Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Tình Yêu: Trần Hoài Thư - Doãn Cẩm Liên

 Chúc Mừng Sinh Nhật Nhà Văn / Nhà Thơ Trần Hoài Thư | Trần Thị Nguyệt Mai


 

Không phải đọc hết cả hai Tuyển Tập Truyện Ngắn và Tuyển Tập Thơ mà thấy hết và hiểu hết được Trần Hoài Thư!


Đọc Trần Hoài Thư từ văn đến thơ là độc giả có ngay một cảm giác rất thật, đời thật, chiến tranh ác liệt thật, toàn chuyện thật. Những chuyện đã xảy ra trong đời của ông. Cũng từng trang sách này cho độc giả thấy “thật” của chữ “khổ nạn” lừng lững theo chân Trần Quí Sách như thế nào. Thế nhưng, đọc kỹ và chậm để thấy rõ hơn là dòng sông cuộc đời của Trần Hoài Thư đã có những khúc quành thật ngoạn mục, đẹp, và sáng rạng rỡ không hề có “khổ nạn” khi ông gặp được chị “vợ” và khi ông có đứa con đầu lòng.


Trong tờ KBC số đặc biệt Trần Hoài Thư, đọc bài “Cho Con Mùa Tựu Trường”. Ông kể chuyện đưa con đến trường ngày đầu. Tâm trạng người bố, tình xót xa của người mẹ khi tạm biệt con ở lại, chuyện thót tim khi con bị lạc trên đường về nhà. Nhiều tình tiết diễn bày, nhưng tôi ngầm hiểu tình thương ông cho thằng con trai là nhất trần đời, không gì thay thế được. Hình chụp minh họa cho bài viết này là bức ông trong bộ đồ lính, mắt miệng cười tít, tay ôm thằng con trai, dơ nó lên như khoe đây là cục vàng y của tôi! Trần Hoài Thư lúc này không phải là Trần Hoài Thư của chiến trường khói lửa, gan dạ, và lầm lì. Một Trần Hoài Thư vui với niềm vui tưng bừng khi bế con.

<!>

Lui lại quá khứ, trong một số Thư Quán Bản Thảo đã đăng, ông Ngô Thế Vinh kể chuyện cái ngày ông được chủ báo Văn Lê Ngộ Châu giới thiệu nàng Yến, người say văn thơ Trần Hoài Thư. Cái ngày đó được đánh dấu là điểm khởi đầu ngày mới, đời mới, màu sắc mới của Trần Hoài Thư. Ông đã được hồi sinh khi có một người yêu dấu để yêu và ngược lại, một cuộc đời có đôi lứa để đi về sau những ngày nồng khói súng, và màu hồng sắc sáng đã chiếu vào quãng đời mới này.


Trần Hoài Thư yêu vợ, yêu chị Yến đến tận cùng. Không còn gì để phân tích hoặc phản ứng nữa. Nó như sao lùn trắng, bão hòa vì không còn nhiên liệu để có phản ứng hạt nhân nào nữa. Cũng như tình yêu của anh dành cho vợ, không gì suy suyển hay thay đổi được.


Thế nhưng, dường như Trần Hoài Thư chỉ rạng ngời ở khoảng thời gian có vợ con bên cạnh. Bằng không thì ngược lại…


Hãy đọc Hương Tình Khổ Nạn. Bảy năm “Khổ nạn” vì chị Yến bị strock, những năm lần bị strock nên trí não bị hỏng, phá hư nhiều chức năng của con người, nói cười, đi đứng. Chị chỉ còn một tấm thân bất động mà anh vẫn tìm ra những điểm để yêu mến. Khi đẩy xe cho chị đi dạo vòng Nursing home.


“Tôi đẩy xe, em ngồi, pho tượng

Nhưng tôi nghe hơi ấm tỏa đầy”


Nếu không yêu vợ, nếu tình yêu thay đổi thì làm gì anh thấy “hơi ấm tỏa đầy”. Có khi chỉ thấy nóng bức hoặc bồn chồn trong giây phút này thôi!


Anh vẫn yêu bờ lưng của chị như ngày nào. Ngày mà bảy năm trước trở ngược đi, anh vẫn từng ôm và nâng niu bờ lưng ấy.


“Tôi áp vào bờ lưng của em

Của một người thánh nữ trần gian

Bảy năm nằm mãi không ngồi dậy

Mà tấm lưng vẫn láng sáp vàng”


Rồi ngay cả mái tóc của chị anh còn tưởng đến hương bồ kết vương vấn. Hừm, người đau bệnh, nằm lì bảy năm thì có còn chăng “mái tóc dạ hương” mà mơ đến mùi bồ kết!? Thế mà…


“Ô kìa, mái tóc mượt mun đen

Hay là em gội bằng bồ kết”


Tình anh nồng nàn ôm lấy chị, cho dù một tuần được một lần gặp, ôm, hôn, hít và thở ra những câu thơ mà người đọc cùng ngậm ngùi với anh chị.


“Ta có nơi về, tuần một buổi

Để lòng ấm lại tuổi chiều hôm

Hôm nay trời bỗng nghe hơi lạnh

Áo choàng này đắp đỡ cho em”

 

Thương quá!


Nhưng “khổ nạn” nào có tha Trần Hoài Thư đâu. Chàng cũng thi đua với nàng để lấy chỉ số 5/1. Nàng năm lần bị strock thì chàng cũng được một lần biết thế nào là trí não bất lực với chính cơ thể của mình. Nhưng Trần Hoài Thư không chịu thua. Chàng cương quyết luyện tập, lấy ý chí ra bắt tay và bắt chân phải vận động. Trần Hoài Thư làm được điều mình đặt ra. Anh đã quăng được nạn, quăng gậy, quăng xe lăn để tự đi trên hai chân của mình. Đi thăm người yêu còn đang bị lưu giữ ở nursing home để chúng ta được đọc bài thơ trên.


11/15/2021


Bài viết đang dở dang thì hung tin Trần Hoài Thư phải cấp cứu vào bệnh viện vì chứng ói ra máu. Và đây bài thơ được viết ra sau năm ngày nằm trong bệnh viện JFK (New York Hospital Center of Queens). Đây Trần Hoài Thư “lì” của con người luôn bị “khổ nạn” dằn vặt:


Thơ từ JFK (Ngày thứ năm ở bệnh viện tặng bạn bè chia xẻ)

Tôi thức dậy, mấy giờ thì cũng vậy

Tôi tình tôi của nẻo bỏ phế trì

Còn đâu căn phòng, máy cắt, máy in

Với dàn computer tôi kéo màn ca hát

Đã quen rồi một bài thơ vừa mang áo mới

Nhưng bây giờ tôi bị đóng ống đinh

Này ống dây chuyền nước biển hồi sinh

Này ống thọc vào tận cùng cổ họng

Này những ống dò tim, ống đo động mạch

Ngay cả thân giường cũng đặt ống ra đa

Nhưng mà làm sao cản được nhà thơ

Thơ gỡ bỏ những nợ trần muốn khóc

Cô y tá ơi, hãy giúp tôi một cây viết

Và cho thêm một vài tờ giấy trắng tinh

Ngày ở đây dài quá, lê thê

Tôi sẽ vịn thơ mà quên khổ nạn.

 

Độc giả yêu mến Trần Hoài Thư xin vào trang nhà Blog Trần Hoài Thư để đọc thêm những bài khác.


“Khổ nạn” hai chữ của định mệnh Trần Hoài Thư. Nó theo đuổi và đóng khung, ôm rịt ông lại. Ông vùng vẫy được khi có cùng vợ con trên đường đời. Nay ông có vẻ chịu thua vì vợ không còn bên cạnh để cùng dựa lưng chống đỡ nó. Chị đã bị dính liền với “nursing home” hay nói cách khác nhà Người già đã ưu ái nuôi dưỡng chị những ngày còn lại. Con trai nay đã có cuộc sống gia đình riêng của mình. Thương xót cha già là phải vật lộn với thời gian sao cho vừa trọn tình cha con, vừa đầy đủ bổn phận với vợ con của mình. Trần Hoài Thư còn lại với dàn máy vi tính, đống máy in, máy cắt, máy đóng gáy… và với “khổ nạn” cay đắng của mình.


“Khổ Nạn”, vì nó là “định mệnh” là “nghiệp chướng” nên nó vẫn lừng lững theo gót chân Trần Hoài Thư như hình với bóng. Cái bóng liền sát với hình chỉ chực chờ ngày nó nhập vào thành một. Ngày nào đó, ai mà biết được. Và chỉ cầu mong ngày đó không gần kề, để độc giả yêu mến Trần Hoài Thư vẫn còn được tiếp tục đọc Thư Quán Bản Thảo, để vẫn còn tiếp tục nói cười với ông qua thơ văn.


Mong thay!

 

Doãn Cẩm Liên

California, ngày 15 tháng 11 - 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...