tranh nguyễn trung
1
Sáng hôm ấy, ở căn nhà nằm sâu trong hẻm một xóm lao động quận tư, anh tình cờ ngồi đối diện với một người lính miền Bắc. Anh ta mặc quân phục tề chỉnh, đội nón cối, mang giày bố, súng giắt nơi dây nịt. Anh ta nói chuyện với bà chủ nhà là má vợ của ông anh anh. Bà là tổ trưởng dân phố. Anh ta gọi bà là má, xưng con. Lần đầu tiên nghe cách xưng hô ấy, anh tưởng anh ta là con của bà, bấy lâu nay thoát ly theo cách mạng. Sau đó anh biết là không phải; từ “má” thiêng liêng ấy được quân cách mạng sử dụng để thu phục cảm tình của dân, ai cũng là má được.
<!>
Một lúc nào đó trong câu chuyện giữa họ, anh nghe anh ta nói, “Má cần động viên bà con giao nộp sách báo đồi trụy phản động, sản phẩm của nền văn hóa nô dịch cần xóa bỏ.”
Anh hỏi anh ta có phải cách mạng sẽ làm như Mao Trạch Đông không. Anh ta quay sang bác anh, hỏi anh là ai. Bà nói anh là em của con rể của bà. Anh ta yêu cầu anh nói rõ ý của mình. Anh nói Mao Trạch Đông đã từng tuyên bố trí thức không bằng đống phân và ra lệnh đốt sách trong Cách Mạng Văn Hóa. Anh ta nghiêm mặt bảo anh, thứ nhất, không được gọi lãnh tụ nước bạn như thế, thứ hai, nói xấu cách mạng là phản động.
Anh không ngờ sự tình lại nghiêm trọng như vậy. Anh dè dặt hỏi vậy tôi phải gọi ông Mao Trạch Đông thế nào? Anh ta trả lời phải gọi là Mao chủ tịch. Anh định hỏi vậy tại sao các ông gọi các vị lãnh đạo miền Nam là thằng nhưng sực nhớ tình hình đất nước đang giao thời, anh không nên quá khinh xuất. Hơn nữa, có thể anh đang đối diện với tai họa, anh im lặng. Anh ta quay ra ngoài, khẽ gật đầu, rồi quay lại phía anh hỏi ai đã nói với anh như thế. Anh trả lời tôi đọc ở sách báo, rồi đứng lên nói xin lỗi tôi phải đi, chào bác anh, ra về. Anh quyết định không ở lâu hơn nữa, không muốn bị chất vấn, không muốn tranh luận với anh ta.
Nhưng vừa bước ra cửa, anh chạm trán với một người lính đang đứng chặn ở đấy. Lúc đến nhà anh không hề nhìn thấy anh ta. Anh quay trở lại. Linh cảm bị bắt, nhìn về phía cửa sau. Quả nhiên, ở đấy cũng có một người lính trấn giữ.
Nếu không có má vợ ông anh nói giúp, anh đã bị bắt.
Anh nhớ lại câu nói của Lichtenberg, “Quyển sách là một cái gương soi; nếu một con khỉ mà nhìn vào, dĩ nhiên không thể có cái ảnh của một bậc thánh hiện lên.”
2
Anh đi làm xa, về trễ. Chiều ba mươi, xuống xe đò, anh bảo tài xế xe ôm chở ra chợ hoa. Tết năm nào anh cũng tìm mua một cành mai. Không như anh hy vọng, chợ không còn sót lại một người bán hoa nào. Về nhà, nhìn thấy một cành mai rực rỡ cắm trong bình, anh thầm khen vợ chu đáo. Nhưng, ngay sau đó anh nhận ra đó là cành mai giả. Anh ghét hoa giả, dù chúng giống thật đến đâu, định ném nó ra sân, nhưng nghĩ lại sợ vợ buồn nên thôi.
Sáng mùng một, ngồi ngắm cành mai, anh viết bốn câu thơ với ý tưởng hoa giả chẳng làm nên mùa xuân thật. Chiều mồng ba Tết, người bạn trong xã đến nhà chơi, nói thích bài thơ bốn câu ấy; anh liền tặng anh ta. Sau đó ít lâu, anh đang ăn cơm, có hai người đàn ông mặc thường phục bước vào nhà.
Ở quê, nhà thường mở rộng cửa; hàng xóm, khách ra vào tự nhiên như người trong gia đình. Nhìn thấy họ, anh chưa kịp phản ứng thì một người hỏi một cách thân mật, như anh ta là bạn của anh, “Anh đang ăn cơm à?” Anh buông đũa, đứng lên, hỏi, “Thưa, hai anh muốn gặp ai?” Một người nói, “Người chúng tôi muốn gặp chính là anh.” Người kia tiếp lời, “Chúng tôi là công an, chúng tôi được lệnh bắt anh vì tội tham gia tổ chức phản động chống phá cách mạng, chống phá chính quyền nhân dân.” Anh sững sờ ngó hai người đàn ông. Một lát, khi bình tâm hơn, anh hỏi chứng cứ. Họ nói về đồn họ sẽ cho thấy chứng cứ. Rồi một người nói, “Thôi được, anh cứ ăn cho xong bữa, chúng tôi sẽ chờ anh.” Anh ngồi xuống. Họ kéo ghế ngồi kế bên. Nhưng rồi không biết nghĩ sao, họ đứng lên. Một người nói, “Chúng tôi ngồi chờ anh bên kia.” Rồi cả hai bước sang quán nước bên kia đường.
Họ thật tử tế khi chờ anh ăn xong bữa cơm? Có câu “Trời đánh tránh bữa ăn.”
Riêng anh, anh nghĩ giá mà họ dẫn anh đi ngay thì tốt hơn. Chưa từng có bữa ăn nào dài như vậy trong đời.
Anh ước ao thời gian dừng lại. Anh gắp từng hạt cơm, cố chống lại số phận. Nhưng rồi anh không đủ sức.
3
Dường như có gì đấy trên da thịt anh. Có thứ gì đấy. Chúng là những sinh vật. Những sinh vật rất nhỏ di chuyển trên da, nhỏ như kiến, tuy nhiên, cảm giác không sắt nhọn mà rất nhẹ, êm, nhồn nhột, ươn ướt. Sự tiếp xúc phát khởi từ một diện tích nhỏ, lan rộng dần, từ dưới lên.
Đó là giòi. Một lũ giòi. Hàng trăm ngàn con có lẽ, đang bò trên da thịt anh.
Anh không biết chúng từ đâu đến. Anh không biết mình đang ở đâu. Chung quanh anh tối đen. Anh không nghe bất cứ tiếng động nào. Anh không trông thấy bất cứ hình ảnh nào. Một cõi trống không, hư vô. Anh biết sự hiện hữu của lũ sinh vật đó bằng xúc giác và nhận thức.
Lũ giòi mỗi lúc một xuất hiện nhiều hơn, tụ lại lúc nhúc như một dãy lụa di động, tiến về phần trên của thân thể anh. Đến ngực anh, một số dừng lại, ngo ngoe tìm kiếm, số còn lại tiếp tục bò lên cổ anh, rồi mặt anh.
Anh gắng hết sức cử động. Nhưng không thể. Phải chăng anh đã bị trói, anh tự hỏi. Nhưng rồi anh nhanh chóng phủ nhận điều ấy. Anh không hề có cảm giác gì khác ngoài cảm giác sự hiện diện của lũ giòi. Không hề có một sợi dây nào tiếp xúc vói thân thể anh. Anh không biết chuyện gì xảy đến với mình, những sợi dây vô hình nào cột chặt thân thể anh. Hoặc thân thể anh đã bị tê liệt. Anh như một xác chết. Và sự hiện hữu của lũ giòi chúng tỏ thân thể anh đã trương phình lên? Anh không ngửi thấy mùi thối.
Trong lúc lũ giòi phía trên tập trung ở đỉnh đầu anh, lũ giòi trên ngực tìm cách xâm nhập vào bên trong thân thể. Chúng đục hàng ngàn lỗ nhỏ kích thước vừa cơ thể chúng. Lũ giòi trên đầu đang chui qua da.
Quả tim anh lúc này bị bao phủ bởi hàng ngàn con giòi, tựa như chúng là lớp da bao bọc. Quả tim ấy vẫn phập phồng co bóp lên xuống đều đặn. Chúng cũng đã xuyên thủng lớp xương sọ cứng cáp của anh.
Lũ giòi thi nhau rỉa rói tim và óc anh. Thể tích hai cơ quan ấy mỗi lúc một biến dạng, nhỏ dần; cơn đau càng lúc càng tăng mức độ. Nhức, buốt nơi óc, xót xé nơi tim.
Anh cố hết sức vùng dậy.
Anh há hốc mồm hét lên, “Không! Không!”
Cả cảnh vật trong mơ lẫn cái tôi trong mơ đều là hóa thân của ta, các tu sĩ duy thức Đông phương nói.
Giấc mơ là những hình ảnh cuộc sống, những ước muốn, khát vọng không thỏa mãn lắng đọng xuống nơi sâu thẳm của cõi vô thức, trồi lên, đôi khi biến dạng vì bị dồn ép, S. Freud nói.
Nhìn giá sách trống rỗng, anh thu xếp hành trang, lên đường về quê.
Về tới nhà, anh gặp ông lão nhà bên đứng trước hiên.
“Chào bác Tư. Bác khỏe chứ ạ?”
“Chào anh Phong, nhờ ơn Bác và Đảng tôi vẫn mạnh. Lâu quá không thấy anh về chơi?”
“Cháu bận. À, có ai đến nhà cháu không, bác Tư?”
“Không.”
Anh mở khóa, đẩy chiếc cửa cây xiêu vẹo, bước vào nhà.
Trong nhà, chiếc võng giăng giữa hai cột, chiếc bàn, ghế cây cũ kỹ phủ một lớp bụi dầy. Mạng nhện giăng mắc nhiều nơi. Đã mấy năm anh không về, ngôi nhà nhỏ vách ván nền đất tồi tàn mục nát nhanh.
Phát hiện những đường hầm nổi nhỏ xíu chạy ngoằn ngoèo trên cột nhà, anh đưa tay ấn mạnh vào một chỗ. Đất vỡ ra, rơi xuống. Anh làm như thế ở một vài chỗ khác, cũng chỉ có đất. Chúng đã bỏ đi, anh nghĩ.
Anh bước trở ra cửa, nhìn sang nhà bên cạnh. Thấy không có ai nhìn về phía mình anh khép cửa, bước vội về phía gian buồng. Anh giơ tay vén tấm màn vàng ố. Gian buồng ngập trong bóng tối. Mùi ẩm thấp xông lên mũi; cùng lúc một con chuột phóng nhanh ra. Nó kêu chí chít, dẫm cả lên chân anh.
Anh lui ra, mở ngăn kéo, tìm thấy một đoạn đèn cầy, lấy từ túi quần cái quẹt gas, đốt khúc đèn cầy ấy.
Gian phòng hẹp, dài suốt chiều ngang căn nhà. Những tia sáng rọi từ các lỗ thủng trên mái không đủ sáng cho anh thực hiện công việc của mình. Đến chỗ bồ lúa, anh kéo tấm phên sang bên, lấy cuốc, bắt đầu đào.
Một lát, anh ngửi thấy mùi ẩm mốc của giấy. Anh nín thở.
Hiện ra trước mắt anh, một đống lớn giấy nát vụn. Vất những mảnh thùng các-tông sang bên, anh nhìn thấy lẫn trong đống bụi giấy, hàng ngàn mảnh vụn to nhỏ đủ cỡ, vô số mối. Anh nhắm mắt giây lát, mở mắt, lắc đầu.
Anh đưa tay hốt một nắm giấy, bóp nhẹ trong lòng bàn tay một lát, buông xuống. Rồi anh lại bốc lên một nắm khác. Lần này anh chăm chú nhìn những hình vẽ trên các mảnh to chừng lóng tay. Nhìn thấy một con mắt trong trẻo, một phần mái tóc vàng, một chiếc mỏ hải âu, anh lẩm bẩm, “Con chim trốn tuyết.” Anh thả xuống, bốc lên một nắm khác, nhìn thấy chiếc mũi và con mắt thiếu nữ trên bờ vai chàng trai quàng khăn màu đỏ, mảng trời xanh, anh lẩm bẩm, “Đôi bạn chân tình.”
Anh xòe bàn tay, nhìn thấy mảnh vụn hình ống khói, tàng cây, mây trắng, và nhận ra quyển “Mật khải.”
Từ bàn tay anh, lũ mối đang di chuyển về phía ngực và đầu anh…
Thu Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét