Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Giải oan cho Thục - Trần Yên Hòa

 Foundation – A Nonprofit 501 (c ...

tranh trịnh cung

 

Khi Luân qua Iowa. Luân muốn gặp Thục. Vì chàng biết, Thục đang ở tiểu bang này cùng gia đình. Thục đã cùng chồng và hai con định cư ở đây được mấy năm. Nhưng ngặt một cái là không biết Thục ở thành phố nào?. Iowa không rộng, nhưng với một người mới qua Mỹ như Luân, tìm người quen đâu có dễ.

 <!>

Cũng một dịp trò chuyện cùng Phố, Phố nói:

- Mày cố gắng tìm gặp Thục đi, cô nàng ở gần mày đấy.

Luân trả lời:

- Ô, thế thì hay quá, tau qua đây đã gần nửa năm, ai cũng bảo Thục ở đây, mà đâu biết địa chỉ đâu mà tới thăm, cũng như chả biết số điện thoại để mà gọi.

- Thì tau cũng vừa mới tìm ra, qua đây lục lạo tìm những người quen cũ hỏi thăm nhau để vui, may mà có số điện thoại của Thục đây này. Sẳn sàng giấy bút chưa, ghi đi.

Luân ghi số phone của Thục vào một tờ giấy nhỏ. Đến đêm, chung quanh im ắng,  anh mới gọi cho nàng.

Tiếng điện thoại reo nhưng không ai bắt máy. Anh đành tắt máy, tắt đèn đi ngủ.

Chiều hôm sau từ hãng về nhà, chàng thấy dấu hiệu chớp chớp, chắc có người gọi. Thì ra Thục đã gọi khi Luân còn đang "cày" trong hãng thịt.

Anh vội vào bấm số của Thục, và nghe tiếng Thục ngay:

- A lô, ai đó?

- Thục đó phải không? Tôi là Luân đây, hồi trước là láng giềng của Thục. Nhớ tôi không?

- Xin lỗi, lâu quá không nhớ nổi anh Luân ơi!

Luân phải nói thêm:

- Luân trên phố khu nam, sau đi pilot đó mà.

Thục bỗng la lên trong ống nghe:

- Ô, anh Luân hả? Vậy mà em cứ ngợ ngợ, qua đây em quên hết tiếng người rồi anh.

Thục nói tiếp, giọng rất nhanh, cũng là giọng ngày xưa, nhưng hơi khàn đi, gần hai mươi năm rồi còn gì.

- Anh đang ở đâu đó, sao anh biết số phone em mà gọi.

- Thì cũng may mắn thôi. Hôm qua thằng Phố từ Seattle gọi qua, nó cho anh số phone của Thục.

- Thế hả, anh Phố dạo này sao rồi?

- Thì vẫn mạnh và khỏe, có điều con cái đùm đề rồi.

- Thì mình già hết rồi mà, mình nay thuộc vào lứa tuổi cao niên rồi chứ còn gì. Còn anh thì sao?

- Anh vẫn solo, đang đi làm trong hãng thịt ở đây.

- Ô, vậy thì anh làm chung hãng với ông xã em rồi.

- Không, anh làm hãng khác, anh ở tận thành phố Wareloo, chạy xe đến em cũng hơn hai tiếng, anh xem bản đồ rồi.

- Thế hả, vậy là em mừng hụt. Hôm nào rảnh, mời anh ghé nhà em chơi.

Luân và Thục nói chuyện nhau cũng lâu, hỏi nhau đủ chuyện. Kiếp tha hương qua đây, gặp một người thân là mừng hết lớn, có chuyện gì là kể cho nhau nghe. Đó cũng là niềm vui của những kẻ sống nơi đất khách quê người.

Thục là cô nữ sinh đẹp nhất vùng khu nam. Mỗi khi nàng đi học, bận áo dài trắng, quần trắng thì khỏi chê. Chàng nam sinh nào đi ngang qua cũng nhìn. Ai cũng khen nàng có đôi mắt và mái tóc hớp hồn thiên hạ, nhiều nhất là những chàng trai cùng lớp.

Nhưng đời sống, tình yêu của nàng là một trang bi kịch. Nghĩa là yêu một người mà lấy một người. Chuyện đó cũng thường xảy ra ở cuộc đời này.

Luân chỉ là một chàng trai láng giềng của Thục, mê Thục, nhưng thấy nhiều người bu quanh nàng quá nên chàng de ra xa. Rồi sau đó, chiến tranh, thời cuộc đẩy Luân ra xa thêm nữa. Luân vào quân đội, chàng gia nhập không quân, làm một chàng phi công hào hùng với bộ đồ bay màu cam. Chàng có những mối tình khác. Hai người không có những điểm để gần nhau.

Chàng lấy chiếc phi cơ làm bạn, những cuộc hành quân giải tỏa yểm trợ bộ binh dưới đất, đã chiếm hết thời gian của Luân. Còn Thục cũng có những mối tình riêng, đến kết cục, nàng lấy chồng, một chàng trung úy bộ binh. Coi như duyên phận.

Sau ngày mất nước, người chồng Thục vô tù, lúc đó nàng mới hai lăm. Ôi, cuộc sống của người thiếu phụ hăm lăm tuổi với hai con, cũng khổ sở trăm bề. Thục đã là mục tiêu của bao quan chức, xã ấp, phường, huyện, tỉnh...Rồi người đời nhìn vào đàm tiếu. Đó là những lời dè bĩu, chồng đi tù, nàng ở nhà lạng quạng, quen hết người này đến người khác, có người còn nói thêm, Thục là "gái hạng sang", ai có tiền là nàng chịu liền.

Tiếng tăm đó không biết thực hư ra sao, nhưng đã đánh động qua tim Luân. Có thật như thế không? Dù không có một tình yêu với nàng trước đó, nhưng Luân bỗng nhiên thấy giận ngang. Sao nàng có thể như vậy?

Tai tiếng nàng nhiều người biết, bàn tán xôn xao trong vùng khu nam, rồi lên thị xã, rồi lan đến cả những địa phương chung quanh. Ai nói đến nàng, nhất là các bà tự cho mình là đoan chính, hay vẽ cho mình một vùng hào quang của chữ tiết hạnh trong giáo khoa thư, và họ kết án nàng như một loại đàn bà dâm loàn, thiếu đàn ông là không được.

Không nghe tiếng biện hộ gì từ Thục. Nàng im lặng, cho đến ngày người chồng về, và hai người cùng hai con đi Mỹ.

Nhưng Luân là bạn bè xưa, nghe nói đến Thục như vậy chàng thấy không công bằng, người ta vẫn lấy câu, không có lửa làm sao có khói.

Cho nên lần này tìm được Thục ở cùng tiểu bang, nói chuyện với nhau gần tiếng đồng hồ, hai người chỉ gợi lại kỷ niệm những ngày còn là học trò ở phố khu nam, ngôi trường ngói đỏ, những con đường đi học....Thế thôi. chàng không đề cập gì đến tin đồn về nàng. Chàng muốn giữ sự công bình của mình, và muốn làm sáng tỏ, chàng phải tự mình dấn thân tìm hiểu thử coi sao.

 Cuộc sống ở nơi xa quê thật buồn, nhất là ở một tiểu bang lạnh ít người Việt. Luân sống lặng lẽ. Vào hãng làm rồi về nằm bò trên nệm ngủ, ngủ vùi,  trong mệt mỏi. Rồi sáng hôm sau thức dậy đi cày tiếp. Cuộc đời lăn quay như một trái bóng. Chàng phi công hào hoa, hào hùng ngày xưa nay đã mỏi gối chồn chân, chàng chỉ một mục đích duy nhất là làm việc kiếm tiền, để trả nợ quê nhà, những người thân đã cho chàng mượn tiền để làm hồ sơ xuất cảnh. Bây giờ là lúc chàng phải làm để bù đắp lại những công ơn ấy.

