Tin hắn bán ớt xuất khẩu đụng “la-phông” làm cái xóm nhỏ chuyên trồng rau màu, quanh năm hết bầu, bí, mướp, đậu que tới dưa leo, khổ qua…cứ gặp nhau là bàn tán chuyện ớt, tiếc hùi hụi, phải biết dzậy mình trồng ớt…trúng mánh rồi.
<!>
Còn hắn thì nổ văng miểng tới tận Sài Gòn, đúng ra là mới tới Đồng Nai, nơi đứa con gái đang là công nhân của một công ty hải sản rồi vòng xuống Bà Rịa, nơi con trai làm phó Giám Đốc một công ty chuyên lắp đặt camera trầy trật kiếm từng đồng. Hai nơi đều cách Sài Gòn cả trăm cây số nhưng dân ở xóm này hễ ai dạt vào Nam kiếm ăn thì đều gọi chung một cái tên là vào Sài Gòn.
Đứa con gái gọi về hỏi mẹ: – Mình trúng ớt hả má?
– Ba mày nói mà…tin ổng có nước bán lúa giống ăn…
Còn thằng con trai gọi về hỏi ba: – Mình trúng nhiều không, có dư cho con mượn một ít…
Ớt của hắn mới hái lứa nách được vài chục ký.
Hắn hứa hẹn đợi lứa sau nghen con.
Suốt chiều dài lịch sử của ớt xuất khẩu, đây là lần đầu tiên ớt đạt tới cột mốc 80.000đ/kg.
Năm ngoái, mưa ròng rã gần 3 tháng, ớt bị bệnh thúi trái, một chứng bệnh mà dân trồng ớt thường nói là “bệnh cho thấy mà không cho ăn”. Ớt lên tươi tốt, trái sai vô kể nhưng chưa kịp già đã bắt đầu thúi nũng.
Bệnh thúi trái là bệnh nan y, mấy ông ở phòng Nông nghiệp huyện bó tay, còn dân trồng ớt thì chạy đôn chạy đáo khắp các tiệm bán thuốc bảo vệ thực vật, tự kê toa mua thuốc cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của người bán, thuốc nào cũng hay cũng tốt.
Mỗi toa thuốc cho một bình 20 lít rẻ lắm cũng ngót ngét hai trăm ngàn và được người bán khuyến cáo cứ cách 5 ngày phun lại cho tới khi trái hết nũng thúi thì thôi. Mùi thuốc sâu, thuốc bệnh nồng nặc khắp cái xóm nhỏ. Tiền đầu tư cho ớt nhiều hơn các loại rau màu khác và ai cũng sợ mất trắng nhưng sau vài lần phun, lần lượt hết người này tới người khác rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào bỏ của chạy lấy người…
Tuy vậy, giá cũng loanh quanh ở tầm 5–6 chục rồi rớt xuống thảm hại chỉ còn 8–10 ngàn/ký sau hơn một tháng bởi ớt xuất khẩu phần lớn đóng hàng đi Trung Quốc mà bên ‘bển’ không ăn nữa thì bên này chết đứng chết ngồi.
Rút kinh nghiệm trồng ớt vào mùa mưa thường ôm cái mền rách, năm nay, dân xóm này ai cũng ớn ớt …thì hắn vỗ ngực, ai sợ để tui trồng cho…
Hắn không có đất. Hắn chỉ có hơn 3 sào ruộng khoán, lúa một vụ/năm nhưng bán ăn rồi. Bán lúc hắn còn nổi tiếng là dân chơi Sài Gòn khi đi làm phụ xe cho người bà con chuyên đóng hàng đi Sài Gòn. Hàng vô, hàng ra, mỗi chuyến đi, hắn được trả vài trăm ngàn tiền phụ xe và công bốc vác nhưng bao nhiêu đó không đủ cho hắn mua bia đãi bạn nhậu sau mỗi chuyến đi mặc cho vợ chạy gạo từng bữa. Nhiều người nói xa nói gần, khổ mà làm dóc, còn hắn nhậu cho đã đời, vênh váo “thằng này…dân chơi Sài Gòn không biết sao?”.
Được một thời gian, hắn nghỉ chân phụ xe, ở nhà phụ vợ làm hàng xáo, mua lúa bán gạo và nhậu bất kể giờ giấc.
Hắn uống không như người ta, lúc nào cũng vậy, hơi ngà ngà là nhớ bài lai bươi móc chuyện người này người nọ ra nói rồi cãi lộn, thiếu điều đánh nhau, quậy nát cái xóm. Nhậu vô, xấu tánh nên cuối cùng không còn ai muốn nhậu với hắn. Không bạn thì hắn một mình uống, một mình say rồi đánh vợ nhừ tử và lôi mấy ông anh vợ ra chửi.
Thương em gái, mấy ông anh vợ bàn tính kéo đầu hắn lên xã cho công an trị tội bạo hành nhưng thương chồng vợ hắn lại đi năn nỉ mấy ông anh bỏ qua.
– Ổng say, ổng nói hết hồi rồi thôi. Vợ hắn biện bạch với mấy ông anh.
Riết rồi, cái xóm này đành chấp nhận vô số những lần say của hắn như thứ nước chấm đột lốt nước mắm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày.
Giờ nghe hắn hùng hổ tuyên bố…ai không làm để tui làm cho, mấy tay chuyên gia trồng ớt, sợ ớt, ớn ớt ở xóm này có dịp để cá độ và chống mắt lên coi cái thằng say xỉn tối ngày làm ăn ra sao?
Ba cái thằng say ưa làm liều.
Hắn làm thiệt. Không có đất, hắn phá đám thanh long hơn một sào còi cọc bên hông nhà để lấy đất. Không có tiền thuê công, hắn giống như con dã tràng, ngày từng ngày chặt dây, bứng gốc thanh long gom lại thành từng đống rồi hì hục đào lấy trụ. Cuối cùng cái công trình không tưởng cũng nên hình nên dạng.
Một miếng đất phẳng phiu hiện ra trước mắt những người đi qua đi lại và ai cũng chịu, khen, cái thằng say xỉn tối ngày ngó vậy làm coi cũng được điếng.
Quan hệ gia đình vốn phức tạp, ba hồi này, ba hồi nọ. Mấy ông anh vợ thực ra chỉ ghét hắn lúc say, giờ thấy hắn lo làm lo ăn, quên hết chuyện cũ, một chưn một tay, người thì giúp hắn cày đất, kẻ thì giúp hắn lên luống, trải bạt…
Đất mới để xuống, ớt lớn nhanh như thổi và ít sâu bệnh.
Khi ớt của hắn mới ra trái nách, giá đang rục rịch ở mức năm mươi. Rồi tới lúc chín, giá ớt đã tăng lên tới chóng mặt tám chục ngàn. Ớt nách, trái không nhiều, vợ hắn hái 2 lần được khoảng 50kg bán được 4 triệu. Hắn mặc sức nổ.
Ông trời mà chìu lòng người chắc ai cũng giàu to.
Năm nay mưa muộn và cả tháng mười âm không có cây lụt nào. Hắn lại vỗ ngực, thấy không, trời thương thằng này…
Trời có thương hắn không thì chỉ có ông trời biết nhưng phải công nhận ớt hắn tốt thiệt, cây cao lớn, nhánh nhóc ôm tròn, xanh tốt nhìn bắt mê còn trái thì lủ khủ. Lứa nhì, vợ hắn hái ngót ngét hơn một tạ ớt. Thêm một con số kỷ lục nữa được ghi vào bảng thành tích trồng ớt của hắn.
Tuy nhiên, tiền bán ớt nằm còn chưa kịp ấm túi thì tin bão đang đi vào biển Đông và theo bản tin dự báo thời tiết hướng di chuyển của bão đang thẳng tiến vào tỉnh lỵ hàng trăm năm nay chưa ai biết bão ra sao. Dĩ nhiên cái xóm nhỏ này cũng lọt vào tâm bão nhưng không ai tin. Vài người biết lý luận nói, núi che chắn từ biển cho tới tận thôn làng, cùng lắm là gió thổi chơi chút đỉnh ăn thua gì.
Và hắn cũng không tin.
Buổi chiều, trước ngày bão vào, nắng nhẹ, hắn còn mua bia uống ăn mừng trúng ớt, trúng giá, say, hắn to tiếng rộng họng, thách thức xóm làng “Ai nói bão dzô… cá gì tui cũng cá…”.
Không ai dại gì cá với hắn bởi không riêng gì dân ở cái xóm này coi như ‘pha’ trước tin bão tới mà ngay cả các cấp chính quyền địa phương cũng vậy. Hơn nữa, từ quan tới dân còn háo hức chờ bão giống như mong ngóng đứa con hư hỏng sau bao nhiêu năm lưu lạc trở về nhà để coi mặt mũi nó bây giờ ra sao?
Xẩm tối, trời bắt đầu mưa rỉ rả, gió phe phẩy nhẹ nhàng. Còn hắn, sau khi một mình “chở” gần hết thùng bia, cương quyết không cho vợ đóng mấy cái cửa sổ, nói, để cho mát rồi lăn đùng ra “chết”.
Đêm trôi qua yên lành cho đến 4g sáng mới bắt đầu chuyển mình. Mưa ào ào trút xuống kèm theo gió giựt mạnh từng cơn lùa nước mưa vào nhà.
Vợ hắn giựt mình thức giấc, bật đèn, chạy đến chỗ hắn ngủ, lay hắn dậy:
– Dậy…dậy đi…dậy mau…phụ tui đóng mấy cái cửa sổ lại…bão tới rồi…
Hơi men còn trong người, hắn lồm cồm ngồi dậy, quờ quạng tìm gói thuốc và cái hộp quẹt trước rồi bằng cái giọng sặc mùi hèm, hỏi, bão đâu…bão gì tới… và đốt điếu thuốc, ngồi hút tỉnh queo.
Lúc này, tiếng gió, tiếng rung lắc của cây cối quanh nhà, tiếng các cửa sổ va đập tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Rồi đèn đuốc tắt ngúm. Vợ hắn quýnh quáng, nạt.
– Bão chớ…bão gì…mau lên…cúp điện rồi…
Đúng là, ba cái thằng say không sợ trời sợ đất. Hắn uể oải đứng lên:
– Đèn pin đâu…để đó…tui…bão tới thì bão tới…sợ gì…
Ánh đèn pin lóe lên. Chân thấp chân cao, hắn bước loạng choạng tới cái cửa sổ gần nhứt, ra sức kéo và giữ chặt 2 cánh cửa sổ nhưng không tài nào giữ nổi, nắm được cánh này thì cánh kia bung ra, không cách gì gài chốt được.
Gió càng lúc càng điên cuồng mang theo nước mưa quất vào mặt hắn rát rạt. Và đến lượt hắn hét lên:
– …Mau…kiếm tui mấy sợi dây…
Muộn quá rồi. Hắn chưa dứt câu, đã nghe tiếng rào rào và một miếng ngói rơi ngay sát chân hắn. Hắn nhìn lên, một mảng ngói bên đầu song đã bị tốc. Hắn vội vàng tháo lui. Và thêm vài miếng ngói nữa tiếp tục rơi xuống.
– Chay…chạy mau…
Hắn bung cửa chính, kéo vợ chạy ra ngoài, chạy sang nhà của vợ chồng đứa em họ bên kia đường, kêu cửa.
Trong đời, chưa bao giờ hắn nghĩ nơi trú ẩn an toàn nhứt chính là nơi hôi thúi nhứt.
Sau khi chạy sang nhà vợ chồng đứa em họ, ngồi chưa ấm đít, hắn nghe một tiếng “rầm” còn căn nhà thì rung lên cùng với âm thanh rào rào của tiếng ngói rơi. Hồn vía lên mây, mọi người cùng hét lên: “Cây me ngã…”. Trong lúc mọi người còn đang run rẩy chưa biết chạy đi đâu núp, hắn nhớ tới cái cầu tiêu sau nhà.
– Chạy ra cầu tiêu…mau lên…, hắn hét.
Nhanh như sóc, hắn chạy bay tới cửa sau, vừa mở chốt gài vừa hối, mau lên…mau lên…
Ở quê, cái công trình phụ này thường xây riêng bên ngoài và được đổ “đan” để xây thêm hồ chứa nước bên trên.
Cái cầu tiêu của vợ chồng đứa em họ chỉ hơn một mét vuông nhưng giờ đây quá rộng cho 4 người co rúm lại sợ chết. Ngoài trời gió vẫn gào thét, còn trong cầu tiêu những gương mặt tái me tái mét cắt không ra chút máu vẫn chưa hết kinh hoàng.
Hắn chỉ làm được chừng đó chuyện. Sau khi tìm được chỗ núp an toàn, gần một thùng bia chưa kịp thoát ra ngoài bằng đường tiểu, hắn lại quặt quẹo như cọng bún, ngồi dựa lưng vào tường thở dốc một hồi rồi lại chìm vào giấc ngủ trong khi bão mới bắt đầu.
Những tia nắng yếu ớt của một ngày mới đúng bài bản “sau cơn mưa trời lại sáng” lọt vào cầu tiêu đánh thức hắn dậy.
Hắn nghe tiếng bàn tán xôn xao ở ngoài đường.
Hắn chệnh choạng bước ra. Thường sau khi say, hắn nốc thêm vài lon hoặc vài ly để “trả tay quay” nhưng đập vào mắt hắn lúc này là cây me, thân đang dựa vào bức tường còn cành nhánh phủ trên mái nhà của vợ chồng đứa em họ, hắn lạnh xương sống nhớ lại tiếng “rầm” hồi đêm, và không cần “trả tay quay” hũ hèm trong người hắn bốc hơi ngùn ngụt, bay đi hết. Đây là cây me cổ thụ, tuổi đời còn lớn hơn hắn, gốc một người ôm không hết và hắn nghĩ, chỉ cần đập mạnh hơn một chút thì 4 mạng người giờ đây đã trở thành những cái xác không hồn.
Hắn nhìn ra phía đầu hè trên, cách nhà chừng 6- 7 mét, một phần bộ rễ tua tủa của cây me chổng ngược lên trời, hắn nghĩ thầm may mà có “Bà” đỡ nên nó chỉ nghiêng một góc 45 độ vừa đủ đưa cả thân hình to lớn chạm nhẹ vào căn nhà.
Hắn nhớ tới căn nhà của mình. Hắn đi như chạy ra đường. Hắn nhìn thấy nhiều đám người lố nhố tụ 5, tụ 7 trên đường đang múa may, chỉ chỏ, bàn tán. Đứa con hư hỏng sau bao nhiêu năm lưu lạc trở về chưa ai kịp thấy mặt mũi nó ra sao thì nó đã cày cái xóm này nát như tương. Hắn nhìn đông, nhìn tây, nhìn nam, nhìn bắc, hướng nào cũng thấy cây cối gãy ngã, những miếng tôn bị biến dạng nằm la liệt khắp nơi và không nhà nào còn nguyên vẹn.
Hắn nghe loáng thoáng nhiều người nhắc tới 2 chữ cầu tiêu nhưng hắn không còn bụng dạ nào để nghe họ nói gì. Rồi hắn nhìn thấy vợ hắn đang đứng trước một căn nhà, hắn bước đến gần. Đúng là nhà của hắn nhưng giờ đây đã tan hoang. Mái hiên che nắng bằng tôn chỉ còn trơ những thanh sắt, còn mái nhà không còn một miếng ngói và cạnh đó, nhà bếp, chuồng gà cũng bị đổ sập.
Rồi hắn nhìn sang đám ớt. Hắn bủn rủn chân tay. Hắn không cơ hội để nổ. Có ai đó đã nhẫn tâm nhổ từng gốc ớt và mang đi đâu hết, để lại những tấm bạt màu đen nhợt nhạt trơ gan cùng trời đất.
Hắn đứng không vững. Hai chân của hắn mềm nhũn rồi từ từ quỵ xuống. Hắn ngồi bẹp xuống đất, ôm mặt khóc rưng rức. Tiếng khóc của thằng say lúc mạt vận nhưng không ai để ý tới hắn.
Nguyễn Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét