Phải thanh minh thanh nga ngay cho các cụ, đây không phải chuyện trâu già gặm cỏ non mà là chuyện ngày xưa các cụ tán gái khi còn thanh xuân. Chuyện trâu già gặm cỏ non cũng có, khi cụ Nguyễn Trãi làm thơ tán cô bán chiếu Nguyễn Thị Lộ, nhưng tuy đây là một cuộc tán gái nổi tiếng nhưng không thuộc vào category này nên không nhắc tới tại đây.
<!>
Tôi muốn nói tới chuyện của cụ Nguyễn Công Trứ, cũng oai phong lẫm liệt cả văn lẫn võ không thua chi cụ Nguyễn Trãi. Cụ Nguyễn Công Trứ ngay từ nhỏ đã mê ca hát, nhất là hát phường vải và ca trù. Phường ca trù nổi tiếng nhất là của làng Cổ Đạm, nằm gần làng Uy Viễn của Nguyễn Công Trứ. Trong phường ca trù này có cô đào Hiệu Thư vừa đẹp vừa hát hay. Nhưng có lẽ vì tài sắc vẹn toàn nên tính tình rất kiêu kỳ, chỉ giao du với các bậc vương tôn công tử hoặc những người có danh phận. Khi đó cậu Trứ cũng nổi tiếng là người tài hoa: đàn hay, đánh trống chầu vào loại thượng thừa lại thêm văn hay chữ tốt khi ứng tác bài hát. Vậy mà cậu không được người đẹp Hiệu Thư ngó ngàng chi tới. Lòng say mê người đẹp khiến cậu hạ mình xin làm người đệm đàn cho Hiệu Thư. Cậu được Hiệu Thư thu dụng.
Từ đó cậu thân cận được người đẹp, nàng đi hát đâu cũng đem theo tay đệm đàn này. Nhưng cũng chỉ được gần Hiệu Thư những khi trình diễn, đông người chung quanh nên chưa có dịp thổ lộ tình cảm. Một bữa phường hát Cổ Đạm được mời qua hát ở Vĩnh Yên, đường đi khá xa. Nguyễn Công Trứ được theo Hiệu Thư để đệm đàn và đặt lời ca. Bất ngờ hai người chậm bước, không theo kịp đoàn. Nghĩ đây là dịp may để tỏ tình nhưng vướng chú tiểu đồng vẫn lẽo đẽo theo hầu bên cạnh. Cậu Trứ mánh mung, giả vờ hô toáng lên là quên dây đàn ở nhà. Hiệu Thư tưởng thật, sai chú tiểu đồng chạy về lấy. Khi hai người đi qua một cánh đồng vắng vẻ, Nguyễn Công Trứ buông lời tán tỉnh, Hiệu Thư chỉ “ứ hự” chứ không lên tiếng từ chối hay trách móc chi. Nhưng chàng trai họ Nguyễn này thuộc loại chết nhát nên duyên phận chẳng đi đến đâu.
Cậu học trò Nguyễn Công Trứ là người văn hay chữ tốt, rất giỏi kinh sử nhưng tính tình phóng khoáng nên lận đận đường khoa cử. Mãi tới năm 41 tuổi mới đậu Giải Nguyên và ra làm quan dưới triều Nguyễn. Năm 1832, ông được bổ giữ chức Tổng Đốc Hải Yên. Vẫn còn dòng máu mê hát ả đào, một lần kia ông tổ chức hát ngay tại tư dinh, mời những danh ca tới giúp vui. Trong số người được mời này có Hiệu Thư, người ông mê mệt năm xưa. Khi tới lượt trình diễn, Hiệu Thư nhận ngay ra quan Tổng Đốc đang ngồi chễm chệ nghe hát trên kia chính là cậu Trứ năm xưa. Nàng cất giọng: “Giang san một gánh giữa đồng / Thuyền quyên “ứ hự” anh hùng nhớ chăng?”. Nghe câu hát, quan Tổng Đốc giật mình nhớ lại chuyện xưa. Quan vội hỏi: “Phải nàng là Hiệu Thư đó chăng?”. Khi tàn cuộc hát, ông cho vời Hiệu Thư lại hàn huyên. Biết Hiệu Thư vẫn đơn chiếc, ông cưới nàng làm thiếp.
