1.
Thi vào...trường Đại Học Lính
Nói đến lính là nói đến sự cơ cực, nhọc nhằn, luôn luôn chạm mặt với cái chết, hoặc đỡ hơn thì bị thương, bỏ một phần thân xác nơi chiến trường...như bản nhạc "Ngày trở về" của Phạm Duy: "Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre nắng vàng hoe..." và "ngày trở về, có anh thương binh chống nạng cày bừa...".
Nhưng, tuổi của chúng tôi trong khoảng thời gian thập niên 60, 70...thì đất nước không còn thời bình nữa, mà đúng là thời chiến, nhất là dịp sau Tết Mậu Thân, 1968.
<!>
Khoảng tháng 5/68, tôi đã nộp đơn thi vào cả 2 nơi: Trường Võ Bị Quốc Gia, khóa 25. Và trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Khóa 2. Tất cả 2 trường đều tổ chức thi (hình như) tại trường Kỹ Thuật, Đà Nẵng.
Đà Nẵng, nơi tôi đến chỉ có 2 lần. Lần thi tú tài 1 và lần thi tú tài 2. Tôi không có bà con thân thiết ở Đà Nẵng. Hai lần thi tú tài 1 và 2, tôi đi (ăn) theo một người bạn học cùng lớp. Bạn tôi dẫn ra cùng ở trọ một nhà người bà con của bạn ấy, ở đâu khoảng khu đường rầy xe lửa. Ở đây toàn là động "chị em ta". Họ đứng giữa đường mời gọi, níu kéo khách đi đường. Mới đầu tôi ngu ngơ không biết là gì, sau đó, nghe người bạn nói, mới vỡ lẽ là "động đĩ", cho nên sau đó, khi đi ngang qua khu đường rầy xe lửa, tôi phải cắm đầu, cắm cổ đi thật mau.
Ở đây một tuần, chỉ lo chuyện thi cử, thi xong là ra bến xe về Tam Kỳ ngay. Nên tôi vẫn không biết Đà Nẵng, đường ngang ngõ dọc thế nào?
Lần thi này cũng vậy. Tôi không có ai thân thiết ở Đà Nẵng. Thì phải làm sao đây?
Tôi chợt nhớ hồi ở quê, nghe nói, các anh như Phan Đắc Lộc, Nguyễn Văn Lục ở Cẩm Khê, Kỳ An, Tam Kỳ... hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng.
Hai anh Lộc và Lục (sau này đổi tên Lâm) là bạn của anh tôi, anh G. Khoảng những năm 62, 63, tình hình an ninh ở Kỳ An không yên ổn, nên gia đình các anh này đã dọn về Đà Nẵng.
Tôi chỉ biết hai anh Lộc, Lục qua anh tôi, nhưng "cùng tất biến" tôi phải đi tìm. Khi biết gia đình anh Lộc, Lục..., nhà ở khu chợ Cồn, nên tôi cố tìm cho ra. (tôi chỉ có mẫu tin nhỏ, anh Lục có người cha (cũng tên Lục) đang bán thuốc Tây tại ở chợ Cồn, khoảng ngã tư đường Khải Định & Hùng Vương.)
Tôi đi xe đò ra Đà Nẵng và "ngơ ngác" đi tìm.
May mắn thay, tôi tìm ra ngay bác Lục. Gặp bác, tôi trình bày hoàn cảnh của mình, và được bác vui vẻ đón tiếp, rồi chỉ đường về nhà bác.
Tôi được bác cho biết, là hai gia đình anh Lộc, anh Lục cùng mua một ngôi nhà, ở chung nhau. Nhà có căn gác nên nhiều người bạn ở quê ra Đà Nẵng vẫn đến đây ở nhờ.
Tôi theo địa chỉ và sự hướng dẫn của bác Lục, tôi tìm ra nhà và gặp anh Lộc. Anh nồng nhiệt tiếp đón tôi. Anh Lộc rất vui khi biết tôi là em anh G. Anh ân cần lo chỗ ngủ, và chở tôi đi thi nữa. Tôi biết thêm, mấy năm trước đó, anh Lộc thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn, ra trường dạy tại Đà Nẵng, anh được hoản dịch vì lý do gia cảnh, vì là con trai độc nhất trong gia đình...
Hai lần thi như vậy. Tôi đã nhờ anh Lộc dò coi kết quả dùm.
*
Ngày tôi còn học trung học đệ nhất cấp, nhìn các anh và các chị ở Cẩm Khê đi học trung học ở Tam Kỳ, chạy xe đạp trên đường tỉnh lộ từ Cẩm Khê xuống Chiên Đàn (Ngã ba Kỳ Lý), rồi từ đó đạp xe vào Tam Kỳ. Các anh/chị ở Cẩm Khê, tuy ở xa thị xã Tam Kỳ hơn tôi, nhưng tôi vẫn thấy các anh chị này rất đẹp, rất tân thời, ăn diện mốt miết thời trang lắm, như các chị Lan, chị Nga, chị Kiều. Các anh Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Duy Anh, Phan Đắc Lộc, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Trung Vân, Lê Trung Dung...Bửu, Hạn...đều nổi trội hơn tụi tôi về hình thức.
Sau nay, qua mấy năm, tôi vào học ở Sài Gòn...thì các bạn, có người còn chưa qua ải thi tú tài 1. Rớt và Đậu. Cái bằng tú tài 1 tuy là nhỏ, nhưng rất quan trọng lúc này, là có thể thay đổi cuộc diện tương lai của một con người.
Đó là, nếu Rớt thì: "Rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con", câu ca dao thời hiện đại tùy có y bông đùa, nhưng cũng nói lên một tình trạng bế tắc của một xã hội đang thời chiến tranh. Còn Đậu thì, tiếp tục học lên, hay cùng lắm, là vào trường bộ binh Thủ Đức, tốt nghiệp ra trường được đeo lon chuẩn úy, là sĩ quan tương lai.
Vì tình trang rớt/đậu trên, nên để được hoản dịch, các bạn bị rớt, thường thay đổi khai sinh, thay tên đổi họ. Thường, sự thay tên đổi họ này, các anh thường khai sụt tuổi xuống, thường thì hai, ba tuổi, bốn, năm tuổi gì đó. Những bạn, mới đầu mang những cái tên lạ, khi gặp bạn mình, có người cũng thật ngỡ ngàng, người quen thường gọi tên cũ, còn tên mới thì lạ hoắc...nhưng rồi thời gian qua, cái gì cũng êm.
Chuyện kết quả đậu vào trường đại Học Chiến Tranh Chính Trị, cũng làm tôi suy nghĩ đến số phận con người. Tôi vẫn còn đang đi dạy ở trung học Lý Tín, thì được điện tín anh Lộc gởi đến báo tin tôi đậu. Tôi liền chạy xe ra Đà Nẵng, vào Bộ Tư Lệnh QĐI & QK1, Khối Chiến Tranh Chính Trị, coi xem sao. Có hai, ba tờ giấy niêm yết kết quả dán bên ngoài tường của Khối CTCT, mà tôi tìm tên tôi lòi tròng con mắt, vẫn không thấy. Tôi buồn bã đành lủi thủi chạy xe về...đi dạy lại. Lúc này thì tôi buồn thật sự, vì nghĩ mình học yếu nên bị rớt, nên tôi (tạm tính), vừa đi dạy lại, vừa làm hồ sơ xin đi thụ huấn 9 tuần theo giáo chức. Hồ sơ cũng được trường chuyển đi.
Cũng nửa tháng sau, lại có một tin nhắn bằng miệng của anh Lý Bá Long, từ Đà Nẵng. Anh Long cũng chỗ quen biết, hiện là trung úy, sĩ quan truyền tin ở QĐI. Anh Long nhắn vào Tam Kỳ với K.Y, là tôi đã đậu...Và thêm một điện tín nữa (lần thứ 2) của anh Lộc, nói chắc chắn là tôi đã đậu. Cho nên, từ chỗ Rớt, qua chỗ Đậu, tôi không còn lý trí nào, để xét cái nào tốt hơn cái nào. Biết mình đậu nên vui mừng, tôi quyết định đi trình diện liền. (sau này, khi ra trường, đi hành quân tác chiến khổ như gì..., tôi nhìn thấy các bạn tôi như Tú, Hào, Viên, chạy Honda đi dạy tà tà, tôi lại tự chữi tôi là ngu, số mình con rệp).
(Xin mở ngoặc, sau 1975. Tôi được tin anh Lộc đã chết, một cái chết rất thương tâm, là một buổi chiều tại nhà, anh đứng trên chiếc ghế cao, để sửa điện, chiếc ghế bị ngã, làm anh té, bị chấn thương sọ não, nên chết ngay tại chỗ. Nghe tin mà tôi cảm thương anh quá! Một người anh hiền lành, tốt bụng, mà số phận không may)
Trần Yên Hòa
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét