Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

Thị Mót - Trần Đức Phổ

  Hoạ sĩ Nguyễn Trung: thế hệ vàng trong thời kỳ cận kháng chiến

tranh nguyễn trung

1

T

ia nắng chiều vàng óng màu mật ong xuyên qua khe cửa sổ, chiếu vào phía vách tường đối diện một vệt dài, lung linh như lưỡi gươm đồng . Bà Gon trở mình, thức giấc. Bà chầm chậm đưa bàn tay già nhăn nheo lên sờ vào cổ. Những ngón tay no tròn, nần nẫn thịt như những trái chuối tiêu chạm vào sợi dây chuyền vàng vừa to vừa dài. Đôi mắt bà chợt lóe lên, gương mặt rạng rỡ hẳn, không còn có vẻ gì là một người đang ốm nặng. Bà thầm nghĩ: “Ui, nó vẫn còn đây. Cứ tưởng lúc mình ngủ mê man nó đã bị lột mất.” Bà cầm sợi dây chuyền bằng cả hai bàn tay đưa lên ngắm nghía. Sợi dây nặng ước chừng trên một lượng vàng ròng. Đây là món quà kỷ niệm mà thằng con trai lớn của bà để lại hồi năm ngoái khi cả gia đình nó di cư sang bên Mỹ. Lúc đeo sợi dây vào cổ bà, anh dặn: “Mẹ cất kỹ số vàng này, dành khi đau ốm. Đừng để con Mót nó trông thấy rồi xin xỏ. Lúc nào cần dùng đến thì mẹ bán đi nếu như con chưa kịp gửi tiền về.”

Nghe con nói, bà hả lòng hả dạ, mỉm cười, cảm ơn cái thằng con hiếu thảo, biết lo nghĩ cho mẹ già. Bà quệt nước cốt trầu trên miệng, từ tốn nói với anh con trai: “Mẹ đâu dại gì mà đem cho đứa nào. Mẹ để dành lo cho hậu sự của mình chớ!” 

 <!>

Trong bụng bà thầm nghĩ đến đứa con gái nuôi tham lam như đỉa đói, luôn luôn chờ hút máu người. thấy bà có của nên thường sang nhà mẹ đẻ bòn rút, mặc dù bây giờ cũng không còn nghèo khổ gì. Bà chỉ hạ sinh được mỗi một mụn con, đó là thằng Hai Gon. Thị Mót chỉ là đứa con gái bà nhặt được nhưng thương yêu như con ruột vì bà nuôi từ thuở mới lọt lòng mẹ. Tính tình của ả tham lam, khác xa thằng con ruột của bà. Ả thường hay rúc rỉa như con chuột bị bỏ đói lâu ngày. Hễ thấy cái gì ưng ý cố xin cho bằng được, hoặc hỏi mượn nhưng chẳng bao giờ trả lại. Ví như năm ngoái nó hỏi bà để mượn năm trăm đô đi mổ hòn dái treo cho thằng con nó, mà mãi đến bây giờ vẫn chưa chịu trả, dù bà đã nhắc khéo không biết bao nhiêu lần. Vả lại bà biết tính cô con gái ấy hay táy máy, nên chẳng bao giờ để tiền, vàng hớ hênh. Bà nhớ hồi nó mới lên chín lên mười, bà sai nó sang nhà hàng xóm mượn gạo. Nó sang bên đó không thấy có ai ở nhà liền đi thẳng xuống bếp xúc luôn mấy lon gạo đổ vào thau, rồi đi ra. Chẳng may vừa ra đến sân thì chủ nhà cũng vừa về. Thấy nó bưng thau gạo từ trong bếp đi ra, họ giữ lại vặn hỏi. Nó hết đường chối cãi nên nói thật là mẹ bảo sang mượn gạo, nhưng không có ai ở nhà nên vào bếp thấy ang gạo thì đong luôn. Chủ nhà dẫn nó về mắng vốn. Bà On phải ỉ ôi xin lỗi và rấy la đứa con gái ranh mãnh kia một hồi, họ mới chịu bỏ qua. Mới bốn năm năm trước đây, nhà chồng nó mất ba chục triệu đồng. Mọi người trong gia đình chồng đều nghi ngờ cho Thị Mót vì hôm bà mẹ chồng cất tiền vào tủ chỉ có mình ả trông thấy. Bà mẹ đi coi bói. Thầy bói phán đạo chích chẳng phải người ngoài. Bà mẹ chồng về khéo léo gạn hỏi, nhưng ả giẫy nẩy lên, thề thốt đủ kiểu. Có người mách kế cho bà mẹ chồng, hãy thử dọa báo công an. Rồi phao tin hễ công an tìm ra thủ phạm là bỏ tù rục xương. Tờ mờ sáng hôm sau, Thị Mót từ đâu hớt hãi chạy vào báo với mẹ chồng rằng lúc y thị quét rác phát hiện cái túi ni lông chôn ở gốc mận phía sau nhà. Y thị mở ra và trông thấy ở bên trong túi có chứa một bọc tiền, không biết là bao nhiêu. Bà mẹ chồng lật đật chạy ra gốc mận, thì quả nhiên thấy chỗ dấu đất còn mới toanh, có một cai bị ni lông đen mở toang, bên trong một đống tiền giấy lộn xộn. Mỗi tờ trị giá một trăm ngàn đồng. Họ xách cái bị vào nhà, đổ ra đếm thì đúng y chang ba chục triệu đồng. Nhà chồng biết là cô con dâu ăn cắp, nhưng chưa kịp tiêu xài, vì sợ công an bắt bỏ tù nên giả vờ đem chôn rồi tự mình phát hiện ra. Biết thế nhưng họ nghĩ đến tình cảm gia đình, sợ bị sứt mẻ, hận thù nên bỏ qua.

Nghĩ ngợi vẩn vơ rồi bà Gon tự nhủ: “Mình phải giấu thật kỹ sợi dây chuyền, chớ không để cho Thị Mót biết được.” Mới đầu bà gói nó vào mấy cái bọc ni lông, đem cất dưới gối nằm. Nhưng mấy hôm sau, bà sợ cháu, con có đứa nào vào phòng lục lạo sẽ trông thấy nên bà đổi ý đem cất vào cái hộc tủ thờ, khóa lại, và bỏ chìa khóa vào túi áo bà ba đang mặc bên trong cái áo len. Ngày nào bà cũng mở tủ để kiểm tra xem sợi dây chuyền có còn đó không.

Rồi một hôm, bà để ý thấy đứa con gái sang chơi cứ hay đưa mắt liếc nhìn mỗi lần bà mở cánh cửa tủ. Thế là bất chợt một ý nghĩ bỗng lóe lên trong óc bà. Hay là cái con này biết mình có sợi dây chuyền vàng đang cất giấu ở đây. Bà nghĩ bụng, tuy mình giữ chìa khóa nhưng ngộ nhỡ hôm nào mình ngủ quên nó mò sang lấy cắp thì sao? Vả lại lúc này đã sang mùa hè, tiết trời nóng nực không thể mặc hai ba lớp áo để che giấu chiếc chìa khóa được. Nhưng cũng không thể cất nó ở chỗ nào khác vì bà sợ sẽ quên mất. Nghĩ vậy từ đó bà không để sợi dây chuyền vàng trong tủ nữa mà đeo luôn vào cổ, giấu vào trong lớp áo yếm.

oOo

Mấy hôm nay bà On nằm liệt giường, có lúc nói mê sảng, nhưng mỗi lần hơi tỉnh táo lại thì bà đưa tay lên cổ rờ rẫm xem sợi dây chuyền có còn ở đó không. Cách nay một tháng bệnh bà trở nặng, thuốc thang gì cũng không thuyên giảm. Lúc bà đang nằm bệnh viện, một hôm Thị Mót vào chăm sóc bà. Y thị bỗng phát hiện ra sợi dây chuyền, liền hói bà.

- Ơ, đâu mà mẹ có sợi dây chuyền to đùng như vậy?

Nghe đứa con gái nuôi hỏi thế bà chẳng ừa ý chút nào, nhưng cũng thều thào trả lời:

- Anh mày… cho tao… chứ ở đâu!

Rồi bà nhắm nghiền đôi mắt giả vờ mệt quá thiếp đi, nhưng bên tai vẫn nghe y thị nói:

- Mẹ nay đã yếu lắm rôi, đưa nó cho con giữ giùm cho kẻo bị mất đi thì uổng lắm!

Gon nghe Thị Mót nói vậy tức giận, muốn mắng vào mặt cô con gái rằng đồ khốn nạn, mày muốn ăn cướp của bà à? Nhưng bà chẳng còn đủ hơi sức để chửi loại người chỉ biết đến tiền bạc này. Thế là bà nằm thở dốc một hồi rồi thiếp đi. Hôm sau, bệnh viện cho bà về nhà, dặn dò thân nhân chuẩn bị lo việc hậu sự.

Ngoài trời tối mịt, trong nhà yên lặng, vắng vẻ, Thị Mót đẩy nhẹ cánh cửa, rón rén bước vào phòng, rồi khép lại. Y thị đứng yên một lát, người tựa vào khung cửa để định thần. Trong phòng ti om. Ả nghe rõ hơi thở dồn dập và tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực của mình. Sau một phút trấn tĩnh ả bước đến chiếc giường bà Gon đang nằm mê man. Ả nhẹ nhàng quỳ xuống bên giường, khe khẽ gọi:

- Mẹ! … Mẹ! …

Không thấy bà mẹ có phản ứng gì, ả cầm cánh tay của bà lắc lắc, nhưng bà Gon vẫn bất động, hơi thở dường như lúc có lúc không.

Thị Mót hít một hơi thật sâu, dưỡng khí căng đầy lồng ngực, ả từ từ đưa hai bàn tay lên cổ bà, vòng ra sau gáy lần mò tìm kiếm. Ả mừng rơn khi bàn tay chạm vào sợi dây chuyền. Đúng là bắt được vàng! Ả đưa tay lần theo sợi dây tìm chỗ cái móc khoen để tháo. Bỗng nhiên, một bàn tay đưa lên nắm lấy cổ tay ả. Ả giật bắn người, vội rụt ngay tay về. Bà Gon kêu lên ú ớ. Thị Mót đứng phắt dậy, định quay lưng bước ra khỏi phòng. Đột nhiên đôi mắt thị nhấp nháy lia lịa như hai vì sao. Thị lại ngồi thụp xuống, nhanh như chớp thị đưa cả hai bàn tay ra chộp lấy sợi dây chuyền rồi bứt mạnh. Hai cánh tay của thị khỏe và rắn chắc như tay đàn ông. Chỉ sau hai cái giằng mạnh sợi dây đã đứt tung. Thị nắm một đầu sợi dây chuyền rút phăng nó ra khỏi cổ bà mẹ, bỏ vào túi, mở cửa bước ra. Dường như phảng phất nghe có tiếng kêu ú ớ, và một cánh tay giơ lên rồi ngay lập tức buông thỏng xuống giường. Tiếng cánh cửa đóng lại nghe canh cách sau lưng người đàn bà tham lam.

 

2

Cần cẩu chiếc xe cào đất to và dài như một cái càng cua khổng lồ đang vươn lên trời. Điểm chót của nó có cái vá múc bằng sắt đen xỉn khum khum như bàn tay bụm lại, nhưng năm ngón thì chỉa ra như những chiếc răng quái thú. Cái càng cua ấy từ từ đưa lại gần ngôi nhà, cái vá múc vào bức tường gạch sơn màu vàng nhạt của căn nhà cấp bốn khang trang. Gạch và vôi vữa đổ xuống loảng xoảng. Tường nhà bị khoét một lổ to đùng, lởm chởm. Cái bàn tay quái thú thu về rồi lại vươn ra lần nữa. những viên gạch vỡ tuôn xuống đất rào rào. Bức tường trống hoác, nức nẻ, nhưng chưa xụm hẳn.

 

- Cào nhà! Cào nhà, bây ơi! Tới coi nè! – Tiếng mấy đứa trẻ reo lên hớn hở.

Rồi người lớn, trẻ con từ trong xóm kéo tới, họ túm tụm thành từng đam, đứng ở ngoài đường nhìn vào, đông nghìn nghịt. Đây là một việc hy hữu hiếm gặp ở cái làng chài nghèo nàn này. Nhiều gia đình nơi đây suốt đời làm ăn tằn tiện vẫn không thể nào cất được một căn nhà cao ráo, đẹp đẽ thì việc phá bỏ một căn nhà đang trong tình trạng còn tốt là một điều ngoài sức tưởng tượng của họ. Nói chi lại là một ngôi nhà gạch, tường vôi, mái lợp tôn, mới xây. Với chiều ngang độ chừng sáu thước và chiều dài hai mươi thước, có thể nói đây là căn nhà thuộc hạng khá lớn trong làng. Nhà xây hai mặt tiền. Năm cây cột và máng xối được đổ bê tông cốt sắt, ngoài ốp gạch men láng trông rất mỹ lệ. Nền nhà lót gạch Ý-đại-lợi in hoa văn, sáng bóng như gương. Nói chung ở cái làng chài bãi ngang này nó như biểu tượng của một gia đình sung túc.

- Uổng quá! Căn nhà đẹp như thế, sao lại cào đi nhở? – Một người hỏi.

- Anh em họ bất hòa với nhau nên thế! – Có tiếng trả lời.

- Nghe nói nhà bỏ hoang, có ma! – Một người khác nói.

- Xì! Ma với quỷ gì! Ganh tị, giành đất thì có! – Lại một người khác xen vào.

Mọi người lớn bàn tán ì xèo, còn lũ trẻ lại khoái trá cười đùa, là hét mỗi khi vách tường đổ rầm rầm, tiếng gỗ kêu răng rắc, và những tấm tôn méo mó rớt loảng xoảng. Con quái thú vẫn tiếp tục công việc hủy hoại của nó. Mãi đến khi mặt trời lên đến ngọn tre thì mission accomplished.

Lúc này, căn nhà đã hoàn toàn sụp đổ. Trên nền đất: gạch, vữa, gỗ đòn tay, lõi thép, tấm tôn… nằm ngổn ngang. Quang cảnh điều tàn như bất cứ một cảnh đập phá man rợ của bọn giặc dã man thời trung cổ.  Sự đổ nát nào trông cũng thật ảm đạm, thê luiơng. Đám đông bắt đầu giải tán, nhưng một số bà sồn sồn thì vẫn còn ngồi túm tụm lại với nhau bàn tán, dưới bóng mát những lùm tre xanh rì.

Một người nói:

- Cái con đó thâm độc ghê thiệt! Mẹ nó vừa mới qua đơi, nó đã cào nhà bà ấy rồi!

- Bà còn lạ gì con gái nuôi bà Gon. Nó là loại bán trời không sợ thiên lôi đả mà!

Một bà khác tỏ ra am tường vấn đề:

- Nghe đâu nhà này do ông anh nuôi nó xây? Khi bà Gon qua đời Thị Mót hỏi xin, nhưng ông anh nuôi không cho, bảo để làm chỗ thờ phượng ông bà. Ngôi nhà không có chủ kể từ đó, nên nó mới cào bỏ đi. Nghe đồn rằng con cái nó thấy xuất hiện những thứ không sạch sẽ trong căn nhà ấy.

Một bà khác, hình như là láng giềng, thân cận có vẻ hiểu rõ sự tình hơn,  kể.

- Đúng vậy! Đây là nhà của ông anh nuôi nó xây cho bà mẹ ở. Còn nhà của nó kế bên – Bà ta giơ tay chỉ căn nhà nhỏ thấp lè tè bên cạnh đống hổ lốn, hầm bà lằng vừa hình thành, cao như một quả đồi con. – Bà nọ nói tiếp:

- Họ chỉ là hai anh em, nhưng không phải ruột thịt. Tui nghe nói hồi năm 1965, 1966 gì đó vợ chồng bà Gon trong một lần chạy càn lính Mỹ đã lượm được đứa bé sơ sinh bên vệ đường. Chẳng biết ai chạy giặc đánh rơi hay sinh ra rồi bỏ, nhưng thấy đứa trẻ tội nghiệp bà Gon đem về nuôi, thương yêu như con ruột. Bà đặt tên cho cô bé là Mót, với ý nghĩa như lượm mót được. – Kể đến đây bà ta móc trong túi áo bà ba lấy ra chiếc iPhone để xem giờ rồi phủi đít đứng dậy nói:

-Trưa rồi, thôi, tui phải về nấu cơm cho tụi nhỏ!

Mây bà kia vội nắm lấy tay bà kéo lại nói:

- Mới chín rưỡi mà! Còn sớm chán. Bà kể tiếp câu chuyện đi. Bà kia ngần ngừ một chút nhưng cũng ngồi xuống.

- Năm 1975, ông Gon qua đời, bà ở vậy nuôi hai đứa con chứ không tái giá. Trong những năm bao cấp thiếu ăn, thiếu mặc nhưng bà vẫn cho hai đứa trẻ đến trường. Nhưng vì học dốt và lười nên học xong lớp bảy thì Thị Mót bỏ ngang, ở nhà phụ giúp mẹ.  Thằng anh học xong lớp 12 đi bộ đội, rồi đào ngũ, vượt biên luôn. Cô em ở nhà lấy chồng sớm đẻ con cả đàn cả đống. Không nhờ thằng anh nó thì làm gì nó nuôi nổi bầy con nó những năm trước đổi mới chớ. Vậy mà nó đành đoạn. Kể đến đây bà ta chép miệng thở dài như than vãn cho thế thái nhân tình, rồi đứng lên. Cả mấy bà kia cũng đứng dậy giải tán.

oOo

Lại nói chuyện Thị Mót. Nhà chồng tuy cũng khá giả nhưng còn năm sáu đứa con nhỏ nên chẳng giúp được gì cho vợ chồng ả. Khi gia đình ả ra riêng, Bà Gon cho cất một ngôi nhà nhỏ trong khu vườn của mình vì nghĩ rằng ở gần nhau cho có mẹ có con. Ngày nọ, chính quyền rao gọi mọi người làm sổ đỏ, vì  già yếu bà Gon sai y thị đi làm giùm. Nhân cơ hội này Thị Mót bằng khai chính y thị là chủ sở hữu mảnh vườn. Bà Gon biết chuyện nhưng cũng cho qua vì nghĩ rằng khi mình chết vườn tược của cải đều thuộc về ả thì nói ra chi để mẹ con xích mích.

Thằng anh sống độc thân ở nước ngoài,  làm ăn khá giả nên thường gửi tiền về phụ giúp cho em. Cách đây chừng hơn chục năm thằng anh về quê cưới vợ và làm căn nhà này trên nền đất cũ của ông bà để lại. Nhưng mảnh vườn lại do Thị Mót đứng tên quyền sử dụng đất. Với tính tin người, thật thà và luôn quý trọng tình anh em nên anh không hề nghĩ đến việc chia chác hay giành lại quyền sở hữu chủ.  Lúc ấy anh em còn hòa thuận với nhau. Rồi thằng anh cưới vợ ở quê. Vì muốn ở bên mẹ già một thời gian nên anh ta không vội bảo lãnh vợ sang nước ngoài mà về lại quê hương làm ăn sinh sống. Từ ngày thằng anh cưới vợ, Thị Mót không còn được nhờ cậy gì nên tình cảm anh em đâm ra lợt lạt. Một đêm nọ, cô vợ thằng anh tắm, đứa con trai mười lăm tuổi của Thị Mót sang nhìn trộm. Thằng anh bắt gặp tại trận, liền nắm lấy tay đứa cháu vô nghì dẫn sang nói chuyện với cô em, bảo phải răn dạy. Lúc đó, thằng chồng ả đi biển xa chưa về. Thị Mót mặt mày xanh xám, miệng nói như van lơn xin anh bỏ qua. Người anh cũng chỉ muốn thằng cháu biết nhận lỗi và bỏ cái thói hư tật xấu kia chứ cũng chẳng ghét bỏ gì cháu. Gần nửa tháng sau, chồng cô em trở về, không biết ả kể lại như thế nào với chồng mà anh vợ em rể bỗng nhiên sinh ra cãi vã một trận dữ dội. Họ suýt lao vào đánh nhau, may mà có hàng xóm tới khuyên can. Kể từ đó hai gia đình trở nên hận thù nhau. Bà mẹ tất nhiên là tin tưởng con trai của mình, nhưng cũng không khuyên lơn giải hoa được cho họ. Rồi thằng anh dẫn vợ bỏ nhà đi sang nước ngoài sinh sống. Ngôi nhà của thằng anh để lại cho bà mẹ già cư ngụ. Từ lúc bà Gon qua đời căn nhà đóng cửa bỏ hoang.  Thị Mót vì sĩ diện chẳng thèm hỏi xin để ở. Ông anh thì ghét cái quân ăn cháo đá bát nên cũng chẳng thèm cho. Thế là Thị Mót mỗi khi đi ra đi vào thấy căn nhà sừng sững thế kia bỗng nhiên phẫn uất. Ả căm ghét hàng cột cao vuông, những cái cửa gỗ lên nước sơn đỏ au, và bức tường dài quét sơn vàng tươi như vỏ chuối. Thế là ả phao tin ông thầy bói mù ở xóm chợ bảo nhà có ma phải cào đi. Những đứa con ả hùa theo rêu rao nếu không phá bỏ căn nhà ấy thì gia đình ả sẽ bị yêu quỷ quấy phá, gia đạo bất an.

Mặt trời đã đứnng bóng. Con quái vật đã rời khu vườn. Dấu tích căn nhà bây giờ chỉ còn là một đống xào bần. Ánh nắng chiếu vào những tấm tôn rách nát, những tia phản quang loang loáng như những ánh đao quang rợn người. Khung cảnh im vắng, đổ nát và điêu tàn.

 

6.3.2024

Trần Đức Phổ

(Tác giả gởi)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...