Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Tháng Ba Gãy Súng - Cô Tư Sài Gòn

 Thép Súng: Cao Xuân Huy và Hình Ảnh Tháng 3 Gãy Súng


Quân đội Bắc Việt chiếm gọm Miền Nam vào ngày 30/4/1975, và kết thúc cuộc nội chiến quốc-cộng...

Khởi đầu chiến dịch cuối cùng là tháng 3/1975... Trận đánh đầu tiên là ở Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975.

Nhà văn quá cố Cao Xuân Huy trong tập hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng” đã kể lại những gì anh nhìn thấy, chứng kiến trong khi quân lực VNCH tan rã ở bãi biển Đà Nẵng. Đó là một tác phẩm lớn, mang nhiều sức mạnh. Không chỉ vì tính thực của chuyện anh kể lại, mà còn vì ngôn ngữ đầy chất nhà binh của nhà văn họ Cao.<!>

Trong lời tự sự, nhà văn Cao Xuân Huy kể:

“Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự....

Quyển sách này không hề là một tiểu thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người đã rõ, còn Gãy Súng, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục, chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi? Tôi đặt chữ Gãy Súng cho quyển sách này là như vậy...”

Nhà văn Ngô Thế Vinh ghi về tiểu sử của nhà văn quá cố Cao Xuân Huy:

“TIỂU SỬ CAO XUÂN HUY

09-1947 năm sinh, quê nội Bắc Ninh, quê ngoại Hà Nam, Bắc Việt

10-1954 di cư vào Nam với mẹ

02-1968 đi lính Thuỷ Quân Lục Chiến, VNCH.

03-1975 bị bắt làm tù binh

09-1979 ra tù.

12-1982 vượt biên.

10-1983 đến Mỹ.

1984 định cư tại Nam California.

2005 chủ biên tạp chí Văn Học tới 04-2008

11-2010 mất tại Lake Forest, Nam California

Tác phẩm:

Tháng Ba Gãy Súng, 1985

Vài Mẩu Chuyện, 2010.”

Nhà văn Tưởng Năng Tiến trong bài viết “Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Cao Xuân Huy Từ Chuyện Tháng Ba Gẫy Súng” đã ghi nhận về nhà văn học Cao:

“...Tháng 3 năm 1975, không phải chỉ có một mình trung úy Cao Xuân Huy bỏ súng. Sau đó, ông ta cũng không phải là kẻ duy nhất vượt biên. Ông chỉ là một trong hàng triệu triệu dân Việt - trong cơn quốc biến - hốt hoảng, ù té, bỏ chạy, hay đâm xầm ra biển, tứ tán, lênh đênh, phiêu bạt khắp bốn phương trời.

Giữa ông Cao Xuân Huy và phần lớn những người Việt tị nạn cộng sản khác chỉ có một chút dị biệt nho nhỏ. Sau khi bỏ súng, bỏ cuốc - thay vì cầm kìm, cầm búa hay một dụng cụ nhẹ nhàng nhưng thiết thực nào khác để kiếm sống nơi quê nguời đất khách - ông Cao Xuân Huy (chả may) lại vớ ngay cây bút, một vật dụng mà hiệu quả trong việc mưu sinh vô cùng giới hạn và vẫn thuờng gây vô số chuyện phiền lòng (cũng như tai nạn) cho khổ chủ!

Dù vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng, và trở thành một nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng (được nhiều người yêu qúi) trong suốt hai thập niên qua – dù ông viết không nhiều...”(ngưng trích)

Nhà văn Đỗ Xuân Tê trong bài viết tựa đề “Cao Xuân Huy - Người Ở Lại Thuận An” ghi nhận:

“...Cửa biển Thuận an, một địa danh không xa lạ gì với người dân xứ Huế, và anh em chúng tôi khi được lệnh tăng phái từ Phủ đầu Rồng để bảo vệ cố đô, nhưng không ngờ vào thời điểm sắp tàn cuộc chiến thì Thuận an trở thành chứng tích của những cái chết vô nghĩa trong thảm cảnh gẫy súng nửa đường. Biển Thuận an trăng sáng thuở nào vẫn mang vị mặn nhưng không phải của muối, biển mặn vì máu. Máu của những người lính trẻ đã chết oan vì các tư lệnh của họ đã bỏ cuộc, đã bỏ chạy trước khiến họ phải chân đất chạy ra cửa Thuận an, con đường độc đạo ra biển để chờ tàu xuôi Nam, trốn chạy những người anh em cùng màu da nhưng khác máu từ phương Bắc đang rượt đuổi theo họ. Nhiều kiểu chết nhiều cách chết, vừa tự xử bằng lưỡi lê, lựu đạn, vừa trúng thương bằng tăng bằng súng của đối phương, vừa bỏ thây vì sóng cao biển động nhưng phải đọc tác phẩm của Cao xuân Huy mới cảm nhận sâu sắc tấn bi kịch mang con bỏ chợ của những lãnh đạo miền Nam và nét hào hùng của những người lính quyết tử theo màu cờ sắc áo.

Khốn khổ thay cho những người lính về từ địa ngục sau khi kẹt lại Thuận an lại bị dồn vào các trại tù cải tạo chờ đợi biến cố họ không mong vào cuối tháng tư rồi sống tiếp trong cảnh đáy địa ngục sau 75, trong đó có người lính Cao xuân Huy.

Cao xuân Huy, người ở lại Thuận an. Nhờ Ông Gẫy Súng mà người ta mới thấy hết nét bi thương của những ngày tháng Ba, nhờ ông mà những đồng đội nằm lại vĩnh viễn trên cửa Thuận an mới có cơ hội lên tiếng. Chúng tôi trân trọng ông về điều này và xin vinh danh ông với tư cách nhà văn song hành với danh xưng người lính. Xin ông cứ nhận ông là nhà văn vì chính ông là một nhà văn đích thực, một nhân chứng chỉ biết nói sự thật, và sự thật thì sống mãi ngàn thu.”(ngưng trích)

Trong những ngày tháng 3, xin trân trọng tưởng niệm nhà văn Cao Xuân Huy và tất cả những chiến binh và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến vì tự do, dân chủ cho quê nhà.
 
Cô Tư Sài Gòn 
(từ: vietbao.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...