hoa sưa tam kỳ
Tam-Kỳ là một thị xã nhỏ mà con đường chính là Quốc lộ 1, chạy xuyên qua phố. Có thể nói thị xã bắt đầu từ bến xe liên tỉnh đến cầu Tam Kỳ là hết, bề ngang từ khu giải trí đến ga xe lửa. Thị xã nhỏ và êm đềm.
Thuở ấy, những ngày thơ ấu xưa, khoảng niên khóa 59-60, tôi thi đậu vào trường Trung học Trần Cao Vân. Làm sao kể hết niềm vui sướng của tôi lúc đó! Một cậu học trò nhà quê tóc vàng cháy nắng và luôn đi chân đất, tôi luôn nhìn về Tam Kỳ như một nơi thị tứ đầy những hấp dẫn mê đắm.
<!>
Lúc đó, tôi nghe dân dã quê tôi hay nói về Tam Kỳ bằng một danh từ rất ư là trọng vọng, đó là "Vạn". Đi chợ Vạn, như là đi đến một nơi chốn nào rất là xa hoa, thị tứ. Với tôi Tam Kỳ là một nơi tôi chưa đặt chân đến bao giờ, mãi đến ngày thi đệ thất. Đạp xe đạp từ sáng sớm dọc theo đường tỉnh lộ đến ngã ba Chiên Đàn rồi theo Quốc lộ 1 đi thẳng vào Tam Kỳ, đến trường Trần Cao Vân dự thi đệ thất, với bao nhiêu nôỉ hồi hộp lo âu. Lúc đó trường Trung Học Trần Cao Vân là trường Trung Học công lập duy nhất cho các quận Tam Kỳ, Tiên Phước,Thăng Bình, Quế Sơn, tất cả các học sinh tiểu học thuộc các quận nầy đều dồn về đây thi đệ thất, nên chuyện đậu vào đệ thất là một việc rất là khó khăn gay go vô cùng.
Năm đó, tôi đậu được, và tôi đã học ở đó, ngôi trường trung học Trần Cao Vân thân yêu đã gần gủi ấp ủ trong tuổi học trò thơ dại của tôi biết bao nhiêu kỷ niệm.
Tôi còn nhớ rất rõ, ngôi trường lúc đó còn lợp tôn, tường quét vôi trắng, phía bên trái có một cây đa cổ thụ cành lá xum xuê. Vào những ngày cuối thu trời bắt đầu lạnh và cây lá bắt đầu vàng thì những đàn sáo từ đâu bay về tụ tập kêu inh ỏi. Chim sáo là một loài chim thường được người ta nuôi trong nhà để tập cho chim sáo hót và tập nói tiếng người. Chim sáo hót hay và nói tiếng người cũng hay, nhưng đó là những con chim lẻ, được cưng qúy trong lồng. Còn ở đây, trên tàng cây đa cổ thụ bên hông trường Trần Cao Vân, vào buổi chiều, đàn sáo sau một ngày kiếm ăn trở về đậu đầy trên cành đa và kêu vang trời. Hình ảnh đó đã ghi đậm trong tâm hồn tôi như một dãi lụa hồng êm mát mà khi ở bất cứ nơi nào, nhìn đàn chim sáo là tôi nghĩ đến trường Trần Cao Vân.
Trăm năm tôi vẫn nghe lời hót
chim sáo
trong chiều bình yên xưa
Tôi cứ nghĩ chỉ một mình tôi nhớ đến đàn sáo năm xưa chiều chiều bay về đậu đầy trên cây đa cổ thụ, mà nhà văn Trần Hoài Thư cũng vậy, Trần Hoài Thư tức thầy Trần Qúy Sách, là giáo sư Trần Cao Vân trong những niên khóa 63-64-65, cũng nhớ về trường cũ mình đã dạy bằng những lời thơ.
Mấy mươi năm chưa một lần về thăm
Thị trấn ấy biết còn đàn sáo ngụ?
Ngôi nhà trọ có giàn hoa giấy đỏ
Gốc cây xưa còn đỏ một quảng trời
Có thể tôi không cô đơn trong nổi nhớ, nhất là nhớ về một đàn sáo cũ đã hút xa trong trí nhớ những ba, bốn mươi năm...
Ở Tam Kỳ suốt bảy năm trung học, tôi thuộc hết những ngõ ngách, những đường mòn, những lối đi ngang về tắt. Từ Khổng Miếu đến tòa Hành chánh tỉnh, khu trường Nữ Trung hoc, bệnh viên tỉnh, đến khu Nam Phủ cũ, rồi ga xe lửa, thôn Trường Xuân, qua An Thổ vào Phường 1, những địa danh mà ai trong các bạn đã một lần có dấu chân qua, chắc sẽ nhớ vô cùng.
Năm học đệ tam, tôi ở trọ một nhà người thân dưới phố. Ngôi nhà có những khung cửa sổ nhìn qua bên kia xóm An Thổ. Cũng vào những ngày mùa thu, đứng bên nầy nhìn qua bên kia, tôi thấy cả một vùng hoa sưa nở. Hoa sưa nở một màu vàng rưng, vàng cả đất trời An Thổ. Mùi hoa sưa không thơm nhưng màu vàng thì quá tuyệt. Xuân Diệu trong ''Phấn thông vàng'' tôi đã học năm đệ lục, đệ ngũ, nghe rất đẹp nhưng tôi chưa trông thấy nên không tưởng tượng nổi, nhưng màu vàng của hoa sưa An Thổ tôi đã thấy, màu vàng ruộm cả một vùng trời, khiến tôi liên tưởng đến một động hoa vàng của Phạm Thiên Thư sau nầy:
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.
Động hoa vàng của tôi có thể là màu hoa sưa vàng rực đó.
Thanh phố Tam Kỳ, Quảng Nam
hoa sưa tam kỳ
“Anh đã đi qua tuổi thơ ở đó, mỗi buổi sáng đi học từ ngã ba trường Tàu đến trường Trần Cao Vân, với đồng phục áo trắng quần xanh, anh tung tăng như chú chim sẻ nhỏ, thấp thoáng đâu đó bóng dáng nữ sinh các trường trung học: Nữ Trung học, Bồ Đề, Hưng Đạo, Đức Trí, Nguyễn Dục. Áo trắng nữ sinh rất là yểu điệu thục nữ, các em có thể đi bộ, hay đi xe đạp hàng đàn. Giọng cười nói như tiếng hót của loài chim khuyên líu lo. Tà áo đó, dáng dấp đó, đã cho anh những nổi buồn vui không tên tuổi. Tình yêu không định nghĩa với bao xao xuyến đầu đời.
Anh nhìn lên khung trời An Thổ, một màu hoa sưa vàng au, màu vàng của áo hoàng hậu, màu hoàng yến trộn lẫn với màu vàng hoa cúc, tạo cho hoa sưa có một màu vàng riêng rất khó pha màu, khó diễn tả. Màu vàng nhìn đến sững sờ, màu vàng òa vỡ nỗi đam mê khát vọng, màu vàng nức nở nhức nhối. Anh ôm màu vàng vào đời suốt bao nhiêu tháng năm hoài vọng, những tháng năm học trò.”
Tôi đã đi qua, đã gặp màu vàng hoa quỳ ở Đà lạt, tôi đã nhìn ngắm thung lũng hoa vàng ở San Jose, nhưng tôi vẫn yêu màu vàng hoa sưa khu An Thổ.
Đó có thể là màu của hoài niệm.
Trần Yên Hòa
(viết khoảng năm 2001)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét