Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Nhớ về - Trần Yên Hòa

 GALLERY | Nguyễn Sơn Gallery Artists

 tranh nguyễn sơn

 

Hoan với Phong ít nhậu thôi, hai ba tuần mới gặp nhau một lần. Nhậu là để dàn trải, bày tỏ tâm tư. Hình như những người lính thất trận thường buồn. Buồn đủ mọi chuyện. Thời thế đưa đẩy họ xuống tận cùng dưới đáy xã hội, bây giờ họ muốn vươn lên bằng cách "nhậu". Sự vươn lên đầy mồ hôi vất vã, nhiều khi họ mất niềm tin, lại khụy xuống. Nhậu cũng là cách họ kéo nhau đứng lên trong trí tưởng. Bây giờ họ còn có nhau trong tình bằng hữu, trong những cơn say chếnh choáng này thôi.

<!>

Với Hoan, lúc nào cũng trở lại trong anh, hình ảnh người lính bộ binh hành quân trên chiến trường Nam Ngãi, những bãi mìn, những đợt pháo kích, những tiếng hô xung phong của địch, những thằng con nằm lăn lóc, máu tuông xối xả, gọi trực thăng tản thương, những chiếc máy bay quần thảo tìm bãi đáp, thẩm quyền, thẩm quyền ơi, cứu em... Đó là những ngày cũ đã qua cũng trên mười năm, mà mỗi khi có chút rượu vào là những hình ảnh đó lại hiện lên, chàng lạng quạng, nói, thôi về Phong. Chàng kêu chủ quán thanh toán tiền, rồi dắt xe ra về. Phong cũng ngất ngưỡng đứng lên dặn dò, mày đi cẩn thận.

Buổi chiều gần tối chàng cho xe đạp vào sân, leo lên gác. Chàng thấy nhớp nháp trong người, phải tắm cái đã, chàng lấy áo quần sạch rồi vào phòng tắm. Cả nhà vắng tanh, Hương và mấy đứa nhỏ bán ngoài xe bánh mì, ngày nào cũng thế. Chàng nghe một nỗi cô đơn bát ngát. Những lúc uống rượu về, nỗi buồn và cô đơn càng dâng cao hơn.

Tắm xong, chàng ra trước ngồi trên chiếc ghế đẩu, thì Hiền tới. Hiền đứng dưới sân kêu với lên:

- Anh Hoan, anh Hoan ơi!

Hoan nói:

- Hiền đó hả? Cửa không khóa. Em lên đi.

Thường thì Hiền vẫn đến nhà chơi mỗi chiều khi đi làm về. Tới để xem Hoan ăn uống gì chưa? Chứ ông thần này là một tay bất cần đời, ăn uống chả đâu vào đâu, chẳng giữ gìn sức khỏe gì cả, đi ra đường gặp đâu ăn đó, gặp gì ăn nấy. Nhiều khi làm biếng Hoan dặn Hương đem mấy ổ bánh mì bán ế, anh ăn dùm và trả tiền cho Hương, để Hương khỏi lổ. Hiền lo cho Hoan như vậy đó.

Hiền bước lên cầu thang. Nàng bận một chiếc robe màu xanh đậm, trông nàng trẻ và nền nã hẳn ra. Giống như cô gái chưa tới tuổi ba mươi. Hiền có nước da trắng hồng và nụ cười rất có duyên nhờ cái núm đồng tiền nhỏ bên miệng. Hoan thấy vui khi Hiền đến.

Anh chợt giật mình nghĩ đến điều thằng Phong đã hướng dẫn và thấy mình háo hức. Hiền thường đến với anh buổi chiều gần tối. Những ngày trước vẫn bình thường, hai người nói chuyện với nhau về trời mưa, trời nắng, buôn bán đắt ế ra sao, trong hợp tác xã giấy của Hiền thùng giấy đã về chưa? Rồi Hiền lui cui xuống bếp hâm lại thức ăn cho Hoan... Rồi Hoan hôn nhẹ lên má Hiền. Thế thôi.

Nhưng hôm nay sao lạ quá, vì mình say hay lời nói của Phong văng vẳng lúc chiều ở quán lẫu dê. Mày lơ Hiền, không động đậy gì tới Hiền là mày có tội đó nhe. Mày ác lắm nghe. Người ta là đàn bà, li dị chồng đã lâu, yêu mày thế kia mà mày yêu chỉ để nhìn thì đâu có được. Ai cũng cần chuyện đó như đói ăn, khát uống chứ có gì mà xấu hổ, đó là sinh lý mà. Mày hãy nghĩ cho Hiền, thương Hiền, yêu không phải để nhìn đâu nhe. Tối nay Hiền có tới thì hành động đi. Sĩ quan tác chiến gì mà nhát như cáy, nhát như thỏ đế... Hiền bước lên thang gác căn nhà Hoan ở. Dáng nàng nhún nhẩy như con chim sâu chuyền trên cành cây, chuyền từ cành này qua cành kia, rồi ríu rít kêu:

- Anh Hoan ơi! Hôm nay anh về sớm ha? Anh ăn gì chưa? Em có mua cơm hộp cho anh nè. Có canh chua cá bông lau nữa nè.

Hiền xách trên tay một bịch nhựa, tung tăng đi vào phòng. Hoan đang trong cơn "sật sừ". Tính anh vẫn thế, cứ có chút rượu vào là anh hay "sật sừ" như vậy. Sật sừ có nghĩa là... nửa tỉnh nửa mê, điên điên, khùng khùng. Chàng ngồi nơi đây, trên ghế đẩu, mà tâm hồn chàng như thả về đâu đâu, lững lơ về một miền ký ức xa xôi của dĩ vãng. Kí ức... những mảng nhớ rời rạc của mười mấy năm về trước...

Cả trung đoàn nhận lệnh hành quân vùng Đổ Xá, để phá áp lực địch đang đè nặng lên khu ba biên giới Việt, Miên, Lào. Hoan được tiểu đoàn trưởng cho đi theo Bộ Chỉ Huy, không chức vụ. Chàng le te mang theo cái ba lô, có đựng mấy bộ áo quần, cái poncho, cái võng và một cây tiểu liên M.16. Thiếu úy Hoan không có một người lính dưới quyền để sai vặt, chàng đúng là một khinh binh, chỉ hơn một khinh binh là được ở bộ chỉ huy tiểu đoàn. Thế thôi. Toàn tiểu đoàn được trực thăng vận bốc, thảy xuống khu vực núi Tròn, Sơn Tịnh ba ngày nay. Vùng này là vùng xôi đậu, ban ngày của ta, ban đêm của địch.

Buổi sáng... đại đội 3 của thiếu úy Bé dẫn đến nộp cho an ninh tiểu đoàn một tù binh, báo cáo là khi đại đội nhảy trực thăng xuống, tràn vào làng, thấy một người thanh niên đang bỏ chạy. Lính đại đội bắt được và khai thác sơ qua. Người thanh niên khai là thợ hớt tóc dưới quận, nhân dịp về thăm nhà thì bị bắt, anh ta không tham dự gì, không liên quan gì đến quân du kích hay nằm vùng cả. Khai thế nhưng có ai tin? Anh được đại đội giao nộp cho ban an ninh tiểu đoàn.

Buổi tối, nhân lúc cả bộ chỉ huy tiểu đoàn đang ngủ, người tù hay người hàng binh này đã tìm cách trốn. Anh ta chạy xuống khúc suối gần đó và biến mất trong bóng đêm. Khi tiểu đoàn phát giác, cho lính lục soát và kêu pháo binh bắn nát cả một đoạn suối dài, người thanh niên vẫn biệt tăm, lính lục soát không tìm được dấu vết nào cả.

Buổi sáng ra, thiếu úy Bé nghe tin người thanh niên trốn thoát, Bé liền cho lính đi lùng sục trong những nhà dân. Cuối cùng bắt được khoảng hai chục người, là đàn bà, con gái và ông già. Tất cả bị trói thúc ké và xâu chuỗi vào nhau, dẫn lên bộ chỉ huy tiểu đoàn. Thiếu úy Bé nói với đám người, tụi mày phải bị xử thay cho tên địch trốn thoát khi hôm. Đám người, dân hay địch? trông lê thê lếch thếch, mặt người nào người nấy xanh xao như tàu lá rũ, vì sự sợ hãi của họ đã lên đến tột đỉnh.

Đám người đứng trên một mảnh sân, thiếu úy Bé cầm cây M.16 huơ huơ, nói:

- Mấy người phải khai ra ở đây ai là VC, như tên chạy thoát khi hôm, hắn khai là thợ hớt tóc, thế mà đã bỏ trốn, thì chính thị nó là VC rồi. Nếu không khai các người sẽ bị bắn tất cả.

Đám người bị bắt trói từng xâu nhốn nháo, đôi mắt người nào cũng lạc thần. Không ai lên tiếng, thiếu úy Bé chỉ ra một một người đàn ông, cho đứng riêng, hỏi:

- Ông có biết trong đám này ai là du kích, là cán bộ VC nằm vùng không?

Người đàn ông run rẫy, mặt mày tái xanh, lắp bắp nói:

- Dạ, thưa ông, tui không biết.

Thiếu úy Bé bóp cò, người đàn ông gục xuống, máu từ ngực phun ra, thân ông lật bật, rồi quỵ xuống, nằm im. Đám người kia, nhất là đàn bà, con gái, sợ quá la thất thanh, nháo nhào, tha cho chúng tôi đi thiếu úy ơi, chúng tôi là dân đâu có biết gì.

Thiếu úy Bé tiếp tục:

- Khai ra đi, ai, ai trong đám này là du kích, cán bộ. Không thì tôi sẽ tiếp tục bắn.

Lúc đó, tiểu đoàn trưởng Hoành, đang ở trong lô cốt bộ chỉ huy, nghe tiếng súng nổ, vội chạy ra hiện trường, thấy cảnh trên, tiểu đoàn trưởng Hoành kêu lớn:

- Thôi đi thiếu úy Bé, để đó tôi xử cho. Đừng bắn nữa.

Đại úy Hoành cho lính dẫn đoàn người vào một căn nhà bỏ hoang, nhốt ở đó. Và Hoan được tiểu đoàn trưởng ra lệnh chôn cất người đàn ông bị bắn.

Hoán nhờ lính xin hai chiếc chiếu của dân, bó xác người đàn ông lại, rồi đào một cái hố, đặt xác người đàn ông xuống. Anh tự nhiên thấy mình bất lực trước chiến tranh. Rồi anh nhờ lính xuống khu dân cư mua một thẻ hương, đôi đèn cầy, thắp trên ngôi mộ vừa lấp đất. Ngôi mộ trơ khốc, không có một bản tên, không có một người thân đưa tiễn, cái chết thật dễ như một con chó, cỏn thua một con chó nữa.

Còn đám đàn bà, con gái, đâu mười người, tuổi khoảng hai mươi đến ba mươi. Nhìn nét mặt sợ hãi của họ mà tội nghiệp. Gương mặt thất thần, như một cành lá rủ.

Sau đó, tiểu đoàn tiếp tục hành quân lên vùng ba biên giới, đóng tại một căn cứ có tên là Vạn Kiếp.

Một đêm khuya khoảng 1 giờ, tiểu đoàn bị lực lượng địch đánh đặc công. Căn hầm của thiếu úy Bé bị ném beta, một loại chất nổ có sức công phá mạnh, làm tung lên, thiếu úy Bé chết tại chỗ, không toàn thây.

Hai tuần sau, tiểu đoàn về đóng quân ở căn cứ Hoàng Oanh. Hoan lại gặp lại những người đàn bà, con gái ấy, độ năm, sáu người anh còn nhớ mặt. Ban 2 tiểu đoàn giam họ trong một căn hầm rộng. Buổi chiều gần tối, trung úy Trung, trưởng ban 2, qua hầm Hoán trú, rủ Hoan, có em ngon, thiếu úy có thích không, tôi khao. Trung úy Trung vừa nói, vừa chỉ xuống căn hầm.

Hoan lắc đầu.

*

Hiền kêu lên, giọng nhõng nhẽo:

- Anh Hoan! Sao anh không bật điện để nhà tối om như thế này? Anh uống rượu sao, chắc là nhậu với anh Phong hả? A, hôm nay thứ bảy mà... hai ông tướng chắc lai rai mới về, hả anh?

Hoan chợt giật mình, chàng thấy Hiền đang đứng trước mặt mình. Hiền đang loay huay sắp đồ ăn lên bàn:

Hiền nói tiếp:

- Anh đói bụng ăn cơm đi, em mua cơm hộp cho anh đây nè, nhớ ai mà ngồi thừ ra vậy?

Hoan chợt giựt mình lần nữa. Nhớ ai? Hồi ức vẫn thường đến với anh như cuộn phim quay chậm.

Anh trả lời Hiền:

- Anh ăn rồi. Hôm nay thứ bảy, gặp Phụng ở chợ Tân Thành, hai đứa hẹn nhau đi ăn lẩu bò, có uống chút rượu, bây giờ còn no. Em đói bụng thì ăn cơm trước đi.

Tiếng Hiền:

- Em cũng chưa đói, em định mua cơm tới ăn với anh cho vui, mà anh ăn rồi thì thôi. Em cất trong tủ, tối anh đói lấy ra ăn nhe.

Hiền dọn dẹp, cất thức ăn vào tủ, rồi đến ngồi bên Hoan. Nàng bận cái robe màu xanh thật dễ thương, để lộ cặp đùi thon, tròn lẵng. Hoán lại nhớ về lời của thằng Phong chiều nay. Mày bỏ em, lơ em như vậy là có tội lắm đó, em cũng là con người, cũng thèm khát sinh lý mấy năm rồi, tuổi xuân phơi phới thế mà mày chỉ để "thờ". Mày muốn thành Phật hay sao hở thằng cả ngố.

Hoan tự dưng mĩm cười. Hiền thấy Hoan cười, liền hỏi:

- Anh cười gì vậy?

Hoan lớ ngớ trả lời, thật vô duyên:

- Không, em đẹp lắm, nhưng...

Hoan bỏ lỡ câu nói, anh choàng tay qua vai Hiền, Hiền ngồi sát bên, anh nghe hơi thở của Hiền nặng và gấp gáp. Căn nhà vắng tanh. Hoan xoay mặt Hiền lại sát bên mình. Anh hôn nàng vồ vập, tới tấp.

Cái nụ hôn của Hoan làm Hiền điếng người, từ ngày quen nhau và đến bây giờ, có bao giờ Hoan vồ vập như vậy đâu. Nàng nghe châu thân mình nóng rang lên, tứ chi như muốn khuỵu xuống.

Hoan thì chàng đuối sức lắm rồi, có thể bảy năm tù làm người chàng khô quắt đi những ham muốn. Rồi ngày về lại với đời thường, chàng đã mất hết. Điều đó đã làm kiệt quệ tâm hồn chàng thêm. May là những ngày sau này, khi gặp Hiền, Hiền đã là sức bật nâng chàng lên một chút. Và kể cả những tình cảm bạn bè, như Phong... Chàng thấy mình lấy lại sức sống. Tuy nhiên, cái đó cũng chỉ là bên ngoài, còn trong những giấc ngủ, chàng lúc nào chập chờn hình ảnh những ngày hành quân trên núi cao, rừng rậm, hay trong trại giam... Điều đó cũng là một tệ hại.

Hoan vẫn biết là, đời sống có nhiều mặt. Tình yêu Hiền, chàng cũng tha thiết lắm, nên chàng cố vùng dậy, vươn cao lên, chàng nghĩ phải cố lên, phải cố gắng làm cho Hiền vui, Hiền thỏa mãn...

Chàng đứng dậy, rời khỏi chiếc ghế đẩu, kéo Hiền nằm xuống sàn nhà...



Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dương Viết Điền, Hành Trình Với Văn Thơ Nhạc - Vương Trùng Dương

    Bước vào tuổi tám mươi, nhà văn Dương Viết Điền sức khỏe rất yếu, không còn ngồi được để thực hiện tiếp những tác phẩm còn dang dở nên n...