Khoảng cuối 2002, đầu 2003, một người Đức đã viết trên mạng về một số khía cạnh xấu xí của người Việt trong đó có khía cạnh liên quan tới một nếp tư duy phổ biến trong chúng ta .
Sau khi kể lại những tình trạng lộn xộn trong xã hội Việt hiện nay ông người Đức này bảo hình như nhiều người bản địa cũng biết mình hư hỏng nhưng lại có lối đổ thừa cho hoàn cảnh.
<!>
Nhiều người Việt ông gặp nói thẳng vào mặt ông là tại chúng tôi nghèo quá nên chúng tôi mới hư hỏng thế này, còn nếu giàu có lên thì chúng tôi sẽ tử tế ngay.
Còn theo kinh nghiệm của người Đức và nhiều cộng đồng khác, con người phải tử tế thì mới có được sự giàu có chắc chắn.
Vậy là giữa người mình với người nhiều nước khác, đang có sự khác nhau về cách nghĩ.
Nên hiểu thế nào về tình trạng này?
Tôi nghĩ rằng những lúc tỉnh táo đối diện với mình có vẻ như khá đông chúng ta trong thâm tâm đều công nhận người Đức kia nói đúng dù là làm theo thì không thể.
Tuy sống trong một xa hội chưa có điều kiện tổng kết nhưng con người Việt Nam thời trung đại đã thấm thía các bài học về việc làm người của mình trong đó có những triết lý cũng chẳng khác gì các cộng đồng khác. “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” – cái câu cửa miệng ấy ai mà chẳng biết.
Thế tại sao lúc này đa số người Việt chúng ta lại sống với cái triết lý “giàu có rồi sẽ tử tế” tức là thả lỏng cho mình tự do xoay sở và cho phép mình kiếm sống bằng bất cứ phương tiện nào kể cả những phương tiện của quỷ dữ.
Câu trả lời của tôi trong trường hợp này là tại vì chúng ta trải qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp nó làm biến dạng cả mày mặt con người tư tưởng của chúng ta.
Là người đã sống ở Hà Nội thời chiến và hậu chiến suốt 50 chục năm qua, tôi thấy cái triết lý này có cơ sở của nó.
— chiến tranh không đào tạo người ta thành người lao động bình thường, trước cuộc mưu sinh ngày nay, mỗi người hoàn toàn bất lực.
— đi qua chiến tranh, người ta sống cảm giác kẻ sống sót, không thấy cuộc đời có ý nghĩa gì ngoài sự hưởng thụ.
— để sống đươc trong chiến tranh người ta phải trải qua một sự TỰ LỪA DỐI mà đơn giản nhất là sự tin tưởng rằng sau chiến tranh, tự nhiên ta có tất cả.
Nên nhớ là dưới bom đạn, ảo tưởng lại được nuôi nấng, và đến nay khi ảo tưởng đó tiêu tan, thì con người ta như con trâu đứt mũi, thả mình phiêu lưu trong sự hư hỏng.
Ai cũng biết là nạn ăn cắp hiện nay quá phát triển mà một trong những lý do làm cho người ta yên tâm làm vậy là thấy ăn cắp — bao gồm tham nhũng — không bị trừng trị và không sao có thể trừng trị đến cùng.
Chắc mọi người lứa tuổi tôi đều biết ở Hà Nội những năm chiến tranh, nếu cả tập thể ăn cắp (= tham nhũng) rồi chia chác sòng phẳng thì coi như không có lỗi. Ở nông thôn vậy mà ở đô thị, – nơi không chỉ có con buôn phe phẩy mà còn có giai cấp công nhân tiên tiến và bộ phận cán bộ kiên trung – cũng đều như vậy.
Tinh thần bày đàn đã làm cho mỗi chúng ta mạnh lên và tự tin thêm rất nhiều.
“Người làm sao ta làm vậy- người làm bậy ta làm theo” chúng tôi tự nhủ như vậy.
Nếu tính cho chi li, ai cũng thấy sự sống “chẳng kém gì người” của một phần lớn chúng tôi hiện nay không ít thì nhiều là do mạnh tay kiếm chác trong lúc nhộm nhoạm, tức nói đến cùng kiệt, là đi qua con đường bất chính, và vì tất cả đều chung một con đường đó để đi, nên không ai “lạy ông tôi ở bụi này” bàn chuyện công khai cho mệt.
Còn những người giàu nhất?
Như các tài liệu thống kê công khai mà thế giới làm hộ ta đã chỉ rõ, chỉ một số nhỏ người Viêt giàu có “ngang tầm thế giới” hiện nay là làm ăn hợp pháp, còn lại hầu hết đám người kiệt xuất này không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình.
Bóng tối trên con đường làm giàu của họ lan tỏa vào tâm hồn họ. Họ dẫn đầu đám đông trên con đường xoay ra ủng hộ cho sự bất lương trên tất cả các phương diện chính trị xã hội.
Cái triết lý tự do làm giàu bất chấp lương tâm lẽ đời đó hiện nay – đôi khi đã được đóng gói che đậy – xâm nhập khắp nơi, từ những điều nói công khai trên đài trên báo, cho tới văn chương thơ phú, nó cũng là cái tinh thần chính len vào câu chuyện giữa người với người ở chỗ riêng tư.
Bây giờ không làm gì có những ông bố bà mẹ sáng sớm gọi con trở dạy chỉ dẫn bảo ban con về việc làm người. Trong lúc tỉnh táo nhất những ông bố bà mẹ ấy may lắm chỉ khuyên con có cóp bài hay tham nhũng thì hãy làm kheo khéo, ngoài ra đừng có nổi máu tử tế mà chết.
Chắc chẳng ai ngờ rằng như thế tức là trên phạm vi toàn xã hội cái tinh thần chính mà thế hệ đương thời truyền lại cho các thế hệ sau rút lại chính là khả năng bách chiến bách thắng của gian dối tàn ác.
Có lẽ vì thế câu chuyện người Đức nói ở trên chả mấy ai để ý.
Vương Trí Nhàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét