Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài - Trùng Dương

VOTE - 11-2024


Cô em bên Texas gửi text về một bản tin CNN tường trình việc các nhà ngoại giao Âu châu giành nhau gặp gỡ các đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump, người coi như sẽ được đề cử đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống tháng 11 tới, để thăm dò. Cùng lúc, báo chí loan tin ngoại trưởng Anh David Cameron đã tới tận tư dinh của ông Trump ở Florida để tham khảo về cuộc chiến tại Ukraine và xung đột Israel-Gaza. Tôi đoán các bản tin khiến cô lo ngại về một Trump 2.0, như thể điều đó sẽ phải xẩy ra thôi.

<!>

Tôi trả lời cô em là việc các nhà ngoại giao Âu châu lo xa tìm tới viếng ông Trump cũng là điều tự nhiên, mặc dù có thể đây là việc miễn cưỡng song cần làm. Liên minh Âu châu cũng dự kiến và chuẩn bị cho một tương lai không có sự hiện diện của Hoa Kỳ trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, đặc biệt từ khi nghe ông Trump tuyên bố sẽ xúi giục Nga tấn công thành viên NATO nào không chịu tài trợ quốc phòng đủ mà bị một quốc gia khác tấn công; cũng đã có lần tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO.

Dù vậy, phải nhìn nhận các cuộc viếng thăm này cũng đã khiến ông Trump và phe đảng cảm thấy mình quan trọng, lên tinh thần trong một môi trường chính trị hiện đang có nhiều điều bất lợi cho họ.

Ngày 15 tháng Tư bắt đầu một trong những vụ kiện mà ông Trump đang phải đương đầu diễn ra ở Manhattan thuộc tiểu bang New York, về việc ông ta khai gian hồ sơ thương nghiệp để che dấu một vụ ngoại tình hầu tạo lợi thế trước kỳ bầu cử 2016, gọi nôm na là “hush money,” dùng tiền để che đậy một hành tung bất chính nhưng lại lấp liếm khai man hồ sơ là lệ phí pháp luật. Vấn đề của công tố viện là chứng minh được hành tung lấp liếm đó là vi phạm luật bầu cử của tiểu bang New York.

Một cô bạn bên Âu châu nhận xét, thế “còn các phiên tòa khác chắc là không kịp trước bầu cử?” Ý cô muốn nói tới những vụ án khác mà ông Trump đang phải đương đầu và tìm mọi cách để trì hoãn, hy vọng sẽ đắc cử tổng thống để dùng quyền hành xóa bỏ hết. Những vụ này gồm hai vụ án liên bang liên quan tới việc ông Trump cố tình cất dấu làm của riêng các tài liệu mật của quốc gia, và vụ xúi giục và hỗ trợ quân phiến loạn tấn công vào tòa nhà Quốc Hội ngày 6 tháng năm 2021; vụ RICO ở tiểu bang Georgia trong đó ông Trump và 17 đồng phạm bị truy tố về tội đã tìm cách gây ảnh hưởng trên kết quả bầu của 2020 của tiểu bang này; và vài vụ án dân sự khác trong đó có hai vụ ông Trump đã bị kết tội và tuyên phạt, gồm 83.3 triệu Mỹ kim cho một vụ phỉ báng và 355 triệu Mỹ kim cho vụ khai gian hồ sơ để được lợi tài chánh trong thương nghiệp địa ốc.

“Nếu lỡ Trump thắng cử thì Trump dẹp luôn mọi phiên tòa, thế là xong!” cô bạn than—tôi có cảm tưởng nghe được tiếng thở dài thậm thượt của cô từ bên kia lục địa qua Đại Tây Dương đến tôi ở bên này bờ biển Thái Bình Dương.

Liệu ông Trump có sẽ thắng, đó là câu hỏi mà nhiều người, cả chống lẫn ủng hộ, đã và đang đặt ra mặc dù cuộc tổng tuyển cử ngày 5 tháng 11 còn hơn sáu tháng nữa mới diễn ra.

Quả thật chưa bao giờ người ta, không chỉ riêng tại Mỹ, quan tâm tới kỳ bầu cử này như vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy những người trong gia đình tôi lại để ý tới chuyện chính trị như lần này, cũng như lần bầu cử tổng thống ba năm trước đã đánh bại ông Trump. Tôi còn nhớ mấy tấm hình có thể gọi là lịch sử của gia đình tôi mà các con, em và cháu tôi gửi qua phôn, chụp họ đã đi bỏ phiếu mặc dù đang giữa mùa đại dịch, hoặc đứng bên thùng phiếu sửa soạn bỏ phiếu vô thùng, như một báo cáo đã thực thi quyền công dân của một đất nước dân chủ. Quan tâm cũng đúng thôi, đặc biệt những người không chấp nhận ông Trump, như đa số thành viên trong gia đình tôi, những người di dân tới đây đã mấy chục thập niên muốn thấy đây vẫn là mảnh đất lành chim đậu, của tự do dân chủ và cơ hội tiến thân, vật chất cũng như tinh thần.

Một điều phải nói là tích cực mà ông Trump đã mang lại cho nước Mỹ, đó là ông đã đánh thức nơi dân Mỹ, ngay cả những người chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện chính trị bầu cử này kia như gia đình tôi, đó là ý thức về tầm quan trọng của lá phiếu cử tri của mình--quyền căn bản của người dân trong một chế độ dân chủ. Họ không chấp nhận những xáo trộn ông Trump đã mang lại trong bốn năm cầm quyền do sự thiếu hiểu biết, tham vọng cá nhân, tính bất nhất song tự tôn tự đại, coi mình là một thứ “thiên tài” và chỉ có mình mới giải quyết được mọi chuyện, bất chấp những ý kiến của giới chuyên môn, kể cả khoa học gia, đặc biệt trong thời gian xẩy ra đại dịch COVID.

Chưa kể, theo nhiều nhà tâm lý và phân tâm học, ông còn để lộ các triệu chứng của một người mắc bệnh tâm thần. Thậm chí có hơn 70,000 chuyên gia về sức khỏe tinh thần, thúc đẩy bởi “bổn phận phải báo động” đã ký vào một bản kiến nghị, cho rằng “Donald Trump biểu hiện một căn bệnh tâm thần nghiêm trọng khiến ông ta không có khả năng tâm lý để thực thi thành thạo các nhiệm vụ của Tổng thống Hoa Kỳ.” Và một cuốn sách của 27 chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng lập luận rằng ông Trump, hoặc do nhân cách hay các vấn đề sức khỏe tâm thần, không phù hợp để giữ vai trò của một tổng thống.

Thử tưởng tượng một người như vậy cầm cân nảy mực của một quốc gia mạnh nhất toàn cầu, với một quân đội và kho vũ khí hạt nhân có thể phá nát trái đất nhiều lần hơn?

Bị thất cử khi tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai, ông Trump không nhận mình thua cuộc, cho là cuộc bầu cử 2020 có gian lận nên ông mới thua, mặc dù trên 60 đơn kiện của ông đã bị các tòa án bác vì vô bằng cớ. Ông tiếp tục quậy phá, dẫn đến ngày 6 tháng Một, 2021 khi ông thúc giục những người ủng hộ ông, trong đó có các nhóm da trắng thượng đẳng lâu nay vẫn hoạt động trong bóng tối đã lợi dụng cơ hội phất cao ngọn cờ của quân phiến loạn Confederate của thời Nội Chiến giữa thế kỷ 19 kéo tới tấn công Điện Capitol, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, nhằm ngăn cản Quốc Hội thi hành phần sự hiến định, đó là công nhận việc ông Joe Biden của Đảng Dân chủ đã thắng cử tổng thống. Mà nào chỉ mình ông bị buộc tội mà cả những người đã bầy mưu vấn kế cho ông, trong đó có một số luật sư tên tuổi đã bị rút bằng vì đã dại dột liên hệ với ông, như tựa một cuốn sách của tác giả bảo thủ Rick Wilson, Everything Trump touches dies (Ông Trump sờ vào cái gì thì cái đó lăn ra chết). Chưa kể các cơ quan truyền thông như Fox News, One America News Network, vv. loan tin thất thiệt là ông Trump thua vì bị bịp, do ông Trump và phe đảng mớm, để câu khách mặc dù biết rõ là sai sự thực, các cơ quan này cũng đã từng phải dàn xếp ngoài tòa vô cùng tốn kém, có vụ tới gần bạc tỉ.

Phải chi ông Trump lẳng lặng lui về tư dinh ở Florida an hưởng tuổi già và cái gia tài gầy dựng được với nhiều bất chính lâu nay thì đã không ra nông nỗi, như bây giờ phải đối đầu với bao vụ kiện tụng. Chưa kể, bên cạnh những kết buộc hình sự ở cấp liên bang và ở hai tiểu bang New York và Georgia đang hoặc chờ toà xử, tất cả những vụ làm ăn khuất tất lâu nay của ông cũng đều được phơi bầy ra cho bàn dân thiên hạ thấy, và trở thành hồ sơ công cộng lưu tại tòa cho lịch sử lưu truyền muôn đời sau. Thử hỏi có cái dại nào hơn cái dại này?

Vì các vụ kiện này mà ông Trump lại một lần nữa ra tranh cử chức tổng thống Mỹ, hy vọng đắc cử thì ông, với tư cách Tổng thống, sẽ có thể xóa hết các vụ án mà ông đang phải đương đầu, hoặc trì hoãn vô hạn định các vụ ở cấp tiểu bang cũng như các vụ án dân sự khác nằm ngoài thẩm quyền liên bang. Ông hứa sẽ là “nhà độc tài một ngày,” nhưng ai cũng biết ông vốn mến chuộng các nhà độc tài trong quá khứ cũng như hiện tại, đã từng khao khát có được quyền hành tuyệt đối của họ, nên cái “một ngày” ấy phải hiểu sẽ là thiên thu vì những gì ông có thể sẽ để lại cho nước Mỹ nếu ông thắng cử. Ông chẳng đã từng nói là nếu ông có bắn chết ai ở giữa đường phố thì cũng sẽ không bị mất một lá phiếu nào kia mà.

Theo dõi ông qua những buổi vận động tranh cử trực tuyến, hầu như ai, trừ những người đã bị “giáo phái Trump” mê hoặc, cũng nhận thấy ông Trump nói năng lung tung, đầu đuôi xuôi ngược, lẫn lộn người này với người kia, và đặc biệt hay lập đi lập lại, phát biểu không được tròn câu tròn ý, và thường diễn tả quá lố. Không cần phải là tâm lý gia hay nhà phân tâm cũng thấy đó là những chỉ dấu  của một người già trí nhớ bắt đầu suy thoái đáng kể. Nhưng các nhóm hay tổ chức bảo thủ cực đoan kỳ vọng ở việc ông tái đắc cử để thực hiện những mưu đồ của riêng họ, và đã từ nhiều tháng qua chuẩn bị cho một chính phủ do ông “lãnh đạo” một khi ông lên làm tổng thống trở lại.

Đáng kể nhất là cơ quan Heritage Foundation, một tổ chức bảo thủ, nơi ra đời của Project 2025, với sự đóng góp của nhiều nhân vật trong hệ thống chính phủ thời ông Trump và Ủy ban đảng Cộng hòa vận động tái tranh cử cho ông.

Dự án 2025 là gì?

Dự án 2025 (tên chính thức là Dự án Chuyển tiếp Tổng thống, Presidential Transition Project) là tập hợp các đề bạt chính sách nhằm tái tổ chức lại nhánh hành pháp của chính phủ liên bang Mỹ ở quy mô chưa từng có trong trường hợp đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

 

Được thành lập vào năm 2022, dự án này được công bố vào cuối năm 2023, hiện đang rao trên Internet chương trình tuyển dụng hàng chục ngàn người có khuynh hướng bảo thủ đến Washington, DC, để sẽ thay thế các công chức chuyên ngành liên bang, mà nhóm Cộng hòa cực hữu hỗ trợ ông Trump mô tả là “nhà nước ngầm” (Deep State). Đây thực ra là hệ thống công chức liên bang có chuyên môn, phi chính trị, gồm các nhân viên giúp cho guồng máy hành chánh chạy dưới quyền tổng thống của bất cứ đảng nào. Nhưng các tác giả của Dự án 2025 muốn thay thế họ để thực hiện các mục tiêu của dự án, và người mà họ đặt kỳ vọng vào là ông Trump trong kỳ bầu cử tới. Kế hoạch này sẽ thay đổi bộ mặt của nhánh hành pháp liên bang theo một mô hình khá nguy hiểm: đó là giao cho tổng thống quyền lực tuyệt đối, phá vỡ hệ thống phân quyền của nền dân chủ.

 

Dự án 2025 đề ra những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chính phủ liên bang, đặc biệt trong chính sách kinh tế và xã hội, và vai trò của chính phủ và các cơ quan liên bang. Trong những thay đổi đó có cả việc cắt giảm tài trợ cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), tháo dỡ cơ quan điều tra FBI và Bộ An ninh Nội địa, hủy bỏ các quy định về môi trường và biến đổi khí hậu để giúp gia tăng sản xuất nhiên liệu như dầu hỏa, cùng loại bỏ các Bộ Giáo dục và Thương mại ra khỏi nội các chính phủ. Hãng thông tấn Associated Press có một bài tóm tắt song rành mạch những chương trình của Dự án 2025 đối nội cũng như đối ngoại, tại đường dẫn này.  

Bao gồm trong Dự án 2025 cũng gồm cả việc lập tức dùng Đạo luật nổi dậy năm 1807 để tổng thống có thể ra lệnh cho quân đội vào dẹp các vụ biểu tình chống đối chính phủ, cùng chỉ đạo Bộ Tư pháp truy lùng các đối thủ của ông Trump. Chính ông Trump cũng đã từng tuyên bố với những người ủng hộ ông là ông là người sẽ giúp họ phục hận. Theo luật hiện hành, quân đội không được phép can thiệp vào việc nội bộ, và Bộ Tư pháp hoàn toàn độc lập đối với cơ quan hành chánh, nghĩa là không nhận chỉ thị của tổng thống.

Dự án 2025 bao gồm một bộ cẩm nang tựa là “Mandate for Leadership: The Conservative Promise” (Nhiệm vụ lãnh đạo: Lời hứa bảo thủ), dầy trên 900 trang, liệt kê các chính sách sẽ thi hành, cùng các tài liệu liên hệ. Ngoài ra, các tác giả dự án còn tổ chức các khóa học trực tuyến tại cái gọi là Học viện Quản trị Tổng thống (Presidential Administration Academy), và cung cấp tài liệu hướng dẫn để khai triển các kế hoạch cho thời kỳ chuyển tiếp giữa hai chính phủ Joe Biden (nếu thua) và (có thể) Trump. Song song, Dự án 2025 cũng đã tổ chức những ki-ốt tuyển dụng tại các hội chợ kiếm việc (job fair) ở các trường đại học, phát và nhận đơn xin việc với cơ quan chính phủ tương lai này.

 

Dự án 2025 có vẻ quyết tâm thực hiện những điều mà phe bảo thủ cực đoan muốn làm ở cuối nhiệm kỳ trước của ông Trump, nhưng không thành vì bị cản trở bởi các thế lực đề kháng mà họ cho là thù nghịch nằm trong lòng chính phủ liên bang. Các thế lực này gồm những người muốn duy trì một hệ thống thư lại với các chuyên viên phi chính trị, cái hệ thống mà ông Trump và phe đảng gọi là “nhà nước ngầm” (Deep State), để thay thế vào đó là một hệ thống công bộc [nói theo ngôn ngữ Việt cộng là] “hồng hơn chuyên,” và tuyệt đối trung thành với nhà nước mới.

Còn nhớ vào năm thứ hai của nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, vào tháng Chín năm 2018, nhật báo The New York Times phổ biến một bài bình luật ký tên Người Vô Danh, tựa là “Tôi là một phần của cuộc đề kháng bên trong chính quyền Trump.” Bài xã luận chỉ trích đương nhiệm Tổng thống Trump, và nói rằng nhiều thành viên hiện tại của chính quyền, trong đó có tác giả, đã cố tình, vì lợi ích quốc gia, làm suy yếu các đề án và mệnh lệnh bất nhất của ông Trump. Bài viết cũng tiết lộ là một số thành viên nội các trong những ngày đầu của chính quyền ông Trump đã từng thảo luận về việc sử dụng Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ, như một cách để loại bỏ tổng thống không có khả năng khỏi chức vị quyền lực.

Tác giả bài bình luận được mô tả là một quan chức cấp cao trong chính phủ Trump. Cuối năm 2019, tác giả Người Vô Danh xuất bản một cuốn sách, tựa là “A Warning,” khai triển từ bài tiểu luận trên. Cuốn sách trở thành một trong những sách bán chạy nhất dạo ấy. Khoảng một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020, Miles Taylor, người đã viết bài bình luận trên lúc đang giữ chức chánh văn phòng của Bộ trưởng Kirstjen Nielsen thuộc Bộ An ninh Nội địa thời chính phủ Trump, đã chính thức tiết lộ mình là tác giả.

Đầu thu năm 2023, Taylor, một đảng viên Cộng hòa tuổi chưa tới 40 và là chuyên viên về an ninh điện toán, đã cho xuất bản cuốn “Blowback: A Warning to Save Democracy from the Next Trump” nhằm cảnh báo về những gì sẽ xẩy ra cho nền dân chủ Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử cuối năm nay. Cuốn sách phản ảnh những điều mà Project 2025 đang theo đuổi nhằm thực thi cái gọi là chủ nghĩa Trump. Tác giả Taylor cũng đồng thời kêu gọi các đảng viên đảng Cộng hòa nên đặt quyền lợi quốc gia lên trên đảng phái để bảo vệ nền dân chủ Mỹ tránh rơi vào nạn độc tài.

Với Dự án 2025, giới bảo thủ lần này bầy ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ nghiêm ngặt hơn để loại bỏ các thành phần “thù nghịch” như Taylor và những đảng viên Cộng hòa không chấp nhận chủ nghĩa Trump. Họ muốn tạo nên một hệ thống nhà nước với những công bộc hồng hơn chuyên, như trong các chế độ độc tài. Tóm lại, Dự án 2025 nhằm sa thải hệ thống nhân viên liên bang chính ngạch, và thay thế bằng số 20,000 nhân viên trung thành mà cơ quan Heritage đang tuyển dụng cho chính quyền của ông Trump một khi ông đắc cử.

Phản ứng đối với Dự án 2025

Phản ứng đối với Dự án 2025 tất nhiên là sôi nổi. Nhiều người coi đó một dự án dẫn tới độc tài, một nỗ lực của ông Trump để trở thành một nhà độc tài, và một con đường dẫn Hoa Kỳ đến chế độ chuyên chế. Một số chuyên gia luật chỉ trích là dự án vi phạm luật hiến pháp hiện hành và sẽ làm suy yếu pháp quyền và nguyên tắc phân chia quyền lực. Ngay cả một số nhân vật bảo thủ và đảng viên Cộng hòa chính thống cũng quyết liệt chỉ trích dự án này, cho là nó đi ngược với truyền thống dân chủ Hoa Kỳ, và với giá trị đã có từ lâu đời của đảng Cộng hòa, đó là tôn trọng truyền thống, lịch sử, luật pháp và trật tự, tự do cá nhân, sự thật và một chính phủ giới hạn.

 

Trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn AP, Russell Vought, nguyên giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (Office of Management and Budget, OMB) thời Trump và là một thành viên của Dự án 2025, tuyên bố rằng mục tiêu loại bỏ nhân viên hành chánh liên bang của dự án sẽ là “một quả trùy phá hủy đối với cơ cấu nhà nước hành chánh.” Trong một cuộc phỏng vấn, Kevin Roberts, chủ tịch viện Heritage, cái nôi của Dự án 2025, cho biết: “Mọi người sẽ mất việc làm. … Các tòa hành chánh sẽ bị đóng cửa. Hy vọng rằng chúng có thể được tái sử dụng cho ngành công nghiệp tư nhân.”

Donald B. Ayer, phụ tá tổng chưởng lý (attorner general) dưới thời Tổng thống Cộng hòa George H. W. Bush (Cha), nhận định: “Dự án 2025 có vẻ chứa đựng đầy đủ các ý tưởng cho phép Donald Trump hoạt động như một nhà độc tài, bằng cách loại bỏ hoàn toàn nhiều hạn chế được xây dựng trong hệ thống hành chánh của chúng ta. Ông Trump quả thực muốn phá hủy bất kỳ khái niệm nào về pháp quyền ở đất nước này... Các báo cáo về Dự án 2025 của Donald Trump cho thấy ông hiện đang chuẩn bị làm một loạt những điều hoàn toàn trái ngược với các giá trị căn bản mà chúng ta luôn tôn trọng. Nếu Trump đắc cử và thực hiện một số ý tưởng mà ông có vẻ đang xem xét, không ai ở đất nước này sẽ an toàn.”

 

Michael Bromwich, người từng là tổng thanh tra Bộ Tư pháp từ năm 1994 đến năm 1999 dưới thời Tổng thống Dân chủ Bill Clinton, nhận xét: “Các kế hoạch đang được khai triển bởi các thành viên của giáo phái [cult] Trump để biến DOJ và FBI thành công cụ trả thù của ông sẽ khiến bất cứ ai quan tâm đến pháp quyền cũng phải rùng mình. Trump và các phương tiện truyền thông cánh hữu đã gieo vào mảnh đất màu mỡ thứ hạt giống rằng Bộ Tư pháp hiện tại đã bị chính trị hóa, và sự dối trá này đã phát triển mạnh mẽ. Những nỗ lực của họ nhằm làm suy yếu DOJ và FBI là một trong những chiến dịch phá hoại ghê gớm nhất mà họ đã tiến hành.”

 

Các nhóm Cộng hòa không chấp nhận ông Trump và chủ nghĩa Trumpism

Phe đảng Dân chủ chống đối ông Trump và Dự án 2025 là lẽ đương nhiên, đặc biệt trong cuộc vận động tranh cử năm nay. Điều đáng nói là không ít các nhân vật bảo thủ tên tuổi và đảng viên Cộng hòa chống đối nhân cách và chủ trương độc tài của ông Trump mới là điều đáng nói. Và đấy là trọng tâm của phần thảo luận bên dưới.

Không phải tới gần đây với sự ra đời của Dự án 2025 khiến nhiều nhân vật tên tuổi của đảng Cộng hòa lên tiếng phản đối cái mà nhiều người gọi là giáo phái (cult) Trump. Phong trào “Không bao giờ Trump” ra đời từ khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào giữa năm 2015, và rồi đắc cử cuối năm 2016. Tên gọi chung cho các nhóm bột phát này là “phong trào Không bao giờ Trump” (Never Trump movement)

Phong trào Không bao giờ Trump bắt đầu như các nỗ lực riêng lẻ của các nhóm đảng viên Cộng hòa (được gọi chung là Đảng viên Cộng hòa Không bao giờ Trump, Never Trump Republicans) và những người bảo thủ tên tuổi khác để ngăn chặn ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là Donald Trump được đề cử đại diện Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2016. Sau khi ông được đề cử, nhóm này đã chuyển sang hoạt động nhằm ngăn ông thắng cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, Ông Trump đã thắng cử năm đó dù không được 100% đảng viên Cộng hòa ủng hộ. Sau cuộc bầu cử 2016, một số người trong phong trào đã tập trung nỗ lực của họ vào việc đánh bại Trump vào năm 2020.

 

Một trong những nhóm Không bao giờ Trump nổi bật và gây được một ngân quỹ và chú ý đáng kể là Project Lincoln. Lincoln là tên của Tổng thống Cộng hòa Abraham Lincoln, người cổ võ cho việc duy trì hệ thống liên bang khi 13 tiểu bang ở Miền Nam đòi ly khai vì muốn bảo tồn quyền của tiểu bang, trong đó có quyền duy trì chế độ nô lệ. Dự án Lincoln là một ủy ban hành động chính trị (PAC) do một nhóm chiến thuật gia bảo thủ dầy kinh nghiệm thuộc đảng Cộng hoà thành lập vào tháng 12 năm 2019 để đánh bại ông Trump và chủ nghĩa Trump.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tổ chức này hoạt động nhằm ngăn chặn việc tái đắc cử của ông Trump, đồng thời đánh bại các ứng cử viên đương nhiệm của đảng Cộng hòa trung thành với ông Trump ra tái tranh cử vào các chức vụ Quốc hội liên bang và cả ở tiểu bang. Vào tháng 4 năm 2020, ủy ban đã công khai ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Kể từ năm 2023, ủy ban này tập trung vào việc ngăn chặn việc ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, đồng thời yểm trợ dương kim TT Biden.

Theo hãng OpenSecrets, một cơ quan chuyên theo dõi các chi phí cho các công tác chính trị, Dự án Lincoln đã quyên được trên 87 triệu Mỹ kim, chi ra gần 82 triệu Mỹ kim trong chu kỳ bầu cử 2019-2020. Trong số tiền gây quỹ được đó, trên 51 triệu đô la đến từ những cá nhân đã đóng góp từ 200 Mỹ kim trở lên. Mặc dù gặp phải một số vấn đề do tranh chấp nội bộ, Dự án Lincoln vẫn kiên trì hoạt động; và đã sản xuất một số quảng cáo truyền hình chống Trump và ủng hộ Biden. Tính đến cuối năm 2023, Dự án có khoảng 45 triệu Mỹ kim trong quỹ sẵn sàng để vận động chống Trump và phe đảng MAGA (Make American Great Again), dồng thời yểm trợ ứng cử viên đương kim TT Biden và các chính sách của Dân chủ song phù hợp với lợi ích quốc gia, theo cái nhìn của nhóm phụ trách Lincoln Project.

Phân tích một số quảng cáo truyền hình chống Trump và ủng hộ Biden, nhà báo Jennifer Rubin của tờ Washington Post nhận xét là quảng cáo của dự án  có sức “tàn phá” vì nhiều lý do: Chúng được sản xuất với tốc độ cực nhanh, và do đó thu hút người xem vào đúng thời điểm của biến cố thời sự vốn là chủ đề của quảng cáo; chúng đả kích ông Trump vào đúng nơi dễ bị tổn thương nhất của ông, một người giỏi chỉ trích người khác nhưng lại nổi đóa khi bị chỉ trích; và dùng chính những khúc phim hay âm thanh ghi lại hành động và các tuyên bố lung tung của ông.

 

Ngoài Dự án Lincoln, người ta còn thấy nhóm Republican Accountability Project, tắt là RAP (Đảng viên Cộng hòa Đòi Trách nhiệm, còn gọi là Dự án Trách nhiệm và Cử tri Cộng hòa Chống Trump). Tổ chức này được thành lập vài tháng trước kỳ bầu cử 2020, nhằm vận động bảo vệ các nguyên tắc truyền thống của đảng Cộng hòa, trong đó thượng tôn luật pháp và sự thật là nền tảng mà ông Trump đang phá nát, gây chia rẽ. Dự án đã sản xuất một chiến dịch quảng cáo trị giá 10 triệu Mỹ kim tập trung vào hàng trăm lời chứng thực của đảng viên Cộng hòa, các nhà bảo thủ ôn hòa, cử tri độc lập nhưng nghiêng về cánh hữu, và các cử tri đã từng bỏ phiếu cho ông Trump giờ lên tiếng giải thích lý do tại sao họ sẽ không bỏ phiếu cho Donald Trump nữa trong kỳ bầu cử tới.

 

Sau vụ tòa nhà Quốc Hội bị tấn công với sự xúi giục và cả che chở của ông Trump, RAP sản xuất nhiều quảng cáo chính trị nhằm tấn công các đảng viên Cộng hòa cực đoan trong vụ tấn công Điện Capitol. Tổ chức này đã tài trợ các chiến dịch quảng cáo để chỉ trích các đảng viên Cộng hòa cực đoan theo ủng hộ ông Trump, đặc biệt là những người bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021.

 

Từ khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử khi biết sẽ phải đối diện với các cáo buộc hình phạm của công tố liên bang cũng như của tiểu bang New York và Georgia, với hy vọng đắc cử hầu giải quyết tất cả, RAP càng gia tăng hoạt động với sự tài trợ của một số tỉ phú.

Tự mệnh danh là “những người Cộng hòa và bảo thủ bênh vực những ai ủng hộ dân chủ, buộc những người muốn lật ngược cuộc bầu cử phải chịu trách nhiệm, và đấu tranh chống thông tin sai lệch,” RAP dự trù bỏ ra 50 triệu Mỹ kim cho một chiến dịch quảng cáo chống Trump trong những ngày tháng dẫn tới ngày bầu cử 5 tháng 11 sắp tới. RAP cho biết sẽ liên tiếp giới thiệu hàng ngàn cử tri Cộng hòa đã từng bỏ phiếu cho ông Trump ở hai kỳ bầu cử trước, và đích thân những người này lên tiếng cho biết tại sao họ sẽ không bỏ phiếu cho ông kỳ bầu cử năm nay.

The Bulwark, tạm dịch là Bức Tường Thành, cũng là một trong những nhóm Cộng hòa chống Trump. Thực ra đây là một trang mạng tin tức và quan điểm bảo thủ có khuynh hướng chống Trump được Sarah Longwell, một chiến thuật gia đảng Cộng hòa và là một trong những sáng lập viên của RAP, ra mắt vào năm 2019, với sự yểm trợ của một số các cây bút bảo thủ tên tuổi khác. Chủ trương trung thực và thiện chí, cùng đâu lưng chiến đấu và đặt đất nước lên trên đảng phái, nhóm Bulwark đồng thời chủ trương xây dựng nên một nơi cho các đảng viên Cộng hòa bị “vô gia cư” sinh hoạt—vì đảng Cộng hòa đã bị ông Trump và bè phái MAGA cưỡng chiếm khiến họ trở thành dân không nhà.

 

Có thể nói nhóm Bulwart là những người quyết “trấn thủ lưu đồn,” không bỏ đảng, song đã quyết định đặt quyền lợi đất nước lên trên đảng. Họ cũng không phản đối mà còn khuyến khích đồng sự nào muốn bỏ phiếu cho đương kim TT Biden song vẫn giữ tư cách đảng viên Cộng hòa. Phần lớn còn trẻ và năng động, họ cũng không khoanh tay chờ thời, mà vận động cho một nước Mỹ trở lại bình thường, và chính trường Mỹ sẽ trở lại là nơi người dân có thể thảo luận, kể cả tranh biện trong ôn hòa, về các quan điểm khác nhau.

 

Trong tư thế một dự án phi lợi nhuận, The Bulwark không chạy quảng cáo và được tài trợ bởi các khoản đóng góp. Đến tháng 1 năm 2019, mạng này đã vận động được khoảng 1 triệu Mỹ kim, coi như đủ để giữ cho trang Web hoạt động trong một năm. Vào năm 2021, The Bulwark đã ra mắt Bulwark +, một dịch vụ nhằm cung cấp cho người đăng ký có trả phí các chương trình phát thanh, bản tin qua hình thức newsletters, và video trực tuyến, với giá khoảng 100 đô la/năm. Trong vòng vài tháng, mạng Bulwark báo cáo đã có khoảng 16,000 người đăng ký. Hiện nay số người đăng ký tại trang Web là trên 258 ngàn, không rõ trong số đó có bao nhiêu độc giả trả phí. Nội dung của trang mạng này chủ yếu hướng đến những độc giả đang tìm kiếm “thông tin nghiêm túc có khuynh hướng hữu khuynh ôn hòa,” song các biên tập viên của mạng cũng đồng thời muốn thu hút các đảng viên Dân chủ ôn hòa nữa, là những người có thể không thấy thoải mái với các luận điệu cực tả.

 

Các nhóm trên là vài trong số những nhóm bảo thủ hoặc đảng viên Cộng hòa không chấp nhận ông Trump và chủ nghĩa Trump, một hiện tượng có thể nói là hiếm trong sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ. Ngoài ra, có nhiều nhân vật tên tuổi trong đảng Cộng hòa cũng không chấp nhận ông Trump. Một trong các nhân vật này nổi bật nhất phải kể tới cựu Phó Tổng thống Mike Pence, người đã bị nhóm tấn công tòa Capitol ngày 6 tháng Giêng năm 2021 đi tìm để treo cổ, và là người đã tuyên bố khẳng định không hỗ trợ “xếp” cũ của mình trong kỳ bầu cử tới.

 

Một điểm nổi bật mà ai cũng thấy trong các cuộc điều trần với hàng chục triệu người theo dõi của Quốc Hội về cuộc tấn công toà Capitol ngày 6 tháng Giêng năm 2021, đó là sự góp mặt 100 phần trăm của các nhân chứng thuộc đảng Cộng hòa, từ các nhân viên tòng sự tại tòa Bạch Ốc thời ông Trump tới các nhân vật trong chính phủ tiểu bang. Và các vị này đã nói tiếng nói của lương tâm họ trước những dối trá và nỗ lực phá hoại nền tảng dân chủ của ông Trump và bè nhóm.

 

Điều này cho thấy một số đông đảng viên Cộng hòa không hỗ trợ người có thể sẽ là ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử tổng thống tới, một hiện tượng hiếm khi xẩy ra trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Họ lo ngại cho số phận của nền dân chủ kỳ cựu nhất toàn cầu mặc dù còn nhiều bất toàn. Đối với nhiều người trong các nhóm chống Trump này, họ thà bỏ phiếu cho đương kim TT Biden, mặc dù những bất đồng trong quan điểm và chính sách. Với họ, hiển nhiên đây là cuộc phấn đấu giữa dân chủ và độc tài.

 

Liệu ông Biden sẽ thắng để đáp ứng, không chỉ sự mong đợi của các nhóm/nhân vật Không-bao-giờ-Trump, mà còn của nhiều thành phần, nhiều giới, trong đó có các nhà ngoài giao Âu châu đã tìm tới thăm dò ông Trump, mà tôi đã đề cập tới ở đầu bài này.

Ai sẽ thắng cử làm Tổng thống thứ 47?

Gần đây, nhiều thống kê cho thấy TT Biden thua ông Trump khiến nhiều đảng viên đảng Dân Chủ lo ngại. Có người đòi ông Biden nhường chỗ cho một ứng cử viên trẻ tuổi và năng động hơn. Có người lại đòi nếu không muốn nhường thì thay phó tổng thống vì họ cho bà Kamala Harris không đủ khả năng, đặc biệt trong phạm vi đối ngoại, để tiếp quản vai trò tổng thống lỡ TT Biden già nua có mệnh hệ gì một khi đắc cử cuối năm nay. Tôi gọi đó là cảnh “bụt chùa nhà không thiêng,” song phải nhận nó bắt nguồn từ một mối lo sợ sâu xa cho một nền dân chủ dù lâu đời nhất thế giới nhưng cũng vô cùng mong manh, dễ vỡ.

Vào thời điểm tôi soạn bài này, tuy ngày bầu cử tổng thống còn cả hơn sáu tháng nữa mới tới, nhưng báo chí truyền thông không ngừng loan báo kết quả các thống kê khác nhau về thế đứng của hai ứng cử viên có-thể (presumptive) tuổi lẽ ra là phải đã về hưu, với ông Biden 81 và Trump 78. Xem ra ông Trump có vẻ dẫn đầu trong một số lớn thống kê. Đến độ có lần ông Biden phải nói, là “Thống kê không bỏ phiếu. Cử tri mới là người bỏ phiếu!” Ý ông hẳn muốn nói thống kê đã ít ra có hai lần sai. Kỳ bầu cử 2016, đa số dự đoán bà Hillary Clinton sẽ thắng, song thực tế ngược lại. Năm 2022, nhiều thống kê nói sẽ có “một làn sóng đỏ,” tức thắng thế của các ứng cử viên đảng Cộng hòa (mầu đỏ là mầu tượng trưng cho đảng Cộng hoà) trong các kỳ bầu cử giữa mùa; thực tế đã diễn ra khác vì sóng xanh da trời (mầu tượng trưng của đảng Dân chủ) lớn hơn. Lý do làn sóng đỏ đã không diễn ra như thống kê hô hoán, theo nhiều quan sát viên, đó là tại các ứng cử viên Cộng hòa ủng hộ chính sách hạn chế quyền tự do sinh sản của phụ nữ, trong đó có quyền phá thai mà 70% người dân Mỹ bất kể đảng phái đều ủng hộ. Ông Trump vẫn khoe khoang là người đã ảnh hưởng tới quyết định đó khi Tối cao Pháp viện với ba chánh án do ông đề cử đã, trước ngày bầu cử giữa mùa mấy tháng, cùng với ba đồng viện bảo thủ bỏ phiếu khai tử phán quyết Roe v. Wade công nhận quyền phá thai đã hiện hữu cả 60 năm nay.

Thực tế cho thấy đương kim TT Biden có nhiều khả năng sẽ thắng, dựa vào một số dữ kiện. Trước hết, khác với lần bầu cử năm 2020, ông Biden lần này có những thành quả đáng kể để minh chứng cho khả năng quản trị đất nước của chính phủ của ông, nếu người ta không chỉ nhìn vào giá thức ăn và xăng nhớt là những cái thực ra ở ngoài vòng kiểm soát của một chính phủ. Tiếc thay đó là cái đa số dân chúng nhìn vào, quên rằng đồng lương tối thiểu cũng vừa tăng, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống tới mức có thể nói là thấp nhất thế giới. Tạp chí điện tử Politico có làm một bảng liệt kê 30 thành quả mà ít ai để ý của chính phủ ông Biden tại đây, quá dài để kể ra trong bài viết cũng đã khá dài này.

Ngoài ra, quyền tự quyết về sinh sản (reproductive rights) cũng sẽ là lợi điểm của phe Dân chủ nói riêng, và giới phụ nữ bất kể chính kiến nói chung, trong kỳ bầu cử tới. Quyền sinh sản không chỉ là việc phá thai mà còn gồm cả quyền hợp pháp dùng thuốc ngừa thai, điều trị y tế về sinh sản, sức khỏe sinh sản và tiếp cận các thông tin về cơ thể của nữ giới vì nó liên quan đến sinh sản. Quyền này cũng còn gọi tự chủ sinh sản, là quyền tự do và quyền có sự riêng tư. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ và cả phối ngẫu của mình có quyền hiến định để tự bảo vệ và tự lựa chọn về quyết định sinh sản, mang thai và sinh con, cùng ấn định số con mình muốn có trong khả năng kinh tế của gia đình mình.

Từ khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bãi bỏ quyền phá thai được công nhận hàng hơn nửa thế kỷ bởi phán quyết bãi bỏ Roe v. Wade, mặc nhiên coi đó là vấn đề của các tiểu bang, nhiều chuyện đau lòng đã xẩy ra ảnh hưởng tới không chỉ sức khỏe của phụ nữ, mà còn cả việc hành nghề của giới y khoa khi nhiều tiểu bang Cộng hòa đã dùng quyền của tiểu bang ra luật cấm phá thai. Có tiểu bang còn đi xa hơn, đó là làm luật phạt những ai trực tiếp giúp phá thai, kể cả các bác sĩ y tá.

Nhiều chuyện thương tâm và cả phi lý đã diễn ra. Một bà mẹ ở tiểu bang Nebraska bị kết án hai năm tù vì đã cung cấp cho con gái thuốc phá thai. Một bé gái 10 tuổi bị hiếp mang thai đã phải đi sang một tiểu bang khác để phá thai, và chính vị bác sĩ đã giúp em phá thai cũng bị tấn công, hạch hỏi. Một phụ nữ ở tiểu bang Ohio bị truy tố về tội “bạo hành xác chết” vì đã xẩy thai và dấu thai nhi ở nhà. Một bà mẹ khác ở Texas khi khám phá ra thai nhi mình đang mang sẽ không sống sót được nên đã phải qua một tiểu bang khác để giải phẫu lấy thai nhi ra. Một bà mẹ khác cũng ở Texas bị xẩy thai nhưng bị từ chối cấp cứu, suýt chết vì bị nhiễm trùng, khó còn cơ hội sanh nở. Nhiều phòng cấp cứu ở Texas đã không dám ra tay giúp các phụ nữ mang thai, và đành để một phụ nữ xẩy thai ngay trong phòng đợi. Tiểu bang Arizona vừa rồi mới dựng dậy một các xác không hồn, đó là luật cấm phá thai làm từ năm 1861 khi tiểu bang này mới chỉ là một vùng hoang dã, chưa phải là tiểu bang.

Đây phải nói là một chiến dịch phi nhân bản nhằm đặt giới phụ nữ trở lại một cuộc đời trong ràng buộc và lệ thuộc, để họ không có cơ hội phát triển các tiềm năng của mình, đặc biệt về kinh tế. Giới bị ảnh hưởng nặng nhất là các phụ nữ da mầu và có lợi tức thấp. Xem thế thì có khác nào thời Trung cổ bên Tây phương và thời Khổng tử với chế độ tam tòng bên Đông phương đâu.

Trong khi đó, ông Trump không ngừng khoe khoang thành tích đã khai tử phán quyết Roe v. Wade, vỗ ngực tự coi mình là tác giả của phán quyết đó. Những ứng cử viên Cộng Hòa dựa vào ông sẽ là những mục tiêu tốt cho các đối thủ của họ trong kỳ bầu cử tới vậy.

Những chuyện vừa kể, cùng với Dự án 2025 phản dân chủ nhằm lát đường cho một chế độ độc tài chuyên chế, khiến thú thật có khi tôi không còn nhận ra nước Mỹ mà tôi đã hãnh diện thề trung thành và bảo vệ khi trở thành một công dân cách đây 46 năm. Tất nhiên tôi đã thề và sẽ vẫn trung thành và nguyện bảo vệ đất nước đã dung chứa và cho tôi cùng các con tôi cơ hội sống và phát triển như những con người và công dân tốt, có tinh thần trách nhiệm.

Viết bài này cũng là một cách để chia sẻ quan tâm đối với sự sống còn của tự do dân chủ. Và là một cách gián tiếp tham gia việc bảo vệ quê hương này. Không thiếu những đồng hương Mỹ và cả Mỹ gốc Việt mà tôi biết, trong đó có nhiều đảng viên Cộng hòa, biết đặt quyền lợi đất nước lên trên đảng phái và ý thức hệ. Chúng tôi cùng ý thức là kỳ bầu cử ngày 5 tháng 11 này không chỉ là giữa hai ông già Biden và Trump, mà còn là giữa dân chủ nhân bản độc tài phi nhân vậy.


Trùng Dương

(2024)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...