Câu chuyện tình này đã được ông ký thác lại trong bài thơ: “Bỡn Cô Đào Già”:
Liếc trông đáng giá mấy mười mươi
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười
Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết
Hoa tàn song lại nhụy còn tươi
Chia đôi duyên nợ, đà hơn một
Mà nét xuân kia vẹn cả mười
Vì chút tình duyên nên đằm thắm
Khéo làm cho bận khách làng chơi.
Lưỡng quốc Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo, sanh năm 1651, mất năm 1719, quê làng Hoài Bão, tên tục là làng Bịu, ở Tiên Du, Bắc Ninh, cũng là một cao thủ trong chuyện tán gái. Thuở nhỏ, khi đang theo học tại kinh đô, nhân Tết Nguyên Tiêu ngày rằm tháng giêng, ông mặc áo nhà nho đạm bạc, cùng bạn bè đi dạo kinh thành. Họ tới thăm chùa Báo Thiên. Vừa tới cổng chùa, họ thấy một chiếc kiệu hoa, có lính theo hầu, có nữ tỳ vây quanh. Từ kiệu hoa bước xuống là một tiểu thư mặt hoa da phấn, sắc đẹp thuộc loại chim sa cá lặn. Cậu Đạo nhà ta sững người chết trân, quên cả ngắm cảnh. Giai nhân vào chùa hồi lâu mới ra, bước lên kiệu. Chàng thư sinh mê mẩn đứng trước kiệu, lính lệ quát tháo, giơ roi đánh dẹp đường nhưng Nguyễn Đăng Đạo vẫn tỉnh bơ. Bỗng từ trong kiệu, tiếng tiểu thư cất lên: “Hội vui cảnh đẹp, mọi người cùng du chơi thưởng ngoạn, các ngươi chớ nạt nộ người ta như thế!”. Rồi nàng lệnh cho quân khiêng kiệu tránh đường mà đi. Ông trạng tương lai cũng cất bước đi theo và chỉ đành đứng lại khi kiệu vào một dinh thự to lớn. Thấy có một quán nước bên đường, ông vào lân la hỏi bà bán quán và được biết đây là dinh quan Ngô Hiến hầu, coi về cấm binh, chỉ huy việc quân cả kinh thành. Thiếu nữ trên kiệu là con gái độc nhất của quan, vừa hay chữ vừa xinh đẹp nết na, tới tuổi cập kê nhưng mắt xanh chưa đoái tới ai. Nghe vậy, Nguyễn Đăng Đạo quyết tâm tìm cách tiếp cận nàng. Ông trở lại dinh quan, tìm cách làm bạn với một đứa hầu nhỏ trong dinh, mua kẹo bánh hối lộ để dò hỏi đường ra lối vào, vị trí các phòng trong dinh, ghi nhớ trong dạ.
Ngay đêm hôm đó, ông mặc gọn ghẽ, trèo mấy lớp tường, lần tới phòng người đẹp, khoét tường chui vào trong phòng, lên giường nằm chung với cô gái, khẽ lay cô dậy. Tiểu thư đang say giấc nồng, giật mình tỉnh dậy thấy có người lạ trên giường nhưng không hoảng hốt, hỏi cớ sự. Nguyễn Đăng Đạo tình thật trình bày: “Từ bữa gặp nàng ở chùa, tôi trằn trọc thương nhớ khôn nguôi, định tìm mai mối, lại sợ làm nhơ đến quan tể tướng, chưa chắc được ngài đoái hoài tới. Nay cả gan ở đây, định ngỏ lới đính ước trăm năm với tiểu thư”. Người đẹp cả thẹn hỏi: “Quân canh bao nhiêu lớp, lầu các sâu thăm thẳm, ngươi làm sao vào lọt được nơi đây? Cha tôi tính nóng như lửa, chuyện này bị lộ, ngươi sẽ bị băm vằm thành bùn cho coi”. Nghe vậy, Đăng Đạo chỉ cười. Tiểu thư vội lấy hai tấm lụa trao cho ông, nói tiếp: “Ngươi chết cũng đáng tội. Nhưng nếu để người ta biết thì tiết hạnh của ta cũng mang vết. Ta cho ngươi cái này, nhân lúc bọn gia nhân chưa biết, mau tìm đường mà trốn đi”. Đăng Đạo cười nói: “Nàng đừng đem cái chết ra dọa ta. Nếu sợ chết, ta đã không lẻn vào đây. Nếu đại nhân có tới, ta cũng thành thật mà thưa, cớ sao mang cái chết ra dọa nhau?”. Giọng Đăng Đạo oang oang khiến bọn gia nhân thức giấc, ùa đến bắt ông. Kẻ đánh, người trói mà Đăng Đạo vẫn cứ cười nói không thôi.
Ngô Hiến hầu hay biết đùng đùng nổi giận nhưng thấy chàng thư sinh mặt mũi nho nhã, nói năng đàng hoàng thẳng thắn bèn đem lòng thương, không nỡ đánh đập. Lệnh cho giải tới pháp quan luận tội. Đúng lúc đó có quan đồng liêu họ Phạm làm ở Nội Viện đến thăm, thấy sự việc bèn nói với quan Ngô Hiến: “Kẻ làm việc phi thường ắt có tài khác thường. Tên này chắc có tài cán, hoài bão gì đây. Chi bằng xem nó có tài gì không. Nếu có thì nhân đó tác thành cho nó. Còn nếu là loại côn đồ thì đánh chết chưa muộn”. Nghe bạn nói hợp lý, quan cho gọi Đăng Đạo vào, bắt làm văn để thử tài. Nhận được đề, chẳng cần suy nghĩ, Đăng Đạo hạ bút viết liền một mạch xong ngay, lại còn tự tin bảo bọn người hầu: “Bay đi nói với tiểu thư sửa soạn cơm nước, nếu có chút khinh lờn là ta nhất định không làm khách quý nhà các người nữa”. Bọn người hầu bưng miệng cười chế nhạo cho là kẻ ngông cuồng.
Bài thơ được trình lên, hai quan đọc xong hết lời ca ngợi. Quan họ Phạm nói riêng với quan họ Ngô: “Ngàn vàng cũng chẳng tìm được đứa rể quý như thế này đâu!”. Thấy tên cả gan đục tường mò vào phòng tiểu thư giỏi văn chương thơ phú, Ngô Hiến hầu ra lệnh tha tội, hỏi quê quán họ tên, làm phòng riêng cho ở, cấp dầu đèn cho học. Năm sau, Nguyễn Đăng Đạo thi đỗ đầu kỳ thi Hương, được quan Ngô Hiếu tác thành nhân duyên phu phụ với con gái ông.
Trong nghệ thuật tán gái có 36 kế, không biết kế đục tường vào giường ngủ của người đẹp thuộc kế nào. Tôi rắp tâm nghiên cứu thấy chỉ có kế “ám độ trần sương” diễn nôm là “đi con đường mà không ai nghĩ đến” là có thể có chút dây mơ rễ má với chuyện của ngài Lưỡng quốc Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Kế này dạy khi tán gái phải có những hành động tỏ tình độc đáo làm kích thích trí tưởng tượng của phụ nữ. Kế này không có đường mòn, chàng trai phải phạt cỏ chặt cây tạo ra lối đi. Tiểu thư con quan đang yên giấc trong dinh được canh gác cẩn mật, mở mắt dậy thấy một tên lạ hoắc nằm trên giường thì quá bất ngờ và khác lạ, ú ớ nể phục là cái chắc. Dù sao thì cũng đã ngủ với trai, la lên thì xấu chàng hổ thiếp, thôi thì OK cho nó lành!
Kế sách “ám độ trần sương” là kế thứ 15 trong 36 kế tán gái các cụ đã nằm lòng. Chắc các công tử còn cu ky một mình ngày nay cũng muốn biết các kế khác có chi học hỏi được không. Giấy bút có hạn, tôi không thể diễn giải kỹ càng, chỉ bonus cho các chàng trai đang rắp ranh bắn sẻ tên của 36 kế của người xưa. Muốn ngâm cứu xin tìm trong Google.
Kế thứ nhất là “dương đông kích tây” (đánh lạc hướng đối phương). Tiếp theo là: “Điệu hổ ly sơn” (dụ hổ ra khỏi rừng); “Nhất tiễn hạ song điểu” (một mũi tên hạ hai con chim); “Minh tri cố muội” (biết rõ mà làm như không biết); “Du long chuyển phượng” (biến rồng thành phượng); “Mỹ nhân kế” (kế dùng người đẹp); “Sấn hỏa đả kiếp” ( theo lửa mà hành động); “Vô trung sinh hữu” (không có mà làm thành có); “Tiên phát chế nhân” (ra tay trước để chế phục đối phương); “Đả thảo kinh xà” (đập cỏ cho rắn sợ); “Tá đao sát nhân” ( Mượn dao giết người); “Di thể giá họa” (dùng vật gì để vu khống người khác); “Khích tướng kế” (kế chọc giận tướng giặc); “Man thiên quá hải” (lợi dụng sương mủ để ẩn trốn); “Ám độ trần sương” (đi con đường không ai nghĩ đến); “Phản khách vi chủ” (đổi vị khách thành vị chủ); “Kim thiền thoát xác” (ve sầu vàng lột xác); “Không thành kế” (bỏ trống cửa thành); “Sát kê hách hầu” (giết gà cho khỉ sợ); “Phản gián kế” (dùng kế của đối phương để quật lại): “Lý đại đào cương” (đưa cây lý chết thay cây đào); “Thuận thủ khiên dương” (thuận tay dắt dê về); “Dục cầm cố tu” (muốn bắt lại thả ra); “Khổ nhục kế” (hành hạ thân xác mình); “Phao bác dẫn ngọc” (ném hòn ngói thu về hòn ngọc); “Tá thi hoàn hồn” (mượn xác để hồn về). Kế cuối cùng chắc nhiều chàng đi ve gái đã thuộc lầu: “Tẩu kế” (chạy thoát thân).
Chiến lược chiến thuật tán gái phức tạp như vậy, nghe thiệt rắc rối. Tôi khoái lối tán gái đơn sơ, tự nhiên của những chàng trai của ruộng đồng hơn. Những câu tán gái thơ mộng, ít lời nhiều ý đã nằm trong ca dao. “Hỡi cô vác cuốc thăm đồng / thăm lúa, thăm mạ hay lòng thăm ai”. Hoặc: “Thấy em thấp bé mà xinh / Anh thuận nhân tình, anh nắm cổ tay / Nắm rồi anh hỏi cổ tay / Ai nặn nên trắng, ai xây nên tròn?”.

Ca dao tán tỉnh nghe tình hết biết. Chỉ những người sống giản dị giữa thiên nhiên mới có được những ý tưởng ngộ nghĩnh. “Ước gì sông rộng một gang / Bắc cầu dải yếm cho nàng sang chơi”. Hoặc: “Cô kia cắt cỏ bên sông / Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang”. Hay: “Gần nhà mà chẳng sang chơi / Để anh bắc ngọn mùng tơi làm cầu”.
Giữa cảnh đồng ruộng sông nước bao la, ánh trăng trên trời, người thương dưới đất, ca dao mượn đông nói tây, mượn quả nói lòng. “Trèo lên cây khế nửa ngày / Ai làm chua xót lòng này khế ơi!”. Hoặc: “Trăng dưới nước là trăng trên trời / Người trước mặt là người trong tim”.
Tài tình của ca dao là biết mượn hồn xác một hành động đơn giản bên ngoài để diễn tả tình cảm bên trong. “Rung cây rung cội rung cành / Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng”. Hoặc: “Bướm bay giữa bể bướm rơi / Anh thấy em ngó nhiều nơi anh buồn”.
Chơi chữ là một nghệ thuật trong văn chương. Ca dao không chủ ý làm văn chương nhưng cũng có những câu chơi chữ rất tới. “Đỗ tương thì ủ tương bần / Đỗ chàng thì ủ tám lần tương tư”. Hoặc: “Chẳng cần nghiêng nước nghiêng thành ? Chỉ cần nghiêng đủ lòng anh là vừa”.
Đụng vào ca dao, tôi khó dứt ra. Số đếm là những con chữ lạnh tanh, khô không khốc, chẳng có chút tình tứ thơ mộng nào. Nhưng khi ca dao đếm, những con số như linh động, được khoác vào một tấm áo mượt mà chữ nghĩa. “Một chờ, hai đợi, ba trông / Bốn thương, năm nhớ, bảy tám chín mong, mười tìm”. Thêm một câu nữa: “Người sao một hẹn thì nên / Tôi sao chín hẹn mà quên cả mười”. Đó là những con số đã hoàn chỉnh nhưng ca dao còn bỡn cợt với con số chưa tròn trĩnh, nửa cho mình, nửa cho người. Vậy mới tình “Chăn kia nửa đắp nửa hờ / Gối kia nửa đợi, nửa chờ duyên em”.
Tán tỉnh mà đếm như không đếm, con số khô khốc đã ướt rượt, sao tình đến vậy ta?
Song Thao
03/2025
(Tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét