|
tranh khánh trường
Nằm trên đồn Hoàng Oanh. Tên đồn không biết ai đặt ra, là tên của một cô ca sĩ thời danh, hay hát những bản nhạc về quê hương, về lính.
Hoán cùng trung úy Tín, một đàn anh, ở chung một căn hầm. Căn hầm của bộ chỉ huy tiểu đoàn được xây rất kiên cố. Hầm được đào sâu xuống dưới mặt đất khoảng hai mét, chung quanh trên trần được lợp bằng những bao cát Mỹ.
Tín học trước Hoán một khóa, được đào tạo chính quy, nhưng khi ra trường, ai cũng thích ở hậu tuyến để ấm thân và mang chữ thọ trên người. Tín là con một chủ tiệm vàng ở thị xã, người anh nho nhã, nói năng nhẹ nhàng, rất dễ mến. Tín đổi về trung đoàn vì gần nhà, và nhất là anh nghĩ đến sự quen biết của người cha, chủ tiệm vàng, với các quan tỉnh và sư đoàn, trung đoàn, chàng sẽ ở được hậu cứ.
<!>
Trong đêm đầu tiên lên căn cứ Hoàng Oanh, Tín trầm tư thấy rõ. Anh ra trường đã hai hơn hai năm, cứ nghĩ rằng sẽ yên tâm làm việc ở một văn phòng nào đó, nhưng sự thật phủ phàng. Tất cả Tín và các bạn cùng khóa của Tín đều ra tác chiến. Đó cũng là một điều hay, nếu sống trong một xã hội "chưa tan rã" và còn hy vọng, còn niềm tin. Nhưng thực sự không phải như vậy. Nhiều bạn bè cùng khóa của Tín, nếu có "ô dù" chống lưng, có vàng cây, vàng lượng, tiền bạc bề bề, đem nộp cho chỉ huy trưởng, sư đoàn, trung đoàn, thì được cho về nơi không tác chiến, trong ấm ngoài êm ngay.
Trung úy Tín nhiều lần được người cha "chạy" cho về trung đoàn, nhưng dù giàu bao nhiêu làm sao có thể nộp cho những "con tàu há mồm" từ trung đoàn trưởng Nghìn, đến tư lệnh sư đoàn Toàn, hàng tháng một số tiền lớn.
Với lại ở một tỉnh miền trung đầy bom đạn, gai lửa, trong chiến tranh, ai mà có tiền mua vàng nhiều để làm trang sức được. Người dân chạy loạn tránh bom đạn như con kiến chạy quanh cái nồi rang, không biết chạy đi đâu, chạy đi đâu cũng chết. Nên họ lấy tiền đâu mà sắm sửa, chưng diện. Chỉ có vợ mấy sĩ quan từ cấp tiểu đoàn trưởng trở lên, sĩ quan quân số, sĩ quan tổng quản trị trung đoàn, sư đoàn, sĩ quan ban tư, trưởng phòng tư, tiếp liệu, hay các sĩ quan đầu ngành tiếp liệu, truyền tin... mới có nhiều tiền rủng rỉnh, mới có tiền sắm vàng hàng tháng.
Còn dân ngu, khu đen chỉ từ chết đến bị thương, sống không ra sống, chết không thể chết, sống lê lếch, lây lất ở các trại gọi là tị nạn CS.
Vì vậy nên gia đình Tín làm ăn thất bát thấy rõ.
Nằm bên Hoán trong căn hầm tại căn cứ Hoàng Oanh, Hoán thấy thương Tín quá. Tín tâm sự những ngày lặn lội ở trung đoàn 4, những người bạn cùng khóa, ra trường bị đẩy đi làm đại đội phó, không lính, không quyền hành, không có việc gì làm ở một đơn vị tác chiến. Mà quân đội chỉ nhắm quan trọng chuyện hành quân, tiêu diệt địch là chính. Chính Hoán cũng từ một trường chính quy ra, với đầy đủ lý thuyết, giáo điều, nhưng anh nhận ra trước mắt, những điều bất công, quân phiệt, quá đổi.
Tín kể về những ngày tuổi thơ của anh ở Quảng Ngãi, thị xã nhỏ bé có con sông Trà Khúc hiền hòa, vây bọc thành phố. Con sông cho anh một tuổi thơ trong sáng. Anh nghĩ, lớn lên mình sẽ là một thầy giáo đứng lớp, dạy cho học sinh những điều nhân nghĩa. Nhưng thời cuộc đã xô đẩy anh vào lính. Rồi anh ra trường, làm con "chốt thí" trong quân đội và trong những đảo điên của con người. Người cha không đủ vàng chi đủ cho trung đoàn trưởng Nghìn, nên Tín đành ra tác chiến.
Hoán ở căn cứ Hoàng Oanh với Tín được hai tháng, thì Tín có lệnh đổi qua tiểu đoàn khác. Trong trận hành quân giải tỏa Quế Sơn, Tín bị pháo kích chết ngay tại chiến trường. Ngày đưa tiễn Tín về với đất, Hoán không về được vì bận hành quân.
Từ đó, Hoán luôn luôn "sật sừ" nghĩ đến cái chết của Tín, người đàn anh dễ thương, của Bút, của Triệu, của Dân, những người bạn cùng khóa, những cái chết thật oan uổng. Những sĩ quan từ một trường hiện dịch ra, không cầm quân, không có một người lính dưới quyền để làm cảnh, đã chết trong oan ức, không một anh dũng bội tinh.
Cái run sợ, hốt hoảng đó, đã đeo bám anh, có lẽ là nguyên nhân anh bị "teo"? Cho nên anh thấy mình có lỗi với Hiền là chỉ kéo dài có năm phút.
Hiền nguyên xi là một thánh nữ. Thánh nữ trong tình yêu, trong thể xác. Dù xác thân của nàng không nhận đủ những khoái cảm mà nàng mong muốn, nhưng nàng thấy thương Hoán hơn trong cuộc "yêu" vừa qua. Nàng biết Hoán có một nỗi đau không rời về dĩ vãng, một dĩ vãng đầy hãi hùng của cuộc chiến trước đây, khi anh tham dự và là nhân chứng. Dĩ vãng đau thương với bảy năm tù.
Trong lúc Hoán mệt nhoài nằm lật sang một bên trên sàn gỗ, Hiền với tay lấy trong hộp giấy lau ra lau cho khô những vết ướt. Tấm thân nàng vẫn còn rung động như qua một cơn địa chấn.
Hoán nói nhỏ:
- Anh xin lỗi em. Anh dở quá, phải không?
Hiền cũng nói thật lòng mình:
- Không có gì đâu anh. Em hiểu anh mà. Em thấy hạnh phúc. Anh đừng suy nghĩ gì nhé anh.
Hai người nằm úp mặt xuống chiếc chiếu cũ, họ ngủ vùi đi.
Ngủ vùi. Hai người cứ nghĩ đây là nhà của mình, trong căn gác nhỏ bé này, họ là của nhau. Hoàn toàn tự do. Họ không nghĩ gì ngoài tình yêu đang vây chung quanh họ. Như một lá bùa mê làm họ bàng hoàng. Hoán với chuyện vừa qua, như một cơn mộng, vừa dữ, vừa hiền, vừa đầy cõi thiên thai diễm lệ. Chàng nghĩ, chuyện sẽ xảy một lúc nào đó, chứ không phải buổi chiều tối hôm nay. Nhưng cũng may, chuyện đến đã đến... Chàng cũng bình tĩnh để nhận ra rằng, trước khi "lâm trận", mình cần cái bao cao su theo lời dặn của thằng Phụng... Và chàng vội vàng lục ví lấy ra, may mà còn kịp.
Hình như cũng một giờ trôi qua, Hoán trở dậy trong lúc Hiền còn mệt, ngủ vùi trong cơn mê thiếp...
Cơn say đã tan dần, nhưng đầu óc Hoán lại trở về những cơn "sật sừ". Mặc cho Hiền ngủ say với chiếc váy mỏng để lộ ra cặp đùi thon, Hoán lấy chiếc khăn lông đắp lên trên người nàng, từ thắt lưng trở xuống. Rồi chàng nằm xây mặt vô tường "sật sừ".
***
Hoán lại được đổi về tiểu đoàn của Thiếu tá Trần Phúc. Phúc, Võ bị khóa 1... , người hơi thấp nhưng nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Nụ cười đó chiếm rất nhiều trái tim con gái, đàn bà, nên khi còn trung úy, Phúc đã lấy được một nàng tiểu thư khuê các ở đất TK. Là con một doanh thương có tiếng, chuyên môn bán sỉ cho các bạn hàng ở vùng sâu, vùng xa, nào gạo, thóc, mắm, muối.
Nghĩa là mỗi lần chuyển hàng lên các quận miền cao, đi đường bộ thường bị VC đắp mô. Họ đón bắt cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội. Đi xe hàng từ TK lên TP, TM, rủi gặp mấy cha đắp mô lục soát, kiểm tra giấy tờ, thì người nào có trong các diện kể trên, đều bị bắt dẫn đi. Biệt vô âm tín, nên ai cũng sợ, chẳng giám di chuyển bằng đường bộ.
Chuyện mắm, muối, gạo, thực phẩm chở lên TP, TM là một khó khăn. Gia đình cô học trò tiểu thư khuê các, quý phái nhất thành phố tên là Tần Phương, phải nhờ đến mỹ nhân kế của cô ta, là chiêu dụ Trần Phúc, khi chàng ta còn đóng quân ở đồn Suối Đá. Chàng có những chuyến trực thăng tiếp tế thực phẩm lên cho đại đội, chàng cho quá giang luôn gạo, mắm, muối, thực phẩm đủ loại, cho gia đình em Tần Phương. Nhờ vậy mà mối giao kết giữa Phúc và em Tần Phương ngày càng bền chặt. Gia đình Phương thấy Phúc là một sĩ quan đã tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia ra, chắc chắn sẽ có tương lai quan quyền, nếu không rủi ro bị xanh cỏ, thì chuyện làm ông này, ông kia nắm chắc tay. Cho nên mối tình đó, có lợi cho đôi bên lắm lắm.
Phúc thăng quan tiến chức đều đều vì chàng dẽo miệng, nói chuyện với cấp trên ai cũng tin, cái mác Võ Bị cũng đánh bóng chàng được chỉ huy tin dùng. Phúc khôn lanh, nhanh lẹ, khi nói chuyện vui thì nụ cười chàng rạng rỡ, nhưng khi có chuyện gì chàng không bằng lòng, thì Phúc đổi khuôn mặt ngay, khuôn mặt đanh lại, đằng đằng sát khí, hung tợn đến độ ai nhìn vào cũng phát sợ. Nhất là đám lính, kể cả đám sĩ quan dưới quyền.
Khi Hoán đổi về tiểu đoàn này, đơn vị đang đóng tại một vùng biển phía bắc tỉnh Quảng Ngãi, tức phía đông quận Bình Sơn. Chàng ra đơn vị phải đi tàu hải quân, loại tàu PCF, duyên tốc đỉnh, của Mỹ mới viện trợ cho hải quân VN.
Chàng không ngờ nơi đây có một vùng biển rất đẹp, biển nước trong veo, đúng là quê hương của Tế Hanh, đã có những câu thơ Hoán đã học thuộc lòng từ nhỏ:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới.
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng.
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Những câu thơ này đã ấp ủ trong chàng từ thuở ấu thơ, khi học tiểu học, đến bây giờ chàng chạm trán với quê hương đó. Nhưng oái ăm thay, quê hương đó đang bị chiến tranh, cũng là một vùng xôi đậu. Ban ngày quốc gia, lính tráng xuống nhà người dân ăn nhậu, mua thực phẩm, tán gái... trông rất vui vẻ và an bình. Nhưng ban đêm, lính về trong đồn, thì trong âm thầm, địch quân, nhất là những cán bộ nằm vùng, ngóc đầu lên hoạt động, có thể là ban ngày, họ ở trong một hầm bí mật nào đó, hay rút vào vùng xa hơn, ban đêm họ mò về. Cho nên không làm sao quân đội kiểm soát được hết.
Lần đầu tiên thiếu tá Phúc kêu Hoán vô trình diện, ông cười nói rất vui vẻ. Khi nói chuyện đến công việc, ông nghiêm mặt lại:
- Ở đây không có công tác CTCT cái con cặc gì hết, mấy chuyện đó bỏ đi, dẹp hết. Anh bây giờ làm sao lo cho tôi cái câu lạc bộ cho lính có nơi mua bán thức ăn, thức uống. Đây về Bình Sơn đi đường bộ được, nên khi nào chuyến súp lay, anh hãy kê cho tôi biết nhu cầu lính cần gì, mì gói, cà phê, thuốc lá, đường, bia, rượu... Anh cứ kê hết, nhu cầu lính tráng nhiều lắm, đại đội chỉ huy và ba đại đội lẻ, quân số gần bốn trăm, anh liệu đó mà kê hàng, tiền bạc tui lo, anh chỉ lo khâu tổ chức. Còn bán hàng thì tôi sẽ cử thiếu úy Hy.
- Thưa thiếu tá! Lỡ lính mua không có tiền trả thì thế nào?
- Thì cho tụi nó mua chịu, ghi sổ, cuối tháng trừ lương. Đưa danh sách lên cho phát ngân viên, họ sẽ trừ lương trước khi phát. Mình nắm đằng cán, lương của tụi nó mình giữ mà sợ cái chi. Giọng Quảng Trị của Phúc nghe khét lẹt.
Hoán chỉ biết vâng dạ, và hôm đó, anh lấy một cuốn sổ dày ghi hết những nhu cầu của lính. Gần bốn trăm người lính nên nhu cầu hàng tháng rất cao, chàng giao đơn đặt hàng cho thiếu tá Phúc và ông gọi thẳng về hậu cứ cho họ lo liệu.
Sau đó hơn tuần, hàng đổ xuống bằng nhiều phương tiện, xe tiếp tế tiểu đoàn, trực thăng hay tàu hải quân, cả một kho hàng lớn được chuyển tới. Thiếu úy Hy, được thiếu tá Phúc tin dùng, coi việc bán hàng cho binh sĩ. Câu lạc bộ làm bằng tre và gỗ thông, đã được đại đội chỉ huy huy động cho cả trung đội lính, xuống dân xin tre chặt đem lên, tranh thì sai lính lên khu rừng gần đó cắt lợp. Nước sông công lính mà.
Chỉ trong một tuần, câu lạc bộ được hình thành và hôm khai trương, rôm rả tiếng dô dô của đám lính nhậu say vang râng cả một góc trời. Một ngày như vậy, bán cả hơn hai, ba trăm gói mì, mấy thùng bia Larue, hàng mấy thùng rượu, thuốc lá. Lính tiền đồn ăn uống xả láng, ăn trước trả sau. Thiếu úy Hy sau đó được giữ một chức vụ không có trong cấp số, là quản lý câu lạc bộ. Hy đi đi về về hậu cứ như đi chợ, trong những chuyến xe tiếp tế lấy từ xe đốt cách tiểu đoàn, Hy chở mọi nhu yếu phẩm tươi sống từ Quảng Ngãi, Chu Lai, Châu Ổ xuống đồn.
Ngoài số hàng đã định, theo sự đồng ý của thiếu tá Phúc, Hy còn mang theo nhiều nhu cầu khác như heroin hoặc bạch phiến... cho những tay lính ghiền nặng ở mấy đại đội lẻ. Trước mỗi cuối tháng khi lãnh lương, Hy làm một bản kê khai khoảng 10 tờ giấy, trong đó ghi hai mặt, chi chít tên lính thiếu tiền. Số tiền họ trả phải cao hơn gấp ba, gấp tư với giá chính thức. Nhiều lính đến kỳ lãnh lương, chỉ còn mấy trăm, tức ý, họ vào câu lạc bộ kêu mấy chai bia uống, là coi như xong một tháng lương, lại tiếp tục ghi sổ cho kỳ lương sau.
Như vậy thì tổ chức câu lạc bộ lính này thiếu tá Phúc hốt bạc, Hy cũng được hưởng ké những mặt hàng mua thêm và được ân huệ, là tuần nào cũng được về khu gia binh ngủ với vợ.
***
Hiền loay quay rồi thức dậy hẳn. Nàng mở mắt nhìn. Hoán đang "sật sừ". Nhiều lúc nàng ngồi bên Hoán mà thấy như hồn chàng thoát xác đi mất. Hiền biết vậy nên nhỏ nhẹ hỏi:
- Anh thức dậy rồi hả Hoán?
Hoán giật mình, thấy Hiền đã thức, anh nói:
- Anh dậy trước em mà, thấy em ngủ ngon nên anh để em ngủ tiếp.
Hiền cười bẻn lẻn. Hai người tự nhiên không giám nhắc đến chuyện vừa qua, nhưng tự hiểu nhau, người này biết người kia tất tần tật, nghĩa là tất cả, từ trong ra ngoài, từ tính tình, nghề nghiệp, nơi chốn, thân thể.
Như Hiền vừa rồi, khám phá ra Hoán có bộ lông chân rất dày rất rậm, mỗi khi chàng co dẫy, hay cà xác với đôi chân nàng, nàng nghe nhột nhạt làm sao. Nhột nhạt xen lẫn thú vị, nao nao, tê tê, làm nàng co rúm lại. Và chàng còn có thêm bộ râu quai nón chỉ cạo qua sơ sài, còn lởm chởm những cộng râu cứng. Khi chàng hôn môi nàng, đám râu choi chỏi vào má, vào miệng nàng, cũng tạo cảm giác ngây ngất khó lường. Tài gì, nàng có nghe một câu mà các bạn gái, kể cả những người đàn ông, nói lén nói lút với nhau là, nhất lưỡi, nhì râu, tam đầu, tứ củ. Nàng tự thì thầm, món thứ tư anh hơi yếu đó nhe. Nàng cười thầm trong bụng cho anh khỏi ngượng. Thật ra với tình yêu thương, có thể xóa bỏ hết những trở ngại bình thường.
"Có cái này bù cho cái khác chớ, nhưng anh đâu có tệ, chỉ ôm anh và hôn anh thôi, mình cũng cảm thấy mê mẩn tâm thần ra rồi." Nàng nghĩ thế.
Với Hoán, chuyện vừa rồi với Hiền, chàng biết như là mình vừa mới đi ra đến chợ, chưa mua hàng hóa thức ăn gì ráo trọi mà đã tiêu hết tiền, điều này làm chàng hơi đỏ mặt.
Đó có thể là do chàng bị ở tù lâu quá, từ ngày xách cái giỏ lác đi cải tạo đến nay, cũng gần mười năm rồi, mà chàng đâu có gần người đàn bà nào. Trong tù, vừa ăn uống thiếu thốn, vừa lao động cưỡng bách, nên đã vắt kiệt hết sức lực của chàng. Nên chàng đủ sức sống được là may. Vượt qua lạnh lẽo, đói khổ, ốm đau nơi đó mà trở về lại được với đời sống thường nhật, cũng là một phép lạ rồi. Rồi ngày trở về, ra ngoài đời sống, lo kiếm ăn "vắt giò lên cổ mà chạy" còn chưa có hột cơm bỏ vào miệng, thì còn sức đâu mà nghĩ đến chuyện tình yêu, xác thịt.
Bây giờ với tình yêu Hiền, Hiền trẻ đẹp thế kia, Hiền mặn nồng thế kia, Hiền đam mê thế kia, chàng muốn giữ cũng không được, nên với sức ép của tinh thần, sức ép của thể xác, cùng sự dồn nén của hơn mười năm, chàng đối diện với thực tế này, chàng không "tiêu hết tiền trước khi đến chợ" thì mới là lạ. Dù vậy, giữ được năm phút với nàng, lần đầu, chàng coi như chiến thắng.
Cứ coi như chuyện vừa qua là lần đầu sau hơn mười năm chay tịnh, thì như thế cũng "tạm" rồi, lo lắng gì ba chuyện trời ơi này. Tuy suy nghĩ vậy, nhưng chàng vẫn thấy mình hơi bị "dở òm", chưa đáp ứng lại đòi hỏi của người yêu, nên trong lòng quyết chí thực hiện lần hai, sao cho đạt.
Hiền ngồi dậy, rồi đứng lên. Hiền nói:
- Còn cơm em đem đến hồi chiều, để em đi hâm lại cho nóng, anh và em ăn cơm nhe.
Chàng vẫn thấy trước mắt mình cặp đùi tròn thon, cặp mông nhô ra đầy đặn, dáng đi liếng thoắn của Hiền, khi nàng đứng lên đi về phía bếp lò. Hoán lại thấy dợn trong lòng nỗi khát khao. Tuy nhiên anh cũng nói:
- Ừ, em hâm cơm lại đi.
Hoán đứng lên và ra ghế đẩu ngồi ngắm trời đang tối dần.
***
Tiểu đoàn đóng ở miền đông Bình Sơn coi như giữ an minh cho cả một vùng biển rộng suốt ba tháng. Các đại đội lẻ thì tối đi kích xa ở ngoài vòng đai các xã, chỉ có đại đội chỉ huy nằm giữa. Thời kỳ này lính có vẻ an nhàn vì không phải di chuyển, nhất là lính của đại đội chỉ huy.
