quyền và tự do phải được tôn trọng.

Houston, ngày 3 tháng 11 năm 2018

Phan Xuân Sinh”

 

Trong các bài viết của tôi đã ghi lại vài mảnh đời cay đắng, nghiệt ngã, phản bội và thủy chung… đó là lẽ thường tình trong cuộc sống. May mắn và bất hạnh tùy theo từng trường hợp, hoàn cảnh để chia sẻ cho nhau.

Theo Phan Xuân Sinh cho biết, trước đây anh về Sài Gòn định ấn hành tập thơ Khi Tình Ta Ru Đời (đã ấn hành tại Mỹ) bổ túc thêm vài bài viết, có bài tôi, bị kiểm duyệt bỏ.

Khoảng năm 2015 chị Thiên Nga bị stroke, anh phải chăm sóc và ít sáng tác, vợ chồng Phan Xuân Sinh - Nguyễn Thị Thiên Nga có hai người con trai, từ khi đứa con trai Phan Xuân Kỳ Khoa qua đời (10/9/2020) vì tai nạn xe cộ, anh không còn thiết tha gì nữa, ngay cả website của anh cũng bỏ luôn.

Thật không ngờ quãng đời còn lại của anh lại bất hạnh như vậy. Nay anh đã vĩnh biệt cõi trần không còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”, cầu mong anh được siêu thoát cõi Vĩnh Hằng.

 

Little Saigon, Feb 29, 2024

Vương Trùng Dương

(Tác giả gởi)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...