tranh nguyễn trung
Chỉ có hai mẹ con trong một căn buồng như một ga tàu
treo mạo hiểm trên tầng năm. Hành khách toàn đàn ông. Họ là những người
quen ra công cộng.
Cứ thử quan sát họ, dù ở một nhà vệ sinh thu tiền, hay bu quanh
một góc tiểu tiện khoan khoái ấm cúng giữa phố, bao giờ họ cũng khác khi
ở gia đình riêng. Nghĩa là giấu chỗ bít tất thủng dưới lòng bàn chân,
cân nhắc tuỳ mức độ các động tác và lời nói, và hay chột dạ. Xung quanh
có ba hàng xóm, ông số 7 của mẹ làm nghề thu tiền điện, bảo đến nhà nào
cũng thấy một con đực, và kè kè bên nó một con cái, không rõ có phải của
nhau hay không nhưng xem ra cố định. Nhà nào cũng thế khiến ông ta
nghẹn ngào. Em đã thử sang xin muối cả ba hàng xóm, quả có thế thật.
Riêng nhà em một kiểu. Mẹ thường bảo, mẹ con mình sống kiểu thời chiến.
Không có ông nào đảo ngũ, về ở hẳn với mẹ.
<!>
Trong căn buồng - ga tàu treo của hai mẹ con, cái gì cũng chuẩn
bị nhổ neo, không yên một chỗ, cái gì cũng phấp phới bay, nhất là bức
bình phong vải phin hoa nội địa ngăn giữa nơi tiếp khách của mẹ và góc
học tập của em, cái gì cũng mang tinh thần không rõ ngày mai trôi dạt
phương nào, trừ những cuốn vé của đám hành khách đàn ông. Chúng là kỷ
niệm, nên có quyền chất lù lù thành núi, không ai can thiệp đợc. Kỷ niệm
mang hình đầu lọc thuốc lá có hằn rõ vệt răng, vừa cắn vừa ngập kiểu
đàn ông, bẹp gí, nồng nồng. Rồi những bức thư, cả xấp chưa trả lời, cả
xấp nguyên không bóc, cả xấp bị xé vụn, rồi những mảnh vụn được dấu dưới
đáy hộp nào đó. Đủ kiểu giấy: ông này xé sổ tay, ông kia rình kiếm loại
xa xỉ ngoại quốc, ông nữa dùng loại kẻ ô ly, chắc có con đang học lớp
dưới. Rồi những lọ nước hoa được sản xuất từ những nơi có truyền thống
yêu đàn bà đã dùng cạn vẫn xếp hàng góp trên mặt giá. Album ảnh thì đầy
những khoảng trống lem nhem như bộ nhớ của thời gian, với dòng chữ và
con số chứa toàn bộ điều bí mật đã dập xoá công phu bên dưới. Kỷ niệm
còn là những vết thủng trên tường bê tông... một đồ đạc treo nặng nghĩa
tình nào đó đã sơ tán... Mẹ con sống kiểu thời chiến, kỷ niệm cũng nguỵ
trang, vội vội vàng vàng. Có lúc, em muốn châm lửa đốt sạch, giải tán
luôn cái nhà ga này, hay tế nhị hơn: dùng chiếc quạt tai voi già nua xua
tơi tả đống kỷ niệm không chịu tự động hành quân ấy ra ngoài cửa sổ,
cho chúng đậu xuống mái nhà tầng dưới - dưới ấy và dưới ấy nữa, sâu
xuống lòng đất, chắc chắn chỗ nào cũng là một con đực và một con cái cố
định bên nhau - thành rác rưởi ở đó, công khai băng hoại ở đó và thối
hoăng lên, để mỗi lần nhìn ra cửa sổ, mẹ, người nhạy cảm với hương thơm
và cái đẹp, phải rùng mình. Nhưng không. Mẹ, hoặc mở toang cửa sổ, mắt
phơn phớt một chút xanh, môi phơn phớt một chút hồng, tóc vừa gội sấy
thả bềnh bồng, miệng không ngậm được vì cứ phải cười một mình và hát một
mình, còn tâm hồn thì bay trước xuống tận chân cầu thang một, bất chấp
phân chó của cả năm tầng, rạo rực chờ, hoặc đóng sập cửa sổ, quyệt lên
những chiếc gối trắng tinh các bức màu nước đầy ấn tượng xanh hồng và
đen xì chì kẻ mắt made in Japan, rồi vò nhàu chúng, phẫn nộ, tức tưởi
như hoạ sĩ không hài lòng với tác phẩm, vò nhàu tóc tai người ngợm và nữ
tính bất diệt của mình, và hai tiếng đồng hồ sau, bài thơ "Bầm ơi" em
chưa kịp thuộc lòng câu kết mẹ lại mở toang cửa sổ: Quá khứ đã được
thanh toán đàng hoàng bằng nước mắt ba màu. Thế thôi, chứ mẹ không rùng
mình. Núi kỷ niệm còn đó. Mẹ chẳng sống với nó, lên em thành người cai
quản. Trong căn buồng - ga tàu treo của hai mẹ con, em là người kiểm vé.
Diễn biến các mối tình của mẹ, tổng kết một cách khoa học, luôn
giống nhau, bao nhiêu sung sướng, bấy nhiêu đau đớn, cho cho nhận nhận,
cao trào, thoái trào, cộng trừ xong tóm lại là bằng không, trừ trường
hợp người đàn ông mới toanh hiện nay của mẹ, và của em, và dĩ nhiên trừ
những khoản thư giãn dễ chịu. Nhưng mẹ, người không hề rùng mình trước
triển lãm ký ức mà em có thể tổ chức tế nhị ngoài cửa sổ, trên mái nhà
tầng dới, lại rùng mình trước lý lẽ mổ xẻ và khái quát của em. Những nẻo
đường của tình cảm, con gái ơi, bất ngờ phấp phỏng lắm. Đừng soi mói
chúng. Chúng biến hoá vô cùng. Hãy để chúng tự dắt con đi, đừng cố gắng
kiểm soát, đừng dùng lý trí làm vũ lực cưỡng lại. Mẹ nói thế vì mẹ mang
trái tim thiếu nữ mù loà của em. Với em thì đã muộn.Em, vì còn ai nữa
đâu trong căn buồng thời chiến, nhận trái tim thiếu phụ mệt mỏi và cạn
kiệt cảm xúc của mẹ.
Vậy là, đầu tiên mẹ tò mò, khởi điểm của
sung sướng. Ông số 7 chẳng hạn gây ấn tượng đáng kể bởi những ngón tay
dài màu nâu luôn lơ đãng. Ông là một người đàn ông trung niên có đủ thứ
mặc cảm. Thông thường, ông ta trốn khỏi mớ mặc cảm đó, bằng cách theo
đuổi những ý nghĩ xa xăm. Người trước đó, em nhớ có bàn tay mập mạp,
hiếu động, hiện thân của sự vui vẻ. Hắn no đủ và hơi quá vui tính , em
nhớ, mẹ đã phàn nàn như vậy. Ông số 7 lơ đãng và phiền muộn. Mẹ đã ngồi
ngây ra khi ông đốt thuốc lá như thắp hương. Điếu thuốc cứ tự cháy tàn
trong lòng chiếc đĩa con đựng chén trà hầu như không được đụng tới, hết
điếu này đến điếu khác, những điếu thuốc lá đắt tiền của mẹ, trong khi
ông ta lơ đãng hướng nội. Nếu có hút vào, ông ta sẽ ho sặc sụa. Nhưng cứ
châm thuốc, để đó, hướng nội cái đã. Ông hướng nội, ông hướng ngoại, mẹ
chạy vòng quanh, cũng là một thế giới lạc quan.
Ông số 7 là một trong những tai hoạ lớn nhất của mẹ. Sau ông ta
rất lâu, thỉnh thoảng mẹ vẫn đỏ mặt khi bị em bắt quả tang đang đăm đăm
nhìn điếu thuốc mẹ tự tay đốt trong lòng đĩa, với lời cầu nguyện bí ẩn
trên môi. Một tôn giáo mới ra đời. Em đưa cho mẹ một trong chín cái gạt
tàn chính quy nằm rải rác khắp nơi, để bất cứ ở toạ độ nào cũng tiện tầm
tay với. Rồi em xoay lưng lại, cho mẹ áp hết tất cả các xương sống lạc
quan của mẹ lên em, tựa vững chắc vào em, vì còn ai nữa đâu trong căn
buồng thời chiến. Mẹ quả là phi thường. Mẹ luôn biết cách biến các tai
hoạ thành điều may mắn. Sau ông số 7 mẹ đã may mắn rút kinh nghiệm là
nên tò mò về những điều thiết thực hơn. Thế là mẹ gặp một ông luôn đứng
ra tổ chức rất thành công các hội thảo và hội nghị khoa học cho người
khác phờ phạc ngồi nghe, còn ông ta, thấu hiểu rằng sự thật nằm trong
các cốc bia của những chiến hữu thân thiết, nên chỉ xuất hiện để khai
mạc và tổng kết. Sau đó, mẹ quan tâm đến một ông bác sĩ phẫu thuật thẩm
mĩ đang chiêu khách cho phòng khám tư nhân. Ông này hùng hồn nêu cao nhu
cầu đặt lại, chẳng hạn một ngón chân cho ngay ngắn, dù cho người ta
phần nhiều xuất hiện dưới mắt nhau trong giày và bí tất. Khi ông ta về,
mẹ lập tức ra mắt trong bộ đồ tắm hai mảnh mà mỗi mùa nghỉ mát mẹ đều
thầm nghĩ nó đã hết mốt. Em cùng chiếc đèn bàn Liên Xô cổ ngỏng gật gù
đi vòng quanh mẹ nhiều lần. Phải khách quan, con gái ạ đừng mẹ hát con
khen hay, như thế không tiến bộ được. Mẹ yêu cầu khe khắt.
Không
mẹ ơi, cơ thể ba mươi sáu tuổi của mẹ thật tuyệt vời, ông bác sĩ miệng
cá ngão đừng hòng hy vọng, em quả quyết thế. Ông ta hãy về mà cắt dán
mông má và xếp lại ngón chân cho chính vợ ông ta ý. Bà ý rất cần. Mẹ cảm
ơn em. Em cùng chiếc đèn cổ ngỏng trở về xem xét lần cuối những chỗ lõm
lồi trên bản đồ Việt Nam cho cuộc biểu diễn vẽ theo trí nhớ trong giờ
địa lý sáng hôm sau. Câu chuyện bên kia bức bình phong của ông bác sĩ
khiến em không thể vượt qua đoạn sần sùi ở bờ biển vĩ độ mười hai mười
ba. Sau lưng em, mẹ đang hỏi ý kiến tấm gương Pháp, tài sản duy nhất mẹ
yêu thanh tú và đường cong hoàn hảo của bờ vai, những tối là tài sản duy
nhất của mẹ, con gái ạ", mẹ thường nói thế, nhưng lòng tin cậy gửi gắm
của mẹ tiếp tục chao đảo giữa em và tấm gương. Ánh mắt mẹ sáng ngời khi
chạy trên đường viền khuôn mặt thanh tú và đường cong hoàn hảo của bờ
vai, những tối dần, tần ngần đứng lại và cũng không vượt qua nổi khu vực
tương tự như trên tấm bản đồ của em. Sáng hôm sau, bài kiểm tra địa lý
của em là nguyên vẹn, mẹ, trong bộ đồ tắm hai mảnh đầy lo âu, hình chữ
S. Em đã vẽ đoạn phình ra, sần sùi ở vĩ độ mười hai mười ba thật đàng
hoàng, thật âu yếm, để mẹ không cần mặc cảm gì hết, để mẹ đừng tin những
tấm gương, dù là gương phẩm chất đã được thử thách của thời xa xưa để
lại. Chính vì em, và cho em, chỗ ấy mới sần sùi thế. Nên với em, nó
tuyệt đẹp, nó tuyệt đẹp, nó cảm động hơn tất cả những cái bụng mỹ miều
của các hoa hậu. Hơn nữa, khi người ta mang một trái tim thiếu nữ luôn
đập loạn xạ, thì cái túi thịt bên ngoài nào có ý nghĩa gì. Và nhìn
chung, tại sao phải bận rộn đến thế vì riêng cái tấm thân? Tại sao phải
quan tâm nhiều đến nó thế, dành cho nó lắm phát mình thế, phụ thuộc cuộc
đời vào nó đến thế?
Mẹ suốt đời mang trái tim thiếu nữ của mẹ.
Ngay
chiều hôm đó có cuộc gặp mặt trực tiếp giữa nhà trường và phụ huynh
phía bên kia bức bình phong phấp phới. "Bây giờ, tôi thật không còn ngạc
nhiên về điều gì nữa", thày giáo địa lý vò nát bức chân dung mẹ, phác
hoạ bởi thiên tài của em, với dòng ghi chú "mẹ Việt Nam", rồi lại vội
vàng mở ra, vuốt phẳng, nhét vào cặp, để còn trình ban giám hiệu và ba
chân bốn cẳng chạy thục mạng, khỏi căn buồng - ga tàu treo. Thỉnh thoảng
cũng có một hành khách nhầm ga như thế. Chẳng qua, thày chỉ là một
người đàn ông nhỏ thó, luôn kinh hoàng trước sự lễ phép giễu cợt của đám
học trò phổng phao. Rồi sự thân ái của đồng nghiệp cũng giễu cợt. Tôn
ti trật tự trong gia đình cũng giễu cợt nốt... Mẹ áp lên má em một giọt
nước mắt và không bao giờ nhắc tới ông bác sĩ nữa. Một lần mẹ khóc, bộ
ngực mẹ như muốn bật tung ra, rơi vào tay bất cứ ai đang ở gần. Bên kia
bức bình phong, đã bao nhiêu ông khách phải làm phúc giữ hộ mẹ bộ ngực
không chịu ở yên một chỗ ấy. Em đã nói, trong căn buồng này, chẳng có gì
cố định.
Sau tò mò, mẹ chuyển sang khâm phục, hoặc xúc động
hoặc cả hai thứ một lúc. Mẹ đã khâm phục đủ thứ. Một ông luôn nói những
lời mơ hồ mà mẹ chẳng hiểu gì hết, những mê mệt linh cảm đằng sau đó
những điều thiêng liêng to tát. Một ông đi đâu cũng được thiên hạ mời
mọc hỏi han, khiến mẹ vô cùng hãnh diện, rồi những ông luôn đúng hẹn, ôi
con người mới đáng tin đáng quý làm sao, những ông nhạy cảm lạ lùng,
những ông nho nhã, những ông khéo tay, những ông cương cường dũng mãnh,
những ông rất đỗi dịu dàng, những ông mực thước thâm thuý, những ông
phóng khoáng bao dung, những ông uyên bác thông minh, những ông vô cùng
bí hiểm, những ông mộng mơ, những ông quần áo chả có gì mà trông lúc nào
cũng thích mắt, những ông giản dị khiêm nhường, những ông cực kỳ lịch
duyệt, những ông trẻ thơ, những ông là đá hoa cương, những ông là người
thuyền trưởng, những ông giàu óc thực tiễn, những ông yêu súc vật, những
ông luôn biết điều, những ông chói lọi tài năng, những ông quên mình
cho lý tưởng, những ông chẳng làm ai buồn, những ông không hắt xì hơi
trước mặt phụ nữ và trẻ em, những ông là cả một thế giới độc lập ngang
tàng, những ông vui vẻ xách làn cho vợ... Các ông ấy, ông nào cũng hơn
hẳn những ông còn lại, hơn hẳn và hơn là nẫu ruột này, như thế, hỏi làm
sao mẹ nhẹ dạ của em không run lên. Và khi mẹ đã thán phục, thì xin tạo
hoá đừng tự ái, đừng khuyên nhủ đấy, đừng bao giờ cũng là người đàn ông
duy nhất và cuối cùng trên mặt đất. Mẹ ông ta, một sự bất hạnh không cần
con gái ạ, đấy là điều dễ chịu nhất. Rồi sẽ đến lúc con biết đánh giá
đúng mức sự dễ chịu". Em không còn cơ hội để đánh giá điều gì nữa. Em đã
sống trước tương lai đàn bà của em trong mẹ, đã gửi cả vào mẹ trái tim
mười sáu tuổi cường tráng của em, và nhận chân canh giữ ký ức quá tải ái
tình của mẹ. ở nước ngoài, em có thể là một bồi phòng tốt, được trả
lương cao, em có thể là một bồi phòng câm. Vâng, em có mười sáu, em định
nghĩa tốt chứng lãnh cảm.
Mẹ, đã thành chu kỳ, cứ sau dăm ba
cuộc thăng trầm lại lớn tiếng ca ngợi sự dễ chịu thuần tuý. Đó là những
khoảng thư giãn ngay trong tình yêu, vì tình yêu trong cuộc đời mẹ không
ngày nào được nghỉ. Thỉnh thoảng, mẹ nghỉ ngơi trên mặt hồ, trong một
nhà hàng ấm cúng mới phát hiện, hay trong một buồng khách sạn ven đô,
với si líp mặc lần đầu, đồ hộp và một người đàn ông thuộc về mẹ một
khoảnh khắc nào cũng như mẹ tuyệt đối không thuộc về ông ta. Ông ta là
cả một khối dễ chịu đồ sộ, với bàn tay nóng ấm mơn man lịch sử, không
cuống cuồng, không thúc bách, bàn tay biết nghe lời và biết yêu thương
đặc biệt những khu vực giàu linh cảm của mẹ, vĩ độ mười hai mười ba, để
mẹ nhắm mắt, quên đi, quên đi cái quá khứ nông nổi lỗi lầm, quên đi đứa
con gái vị thành niên mắc chứng lãnh cảm, quên đi, hay đừng sống trước
những gì chờ đợi, vì em ơi, những nẻo đường của định mệnh làm sao kiểm
soát nổi. Em ngốc lắm, em ngu nữa, ông ta bảo mẹ thế, hãy để yên, anh
thấy dễ chịu. Mẹ và ông ta, họ không tương tư nhau. Họ biết ơn nhau.
Thế, đối với cuộc đời bị thoá mạ thường trực của mẹ, đã quá nhiều an ủi.
Khả năng xúc động của mẹ còn khổng lồ hơn khả năng khâm phục. Mẹ cứ rối
rít lên như cần ăng ten, bắt đủ thứ sóng ngắn dài. Những làn sóng lượn
quanh nhau, đè lên nhau nổ lục bục trong lòng em. Lòng em là cái loa
hỏng từ lâu. Ông số 7, chẳng hạn, đã đánh gục mẹ bằng sự bất hạnh triền
miên của ông ta, một sự bất hạnh không cần đèo theo một nội dung cụ thể,
một sự bất hạnh có tính nguyên tắc. Ông ta bất hạnh khi ngồi trước mặt
mẹ, bên kia bức bình phong, cả hai cùng im lặng thật hồi hộp và sâu sắc,
để tránh cho thế giới học trò của em nguy cơ ô nhiễm. Ông ta tiếp tục
bất hạnh, khi em trang trọng kiếm cớ xuống nhà đổ rác, nhân tiện mua ô
mai. Và tất nhiên, khi ông ta chào mẹ, để về thuê thằng con trai chín
tuổi đi học, cứ điểm mười năm trăm, điểm chín bốn trăm, điểm tám ba trăm
từ bảy trở xuống không tính, khi ông ta chào mẹ ở chót vót trên tầng
năm, để về thực thi nền giáo dục và nghĩa phụ tử kiểu đó, rồi gặp em mọc
rễ bên chiếc xô bẩn ở đâu đó bên dưới miệng tê dại vì đắng và chua
không mở ra chào ông ta được, thì nỗi bất hạnh của ông nhuộm toàn bộ
không gian xung quanh khu cầu thang trong một vầng hào quang đen nhẻm.
Sự bất hạnh là cái gì mà quyến rũ thế, em hỏi. Mẹ giật cái xô rác trong
tay em, ném choang xuống cầu thang: "Nói như thế là sỉ nhục người khác,
con không biết à? " Cái xô trống rỗng thoạt đầu lao vun vút xuống, ba
bậc một, ngập ngừng dừng ở khoảng chiếu nghỉ chật hẹp và hà tiện, rồi
quả quyết tự chỉnh hướng, quay lại, khổ sở leo từng bậc thang và nhẫn
nhục đứng trước mẹ, như thầm nói: "Thưa bà, tôi không có sĩ diện". Mẹ
ngất. Sau này, ông số 7 cũng nói đại ý, ông ta không có sĩ diện. Ông ta
là công nhân của một đất nước ở vào thời buổi không có gì đáng sĩ diện
hết.
Mẹ vẫn mở lòng ra, xúc động trước tất cả: những ông khát
vọng không chịu già đều cùng tuổi tác, những ông lạc lõng giữa các bầy
nhòm và tập đoàn, những ông chỉ sống để trả thù các thành công không
xứng đáng của kẻ khác, những ông cao dưới một mét sáu mươi, những ông dở
dang mọi nhẽ, những ông phải tiết kiệm hai trăm gửi xe, những ông lên
gân cho các cuộc giao du quý phái, những ông làm cách nào ly hôn được
với vợ, những ông đâm đầu vào bệnh lậu trong tinh thần ngơ ngác, những
ông vất vả ngược xuôi thu phát các tư tưởng độc đáo, những ông tuyệt
vọng chống trả bi kịch bị lãng quên... và ưu tiên số một là những ông
công dân bất hạnh. Hai khả năng của mẹ, khâm phục và xúc động, là hai
cánh tay khổng lồ vươn ra ôm trọn thế giới đàn ông, không cho ông nào
thoát. Thế, nên khách nhà em thường bắt tay nhau sững sờ. Người đáng
kính ngồi kề kẻ đáng thương. Ông thành đạt chìa tay cho ông chưa thành
đạt và ông không bao giờ thành đạt. Họ khinh trọng nhau ở đâu, chứ ở nhà
em, tất cả đều bình đẳng trong vòng ôm khổng lồ, trong gọng kìm của mẹ.
Giấc mơ đại đồng của nhân loại được thực hiện phân nửa bởi một phụ nữ
nhẹ dạ, lầm lỗi như thế.
Cũng không ông nào thoát cơn say đắm
của mẹ. Mẹ luôn phải say đắm một người đàn ông nào đó. Mỗi lần mẹ say
đắm, em còn lại một mình, hai đầu gối kẹp chặt trái tim. Nhiều lần như
vậy, nó đông cứng lại trong một hình số 8 vẹo vọ. "Mẹ sẽ mua một con chó
Nhật, nhé, xinh lắm", mẹ nói thế vào một sáng sớm, khi mẹ rón rén trở
về và bắt gặp em ngủ ngồi đằng sau cánh cửa trông ra cầu thang. Mẹ rón
rén trở về guốc cầm trên tay, con hươu ba mươi sáu tuổi, cười bối rối
bằng màu môi thật, trông cảm động hơn tất cả những cặp môi rực rỡ của
các hoa hậu. Đó là ngoài môi, còn sâu trong cổ họng là những âm thanh bị
nén lại theo phép ứng xử, cũng một kiểu tự phụ. Đáng lẽ chúng ta phải
được xổ tung ra, kêu lên, gào lên, rằng mẹ đang hạnh phúc. Nhân loại đại
đồng và hạnh phúc. Mẹ rất dễ hạnh phúc. Mẹ có thể tự nguyện hạnh phúc
trong phạm vi đường kính một mét tư, quây tròn bởi những mảnh bạt và ni
lông chắp nối trong khu vườn nhỏ lạo xạo của hầu hết các quán cà phê.
Chủ quán ắt phải là một đàn bà còn giữ nguyên vẻ lam lũ đức hạnh của một
đời làm cán bộ nhà nước. Bà ta sẽ sốt sắng, gần như xun xoe tuồn các
đĩa hướng dương, thuốc lá điếu lẻ và kẹo cao su vào từng lô ái tình bập
bùng kín mít, trong đó có mẹ. Mẹ cũng sẵn sàng hạnh phúc, khi người đàn
ông đi cạnh chỉ đi cạnh, chứ không dắt tay mẹ dung dăng để mẹ được tỏ
cho phố phường náo nhiệt vô danh biết, mẹ là người đàn bà được che chở.
Mẹ hạnh phúc bất chấp cả ba nhà hàng xóm, thỉnh thoảng nghe tiếng chân
ngoài cầu thang lại hé cửa, cho một ví dụ về đạo đức. Em thề, hỡi các
người, từ nay ta không sang xin muối nữa. Thậm chí câu hỏi bâng quơ
nhiều lần của viên cảnh sát khu vực: "Thực ra, chị làm nghề gì nhỉ?"
cũng không thể ngăn cản mẹ hạnh phúc. Mẹ có hai bằng đại học, bốn ngoại
ngữ, ngoài ra còn làm thơ. Mẹ là trí thức hạng nặng.
Con chó
Nhật chưa kịp đến, ông số 7 đã ra đi. Ông ta không có điều kiện hành
động giống cái xô rác hôm nào, vì các cuộc chia tay của mẹ bao giờ cũng
mang tinh thần chiến tranh: người ta phải dũng cảm và quyết liệt bằng
mọi giá. Rồi mẹ sẽ có một say đắm số 8, hy vọng rằng không vẹo vọ như
con số 8 của em, tất nhiên. Nếu cần, mẹ rút ngắn các giai đoạn tiền say
đắm, để nhanh chóng đạt đến cao trào sung sướng hơn. Đó thuần tuý là vấn
đề kỹ thuật. Nhưng kỷ nguyên sau ông số 7 bỗng mang một dấu hiệu nguy
hiểm: mẹ cũng bắt đầu lơ đãng hướng nội, lại còn trơ một mình, nhưng
không có thời gian quan sát trái tim lập dị của em, vì còn bận canh
chừng ấm điện, tàu ngầm, máy sấy tóc, bếp đun, bàn là, vòi nước, những
vật tế cho nội tâm của mẹ. Bất cứ lúc nào, căn buồng ga tầu treo mạo
hiểm của hai mẹ con cũng có thể bùng cháy hay thê thảm đắm chìm.
Rồi
một chiều mẹ ra mắt em và tấm gương Pháp dưới dạng một cuộc cách mạng:
mái tóc từng làm khu cầu thang sặc mùi phân chó phải xao xuyến bây giờ
là một mớ xoăn tít, cụt lủn, màu móng tay, móng chân thì nhức nhối với
màu môi màu mắt và triệt để hơn cả là bộ quần áo lóng lánh nhũn nhùn,
toàn bộ giống như một con ngỗng đang hoang mang giữa mốt trưởng giả và
mốt híp pi. Thế là mẹ đã trở thành một phạm trù. Càng ngày càng nhiều
phạm trù tương tự xuất hiện trên đường em đi học. Em và tấm gương Pháp
lần đầu tiên ngầm đưa mắt cho nhau: hãy im lặng, không nhất thiết phải
tán đồng, nhưng cuộc cách mạng đáng tôn trọng vì tính chất tuyệt vọng
của nó. Mẹ đang phồng lên dữ dội, đang lấn chiếm không gian, đang quyết
tâm khẳng định một điều gì đó ghê gớm lắm. Như thể ông số 7 và nỗi bất
hạnh của công dân của ông ta chưa từng chiếm một chỗ, rồi đuổi không ra
nữa, trong lòng mẹ. Như thể mẹ, trí thức hạng nặng, yên tâm lắm trong
cuộc yêu khổng lồ nhưng mãi mãi đơn độc vì bị thoá mạ thường trực của
mình. Như thể em không nêu tâm gương về sự lãnh đạm, ít nhất cũng với
một nửa nhân loại. Mẹ phồng lên trên sự suy nhược của em mà thôi.
Mẹ
kéo về một ông nói liên tục, như sợ ngày mai đột tử không kịp nói nữa.
"Ê, này, cô bé" ông ta thò đầu qua bức bình phong, nói với em, "Uống một
chút chứ! Đừng có làm bộ mặt khó dễ như bà hiệu trưởng thế. Hừm các
người tưởng các người đang ở đâu hả? Anh Cát Lợi chắc? Uống đi cháu, bác
xin lỗi. Thôi được. Thôi được. Tôi phải đi khỏi đây chắc? Các người mơ
màng quá. Cuộc sống của tôi cũng có nhiều ý nghĩa lắm đấy. Em này, cái
công ty của anh đang quét vôi lại. Ra phết. Này cô bé, cô vào lớp chuyên
tin đi, chú đảm bảo việc làm. Nhưng dù sao thịt quay ở chợ này cũng
khá. Anh tưởng đã phải đi xa hơn. Thịt quay là vấn đề không đơn giản. Em
này... "Ông ta ngoáy liên tục vào bát nước chấm, ra nhà vệ sinh vài lần
và dội nước ồ ồ, chắc cũng sợ ngày mai không kịp. Bên kia bức bình
phong, ông ta lột tất ở chân mình, tuyên bố rằng trên đời đáng ghét nhất
là sự ỡm ờ. Với ông ta, mọi chuyện đều phải rõ rằng, ngay tức khắc. Mẹ
may mắn đi đôi tất chỉ lên tới đầu gối. Mẹ thoả hiệp một chân, chân kia
vẫn thủ tiết. Tiếng mẹ khe khẽ đề nghị tới một quán cà phê nào đó. Ông
ta quyết: "Vẽ chuyện, con bé nhà em vô cảm". Mẹ đứng phắt dậy, mái đầu
xoăn tít ném một đống dấu chấm hỏi rực lửa lên trần nhà. Bên trên là bầu
trời bình thường. Ông ta chờ đợi hồi lâu. Khi không thấy lời đáp nào từ
trên ấy, ông ta cũng đứng phát dậy: "Các người tưởng các người đang ở
đâu hả? Anh Cát Lợi chắc? " Vì sao ông ta chỉ hâm mộ mỗi nước Anh? Em
bước ra nói: "Mẹ, con đi tìm ông số 7". Trời, ai lại dạy con gái đánh
số, mẹ ôm mặt lảo đảo.
Rồi lần đầu tiên trong căn buồng - ga tàu
treo của hai mẹ con xuất hiện khách đàn bà. Họ gồm ba người, đến vào
các chiều thứ năm như trong thế giới quý tộc. Đúng năm giờ, ngày đang
bước vào thời điểm đực cái bắt đầu quấn lấy nhau, thời điểm ông số 7
nghẹn ngào đi thu tiền điện, những cơn đau nho nhỏ cứ dấy lên khi ông ta
khi ngửi mùi thức ăn xào chảo lớn, đúng giờ ấy họ tập trung ở nhà em,
mít tinh ca ngợi tự do. Họ thi nhau thơm nức. Họ mở bia nước ngọt lốp
bốp. Một lát sau, họ sẽ lần lượt khoả thân. Toàn những con ngựa không có
người cưỡi, xác thịt chảy buồn bã như suối. Một mợ vượt quá mọi kích
thước, trừ đôi cẳng chân bắt đầu teo lại. Một mợ lép kẹp, má lại phính.
Cái Xê - ri này cũng đáng tôn trọng vì nhu cầu phản kháng của nó. Nhưng
em đã già nua, kiệt quệ vì ký ức quá tải ái tình của mẹ. Thêm những xác
thịt gào thét của các mợ, em ắt phải gục xuống. Mợ to béo với cẳng chân
teo đến véo vào đùi em. Các mợ khác vừa cười hi hi khích khích vừa sờ
khắp người em. "Xem này, không khéo con bé xơ cứng mất". Họ bảo nhau đem
lại cho em mùa xuân. Họ, hội từ thiện không tự bố thí nổi cho mình. Có
người nào trong số các mợ ấy không từng bị một ông tàn nhẫn bảo rằng các
mợ phồng lên như chiếc chăn bông cũ bật lại cũng hết sức vô ích? Cả mẹ
nữa, có bao giờ mẹ giật mình bắt gặp những người đàn ông của mẹ
trộm
nhìn em? Những người bạn gái phóng túng của mẹ gửi cho em mười tám mùa
xuân, bằng đúng nửa số năm tháng sung sướng và đau đớn của mẹ. Anh chàng
mười tám tuổi đứng giữa mẹ và em, người đàn ông mới toanh hiện nay của
mẹ, và của em. Sự lạnh lẽo của em đẩy anh ta sang phía mẹ. Nỗi hoảng sợ
của mẹ lại trả anh ta về em. Thời chiến hết rồi. Bây giờ người ta thanh
toán hậu quả. Chẳng còn cách nào khác, mẹ phải chữa bệnh cho con gái mẹ.
Liều thuốc là mối tình xót xa bất đắc dĩ này.
Phạm Thị Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét