Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Tuyệt Lộ - ĐẶNG KIM CÔN

 HỒ HỮU THỦ - XUÂN XANH - Tạp chí Mỹ thuật
 tranh hồ hữu thủ

 

Trời nắng khủng khiếp, cái hàng một của đoàn người di tản coi bộ không còn chặt chẽ, linh hoạt nữa. Họ gồm cả mấy ngàn người, đa số là thường dân và chừng vài trăm quân nhân đủ các binh chủng, từ tây nguyên thất tán về, vừa được tập họp lại, dưới sự chỉ đạo của một sĩ quan cao cấp nhất còn lại ở nơi này, hướng dẫn né trục lộ chính, đi vòng vào trong núi, dự trù bọc sau lưng các trận đánh đang diễn ra ngoài đường chính, cũng như những họng súng đang hăm hở dồn ra đó, chờ đợi những “chiến lợi phẩm” bất ngờ, mà may ra, những người di tản nhếch nhác kia còn chưa bị mất mát ở dọc đường.

<!>

Đã mấy ngày họ lại tiếp tục hoang mang, rời rã bước. Nhiều người phải chậm lại vì mệt hoặc người nhà bị đói khát quá sao đó, cũng có người còn khỏe thì vượt lên phía trước. Những người còn đi đuợc thì cứ đi, không kịp có thì giờ thương xót hay hỏi han một ai đó ngất xỉu ven đường do kiệt sức, hay đau bệnh. Nhiều người cắm đầu cắm cổ đi, khi dừng lại thì người thân của họ lạc đâu mất. Cũng có người nói người thân của họ mới chết, nhưng tất cả không ai còn được giọt nước mắt nào.

Mọi người càng lúc càng đi sâu hơn vào trong núi, cây cối mịt mùng, không thể thấy nhau trong vòng năm, sáu mét. Suốt cả ngày họ không gặp nước uống, có đến hơn tám mươi phần trăm của đoàn người là không có mang theo bình đựng nước. Người ta nói mấy ngày qua, nhiều người đã từng đổi cả lượng vàng lấy một lon guigoz nước uống mà cũng không được.

Thêm nhiều người nữa không tiếp tục nổi hành trình. Một điều lạ (hay may?) là suốt mấy chục cây số đoàn người không ai đạp phải mìn bẫy, con rắn dài mấy cây số này cũng chẳng khúc nào gặp Việt cộng, chỉ có thỉnh thoảng nghe được ở những khúc đầu, đuôi bất chợt nào đó tiếng trực thăng hạ xuống và bay lên, những người biết chuyện họ nói là trực thăng trong mấy ngày qua đã bốc khắp núi rừng tốp năm, tốp bảy những ai may mắn phi công phát hiện được, nhất là gặp lúc họ đang đứng ở vị trí có chỗ đáp.

Nhiều người trong đoàn, do lúc nhanh lúc chậm, đã kể cho mọi người biết là vừa rồi, trước đó mười, hai, ba chục phút gì đó, một vài nhóm người khi phía trước, lúc đằng sau, hoặc đâu đó đã được trực thăng bốc đi. Không nhất thiết phải thuộc thành phần nào, dân quân quan lính gì cũng không ra ngoài sự chọn lựa của sự may rủi.

Chu cùng hầu hết các sĩ quan, đi cùng bộ chỉ huy, dưới sự hướng dẫn của một vị Chi khu trưởng, “Tổng Tư Lệnh” lúc này. Không ai biết chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra.

Cái máy PRC25 từ chiều hôm trước đến giờ không còn liên lạc được với ai. Người lính mang máy truyền tin rên rỉ với Chu:

-Máy móc làm gì nữa Trung úy! Em chịu hết nổi rồi.

Nhìn nó phờ phạc, vừa nhếch nhác bước vừa lấy tay lau mồ hôi, Chu cố động viên nó:

-Ráng chút nữa lên đỉnh coi sao.

-Đỉnh gì nữa Trung úy, người ta đi hành quân đâu phải lúc nào cũng nằm trên đỉnh.

-Hay có hết pin không?

-Dạ đâu có phản tai, phản chủ vậy, ông thầy. Mới có hơn ba ngày chớ mấy. Em quăng cái cục sắt cà chớn này cho rồi, Trung úy?

-Ai phản nó chớ nó có phản ai đâu. Chịu hết nổi thì cũng đành vậy biết sao.

Được lời như cởi tấc lòng, anh ta tháo máy ra khỏi vai. Bất chợt nó ôm chặt cái máy, ngậm ngùi, rồi cũng... phải thế thôi. Anh quẳng cái máy PRC25 vào bụi cây ven đường và cúi đầu đi.

Ngọn đồi không cao, nhưng cứ lên hoài, lên hoài cũng phải hơn cây số. Bất chợt có người hỏi Chu “Trung úy có phải là Thiếu úy Chu mấy năm trước ở Cheo Reo không?”, không kịp cười với câu hỏi “Trung úy có phải là Thiếu úy…” Chu quay lại nhìn, dù chưa kịp nhận ra ai, nhưng anh cũng không thể không thấy một cô gái đẹp, khá đẹp là khác, với gương mặt đỏ ửng vì nắng đang ì ạch trên vai một chiếc va-li. Có lẽ, đó là tất cả những gì quí giá nhất mà cô có. Bình thường những thứ ấy là của cải giúp cho đời sống của mình, nhưng lúc này, Chu nghĩ, mình có thể chết vì nó. Thấy Chu có vẻ suy nghĩ, cô ta nhanh nhảu:

-Em là Kim Lan, Quán Nhớ…

Chu mừng rỡ:

-Ồ, Lan. Thiếu tá sao rồi?

-Dạ, cậu Chánh đi học tham mưu gì ấy. Mợ cháu em chạy chung, xe bị chặn đánh ngoài đường lớn, kinh lắm, người ta kéo em nằm rạp xuống đường, đạn như mưa trên đầu, và máu ở đâu tuôn xối xả vào em, em tưởng mình bị gì, may quá, rồi mạnh ai nấy chạy, em giạt vào đây…

May quá, dự tính ngây thơ ban đầu của Chu cũng là chất hết mọi thứ cần thiết lên xe, khi cần, cứ đường chính mà chạy, gặp giặc thì đánh, không qua được thì chết. Thật quá đơn giản. Và nếu cứ theo kế hoạch đó, không biết bây giờ mấy thầy trò Chu đã ra sao!

Chu cũng có một chút quen biết Kim Lan, trước đây hai năm, còn ở thành phố Tây nguyên đầy ắp tình thân ấy, anh cũng hay lui tới quán café Nhớ của cậu nàng, cũng đôi lúc ngẩn ngơ nhìn theo bước chân rụt rè của cô nữ sinh lớp chín, e ấp chiếc cặp da với tà áo dài trắng ngoe nguẩy băng qua giữa hai hàng ghế của khách café, mỗi sáng sáng trưa trưa chiều chiều đi học hoặc tan trường về. Có lần, tình cờ gặp lúc tan trường, Chu dừng chiếc Jeep, mời hết mấy cô lên xe, đưa về, trong đó có Kim Lan. Cho đến năm sau, Chu bị thương nằm bệnh viện, bạn bè anh đến bệnh viện đưa anh ra quán để thưởng thức đêm thơ nhạc, bất ngờ, một người quen trong ban tổ chức, không biết là có biết Chu đang ngồi lặng lẽ với đôi mắt không thấy đường trong một góc hay không, đã đọc một bài thơ của Chu, gọi là “vì người hùng chiến trận”. (Lúc đó thành phố nhỏ này bình yên quá, nên sự kiện bị thương của Chu đã làm xôn xao cả thành phố, hôm máy bay tải thương Chu về đến phi trường, một kỷ niệm nhớ đời là không biết người ở đâu mà đến đón đông như đón… quan lớn. Rồi từ phi trường, họ theo về bệnh viện, họ làm gì mà Chu nghe bác sĩ, y tá la lên “mấy người thương kiểu đó là hại chết người ta. Giãn ra cho chúng tôi làm việc giùm chút đi...”).

Và nếu không có cái bài thơ của Chu được anh hoạt náo viên đọc, không có tràng pháo tay cuồng nhiệt sau đó, bạn bè Chu đã không hào hứng dìu Chu lên “sân khấu” đập cánh, ngâm một bài thơ nổi tiếng của Hữu Loan, đã được Phạm Duy phổ nhạc trước đó: Màu Tím Hoa Sim. Có phải vì được tán thưởng, được yêu cầu “bis, bis” không mà hôm sau, Kim Lan mang quà đến bệnh viện thăm anh, thỏ thẻ là “mấy hôm trước em cũng có theo bạn bè đến, có hôm đi học về em cũng có ghé lại đây một mình. ngồi lặng lẽ nhìn anh… Anh cứ thiêm thiếp hoài, kinh quá”.

Từ đó, ngày nào Kim Lan cũng đến, ở lâu hơn, không chỉ thăm mà còn chăm sóc cho anh ăn uống, dìu anh đi đứng hoặc dạo ra sân hóng mát. Năm đó Kim Lan học lớp mười. Sau đó người ta chuyển Chu đi quân y viện, xuất viện, rồi thuyên chuyển.

Con gái mỗi ngày mỗi lớn, hơn hai năm qua, trong trí óc Chu, Kim Lan vẫn chỉ là cô nữ sinh, hư ảo trong tà áo trắng học trò lớp chín, ngay cả năm lớp mười nàng đến thăm Chu đã lớn thế nào, đôi mắt mù năm ấy cũng chẳng lưu lại được chút hình ảnh nào mới hơn của nàng.

Thấy Kim Lan vừa nói vừa thở, có vẻ đuối sức lắm rồi, Chu đỡ hộ nàng cái va-li mà nàng đang vật lộn với nó, Kim Lan tha được vào đến đây cũng là một kỳ tích. Ngay cả Chu, đi ngăn ngắn còn may ra, đường dài e phải cậy vào một sức mạnh bí ẩn nào đó. Nếu là cái gì của Chu thì chắc mấy ông lính đã dành mang cho ông thầy, đằng này Chu tự nguyện lãnh nợ vào thân thì ông thầy cứ ráng mà gồng đi. Đã vậy, Kim Lan còn bám cứng lấy Chu, hai tay nàng bá cổ chàng, lết theo như một cái xác không hồn.

Trời đã oi mà lại không có gió. Phải gần cả tiếng đồng hồ mới tới đỉnh. Có lẽ cũng đã hơn 3giờ chiều. Mọi người dừng lại cạnh những tảng đá và những gốc cây lớn, bên một con đường mòn nhỏ chạy xuống chân đồi. Lên được thì xuống chắc nhẹ nhàng hơn.

Nhưng chặng đường lặng thinh bí hiểm phía trước đòi hỏi phải tỉnh táo và khỏe khoắn, mà cái bụng nước vừa dự trữ dưới suối đã hốc hác tuôn theo những giọt mồ hôi nên mọi người đều hạ ba-lô, va-li xuống để nằm, ngồi nhắm mắt dưỡng thần lấy sức. Chờ cho Kim Lan uống xong mấy ngụm nước từ chiếc bi-đông Chu đưa, anh xé bao gạo sấy duy nhất, mà trước đó anh nguyện chỉ đụng tới khi nào sắp phải chết đói, trút lại một nửa vào túi áo treilli của anh, còn thì Chu đưa hết cho Kim Lan, Kim Lan gối đầu lên va-li lim dim nằm bên cạnh, lờ đờ bốc từng nắm gạo sấy nhỏ đưa lên miệng nhai.

