Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Đĩ Xược - Nguyễn Lệ UYên

 Làm đĩ, đơn giản chỉ vì muốn - ThíchTruyện.VN


 

      Chước tửu dữ quân, quân tự khoan

      Nhân tình phiên phúc tự ba lan

      Bạch thủ tương tri do án kiếm

      Chu môn tảo đạt tiếu đàn quan (*)

Đám mặt chuột dùi cui kêu ông điên, nhưng ông nhất định không chịu nhận rằng mình điên. Chúng đưa chiếc mõm nhọn ra, cong đuôi ngoáy ngoáy, vểnh râu: Đồ điên. Ông trợn mắt: Tao tỉnh. Chỉ có lũ chuột chúng mày mới điên. Chúng giơ dùi cui, ông cong tay ra đỡ. Bốp. Cánh tay như muốn gãy lìa khỏi vai. Ông té đái, ngã đánh huỵch. Trời đất rung rinh, tối ùm. Ông có cảm giác như đang bay lượn vào cõi trống không, đen thui.

Chừng mở được mắt, ông thấy hai người mặc áo bờ lu trắng, tai mang ống nghe, sán tới:

-Nằm yên, nằm yên.

Người kia hờm sẵn sợi dây trong tay. Ông mở mắt thao láo ngạc nhiên ngó hai đứa trẻ bằng tuổi con út ông anh. Người đeo ống nghe giở áo ông lên đặt ống nghe trước ngực, sau lưng, lại đo tay, vạch mắt và cuối cùng dùng búa gỗ gõ gõ mấy cái liền lên đầu gối thiếu điều trái tràm ông bể ngướu.

-Há miệng ra – Một người ra lệnh.

Ông ngó nghiêng lắc đầu, phản ứng yếu ớt.

Một người hỏi:

-Sao bác sĩ?

-Thuốc cho bệnh nhân loại ba.

Người vừa hỏi ném sợi dây lên bàn, quày quã xô cánh cửa bước ra. Lát sau trở vô, một tay cầm ly nước tay kia bụm những viên thuốc màu trắng trong lòng tay. 

<!>

-Bác há miệng ra, tội nghiệp!

Ông há miệng. Những viên thuốc như những viên sỏi nhỏ ném vào trong, lọt tõm xuống đốc họng. Ly nước đưa vô cụng chiếc răng cửa lung lay, đau nhói.

-Uống vào, uống nhiều vào. Nào nuốt! – Giọng anh ta giống như giọng vỗ về một đứa bé.

Xong chuyện, cả hai kéo ghế ngồi cạnh cửa sổ có chấn song sắt. Ông nhìn họ. Hai cái bóng cứ to dần lên, trương phềnh và lầy nhầy như một bãi đờm khổng lồ từ cổ họng con quái vật khạc ra.

Ông lim dim rồi chìm dần vào những cơn mộng mị trắng lóa. Ông nhớ, năm mười hai tuổi, thằng bé con đen nhẻm bước theo đoàn văn công lên tàu. Thằng bé lên tàu chỉ vì mê hát cải lương, mê khuôn mặt xinh xắn cô đào thương Kim Ba, má đỏ, môi son, mắt lúng liếng chớ không như mẹ nó, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm, tay luôn cầm chiếc roi mót. Giây phút ấy người ta không buồn đuổi thằng nhỏ xuống. Còn nó có muốn quay lui cũng không được. Tàu nổ máy xình xịch tách bến…

Thằng bé đen nhẻm đó chính là ông.

Biền biệt hơn hai mươi năm, qua cái “tết giải phóng” ông mới được cơ quan cấp giấy cho về Nam. Gia sản hai mươi năm của ông là chiếc sắc-cốt cá nhân lủng lẳng bên hông, tay kia là bọc áo quần ka ki Nam Định, đôi dép nhựa Hải Phòng và mấy chục chén ăn xuất xưởng ở Hải Dương. Đó là những vật dụng ông sẽ làm quà cho gia đình sau hơn hai chục năm lưu lạc ở xứ thiên đường trên mặt đất khô khốc; phân người và phân trâu quí hơn thuốc tiên, không bà con thân thuộc, bạn bè… chỉ để làm mỗi một việc kéo màn cho gánh hát, sau đổi thành đoàn dân ca Nam bộ. Kéo màn và chạy đạn. Bom đạn ầm ầm. Bao nhiêu lần cái chết đến bên đít. Sống được để trở về xứ cũ đã là may.

Ông háo hức ôm bao nhiêu thứ nặng trịch lốc thốc leo lên tàu lửa, xuống tàu đi bộ, lại lên xe, xuống xe. Cảnh vật bên đường trơ trụi, đường sá lỗ chỗ hố bom nhưng cờ xí thì ngập đỏ đường. Qua cầu Hiền Lương, làng xóm tiêu điều xơ xác, đất bạc thếch. Gói quà trên tay trở nên nhẹ, có ý nghĩa hơn bao giờ. Trong tâm tưởng, ông không ngờ quê hương tan nát đến thế, kẻ thù dã man đến thế!

Đến Huế, tàu trục trặc, phải đổi sang xe cam nhông. Xe ọc ạch, lắc lư như cua gãy càng; nhưng nhờ vậy ông mới tận mắt nhìn Huế, nhìn Đà Nẵng… Ông chưng hửng. Chưng hửng và thả những chiếc chén sứ, từng cái từng cái một xuống đường. Tiếng bể khô nhọn lịm tắt sau đít xe và tiếng bánh rin rít trên mặt đường nhựa trơn láng như có sức vỗ về nỗi hổ thẹn lấp ló đâu đó. Vào Qui Nhơn, Nha Trang ông len lén giấu những bộ áo quần dày cộp vào các bụi cây ven đường mỗi khi xe dừng lại giải lao. Ông làm cái công việc như kẻ cắp. Tới cầu Sài Gòn ông ngó nghiêng, ngó ngửa. Thêm những chưng hửng nữa, len lén ngó xuống bọc dép nhựa nhét trong chiếc bị cói. Nó trong suốt. Nó tốn quá nhiều thời gian của ông, thồi thụt với những con mẹ mậu dịch viên mới có được. Ông nhìn trước ngó sau, ném tõm xuống sông, cảm thấy nhẹ nhàng, thơ thới như lúc chạy theo cô đào Kim Ba.

Ngày ra đi, ông là thằng bé con lêu lổng, mê đờn ca, mê vọng cổ, cải lương. Ông bước xuống tàu nhẹ tênh như chiếc lá rơi nhẹ trên thảm cỏ, không thắc mắc, băn khoăn. Ngày trở về, ông cũng có những háo hức của mấy chục năm trước, nhưng lòng nặng trình trịch. Cứ mỗi lần ném những phần quà ông cắc củm dành dụm từ những tờ tem phiếu, mua mậu dịch, mua chợ trời như thể ông rứt thịt da mình ném xuống đường. Ông ngó nghiêng ngoài cửa xe và khóc. Không phải mừng mà tủi!

Nhưng cái tủi lớn nhất, phải nói là nhục nhất khi trong đầu ông cứ ngỡ cả nhà đói rách, bị bọn tay sai đế quốc lột truồng ra như người tiền sử, thì lúc này, hiện ra trước mắt là những gì cứ như trong mơ. Đúng là trong mơ: vì chốn địa ngục trần gian sao lại quá tươi tắn, tươi tắn gấp ngàn lần thiên đàng hạ giới mà ngày nào ông cũng nghe trên loa? Nó như nhát búa, lưỡi dao dành cho ông, những người như ông, bị lột từ da thịt cho tới đầu óc. Lại tủi, lại khóc ồ ồ như nước ròng rút xuống ồ ồ ngoài vàm cửa Đại!

Nước mắt chừng như rửa sạch phần nào bụi bặm trong đầu, ông lò dò tới cơ quan chìa tấm giấy về Nam. Người phụ trách hỏi cầm chừng, lạt lẽo. Ông đứng xớ rớ, ngó quanh cơ quan vốn là trung tâm xã hội của chế độ cũ, rộng mênh mông.

Ông đi lại năm lần bảy lượt. Cơ quan nói cứ để đó rồi tổ chức phân công. “Để” mãi đến nỗi tờ giấy lạc mất đâu đó và người ta lại nói “Đồng chí chịu khó quay ra đơn vị cũ xin lại phó bản”. Mẹ cứt, có ăn đào tiên trên thiên đình ông cũng chả ngu dại quay đầu ra lần nữa. Mà có quay ra, biết đoàn ở nơi đâu mà tìm? Mười mấy năm “rửa đít” cho chúng đủ lắm rồi. Để hỏi ông anh xin vài công đất cày cấy sinh nhai cũng sướng gấp trăm lần đi kéo phông màn, lo hậu kỳ đúng phận anh chạy cờ. Đủ lắm rồi. Nghĩ vậy, ông phủi đít quay lui.

Lúc mấy thằng nhỏ cho uống thuốc đâu chừng gần trưa. Vậy mà bây giờ trời rựng sáng. Ông đã đánh một giấc dài, nhưng đầu óc không tỉnh táo. Nó nặng trình trịch như đeo chì, lại nhức nữa. Mấy phòng bên cạnh có tiếng ca hát lảm nhảm, tiếng gõ ca nhôm, tiếng rú xa xa nghe như tiếng sói tru trên rừng Tây Bắc ngày nào, nghe ớn lạnh. Ông loay hoay trong gian phòng chật hẹp, bốc mùi ẩm mốc. Gian phòng này, ông là người duy nhất. Cửa đã khoá trái phía bên ngoài. Cửa sổ với những chấn song sắt to hơn cổ tay đứa trẻ, thu tầm nhìn trong khoảng hành lang ngắn. Phía đối diện cũng lại những chấn song sắt bằng cườm tay. Một người đàn ông râu tóc xồm xàm ngồi chàng hảng, xỏ chân qua chấn song, miệng lảm nhảm gì đó ông không tài nào nghe rõ. Người kia đứng sau dùng hai tay cào bới trên đầu bạn. Cào chán lại dùng những ngón tay làm lược chải chải, rồi lại cào làm tóc ông ngồi chàng hảng dựng đứng lên.

Lúc phát hiện có người bên kia phòng, ông chàng hảng toe miệng cười he he. Ông đứng phía sau dòm sang, rú lên:

-Cướp. Thằng kẻ cướp! Nó giựt mái tôn, nó lôi cái giường, kéo con vợ tôi ra bụi chuối. Bớ làng xóm… Hãm… Cướp… Nó cướp sạch nhà cửa đất đai… Nó hãm hiếp vợ con tôi…

Ông ngồi chàng hảng nghe tiếng la, miệng kêu khèn khẹc khèn khẹc, hai tay thọc ra ngoài huơ huơ. Đúng lúc đó, anh giám thị lùn tịt, nủng nỉnh bước tới, ngó nghiêng từ gian này qua gian kia rồi gục gặc đầu như nhà hiền triết, bước thẳng.

Ông đứng quan sát một lúc, nghĩ bụng: Họ điên thiệt rồi. Cái điệu bộ ấy điên là cái chắc. Ông quay lui, định trở lại ngồi xuống chiếc giường sắt, nhưng nghĩ sao, ông bước sấn tới cửa sổ, thọc tay trái ra ngoài, vẫy vẫy:

-Ê, ông bạn, quỡn qua chơi. Bên này có nước trà. Trà hái trên đỉnh Vu Sơn – Nói và ông vén quần đái tồ tồ xuống nền. Cái mùi khai khai, nồng nồng kia không rõ đã bay tới phía cửa sổ gian đối diện hay chưa, nhưng ông chàng hảng bụm mũi, miệng không ngớt khẹc khẹc. Ông đứng phía sau bất ngờ túm tóc bạn ấn mạnh đầu vào chấn song nghe đánh cốp như ông lý trưởng cầm chầu, gõ dùi vào tang trống khiến ông kia kêu rú lên, não nuột như tiếng rú của con sói bị thương.

Bên ngoài nắng lên cao. Những người giám thị khiêng chiếc thùng to bước thủng thỉnh ngoài hành lang. Tới mỗi cửa phòng, một người lấy ca nhựa, giở nắp cửa to bằng bàn tay xoè đặt chiếc ca lên bậu cửa. Người kia múc cháo đổ vào. Nắp cửa đậy xuống. Tiếng bước chân lẹt xẹt tiếp tục nhỏ dần.

Ông đứng nhìn ca cháo loãng, lều bều mấy cọng hành trên mặt y như chút rác nổi trên mặt đìa. Hành trong ca, rác trên mặt đìa.

Ông quay lại giường, nằm xuống. Hai mắt nhắm nghiền. Có khi mình điên thật rồi.

Ông thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn, mộng mị trong ngày đầu tiên ở nhà thương điên.

Anh ông chỉ cho bốn công đất sát mép lộ dẫn vào thị xã, vốn là đất hương hoả, có sẵn ngôi nhà ngói vảy ba gian, thờ cúng ông bà lớp cao. Ông anh nói, thôi chú hãy vào tạm đó, hương khói ông bà. Cúng kính tụi này lo. Mấy công đất ấy, chú chí thú thì cũng có của dư của để, cưới con vợ về hú hí cho vui, lớn tuổi quá rồi. Phần đất còn lại đào đìa thả cá, cấy lúa. Ông hể hả với tấm lòng ông anh và bà chị dâu, suốt ngày vật lộn với chiếc len, không còn bận tâm với mẫu giấy vàng ố thất lạc đâu đó.

Lần đầu tiên ông được sở hữu căn nhà, mảnh vườn, ruộng. Sướng rơn. Ông muốn ăn, ngủ lúc nào tuỳ thích, không phải nghe lệnh, không học tập, thảo luận nghị quyết nghị quét gì ráo, không còn cái tập thể mà ai cũng là chủ, ai cũng tớ, lộn tùng phèo. Chấm dứt cảnh sống chung chạ với tiếng kiểng điều khiển mọi sinh hoạt. Mồ hôi có chảy ra nhiều hơn, mặn hơn nhưng mỗi khi chiều xuống, xong việc ông có thể ngồi trên tấm đệm lác nhâm nhi ly rượu đế, con khô, trái cóc… với mấy ông bạn hàng xóm, và lũ bạn thời cởi truồng. Ông có thể ngửa cổ hát “Cô Tư ơi… sao nỡ bỏ qua đành đạn…ơ…ơ… một mình…” mà không bị kiểm điểm, chỉ mặt là đồ cặn bã tiểu tư sản. Cô Tư là cô nào không có hình hài trong đầu ông, nhưng mỗi lần đưa ly rượu lên miệng là ông nhớ đến cô Tư đến nỗi hàng bao nhiêu năm trời chỉ có cô Tư trong lời ca là ở cạnh ông, hôm sớm với ông. Ông thủ thỉ với cô Tư không thành tiếng. Sợ. Ông sợ bị phê bình.

Một bữa, ông bạn nhậu Ba cá kèo hỏi:

-Sao không chịu lấy vợ?

-Lấy gì ăn, ở đâu?

-Chớ bao nhiêu năm vẫn mình ên?

-Ờ. Mình ên.

-Anh không biết nó nằm ngang, nằm dọc hay sao?

-Không. Mà có chớ sao không! Tiếng kiểng rổn rảng đinh tai nhức óc đó nó ngang dọc khắp người, rồi phê bình, kiểm điểm… dọc ngang nát cả đầu. Biểu lấy vợ? Biết đâu nó không lôi mình ra phê. Ăn ngủ một mình sướng thân.

-Nói vậy, chớ không vợ chồng sao lính đâu ùn ùn kéo vào đông nghìn nghịt?

-Thì là người ta vợ chồng.

-Đích thị ông chẳng biết dọc ngang là cái con mẹ gì.

-Mẹ cứt, đếch cần biết!

Ông không biết thật. Bao nhiêu năm ròng, ông thui thủi. Ăn đã có chiếc bàn dài, có người nấu sẵn, dọn lên. Cả đám ngồi vào… Ngủ đã có cái sập ghép bìa ván, tre nứa. Di chuyển, chạy… liên tục thì nhà cửa vợ con mà làm gì? Với lại… Ông còn đang suy nghĩ, hồi tưởng, thì mẩu khô sặc trong miệng ông bạn chưa kịp nhai, vụt bắn ra ngoài, như thể nó chạy trốn cái sự không thèm biết của người bạn ngồi trước mặt. Ba cá kèo ôm bụng cười sặc sụa, bò lăn bò càng trên đệm. Té ra cha này đi cách mạng là vậy.

…Mấy chục năm theo gánh hát, sự nôn nao rạo rực trong anh chàng mới lớn vụt tắt ngấm khi ông nhìn thấy cảnh đó trên đê, trong đám bắp, cả ở công viên, bờ hồ công khai như cả hai đang trên giường, trong căn phòng kín cửa. Không phải vì “thị dâm”, hay tò mò mà vì ông bị kiểm thảo, rồi bị đưa ra canh giữ đám bắp cải thiện của đoàn; hay lúc đi ngang qua chân đê, lúc nhớ nhà nửa đêm ra bờ hồ quanh quẩn như dòm thấy sông nước mênh mông nơi quê nhà. Ông không cố tình, mà nó cứ tênh hênh bày ra như chỗ không người, tự nhiên như mùa chó động dục. Học hành không mấy chữ, nhưng nhìn thấy cảnh đó, đầu óc ông bèn có sự so sánh quái dị. So sánh xong thì ông ớn như bắt phải nhai thịt mỡ từ ngày này sang năm khác. Ông nghe đầu lưỡi lạt phèo, nhớp nhếch thứ chất lỏng sền sệt khiến ông rùng mình. Rùng mình và sự rạo rực ngày nào tắt ngấm như hòn đá ném xuống sông, chìm sâu tận đáy.

Căn nhà, ông dọn dẹp sắp xếp lại ngăn nắp. Cái đìa sau nhà đào đã xong. Ông tính hỏi mượn bà chị dâu ít tiền mua cá giống về thả, nuôi vài con vịt xiêm, ít gà… với hơn ba công đất còn lại ráng cày cấy, coi như đời sống tạm ổn. Dự tính của ông là vậy, chỉ mới vẽ vời sơ qua, chưa thật có hình hài cụ thể, nhưng cũng khiến ông ấm lòng. Ông hể hả chắp tay sau đít, ngó nghiêng căn nhà ngói vảy còn sót lại, đâu từ thời cụ tổ nhà ông. Nhìn cái đìa loang loáng nước, nghĩ bụng, cũng nên có con vợ. Nếu hồi đó không ham vui nhảy xuống tàu theo gánh cải lương tập kết, giờ này chắc ông cũng vợ con đùm đề…

Đang nghĩ lan man, có tiếng máy xe đỗ xịch trước mặt lộ. Người đàn ông quấn khăn rằn, đầu trùm mũ tai bèo bước xuống, chậm chạp bước vào cổng, gọi lớn:

-Tám Quỡn… Tám Quỡn có nhà không mậy?

Ông xán xở quay lui, không tin vào mắt mình. Năm Thắc đây. Sao ảnh còn sống? Hồi xuống tàu, chức vụ của ảnh là đội trưởng dân quân. Ra ngoài kia được gửi đi học cái gì đó những năm, sáu năm. Tới chừng tình cờ gặp nhau ở Ba Vì, ảnh đã là chính trị viên tiểu đoàn. Hai thằng ôm nhau khóc như cha chết. Chẳng gì cũng người cùng xứ. Năm Thắc hơn ông những sáu tuổi luôn miệng gọi em xưng anh ngọt xớt. Hai thằng kéo nhau vô quán cóc, đánh tới mấy chai cuốc lủi lậu, Năm Thắc lận trong xắc-cốt, với đậu phộng rang.

Chừng ngà ngà, Năm Thắc hỏi:

“Quỡn này, anh nói thiệt, em nên xin cơ quan chuyển công tác khác đi. Cứ đi kéo phông màn cho gánh hát thì chẳng ra con mẹ cứt gì ráo trọi. Coi cơ quan nào kha khá mà chạy đi.

“Em thì biết cơ quan nào, với lại học hành chữ nghĩa bao lăm hơi, ai thèm biên chế vào đơn vị? Nể mặt thì cũng đến bảo vệ, gác cổng, kéo chắn xe là cùng. Mệt rồi. Nhớ nhà quá rồi. Đù má thằng Mỹ. Không có tụi nó, anh em mình đâu đến nông nỗi này. Cái bọn cướp nước khốn nạn, dã man…

“Tức chi. Thắng tới đít rồi. Giải phóng gần sạch rồi – Năm Thắc lên giọng – Sao anh chú nói nghe phải chớ, là chuyển công tác đi- Năm Thắc bóp trán suy nghĩ một hồi – Hay  vào quân đội? Vào đơn vị anh đây này, có cơ tiến thân. Với lại cũng sắp vào Nam. Tới chừng đó, anh em mình sẽ gặp lại cha mẹ, anh em. Tía má em chắc nhớ mày lắm đó nghen.

“Không – Tám Quỡn nói chắc nịch – Em sợ đánh nhau. Sợ máu.

“Coi, cái thằng nhát như thỏ đế. Thôi, tuỳ”.

Đó là lần hai người gặp nhau ngày giáp tết trên đất Bắc, kể từ lúc lên tàu há mồm, lênh đênh trên biển cả mấy chục ngày…

Năm Thắc bên kia sông, Tám Quỡn bên này, nhưng cả hai thường ngoi sông, hái dừa trộm, hái trái bần quẹt mắm tép rong đen thui như cứt chó mà thơm, ngon. Ký ức trong ông về người bạn xa xứ chỉ chừng đó. Nay hắn lại tới thăm mình, sao không ngạc nhiên, không mừng?

Mừng thì ôm nhau. Hai người ôm dính cục, vỗ vỗ lưng nhau như lãnh tụ trên mặt báo. Năm Thắc xô bạn ra, nhưng tay vẫn trong tay, hỏi:

-Thế nào? Công tác cơ quan nào?

Tám Quỡn ngó lên đọt dừa cao tít, chỉ:

-Đấy! – Là có ý nói ông về vườn, đang sống trên mảnh đất nhỏ này. Nhưng Năm Thắc không nghĩ vậy, lại nhớ tới kỷ niệm ngày xưa:

-Hồi đó ẩu thiệt. Giờ kêu trèo lên một thước cũng không trèo nổi! – Nói và ông mở miệng cười ha hả, như tự thưởng trí nhớ tốt của mình, vẫn giữ những kỷ niệm ấm áp với bạn xưa. Tám Quỡn lúc lắc cái đầu sói trơ sói trấc.

Bây giờ ông không bị đè ngửa ra, không bị ném những viên sỏi nhỏ vào họng. Người ta từ tốn hỏi:

-Thế nào, bác cảm thấy dễ chịu không?

Ông trả lời:

-Tôi đâu có điên. Thả tôi ra. Sao mọi người bắt tôi bỏ vô đây?

-Khả quan rồi đấy. Chịu khó điều trị sẽ khỏi thôi. Nào, bác uống thuốc đi nào.

Ngoài sân có bóng người đi qua đi lại, có người ngồi trên băng ghế xi măng. Họ vạch áo bắt rận, mở nút áo gãi rồn rột. Bên kia vòng lưới rào, những người phụ nữ tóc bờm xờm, phơi nắng vừa ca hát lảm nhảm. Có bà bứt cả nút áo để thõng vú như trái mướp khô teo tóp. Ông chỉ tay về phía đó, nói:

-Đấy! Đấy mới thiệt điên. Còn đây đâu có điên gì đâu. Thả tôi ra. Làm ơn thả tôi ra! Nào nào, uống trà Vũ Di Sơn rồi thả tôi ra – Nói và ông vén quần đái tồ tồ xuống sàn. Ngoài Bắc kêu nước chè, nhưng trong Nam mình gọi trà. Chè là chè đỗ chè khoai, bắt anh giã nếp canh hai chưa rồi. Ha ha… Cô Tư ơi… sao cô… Ngon lắm.

Nhân viên trại né sang bên, ngó ông chằm chằm như thể muốn ăn tươi nuốt sống ông già râu ria xồm xoàm, đầu sói trơ sói trấc. Ông gườm gườm, mắt long lên. Nhân viên trại chạy ra, đóng sập cửa lại. Tiếng khoá lách tách. Tiếng xích rổn rảng. Ông nghe như âm thanh trên gò Đống Đa. Cô Tư chết treo trên cành da chỉa ngang mặt hồ. Ông chới với bay lên. Chụp hụt, rớt đánh đụi xuống giường. Yên lặng.

Bên ngoài hoàn toàn yên lặng. Tiếng ca lảm nhảm của cô Tư không còn eo óc bên kia ô lưới rào. Cô Tư đầu tóc rũ rượi ngó ông.

Con lạy ông. Ông gào lên. Năm Thắc ơi là Năm Thắc, ngài mau trả dùm lại căn nhà và khu vườn cho tôi. Của hồi môn hương hoả cô Tư chia cho tôi sao mấy ông kêu của nhà nước? Ui trời đồ đĩ xược. Ông gào to. Mái ngói, trần nhà rung rinh. Úi trời đồ kẻ cướp. Con mụ đĩ xược rộng họng to mồm. Tao mà điên? Tụi đĩ xược ăn cướp mới điên… Anh Năm, tôi chịu. Tôi chịu vào lính với anh đi đánh Mỹ cướp nước. Đồ đĩ xược! 

 

 Nguyễn Lệ Uyên

———————–

(*) Vương Duy, Chước tửu dữ Bùi Địch

Tạm dịch: Rót rượu mời ngài, ngài cứ thong thả uống. Tình người tráo trở như sóng nước. Bạn tương tri giao du với nhau từ thuở đầu xanh cho tới khi tóc bạc, vậy mà lúc gặp nhau vẫn còn để tay lên đốc kiếm đề phòng! Bạn thuở hàn vi đã sớm thành đạt thì cũng đừng nên tới thăm để bị chê cười.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...