Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Cỏ buồn - Lưu Na

Ảnh miễn phí trên Pixabay ...

 

Chín giờ sáng, trời còn mát.  Anh Lâm, anh đang ở đâu trên đất Bắc?  Mấy hôm không thấy anh gọi về, Tuyền biết không có gì phải lo ngại.  Hoặc anh đang vui chơi cùng bè bạn, hoặc anh đang rút mình vào một chỗ nào đó nghe ngóng lòng mình.  Chỉ những khi anh gọi về than buồn than chán, như hôm nay, chính là lúc Tuyền thắt tim, và Tuyền lại ra sàn nước để giặt bộ đồ pyjama đã cũ của anh.

<!>

Tuyền ra sân vặn nước vào thau và thong thả ngồi xuống giặt.  Bộ đồ giặt mãi đã mờ cả những lằn sọc màu xanh đậm, chỉ còn thấy những vệt kẻ dọc lờ mờ trên nền vải xanh lơ cũng đã bạc màu và mòn, gần như trong suốt dưới nắng.

Tuyền vò mãi, vò hoài bộ quần áo, như thể bộ đồ đó mang anh Lâm về sát bên Tuyền, và làn nước mang lại cho Tuyền sự bình an.  Có tiếng lạch cạch nơi cửa sổ phòng trên, Tuyền dừng tay nghe ngóng rồi vò tiếp.  Tuyền biết, con Nhàn lại để một món gì đó cho Tuyền nơi bệ cửa sổ.  Tuyền phơi bộ quần áo của anh Lâm lên giây rồi trở vào phòng.  Nơi bệ cửa sổ, một cái hộp thiếc nho nhỏ xinh xinh có hình vẽ trang trí trông tựa hộp bánh quế mini đứng khiêm tốn nơi góc cửa sổ.  Chỉ có 2 cái bánh nho nâu vàng trong chiếc hộp. 

Tuyền ngồi vào bàn của mình, săm soi cái hộp, rồi đi lấy một tách trà, thong thả ăn bánh lòng tràn một nỗi vui mà Tuyền thấy thật là vớ vẩn.

Ngày Tuyền về ở nơi này, bắt đầu đời sống vợ chồng với anh Lâm thì nó chỉ là con bé con lẫm chẫm 1 hay 2 tuổi gì đó, và thằng Mẫn anh của nó là một thằng nhỏ đen đúa gầy gò với đôi mắt to đen ngơ ngác.  Tuyền lúc đó cũng chỉ là một đứa trẻ trong vóc dáng 19.  Tuyền về làm vợ anh Lâm, bởi vì anh Lâm hỏi Tuyền, bởi vì Ba ưng gả Tuyền, bởi vì những năm đó Tuyền có tương lai gì hơn là một người chồng mà cả Ba và Tuyền đều không dám chắc là tương lai đó sẽ đến.  Ba không thể hai tay vừa lo cho Tuyền vừa lo cho đàn em kế.  Mẹ kế Tuyền cũng tử tế, nhưng cho đến khi đó, xã hội luôn định chỗ đứng cho những đứa con như Tuyền _ một chỗ đứng khá là chênh vênh tựa như con kiến đang bò trên mép chén ăn cơm, muốn đi ra cũng không biết đi đâu mà rớt trở vào chén thì không có chỗ đặt chân.

Mỗi ngày Tuyền lo cơm nước và đứng ở cửa sổ ngó ra đầu ngõ chờ anh Lâm về.  Có khi anh tạt về trước bữa trưa, có khi mãi đến 2, 3 giờ mới về đến, rồi 6-7 giờ lại đi, khuya lắm mới lại về.  Những lúc đứng nơi cửa sổ ngó lũ trẻ chơi đùa dưới gốc me tỏa bóng mát, Tuyền luôn bắt gặp mình soi tìm đôi mắt của Mẫn.  Thằng Mẫn thường tùng tam tụ ngũ với lũ trẻ nơi đầu ngõ.  Nó có vẻ vụng về và hoang dại.  Những giờ đứng bên cửa sổ ngày một dài ra, thằng Mẫn dường như ngày càng lúng túng.  Khi Tuyền sinh thằng Trường, rồi con Phụng, cái bóng đen đủi của thằng Mẫn cũng biến mất, nó và Tuyền tựa 2 cái bóng mây đã phớt lồng vào nhau rồi tan mất trong khoảng bao la trắng bạch.  Nghe đâu mẹ nó gửi nó lên một kiểng chùa nho nhỏ lưng chừng chân núi Bửu Long và dẫn con Nhàn đi mất.  Anh Lâm cũng đã mang Tuyền và con vào trung tâm thành phố cho nó học trường Tây.  Đời sống như lên một cái dốc, cao và dài, Tuyền chỉ biết cái vùng ánh sáng chói chan trên đỉnh làm Tuyền nhìn sự gì quanh mình cũng như có một vòng hào quang.  Có những lúc giữa đám đông của bạn bè của thành công anh Lâm gặt hái được, Tuyền thấy mình rỗng khô như xác một con ve, tưởng chừng những tiếng cười vang cũng đủ làm bộ xác nâu mỏng ấy vỡ ra từng mảnh.  Nhưng Tuyền không có thì giờ lâu hơn là một vài phút cho những cảm giác mơ hồ ấy.  Tuyền mở trang nhật ký. 

Anh Lâm, bao giờ anh về?  Em không dám hỏi anh lúc anh đi, cũng không dám hỏi anh khi anh gọi điện thoại.  Lúc nào em cũng thấy như mình phạm lỗi khi hỏi đến sinh hoạt của anh, dẫu anh là chồng của em.  Thằng Trường và con Phụng đều cằn nhằn em hôm qua.  Bọn nó trách em sao thờ ơ, việc của Bố thì Mẹ cũng có quyền biết chứ.  Đất Pháp không biết đàn ông có tình như anh, mua sắm cho em từ trang phục bên ngoài cho đến bộ quần áo lót, nhưng rõ ràng đất ấy ươm vào lòng con gái mình tinh thần đòi hỏi chủ quyền!!!! 

Tuyền bật cười, nếu anh Lâm nghe được câu nói của Tuyền, anh sẽ dấn thêm vào một lời gì đó _ đại khái “phụ nữ các nước hãy liên hiệp lại, hãy vùng lên…”  Tuyền khép trang nhật ký, nhớ lại lời thằng Trường lòng thấm buồn.  “Mẹ không thấy bố cứ để mẹ ở nhà là vô lý và bất công sao?”

Tuyền muốn nói với con, “con muốn bố là một người khác cũng là một bất công,” nhưng Tuyền biết, nó đau vì Tuyền. 

Mười năm nơi thành phố, 2 đứa nhỏ đã được hưởng một tuổi thơ tươi đẹp, và Tuyền cũng say đắm trong vai trò làm vợ một người tên tuổi.  Nắm trong tay một tờ báo, anh Lâm cũng nắm trong tay một uy quyền khi nhân viên và người cộng tác phải hỏi ý, kẻ mong anh chú ý, kẻ cần có lời của anh để có thể qua một cửa xong một việc.  Anh bận rộn với mọi chuyện, từ in ấn tới bài vở, từ xã giao tới thương lượng.  Thì giờ ít ỏi còn lại của anh còn phải dành cho việc điểm sách.  Ôi, anh Lâm của Tuyền bận rộn biết bao, Tuyền ngưỡng mộ anh, Tuyền tôn thờ anh.  Tuyền chuốt viết chì cho anh khoanh bài mòn cả tay.  Tuyền đọc bản cảo của anh mờ cả mắt.  Tuyền tiếp đãi bè bạn văn nghệ của anh thật cẩn trọng _ luôn chừng mực trong lời nói, vững chải trong cư xử để anh không bẽ mặt.  Anh là tất cả đời Tuyền, các con là tất cả đời Tuyền.  Thằng Trường sao chu đáo và bao biện được như bố _ có sự gì trong đời sống của Tuyền mà anh Lâm không quyết định và bảo bọc.  Những khi Ba thấy anh Lâm đi mờ mịt từ sáng đến tối, Ba thường bảo Tuyền phải quán xuyến công việc chung với anh.  Những khi thấy nhà túng thiếu bệ rạc, Ba thường bảo Tuyền nhắc nhở anh lo cho đàn con.  Nhưng Ba làm sao hiểu được, đời sống của một người chủ báo phải quan hệ giao tế để giữ vững đất sống cho tờ báo; thời giờ và tiền bạc chỉ là phương tiện cho anh Lâm sống hết cái tâm huyết của mình.  Ba không thấy sao, có ai viết hơn được anh Lâm, có tờ báo nào bán chạy như báo của anh Lâm, có bao nhiêu người được nể vì như anh Lâm...

Trời đã gần trưa, Tuyền khép cửa ra đầu chợ mua bìa đậu hũ và ít rau làm bữa cơm trưa và sẵn luôn bữa chiều.  Ra khỏi cổng Tuyền thoáng thấy bóng con Nhàn đứng trong vuông sân nhà nó, bên cạnh thằng Mẫn đang gõ gõ đóng đóng, hình như Mẫn đang thay mấy thanh gỗ mục của cái hàng rào rệu rã.

***

Nhàn chỉ anh Mẫn cái cây con mà Nhàn mới gieo để anh làm giàn cho nó leo, rồi xuống bếp.  Anh Mẫn đã nấu cơm cho hai anh em sẵn sàng, Nhàn chỉ việc dọn ra bàn chờ anh vào cùng ăn.  Nhàn lên nhà trên thắp một nén nhang nơi bàn thờ Ngoại. 

Má đem Nhàn về lại xóm này sau khi lang bạt một vài nơi.  Cuộc sống của 1 người đàn bà với đứa con nhỏ trên tay là một cuộc sống bó buộc, phải vậy không?  Đưa Nhàn về lại với ngoại, với xóm cũ, Nhàn được yên chỗ học hành, và Má cũng rảnh tay xây lại cuộc đời mới.  Nhàn lớn lên với Ngoại, với lũ trẻ hàng xóm.  Những khi nhớ Má, Nhàn lại tìm ra đầu ngõ rủ bọn con gái chơi chuyền, leo cây hái những chiếc lá đèm đẹp xuống kết thành vương miện và khố rồi đánh tù tì xem đứa nào được làm nữ chúa!!!  Lâu lâu Ngoại dẫn Nhàn lên cái am lưng chừng núi Bửu Long thăm anh Mẫn, Nhàn hãnh diện lắm vì Nhàn được đi xa, vì Nhàn thấy mình quan trọng và kỳ bí hẳn lên so với lũ bạn hàng xóm chỉ ngày ngày chạy chơi đầu ngõ rồi cun cút về nhà mỗi khi bố hay má chúng nó ra đầu ngõ gọi về ăn cơm, gọi về rửa chân đi ngủ…  Tụi nó đâu có “phong sương” như Nhàn.

Anh Mẫn xuống bếp rửa tay chân rồi dục Nhàn ăn cơm.

_Hôm nay Nhàn có qua thầy Dũng học vẽ?

_Có chứ, bây giờ em làm mẫu cho Thầy.

_Làm mẫu?  Anh Mẫn hỏi lại, vẻ hơi nghi ngại, nhưng rồi anh lấy lại nét trầm lặng thản nhiên. 

_Nhàn lớn rồi, nhưng chưa khôn lắm đâu, đừng dại dột bốc đồng khổ thân nghe.

_Em biết.

Nhàn nói chắc nịch, vì Nhàn tin là mình còn khôn hơn anh Mẫn.  Anh Mẫn lớn lên nơi am thầy Độ, anh học chữ với thầy Độ chứ đâu có lưu lạc như Nhàn, đâu có sống dưới phố như Nhàn mà khôn được.  Nhưng cái trầm lặng thản nhiên của anh Mẫn thường làm mọi sự quả quyết của Nhàn rung rinh.