Cho nên công việc bán câu lạc bộ lính có mòi khấm khá. Lính tác chiến sống nay chết mai, họ có cần gì, sống cho đã cuộc sống hiện tại, và cố hưởng thụ. Chứ suất ăn của lính bộ binh, toàn gạo sấy với cá hộp, thịt hộp, thì khô rang, chán chết, lấy sức đâu mà "lội". Dù đóng ở vùng biển nhiều cá, nhưng cá là của dân chài lưới ngoài khơi đem về, chỉ xin một vài lần thôi, chứ đâu có xin hoài được, mà lính tiểu đoàn hơn ba trăm chứ có ít ỏi gì đâu. Vậy nên lính thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn. Thiếu thì mua mì gói chịu, thuốc lá chịu, bia chịu, rượu chịu, riết rồi đến tháng không còn một xu. Tiền lính tính liền.
Tính liền nên không đủ, đâm ra nợ. Nợ tháng này sang tháng khác. Chuyện đến tai Thiếu tá Phúc nên ông ra lệnh không bán thiếu cho những người lính thiếu qua tháng thứ hai. Mấy tay lính nghe vậy nên chữi thề loạn xị, chữi luôn cả gia đình vợ buôn bán bất nhơn của Phúc. Phúc nghe bọn tà lọt báo cáo, liền ra lệnh cho các đại đội trưởng "đì" mấy tên lính ba gai này, bằng cách đưa đi "tiền đồn".
"Đi tiền đồn" là danh từ dùng cho những người lính tiền tiêu đi kích giặc, nghĩa là một toán 2, 3, 4 người. Ban đêm đi ra xa đại đội để phục kích hay thám sát sự di chuyển của địch, thường, những người lính bị đày kiểu này, mạng sống không kéo dài một tháng, có khi một tuần, có khi ra đi chuyến đầu tiên là bị "dính" liền.
Thằng "năm Dố" là thằng lính liều mạng, từng qua ba, bốn sắc lính, từ Thủy Quân Lục Chiến, rồi Dù, rồi Biệt đông quân. Bây giờ đến bộ binh, nó coi đây là tận cùng bằng số. Trong một đơn vị bộ binh, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng muốn diệt thằng lính nào thì dễ như trở bàn tay. Chì có việc cho nó đi kích, đi tiền đồn là ngày một, ngày hai, tụi nó sẽ về chầu ông bà ngay, Phúc đã làm vậy từ ngày còn đại đội trưởng, đến bây giờ, lính chết dưới tay Phúc ít nhất cũng trên dưới mười mạng.
Thằng năm Dố về tiểu đoàn rồi ra đại đội lẻ ngay. Nhưng mà đi đâu nó cũng là dân tác chiến, nên nó đâu có ngán. Về đây, nó kết thân với hai thằng từ lao công đào binh về. Tụi nó ăn nhậu, đến tháng không đủ tiền trả nên thiếu tá Phúc ra lệnh cho đại đội trưởng, đưa 3 đứa đi tiền đồn. Kết quả hai thằng kia về chầu diêm chúa sớm, còn năm Dố may là số chưa chết, nó thoát chuyến đó.
Nó căm thù thiếu tá Phúc, đã gián tiếp giết hai thằng bạn thân của nó, Phúc là kẻ thù thật sự chứ không phải là kẻ chỉ huy mình. Nó nghĩ thế, và đợi có dịp nó sẽ trả thù cho hai thằng bạn.
Tháng sau, chiến trường Quê Sơn bất ngờ sôi động, tiểu đoàn về nghỉ tại Bình Liên, để chuẩn bị lên tiếp ứng Quế Sơn, năm Dố quyết chí trả thù. Nó vào quán rượu ven đường uống luôn mấy xị đế để lấy bình tĩnh và can đảm thêm. Khi thấy xe jeep của Phúc lái vô bộ chỉ huy tiểu đoàn, nó cầm chắc quả lựu đạn trên tay, thấy xe Phúc, nó tháo khóa an toàn, nhắm mục tiêu mà ném. Một tiếng ầm vang dội, khói bốc lên mù mịt, một số lính chung quanh bị thương nhẹ. May mà Phúc thoát hiểm, chỉ bị thương ở cánh tay... An ninh tới bắt ngay thằng năm Dố, dẫn đi. Còn Phúc thì vào bệnh viện dã chiến Quảng Ngãi nằm hơn một tuần.
Đó là chuyện lính ném lựu đạn vào cấp chỉ huy lần đầu tiên ở trung đoàn... chuyện đồn rầm lên, dân chúng truyền miệng nhau, ai cũng biết.
Nhưng đời vẫn trôi không ngừng nghỉ, thiếu tá Phúc sau đó được điều về làm quận trưởng Bình Sơn, rồi sau đó được thăng cấp trung tá, lên nắm trung đoàn trưởng của một trung đoàn ngoài sư đoàn 3. Chuyện thường ngày ở huyện.
Sau này, khi Hoán ra tù, được truyền tai nhau những vị chỉ huy cũ, từ tướng Toàn, đại tá Nghìn, trung tá Phúc đã bỏ quân, bỏ dân dọt lẹ ra biển trước ngày miền Nam sụp tiệm. Chỉ còn lại đám sĩ quan nhoi nhoi bên dưới ở lại ôm sô. Ai cũng tròm trèm năm, sáu năm gỡ lịch... mất vợ mất con, xiêu tán lạc nhau trong cơn hồng thủy tháng tư bảy lăm, như một cơn mộng dữ của loài người.
***
Hiền mua cơm hộp nhưng đầy đủ thức ăn như cơm nấu ở nhà, có cá kho rim, canh chua cá bông lau, rau sống quế, ngò, húng... đủ loại. Mâm cơm đặt trong một cái khay nhỏ, hai cái chén, hai đôi đũa, như bữa cơm của tân lang và tân giai nhân, của hai người mới cưới nhau.
- Anh Hoán ơi! Lại ăn cơm đi anh.
Hoán rời chiếc ghế đẩu, đến bên bàn, có mấy cái ghế nhựa thấp. Đây là bàn ăn của mẹ con Hương, nhưng từ ngày về sống ở đây, Hoán ít khi thấy mẹ con Hương ngồi trên bàn này, ăn cơm với nhau. Cả nhà Hương là cơm hàng cháo chợ thấy rõ, mấy đứa con của Hương, sau khi đi học về đều chạy ra chơi quanh quẩn nơi vỉa hè, chỗ Hương đặt xe bán bánh mì. Cho đến tối, nếu bánh mì ế bán không hết, Hương phát cho mấy đứa con, mỗi đứa một ổ, ăn cho đỡ tốn tiền chợ.
Hoán ngồi xuống ghế và khen:
- A, em cho ăn cơm ngon quá.
Hiền cười, lỗ mũi hĩnh ra, như thật nàng nấu mấy món ăn này vậy.
- Anh ăn thử có vừa miệng không, em mua ở quán cơm hộp chỗ cầu Sơn.
- Nhìn không cũng đủ ngon rồi.
Hiền ước ao:
- Để hôm nao em đi làm sớm về, em mua cá tươi, thịt tươi về nấu cho anh ăn, những món mà anh thích.
Hoán hỏi lại:
- Em biết món anh thích là món gì nào?
- Thì anh thường kể với em, món mẹ anh vẫn thường nấu cho anh ăn hồi nhỏ đó, cá rô chiên dòn, cá ngừ kho ngọt, cá chim kho rim, rau ghém, canh rau muống... Em biết hết mà.
- Vậy thì ngon quá, hôm nào nhe.
Hiền nói qua chuyện làm ăn:
- Dạ. À, anh, mai anh nhớ đến chỗ em làm lấy thùng cạt tông, thùng về nhiều lắm rồi, em đã xếp gọn lại cho anh, anh chỉ đến bỏ vào giỏ cần xé rồi chở đi đến chỗ ve chai, bán xong anh đi bỏ hàng luôn, cũng tiện.
Hoán thấy lòng mình tràn ngập niềm vui. Anh cảm ơn Hiền nhiều lắm. Hiền vẫn dành cho anh một tình yêu thương chân thật. Lo cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ. Điều mà anh thấy như mình đã mất từ lâu.
Anh nghĩ, mình phải đền đáp cho Hiền bằng mọi cách. Dù tấm lòng nàng là bồ tát, nhưng bên trong vẫn âm ỉ của một hỏa diệm sơn. Anh biết vậy, và tự hứa với lòng, sẽ cho em lần thứ hai... thật đạt.
"Hãy đợi đấy" nghe em!
Trần Yên Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét