Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Sừng Sững Nhất Linh - Trần Yên Hòa

 

Tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nhất ...

Nhà Văn Nhất Linh
 

Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ - tuổi thanh niên lúc bấy giờ: Đó là khát vọng yêu nước, tự nguyện dấn thân làm cách mạng, chống thực dân Pháp, chống độc tài, giải phóng dân tộc, và thêm nữa, đổi mới hoàn toàn nếp sống cũ, nếp sống hủ lậu, nô lệ, của phong kiến, của thực dân. Thế hệ chúng tôi may mắn là có ông. Tôi khâm phục và kính trọng. Và tôi tôn ông làm thần tượng.

 <!>

 

Chương trình Việt Văn trung học đệ nhất cấp thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 đã có học về Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Tôi nhớ mãi một đoạn văn trong Đoạn Tuyệt, Nhất Linh tả tâm trạng cô Loan, nhân vật nữ chính trong truyện, là một cô gái tân thời, yêu Dũng, một thanh niên đi hoạt động cách mạng. Nhưng hoàn cảnh trớ trêu, Loan bị gia đình ép phải lấy Thân, một người nàng không yêu. Trong tâm trang đó, nửa muốn thoát ly ra khỏi nếp sống gia đình của xã hội cũ, nửa lo sợ không biết khi mình thoát ra khỏi chiếc lồng đó, rồi sẽ ra sao? Nhất Linh tả cảnh đó như sau:

"Loan đi rẽ lên đê Yên Phụ. Gió bãi thổi làm quần áo Loan phất phới. Tay giữ chặt lấy khăn san, nàng đi ngược lên chiều gió, hai con mắt buồn bã nhìn ra phía sông rộng.
Sau mấy rặng xoan thưa lá, dòng sông Nhị thấp thoáng như một dải lụa đào. Bên kia sông gió thổi cát ở bãi tung lên trông tựa một đám sương vàng lan ra che mờ mấy cái làng con ở chân trời. Xa nữa là dãy núi Tam Đảo màu lam nhạt, đứng sừng sững to tát nguy nga, ngọn núi mù mù lẫn trong ngàn mây xám.
Loan đưa mắt nhìn một cánh buồm in trên nền núi xanh, nghĩ đến những cuộc phiêu lưu hồ hải ở nơi nước lạ, non xa. Loan ao ước được ở một chiếc thuyền kia tháng ngày lênh đênh trên mặt nước, mặc cho nó đưa đến đâu thì đến, để xa hẳn cái xã hội khắt khe nàng đương sống.
- Trốn!
Nghĩ đến rằng ở trong cái thuyền nhỏ ấy chắc lại thấy đủ các thứ khó chịu của xã hội kia, Loan mỉm cười thất vọng. Cái thuyền ấy biết đâu lại không phải là cái nhà tù trôi nổi...
- Trốn không được thì chỉ có một cách là can đảm nhận lấy cái đời hiện tại của mình, nhìn sự thực bằng đôi mắt ráo lệ không phiền muộn, không oán hờn, mạnh mẽ mà sống. "

Qua đoạn văn được học thuộc lòng từ hồi học trung học đệ nhất cấp, tôi bỗng yêu Loan, yêu Dũng và yêu mối tình đó. Loan là một cô gái tân thời, đẹp, có học, tâm hồn phóng khoáng, muốn thoát ra khỏi cái xã hội cũ với nhiều nề nếp ràng buộc. Còn Dũng, một thanh niên có tâm hồn tự do, nguyện hiến cuộc đời cho tha nhân, Dũng đi làm cách mạng chống Pháp, để đem lại tự do, độc lập cho dân tộc và để thay đổi xã hội. Mối tình ấy và hai con người ấy thật là lý tưởng. Trải qua bao nhiêu hoàn cảnh nghiệt ngã, Loan phải lấy Thân, rồi sống không hạnh phúc, rồi Thân chết, Loan bị tiếng oan là giết chồng...Sau đó Loan ra tòa, được trắng án...Nàng nghĩ ngay đến Dũng ...

Tôi yêu và say mê Đoạn Tuyệt nên yêu luôn tác giả. Nhất Linh thuở đó - thuở tôi còn là một cậu bé trung học, ông đã sáng ngời trong tâm trí tôi. Dù lúc đó, khoảng năm 1958,  ông đã lên Đà Lạt, sống cùng với hoa lan, cùng suối Dame...ông đã quy ẩn, đã rút khỏi những hoạt động chính trị, rút khỏi những sóng gió của chính trường...mà với lòng cương trực, ông đã bị nhiều đau thương, thất bại, bởi sự lọc lừa của cộng sản, của độc tài.
Bây giờ ngồi viết về Nhất Linh và những hoạt động văn học cũng như hoạt động chính trị của ông, tôi biết đã có biết bao nhiêu tác giả đã viết. Tôi biết, nếu viết về ông, có thể viết cả hàng chục ngàn trang sách, cũng không thể kể hết về cuộc đời ông, con người ông. Tôi chỉ là kẻ hậu sinh, khi ông mất, tôi mới 16 tuổi, nhưng tôi đã biết buồn đau, thương xót cho thần tượng của mình. một thần tượng văn học, một thần tượng cách mạng, chính trị. Cho đến bây giờ, văn chương Nhất Linh, cuộc đời hoạt động của Nhất Linh vẫn sáng ngời ngời trong tôi, vĩnh viễn, như thuở tôi còn là cậu thiếu niên 16 tuổi.

 

Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam (1905 - 1963)

 

 BBC News ...

 

Về tiểu sử và cuộc đời hoạt động văn học, báo chí cũng như hoạt động cách mạng, chính trị của Nhất Linh có rất nhiều người đã viết. Nói chung, tất cả các bản tiểu sử đó đều giống nhau, có tiểu sử thì chi tiết, có tiểu sử thì quá ngắn gọn. Sau đây tôi xin ghi lại một bản tiểu sử Nhất Linh Nguyễn Tường Tam mà tôi thấy là trung dung, vừa đầy đủ mà không quá dài dòng:
Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam. Ông sinh ngày 25 tháng 7 năm 1905 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nguyên quán làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ông nội Nhất Linh là Nguyễn Tường Tiếp, làm tri huyện Cẩm Giàng, gọi là Huyện Giám, rồi về hưu tại đây. Cụ có người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Nhu làm Thông Phán, gọi là Thông Nhu, hay Phán Nhu. Ông Nhu mất năm 1918 khi mới 37 tuổi. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Sâm, có được 7 người con:

Nguyễn Tường Thụy, tổng giám đốc bưu điện...
Nguyễn Tường Cẩm, kỹ sư canh nông, giám đốc báo Ngày Nay
Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh.
Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo.
Nguyễn Thị Thế.
Nguyễn Tường Lân (Vinh), tức nhà văn Thạch Lam.
Nguyễn Tường Bách, bác sĩ.

Gia đình Nhất Linh sống ở Cẩm Giàng, một huyện nhỏ. Cha ông mất sớm, cả nhà lâm vào cảnh khó khăn. Từ bé, anh em Nhất Linh đã tiếp xúc với những người nông dân nghèo khổ, điều đó ảnh hưởng đến văn học của Nhất Linh và Thạch Lam sau này.
Thuở nhỏ, Nhất Linh theo học tiểu học ở Cẩm Giàng, học trung học tại trường Bưởi ở Hà Nội. Năm 16 tuổi Nhất Linh làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi ông có bài Bình Luận Văn Chương về Truyện Kiều trên Nam Phong Tạp Chí.
Cuối năm 1923 ông đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên ông làm thư ký ở sở tài chính Hà Nội. Ông làm quen với Tú Mỡ và viết cho tờ Nam Phong. Thời gian đó, ông lập gia đình với bà Phạm Thị Nguyên.
Năm 1924, ông tiếp tục học ngành Y và Mỹ Thuật, nhưng chỉ một năm rồi bỏ. Năm 1926, Nhất Linh vào Nam, gặp Trần Huy Liệu và Vũ Đình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh nên hai người này bị bắt, Nhất Linh phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường đi du học.
Năm 1927 Nhất Linh sang Pháp du học. Ở Pháp ông nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản. Năm 1930, ông đậu bằng Cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa) và trở về nước trong năm đó.

Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn

Trở về nước, Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Đạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng "Tiếng Cười", nhưng thiếu tiền chưa ra được báo thì giấy phép quá hạn, bị rút. Trong hai năm 1930 đến 1932, ông dạy học tại trường Thăng Long, ở đó ông quen biết với Trần Khánh Giư  (Khái Hưng).
Năm 1932, cùng một số người khác, Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai. Ông chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích lễ giáo phong kiến, hô hào "Âu hóa" và đề cao chủ nghĩa cá nhân. Nhất Linh làm giám đốc kiêm quản lý tờ báo Phong Hóa. Kể từ ngày 22 tháng 9 năm 1932, báo Phong Hóa ra tám trang lớn, chú trọng về văn chương và trào phúng, tạo ra ba nhân vật điển hình: Xã Xệ, Lý Toét và Bang Bạnh.

Năm 1933, Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn gồm có:

Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam)
Khái Hưng (Trần Khánh Giư), còn gọi là Nhị Linh
Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long)
Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân)
Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)
Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ)

Về sau có thêm Xuân Diệu và Trần Tiêu - em của Khái Hưng. Còn có một số nhà văn khác cộng tác chặt chẽ với Tự Lực Văn Đoàn như: Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ. Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn là báo Phong Hóa.
Năm 1936 tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì Hoàng Đạo viết bài châm biếm Hoàng Trọng Phu. Tờ Ngày Nay, trước ra kèm với Phong Hóa, tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo. Ngày Nay cũng là tờ báo hậu thuẫn mạnh mẽ cho tân nhạc trong những năm đầu hình thành.

Hoạt động Chính Trị

Năm 1938, Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt, rồi đổi tên là đảng Đại Việt Dân chính năm 1939 mà ông làm Tổng Thư ký. Hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực trở thành công khai.
Năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt và bị đầy lên Sơn La, đến năm 1943 mới được thả. Trong thời gian này, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay. Cuối năm 1941, Ngày Nay bị đóng cửa. Năm 1942 Nhất Linh chạy sang Quảng Châu. Thạch Lam mất tại Hà Nội vì bệnh lao. Đại Việt Dân Chính Đảng thì đã gần như tan rã. Trong thời gian từ 1942 đến 1944, ông học Anh Văn và Hán văn.
Tại Quảng Châu và Liễu Châu ông gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh mới ở tù ra. Nguyễn Tường Tam cũng bị giam bốn tháng ở Liễu Châu, được Nguyễn Hải Thần bảo lãnh mới được Trương Phát Khuê thả ra. Nguyễn Tường Tam hoạt động trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, rồi về Côn Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc dân đảng, tá túc với Vũ Hồng Khanh. Tháng 3 năm 1944, tại Liễu Châu, Nguyễn Tường Tam được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, tức Việt Cách.
Sự tranh chấp, bắt bớ và thủ tiêu giữa hai đảng Việt Minh của Hồ Chí Minh và Việt Quốc càng ngày càng gia tăng. Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Giang, nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh.
Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay, với Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách, lại tục bản, khổ nhỏ, ngày 5 tháng 3 năm 1945 và trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Tháng 5 năm 1945, tại Trùng Khánh, ông sáp nhập Đại Việt Dân Chính đảng với Việt Nam Quốc Dân Đảng là Đại Việt Quốc Dân Đảng, tên gọi mới trong nước, còn tên gọi ở hải ngoại, nhất là tại Trung Hoa là Việt Nam Quốc Dân Đảng, tránh dùng danh xưng Đại Việt vì lý do tế nhị trong giao tế với bạn đồng minh Trung Hoa. Nguyễn Tường Tam làm Tổng Bí Thư của tổ chức mới này. Cuối năm 1945 tổ chức này ra công khai với danh xưng Mặt Trận Quốc Dân Đảng, gọi chung là Việt Nam Quốc Dân Đảng, hay Việt Quốc.
Đầu năm 1946, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội, tổ chức hoạt động đối lập chính quyền Việt Minh, xuất bản báo Việt Nam. Tháng 3 năm 1946, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại Giao trong Chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến.
Ông cũng tham gia Quốc hội khóa I đặc cách không qua bầu cử.
Nguyễn Tường Tam đã làm Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị trù bị Đà Lạt đàm phán với Pháp. Ông được cử đứng đầu Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau nhưng không đi mà bỏ trốn sang Trung Quốc tháng 5 năm 1946 và ở lại Hồng Kông cho tới 1951, sau sự kiện cơ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội bị Lực lượng Việt Minh  tấn công và giết nhiều đảng viên hai đảng này, và bắt nhiều người khác.
Năm 1947 Nguyễn Tường Tam cùng Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Hải Thần, Lưu Đức Trung thành lập Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất Việt Nam nhằm ủng hộ Bảo Đại, chống cả Việt Minh lẫn Pháp, nhưng đến năm 1950 thì mặt trận này tan rã.
Năm 1951, về nước mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn, và tuyên bố không tham gia các hoạt động chính trị nữa. Năm 1953, Nguyễn Tường Tam lên sống tại Đà Lạt. Tuy nhiên trong Quốc Dân Đảng vẫn tồn tại phái Nguyễn Tường Tam.
Năm 1958 rời Đà Lạt về Sài Gòn, ông  xuất bản giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, phát hành được 11 số thì bị đình bản. Năm 1960 ông về Sài Gòn thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng.
Ông bị chính phủ Ngô Đình Diệm gọi ra xử ngày mùng 8 tháng 7 năm 1963. Đêm 7 tháng 7, tại nhà riêng, nghe tin sẽ bị đưa ra tòa xét xử, Nguyễn Tường Tam dùng thuốc độc quyên sinh để phản đối chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, ông để lại lời di chúc lịch sử nổi tiếng là:

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do"

Ông có 7 người con, gồm 5 con trai: Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thạch, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Thái và 2 con gái Nguyễn Kim Thư, Nguyễn Kim Thoa

Tác phẩm: 

Truyện dài:

  • Gánh hàng hoa (cùng Khái Hưng, 1934)
  • Đời mưa gió (cùng Khái Hưng, 1934)
  • Nắng thu (1934)
  • Đoạn tuyệt (1934-1935)
  • Lạnh lùng (1935-1936)
  • Đôi bạn (1936-1937)
  • Bướm trắng (1938-1939)
  • Xóm cầu mới (1949-1957). Trường thiên, viết dở dang.
  • Giòng sông Thanh Thủy (1960-1961). Trường thiên, tác phẩm cuối cùng, gồm ba tập:
  • Ba người bộ hành
  • Chi bộ hai người
  • Vọng quốc


Truyện ngắn:

  • Nho phong (1924)
  • Người quay tơ (1926)
  • Anh phải sống (cùng Khái Hưng, 1932 - 1933)
  • Đi Tây (1935)
  • Hai buổi chiều vàng (1934-1937)
  • Thương chồng (1961)

 

Tiểu luận:

  • Viết và đọc tiểu thuyết (1952-1961)

 

Sách dịch:

  • Đỉnh gió hú của Emily Bronte (đăng báo 1960, xuất bản 1974

 

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự huỷ mình

 

 Nguyễn Tường Tam năm 1963 ...


Di chúc

Lúc bấy giờ chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức tìm diệt những người kháng chiến cũ. Luật 10/59 ra đời đã giết hại bao nhiêu thường dân vô tội, với phương châm là thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Nhất Linh cùng các nhà hoạt động  khác thành lập mặt trận Quốc Dân Đoàn Kết, ủng hộ  cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá  Vương Văn Đông.
Cuộc đảo chính tháng 11  năm 1960 thất bại, hầu hết những người liên can bị bắt. Chính quyền  Diệm nhân cơ hội này cho bắt giam các nhân sĩ, lãnh tụ đảng phái, giáo phái khác... Nhất Linh bị quản thúc tại gia hơn hai năm rưỡi. Ngày 5 tháng 7 năm 1963, Tòa án  Quân Sự  đặc biệt Sài Gòn có trát đòi ông có mặt lúc 7giờ30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số 131 đường Công Lý Sài Gòn, và để nghe xét xử  tội "Xâm phạm an ninh Quốc gia".
Trong hồi ký "Nhất Linh - cha tôi" của Nguyễn Tường Thiết phát hành tại Sài Gòn  năm 1964, những ngày cuối cùng của Nhất Linh được kể lại như sau:

"... Buổi sáng ngày 7/7/1963, Nhất Linh đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm  cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Các con đoán có lẽ ông đi họp ở đâu vì cũng đúng vào Chủ nhật  tuần trước, tức 30/6 ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt.

Khoảng gần 10 giờ Nhất Linh về. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh người con trai. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay, ông mở bia, rót vào cốc nhỏ ra dáng suy nghĩ. Một sấp ronéo để trước mặt ông.
Đó là bản cáo trạng khá dày, trong đó có những lời kết tội như "phản quốc", "xâm phạm an ninh quốc gia". Trong suốt hơn một giờ, Nhất Linh vẫn giữ im lặng, suy nghĩ. Khoảng 11 giờ, với vẻ thảnh thơi, ông thay quần áo ngủ, rồi dặn người con trai  Nguyễn Tường Thiết: "
Chiều nay con lại luật sư  Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?".

Con trai nói: "Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ coi như là một dịp đi nghỉ mát".
Nhất Linh đáp lại: "Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử  những người quốc gia  đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc".

Nhất Linh đã chủ ý cho độc dược vào rượu uống. Khi gia đình  phát hiện ra thì đã muộn: Cuối phòng, vẫn trên cái ghế xích đu, ông gục đầu hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn lên gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ gục.
Gương mặt êm ả, bình thản. Để ý lắm mới thấy một ít nước bọt rỉ ra ở khóe mép... Thân thể ông mềm, trong túi có một tờ giấy, đó là Di ngôn. Ông đã viết hai bản di chúc, một để trong túi áo ngực, một tờ dặn đưa cho bác sĩ Đặng Văn Sung, nhờ ông ấy chuyển ra ngoại quốc.

Ngày 8/7/1963 phiên tòa bắt đầu xét xử. Trong số những can phạm, có người nào đó đã xé một chiếc áo đen làm thành từng mảnh chia cho mọi người, đeo cánh tay trái làm băng tang Nhất Linh, khiến cho chủ tọa phiên tòa ngỡ ngàng.
"Ủy viên chính phủ", trung tá  Lê Nguyên Phu, Tòa Án Quân Sự  Đặc Biệt (người ký trát đòi Nhất Linh ra tòa) nói: "Bọn Quốc Dân Đảng để tang Nguyễn Tường Tam". Thực ra theo Trương Bảo Sơn, hôm đó gần ba chục chính trị phạm có mặt tại phiên tòa đều đeo băng tang, chỉ trừ Phan Quang Đán. Kết thúc phiên tòa, mỗi bị cáo  bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo.
 

Thi hài Nhất Linh được an táng tại nghĩa trang Giác Minh, sau được hỏa thiêu di cốt, gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu, quận 3, Sài Gòn.
Trong những năm sau này, gia đình Nhất Linh đã đưa di cốt của Nhất Linh về chôn tại tại làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
 

 *


Từ ngày Nhất Linh tự huỷ mình đến nay đúng 46 năm (2009). Một cái chết hào hùng để phản đối một chế độ độc tài gia đình trị. Cái chết đó là ngọn lửa khơi mào cho cuộc cách mạng 1-11-1963 của toàn dân đứng lên lật đổ bạo quyền. Ai có tận mặt chứng kiến những ngày đó mới cảm thấy thế lực của toàn dân mạnh đến đâu, sự bùng nổ của lòng căm thù dâng lên trong những cuộc biểu tình, xuống đường của toàn dân miền Nam chán ghét chế độ gia đình nhà Ngô đã đến tận cùng. Một chế độ tàn bạo cáo chung, nhưng rồi với những con bài chính trị, những người lãnh đạo cuộc cách mạng không làm đúng được sứ mạng của mình, cùng với sự tháo chạy của đồng minh, đã đưa đất nước vào tay cộng sản ngày 30-4-1975.
 

 *


Gần đây, có một số tác giả đã viết  xuyên tạc về cái chết của Nhất Linh, khiến cho cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản và những người cầm bút, những con người có chút  lương tâm vô cùng phẩn nộ.
Ý đồ của họ là muốn đạp đổ thần thượng Nhất Linh trong lòng mọi người, đưa ra những bằng chứng suy diễn viễn vông đề kết luận rằng, cái chết của Nhất Linh là do ông bị bệnh tâm thần, đau buồn vì thất bại trong hoạt động chính trị, nên ông mới tìm lấy cái chết, một cái chết định trước. Đó là những điều mà theo tôi là đã xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn. Để cho khách quan, tôi xin trích lại một đoạn của tác giả Vũ Cầm, đăng trên talawas, để phê phán hành động bôi nhọ bẩn thỉu này:

Mưu Tính Đưa Nhất Linh Vào Nhà Thương Điên!

Bài "Chúc thư văn học của Nhất Linh: Một Cái Chết Định Sẵn" của Nguyễn Văn Lục là một "công trình nghiên cứu" rất lạ, không ra văn học, cũng chẳng giống y học (mặc dù có trưng ra vài từ y học), với một cung cách trình bày ngoắt nghoéo nhiều hậu ý.
Xin nói thẳng ra nhận xét chung đầu tiên: đây là một bài làm ra vẻ nghiên cứu, nhưng mục đích chính là để bôi đen chân dung một bậc hào kiệt của Việt Nam, chỉ vì người ấy dùng cái chết của mình chống đối chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Và chống đối có kết quả: chỉ mấy tháng sau khi Nhất Linh tự tử, chế độ Diệm đã nhào đổ. Đối với chế độ của ông Ngô Đình Diệm thì nhận định của tôi vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn thấy nó tệ hại, không đoàn kết được (thực chất thì không bao giờ muốn đoàn kết) với các phần tử quốc gia uy tín khác chính kiến. Giết chóc, tù đày những thành phần quốc gia ưu tú là việc chế độ này đã làm, một cách liên tục trong chín năm cầm quyền. Nghĩ thật cám cảnh cho những chiến sĩ quốc gia chân chính trong truyền thống kẻ sĩ Việt Nam, phía bên kia thì bị phe cộng sản quốc tế giết hại, phía bên này thì bị chính quyền một ông Tổng thống Thiên Chúa Giáo trừ khử. Bi kịch này, mong có một dịp sẽ thảo luận kỹ hơn.
 

Ông Nguyễn Văn Lục, dưới cái áo khoác "nghiên cứu", cố gắng phục hồi chế độ Diệm, không bằng lời lẽ ca tụng chế độ ấy, mà theo cách bôi đen những ai chống đối nó. Những kẻ cùng chí hướng với ông đã lắm phen nhục mạ tướng Dương Văn Minh và các tướng lãnh chủ mưu cuộc đảo chánh; dựng lên một màn hỏa mù cho người ta thấy, bằng những chứng cớ hoàn toàn láo khoét, rằng tất cả các nhà sư tranh đấu hồi 1963 toàn là cán bộ cộng sản; thậm chí đã phao cái bí mật động trời này: trong các chùa có một bài thuốc bắc khi uống vào thì toàn bộ hệ thống thần kinh con người bị tê liệt, và Thích Quảng Đức đã được cho uống thang thuốc ấy trước khi tự thiêu. Họ hy vọng hình ảnh đại hùng, đại lực, đại từ bi trong truyền thống Phật giáo bỗng dưng sẽ bị xóa đi, làm tầm thường hóa đi, với cái bài thuốc quái đản này, thì cũng không khác hình ảnh "nướng thịt" do bà Ngô Đình Nhu sáng tác ra. Những gì thuần túy có gốc rễ sâu xa của tâm thức Việt Nam có vẻ bị khinh miệt quá đáng bởi những yếu tố ngoại nhập, có thể vì ý thức ngoại lai thì không thể nào cảm nhận thấm thía được những giá trị truyền thống nghìn đời của một dân tộc.
Luận đề chính của ông Nguyễn Văn Lục là chứng minh nhà văn Nhất Linh không phải đã tự tử để lên án chế độ Diệm, mà đó là một cái chết đã được định sẵn, đến đúng thời điểm hội đủ duyên thì nó xảy ra, thế thôi. Nếu thành công trong biện luận này, thì sẽ có một hệ luận tự nhiên hiện ra: chế độ của cụ Diệm rất tốt, nhà văn, nhà cách mạng nổi tiếng vào bậc nhất của Việt Nam là Nhất Linh đâu có chống đối gì chế độ ấy, chẳng qua ổng bị bệnh tâm thần mà tự tử vậy thôi.
....
Nhưng ai đã đọc Nhất Linh, từ Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Nắng Thu, Đi Tây, Hai Buổi Chiều Vàng, Bướm Trắng ... rồi Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy của thập niên 1950, 60, có nhận ra điều mà ông Lục nói không? Với tư cách một độc giả bình thường, tôi phải khẳng định ngay rằng ông Lục đã nói ra những điều bịa đặt...
Ông Lục đúng là đã "chẩn bệnh kiểu văn học," trích đây một câu, kia một câu rồi ra... bệnh án. Theo lối này, nhiều lắm chỉ nên đặt ra như một giả thuyết khi trà dư tửu hậu, chứ viết ra những khẳng định về một nhân vật rất lớn của đất nước, giữa một giai đoạn lịch sử gay cấn như mùa hè năm 1963, thì tôi thấy thiếu đứng đắn.
Trên đây chỉ là nói qua cái ý đồ chính của ông Lục, khi đọc bài ông sẽ thấy rất nhiều chi tiết bộc lộ sự không đứng đắn khác của ông. Nói chung, mục đích của ông là cố ý "hạ" Nhất Linh, tạt một thùng hắc ín vào chân dung của nhà văn, nhưng đây đó vẫn điểm xuyết vài ngụy trang khen ngợi. Đó là một cái mánh để tỏ ra mình "vô tư", nhưng nếu đọc kỹ sẽ thấy tác giả rất thống nhất trong chủ ý của mình, "gài mìn bẫy" rất tinh vi khắp nơi.
Nguyễn Văn Lục mưu đồ cho Nhất Linh vào nhà thương điên. Nhưng sức lực và tư cách ông Lục bao nhiêu mà làm nổi việc ấy? Người điên, họa chăng là chính Nguyễn Văn Lục!”

   

*

Bài viết của tác giả Vũ Cầm tôi trích ra ở trên chỉ là một số đoạn chính. (Và cũng vì quá dài nên không thể đang bài của tác giả Nguyễn Văn Lục).
Đó cũng là suy nghĩ của tôi đối vơí nhà văn Nhất Linh, một Nghệ Sĩ, một Chiến Sĩ. Con người đó, lúc nào cũng sừng sững trong tôi, một hình ảnh bất diệt.


Trần Yên Hòa

Bài đã đăng tại nhiều báo.

(2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...