tranh nguyễn trung
Phòng bếp nhỏ, sực nức mùi bơ rán, mùi cá chiên và thức ăn lạnh ủ lâu ngày. Trong những căn hộ nhỏ cho thuê, không khí không có lối thoát, nhất là vào mùa đông, các cửa đều đóng kín, nên mùi thức ăn cứ bay luẩn quẩn, chui rúc trong những góc tối của căn phòng.
<!>
Cửa ra vào treo một vòng hoa nhỏ bằng vỏ bào. Tủ kính kê sát tường xếp đủ loại chai lọ lỉnh kỉnh bằng thủy tinh. Bốn người đàn bà quây quanh chiếc bàn gỗ đánh bài. Tiền lẻ quăng vung vãi trên bàn nhưng vẫn chia ra thành bốn tụ. Người đàn bà thứ năm ngồi đan áo hoặc là một chiếc khăn choàng màu lông chuột bên cạnh cửa sổ trông ra đường. Bên ngoài tuyết phủ trắng xóa và bầu trời xanh xám với những cụm mây nhỏ màu chì. Ánh mặt trời chiếu xuyên qua những tảng băng bám dầy trên cây làm chúng trở nên trong suốt như pha lê. Không một bóng người. Động vật sống duy nhất lúc đó là bầy quạ đen gục đầu ủ rũ như những chiếc lá khô khổng lồ còn níu lại được trên những cành khẳng khiu đâm ngang qua ô cửa.
Trong phòng chỉ nghe thấy tiếng máy sưởi chạy o o và tiếng rên của chiếc tủ lạnh khi khởi động lại máy. Thỉnh thoảng nghe tiếng đập bài đánh xoạch xuống mặt bàn. Tiếng ho khan, tiếng xuýt xoa và tiếng cười vang sung sướng. Người đàn bà mặc chiếc áo len cổ lọ màu vàng đề nghị, bật nhạc lên nhé. Nhạc gì cũng được. Nhưng phải là nhạc Việt Nam. Người đàn bà đeo chiếc băng đô đỏ với tay bật cassette. Tiếng hát Tuấn Ngọc vang lên, giống như vẳng ra từ trần nhà dán giấy hoa tím nhạt. "Em còn nhớ hay em đã quên… Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng…". Tao không thể chịu được giọng của Tuấn Ngọc. Vì nó đàn ông quá. Những người có tính cách quá đàn ông thường làm phụ nữ khổ. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí kẻ chì đen đậm theo phong cách những năm sáu mươi, bảy mươi bảo. Khi hát bài này, nó làm tim tao đau nhói. Cuộc sống ở đây cuốn mình đi. Tao có cảm giác mình đã quên dần Sài Gòn. Người đàn bà mặc chiếc áo lót đen để trễ nải qua cổ áo hình trái tim xẻ rộng đưa tay kéo lại dây áo lót vào phía khuất trong áo, khóe miệng trễ xuống hình dấu ớ. Chị lặng lẽ xốc lại bài và chia đều ra thành bốn tụ. Có ai uống cà phê không? Người đàn bà đeo băng đô đứng lên. Chị có thân hình to cao. Bộ ngực vồng lên làm chật căng chiếc áo thun hoa đen trắng. Giờ này trong công sở tao phải uống một ly cho tỉnh ngủ. Không biết bao giờ mới hết tình trạng thiếu ngủ như thế này. Đấy là một đòi hỏi quá cao ở nước Mỹ. Người đàn bà đeo vòng cẩm thạch ở cần cổ trắng, cao nhưng đã có những nếp da bắt đầu xếp lên nhau ngồi bên cửa sổ vừa đan vừa góp chuyện. Nhà chỉ có cà phê Mỹ thôi. Ở trong tủ gỗ đó. Người đàn bà đeo băng đô đỏ nói, vậy cũng được. Tao đã quen với vị cà phê Mỹ rồi. Hai mươi mấy năm đủ làm tao quen với tất cả mọi thứ. Chị lui hui pha cà phê rồi bưng chiếc bình nghi ngút khói lại. Miệng bình chạm vào thành ly sứ lanh canh. Một chất nước nâu lờ nhờ chảy ra. Loãng và gần như không mùi thơm ngoài vị đắng, hăng hắc. Chị uống không đường, không sữa. Không ai uống cà phê với chị. Người đàn bà mặc áo lót đen uống sữa tươi. Những người khác uống nước cam đóng hộp lấy từ tủ lạnh ra. Hơi lạnh làm thành ly mờ đục như phủ khói. Người đàn bà đan áo hỏi, có muốn ăn gì không? Người đàn bà có đôi mắt cắt mí trả lời, thôi. Để bụng đến giao thừa. Chỉ còn có vài giờ đồng hồ nữa.
Con chim gỗ gõ vào khúc cây chín tiếng. Bão tuyết lồng lộn ngoài ô cửa, tạo thành những cuộn lốc màu trắng với những đám bụi mờ mịt. Mặt trời khuất đâu đó sau những rừng cây trụi lá. Trời vẫn sáng. Một thứ ánh sáng lạnh lẽo màu xám buồn. Những con quạ đen cuối cùng đã bay đi. Khắp nơi phủ màu trắng xóa. Cả đến bầu trời xám cũng đã chuyển dần sang màu trắng đục. Có bóng một chiếc áo khoác da nâu di chuyển dần về hướng ô cửa người đàn bà đan áo đang ngồi. Chị hơi nhỏm người lên. Cánh tay tỳ lên bậu cửa nổi rõ những sợi gân xanh. Bóng áo khoác nâu khuất dần.
Có tiếng gõ cửa. Lúc đầu nhỏ sau to lên dần. Chùm chuông trên cửa kêu những tiếng trong veo. "Có khách" Những người đàn bà bỏ bài xuống chờ đợi. Người đàn bà đan áo lẩm bẩm, có thể là con bé Vi. Nó luôn luôn quên chìa khóa ở đâu đó. Chị đứng dậy nhưng không để ý cuộn len đang nằm trong lòng. Nó lăn xuống, chạy dài dưới đất. Con mèo con như một cuộn lông tơ vàng từ góc nhà nhảy xồ ra, hất tung cuộn len lên trời. Người đàn bà cẩn thận nhìn qua lỗ nhỏ trên cánh cửa rồi mở cửa. Giá lạnh ùa vào cùng với người lạ, mang theo hơi ẩm ướt và mùi vị nhàn nhạt của tuyết và gió. Người đàn bà khẽ kêu lên một tiếng nhỏ nhưng vẫn đứng yên. Bốn người đàn bà ngồi ở bàn quay lại, nhìn người lạ dò xét. Người lạ gật đầu chào, lúng túng không biết nên cởi giày hay không. Sàn trải thảm nhung nâu đất viền hoa vàng rất đẹp và sạch sẽ. Cũng không biết đặt áo măng tô ở đâu vì không có móc ở trên tường. Người lạ nhìn quanh, rụt rè bảo, ở ngoài lạnh quá. Cháu muốn gặp mẹ của Vivian. Có cô ấy ở đây không ạ?
Là tôi đây. Người đàn bà đan áo trả lời. Lúc này chị mới nhìn rõ người lạ. Một cậu thanh niên chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi. Da trắng, mũi thẳng. Tóc cắt bàn đinh, phía trước hơi nhuộm vàng để lộ vầng trán cao rộng và đôi mắt một mí xếch dài. Đôi môi mỏng khi cười kéo thành hai sợi chỉ nhưng trở nên duyên dáng nhờ lúm đồng tiền ở bên má trái. Trông cậu giống một người Triều Tiên hơn là một người Việt Nam. Và giống hệt một người…Nghĩ đến đấy tim chị nhói đau. Chị trấn tĩnh lại hỏi, xin lỗi, cậu là ai? Cháu là bạn của Vivian. Cháu tên Tường. Chị đưa tay lên xoa mặt. Chị hỏi, họ của cháu là gì? Thế con bé không về à? Họ của cháu là Nguyễn. Nguyễn Xuân Tường. Vivian không báo gì cho cô biết sao? Người đàn bà đan áo kín đáo thở một hơi dài. Người ấy họ Kim kia. Một cái họ đặc biệt chẳng thể lẫn được với ai. Mà mình sao lạ. Nhớ nhung chuyện đó để làm gì. Hai mươi mấy năm rồi. Trong khi đó người lạ vẫn tiếp tục nói, bằng một thứ tiếng Việt không sõi, Vivian không về được vì không xin phép nghỉ được ở công ty. Cô ấy nhờ cháu mang cái này, à mang cái quà này tới cho cô. Người đàn bà đan áo kéo cậu vào phòng khách, đặt cậu ngồi trên chiếc sô pha ấm áp, rót cho cậu một ly cà phê và bảo, Vi có nói với tôi là nó sẽ cố gắng về. Bảy năm rồi nó không đón Tết ở nhà. Vậy mà…Những tháng đầu năm này công ty có nhiều việc lắm. Người lạ đổi tư thế ngồi cho thoải mái hơn. Chúng cháu không thể nghỉ được. Không thì là bị mất việc thôi. Cậu quay mặt đi, đưa tay che miệng ngáp. Rồi cười ngượng nghịu, năm hôm nay cháu thức trắng đêm. Lại phải lái xe từ New York về đây nên mệt quá. Người đàn bà hỏi, thế cháu ở chơi với cô được lâu không? Cậu bảo, tý nữa cháu có hẹn làm việc với khách hàng và lại che miệng ngáp. Người đàn bà đan áo đứng dậy bảo, thôi được rồi, để cô đi làm chút gì nóng cho cháu ăn đã. Chị quay trở lại bếp. Khi đến cửa, chị ngoái nhìn lại. Tường đã ngủ. Đầu ngoẹo sang một bên. Cái cà vạt lụa in hoa sặc sỡ buông thõng thượt trên ngực áo. Tim chị lại nhói đau. Chị bảo, sao mà có người giống người làm vậy.
Trong bếp những người đàn bà vẫn đang chơi bài. Người đàn bà mặc áo cổ lọ hỏi, ai thế? Người đàn bà đan áo trả lời, bạn của con bé Vi. Vậy là cả cái Tết này nữa, nó cũng không về. Tội nghiệp thằng bé, đi cả một đoạn đường dài, chưa kịp ăn uống gì đã ngủ mất.
Chà, con bé Vi dạo này thế nào rồi nhỉ? Người đàn bà có đôi mắt cắt mí nói, quay qua quay lại đã gần chục năm không gặp nó. Cô nàng chắc giờ khác lắm. Nó ngày càng xinh đẹp, người đàn bà đan áo nói, và giờ thì quên tiếng Việt nhiều lắm rồi. Gọi điện về cho mẹ chỉ toàn nói tiếng Anh. Mình cũng dở, hồi đó cứ sợ nó không hòa nhập được với xã hội Mỹ nên không chú tâm vào việc cho nó học tiếng Việt. Chuyện bình thường thôi. Người đàn bà đeo băng đô đỏ nói. Lũ trẻ bây giờ là vậy. Mà nó phải là vậy. Sống ở Mỹ, làm việc với Mỹ, cái gì cũng dính Mỹ hết. Hỏi làm sao nó không quên dần tiếng Việt được. Thì biết là thế. Người đàn bà đan áo miết những ngón tay thon dài lên cạnh bàn, nhưng vẫn cứ buồn. Tất cả những ngày lễ Tết dân tộc chúng nó chẳng còn quan tâm để ý đến nữa. Chúng nó cứ lấy công việc bận rộn ra mà bào chữa. Thật ra thì chỉ vì chúng mình già rồi chúng mình mới nghĩ thế. Người đàn bà mặc áo cổ lọ nói. Khi già người ta mới thấy cái gốc quan trọng thế nào. Người ta mới thấy cần quê hương đến mức nào. Bọn trẻ bây giờ, việc sống để tồn tại trên đất Mỹ này đã đủ để choán hết thời gian và suy nghĩ của chúng rồi. Quan trọng là cái lòng mình thôi, chứ thái độ bên ngoài đâu có chắc là thật đâu. Người đàn bà mặc áo lót đen lại đưa tay sửa lại áo nói. Hôm vừa rồi bà chị tao ở Việt Nam về mang theo mấy tờ báo trong đó viết về giới trẻ với việc bảo tồn bảo tàng văn hóa dân tộc. Cứ gì nước Mỹ mà ngay cả ở quê mình, không thiếu những đám thanh niên vọng ngoại. Chúng vẫn chơi suốt những ngày lễ, nhưng ý nghĩa của mấy ngày lễ đó thì chúng hoàn toàn mờ tịt. Thế thì có được gì đâu. Chị lại khẳng định lại một lần nữa. Cho nên tao nghĩ cái chính là ở lòng mình. Chị đứng dậy xoa tay vào bụng, vặn người. Những khớp xương kêu răng rắc. Mười giờ rồi, chuẩn bị là vừa thôi. Người đàn bà đeo băng đô đỏ cũng đứng dậy, mở tủ lạnh. Trong tủ lạnh, đồ ăn chất đầy ngất. Người đàn bà mặc áo lót đen tiếp tục. Nếu tụi mình không gặp mặt ngày hôm nay, thì cũng chẳng có ngày Tết nào cả. Hai thằng con với ông xã đều phải đi làm, thậm chí chúng nó đi đến khuya mới về. Ăn bậy bạ vài thứ rồi lăn quay ra ngủ. Này, cái con gà này định làm món gì? Xé phay nhé. Tao nhớ hồi ở nhà Tết mình hay mua con gà trống bẻ chân bẻ cánh, gắn hoa huệ ở trên mỏ nó để cúng ông bà. Cái dáng của con gà sao đẹp quá thế. Rồi lúc cúng xong thì đem xuống chặt miếng chấm muối tiêu chanh ăn với lá chanh sắt sợi. Thịt nó ngọt và dai. Chứ không bở như gà Mỹ thế này.
Ở ngoài phòng khách có tiếng động. Người đàn bà đan áo rời khỏi chỗ, có lẽ thằng bé đã dậy. Các cậu muốn làm món gì thì làm. Mọi thứ có sẵn hết rồi. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí giở gương chải lại tóc, bảo, nhớ nói cậu ấy ở lại chơi nhé.
Tường đã dậy, loay hoay sửa lại chiếc cà vạt. Người đàn bà đan áo bước vào bảo, cháu thôi không ngủ nữa à? Tường trả lời, mắt sốt ruột nhìn đồng hồ. Cháu ngủ quên mất. Cháu phải đi bây giờ đây, không lại muộn hết việc. Thế cháu không ở chơi với cô được sao? Đôi mắt chị thoáng vẻ thất vọng. Các dì ấy đang chuẩn bị một vài món đón năm mới. Năm mới? Tường trợn mắt. Chẳng phải năm mới đã qua hơn một tháng nay rồi. Chị đưa tay lên xoa mặt, mỗi khi xúc động chị lại có thói quen đưa tay lên xoa mặt , không, là năm mới theo Tết âm lịch kia. Oh really, Tường đập tay vào trán. Cháu tệ thật. Hóa ra hôm nay là năm mới của Việt Nam. Cháu tiếc quá. Nhưng cháu phải đi thôi. Cậu chỉ gói quà đặt trên bàn, là của Vivian gửi cho cô. Cháu cũng chẳng biết đấy là cái gì nữa. Nhưng cô ấy dặn phải cẩn thận ghê lắm. Thôi cháu đi cô nhé. Cháu rất vui khi được gặp cô. Cô đẹp hơn cháu tưởng nhiều. Tường bước tới, choàng tay ôm người đàn bà. Chị thấy xúc động. Vì sự có mặt của chàng trai trẻ này trong nhà vào một ngày cuối năm. Nó nhắc chị nhớ đến mối tình đầu và nhớ đến con bé Vi yêu thương. Nửa năm rồi cô không gặp Vi, chị hỏi, nó vẫn khỏe chứ cháu? Tường bảo, Vivian vẫn khỏe. Và nhắc đến cô luôn.
Họ đi ra cửa. Đi ngang qua nhà bếp, chỗ những người đàn bà đang nhộn nhịp nấu ăn. Người đàn bà đan áo bảo, Tường bận việc phải đi. Tường cười, gật đầu chào từ biệt. Người đàn bà mặc áo lót đen bảo, nửa đùa nửa thật, không thể ở lại được à? Chúng tôi nấu để thết đãi cậu đây. Bây giờ cậu đi thì ai ăn hết chỗ thức ăn này chứ? Tường cười bối rối. Sao con trai mà hiền thế, người đàn bà có đôi mắt cắt mí cũng cười, hiền thế thì sao đủ tiêu chuẩn làm bodyguard cho cháu gái tôi được. Mọi người bật cười làm Tường đỏ mặt. Người đàn bà đan áo bảo, thôi đi các bà. Để cháu nó đi không muộn việc. Hai người ra đến cửa còn nghe tiếng cười và giọng nói cố đuổi theo họ, chưa gì mà đã bênh chăm chặp con rể tương lai rồi. Người đàn bà mở cửa, lại hỏi, cháu họ gì nhỉ. Tường trả lời, vẻ hơi ngạc nhiên, cháu họ Nguyễn. Nguyễn Xuân Tường cô ạ. Người đàn bà lầm bầm, thế mà nó chẳng nói gì trước với mình cả. Cái con bé Vi này.
Cánh cửa gỗ khép lại. Tấm bảng mica khắc dòng chữ "Hãy đến và đi với nụ cười hạnh phúc" màu hồng rung lên nhè nhẹ rồi đứng yên trở lại. Người đàn bà đan áo quay trở lại ô cửa sổ, dõi mắt nhìn xuống đường. Tường đang đi xiên xẹo dưới sân vì tuyết rơi khá dầy. Một lúc thì khuất sau lưng tòa nhà. Từ đó một chiếc xe Civic màu đen, trần bám đầy tuyết lao vụt ra. Đôi mắt với những sợi lông mi dài của người đàn bà khép lại ."Ngoài kia tuyết rơi đầy. Sao anh không đến bên em chiều nay. Ngoài kia tuyết rơi rơi. Trong buốt giá tim em lẻ loi…" Giọng ca khàn của cô ca sỹ già văng vẳng trong lòng chị. Chị bảo, mọi người có thấy nó giống Hoàng không. Đấy là tại lòng mày thôi. Người đàn bà mặc áo lót đen nói, chứ nó có giống Hoàng chút nào đâu.
Những người đàn bà bắt đầu dọn bàn ăn. Chỉ có năm người nhưng họ bày biện đủ các món. Tất cả đều là những món đông lạnh mua sẵn ngoài cửa tiệm Việt Nam. Về nhà, bỏ vào lò vi ba, năm phút sau là xong. Cũng khói bay nghi ngút. Nhưng hương vị nhạt hơn nhiều.
Mọi người vào phòng thay đồ. Người đàn bà đan áo mặc áo dài nâu. Người đàn bà đeo băng đô đỏ mặc áo dài màu thiên thanh hoa vàng. Người đàn bà mặc áo lót đen bận áo dài xám. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí mặc áo gấm đỏ. Ngưới đàn bà bận áo cổ lọ mặc áo nhung đen in mờ những chiếc lá hình trái tim. Trông họ nghiêm trang và trở về với đúng tuổi của mình.
Người đàn bà đan áo bảo, kéo rèm lại nhé. Người đàn bà đeo băng đô đỏ mở tủ lấy chai sâm banh và người đàn bà mặc áo cổ lọ bày ly lên bàn. Đồng hồ chỉ mười một giờ kém năm.
Căn phòng tối sầm lại, như trong đêm. Chỉ thấy lờ mờ những khuôn mặt trắng của những người đàn bà và bóng người đàn bà đan áo di chuyển đến gần chiếc tủ gỗ đặt điện thoại và một bình hoa cúc dại. Chị khom người đốt nến. Ánh sáng tỏa ra màu hồng nhạt, có mùi thơm của cỏ. Chị đi một vòng và đốt những cây đèn cầy còn lại. Những cây nến hình vuông, đủ màu với những cánh hoa nhấn chìm trong đó, làm chúng trở nên huyền ảo. Những giọt sáp chậm chạp chảy tràn xuống mặt bàn. Trên đường đi chúng đã kịp đông lại và xoắn xuýt với nhau thành những hình thù kỳ lạ. Mùi thức ăn loãng dần. Căn phòng tràn ngập mùi nến, ấm cúng và thơm tho. Đó là mùi hương quen thuộc của bất kỳ gia đình nào ở Mỹ. Nhưng giờ đây, trong không khí này, nó gợi nhớ đến một mùi hương xưa cũ với tuổi thanh xuân và những tà áo dài sột soạt trong ngày lễ hội. Tuổi thanh xuân của chúng ta… Ai đó cất tiếng khe khẽ. Người đàn bà mặc áo cổ lọ thở dài, nhưng thời đó đã qua rồi. Chúng ta đã già.
Người đàn bà đan áo quay về lại chỗ cũ, bên cửa sổ kéo kín rèm. Chị ngồi thẳng lưng, hai tay chắp trên đầu gối. Con mèo con đã bỏ đi đâu mất. Cuộn len nằm lăn lóc trên sàn. Người đàn bà ngồi đầu hơi gục xuống, lưng tạo thành một đường cong duyên dáng. Người đàn bà có đôi mắt cắt mí nằm xoài ra bàn, ấp những ngón tay dài lên mặt. Người đàn bà mặc áo cổ lọ châm thuốc hút. Khói bay thành những vòng tròn nhỏ không hiểu sao lại thơm mùi bạc hà. Hai người đàn bà còn lại ngồi tựa lưng vào thành ghế, người như sắp trôi tuột xuống đất. Người đeo băng đô đỏ ư ử trong cổ họng một bài hát tiếng Anh.
Lời bài hát thế này " Hãy nhắm mắt lại và đưa bàn tay của anh cho em. Anh có nghe thấy chăng trái tim em đang đập. Và anh có hiểu, anh có cảm thấy như em…" . Những người đàn bà khác hát hòa giọng theo. Người đàn bà mặc áo lót đen dùng chiếc muỗng bạc gõ vào thành ly leng keng. Con chim gỗ nhỏ lại thò đầu mổ vào khúc cây treo trên tường mười một tiếng. Đến tiếng thứ chín thì người đàn bà mặc áo lót đen nổ sâm banh. Bọt rượu tràn ra ngoài, chảy xuống tay chị ướt đẫm.
Mọi người chạm ly. Và gắp bánh chưng vào chén. Nhưng chẳng ai muốn đụng đũa. Người đàn bà mặc áo cổ lọ thì thầm, giờ này ở nhà mọi người đang đón giao thừa. Cũng uống sâm banh và bổ dưa hấu. Rồi đi hái lộc trong chùa. Mình ngồi đây nhớ mọi người ở nhà nhưng chắc mọi người chả ai nhớ đến mình. Người đàn bà đeo băng đô bảo, hai mươi lăm năm rồi. Năm nào cũng chỉ có duy nhất ngày này là thấy giống những ngày ở Việt Nam nhất.
Người đàn bà đan áo đi vào phòng khách. Khi quay trở lại, trong tay chị ôm món quà của cô con gái. Chị đặt nó lên bàn, bảo, quà Năm mới của con bé Vi đấy. Nó chắc chẳng nhớ đến giờ giao thừa này đâu.
Chị gỡ lớp giấy bọc xung quanh. Khi lớp giấy vừa được bóc ra, mọi người ồ lên. Đó là một gốc mai nhỏ trồng trong chậu đất bằng sứ. Trên cành, chỉ có duy nhất một chiếc nụ đang èo uột nở và một bông mai đã rụng hết ba cánh. Bị động, chiếc cánh thứ tư rơi xuống , chạm khẽ khàng vào mặt bàn. Trong ánh nến, nó càng trở nên mỏng mảnh và ánh lên như một vảy vàng.
Người đàn bà đan áo mỉm miệng cười. Khi đưa tay lên xoa mặt, chị mới nhận ra nước mắt chị đã chảy ra dàn dụa trên má từ lúc nào.
Nguyễn Thị Châu Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét