Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

Cô tôi - Nguyên Hạnh HTD

 Nguyễn Trung: Trẻ mãi trong hội hoạ - Tuổi Trẻ Online

 tranh nguyễn trung

 
Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu áng văn tuyệt tác, bao nhiêu bài thơ trữ tình, bao nhiêu ca khúc vinh danh người Mẹ, trong đó bài hát “Lòng Mẹ“ của Y-Vân đã trở thành bất hủ, mỗi lần nghe là mỗi lần cảm thấy xúc động cả tâm can! Riêng tôi, tôi lại muốn viết để ca ngợi người Cô ruột của tôi, cô là hình ảnh của người mẹ thứ hai, dù đã không sinh ra tôi.

Mới một tuổi tôi đã mất mẹ, trong khi đó hai anh trai tôi cũng chỉ mới lên bốn và lên hai. Câu nói của ai đó cùng nghe càng thấm thía vô cùng:<!>

„Ngày ta đau khổ nhất là ngày ta mất mẹ, lúc ấy ta khóc mà không có mẹ bên cạnh để dỗ dành“.

Không làm sao diễn tả được nỗi đau đớn xé nát tâm can khi Ba tôi chỉ còn lại một mình với 3 đứa con còn quá nhỏ dại như vậy! Sau 3 năm mãn tang, Ba tôi phải lấy vợ khác để có người chăm sóc cho con mình.
Ông bà nội tôi mất sớm nên Cô tôi phải về ở với Ba tôi và người chăm lo tận tình cho 3 anh em tôi là Cô, đặc biệt nhất là tôi vì tôi còn quá nhỏ. Cô thay thế mẹ tôi, tôi được ngủ với Cô, trải qua những ngày thơ dại bằng hơi ấm, bằng sự vỗ về ôm ấp trong đôi cánh tay tràn đầy yêu thương mà Cô đã dành cho tôi. Ngày đi làm, đêm về ngủ đâu có yên giấc vì tôi, tôi lại hay khóc đêm, chưa kể những lúc nóng đầu ấm lạnh nữa. Càng nghĩ càng thương người Cô còn quá trẻ mà đã vì cháu phải hy sinh cả quãng đời thanh xuân của mình!

Tôi theo Cô như hình với bóng, những ngày nghỉ tôi thường theo Cô lên chùa, nhờ đó mà tôi đã tiến gần đến đạo Phật, đã biết gia nhập vào Gia Đình Phật Tử Hướng Thiện đi sinh hoạt đều đặn hằng tuần, biết ăn chay, biết tụng kinh niệm Phật, biết thích lắng nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang trong không gian còn đọng sương mai nhưng sao ấm áp lạ kỳ!
Tôi sống với người mẹ kế, bà có con nên không còn nhiều tình thương để dành cho tôi. Tôi thường tự hỏi nếu không có Cô tôi bên cạnh che chở bảo bọc thì tôi sẽ sống ra sao, phải trải qua những ngày ấu thơ buồn thảm đến chừng nào? Chiều chiều đi học về, bước vào nhà mà chưa thấy bóng dáng Cô là tôi đã muốn khóc rồi.
Ba tôi rất thương yêu anh em tôi nhưng là cột trụ của gia đình, Ba tôi quá bận bịu, đâu có nhiều thì giờ để chăm sóc cho tôi như Cô tôi vẫn thường làm.
Những ngày trước đảo chánh Nhật (1945), gia đình tôi từ Quảng Nam di chuyển về Huế trước vì Ba tôi sợ có chiến tranh. Vậy là cả nhà về tạm trú trong khu vườn của ông bà nội ở làng Nguyệt Biều. Sau đó Nhật đã tràn về, Ba tôi bị kẹt lại, cả nhà đã lâm vào cảnh khổ cực lầm than. Cô tôi phải đi bán hàng rong, sáng sớm quang gánh ra đi, chiều tối mịt mới về mà nhà chỉ ăn toàn cơm độn sắn khoai.
Đến khi Ba tôi được trở về, đem gia đình xuống thành phố ở, Cô tôi được đi học lớp kế toán và sau đó có việc làm ở văn phòng, chuyên về đánh máy, sống cuộc đời công chức cho đến khi về hưu.
Tuy tôi lớn dần với thời gian nhưng dưới mắt Cô tôi vẫn chỉ là một đứa cháu bé bỏng. Ngày đi làm, chiều tối về là tắm rửa, giặt ủi quần áo cho tôi, chăm sóc tôi từng chút. Những ngày cuối tuần, Cô lại còn thích làm vườn nữa, tôi cứ nhớ mãi hình dáng Cô tôi sớm chiều thấp thoáng bên luống rau xanh, bên hàng cau trước sân nhà, giữa vườn lá xanh um mượt mà sắc ngọc mỗi mùa đơm hoa kết trái.
Có bao nhiêu người đã muốn dạm hỏi xin cưới Cô tôi nhưng Cô đã từ chối chỉ vì anh em chúng tôi. Thấy các cháu còn nhỏ dại quá mà phải sống với mẹ ghẻ, Cô tôi không đành lòng dứt áo ra đi.
Ôi! sự hy sinh cao cả của Cô tôi đã làm cho tim tôi đau xót khi tôi lớn lên và hiểu dần sự việc. Nhưng rồi Ba tôi đã ép Cô tôi phải đi lấy chồng chứ để khi lớn tuổi quá, muộn màng rồi ai mà để ý tới nữa.

Ngày Cô đi lấy chồng, tôi đã khóc như mưa như gió, trời đất ngả nghiêng! Cô theo chồng về bên kia sông, cứ cuối tuần tôi lại xin phép Ba tôi qua đò tìm Cô, rồi Cô nấu nướng những món ăn ngon để chờ tôi.
Chao ôi! Đó là một người phụ nữ đảm đang hiền hậu, thường quên thân mình, chỉ biết lo cho người khác, chiều chồng hết mực đi làm về là lo cơm nước cho dượng tôi. Dượng tôi như một ông vua nhỏ, chỉ biết hưởng thụ, về nhà là được cơm bưng nước rót tận tay, quần áo đã có người giặt ủi sẵn, lau chùi quét dọn cũng chỉ một tay Cô làm mà thôi. Vậy mà cũng chưa vừa lòng dượng, chỉ vài năm sau dượng tôi đã có mèo mỡ lung tung, đi sớm về khuya thất thường, về nhà thì ói mửa tràn lan, bắt Cô tôi phải hầu hạ mà còn la hét om sòm nữa. Đó là một con người bất nhân bất nghĩa, chỉ biết lợi dụng để ăn no mặc sướng cho tấm thân mình, moi móc tiền bạc của Cô tôi đem theo cho những người đàn bà khác. Sau 5 năm trời, không chịu đựng nổi nữa, Cô tôi đã về khóc với Ba tôi xin chia tay.

Đối với thành phố Huế cổ kính, đàn bà bỏ chồng chẳng hay ho gì nhưng Cô tôi không cần gì hết nữa, cũng không cần ra tòa án lôi thôi, Cô chỉ thiết tha về ở lại với Ba tôi, được sống những ngày yên thân là quá đủ rồi. Dượng tôi có mấy lần làm bộ ăn năn, qua xin rước Cô tôi về nhưng rồi sau đó chứng nào tật nấy, lần này Cô tôi nhất quyết không trở lại. Từ đó, Cô nguyện ở vậy suốt đời, không lấy chồng nữa, an phận với đời sống công chức của mình.
Rồi tôi cũng phải xa Cô, vào Sàigòn học, sau đó đi lấy chồng nhưng chỉ một thời gian sau cô cháu lại gần nhau vì tôi đã trở về Huế đi dạy học và lập gia đình. Cuối tuần Cô về nhà ở với tôi, tìm lại niềm vui, Cô sống một cuộc đời bình lặng nhưng tâm hồn Cô yên ổn hơn.

Những ngày sắp qua Đức đoàn tụ với 2 đứa con trai, Cô đã về ở với tôi, chăm sóc tôi như ngày tôi còn bé dại. Hôm chia tay ở phi trường, cô cháu ôm nhau khóc như mưa như gió, đúng là trời không mưa mà mắt mình nhạt nhòa và qua màn nước mỏng ngập ngừng, chập chờn hình ảnh Cô tôi vẫn đưa tay vẫy chào từ biệt khi tôi bước lên máy bay cứ ám ảnh tôi hoài!
Qua xứ người, tôi vẫn gửi quà đều đặn về cho Cô, những lúc đi lãnh quà là những khoảnh khắc đã làm cho Cô tôi vui sướng nhất. Nguồn an ủi lớn lao đối với Cô là tình thương yêu của các anh em tôi dành cho Cô lúc nào cũng ngập tràn và trọn vẹn ân tình. Và càng nặng ân tình hơn nữa, vợ chồng tôi đã bảo lãnh Cô sang Đức du lịch trong 3 tháng.
Không làm sao diễn tả hết nỗi mừng vui hội ngộ hiếm hoi này! Ngày ra đi tưởng rằng không bao giờ còn gặp lại được người thân, ai ngờ có một ngày Cô đã chia xẻ nỗi buồn vui với tôi trên xứ người xa lạ. Tôi đã đưa Cô đi cùng khắp, dưới mắt Cô cái gì cũng mới lạ, cũng xa hoa, nhiều khi Cô cứ tưởng như đang ở trong mơ, một giấc mơ mà Cô nghĩ sẽ không bao giờ thực hiện được.
Khi Cô trở về quê nhà một ít lâu thì mẹ kế tôi mất, có Cô chăm sóc Ba tôi làm chúng tôi cũng yên lòng rất nhiều. Vài năm sau Ba tôi cũng qua đời, anh em tôi quyết định vẫn để ngôi nhà đó cho Cô ở đến khi mãn phần. Chúng tôi góp chung nhau tiền bạc, thuê một người giúp việc để chăm sóc Cô ngày đêm. Dù không có chồng con nhưng Cô đã sống được một cuộc sống thanh nhàn trong tuổi già, không thiếu thốn về mọi phương diện.
Rồi một hôm Cô bị té, nứt xương chậu, phải đưa vào bệnh viện để mổ. Thật khôi hài cho các bệnh viện ở Việt Nam, mổ mà cũng phải có giá cả khác biệt. Chúng tôi đã bằng lòng trả với giá mắt nhất, miễn sao cứu được Cô tôi nhưng rồi chỉ 3 tháng sau thì Cô mất.
Đã đành rằng suy nghĩ cho cùng thì mọi sự đều sắc sắc không không giữa trùng trùng duyên khởi nhưng mất mát này vẫn là nỗi tiếc đau quá lớn cho anh em chúng tôi. Càng đau hơn khi tôi không về được để tiễn đưa Cô lần cuối.
Qua màn nước mắt, tôi như thấy gương mặt Cô lung linh giữa nhang khói, giữa lời kinh tiếng kệ, tiếng chuông mõ, giữa thực và ảo. Cô đã thật sự an nghỉ, những giọt lệ của anh em tôi đã tiễn đưa Cô qua hết mọi hệ lụy ưu phiền, mọi đau thương khắc khoải. Sẽ không bao giờ còn nghe còn thấy được Cô nhưng giữa bao sóng gió gập ghềnh trắc trở của cuộc đời, Cô vẫn mãi mãi có một chỗ đứng trong trái tim tôi.
Thời gian lặng lẽ rắc những bông hoa quên lãng, chỉ có cây sầu đông trong vườn Cô tôi đã ở là không thay đổi, vẫn vươn những cành gầy guộc hứng những giọt sầu đời. Tôi đã gửi ở đó một giọt sầu trong vắt để tưởng nhớ Cô tôi.
Tất cả rồi sẽ trôi qua nhưng tôi vẫn sâu sắc ý thức và ghi nhận hình ảnh Cô tôi vẫn còn bền bỉ đọng lại trong lòng mình, mãi mãi không tan biến như hương hoa ngọc lan thơm ngát trong đêm khuya, vương vấn giữa những tàn cây mát rượi của góc vườn quê nội mà Cô tôi đã trải qua những ngày thơ ấu.

Hồng trần gió bụi! Bụi hồng trần thì đương nhiên phải bay theo gió nhưng theo gió bay đi mà vẫn còn lưu lại dấu vết trong lòng thế gian, thì đó không phải là điều đáng mừng hay sao ?

Mùa Vu Lan 2024 

Nguyên Hạnh HTD

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...