Anh Mẫn nhìn Nhàn, như muốn hỏi thêm về chuyện làm mẫu cho thầy Dũng, rồi lại ngập ngừng lặng yên.  Nhàn cũng xôm xả kéo ghế ngồi vào bàn xới cơm cho qua cái câu hỏi khó giải thích ấy.  Hai anh em ăn trong im lặng.  Ngoài sân sau nắng chói chan làm cho căn bếp như tối thẫm, và hai anh em như hai bóng đen lặng thầm trong một phim câm.  Hai cái bóng, Nhàn mím miệng và cơm dấu cái nhếch mép, anh Mẫn vẫn nghiêm chỉnh đều đều nhai như thể anh tụng kinh trong mỗi miếng cơm. 

_Nhàn đi đâu cứ đi, để anh rửa chén cho.

_Chưa tới giờ đâu, để đó cho em.

Ngồi nơi sàn rửa chén sau bếp, Nhàn nhớ lại những phút gặp anh Mẫn nơi am thầy Độ.  Hồi mới về lại xóm, Nhàn chỉ ngong ngóng sao được Ngoại dẫn lên thăm anh Mẫn, vì được đi xe hai ba chặng, được ăn quà uống nước mỗi lúc dừng trạm đổi xe, được thả mắt dõi nhìn quang cảnh chung quanh, một bầu trời xa lạ rộng mênh mông chứ đâu như cái xóm ngoằn nghèo đường đất đường nhựa lẫn lộn, nhà cửa gập ghềnh chỗ mái lá chỗ nhà gạch 2 từng vôi mới, chỗ loang lổ bờ tường vỡ…

Am thầy Độ trông rất buồn thảm tiêu điều, và chỉ vỏn vẹn ba người: sư ông, thầy Độ và anh Mẫn.  Đó chỉ là một căn nhà gạch nhỏ và cũ, tường loang lổ những mảng vôi vỡ úa vàng lẫn lộn những vạt rêu xanh tối, cái màu héo hắt buồn buồn, với một khoảng sân xi măng phía trước và một khoảng đất phía sau, ngăn ra hai ba phần không đều tùy theo loại cây quả đang trồng.  Nhàn không dám đứng lâu ở nhà trên, nơi đầy đủ bàn thờ tượng Phật với chuông mõ khói nhang.  Chào sư ông và thầy Độ xong, chờ Ngoại ngồi xuống thăm hỏi lễ Phật là Nhàn vòng bên hông ra buồng sau tìm anh Mẫn. 

Lúc đó cũng thường là lúc anh Mẫn rửa chân để lên gặp Ngoại.  Hai đứa lại líu ríu dắt nhau lên nhà trên, anh Mẫn chào Ngoại, đứng lẩn quẩn rồi hai đứa rủ nhau trở ra vườn cây sau am.  Anh Mẫn chỉ Nhàn cây này là cây soài, che mát cho cả chùa.  Cây cà chua đang vươn lên dựa vào những cây trúc nhỏ cặp sát thân và lủng lẳng mấy trái hường hường xinh xinh.  Mé bên kia là cải xanh còn non, những cái bẹ còn hơi úp chứ chưa xòe hẳn ra.  Cuối sân, sát hàng rào là hai vồng khoai lá đã phủ mặt đất.  Anh Mẫn hơn Nhàn gần 10 tuổi, nên anh thường đỡ Nhàn lên để với hái mấy trái xoài con, hoặc anh đặt hẳn Nhàn lên một chạc ba cây cho Nhàn ngồi chơi đong đưa.  Anh hỏi Nhàn đi học có bị ai ăn hiếp, anh dặn Nhàn không được đánh nhau cãi lộn.  Nhàn chả biết hỏi anh điều gì, Nhàn có biết gì để hỏi.  Những khi anh hỏi Má có về thăm, Nhàn thường quả quyết gật đầu nói má thường ghé qua luôn, mỗi khi có việc xuống Sài Gòn.  Nhàn chả biết tại sao phải nói vậy, chỉ thấy trong lồng ngực nóng bừng và nước mắt như muốn trào ra mà chỉ có cách nói thiệt là chắc nịch như vậy mới mong ấn nó xuống, mới thấy mình bình thường.  Nhàn hiểu, Nhàn đã tự dối mình để khỏi phải khóc tủi vì không có Má có Ba.  Ba đã bỏ Má, và Má đã bỏ anh em Nhàn.  Ngoại, ngoại có là gì đâu có là ai đâu trong lòng đứa trẻ cần mẹ cha.  Ngoại dù có là bóng cả cây cao cho Nhàn leo trèo núp bóng, nhưng Ngoại không phải là Má cho Ngà được vênh váo như con Hương hàng xóm mỗi khi nó nói “má tao biểu.” 

Rồi ngoại sẽ vào sân sau, ba bà cháu ngồi nói chuyện dưới bóng cây một đỗi.  Khi tiếng chuông khẽ vang ở nhà trên, ngoại sẽ đứng dậy, vuốt cái đầu hơi hơi sần sượng của anh Mẫn, nắn nắn bờ vai, rồi dắt tay Nhàn bảo lên nhà chào sư ông, chào thầy Độ để đi về.  Những lúc ấy, anh Mẫn nghiêm nghị bần thần, rồi nhỏ nhẹ nói anh đã đến giờ học kinh sách.  Anh theo ngoại lên nhà trên, rồi đưa ngoại và Nhàn ra tận cổng.  Cái thanh thản đều đặn trong cử chỉ lời nói của anh Mẫn thường là bờ chắn cho những dòng nước mắt của Nhàn.

Năm năm sau, anh Mẫn về lại nhà với Nhàn với Ngoại.  Nhàn tưởng vì chính quyền mới không cho phép tu, nhưng anh Mẫn chỉ nhỏ nhẹ nói không phải.  Chính quyền mới buộc ai phải về nhà nấy, nhưng một lúc nào đó nhẩn nha, anh Mẫn mới nói cho Nhàn nghe cái lý do hết sức vô duyên mà anh Mẫn phải từ giã thầy Độ.  Ngoại mất sau khi anh Mẫn “xuống núi.” 

Những ngày đầu thật lúng túng.  Nhàn đã trở nên một thiếu nữ, và anh Mẫn đã lớn.  Anh vẫn chắp hai tay trước ngực khi chào hỏi mọi người, rồi lại nhẹ nhàng, hơi bối rối vì thói quen, anh bỏ hai tay xuôi xuống.  Những lúc ấy Nhàn thường tò mò quan sát nét mặt anh mong hiểu ý nghĩ.  Anh chỉ hơi nhìn xuống đất.

*****

Nhàn khép cửa, ra đường, không quên liếc mắt vào sân sau nhà cô Tuyền.  Cô bắt đầu múc nước ra cái thau và sửa soạn gội đầu.  Nhàn không cần nhìn cũng biết.  Độ tiếng sau, anh Mẫn sẽ dừng trang kinh sách và ra bên hông nhà làm vườn.  Ngoài những lúc qua nhà chòm xóm làm những công việc họ cần, như đóng lại cái chuồng gà, sửa lại ống máng xối, một công việc giúp hai anh em đắp đỗi qua ngày, anh thường dành thời giờ chăm sóc miếng vườn nhỏ lấy rau quả và cây trái cho bữa cơm nhà hoặc giao cho bà Ba ngoài chợ.  Đứng bên hông vườn ngó xéo qua sẽ thấy cô Tuyền đang hong tóc.  Chỉ anh Mẫn thấy được cô Tuyền, và chỉ mình Nhàn biết điều đó.  Nhàn thấy hơi buồn cười và thương hại anh Mẫn, cảm nghĩ như cái chuyện cổ tích nào đó đang thành sự thực, cho dù hồ ly tinh cô Tuyền thì rất hiền và thiệt đẹp, cho dù “Đường tăng” Mẫn chưa thực sự được qui y thọ giới.

Qua một khúc quanh đã thấy nhà thầy Dũng khuất sau cây chùm ruộc mát mẻ.  Những chùm trái vàng nho nhỏ phần nhiều là chua, nhưng rất khiêu khích tầm mắt của mấy đứa con gái.  Khi nhỏ Nhàn vẫn đứng phía bên kia rào nơi cây chùm ruộc đứng giáp ranh, rồi mượn cái hàng rào ấy để đu lên ngồi đong đưa trên một chạc ba.  Ngồi ở đó có thể thấy quang cảnh chung quanh và cả người trong nhà, nhưng thầy Dũng không thể thấy Nhàn, vả chăng có thấy thầy cũng không có lý do gì để chú ý đến một con ranh đen đúa.

Nhàn gõ nhẹ cánh cửa khép hờ.  Thầy Dũng gọi “Nhàn, vô đi.”  Thầy đã sẵn sàng.  Hình như lúc nào thầy cũng đang vẽ một cái gì đó.  Chung quanh thầy, cọ và sơn, màu, như mê hồn trận quấn lấy chân, nhiều bức vẽ dựng xiên lên thành tường, có chỗ vài ba bức dựa hờ lên nhau.  Trên giá, một khung vải bố còn trùm tấm khăn vải màu ngà _ Nhàn biết đó là bức thầy vẽ Nhàn, dù Nhàn chưa bao giờ được thấy.  Trước khi Nhàn kịp tò mò thì thầy đã nói, chờ khi nào xong mới được xem, dù Nhàn cũng nghĩ trong lòng như vậy.  Giá vẽ dựng bên cửa sổ bên cạnh cửa ra vào.  Đứng vẽ nơi đó vừa có đủ ánh sáng cho khuôn vải, vừa thấy được nếu có ai đến.

Nhàn vào góc nhà thay áo.  Cái góc ấy là một tấm bình phong che khuất cửa vào phòng trong, Nhàn bới tóc lên, cởi tấm áo ngoài ra móc trên cái đinh nơi cột rồi cầm tấm yếm vải thô mặc chồng bên ngoài chiếc áo thun ống màu da bó sát người. 

Nhàn ra ghế đẩu cao, leo lên và xoay xoay lựa chỗ để chân tìm một thế ngồi thoải mái.  Chỗ Nhàn ngồi cũng là một cửa sổ, xế ngay sau cửa ra vào, và cũng như thầy Dũng, Nhàn có thể ló đầu ra là thấy khuôn sân trước.  Bên ngoài vòng rào là con đường ngoằn ngoèo một đầu chạy ra phía chợ, đầu kia dẫn xuống nhà thờ xóm bé tí.  Nhàn đã lựa được thế ngồi.  Tưởng dễ, chứ không có lần nào thế ngồi giống lần nào được cả, cũng phải nhích bên này vẹo bên kia, cũng phải nghiêng đầu xoay mặt theo chiều ánh sáng hết cả hơi…  Thầy Dũng tới gần sửa thế ngồi cho Nhàn, bẻ đầu gạt tóc, chỉnh một góc mặt, rồi trở lại khuôn vải mà dường như thầy không ngó Nhàn.  Nhiều lúc Nhàn tự hỏi thầy có cần Nhàn tới làm người mẫu?  Thỉnh thoảng thầy ngước lên, nói một câu gì đó rồi cũng không biết có nghe Nhàn đáp không, thầy lại chấm chấm quệt quệt.  Nhưng Nhàn lại thấy dễ chịu được như vậy, Nhàn tha hồ quan sát thầy, tha hồ nghĩ ngợi vẩn vơ. 

Nắng hắt qua một bờ vai Nhàn.  Thầy Dũng buông cọ, lại gần.  Thầy chỉ vào vai, cho Nhàn hiểu thầy muốn chỉnh một cái gì nơi vai ấy.  Nhàn ngồi yên.  Thầy nhẹ xốc viền cổ tấm yếm , mấy ngón tay nhấn cho chỗ chùng sau lưng võng xuống thêm, sâu thêm.  Hai phần ba lưng của Nhàn hở ra cùng với trọn vai trái.  Từ chỗ thầy đứng, đầu vai ấy che đi bờ ngực của Nhàn, chỉ còn một nửa mặt, một phần cổ, gáy, và tấm lưng.  Ngón tay thầy chỉ chạm nhẹ trên da nhưng không hiểu sao Nhàn thấy hơi hơi buốt xót, tựa như những sợi lông tơ mà Nhàn không bao giờ thấy được cũng biết đau.

Nhàn bắt đầu cảm được hơi nắng trên da.  Nhàn thấy cơ thể mình đang sống, một nhịp lặng thầm nhưng đều đều bất tận nếu biết lắng nghe.  Làn da sau vài mươi giây phơi trần bắt đầu se lại, mấy lỗ chân lông mờ nhạt như nở ra, như nhô lên.  Dưới luồng nắng, hình như lớp da ứa rịn một chút sương trong, khoảng ngực trần như được tráng một lớp men vô hình và lớp men ấy đang dậy lên để truyện trò cùng nắng.  Nhàn ráng lóng nghe nhịp sống nơi cơ thể mình.  Nhàn khẽ gò cao vai phải co cánh tay kéo phần yếm trước ngực cho dãn ra phía trước, tay khẽ bấu tấm áo thun kéo trệch xuống một tí đủ để thấy ngực.  Vẫn giữ tư thế nghiêng đầu, Nhàn chỉ liếc mắt xuống ngắm nghía bầu ngực với cái núm hồng đã bắt đầu se lại và chuyển mầu nâu tím.  Giá không có thầy Dũng thì Nhàn đã với tay xoa thử xem hắn có rịn ra chút bụi sương mờ, như những hạt li ti nơi đầu ngọn cỏ mỗi sáng tinh mơ.  Ngoài kia, lá chùm ruộc rơi lả tả xuống nền đất khô lác đác cỏ, biến nó thành một khoảng vàng nâu.  Những cánh lá be bé như lá me có biết nó dù chết đi vẫn làm nên sự sống cho nền đất cằn cỗi lặng thầm?  Bỗng dưng Nhàn ước ao mình được phơi trần dưới gốc cây ấy, ngực hứng lấy những chiếc lá vàng nho nhỏ êm êm, lưng dựa trên nền đất khô xao xác.  Hơi đất có thấm vào lưng?  Lá khô có ủ chút hơi vào khuôn ngực trần bức bối?  Nền đất gập ghềnh cấn vào da có dậy một nỗi đau, có làm ứa nước mắt?  Làm sao để vẽ một làn hương, làm sao để vẽ một cảm xúc thấm nhập?  Thầy Dũng, thầy có hài lòng với cuộc đời, với những gì mình đang làm?

Tiếng thầy Dũng chợt vang lên, như một giòng nhạc lững lờ treo giữa không gian: “Nhàn, cứ giữ mắt nhìn xuống như vậy, đừng chuyển động.”  Nhàn cố giữ một nụ cười, thầy không biết Nhàn ngó cái gì!!  Nhàn nghĩ riêng lòng, phút thầy ngoáy cọ phạt màu là phút sống, phút Nhàn phơi trần thoát xác là phút sống, không chỉ thầy Dũng mà chính Nhàn cũng đang vẽ, phải chăng?  Thầy Dũng thấy gì nơi Nhàn?  Bức tranh của thầy Dũng sẽ chứa đựng được nhịp sống nào của Nhàn, mỗi phút mỗi khác?  Bức tranh kia, có ra hình gì đi nữa thì cũng chỉ là một sự muộn màng. 

Một lúc, không biết là bao lâu, thầy hỏi:

_Cô Đào có thường về thăm hai đứa?

_Dạo này rất ít khi, cũng khá lâu rồi Má chỉ viết thư thăm tụi em thôi.

Câu hỏi như một cái búng tay lôi con đồng ra khỏi cơn đồng thiếp.  Nó là tiếng chuông báo giờ tan học, nó khiến núm ngực Nhàn co lại và giờ chỉ còn như một mắt khô sần sùi trên thân cây.  Nhàn nhẩy xuống ghế.  Cái chuyện con Hương nói có thể là thật _ khi xưa thầy Dũng có chút tình cảm gì đó với Má.  Từ hôm đến xin học vẽ với thầy Dũng, Nhàn luôn cảm thấy thầy nhìn Nhàn với chút khác lạ mà thoạt tiên bất cứ đứa con gái nào cũng sẽ e dè.  Nhưng chỉ qua một vài lần, Nhàn nhận ra thầy Dũng nhìn Nhàn mà như không phải nhìn Nhàn, thầy nhìn xuyên qua Nhàn tựa hồ có một cuốn phim một hình ảnh nào đó đang bí mật hiện ra sau lưng Nhàn.  Thấy lạ, nhưng cách nhìn và thái độ hơi hờ hững ấy tạo ra một khoảng cách, cho Nhàn một sự an tâm mà Nhàn chả hiểu vì sao.

Nhàn vào trong tháo tấm yếm ra và tròng áo thun ngoài vào.  Bước ra, Nhàn chợt thấy bóng cô Tuyền vừa khuất ngang tầm mắt trên đường.  Nhàn xếp lại mảnh yếm rồi vội vã chào thầy Dũng.  Nhàn đi nhanh nhưng không chạy để thầy Dũng khỏi chú ý.  Ra tới lề đường, cô Tuyền vẫn đều bước đang hướng về nhà thờ nhỏ cuối đường.  Nhàn yên tâm thong thả lại. 

Năm giờ chiều, chỉ lác đác vài cụ bà vào xem lễ chiều.  Bên trong nhà thờ vẫn chưa thắp đèn, ánh chiều hắt vào từ những khuôn kính màu làm không gian như lạnh xuống.  Cô Tuyền quỳ nơi hàng ghế thứ nhì, kế bên cột gỗ trước khi vào khu vực cung thánh.  Nhàn không dám lại gần hơn.

Cô cúi đầu miệng lẩm nhẩm đọc kinh, nhưng Nhàn biết, đó là những lời kinh của thời trước, vì nó không vần với cái ngân nga của những người đọc kinh đâu đó, nó lệch với âm điệu của bài kinh mà Nhàn vẫn đọc dù đó cũng chỉ là Kinh Lạy Cha.  Nhàn ngờ rằng chỉ một vài phút nữa thôi thì cô sẽ nghẹn ngào, và rồi cô sẽ nấc lên, tiếng đọc kinh càng gấp càng đứt khúc, rồi hai vai cô sẽ run lên bần bật, rồi cô sẽ vào cuộc mộng du như lần trước.  Lúc đó, Nhàn tình cờ có mặt trong nhà thờ trước khi cô vào, rồi bị tiếng nức nở của cô lôi kéo đến gần.  Cô không nhận ra Nhàn.  Cơn khổ đau như chiếm trọn hồn xác, cô khóc rấm rứt, lời kinh rấm rứt, có lúc cô gập người không thốt ra một tiếng nào, rồi ngửng lên cô lại mấp máy đọc kinh liên hồi, như thể cô đang tự trừ tà, đang hết sức tự cứu rỗi. 

Cách ba hàng ghế trước mặt, cô Tuyền đã bắt đầu cơn điên khóc.  Nhàn tiến đến gần hơn chờ cơ hội.  Khi cô gập người trong phút khổ đau, Nhàn đến một bên khẽ nắm khuỷu tay nâng cô lên, rồi vòng một tay qua hông, tay kéo tay đẩy, Nhàn dẫn cô ra khỏi hàng ghế và đưa cô vòng ra bệ nến thờ Đức Mẹ.  Nhàn đứng bên cô khởi một kinh, cô bắt theo.  Nhàn cùng cô đọc vài lượt kinh, dâng lời cầu nguyện, làm dấu, rồi dắt cô ra ngoài.  Cô đã ra khỏi cơn đồng thiếp nhưng vẫn khóc, lẩm bẩm những lời gì đó mà cố cũng chỉ nghe được tiếng “anh Lâm.”

Dường như ánh sáng làm khô cơn khóc, khép miệng cái hố khổ đau và đẩy cô trở về dương thế.  Cô quay sang nhìn Nhàn, ánh mắt mang chút ngơ ngác và cả con người như vẫn đẫm trong một nỗi buồn thảm nặng nề.  Nhàn im lặng đi bên cô.  Khi đã tới nhà cô Tuyền, Nhàn dừng lại bên ngoài, vòng tay kéo chốt, vỗ nhẹ vào tay cô và khẽ đẩy lưng cô.  Cô đi vào, bước thong thả chầm chậm lên thềm, thoáng quay đầu lại, rồi vào nhà, khép cửa.  Bên kia rào không biết anh Mẫn trong nhà có thấy. 

Nhàn trở về nhà.  Anh Mẫn không có ngoài vườn, có lẽ anh ra tiệm chạp phô hông chợ mua dầu vì khi sáng Nhàn có nói với anh nhà đã hết dầu.

 

Nhàn vào buồng mình, bên tay trái, thay quần áo rồi ra phòng ngoài thắp cái đèn măng sông để giữa bàn.  Bàn thờ Ngoại buồn tênh, Nhàn với tay thắp cái đèn hột vịt và một nén nhang.  Nhàn ngồi nơi bàn chờ anh Mẫn, trời đã chập choạng.  Hương trên bàn thờ tỏa một làn khói nhạt mỏng manh, dâng lên dâng lên cao rồi chìm vào khoảng tối.  Tiếng kèn kẹt rèn rẹt của những con gì chả biết, chỉ biết ở ngoại ô mới có vì những ngày tháng theo Má sống trong thành phố Nhàn chả bao giờ nghe thứ tiếng ấy, bắt đầu vang lên _ từ từ nhè nhẹ êm êm rồi một lúc nào đó khi không để ý nữa thì nó đã râm ran đều tiếng.

***

Tuyền không biết mình đã ngồi bao lâu trước trang nhật ký mà chả viết được chữ nào.  Những lời của Thảo trên điện thoại xế trưa hôm qua vẫn vang trong tai Tuyền _ “ồ, chị Tuyền ơi, sáng nay em đi phố với anh Lâm, có mua tặng chị tấm khăn len, chị cứ chờ xem, sẽ rất ưng ý.  Chị biết không, em rất biết ý anh Lâm, em đã đưa anh đến hàng cà phê bên bờ hồ, ngồi ở đó tha hồ mộng mơ tán dóc cùng bè bạn, đẹp và nên thơ không thể tưởng chị Tuyền ạ.  Anh Lâm thích lắm.  À, mà dạo này anh Lâm hơi ốm, chị phải ép anh ăn nhiều thêm một chút chứ, chị Tuyền.  Chị Tuyền, anh Lâm… anh Lâm, em, anh Lâm và em…”  Thì Tuyền vẫn biết, những khi anh Lâm nói buồn, nói chẳng làm gì cả chính là khi một điều gì đó đã xảy ra, sắp xảy ra, đang xảy ra.  Thì Tuyền vẫn biết, bởi làm vợ bao nhiêu năm có thể nào không biết, những đam mê những ý nhị những duyên dáng lúc nào cũng được hào sảng vung ra.  Sao Tuyền không biết, đời sống của Tuyền và anh khô cạn đến nỗi anh đã ngượng khi Tuyền buột miệng gọi “bố, bố, kéo áo lại đi…”  Khi nhận ra mình đã sống một đời khô héo rỗng không, Tuyền đã sững sờ.  Nhưng rất mau chóng, Tuyền nghĩ đời của Tuyền nên như thế, cần phải như thế, Tuyền mới có thể cùng anh hứng cái bóng tối trùm phủ hồn anh, cái bóng tối lớn hơn bóng của chính anh, cái bóng tối lôi anh vào mọi nơi chốn mọi cuộc vui mọi quan hệ để rồi khi đã thỏa mãn với những gì đạt được anh rũ xuống như một đứa trẻ biết ra mình bị gạt.  Thảo đẹp, lành, và trong như giọt nước mưa.  Nhưng sẽ có những giọt nước mưa khác, sẽ có những giọt sương mai khác nữa, duy biết lấy ai hứng cùng anh cái bóng tối khôn cùng hằng vây bủa anh đêm cũng như ngày. 

 

Anh Lâm, dẫu đời em khô cạn, lòng em không bao giờ vơi thương yêu anh, bấy nhiêu không đủ sao anh?  Những lận đận gian nan bước đời anh gặp có bước nào em hờ hững quay lưng?  Những khi anh mệt lả trở về nhà, gậm nhấm cái tẻ nhạt của cuộc đời có tất cả mà dường không tất cả, anh có biết em vẫn căng thẳng đợi chờ.  Em đợi, đợi những tiếng thở dài thầm lặng, đợi cái nỗi chán chường mà anh đeo mang, rồi em lôi đủ thứ chuyện biển trời của những người đàn bà thấp kém ra nói, kể với anh.  Dạo này chợ búa đắt đỏ, nước mắm cũng tăng giá.  Mụ Tám ngày nào cũng chửi chồng.  Anh thật bừa bãi, không để đồ dùng đúng chỗ…  Đụng vào những thứ đó anh sẽ gắt ầm lên, sẽ cằn nhằn bực bội, và rồi, anh sẽ ra góc của riêng anh thầm sung sướng với sự tự do tuyệt đối và hạnh phúc tuyệt đối khi được ở một mình, và như vậy, anh đã quên được niềm thất vọng với cuộc đời.  Cái bóng tối trùm phủ hồn anh cũng chính là nơi để anh nương náu.  Anh Lâm, tất cả những điều ấy, còn ai biết hơn người vợ mà anh thường quên lãng.

 

Tuyền chợt thấy một nỗi mệt mỏi chán chường trùm lấy mình.  Các con đã khôn lớn, hạnh phúc với gia đình riêng của nó.  Trong cái chập choạng của tuổi đời, tưởng là sẽ cần nhau hơn nhưng dường như Tuyền đã trở thành gánh nặng u uất của chồng.  Tuyền chợt nghĩ đến con Nhàn, đến buổi chiều hôm qua.  Nó đã dắt Tuyền về nhà bao nhiêu lần rồi, sao có vẻ như đã quen?  Nó đã nghe đã thấy được điều gì?  Nó nghĩ gì về Tuyền?  Nó cần mẹ, hẳn nhiên, nhưng có chắc nó đã đến bên Tuyền như tìm một hình ảnh đã xa, đã thiếu?

 

Không biết tự lúc nào, con Nhàn đã chiếm một chỗ trong góc đời riêng tư của Tuyền. 

 

Những khi nó chơi đánh chuyền, Tuyền thấy nó thẩy trái banh lông lên thật cao, cao tít, mà cũng chỉ chơi được đến chuyền 5 thì đũa văng tung tóe trước cả khi banh rơi xuống.  Những khi chơi nhảy cao, nó thường bậm môi trợn mắt ghìm 2 chân xuống rồi dùng sức búng mạnh lên để vượt qua làn dây, và nó thường bị “tử” khi dây căng tới ngực, trong khi lũ con gái trong xóm có thể vượt qua sợi dây căng đến vai nhờ biết quấn sợi thung vào mắt cá chân, nhún nhún một lúc lấy đà rồi mới bung hai chân thả sợi dây thung ra và búng qua. 

 

Thắm thoát mà nó đã trở thành một thiếu nữ, và thằng Mẫn anh nó, cũng đã là một thanh niên khác hẳn cái vóc dáng đen đủi cô đơn năm xưa.  Duy còn đôi mắt, đôi mắt của Mẫn vẫn nhìn Tuyền đăm đăm khó hiểu, và Tuyền vẫn thấy nặng lòng mỗi khi va vào đôi mắt ấy.  Mai này nó có trở thành một anh Lâm?  Con Nhàn vẫn còn chút ngổ ngáo cứng cỏi của con trai, nhưng số phận nó rồi có như Má nó, như Tuyền?  Một nỗi gì như tuyệt vọng len vào lòng, mảnh sân nhỏ sau nhà lại hiện ra như mời gọi, một lời mời gọi dằng dai.

 

Anh Lâm, miếng đất vuông vắn ấy em hằng chăm sóc mỗi ngày cho cỏ được xanh, và những cụm cây be bé xen kẽ nhau, cụm lá cụm hoa, được gieo gọn gàng chung quanh một khuôn trống vô hình.  Em sẽ nằm xuống đó.  Thịt xương em sẽ tan rã trong lòng đất ấy.  Người ta nói tóc người rất khó rã, tóc em sẽ quấn quyện cùng những ngọn cỏ buồn nơi miếng đất ấy hứng bóng cho anh.  Những khi chiều tắt nắng và bóng đêm phủ xuống anh sẽ được tan hòa với không gian vì lúc đó đôi mắt cũng không bị hình ảnh sắc màu chiếm ngự.  Anh sẽ cảm ra cái mát lạnh dưới lòng bàn chân, anh sẽ ngửi được mùi hương nhè nhẹ của lá hoa, anh sẽ nghe được tiếng rì rào của cành xô của cỏ rợn.  Anh Lâm, tóc của em hứng bước chân anh, tình yêu của em ấp ủ anh, để những khi đêm đen trở thành tấm gương soi hồn, anh sẽ bớt cô đơn vì đã được tan hòa với bóng đêm.  Anh Lâm, em yêu anh biết bao nhiêu…

 

Tuyền thay tấm áo cánh trắng có thêu một cành hồng bằng chỉ trắng chạy chéo suốt từ bên ngực trái qua góc vạt phải.  Áo cổ ngang tay lỡ, vạt xẻ cạn, tất cả được gấp bâu lớn chạy chỉ như một đường viền êm.  Tuyền rất yêu thích tấm áo ấy, tấm áo anh Lâm đã đặt may và thêu cho Tuyền ngày mới lấy nhau.  Bây giờ tấm áo vẫn còn vừa dù Tuyền không còn được gọn gàng như thuở trước.  Tuyền lấy lược chải lại mái tóc.  Tóc mới gội hôm qua vẫn còn sạch nhưng đã hết rít vì dầu tóc đã tiết ra ít nhiều giúp sợi tóc mềm mại chảy dài một bên ngực.  Tuyền mở rộng cửa sổ cho ánh sáng tràn vào, thong thả pha ly trà, chầm chậm uống.  Buổi sáng thật êm ả, tiếng chim ríu rít chung quanh.  Từ xa như phảng phất mùi cỏ khô, mùi đất dậy lên trong nắng.  Tuyền ngồi yên, dường như những mùi hương và tiếng động mơ hồ đang từ từ lấp đầy thân thể.  Tuyền muốn ngồi mãi nơi bàn, chờ một ngọn gió, một cái gì lay động, nhưng có lẽ phải đứng lên nếu không Tuyền sẽ không còn muốn làm điều gì nữa.

 

Tuyền xuống bếp rồi trở lên, nằm xuống đi văng bên cạnh.  Tuyền trăn trở một tí, tìm một thế nằm cho êm và có thể nhìn hết mọi vật bên ngoài cửa sổ.  Tuyền thấy được một tàn lá me, nửa bụi chuối và những cụm mây trắng đứng yên trong bầu trời.  Mây không trôi, nhưng Tuyền cảm như nó phập phồng tựa vồng kẹo đường phập phồng to dần trong chảo quay của ông bán kẹo đường mà mọi đứa trẻ đều mê mẩn.  Có phải miếng kẹo đường ấy đang tan trong miệng Tuyền?  Hình như có tiếng con Phụng thằng Trường đùa giỡn ngoài sân.  Anh Lâm, con chúng mình dễ thương quá phải không, ô, anh Lâm, nhìn đây nè, anh Lâm, sao anh không nhìn con gì cả vậy, anh Lâm, anh Lâm….

***

Nhàn rủ con Hương ra chợ.  Hôm qua gặp anh Mẫn ngoài chợ, bà Ba nhắn có thứ gì thì mang ra sạp cho bà.  Con Hương giúp Nhàn cột quày chuối sau xe đạp, để rổ chanh lên giỏ trước, rồi hai đứa dắt xe ra chợ, vừa đi vừa nói chuyện. 

 

_ Ba má anh Phong muốn làm lễ dạm tháng tới.

_Sao gấp vậy?

_Thì ba má ảnh không muốn ảnh bị trúng tuyển Nghĩa Vụ quân sự, muốn thêm người phụ việc cửa nhà.  Tao đoán ổng bả muốn gầy dựng tụi tao cho xong, mà ba má tao cũng không muốn mấy thằng cán bộ héo lánh.

 

Nhàn lặng im.  Con Hương có vẻ thản nhiên với việc cưới gả này, nó có thích Phong không?  Mỗi lần con Hương qua nhà, Nhàn đều thấy nó kín đáo tìm bóng anh Mẫn, khi không thấy Mẫn, nó rủ Nhàn ra vườn.  Nó như chờ đợi như sẵn sàng mà anh Mẫn lại dường né tránh.  Mấy bộ quần áo nâu mang về từ lúc rời am nay đã bạc màu, nhưng anh vẫn mặc, tựa như anh không thể tách rời màu sắc ấy, tựa như anh tuyên bố không thuộc xã hội này.  Nhưng cũng có cái hay, dường như mọi người dành cho anh một khoảng cách, và ngày nào cái bộ điệu thong thả, hơi nghiêm, hơi cách biệt ấy còn, thì khoảng cách mọi người dành cho anh vẫn không thay đổi.  Con Hương không thể nào vượt qua cái khoảng cách ấy, và nhất là, Nhàn nghĩ, không thể vượt qua bờ rào nhà cô Tuyền.  Nhàn khẽ mỉm cười nghĩ đến điều ấy, rồi lại tự trách mình dù Nhàn không làm gì lỗi với Hương.

 

Nhàn và Hương vào chợ, đến chỗ bà Ba.  Bà có một cái sập nhỏ, bày cau trầu, tôm khô, lạp xưởng, và măng khô.  Chung quanh sạp, thấp hơn một tí có vài rổ mắt cáo úp ngược, trên để những mẹt trái cây _ vú sữa, mận, chôm chôm… tùy mùa.  Nhàn và Hương khệ nệ khiêng buồng chuối vào.

 

_Bay cứ để trên sạp, chút dì sẽ coi.  Mà sao không để thằng Mẫn đưa ra, nặng như vậy lại để 2 đứa con gái.

_Dạ, anh Mẫn nói để ảnh, nhưng con dành đưa ra chợ sẵn dịp rủ con Hương đi ăn bún riêu.

_Để chiều rồi dì ghé.

_Dạ, thưa dì tụi con đi.

 

Nhưng Nhàn và Hương đổi ý không ăn bún riêu.  Hai đứa xà vào sập chè.  Dì Bảy nói liền, xôi vò chè táo soọng với cái gì nữa, mắt nhìn Hương.  Con ăn chè xôi nước, Hương đáp.  Dì Bảy múc chè thật điệu nghệ nhịp nhàng, bàn tay như nải chuối cau ấy không bao giờ làm nhiễu một giọt nước đường, rơi rớt một hạt xôi, hay trây trét một miếng nếp trên vành những nồi chè nhôm sáng bóng.  Dì luôn có hai tấm khăn bằng lưới mùng trắng bong, tấm ướt để chùi những vệt dơ do chạm tay, do người ăn làm sóng sánh ra hớp nước cốt dừa, tấm khô lau lại lần nữa để mọi thứ lại mới như lúc vừa dọn hàng.  Ăn xong, Nhàn mua thêm một bịch xôi chè táo soọng.  Nhàn lại ngắm bàn tay như nải chuối cau của dì làm phép.  Lấy cái bịch ny lông mới tinh ra, dì lồng một cái ly nhựa thấp đã cắt bỏ đáy vào miệng túi.  Một vá nhỏ nước dừa vào trước, hai vá táo soọng, và muỗng xôi vò vào sau cùng.  Dì đã từng giải thích:

_Cứ đổ ngược bao chè xuống chén là y như mua ngoài sạp đem về!

Dì rút cái ly nhựa không đáy ra, thuận tay xoắn túi chè vài vòng, với tay lấy sợi thung nhỏ, cũng xoắn vài vòng rồi thắt nút.  Bịch chè căng phồng tròn vo không một vết dây dớm của chè hay của nước dừa.  Nhàn treo bịch chè vào tay lái xe đạp, ghé ngang chỗ con Tám xem nó làm bánh cay.  Khoai mì sống bào trên tấm vỉ nhôm đục lỗ, rơi lả tả xuống chậu thau ngay bên dưới.  Con Tám bào đủ khoai mì thì bắt đầu trộn hành lá sắt nhuyễn, ớt bằm, muối, và bột cà ry vào thau rồi nhào với khoai mì bào cho thật đều.  Nó vo và vắt từng miếng độ bằng ngón tay cái thả vào chảo dầu sôi bên cạnh.  Trong vài phút, bánh sẽ nổi lên và khi đã vàng dòn, nó lấy cái vá nông và tròn như chiếc dĩa nhôm vớt lũ bánh ấy lên cho vào mâm nhôm bên cạnh.  Năm cái một đồng, món quà bình dân ấy rất đắt hàng, người mua luôn phải chờ một mẻ chiên mới.  Nhàn và Hương mua mỗi đứa một gói bánh cay rồi đi vòng xuống cuối chợ, vào con đường mòn.  Con đường dẫn ra khoảng trống mênh mông sau xóm, băng ngang một cái cầu đá nho nhỏ đi một đỗi thì đến một nghĩa trang.  Nói là nghĩa trang, thực ra chỉ có vài nấm mộ đất, dường như của những người đầu tiên đến ở nơi đây.  Khi nhỏ Nhàn và Hương cùng lũ trẻ trong xóm vẫn thường ra đây chơi trốn tìm, sau bị người lớn dọa ma mới thôi trò rắn mắt.

 

Hương và Nhàn đi bên cạnh nhau không nói gì, chỉ lặng lẽ ăn bánh.  Một lúc lâu sau, Hương hỏi Nhàn:

_Mày thấy họa sĩ Dũng được không?

_Được là sao?

_Thì, cái xóm mình đâu có ai xứng với mày.

_Tao có gì mà phải xứng.

_Ý tao muốn nói hợp, hợp trình độ, hợp sở thích.  Bây giờ có còn ai đâu.

_Nhưng ổng là một ông già.

_Thì lớn tuổi hơn mày chứ cũng chưa già.  Hương cười ranh mãnh.

_Chắc tao đành ở vậy nếu không có ai hợp.  Mày thiệt ưng lấy anh Phong?  Nhàn hỏi.

_Đâu phải ai cũng có quyền làm gái già.

_???

 _Tao không biết lối xóm sẽ nhìn gia đình tao ra sao nếu tao không có chồng.  Tao không biết ba má tao có mắc cỡ không nếu có một đứa con gái ế trong nhà.  Rồi lũ em tao nữa, biết đâu nó bị cái huông của tao rồi ế luôn thì…  Hương bỏ lửng câu nói.

 

Nhàn lặng im, chợt thấy buồn.  Người ta luôn phải sống vì một người nào đó? Có thật là không có ai cho Nhàn?  Lẽ nào đất trời mênh mông không có lấy một người cho mình thương cảm?  Họa sĩ Dũng, ông sống hết đời ông chưa hay chính ông cũng đang tra tìm sự sống?  Mà, đời sống là gì? 

 

Hai đứa lại lặng im đi bên nhau cho đến chỗ rẽ, một bên về lại xóm, một bên dẫn ra hương lộ.  Nhàn kéo tay Hương, khoan về, để tao nhòm qua cô Tuyền một chút.  Hương ừ hử.  Nó đứng im bên vệ đường, để Nhàn vòng tay đẩy cổng vào bên hông nhà. 

 

Cửa sổ mở rộng.  Nhàn để gói chè lên bệ cửa đồng lúc nhìn vào trong tìm bóng cô Tuyền.  Cô nằm nghiêng mặt hướng về cửa sổ, trắng bệch.  Mái tóc đen dài đổ dọc theo cánh tay trái chảy vòng xuống ngang bụng.  Nhàn thấy bâng khuâng lo ngại, tính lui bước rồi không biết sao ngó lại lần nữa.  Cánh tay phải cô Tuyền nằm ép dưới thân nghiêng chỉ ló ra cổ tay, một vạch mỏng màu đỏ như chỉ nổi bật.

 

_Trời đất, Nhàn hoảng hốt, anh Mẫn anh Mẫn.  Hương chạy xộc vào, bên kia rào anh Mẫn thấp thoáng bước ra, thấy nét mặt Nhàn, anh vùng bước nhanh ra cổng rào.

 

Ba đứa chạy tuột vào phòng khách.  Mọi thứ sạch sẽ và sao im vắng thảm thiết.  Nhàn kéo cánh tay dưới tấm thân cô Tuyền, máu nhiễu đọng thành dòng xuống thành tấm đi văng.  Nhàn ngó xuống gầm, mấy chồng báo cũ xếp ngay ngắn dưới gầm đã thấm hết máu loang.  Nhàn ngồi bệt xuống rũ liệt.  Anh Mẫn sờ nhẹ vào cổ cô Tuyền, làn da dường như vẫn phập phồng.

 

_Hương xuống bếp lấy khăn nước nóng dùm.  Hương đâm đầu chạy vào trong.  Anh Mẫn với tay lấy sợi dây buộc tóc trên đầu Nhàn cột chặt khuỷu tay cô Tuyền.

 

_Chưa sao.  Anh Mẫn ngước nhìn bóng nắng, chưa lâu lắm đâu, anh Mẫn nói tiếp.  Anh nhẹ nhàng lau sạch cổ tay rồi chạy về nhà.  Một chút xíu, anh chạy qua, trên tay cầm một hộp gỗ vuông cũ kỹ.  Anh Mẫn mở hộp, lấy một cái lọ sứ nhỏ đổ ra ít bột màu vàng nghệ vào chỗ cắt, dúm một chút sợi dường như thuốc rê có trộn với lá khô sắt mỏng đắp vào cổ tay cô Tuyền, rồi nhẹ nhàng quấn dải băng vải mỏng nhiều vòng quanh chỗ rịt thuốc, thắt một cái nút.  Mấy ngón tay xoa nhẹ dọc cổ tay cô Tuyền rồi đập nhè nhẹ như vỗ về, anh đứng lên nói, Nhàn ở đây với cô Tuyền, anh về nấu chút thuốc.  Nhàn đã bình tĩnh lại, ngồi xuống bên cô Tuyền.  Dường như cô Tuyền trở nhẹ, miệng mấp máy.  Nghĩ sao, Nhàn bảo Hương, mày về đi, tao ở đây được rồi.  Hương gật đầu.

 

Anh Mẫn đã trở qua với chén thuốc.  Anh dặn Nhàn đổ vài muỗng cho cô Tuyền mỗi nửa giờ.  Nhàn đẩy cô Tuyền nằm ngay ngắn, đắp chăn cho cô rồi xuống bếp tìm cách nấu một soong cháo nhỏ.  Bếp lửa bập bùng màu cam rồi chuyển qua xanh biếc, mùi gạo dậy lên thoảng trong căn nhà vắng lạnh.  Cô Tuyền, đời sống ghê tởm lắm sao?  Cô Tuyền, thì cô cứ vào góc nhà nguyện ấy đã sao, nhà thờ có bao giờ đóng cửa, dù cô có đạo, dù Nhàn không có đạo_  những tượng thánh có phân biệt ai bao giờ, mọi lời khóc than khấn nguyện đều như nhau, cô biết mà? A ha, anh Mẫn, anh biết cô Tuyền đi đứng nằm ngồi lúc nào sao?

 

Chiều đã tắt nắng.  Cô Tuyền đã thức tỉnh.  Cô ngồi lên, ngơ ngác nhìn Nhàn, rồi như nhớ ra, cô nhìn xuống cổ tay.  Ánh mắt cô nửa hoang mang nửa ngượng ngùng.  Nhàn vuốt nhẹ cánh tay cô, đứng dậy vào bếp lấy chén cháo.  Cô ngần ngừ nhìn, rồi như một đứa trẻ biết lỗi, cầm lấy bát cháo và chầm chậm ăn.  Lâu, lâu lắm, cô đã ăn xong bát cháo, Nhàn đã rửa và cất cái bát rồi, hai người vẫn không nói gì với nhau. 

 

_Nhàn về đi, tôi không sao đâu.  Giọng cô Tuyền đã có cái thăng bằng tỉnh táo.  Cô chăm chú nhìn vào mắt Nhàn, không còn nét bối rối.  Không biết sao Nhàn có ý nghĩ, khi đã qua phút hoảng loạn quá đà, người ta không còn can đảm làm lại cái việc mình vừa dám làm.  Nhàn bật đèn sẵn cho cô Tuyền, bước đến gần, nắm tay cô và vuốt nhẹ lưng.  Cô Tuyền để yên cho Nhàn làm tất cả những cử chỉ ấy như một đứa trẻ ngoan trước mẹ cha.  Nhàn bước ra, khép cửa. 

***

Thầy Dũng đứng bên hàng rào ngó vào, tay ôm cái gì như một khuôn gỗ to phủ kín bằng tấm vải trắng bên ngoài.  Nhàn cảm thấy mặt mình nóng bừng, lính quýnh không biết có nên mở cửa cho thầy vào.  Anh Mẫn nhẹ nhàng nói, Nhàn, mời thầy Dũng vào nhà đi.  Anh chào hỏi với thầy rồi ra vườn.

 

_Tôi ghé tặng em bức tranh này

_Dạ.  Nhàn chưa hết lúng túng

 

Thầy Dũng bước tới cạnh cửa sổ, dựng tấm tranh rồi tháo tấm vải phủ kín bức tranh.  Nhàn nhìn, sững sờ.

 

Nhàn ngồi đó, bên khung cửa sổ, ánh nắng hắt sáng bờ vai trần, một vùng bóng mờ nơi ngực, nắng lấp lánh trên má, trên sống mũi.  Tất cả đều hơi lu lu, chỉ ánh mắt Nhàn hơi nhìn xuống, đậu trên một khoảng sân rộng là rõ nét, và mắt ấy như hắt trả lại nắng một chút long lanh.  Ánh mắt nửa như thờ ơ nửa như chăm chú, như tự hỏi mà như đã biết câu trả lời, như suy tư mà như mỉm cười thích thú.  Cái khoảng sân của tầm mắt là một mầu nâu nhạt mịn, với một chiếc lá vàng quằn quại, sắc cạnh, chơ vơ.

 

Nhưng đó không phải là Nhàn, mà là Má.  Nhàn chợt bừng bừng nổi giận.  Trước khi Nhàn kịp buông một câu sóc óc mỉa mai, thầy Dũng cất tiếng.

 

_Không phải lúc nào người ta cũng có thể chọn lựa, và không phải lúc nào cũng sẵn mọi lựa chọn tốt đẹp.  Cô Đào không thể nào biết chắc dượng của em có tử tế với em, nhưng Ngoại thì luôn là chỗ an bình cho em nương náu.

_Má chưa chắc cần sự thông cảm của thầy?

_Không phải Má mà là em, tôi mong em hòa giải được với mình.

_Em?  Em có thể tự lo liệu.

 

Dường như thầy Dũng mỉm cười, hay thầy nhếch mép nhạo báng Nhàn?  Cơn giận cứ phập phồng muốn trào ra.

 

_Em hãy để bức tranh này bên em, trong phòng em.  Có khi, sự an ủi cảm thông không ở xa mình lắm đâu, chỉ là mình từ chối sự hiện diện của nó.  Em sẽ tiếp tục đến học vẽ chứ phải không?

 

Nói vậy, rồi không đợi Nhàn trả lời, thầy từ giã ra về.  Nhàn ngồi im tràn ứ.  Thầy Dũng, thầy tưởng mình bảnh lắm sao.  Thầy yêu Má sao không dám tỏ cùng Má.  Thầy muốn gì nơi Nhàn?  Còn lâu, em không cần thầy thương hại.  Thầy yêu Má hay thầy yêu em?  Thầy có yêu em?

 

Anh Mẫn đến cạnh Nhàn, ngắm nghía bức tranh. 

 

_Nhàn nên nghĩ đến lời thầy Dũng.

 

Hm, lại anh Mẫn nữa.  Tại sao mọi người nghĩ rằng Nhàn cần một lời khuyên.  Không cần, không cần ai hết, không cần gì cả.  Nhàn muốn cầm dao rạch nát bức tranh, mà như bị buộc chặt vào ghế ngồi, không thể nhúc nhích.  Cơn giận chảy tan thành nước, những giọt nước ấm mặn.  Anh Mẫn vẫn đứng lặng im bên Nhàn.  Dường như anh muốn dùng thinh lặng để xoa dịu những dằn vặt trong lòng Nhàn.  Nhàn nhìn lại bức tranh.  Chợt như vai Má nhúc nhích, hay đó là Nhàn cọ quậy muốn leo lên cây chùm ruộc bên hàng rào nhà thầy Dũng?  Mái tóc trong tranh buông rối một bên, vài sợi dợn sóng vắt bên vành tai, Nhàn không nhớ mình đã xõa tóc lúc ngồi mẫu.  Nhàn đã chải tóc ra sao, sao Nhàn mù mờ về mình đến vậy?

 

Có tiếng Hương ngoài cửa, Nhàn ơi  Nhàn kéo tấm vải phủ bức tranh, trước khi Hương kịp bước vào.  Anh Mẫn lặng lẽ rút lui.  Hương ngồi xuống bên Nhàn.

 

_Tao mới thấy thầy Dũng.

_Ừ, ổng qua đưa bức tranh.

 

Hương có vẻ chờ xem, nhưng thấy Nhàn không nhắc đến đành im lặng.  Người ta có thể im lặng bên cạnh nhau bao lâu?  Chợt dưng Nhàn nhớ những phút lặng im nơi nhà thầy Dũng.  Thầy chăm chú vẽ, chấm chấm quệt quệt.  Nếu không có khung vải, không có cây cọ, thầy có sẽ nói gì, làm gì?  Nhàn có thể an tâm quẩn quanh với đống màu, với khuôn gỗ?  Nhàn giật mình chợt bắt gặp mình lại nghĩ đến thầy Dũng.  Nhàn đề nghị,

 

_Hai đứa mình qua thăm chừng cô Tuyền?  Hương có vẻ ngần ngại.

_Nghĩa là mình lạng ngang cửa sổ liếc chừng thôi, Nhàn trấn an, Hương gật đầu.

_Anh Mẫn, tụi em đi nha, Nhàn gọi với ra vườn.

 

Anh Mẫn thò đầu qua khung cửa sổ, nhìn Nhàn gật đầu rồi biến mất.  Ngoài cửa, ngày vẫn còn dài mà Nhàn tưởng chừng cái ngày này đã xong đã hết, và Nhàn tự hỏi, làm sao đây cho qua hết chuỗi thời gian còn lại.

 

Nhàn và Hương đi ngang nhà cô Tuyền, liếc mắt vào khung cửa sổ.  Cô Tuyền đang ngồi thêu, đầu cô nghiêng nghiêng chăm chú nhìn cái bàn căng tròn vạnh như mặt trăng.  Tuy mắt cô nhìn bàn căng, nhưng Nhàn có cảm nghĩ cô Tuyền biết Nhàn đang đứng khuất góc cửa sổ để nhìn vào.  Hương cọ quậy kéo Nhàn đi tiếp.  Hai đứa đi mà chả biết đi đâu, cùng một lúc rẽ vào lối ra nghĩa trang sau xóm.  Nhàn vừa đi vừa ngắm những bụi cỏ vàng. Từng dề cỏ nằm ẹp trên mặt đất gập ghềnh cằn cỗi, vàng khô và héo úa như vậy thì chắc nó đã không thể ngã rạp theo chiều gió mà chỉ là bước chân người đạp lên hay chính nó sụm xuống vì không còn mang trong mình sức sống.  Cỏ sinh ra làm gì, chỉ để úa vàng thôi sao?  Đời của Nhàn rồi có qua đi lãng xẹt như vậy không?  Má, Má đã sống ra sao, Má đã làm gì những ngày Ba vắng nhà?  Hình như có một điều gì dồn ứ trong Nhàn, Nhàn nửa muốn mửa nó ra nửa lại muốn giữ nó lại trong lòng mà nghiền ngẫm.  Cái quạnh quẽ của con đường, của miếng đất, của những dề cỏ úa, như dội vào lòng Nhàn, như soi ngược vào cái khoảng trống của cuộc sống của Nhàn.  Dưng không Nhàn nhớ Má thảm thiết.  Má, Má có bình yên, Má có cô đơn?  Má, Má sống ra sao nơi phương xa ấy với dượng?  Một thứ tình cảm như là yêu thương dâng đầy lòng Nhàn, Nhàn chợt thấy giận thầy Dũng đã khơi lên thứ tình cảm ấy, để Nhàn thấy Má thật đáng thương, như cô Tuyền thật đáng thương, và anh Mẫn nữa, anh Mẫn có thể yêu ai không hay lòng anh cũng đã là những dề cỏ úa?  Nhàn muốn khóc, Nhàn muốn được ngồi một mình để khóc cho hả nỗi trống không.  Nhàn nắm tay Hương đi như chạy, về, về thôi Hương.

 

Nhàn mang bức tranh vào phòng.  Đêm nay có trăng, ánh trăng như tấm tơ ngà xoa lên má, êm và mát.  Mắt Má như long lanh nhìn ra bóng lá nghiêng nghiêng trên nền đất.  Nhàn ngả mình trên chiếc gối dựng cao, lòng êm ả không còn muốn khóc như đã nghĩ.  Cả một quãng đời thơ vốn chỉ như những đốm lỗ chỗ trên trang nhật ký nay thu gần lại với nhau, chắp vá vào với nhau cho thành một mảnh lành lặn, thành những trang giấy đầy tràn hình ảnh.  Lạ sao có những ảnh hình Nhàn chưa bao giờ thấy nay hiện ra rõ rệt.  Thì ra Má đã khóc khi gỡ tay Nhàn đang ôm lấy chân Má ra, để Ngoại bế Nhàn vào phòng.  Thì ra Má đã đến bên giường hôn lên trán Nhàn đêm ấy, rồi khóc vùi trên vai Ngoại.  Thì ra Ngoại đã bảo Má hãy đi ngay trong đêm, để tránh cho Nhàn nỗi thương tâm.  Má khóc mãi, tiếng khóc lịm dần đi khi Nhàn đã chìm vào giấc ngủ.  Trang nhật ký huyền ảo còn hiển lộ những quang cảnh tiêu điều và ê chề, khi Ba chỉ trở về nhà hoặc say sưa hoặc mệt lả sau những ngày rong chơi hoang đàng, và sỉ vả Má ghen tuông vô lối.  Đâu đó là ánh mắt đen buồn của anh Mẫn, khi sau góc cột khi dưới gầm bàn.  Và nước mắt của Má như giòng suối bất tận tuôn ra nơi khóe mắt, Nhàn thấy mình trong bức hình ấy vẫn nhìn ra một giòng suối vô hình cả những khi mắt Má ráo hoảnh.  Trang kế bên, Nhàn thấy Má một tay dắt Nhàn một tay cầm túi xách, anh Mẫn gầy gò đen đủi đứng bên cạnh, đón xe đò về lại nhà Ngoại.  Trên má anh Mẫn còn dấu mấy ngón tay bị dượng tát tối qua.  Trong giây phút Nhàn muốn đi tìm Má.  Ý nghĩ khởi ra như một cái vấp chân, rồi đứng lại trong lòng Nhàn không lui bước.  Nhàn trằn trọc trong đêm không biết phải làm sao với cái ước muốn như một cái dằm nơi đầu ngón tay, càng cố nặn ra nó càng đâm sâu vào thịt, không đau xé nhưng cứ nhoi nhói cồm cộm mãi không ngừng.  Nhàn tự hỏi mình tìm Má để làm gì mà mãi không có câu trả lời.  Nhàn muốn dùng cái sự vô lý của hành động ấy mà dập tắt ước muốn, nhưng nó không nao núng.  Trăng đã khuất sau ngọn cây, chỉ còn ánh sáng lờ mờ.  Nhàn mệt lả ngủ đi lúc nào không hay.

 

Buổi sáng Nhàn thức dậy trời đã sáng bảnh.  Anh Mẫn đã thắp xong nhang cho bàn thờ Ngoại và bàn Thiên, anh đang chờ Nhàn dậy. 

 

_Hôm nay anh lên am thăm thầy Độ đến chiều tối mới về, Nhàn ở nhà nhớ tưới cây ngoài vườn.  Buổi chiều cứ ăn cơm không cần chờ anh, cũng đừng để phần.

_Dạ.

 

Dặn Nhàn xong anh Mẫn đi ngay.  Nhàn rửa mặt chải tóc rồi thay tấm áo.  Lại thêm một ngày không biết mình sẽ làm gì.  Nhàn chợt nghĩ đến thầy Dũng, hay là qua bên thầy?  Nhàn phân vân, nhưng nhớ ra hôm nay phải ra cửa hàng lương thực xếp hàng chờ mua gạo, Nhàn gạt bỏ ngay ý nghĩ ấy. 

 

Khi Nhàn ra đến nơi, vài khuôn mặt quen thuộc đã có đó.  Cô Tuyền là người thứ 3, con Hương thứ 6, tới một cục gạch vỡ của ai đó, và Nhàn trở thành thứ 8.  Không có thầy Dũng, thầy không bao giờ xếp hàng.  Đứa cháu gái của thầy làm ở cửa hàng lương thực này, cũng nhờ vậy mà sổ gạo của Nhàn luôn được mua đầy đủ, cân đong đàng hoàng.  Trong vòng 10 phút, hàng đã dài ngoằng rồng rắn.  Mồ hôi bắt đầu tươm ra lưng áo thì đến lượt Nhàn.  Có hai anh em, 18 ký, thì phải chịu lấy nửa gạo nửa mì sợi.  Nhàn trả tiền cho nhanh để tránh chuyện ngừng cân đong bất tử.  Về tới nhà cũng gần trưa, Nhàn nhóm bếp nấu ngay ít mì sợi với cải và cà chua ngoài vườn.  Nhàn mừng một nửa ngày của mình đã qua bình an!!

 

Buổi chiều, khi nắng ngả bóng, Nhàn qua thầy Dũng

 

_Em muốn đi thăm Má.

_Đã nói với Mẫn chưa?

_Dạ chưa.

_Mẫn có bận lắm không?

_Nếu ảnh bận thì em đi một mình.

_Không được.  Em nói với Mẫn, nếu Mẫn bận tôi sẽ dắt em đi.

 

Nhàn tới bàn lấy bộ mầu và cọ của mình ra để có thêm thời giờ suy nghĩ.  Ngồi lâu trước khung vải mà Nhàn chẳng vẽ được gì.  Thầy Dũng liếc mắt.

 

_Khi không vẽ được là không vẽ được.  Em cứ nhẫn nại, rồi ý tưởng sẽ lại đến với em. 

 

Nhàn nhìn sâu vào khung vải trống.  Không cưỡng được, Nhàn nói,

 

_Em muốn thày vẽ em lại. 

 

Nhàn nhấn mạnh chữ em.  Thầy Dũng ngưng tay nhìn Nhàn.  Thầy loay hoay pha một màu gì đó, rồi bất chợt, thầy lấy cọ sơn trắng toàn khung vải, xóa những gì đang có.  Nhàn vẫn đợi chờ, nhưng cho đến lúc ra về thầy Dũng không nói gì thêm.  Nhàn bước chậm trên đường nghĩ ngợi vẩn vơ.  Thầy Dũng, thầy không dám vẽ em sao?  Biển biếc với tuyết trắng thông xanh với núi cao tháp nhọn đều chỉ là người ta.  Nơi đây cỏ úa hoang tàn mới chính là mình; đất khô cạn người rạn vỡ chính là sự sống.  Em là sự sống, chả lẽ thầy không thấy?  Là thầy có điều để chọn mà không dám chọn đó chứ, phải không?  Nhàn lắc đầu, nửa muốn khinh thầy nửa trách mình quá quắt.

 

Nhàn vào nhà, chưa kịp khép cửa thì thầy Dũng theo tới.  Thầy vào, ngồi xuống ghế điềm nhiên.  _Mẫn đâu?

_Ảnh đi thăm thầy Độ, chút nữa là về tới. 

 

Nhàn nhận ra câu trả lời của mình có vẻ như hối thầy Dũng muốn gì thì hãy nói cho mau.  Mắt thầy Dũng ngó vào quãng không, thầy vẫn lặng yên.  Nhàn thấy căng thẳng nhưng không biết làm sao thoát ra, không lẽ đuổi thầy về?  Như đọc được tâm tư Nhàn, thầy Dũng thở dài, đứng lên.  Một phút, rồi vội vàng thầy nói,

 

_Khi nào sẵn sàng em cứ đến, tôi đợi.

 

Thầy bước ra cửa không từ giã cũng không quay lại, nếu không thầy đã bắt gặp Nhàn run rẩy đỏ bừng.

 

Anh Mẫn về đến nhà trời đã sập tối.  Nhàn hỏi anh có muốn ăn cơm để Nhàn dọn nhưng anh chỉ lắc đầu.  Ánh đèn lấp lánh trong đáy mắt trầm ngâm, anh Mẫn như vồng cải già sau vườn, viền lá bắt đầu quắt lại chuẩn bị cho sự héo vàng.  Khi Nhàn vào buồng mình, anh Mẫn vẫn còn ngồi rất lâu dưới ánh đèn.  Anh ngồi im như tượng, im hơn cả cái bóng của anh xô lệch trên vách.


***

 

Anh Mẫn phải trở lại am, vì thầy Độ chỉ còn “dăm ba bữa.”  Anh mua một cây vải vàng, một cây vải trắng và thật nhiều trà.  Anh dặn dò Nhàn cách thức chăm bón các loại cây sau vườn, giọng vẫn nhẹ nhàng thản nhiên nhưng dường vương chút khói nhang trầm uất.  Nhàn nhớ đến lời anh Mẫn năm xưa khi trở về với Ngoại _ thầy Độ đã bảo anh Mẫn không thể quay lưng với cuộc đời khi chưa thực biết cuộc đời.  Giờ đây thầy Độ sắp ra đi, anh Mẫn sẽ phải quyết định cho mình một hướng sống.  Trong cái buồn sắp mất thầy Độ của lòng mình, Nhàn còn thấy trước một huyệt mộ trong lòng anh Mẫn.  Nhàn chợt lo lắng.  Rồi Nhàn sẽ sống với ai?  Nhàn chỉ còn anh Mẫn trong cõi đời này.  Anh Mẫn, anh Mẫn, Nhàn gọi thầm mong sợi dây máu mủ níu anh trở lại.  Nhàn có phải viện dẫn đến cô Tuyền không, thực là một điều vô lý hay nói đúng hơn là vô luân nếu Nhàn phải làm như thế.  Nhàn thấy mình đang nghĩ quẩn…

 

Sáng sớm anh Mẫn ra đi.  Anh nói có thể một tuần, có thể một tháng, rồi anh sẽ trở lại cho Nhàn biết tin.  Thấy ánh mắt lo buồn của Nhàn, anh chỉ ra trước bàn thờ thắp nhang cho Ngoại.  Anh Mẫn đi rồi Nhàn chợt thấy sao mà rảnh rỗi quá vậy, như thể cuộc đời đứng lại không nhúc nhích.  Nhàn ra vào, làm hết mọi việc anh Mẫn dặn mà ngày vẫn chưa qua.  Nhiều lúc ngồi không, Nhàn lại nghĩ tới thầy Dũng, tới Má.  Cái ước muốn đi gặp Má chưa kịp nói ra với anh Mẫn thì đã gặp việc thầy Độ, giờ đây Nhàn phải chờ anh Mẫn về cho ngã ngũ một vấn đề rồi mới có thể thực hiện bất cứ điều gì.

 

Ngày dài quá, quá dài.  Nhàn lười biếng ở riệt trong nhà, không thiết ra ngoài tiếp xúc với ai.  Thỉnh thoảng Nhàn ra vườn ngó qua rào cô Tuyền tìm cái bóng thấp thoáng ấy rồi lại trở vào.  Nhàn có cả một tâm hồn cần phải soạn lại, cô Tuyền, dầu sao cô đã sống cuộc sống mà cô chọn lựa, và có ra sao chăng nữa cũng không còn là ý nghĩ của Nhàn, thực ra nó chưa bao giờ liên quan đến Nhàn.  Có chăng là những tình cờ run ruổi để Nhàn có mặt ở một lúc nào đó một nơi nào đó, như một làn gió qua dậy chút phấn hương của cỏ cây quanh mình rồi tất cả phải rơi vào chỗ của nó như đã từng.  Hình ảnh thầy Dũng không ngừng theo bên Nhàn _ Nhàn nghĩ cứ mặc kệ, rồi đâu cũng vào đó như mọi sự quanh Nhàn.

 

Có tiếng lạch cạch ngoài cổng rào.  Hương vào, chưa kịp ngồi xuống đã hỏi:

 

_Sao mấy hôm nay không thấy Nhàn?  Anh Mẫn đâu?

_Anh Mẫn đi công việc một tuần nữa mới về. 

 

Nhàn trả lời, lòng thầm nghĩ sao Hương biết anh Mẫn vắng nhà.  Nhàn biết Hương dẫu để lòng với anh Mẫn, nhưng cũng chỉ như con chuồn chuồn chấp chới, Hương không có tính sắc mắc để biết việc của ai.  Hay Hương cảm được sự quạnh vắng?

 

_Hai đứa mình nấu cái gì ăn nha, Hương có phải làm gì không?

_Không.  Mình ra vườn coi có gì ăn được nè.

 

Hai đứa ra vườn.  Hương chỉ vồng khoai lang:

 

_Đào vài củ lên nướng ăn, thơm lắm.  Hay mình nấu kiểm ăn?

_Kiểm phải có nhiều thứ quá, đậu ve cà rốt khoai lang đậu hũ chiên đu đủ sống khoai tây, và nhất là phải có nước cốt dừa mà nhà mình không có.

_Ừ, ngại ra chợ, thôi mình làm khoai lang chiên được rồi.

 

Hai đứa đào được 3 củ khoai to, gọt vỏ và xắt thành từng cọng cỡ ngón tay, pha chút bột loãng để chiên.  Nhàn không thích xắt lát vì như vậy chiên không dòn.  Khoảng nửa tiếng, Nhàn và Hương đã có được mớ khoai chiên, ra thềm sau nhà ăn nhẩn nha.  Hương cầm từng cọng khoai nhằn nhằn vào miệng, mắt nhìn lên tàn lá chuối. 

 

_Lại sắp có quày chuối khác, anh Mẫn có tay trồng cây há.

_Mày tính sao việc anh Phong?

_Tao vái ba má anh Phong bận cái gì đó, hay đổi ý!!

_Hm, tự mình quyết định việc của mình không hơn sao?

 

Hương im lặng, Nhàn hối hận.  Chính Nhàn cũng đâu đã làm được điều gì cho đời mình.  Má, thầy Dũng, và anh Mẫn nữa _ anh sẽ quyết định ra sao…

 

_Anh Mẫn về am lo cho thầy Độ, thầy sắp đi rồi.

_Anh Mẫn có tính ở lại chùa?

_Cái đó thì không biết được.  Phải mày làm chị dâu tao thì chắc cú rồi!!!

_Thôi mà…  Kiếp sau đừng làm con gái _ việc gì cũng lệ thuộc vào người, Nhàn há.  Mà, chắc gì có kiếp sau.

 

Giọng Hương buồn như tiếng con chim kêu gù gù ục ục.  Hương phủi tay đứng lên.  Nhàn đưa bạn ra cửa.  Bên kia vườn, cô Tuyền bắt đầu cái nghi lễ gội đầu _ nhưng bữa nay “giá cô” thiếu người chầu!  Đột nhiên lòng Nhàn dậy lên một sự tin tưởng là anh Mẫn sẽ ở lại nhà, không vào chùa nữa.  Niềm tin bất chợt ấy như một thứ men say làm Nhàn thấy bừng bừng nơi mặt.  Nhàn đi thẳng sang nhà thầy Dũng, gọi cửa.  Thầy Dũng có vẻ ngạc nhiên khi thấy Nhàn.  Thầy thu xếp mớ giấy tờ đang mở ra trên bàn, miệng hỏi,

 

_Nhàn có việc gì không?

_Tối nay có trăng.

_??? 

 

Thầy Dũng nhướng mắt chờ đợi, nhưng Nhàn không nói được thêm gì, tự trong thâm tâm Nhàn cũng không biết mình muốn gì.  Nhàn đã cảm được nắng trên da trần _ còn ánh trăng, có mát rượi trên cơ thể?  Mím môi Nhàn nói như sợ mình sẽ không còn dám nói:

 

_Em muốn được vẽ cùng trăng.

 

Thầy Dũng hơi thoáng cau mày, rồi nét mặt trở lại bình thản, thầy gật đầu.  Nhưng Nhàn đã cắm đầu chạy về nhà không chờ câu trả lời.  Vào phòng nằm xuống, Nhàn tưởng mình vừa thoát một tai ương!!!  Nhàn nằm thật lâu, đầu óc trắng lặng, như thể mọi sự sống đã bị trút ra hết, và Nhàn chỉ còn là thân xác rỗng không.  Gió lật phật, phên cửa sổ rung rinh nhè nhẹ nhắc Nhàn trời đã chiều.  Dạo này bóng tối sụp xuống khá nhanh, Nhàn gắng gượng bước xuống giường vào bếp nấu một chút cơm.  Chỉ có một mình thì việc nấu nướng như là một gánh nặng _ Nhàn khuấy trên bếp lửa một cái trứng với một muỗng cà phê dầu ăn, một muỗng cà phê nước mắm và thật nhiều tiêu.  Bữa cơm một mình, với độc một món nhà quê _ đời Nhàn cũng đìu hiu vậy chăng?  Nhàn và miếng cơm nóng với trứng chưng, vị mặn và cay làm miếng cơm nhai trong miệng thêm ngọt, mùi nước mắm và mùi cơm nồng lên trong không gian quạnh vắng.  Trong cái ngon mộc mạc Nhàn chợt thấy vững bụng an tâm, tựa như chân mình đã nối liền được với mảnh đất thân yêu, với cuộc sống mà từ nãy đến giờ Nhàn cứ thấy mình thật là xa lạ và lơ lửng trong không gian. 

 

Nhàn rửa chén, quét dọn bếp rồi vào phòng.  Tối hơn nữa trời sẽ lạnh, Nhàn mặc tấm áo hường lợt cổ thuyền có luồn ruy băng trắng theo đường cổ, thắt thành một cái nơ be bé xinh xinh tựa những cái nút nho nhỏ cài sau lưng.  Nhàn tìm chiếc quần nhung kẻ màu xám để mặc chung, thấy ngường ngượng với cảm nghĩ mình sửa soạn để đến chỗ hẹn hò.  Đây là bộ đồ đẹp nhất của Nhàn, và Nhàn chưa mặc bao giờ.  Nhưng đợi đến bao giờ?  Không phải rằng sự sống chỉ có khi mình thực hiện nó?  Nhàn bước mau ra đường!

 

Thấy bóng Nhàn, thầy Dũng ra mở cửa.  Thầy trở vào chỗ đang ngồi, như thể đây là một buổi vẽ thường lệ.  Sự thản nhiên của thầy giúp Nhàn bớt bối rối.  Thầy nhìn Nhàn, như chờ đợi một sự thối lui, Nhàn càng quyết phải làm cái việc mình muốn. 

 

_Em sẽ ngồi ở đâu?

_Phía bên này, thầy Dũng đưa giá vẽ qua chỗ Nhàn đã ngồi mẫu và đổi chỗ của Nhàn vào nơi thầy vẫn đứng vẽ. 

_Một lát nữa khi trăng lên mình sẽ chỉ có độ 15 phút ánh sáng xuyên chếch, em chuẩn bị sẵn sàng đi. 

 

Nhàn vẫn đứng lóng ngóng, Thầy Dũng chăm chú nhìn Nhàn như muốn nói một điều gì đó rồi lại thôi.  Thầy vào trong lục đục, lát sau mang ra một cái bếp con vuông như một cái hộp trên có vỉ, rồi kê lên 2 cục gạch xây tường đã rửa sạch sẽ.  Thầy châm lửa nhóm mớ than trong hộp và đặt một ấm nước.  Nhàn tò mò ngắm những việc ấy, không sao nối nó được với công việc hai người sắp phải làm.  Thầy Dũng nhìn ra ngoài cửa sổ, bắt đầu soạn mầu và cọ trước khung vải.

 

_Em giúp tôi pha bình trà.

 

Nhàn loay hoay đi tìm ấm, tìm trà _ tưởng ở đâu xa, ngay tại cái tủ nhỏ nơi góc nhà.  Nhàn đứng ở gian phòng này nhiều lần mà không để ý.  Nhàn ngó quanh, mọi thứ vẫn cũ kỹ quen thuộc, Nhàn chợt ngượng với bộ đồ rất mới của mình – một sự đỏm dáng vô duyên và vô cớ.  Thôi, không nghĩ nữa.  Nhàn ra sau tấm bình phong thay bộ quần áo ra.  Tấm khăn lụa đỏ thẫm treo nơi góc.  Toàn thân Nhàn gói kín trong giòng sông máu. Thầy Dũng gọi:

 

_Nhàn, tới lúc rồi.

 

Nhàn níu chặt tấm khăn quanh người bước tới ghế, nhưng thầy Dũng lắc đầu,

 

_Em hãy đứng dựa nghiêng nơi khung cửa. 

 

Mặt trăng đã đứng nơi đầu mái, vàng cam.  Không có gió.  Nhàn liếc mặt lụa tìm nét mặt mình, nhưng nó chỉ trả một mầu bóng thẫm.  Nhàn chồm đầu ra cửa sổ nhìn xuống mặt đất tìm bóng mình.  Ánh sáng đổ trên đầu tóc trên đôi vai, Nhàn chợt thấy mình sáng quá mức, tưởng như mình là cái bóng đèn đỏ lóe sáng trên cây nô en.  A ha, bây giờ Nhàn đã là một thiên thần với một vầng hào quang bao quanh thân, vầng hào quang thật mềm thật mướt, như lớp men sứ trong phủ trên những con búp bê.  Nhàn buông thõng một chéo khăn, ưỡn ngực.  Khăn lụa chỉ còn đính trên đầu vai dựa vào khung cửa.  Nhàn thèm được phô bày tất cả.  Nhàn muốn có ai đó cùng với Nhàn chiêm ngưỡng tấm thân này, tấm thân như không phải của Nhàn mà Nhàn chỉ là người mang vác.  Có ai đó không, có ai không…  Trăng như dòng băng hà chầm chậm lăn chảy trên cơ thể, băng qua núi đồi qua bình nguyên qua khe núi.  Nhàn thấy mình nhẹ như gió, trong như nước.  Nhàn thấy mình mát êm như dòng suối dưới khe.  Nhàn thấy mình quẫy nhẹ những sợi lông măng dò tìm sự sống nơi hành tinh xa lạ.  Nhàn thèm nghe tiếng đào xới trên mặt khô sỏi đá, thèm thấy mình bung vỡ như từng hạt đất khô dưới lưỡi cày.  Nhàn thèm được rơi mẹp xuống như đất mầu thấm nước, nằm im chờ những mầm sống dậy lên.  Nhàn thèm được như giọt sương đầu lá rung rinh trước gió chờ phút rơi vào cõi không rơi xuống một nơi xa lạ.  Có ai đó không, có ai không… 

 

Hình như trăng sáng quá, Nhàn thấy mình héo đi dưới ánh sáng.  Có tiếng động.  Thày Dũng đã đứng bên Nhàn, ngó ra ngoài.  Thầy đứng cách Nhàn độ một gang tay.  Thầy Dũng, có phải bức tường ngăn chúng ta vì vô hình nên vĩnh viễn?  Nhàn muốn ngọ ngoạy mà như đã đóng băng trong khối ánh sáng.  Trăng đã lên đầu ngọn cây.  Giọng thầy Dũng như khởi từ một chỗ mơ hồ nơi góc nhà, rồi dần dần rõ nét, vang vang giữa không gian. 

 

_Sự sống luôn bất tận quanh mình, nhưng không phải lúc nào cũng có thể thu tiếp trải bày.

 

Nhàn bật cười nhạt, kéo tấm khăn qua vai gói kín người lại.  Cái ý nghĩ thầy không dám chọn lựa, cái lòng khinh bỉ thầy không dám sống lại lờn vờn trong óc.  Thầy Dũng chợt xoay vai Nhàn đối mặt cùng thầy.

 

_Tôi muốn rằng chọn lựa của em là một chọn lựa tỉnh táo

_Thày không nghĩ rằng nếu tỉnh táo thì không ai làm gì cả?  Thày đã làm được gì cho đời mình?

_Tôi đã không làm nhiều điều cho đời mình, trong ý thức rõ rệt.

 

Nhàn thấy như mình bị tát.  Trên đời lại có thứ chọn lựa không làm gì?  Lại có người từ chối một món quà?  Nhưng Nhàn không phải là một món quà.  Dưng không Nhàn thấy tổn thương, thấy mình ngu muội.  Nhàn bước vào sau tấm màn thay lại bộ quần áo mới.  Giờ đây nó thực sự trơ trẽn.  Bên ngoài, thầy Dũng đã rót ra 2 tách trà.  Thầy ra dấu gọi Nhàn đến bàn.  Hớp một hớp trà, thầy nói.

 

_Hoa trái kết nở không vì ai mà cũng không ai ngăn được.  Côn trùng sinh sôi chẳng vì một lẽ cao cả hay vì một lợi ích tìm cầu.  Và tất cả mọi thứ cũng không là một lời nguyền.

 

Nhàn lặng im.  Nhàn thấy xấu hổ nhục nhã, và trong phút chốc, cái nhục nhã ấy cũng héo đi, tàn lụi theo lòng Nhàn.  Thầy Dũng, thầy có thể nói muôn điều muôn chuyện, nhưng em chỉ biết có một điều _ em đã không bắt được nhịp sống.  Đêm mỏi hay Nhàn mỏi? 

 

Nhàn ra về.  Thầy Dũng đứng dậy, theo Nhàn ra cửa.  Không ai nói với ai lời gì, thầy Dũng lặng lẽ đi bên Nhàn trên con đường đêm vắng vẻ.  Tới cổng, thầy dừng lại.  Nhàn mở cổng bước vào không giã từ.  Nhàn không dám quay lại, không dám thốt một âm thanh.  Nhàn muốn khóc, muốn khóc trên tấm lát giường trải chiếu quạnh khô.  Nhàn muốn được yên nghỉ hoài trong gian phòng nhỏ hẹp của mình.  Nhàn để nguyên quần áo nằm xuống giường.  Tiếng dế dội lên râm ran trong đêm vắng, tiếng kẽo cọt, tiếng rì rào… mọi âm thanh nhân lên thập bội trong ánh trăng trong.  Nhàn nằm mãi rồi thiếp đi.

 

Buổi sáng Nhàn thức giấc, thoáng ngạc nhiên thấy mình trong bộ quần áo diện, rồi nhớ lại mọi điều.  Nhàn chầm chậm xuống giường, thay bộ quần áo mặc nhà rồi xuống bếp nấu nước pha trà.  Không gian rộng quá, mỗi bước chân mỗi hành động mỗi âm vang của Nhàn đều chìm nghỉm thật nhanh vào cái vắng lặng.  Nhàn hối mình đã ước muốn, đã đẩy ý nghĩ đi xa.  Nhàn hối mình đã bầy đặt quyết định việc muốn làm.  Nhàn hối mình đã không lười biếng với sự sống.  Nhưng Nhàn đã không thể quay lui.  Nhàn ngó ra cổng, giật mình.  Thầy Dũng đứng bên cổng như chưa hề lui gót.  Nhàn bước ra, ấp úng.  Thầy Dũng nhẹ bước vào. 

 

_Đêm qua em có ngủ được không?

_...

_Tôi mang cho em cành hoa mới ở vườn nhà. 

 

Cành lily trắng sắp nở bung hết, trên từng cánh hoa, sống lưng màu xanh vẫn còn tươi.  Nhàn đón cành hoa, thấy một niềm cảm kích.  Là màu trắng êm đềm ru lòng Nhàn hay là một điều gì khác?  Hình như thầy Dũng đã quay kim đồng hồ lại một chút, cho nó dừng ở cái chỗ phải dừng?  Thầy đã làm lại cho Nhàn một khởi đầu?  Nhàn ngó mông lên cao.  Màu trắng của hoa như nhạt dần rồi hòa vào với màu mây.  Trong phút chốc, mọi giận hờn hối tiếc của Nhàn như bốc hơi tan vào không gian.  Nhàn phải tìm Má, để nói với Má rằng Nhàn cảm tạ Má đã làm một chọn lựa cho đời mình.  Nếu anh Mẫn không trở lại Nhàn sẽ sẵn sàng cho một cuộc sống riêng mình dẫu nó chông chênh.  Câu hỏi âm thầm dằng giai trong óc Nhàn chợt bừng thoát: cô Tuyền không hề hối tiếc, dẫu cuộc sống có như thế nào có dẫn cô về đâu chăng nữa, dẫu cô biết mình chỉ trở thành một thứ cỏ buồn… 

Cỏ buồn, thì hãy là vậy, chẳng phải vì không thể khác.

Lưu Na

12/22/2014

 (Tác giả gởi)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...