Tuy nhiên, con người còn có phần tinh thần nữa chứ, cho nên Luân phải có chút niềm vui, chứ sống ủ ê hoài làm sao sống nổi. Nên chuyện gặp lại Thục làm chàng phấn chấn hơn lên. Dù gì cũng có chỗ nói và có chỗ nghe. Chỉ cần vậy thôi. Như đã trút hết những stress tồn đọng trong thời gian qua từ chàng qua nàng.

Luân nghĩ một cách minh bạch hơn, mình phải tìm hiểu thêm về người bạn gái láng giềng này, cho biết thực hư.

 

Bây giờ, mỗi lần Luân đi làm về, tắm rửa xong, ăn uống qua quít là chàng gọi điện thoại nói chuyện với Thục. Sống một mình trong căn Apt thuê, chàng thấy như căn nhà quá rộng. Rộng và lạnh. Ở cái tiểu bang lạnh có khi dưới -32 độ F đã làm chàng rét cóng. Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua đi.

Bây giờ việc điện thoại cho Thục là hàng đầu, bởi vì Luân nghĩ, đó là niềm vui, là niềm an ủi, để chàng an tâm sống và tồn tại nơi này.

Có lần Thục nói:

- Anh Luân ơi! Chỉ có anh em mới nói, vợ chồng em từ ngày qua Mỹ đến giờ coi như ly thân rồi. Ổng  đi làm thì thôi, chứ về nhà chỉ ăn và coi TV. Vợ chồng không nói với nhau một lời. Ổng khùng nặng rồi anh ơi, mỗi khi lên cơn, ổng chữi bới tùm lum. Em khổ quá.

Khùng? Những người đi tù về thường có đời sống tâm lý bất bình thường. Bởi vì sống trong tù quá kham khổ, và bị áp lực nặng nề bởi các tay quản giáo, vệ binh "đì" tù nhân sát nút. Nên những người từ trại tù ra thường bị mát dây, hay nói thật hơn là bị khùng. Luân cũng có lần như vậy. Ngày trở về, chàng ngơ ngơ ngác ngác như kẻ tâm thần. Cũng may, chàng còn độc thân, nên chuyện về cơm, áo, gạo, tiền không nặng lắm. Lần hồi, cũng mấy tháng sau, chàng mới từ từ tỉnh lại.

Cho nên chàng biết, có thể chồng của Thục cũng bị trong hoàn cảnh trên, nên chàng thấy thương người chồng, hơn là ghét, một người cùng hoàn cảnh như chàng.

Tiếng điện thoại bên kia reo. Đợi một lúc lâu mới có tiếng trả lời.

Tiếng nói:

- A lô. Thằng nào đó, thằng nào gọi hoài dụ con vợ tau vậy. Mày là thằng lưu manh, thằng du côn mất dạy, chuyên đi dụ dỗ đàn bà. Mà con vợ tau cũng là con dâm phụ, mày không biết sao mà còn rớ đến nó.

Luân hơi hoảng, chàng khựng lại, nhưng hiểu ngay. Đây là tiếng của người chồng. Người chồng mà Thục vẫn gọi là khùng nặng. Anh ta tự dưng chưa biết gì về mối quan hệ của hai người mà đã lên tiếng nặng lời, toàn là những lời kết tội nặng ngàn cân.

Luân chưa kịp lên tiếng đáp trả thì tiếng cúp phone đánh cụp.

Luân nằm ra giữa giường ngữa mặt lên trời nhìn trần mùng. Tự nhiên anh thấy thương cho Thục. Luân nghĩ, sống với một người đàn ông thế này làm sao chịu nổi. Nếu là người tỉnh táo, đàng hoàng, biết lịch sự và phải trái, thì anh ta có thể hỏi mình ở đâu, quan hệ thế nào với Thục. Chưa biết gì mà anh ta đã chữi toáng lên, không kể ai ra ai. Sao không giữ thể diện cho vợ, sao không một chút lịch sự tối thiểu. Luân chép miệng thở dài: Đúng. Anh ta đúng là khùng hay điên thật rồi. Mình cần nên tránh xa Thục là hơn. Mình chỉ muốn kết nối tình thân thiết đồng hương ở một nơi xa lạ như thế này thôi, chứ có ý đồ gì đâu. Thế mà anh ta đã nói những lời quá nặng.

Luân suy nghĩ trong đầu lan man. Rồi anh thiếp đi lúc nào không hay.

Khoảng một hai hai tiếng sau, Luân không nhớ rõ, tiếng điện thoại lại reo. Luân không muốn bắt máy vì nghĩ người chồng của Thục chắc đang gọi tới quấy phá. Anh nằm im mấy giây, nhưng sau đó lại nghĩ, biết đâu Thục gọi thì sao. Anh bắt máy.

Đúng y như rằng, tiếng Thục ở đầu giây bên kia:

- Anh Luân ơi! Hồi nãy ông chồng em quậy anh phải không? Em xin lỗi anh nhe. Tánh tình ổng bây giờ bị hoang tưởng rồi. Ai gọi tới nhà cũng bị ổng chữi toáng lên vậy chứ không phải riêng anh đâu. Bây giờ ổng nhìn trước nhìn sau, đâu cũng thấy em ngoại tình. Ổng chữi em hằng ngày. Đi làm về gặp em là chữi. Mà vô hãng làm việc cũng gây lộn với bất cứ ai, nên hãng đã đuổi việc ổng rồi.

Nghe Thục nói một hơi dài, Luân thấy  nhẹ người. Bịnh của chồng Thục là bịnh hoang tưởng, thôi thì mình cũng đừng trách ổng làm chi.

Luân nói:

- Ừ, anh nghe ổng nói vậy anh cũng buồn, nhưng nghe em giải thích anh hiểu rồi. Thôi định mệnh đã vậy, em cố gắng sống đi.

Tiếng Thục khóc thút thít nhỏ chuyền qua ống nghe:

- Em khổ quá anh Luân ơi. Qua đây em muốn quên hết, cố gắng dựng lại đời, cố cho các con ăn học nên người, nhưng không ngờ ông chồng em lại bị vậy.

- Ừ, thì ổng có lẽ ở tù lâu, riết rồi bị hoang tưởng thấy điều gì cũng nghĩ bậy nghĩ bạ. Thấy ai cũng nghĩ họ sẽ hại mình, cũng lừa dối mình. Anh hiểu mà, em đừng buồn nữa, nghe.

Hai người nói chuyện với nhau khoảng ba mươi phút nữa. Lúc nào Thục cũng khóc và than, em khổ quá...Chuyện cũng làm Luân cảm thấy xao lòng.

Thật ra, trong đời sống, ở nơi chốn này, con người ta cô đơn quá. Điểm dựa duy nhất là gia đình, người chồng, những đứa con, nhưng Thục không được những thứ đó. Những đứa con lần lượt xa nàng, đi học xa, đi làm xa, chúng tự lo cho bản thân. Bây giờ chỉ còn một mình nàng trong căn nhà rộng. Người chồng thì nửa điên nửa tỉnh. Mới đây, nửa đêm, ông xông vào bóp cổ Thục, khiến nàng phải kêu 911. Sở xã hội tới, cảnh sát tới bắt ông đi. Bây giờ sở xã hội đang giữ ông và cảnh sát cách ly ông để giữ an toàn cho người vợ.

Nàng đã làm đơn xin li dị.

 

Vậy cho nên buổi tối, hai người nói chuyện với nhau qua điện thoại thường hơn. Những xẻ chia trong hoàn cảnh  cô đơn. Nàng cũng như chàng, coi như tựa vào nhau mà sống, Qua cuộc kể chuyện, Luân hiểu Thục hơn, nhưng chàng vẫn không hiểu sao ngày xưa tin đồn nàng cặp bồ với nhiều người đàn ông có chức có quyền, nàng là "gái hạng sang".

Anh quyết làm sáng tỏ chuyện này.

Và cuối cùng, hai người hẹn gặp nhau. Luân đã nói yêu Thục, đã bày tỏ tình cảm của mình, nửa là sự thật, trái tim chàng đã đập loạn nhịp vì nàng, một nửa là chàng tự nhủ, hãy làm như thế để tìm hiểu nàng thế nào, tinh thần và thể xác thường đi đôi với nhau, sự lãng mạn thường đi đôi với da thịt nổi loạn, đam mê. Chuyện người đời vẫn thường kết luận như vậy.

Chàng tìm hỏi người này người kia trong hãng để biết rõ về đường đi nước bước nơi em ở.

- Thục cho anh địa chỉ nhà đi để anh đi đón em.

Một địa chỉ lạ, một thành phố lạ. Qua Mỹ mới nửa năm nên chàng như người mán lạc xuống thành phố. Qua đây, chàng chỉ biết đường lái xe từ nhà đến hãng, và ngược lại, thế thôi. Những ngày chủ nhật, thứ bảy, nếu hãng kêu làm thì Luân đi, còn không thì chàng cũng lẫn quẩn trong nhà, hay đi giặt đồ tại những tiệm giặt đồ công cộng.

Có thể nói cuộc sống chàng bây giờ quá buồn tẻ. Chàng chỉ có niềm vui là những đêm, những ngày nghỉ gọi về Cali thăm bạn bè, chính nhất vẫn là gọi cho Thục.

Câu chuyện của hai người miên man về những kỷ niệm cũ xưa ở thành phố quê nhà. Con đường tráng nhựa độc nhất chạy xuyên qua, nơi đó, buổi chiều, biết bao nhiêu tà áo trắng nữ sinh bay rợp cả con đường đi học. Cũng lạ nhỉ, hai người sống cùng một thành phố, đi một con đường tới trường, thế mà không có một chút gì thân thiết.  

Rồi cuộc đời vật đổi sao dời, hai người lại tìm biết nhau nơi đây, và bức tranh xưa được vẽ lại.

Khi hai người đến Mỹ khi không còn gì, dĩ vãng trầm trầy trầm trật, tương lai thì mịt mùng những đêm tối dày đặc. Nhưng ra đi cũng giải thoát cho Luân thoát khỏi những ngày oằn mình đạp xe xích lô rả cả chân tay. Ra đi cũng giải thoát cho Thục những món nợ từ nhỏ đến lớn. Nàng đi buôn hàng chợ để đắp đổi qua ngày, nhưng nàng buôn những thức gì, lấy hàng ở đâu, thì người chồng đi theo quậy phá, khiến nàng hết vốn liếng lại thêm công  mắc nợ.

Chuyện đã qua như một cuốn phim dài, có hỷ nộ ái ố dục lạc...mà mỗi lần nghĩ tới ai cũng thấy lòng mình quặn đau.

Luân nghiên cứu đường đi nước bước từ nơi chàng  đến nơi em ở. Anh tự trách mình từ lâu quá thụ động, để bây giờ đi free way chỉ có hai tiếng đồng hồ, chỉ một free way  duy nhất mà chàng cũng lúng túng. May có thằng Thiện, một bạn cùng hãng thấy Luân lơ ngơ quá, sợ bạn đi lạc nên dùng một tờ giấy trắng, để chỉ dẫn đi đến đâu, rẻ đường nào, xuống exit nào. Luân cầm tở giấy trắng chằng chịt những lời ghi chú, nhưng anh cũng vẫn thấy run trong lòng, không tự tin vào mình cho lắm.

Thiện dặn thêm:

- Khi nào đi lạc exit nào thì nhớ gọi cho tau nghe. Thấy ông hai lúa, tôi lo quá.

Luân cố nói với lòng tự tin còn lại:

- Ông yên chí đi, tôi hoàn thành tốt công tác mà,

Thiện dặn tiếp:

- Đến nơi, ông điện thoại cho tui ngay nhé,  cho tôi yên tâm.

- OK, tôi sẽ đi đến nơi về đến chốn, đưa nàng về dinh an toàn cho ông xem.

- Vậy thì tôi đợi tin tốt từ ông đấy. Chúc thượng lộ bình an.

 

Khoảng cách của hai thành phố chỉ khoảng một trăm miles mà với Luân như đường xa diệu vợi.

Buổi sáng thứ bảy, trời rất trong và gió mát. Luân diện bộ đồ vía cất hoài trong tủ, quần tây xám đậm, sơ mi tay dài màu hồng nhạt. Trông chàng cũng còn ngon lành lắm. Chẳng bù với hàng ngày, Luân đi làm xỏ tay vào chiếc áo nhà binh mua ở good will, cái quần jean xanh đã cũ. Vào hãng đã có chiếc áo choàng trắng công nhân. Mới đầu trông cũng giống bác sĩ, nhưng là bác sĩ công nhân cắt thịt. Bây giờ chàng đổi lốt, chàng trở thành chàng trai hào hoa như chàng trang sinh trong truyện tích.

Chàng ra xe không quên đem theo bửu bối là tờ giấy ghi rõ đường đi nước bước. Bây giờ chàng lại có nỗi lo mới, không biết chiếc xe có thể đưa chàng đi đến nơi về đến chốn không đây. Vì chiếc xe là chiếc Ford của đời tám mốt, đã chạy trên hai trăm ngàn miles, chuyên đi từ nhà chàng đến hãng rồi trở về, chứ không đi đâu xa.

Chàng lái lên Free với nỗi xôn xao như chàng trai mới lớn đi hẹn gặp người yêu. Chàng trung niên này bây giờ yêu cũng dữ dội lắm, như ngày xưa vào quân trường chàng đã hát bản quân ca, một đoàn trai đi khi xuân tới, hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi...

Bây giờ chỉ có mình chàng đang bon bon trên chiếc xe cổ lổ sĩ, lo sợ không biết bao giờ xe bị hư giữa đường. Nhưng mà trời thương, xe cũng chiều lòng chủ, đi khoảng 2 tiếng đồng hồ thì chàng đã tới nơi em ở.

Chàng và nàng hẹn nhau ở một siêu thị. Đúng rồi, siêu thị đây rồi. Chàng dừng xe ngoài parking  rồi đi bộ vào nơi nàng hẹn, anh vào bên trong siêu thị, em sẽ đợi anh ở đó. Em mặc chiếc đầm mà hoa cà anh nhé. Khuôn mặt Thục chắc anh còn nhớ. Dù cũng qua mấy mươi năm, anh không mơ ước một Thục trẻ trung, tươi mát, rạng rỡ như xưa. Nhưng anh cũng nghĩ là Thục qua Mỹ chí ít có một đồi sống kinh tế ổn định, không thiếu trước hụt sau như ngày còn ở Việt Nam, nên nàng, đã sẳn vóc dáng xinh đẹp ngày cũ, bây giờ có thua sút chút ít thôi, cũng được mà. Dĩ nhiên đàn ông nào không muốn người mình yêu xinh đẹp dù ở lứa tuổi nào.

Luân bước vào siêu thị với tấm lòng mở rộng, chàng muốn ôm choàng cả khung cảnh này, những người đàn bà Mỹ đang tíu tít đi cạnh chồng, những cô gái da đen bận chiếc quần bó sát để hở cả rún và bụng.  Tất cả đã làm chàng vui. Chàng thấy mình trẻ lại như ngày xưa, như thuở hẹn hò thời trung học. Bỗng có tiếng gọi nhỏ:

- Anh Luân. Em đây, Thục đây.

Luân quay lại nơi phát ra tiếng gọi, một người đàn bà da tái tái, bận chiếc áo màu tím rộng thùng thình, chiếc quần tây đen cũng rộng quá khổ. Luân nhìn người đàn bà vừa gọi và đã giới thiệu tên. Thục đây thật sao?

Dù hơi thất vọng, nhưng Luân đã tự kìm chế mình và nở nụ cười với Thục:

- Ô, Thục đây phải không? Đã lâu quá, cũng trên mấy mươi năm, anh tưởng Thục thay đổi lắm nhưng Thục vẫn vậy, vẫn đẹp như ngày nào.

Thục cười vui:

- Em già rồi anh, em không muốn gặp anh vì em sợ làm anh thất vọng. Chắc em không kêu, anh cũng chẳng nhìn em ra đâu há.

Luân thấy mình cũng nên ga lăng một tí:

- Không đâu, em vẫn đẹp mà. Nhưng thời gian có chừa ai đâu. Anh cũng già hóp rồi đây này.

Hai người cười vui.

Luân đề nghị:

- Thôi bây giờ mình ra xe, anh đưa em về nhà anh nhé. Nói nhà anh cho oai vậy thôi, chứ nhà anh thuê đó.

Thục ngập ngừng:

- Thì em đã đồng ý là về nhà anh chơi, thế mà bây giờ em lại run quá. Không biết có nên đi không?

- Có gì mà run, em không còn chồng và anh solo thì còn sợ ai nữa chứ.

Rồi chàng cầm tay Thục dắt ra xe.

Buổi tối xuống mau, trời mới còn ánh sáng đó bây giờ đã tối mịt. Luân chở Thục ghé tiệm Mac Donals ăn tối, vì anh biết về nhà cũng chẳng có thức ngon vật lạ gì để đãi nàng. Ăn tiệm là tiện nhất. Xong anh đưa Thục về căn nhà anh ở.

Luân bật đèn, khí hậu miền đông về đêm đã gây gây lạnh, dù cuối mùa hè sang đầu mùa thu.

Luân dắt tay Thục bước vào căn phòng và bật đèn lên. Ánh sáng tỏa ra làm hai người nhìn rõ nhau hơn. Đúng là thời gian đã làm Thục thay đổi quá nhiều. Nàng gầy hơn anh tưởng, chỉ có nụ cười và giọng nói là còn giữ như ngày xưa:

- Em thấy thế nào, nhà độc thân nên bê bối quá. Em đừng chê nghe.

- Anh ở vậy là khỏe quá rồi, nhà vẫn ngăn nắp thế kia. Em cũng làm biếng lắm, ít dọn dẹp nhà cửa, nên phòng ốc bê bối lắm anh.

Anh chỉ cho Thục phòng vệ sinh, buồng tắm để nàng tắm rửa. Anh nghĩ, dù gì đây cũng là đêm tân hôn của hai người tình già. Người đàn ông nào không muốn khám phá một thân thể đàn bà nóng hôi hổi, đầy những đam mê. Nghĩ đến đây, anh thấy lòng mình tràn đầy sức sống. Và háo hức được chiếm lĩnh.

Thục ra khỏi phòng tắm, nàng có vẻ tươi tỉnh và đằm thắm hơn với bộ đồ ngủ màu hoa khế, màu tím rất dịu dàng.

Luân trải những tờ báo lên chiếc bàn, lấy những thức nhậu vừa mới mua ở chợ ra đặt trên bàn. Chàng biết Thục đói nên đã dẫn nàng đi ăn Mc Donals, còn bây giờ anh nghĩ chỉ là thức ăn chơi, uống vài ly rượu vang cho lên tinh thần.

- Em lại ngồi với anh, anh và em uống chút rượu giao bôi.

Luân kéo Thục ngồi xuống cạnh mình.

Rượu thường làm người ta ngây ngất, tuy là rượu vang nhưng qua vài ly, hai người đã đỏ mặt. Mặt Thục hồng lên trông rất dễ thương. Luân thấy mình cần tiến thêm, dầu gì anh cũng là đàn ông độc thân, nay mới gặp Thục thì sự ham muốn càng dâng cao.

Anh hôn Thục nồng nàn và đưa tay tìm những điểm nhạy cảm của nàng. Thục cũng oằn mình run rẫy:

- Từ từ đã anh, anh đừng làm em sợ.

Đang run rẫy trong vòng tay Luân, tự dưng, Thục ngồi bật dậy và cầm tay anh, nói nhanh:

- Anh Luân, đến giây phút này em mới nói thật cùng anh, em biết anh rất buồn nhưng cũng phải nói để anh khỏi thất vọng về em. Em từ nhỏ, bẩm sinh, "cái của em" không bình thường như những người đàn bà khác, nó nhỏ lắm, nên của anh không để vào được đâu. Nếu cố gắng em sẽ rất đau, như có ai cầm dao cắt da thịt mình vậy.

Đang hứng tình, Luân nghe Thục nói vậy, tự nhiên mọi ham muốn của anh chựng lại.

Anh hỏi lại:

- Vậy với chồng em thì sao, làm sao mà sinh được hai con.

- Thì ông ta cũng chỉ chà sát bên ngoài rồi xuất tinh. Tinh khí vào chút bên trong nên em có bầu. Hai lần sinh là hai lần em phải mổ.

Đến lúc này thì anh mạnh dạn hơn:

- Sao anh nghe hồi trước, chồng em đi cải tạo, em ở nhà bồ bịch tùm lum, có lúc dính bầu đẻ con phải cho con vào trại  cô nhi.

- Thì bây giờ em mới chứng minh cho anh biết để anh thấy sự đồn đãi có đúng không? Lời thiên hạ là rắn rết mà anh, họ chỉ nghe thôi chứ không biết sự thật thế nào, đã tuyên bố này nọ đủ mọi chuyện, trong lúc em là người trong cuộc, cũng không nghĩ ra chuyện họ bịa đặt.

Tự dưng Luân thấy thương Thục, đã bao năm nàng bị mang tiếng là người đàn bà lăng loàng trắc nết, dâm ô. Nhưng mà sự thật cơ thể nàng không làm được "chuyện ấy", thì có đàn ông nào muốn nữa.

Tối hôm đó hai người ngủ chay. Dù một vài lần Luân cố gắng "thử" nhưng không được, cái của nàng quá nhỏ. Chàng chỉ còn có một điều là cho ra ngoài, để giải tỏa chuyện đàn ông.

*

Mối tình sau lần đó là tan, không phải Luân vì chuyện kia không được mà bỏ bê nàng, nhưng chàng phải trở về Cali, người bạn gọi qua nói đã kiếm cho chàng cái chốp thơm, khỏi phải đứng cắt thịt phờ người.

Cuối cùng chàng nghĩ, cuộc đời với biết bao chuyện không lường được. Phải tiếp xúc thật với đời sống, với con người mới biết sự thật tường tận.


Chuyện bây giờ mới kể, cũng hơi muộn màng. Xin những ai biết Thục, hãy thương cho Thục, vì nàng bị hàm oan suốt mấy mươi năm.

Cũng mấy năm sau, một hôm Luân nghe tin Thục chết vì một căn bệnh hiểm nghèo. Chàng cũng có những tiếc thương, nhưng rồi với cuộc sống xô đẩy, mọi chuyện dần dần quên đi.

Thôi cũng đành.

Trần Yên Hòa  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...