Chợt, hàng loạt đạn chát chúa và những tiếng “xung phong” thảng thốt rít qua tai, nhiều xác người đổ ập ngay trước mặt Chu, anh chụp lẹ tay Kim Lan, hốt hoảng lao đại xuống vực sâu sau lưng họ, nhìn lên thấy cao chừng hơn ba mét, chớn chở những tảng đá to, đá nhỏ chất chồng lên nhau. Chu không sao, nhưng Kim Lan thì không đứng lên nổi, chân nàng bị bong gân, trật khớp hay gãy sao ấy, và bên cạnh họ, cùng bị rớt xuống, một anh lính khá to con, bị đạn xuyên qua đùi, máu trào ra thành vòi. Chu tháo gói băng cá nhân duy nhất băng lại cho anh ta, và động viên anh:

-Tiếng la không nhiều, coi bộ chúng không đông lắm đâu.

Người lính thều thào:

-Em mệt quá, Trung úy.

Tiếng súng như đã thưa thớt và có vẻ xa hơn, Chu nói với anh lính:

-Cố gắng lên, mình phải thoát ra khỏi chỗ này trước đã, nhưng anh chờ tôi một chút.

Một cách hết sức khó khăn, Chu leo lên mấy gộp đá chông chênh như dựng đứng trên đầu, chả bù trước đó, anh đã rớt không thương tiếc như một trái sung chín nẫu. Với khẩu colt 45 lăm lăm trong tay, định có gì thì nã đại vài phát, rồi ra sao thì ra, Chu đã leo lên được chỗ cũ, nhặt lại được nửa bao gạo sấy Kim Lan bỏ lại, còn cái va-li thì đã biến mất.

Chu lại vất vả leo xuống, nắn bóp cổ chân Kim Lan, hỏi nàng:

-Em đi được không?

-Dạ, em cố gắng.

Nàng rụt rè hỏi Chu:

-Cái va-li của em?

-Không thấy rồi, có gì trong đó?

-Gì cũng có.

Như an ủi Chu, nàng trấn an:

-Ngoại trừ anh và cái mạng em.

Chu gượng gạo nhếch miệng cười:

-Anh cũng thuộc về cái va-li?

-Dạ. Nhưng nếu em nhét vào đó được thì bây giờ anh không ở đây.

Quay sang anh lính bị thương, Chu nói:

-Tôi sẽ dìu anh đi. Cố gắng chịu đau, rồi gì cũng qua mà.

Cả hai người nặng nề đứng dậy, nhấc thử mấy bước, Kim Lan nhăn mặt, nhưng có thể bước từng bước chậm được, hy vọng là không phải chân bị gãy xương, Chu nhắm phỏng chừng phương hướng và rời khỏi gộp đá, lúc này chàng mới thấy cái địa bàn mới bị mất giá trị ra sao. Cầm khẩu colt 45, quàng tay anh lính qua vai, nặng nề, rón rén từng bước. Chừng ba chục mét, anh lính đã lết hết muốn nổi, và Kim Lan, cũng cố bước theo nhưng tay thì cũng vịn theo vai Chu mà bước. Anh lính rên rỉ:

-Chân em sưng lên rồi. Em chịu không nổi nữa, Trung úy. Mình chui vào chỗ nào nghỉ khỏe rồi tính sau đi.

Chu dìu anh ta vào lùm cây, và trấn an:

-Yên tâm mà, tôi còn, chú còn.

Anh ta lắc đầu, mệt nhọc:

-Không nổi đâu, trung úy.

Anh lính nằm dài trên xác lá khô, Kim Lan thì ngồi dựa đầu vào vai Chu, nhắm nghiền mắt. Anh vốc nắm gạo sấy đưa anh lính:

-Ăn một chút nhé.

Anh lắc đầu:

-Dạ không, em chỉ khát nước thôi.

Cái bi-đông của chàng đã cạn queo. Có tiếng bước chân bên ngoài, vạch lá nhìn ra thấy có mấy quân nhân mặc đồ Biệt động quân, đi cùng với mấy người đàn bà, họ đi nhanh, nghe chừng có tiếng nước khua cách đó khoảng mười mét, cả ba người đều nhận định, con suối nằm ngược hướng họ phải đi. Anh lính bị thương lên cơn khát dữ dội, anh bảo:

-Em bò trở lại suối uống miếng nước.

-Không được đâu, ra máu nhiều đấy.

-Không sao đâu, em biết sức em. Mà có sao cũng đỡ hơn khát. Được uống một ngụm nước lúc này sướng hơn lên thiên đàng.

-Chắc chú phải hiểu chú hơn tôi, tôi dìu chú đi nhé.

-Dạ, thôi, em tự đi được. Trung úy dìu còn khổ cho em hơn. Trung úy dìu thì em phải đi, chân em nặng nề lắm, nhấc không nổi. Để em lết tốt hơn.

Chu nắm bàn tay anh ta, định đỡ anh đứng dậy, nhưng anh ta lắc đầu, đổi cách xưng hô, có vẻ anh lầm Kim Lan là vợ Chu:

-Anh ở lại lo cho chị, nếu thấy tiện em đi luôn đấy.

Anh ta móc trái lựu đạn đưa Chu:

-Cho anh một quả phòng thân. Em cũng còn mấy quả trong túi, và anh móc thêm trái nữa ra cầm tay, nặng nề bò đi.

-Chú bình an.

-Anh chị bình an.

Chặp sau, anh lính đã khuất hẳn, Chu không còn nghe tiếng bước chân nào nữa. Tiếng súng vẫn tiếp tục vây quanh núi, phần hoang mang lo sợ, phần tiếng dội của vách đá, Chu có cảm giác như mình đang bị mất phương hướng.

Chàng đỡ Kim Lan nằm gối lên đùi chàng, nàng mềm èo như con bệnh sắp chết:

-Em mệt lắm?

Nàng mở mắt:

-Dạ không. Nhưng mà nếu chết như thế này thì cũng đủ cho em rồi.

-Bớt nói bậy giùm. Nghỉ ngơi cho cái chân bớt đau, tối đi, khó bị phát hiện hơn.

Mười phút sau, có tiếng hô lớn ở phía suối trước mặt:

-Đứng yên, dơ tay lên. Hàng sống, chống chết.

-ĐM. Cặc.

Một loạt đạn lạnh lùng tức khắc đáp lời, và có lẽ cũng không chậm hơn bao nhiêu, một tiếng nổ thảng thốt, như ngay trước mặt Chu vang lên. Chừng 10, 15 giây gì sau đó, thêm một tiếng nổ nữa, cô đơn, tức tưởi bùng lên, rồi tất cả im bặt.

Chu đã hiểu. Không biết chú có kịp uống ngụm nước nào chưa. Không biết ngoài những tên bắt chú giơ tay lên có còn tên nào nữa không? Chú không còn phải đau đớn, nhọc nhằn lê lết nữa, không còn ai uy hiếp chú nữa, kể cả những cơn khát quằn quại đã hành hạ chú… Bất giác, Chu thọc tay vào túi áo mân mê quả lựu đạn của anh lính. Khi người ta cùng đường, khi sức chịu đựng đã cạn cũng dễ biến họ thành anh hùng. Rồi một ánh chớp qua đầu, Chu nhìn Kim Lan, đặt vội số mạng họ lên bàn cân… Chu cúi xuống hôn lên trán, lên má, lên môi Kim Lan, anh có cảm giác hai tay nàng khỏe lên, vít lấy cổ anh.

-Ngủ, em nhé!

-Dạ.

-Anh đã có lỗi với em phải không?

-Anh đi không nói với em một tiếng. Em nhớ anh.

-Anh xin lỗi.

Hình như có tiếng bước xa xa, không biết thù hay bạn.

Họ nằm lơ mơ, bên nhau, thầm thì hỏi nhau đủ thứ chuyện về hai năm không gặp. Nước mắt Kim Lan mặn trên những nụ hôn tội nghiệp rất buồn, rất thắm thiết. Nước mắt như tức tưởi, như tiếc nuối những ngày tháng quá dài đã mất đi, mà lại tìm được trong hoàn cảnh đầy tuyệt vọng này. Nàng đang đuối quá, những giọt nước mắt như đang làm rã tan dần cả tinh thần lẫn thể xác nàng ra.

-Em đói không? Nhai chút gạo sấy nha!

-Không, em khát nước, em muốn nhai cái mặt anh.

Mắt Kim Lan ánh lên một chút tinh nghịch, đặt ngón tay lên môi chàng:

-Ăn từ chỗ này.

Chu ghé môi lại môi nàng.

-Ăn đi, rồi mình phải còn hơn ba chục cây số chết chóc nữa mới tới quốc lộ. Ráng ngủ chút cho khỏe, đêm tối vắng vẻ, trăng sao lên dễ nhắm hướng hơn.

Lại có tiếng người ồn ào phía suối. Anh đoán tiếng nổ khi nãy đã đánh động đến đồng bọn. Nếu bọn chúng cứ lảng vảng quanh đây, chắc anh và Kim Lan phải nằm im đây mà chờ chết.

Nói ngủ, nhưng cả hai đều không tài nào chợp mắt được. Căng cả mắt, cả tai để tập trung nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Thỉnh thoảng có vài tiếng bước rụt rè, rồi mất hút, chắc là phe ta. Như vậy, hẳn là không còn một rình rập nào nữa.

Trời sụp tối thật nhanh. Rừng núi mịt mù, không nhìn đâu ra trăng sao. Tiếng thú rừng ồm ồm oách oách khắp nơi, làm họ càng cảm thấy nhỏ bé hơn trước thiên nhiên, nhất là thiên nhiên như đang đồng lõa với hoàn cảnh. Họ quyết định phải ngủ một giấc, có thú rừng hay người rừng gì thì cũng không còn chọn lựa nào khác.

 

Ngày nóng vậy mà đêm thì lạnh rất dễ, rất vội. Cái lạnh và sự sợ hãi đủ để người này muốn biến vào người kia. Giấc ngủ được trộn lẫn với tất cả mê say, lo lắng, mệt mỏi, rã rời, hoang mang, hạnh phúc. Có lẽ một trong hai người chợt giật mình thức dậy, làm người kia trở giấc, nhưng cả hai đều có cảm giác cùng thức một lúc. Họ hôn nhau. Giá như họ còn nằm chung với đoàn người di tản, giá như núi rừng chỉ là một cuộc dã ngoại thì chắc là, họ không nhớ tới phải ăn, phải uống. Họ không thể biết lúc này là mấy giờ. Trăng sao gì cũng bị che kín bởi tàng lá dày đặc trên đầu. Cái suy nghĩ ngây thơ ban ngày là hệ quả của sự non nớt, thiếu kinh nghiệm trận mạc của một người lính chỉ ở đơn vị yểm trợ. Cũng lỡ rồi, chỉ cần bình tĩnh để vượt qua. Dẫu sao, có hai người cũng đỡ lẻ loi. Chu nói với Kim Lan:

-Em chờ anh chút, anh ra suối lấy ít nước. Mình phải khỏe khoắn mới lên đường được.

Kim Lan ôm chặt Chu, nụ hôn bối rối, lo lắng không muốn rời:

-Anh!

Chu ôm Lan, siết nhẹ, như muốn chuyền cho nàng một chút nghị lực:

-Không sao đâu, anh biết em cũng khát như anh, chịu đói lâu một chút được, nhưng khát sẽ dễ làm cho người ta mất sức hơn. Nào phải mình cứ ở luôn đây.

Lan thì thào:

-Em sợ… Ngoài kia nguy hiểm quá.

Nhưng cũng còn cả những muôn trùng cái ngoài kia mà mình phải vượt qua.

Thốt nhiên Lan rùng mình nhớ tới chuyện người lính ban chiều, nàng ôm cứng lấy Chu:

-Khi nào đi thì đi luôn, em không khát.

Chu dỗ dành:

-Em giấu được anh sao, môi miệng khô cứng hết kia, không có nước coi bộ em không ngồi nổi, đừng nói là đi.

Lan gượng dậy, và quả đúng như Chu nói, cơn khát ngỡ chịu được kia, bất chợt như muốn bốc lửa trên từng hơi thở gấp, cố gắng để Chu không nhận biết, nàng chụp nhẹ tay Chu, nhắm mắt gục đầu lên vai chàng:

-Anh muốn em đi thì em đi được mà. Em không để anh đi một mình ra ngoài đó đâu.

Nàng cố mở mắt, níu Chu đứng dậy thử, bỗng thấy cây cối loạng choạng nghiêng ngả, nàng lảo đảo ngã bịch xuống đám lá khô. Chu hốt hoảng đỡ nàng nằm xuống, hơi nóng từ nàng tỏa ra như muốn sưởi cả núi rừng đang gồng lên vì cái lạnh tai ác về đêm, anh kêu nhỏ:

-Chết, em phát sốt rồi, nằm đây… nằm đây, mình phải có nước em ạ. Yên tâm, anh là lính mà.

Lan vẫn nhắm nghiền mắt ôm hôn cánh tay Chu, đang sờ soạng trên mặt nàng. Chu lại cúi xuống hôn Lan:

-Anh đi đây.

-Dạ… Không lâu, anh nhỉ? Em hồi hộp quá.

-Anh trở lại ngay mà.

Chu khe khẽ từng bước, nhưng đôi lúc chân anh cũng dẫm phải một vài cành khô răng rắc, hoặc đạp trên mấy viên sỏi sào sạo. Không sao. Bước chậm chút. Con suối đã lấp loáng ngay trước mặt. Anh để ý, không thấy xác của người lính và xác những người trên núi bởi tiếng nổ lựu đạn hồi chiều. Anh nhìn trước nhìn sau, cúi xuống nhúng cái bi đông vào dòng suối, việc đầu tiên là uống đầy một bụng nước. Rửa mặt, múc cho đầy bình lại, quay lưng về chỗ Kim Lan. Chúng ta sẽ ăn chút gạo sấy lấy sức, rồi tiếp tục hành trình. Cố gắng thôi, em nhé. Lúc nào mệt thì chúng ta lại chui vào bụi rậm nghỉ ngơi. Chậm chút cũng được, chỉ cần ra tới đường chính, rồi ra sao thì ra, anh sợ cái âm u bí hiểm của rừng núi quá rồi. May mà chúng ta có nhau trong tình cảnh này…

-Đứng lại, dơ tay lên!

Mấy ánh đèn pin hai bên hông anh quét thẳng vào mặt Chu:

-Sĩ quan hả? Đứng im. Nhúc nhích là nát sọ.

Chu bàng hoàng đứng im. Mấy mũi súng nhích gần tới, hai tên bẻ quặt hai cánh tay anh đè xuống, lục túi lấy cái bóp, khẩu colt và quả lựu đạn, trói thúc ké anh lại.

Xong chúng lôi anh dậy:

-Mày tên gì? Trung úy gì? Đơn vị nào.

Anh chưa kịp trả lời, một tên có vẻ là chỉ huy, thúc báng súng vào hông anh, bảo mấy tên kia:

-Dẫn nó đi. Cẩn thận. Có gì, bắn bỏ!

 

Đặng Kim Côn

(Tác giả gởi) 

1975 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...