Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

NHẢY TÀU - Hoàng Thị Bích Hà

Foundation – A Nonprofit 501 (c ...

Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.

 <!>

Rồi hai người có với nhau một đứa con. Kiều Thu chạy chợ buôn bán lặt vặt , Hải thì làm đủ việc phi pháp bao gồm cả trộm cắp, móc túi, bán ma túy,…Một hôm Hải bị bắt vì tội buôn bán ma túy số lượng lớn nên đã bị kết án tử hình.

Kiều Thu còn lại trên đời bơ vơ không biết dựa dẫm vào ai. Đôi bên cha mẹ cũng nghèo nên phải tự lập cánh sinh, vất vưởng qua ngày.

 

Thế rồi Kiều Thu nghe người ta rủ nhau đi “nhảy tàu”, tức là đi buôn bán trên tàu. “nhảy tàu” cũng có nghĩa là nhảy từ tàu nọ qua tàu kia mỗi khi chuyển tàu, hay chạy trốn từ toa nọ sang toa kia để tránh thuế vụ, quản lý thị trường hay kiểm soát viên chẳng hạn. Có khi sợ bị kiểm hàng và bị bắt khi qua trạm kiểm soát của ga nên khi đến gần ga tàu thường chạy chậm, họ trút hàng xuống và nhảy xuống luôn, không vào ga. Hồi đó đi đường ngắn thì họ nhảy lên tàu chợ bán hàng ăn uống như: cơm, bánh, nước uống,… theo tàu chợ đi khi nào gặp chuyến tàu chợ chạy ngược chiều thì nhảy sang tàu trở về. Kiều Thu đi buôn đường ngắn trên tàu, một thời gian cũng có có đồng vào, đồng ra trang trải nuôi con.

 

Sau một vài năm kinh nghiệm việc “nhảy tàu” đã sành sỏi rồi. Chị bèn nảy ra ý định là đi buôn chuyến trên tàu đường dài, từ Bắc vào Nam và ngược lại. Hàng hóa thì tùy theo nhu cầu mà mua bán. Lúc này đi buôn không phải dễ vì mọi hàng hóa đều đưa vào mậu dịch và cửa hàng hợp tác xã hết. Từ các mặt hàng gia dụng đến lương thực, thực phẩm, may mặc kể cả kim chỉ. Nếu ai tự ý đi trao đổi hàng hóa sẽ bị xem là buôn lậu. Và sẽ bị thuế vụ, quản lý thị trường kiểm soát nghiêm ngặt. Vì thế muốn đi buôn đường dài theo xe thì phải quen với cánh tài xế để được giúp đỡ, chở che, giấu hàng,… Kiều Thu đi buôn đường dài theo tàu Thống Nhất Bắc Nam, đi vài chuyến, một hôm ả trông thấy trên toa có anh kiểm soát viên khá đẹp trai, mặt hiền lành, nói giọng Sài Gòn. Ảnh tên là Trần Văn Thiện, trên bảng tên có ghi nên dễ dàng biết tên. Văn Thiện (còn gọi là Ba Thiện, anh con thứ hai, nhà ở đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3). Kiều Thu khệ nệ bưng mấy kiện hàng vào toa, gặp Văn Thiện đứng ngay cổng, thấy cô gái mang vác có vẻ nặng nên Thiện giúp một tay kéo hàng vào. Sau đó câu chuyện qua lại, biết Kiều Thu đi buôn đường dài tuyến SG-HN, còn Văn Thiện là kiểm soát viên của đôi tàu Thống Nhất Bắc Nam. Cứ mỗi chuyến như vậy Văn Thiện sẽ đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, nghỉ vài ngày, lại quay vào Sài Gòn, nghỉ một hai ngày lại đi ra. Nắm được lịch trình của Văn Thiện nên lúc nào Kiều Thu cũng canh me đúng chuyến có Văn Thiện để đi cùng. Hai người ngày càng thân thiết và phải lòng nhau lúc nào không hay. Sau này, Kiều Thu cứ lên phòng của Văn Thiện và hai người cứ quấn lấy nhau như sam. Kiều Thu rất rành trong vấn đề tình ái, dù gì thì Thu cũng qua một đời chồng rồi mà, và đã có một đứa con. Còn Văn Thiện thì trai tân nên dễ bị lưới tình giăng mắc.

 

Rồi hai người đi đến kết hôn, dĩ nhiên gia đình Văn Thiện không đồng ý, nhưng Thiện thì không rứt ra được mối tình này, nên Thiện bảo với ba mẹ là tụi con đã có em bé. Ba mẹ của Thiện là những người hiền từ, nên cũng chiều ý con cũng làm đám cưới cho hai người.

 

Sau này về nhà chồng Kiều Thu dẫn theo cả đứa con riêng là bé Thanh Thủy bốn tuổi, trong nhà mọi người cũng thương bé. Vì trẻ con mà, cháu cũng không có tội tình gì, ai nỡ bỏ bé khi mẹ đi lấy chồng khác. Rồi Kiều Thu sinh thêm hai đứa con chung: một trai, một gái với Văn Thiện nữa là ba đứa con. Có vẻ Kiều Thu không mấy quan tâm đến bé ThanhThủy. Mọi việc ăn uống của bé chủ yếu là cô Tư Lan (em của Thiện) và bà nội là mẹ của Thiện chăm sóc. Vì vậy sau này lớn lên, bé Thanh Thủy rất quý “bà nội” và cô Tư Lan. Hai người vẫn tiếp tục đi công chuyện buôn bán trên tàu cho đến khi Văn Thiện nghỉ hưu lúc 60 tuổi. Kiều Thu 63 tuổi (lớn hơn Thiện 3 tuổi).

 

Trong cuộc sống nhà chồng, từ ngày Kiều Thu về làm vợ của Văn Thiện trong gia đình thì vai trò làm chủ nhà dường như không phải mẹ của anh Thiện mà là Kiều Thu. Thu rất sắc sảo, lấn lướt chồng và gia đình chồng. Thị tỏ ra rất quyền thế, Kiều Thu cũng ỷ là mình đã sinh con trai- cháu nội đích tôn cho gia đình nên nghiễm nhiên là chủ gia đình. Văn Thiện thì cũng thương bố mẹ nhưng nhu nhược, sợ vợ nên Thu nói gì cũng xiêu theo. Ba của Thiện tuổi già, phần mất tự do trong chính căn nhà mình, tuổi ngày càng cao, sức khỏe giảm dần rồi về với đất vào một ngày cuối năm mưa tầm tã. Không khí trong gia đình ngày càng buồn bã hơn!


Cô Tư Lan vẫn đi làm văn phòng ở một cơ quan trong thành phố, nhiều lúc bận công chuyện tối mới về nhà, buổi trưa có khi ăn cơm mà Kiều Thu cũng không buồn gọi mẹ ra ăn. Thiện hỏi thì Thu bảo, mẹ mệt không ra ăn, giờ chắc ngủ rồi, chút dậy hỏi bả ăn gì thì đi mua. Thấy mẹ mình đối xử không ân cần với “bà nội”, bé Thanh Thủy thường bới cơm và đưa cho bà ăn và hỏi han bà hàng ngày. Sau này bé Thủy lớn, gả đi lấy chồng, cô Tư Lan đi làm nên bà nội ngày càng buồn, cô đơn và ít nói hơn. Bà cứ trông cho hết ngày, ngóng ra ngõ để chờ cô Tư đi làm về mới có người trò chuyện. Nên vì thế có bạn bè cù rũ cà phê hay cơ quan hội hè liên hoan, Tư đều từ chối, hết giờ làm là về với mẹ.

 

Mẹ ngày càng già yếu, có lần đi từ giường lần ra nhà vệ sinh bị té gãy chân, hoảng quá điện gấp Tư về đưa đi bệnh viện. Rồi cơ quan Tư đổi đi cách nhà 15 km, Tư phải ở nhà trọ để tiện đi làm và cũng thấy thoải mái hơn, hàng ngày Tư không thể về chăm nom mẹ, mà để mẹ ở nhà thì không yên tâm, sợ mẹ té nữa, không ai lo nên Tư đưa mẹ về phòng trọ sống với mình luôn!

 

Thế là căn nhà cả một đời tạo dựng của hai ông bà già giờ trở thành nhà của Kiều Thu. Nhà đổi chủ sang tên sau khi Văn Thiện bị tai biến và qua đời. Dù có nhà nhưng cuối đời mẹ và em gái của Văn Thiện cũng phải đi ở nhà thuê. Với lý lẽ là nhà ông bà thì phải để cho con trai, và con trai có cháu đích tôn sau này thờ tự vì thế nhà về tay quản lý của mẹ con Kiều Thu là vì vậy.

 

Cuộc đời đôi khi có những điều bất ngờ mà người đời không lường trước được. Khi may mắn gặp dâu hiền, rể thảo, rước dâu về phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Còn dâu dữ thì sẽ xảy ra trường hợp như kể trên. Khi cô dâu bước vào nhà đồng nghĩa với việc cha mẹ đã bị tước mất tự do, nếu người chồng nhu nhược, đúng sai gì cũng nghe vợ. Sau một thời gian đã quen với cung cách chủ mới, có thêm cháu nội thì ông bà còn bị tước luôn cả căn nhà.

 

Cha hay mẹ ai già yếu trước thì cũng phải về với đất, người còn lại và em gái là Tư Lan phải thuê căn phòng 10m2 để sống. Xem như bị mất nhà ngay cả lúc mình còn sống mặc dù căn nhà do cha mẹ mình tích cóp cả quảng đời làm lụng vất vả mưu sinh.

 

Thấy cảnh mẹ già không người chăm vì thế Tư Lan cũng không lập gia đình, để chuyên tâm lo cho ba mẹ. Tuổi trẻ xuân sắc của cô qua đi theo ngày tháng, mẹ cũng đã về cõi tịnh khi tuổi già sức yếu. Còn lại cô Tư thì vẫn phòng không chiếc bóng và ở nhà thuê. Mặc dù Tư sinh ra trong gia đình trung lưu ở quận 3 Saigon xưa, cha mẹ khá giả, nhà rộng vài trăm m2 ngay trung tâm thành phố. Cha mẹ cũng hết lòng lo cho con con ăn học, có nghề nghiệp đàng hoàng nhưng kết cục cuối nhận về của gia đình không mấy vui!

 

Saigon, ngày 19/7/2024

Hoàng Thị Bích Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...