Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

BỤI DỨA BÀ HỒNG - Trần Đức Phổ

 NGUYỄN TRUNG - SÁU THẬP KỶ LOAY HOAY TỰ CỞI TRÓI - Tạp chí ... 
 tranh nguyễn trung
 
 

Giữa xóm 8, có một con đường đất nhỏ chạy len lỏi qua những ngôi nhà mái tranh vách đất, những đám khoai mì, rẫy mía và qua rừng dương xanh biếc, quanh năm gió thổi vi vu. Tiếp giáp rừng dương là dải cát trắng phau, chạy dài từ bắc xuống nam, dọc theo bờ biển. Trên dải cát ấy thấp thoáng ta nhìn thấy những lùm dứa dại và những đám muống biển bò lan trên mặt đất. Dứa dại trông giống như bụi thơm nhưng lùm cây to hơn. Lá xanh dài, dọc hai bên mép lá có hàng gai sắc nhọn. Trái thoạt nhìn bề ngoài cũng giống như trái thơm, nhưng lại có sự khác biệt ở bên trong. Đó là ta có thể lẩy từng mắt trái dứa ra thành mỗi múi riêng biệt. Đặc biệt hoa của loại cây này mọc thành chùm, màu trắng, lúc nở hương thơm ngát.

 <!>

Chỗ gần bìa rừng dương, ở cuối con đường xóm 8, về bên mé biển có một bụi dứa to, mọc kề cái gò đất cao, cát trắng tinh, không một bụi cỏ. Lùm dứa có chu vi chừng ba trượng, dưới gốc lá khô rủ xuống um tùm, mạng nhện giăng chi chít, nhìn vào trông thật âm u, lạnh lẽo, ghê rợn. Quanh đó hang còng hang nhông dày đặc, cái cũ, cái mới nhưng tuyệt nhiên không hề thấy có ai dám bén mảng đến để đào. Cái lùm dứa ấy nghe nhiều người nói là có ma. Có người khẳng định khi qua đây ban đêm hoặc giữa trưa tròn bóng họ đều trông thấy một cô gái xõa tóc, mình mặc bộ đồ trắng dính bê bết máu đỏ tươi. Có người lại bảo họ nghe tiếng kêu khóc, van lơn từ trong bụi dứa vang ra. Có người thì quả quyết họ đã nghe tiếng vãi cát rào rào phía sau lưng lúc đi một mình. Vì thế mỗi lần qua đây trẻ con hoặc người lớn đều sợ khiếp vía. Họ im lặng mà đi, dù cho số đông hay ít người. Nếu lỡ đi một mình thì họ phải bắt ấn trừ ma bằng cách lấy ngón cái bấm thật mạnh vào ngón út cho đau, và nín thở chạy nhanh qua. Một đồn mười mười đồn trăm ai ai cũng đều trở nên khiếp sợ và ít dám lai vảng đến nơi ấy. Bụi dứa được dân làng gọi là lùm dứa Bà Hồng. Cái gò đất cao bên cạnh chính là mả của một cô gái tên Hồng bị du kích địa phương xử tử hình hồi cuối năm 1969. Có điều lạ là lúc giết cô ta xong họ chỉ lấp đất chứ không vun thành mộ, nhưng qua nhiều năm tháng nơi ấy lại biến thành một cái gò cao. Mọi người cho rằng vì cô Hồng bị oan nên linh thiêng. Mặc dù vậy dân chúng sợ chính quyền địa phương vu cho tội hùa theo phản động, Việt gian nên chẳng dám thắp nhang khấn vái hay lập miếu thờ. Chỉ kiêng nể gọi là mả Bà Hồng cho dù khi chết bà vẫn còn là một thanh nữ. Và như thế lùm dứa kề bên cũng được ăn theo gọi là Bụi dứa Bà hồng.

Nhiều người già trong thôn, xã đã từng chứng kiến cảnh hành quyết cô Hồng kể lại. Ngay lúc hoàng hôn hôm đó, dân chúng địa phương đã được nhóm du kích xã đến từng nhà hối thúc đi nghe phiên tòa di động xử tử đứa chỉ điểm, việt gian phản cách mạng. Đến tối thì mọi người đã tề tựu đông đủ ở bìa rừng dương, cạnh con đường xóm 8. Đó là một đêm không trăng, nền trời đầy sao sáng. Ngọn gió biển thổi hiu hiu vẫn không làm dịu được cái hơi nóng hừng hực bốc lên từ mặt đất bị ông mặt trời nung suốt ngày hè nắng gắt. Một vài ngọn đuốc cháy lập lòe. Chỗ bụi dứa đã đào sẵn một cái huyệt nhỏ vừa vặn cho một người. Phía đông có kê cái bàn dài, sau bàn là ba cán bộ xã, gồm bí thư, chủ tịch và xã đội trưởng ngồi ghế quan tòa.

Hai anh du kích xốc nách một cô gái trạc chừng trên hai mươi tuổi, kéo lê chân cô trên mặt cát đem đến cột vào cái cọc vừa mới đóng bên miệng hố. Cô gái mình mặc bộ đồ bà ba trắng, nổi bật lên từng lằn máu đỏ, tay chân bị trói chặt bằng sợi dây thừng. Mái tóc dài rũ rượi phủ lòa xòa trên gương mặt nhợt nhạt, sưng bầm. Hai bên khóe miệng những vệt máu loằng ngoằng như vệt son môi ươn ướt.

Đám đông trước đó nói chuyện ồn ào, nhưng từ lúc cô gái nọ xuất hiện họ bắt đầu im phăng phắc. Hàng trăm con mắt đổ dồn về cô. Gọi là xử án nhưng chỉ thấy ông bí thư xã móc trong túi áo ngực ra một tờ giấy gấp tư. Ông đưa tay vuốt lại phẳng phiu, rồi đứng lên. Một anh trên tay trái có cột rẻo băng đỏ cầm ngọn đuốc đưa đến gần soi cho ông đọc.

-Thưa đồng bào và các đồng chí. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và bác Hồ vĩ đại nên đội du kích xã An Quang đã phá vỡ được một tổ chức gián điệp, chuyên cung cấp tin tưc tình báo cho bọn ngụy quân ngụy quyền, nhằm đánh phá công cuộc cách mạng ở địa phương ta. Tên chỉ điểm Nguyễn thị Hồng, đêm qua đã bị lực lượng du kích xông vào tận nhà bắt trói để điều tra. Qua một ngày đêm nỗ lực đấu tranh, khai thác, y thị đã thú nhận tội làm chỉ điểm các cơ sở bí mật, các nơi trú ẩn cũng như những nơi cất giấu lương thực của du kích xã nhà cho tụi chi khu. Tội trạng của ả đã rành rành. Nay chúng tôi thay mặt tòa án xã An Quang tuyên bố thị Hồng tội tử hình, để trả nợ máu cho đồng bào và đồng chí chúng ta.

 Bí thư xã vừa đọc xong mảnh giấy bỗng mọi người nghe cô Hồng gào lên trong hơi thở đứt đoạn.

- Oan quá! … Oan quá… trời ơi!

Tên xã đội trưởng quát:

- Bịt miệng nó lại!

Một tên du kích chạy tới nhét miếng giẻ vào miệng cô gái.

Đám đông im phăng phắc. Bỗng tiếng một người hô to:

- Đã đảo Việt gian! Đã đảo bọn chỉ điểm

- Bắn nó đi! Giết nó đi!

Có mấy tiếng hô theo loạc choạc. Mọi người ai cũng biết đó là bọn cò mồi, muốn tạo không khí chết chóc để trấn áp tinh thần đám đông. Số phận của cô gái kia dĩ nhiên đã được định đoạt sẵn. Không ai dám xì xầm điều chi để khỏi mang lấy họa vào thân. Dù cho có nhiều người biết rõ cô gái là vô tội cũng phải thủ khẩu như bình. Nếu không muốn ăn theo nói leo thì im lặng là vàng. Chẳng ai dại gì làm anh hùng rơm để chết uổng mạng.

Tên xã đội trưởng đứng lên ra hiệu cho đám cò mồi im lặng trở lại. Rồi hắn ra lệnh.

- Đội hành quyết chuẩn bị… Bắn!

Sau tiếng hô dõng dạc của hắn, những tràng đạn tiểu liên nổ ran. Cô Hồng rú lên một tiếng đau đớn, rồi đầu gục xuống. Máu từ người cô tuôn ra xối xả. Tấm thân mảnh dẻ giật giật liên hồi. Thêm hai lạot đạn nữa bắn vào cái xác không hồn. Bấy giờ tên xã đội trưởng bước đến bồi thêm một phát ân huệ nữa dù rằng hắn quá biết tử tù đã chết. Xong rồi hắn co giò đá cái xác xuống hố.

Đám đông khiếp đảm, họ đã phải chứng kiến một màn giết người rùng rợn, dã man như thời trung cổ. Có khác chăng ngày xưa người ta hành quyết bằng giáo mác thì ngày nay họ giết người bằng súng đạn mà thôi. Không ai dám nói một lời xót thương cho cô gái xấu số, nhưng dưới ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đuốc sắp tàn nhiều người đang lấy tay áo quệt nước mắt đang trào ra dưới mi mắt họ.

Lúc này, chủ tịch xã mới đứng lên tuyên bố bế mạc phiên tòa. Mọi người lê bước ra về mà đầu óc choáng váng vì cảnh hành quyết người con gái kia cứ lảng vảng trước mắt họ. Trong đám người lủi thủi ra về đó có một người cao niên vừa đi vừa nói nhỏ với người bạn đi bên cạnh.

- Tôi biết cô đó mà. Nhà nó ở trong khu dồn kế nhà tôi. Mấy tháng trước cô ta được nhận vô sở Mỹ làm công việc lặt vặt như giặt giũ lau chùi. Mấy ông Việt cộng muốn nó làm điệp báo đưa tin cho họ nhưng nó không chịu nên mới ra nông nỗi này.

Ông bạn phụ họa:

- Tôi cũng nghe người ta nói cô ấy là một người đàng hoàng, đâu phải hạng ăn chơi buông tuồng, dễ bị lợi dụng.

Hai ông già nói đến đây đều thở dài thương cảm cho cô gái và cho số phận hèn mọn của người dân trong cuộc chiến tranh khốc liệt đầy máu và nước mắt.

Câu chuyện cán bộ xử tử một cô gái làm tay sai cho giặc Mỹ loan truyền nhanh chóng trong dân chúng. Và cũng kể từ đó cái tên Bụi Dứa Bà Hồng có ma quỷ trú ngụ được lưu truyền rộng rãi. Đến mãi sau giải phóng hầu như ai ai trong xã An Quang cũng đều kiêng dè khi đi ngang qua đó. Một hôm, có ông Tám Búa ở xóm 7 là cán bộ tập kết ngoài Bắc mới về, nghe người ta nói chuyện ma quỷ ở Bụi Dứa Bà Hồng thì bực lắm. Ông ta thường tuyên bố chẳng có thần thánh hay ma quỷ gì ráo trọi, toàn là chuyện bịa đặt hoang đường. Ông ta nói sẽ đốt lùm dứa để xem thử mặt mũi con ma nó như thế nào. Nói là làm. Chiều hôm đó Tám Búa vào rừng dương hốt một giỏ rác khô đem tới Bụi Dứa Bà Hồng đổ quanh gốc rồi bật diêm đốt. Ông đánh diêm suốt cả buổi mà nhóm chẳng được ngọn lửa. Có que diêm gãy hai, có que xẹt lửa chút xíu rồi tắt ngấm. Ông loay hoay mãi đến chạng vạng thì đống rác dương mới bắt đầu bập bùng cháy. Ông khoái chí đứng dậy, xoa hai tay vào nhau, hí hửng vui mừng, phen này bụi dứa tất cháy rụi. Để xem ma với quỷ còn nơi nào mà nấp. Khi ngọn lửa vừa mới bén được vào mấy chiếc lá khô nơi gốc dứa, bỗng đâu một trận gió nổi lên đột ngột. Bụi cát bay mịt mù. Những cọng rác dương bị gió cuốn bay tứ tán như có ai đó đang bốc từng nhúm mà vãi. Sợ cát bay vào mắt, Tám Búa lật đật nhắm nghiền hai mắt lại. Cùng lúc ông ta vội vàng xoay lưng về hướng gió để đỡ rát mặt. Chỉ chừng một phút sau trận cuồng phong đã tan biến đâu mất. Tám Búa có cảm tưởng như chưa hề xảy ra chuyện gì. Ông có cảm giác bị chưng hửng trong giây lát, rồi định thần quay trở lại nhìn vào lùm dứa. Trời đã nhá nhem, lùm dứa trở nên đen thui với những hình thù quái dị. thấp thoáng dường như có một bóng người mặc bộ đồ trắng, nhưng không thấy đầu đang đứng lơ lửng trên ngọn dứa. Tưởng mình bị hoa mắt, Tám Búa vội vã đưa tay lên dụi lia lịa, rồi mở hai mắt ra thật to mà nhìn. Đúng là dáng hình một người đàn bà mặc bộ bà ba trắng, đầu tóc xõa tung, màu tóc điệp vào bóng đêm nên lúc nãy ông tưởng không có đầu. Ông sợ quá, ù té chạy. Cát lún Tám Búa chỉ chạy được mấy bước rồi quýnh chân chúi nhủi ngã nhào về phía trước. Ông gắng sức đứng lên, chạy bán sống bán chết về nhà.

 

16/4/2024

Trần Đức Phổ

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...